VẤN ĐẠO ĐẠT MA - Chân Thường dịch và bình

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 70202)


Đầu thế kỷ 20 một số bản văn cổ đã được khai phá ra ở Trung Quốc (động Đôn Hoàng), trong đó có một số tài liệu được cho là của đệ tử Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã ghi chép lại.


Sau đây là một vài góp nhặt từ những bản ghi chép của đệ tử ngài Đạt Ma.


Hỏi: Thế nào là tâm Phật?


Đáp: Tâm ngươi chính là tâm Phật. Khi ngươi thấy cái bản chất nhất thể của tâm, thì đó gọi là Như Như. Khi ngươi thấy tánh thường hằng không thay đổi của tâm, thì đó gọi là Tam thân Phật (pháp thân, báo thân, hóa thân). Nó chẳng thuộc về gì cả, nên được gọi là Giải thoát. Nó vận dụng dễ dàng và tự do, không bị nhiễu loạn bởi ngoại duyên, nên gọi là Chân Đạo. Nó chưa bao giờ sinh, nên cũng không bao giờ diệt, đó gọi là Niết Bàn.


Hỏi: Thế nào là Như Lai?


Đáp: Đó là người nhận ra được mình không đến từ đâu, và cũng chẳng đi về đâu.


Hỏi: Thế nào là Phật?


Đáp: Đó là người ngộ được chân lý, mà thấy chẳng có gì để ngộ cả.


Hỏi: Thế nào là Pháp?


Đáp: Cái chưa từng được đặt ra, và cũng chẳng bao giờ bị giảm đi, đó gọi là Pháp, là cái thường của Vũ Trụ.


Hỏi: Thế nào là Tăng?


Đáp: Gọi như vậy là vì do cái đẹp của sự hòa đồng mà ra.


Hỏi: Thế nào là quán Không?


Đáp: Quán sát mọi sự nơi thế giới hiện tượng nhưng luôn luôn không rời gốc Không của chúng. Đó là quán Không.


Hỏi: Làm sao một người nam sống mà thấy như không nam, và một người nữ sống mà thấy như không nữ?


Đáp: Phật tánh không có khác biệt giữa người nam và người nữ; chẳng có một thực thể nào được chỉ định sẵn như là một người nam hay người nữ. Những yếu tố vật chất duyên hợp đã phát sinh ra cỏ và cây, cũng như con người sinh ra vậy. Để so sánh phân biệt người ta gọi đó là “cỏ” hay là “cây”. Con người ta đặt ra đủ loại tên cho những thứ huyễn ảo thấy trên đời. Phật nói, “Nếu có người thấy được rằng tất cả mọi hiện tướng đều là hư vọng, người đó có thể sống trên một cõi giới cao hơn một con người bình thường.”


Tất cả chư Phật đều nói đến tánh Không. Tại sao? Bởi vì các ngàiï muốn phá vỡ những kiến chấp nơi các đệ tử của họ. Nhưng nếu một đệ tử nào lại chấp vào ý niệm Không, thì như vậy là đã phản lại Phật. Có người chấp vào Sinh mặc dù chẳng có gì để gọi là Sinh; có người chấp vào Tử mặc dù chẳng có gì để gọi là Tử. Thực ra là không có gì để mà sinh, nên cũng không có gì để mà diệt.


Qua sự chấp thủ bám víu người ta nhận diện một sự vật hay một ý niệm. Chân lý không có trong, không có ngoài, cũng chẳng ở giữa. Người mê tạo nên những mê vọng và đau khổ vì những ý niệm phân biệt của mình. Chân lý hiện thực không có phải và trái. Người mê tạo ra chúng, nhận diện chúng, cho chúng là ở xa hay ở gần, ở ngoài hay ở trong. Sự phân biệt đối đãi đó là gốc của phiền não. Trong thế giới hiện tượng điều này thường hay xẩy ra.


Những điều Phật dạy chúng ta khiến có thể khai mở được trí tuệ vô thượng giác. Không ai có thể dùng ngôn từ mà diễn tả lại điều ấy được, chỉ có thể tự mình kinh nghiệm lấy thôi.



Hỏi: Đạt đạo có những cách nhanh và chậm chăng?


Đáp: Nếu thấy tâm đồng với thời gian vô tận vô thủy vô chung, thì người ấy sẽ chóng đạt đạo, còn nếu đặt ra một thời điểm trong tâm và nhắm vào một điểm đến nào đó, người ấy sẽ chậm đạt đạo. Người trí biết tâm mình là đạo, kẻ ngu thấy đạo ở ngoài tâm. Hắn không biết đạo ở đâu, mà cũng chẳng biết tâm mình chính là Đạo.


Hỏi: Thế nào là một đệ tử thông tuệ, và thế nào là một đệ tử tầm thường?


Đáp: Một đệ tử thông tuệ không bám vào những lời thầy giảng, mà tự mình thể nghiệm chân lý. Một đệ tử tầm thường nương tựa vào những lời của thầy để dần dần tìm hiểu ra.


Một vị thầy có thể có hai loại đệ tử; người nào nghe thầy giảng mà không chấp trước những gì hữu vi hay không hữu vi, hình tướng hay không hình tướng, cũng chẳng có một niệm gì về động hay tịnh... đó là người đệ tử thông tuệ; còn người nào ham muốn hiểu biết nhiều, tích tụ những điều diễn giải, và lẫn lộn cái tốt với cái xấu là người đệ tử tầm thường.


Người đệ tử thông tuệ hội được lý ngay tức thì; người ấy không cho là tâm mình nâng cao khi ï nghe lời thầy giảng, cũng chẳng tìm cầu theo tâm của những bậc trí giả; người ấy đã vượt qua sự đối đãi của trí huệ và si mê.


Còn người nghe giảng pháp và không còn bám víu vào những dục vọng thế gian, không yêu Phật hay yêu Pháp, nhưng nếu được bảo phải chọn một trong hai, mà người ấy chọn sự an tĩnh hơn vọng động, chọn trí tuệ hơn là si mê, chọn tịnh hơn là động và cố chấp thủ vào một thứ, người ấy là một đệ tử tầm thường.


Người nào có thể vượt qua được sự phân biệt giữa trí huệ và vô minh, không tham trước vào những lời pháp, không sống trong sự luôn luôn phán xét thế nào là đúng là phải, cũng chẳng mong cầu sẽ trở thành Phật hay Bồ Tát, người ấy là một đệ tử thông tuệ.


(Trích dịch từ Daily Zen Journal)



Lời Bình:



Không có gì để gọi là Sinh, không có gì để gọi là Tử; chỉ vì chúng ta chấp thân này là thật nên mới thấy sinh tử... Cái Không của Tổ Đạt Ma đã phá vỡ đến tận cùng những thói quen nhận định của chúng ta, những thói quen nhìn sự vật theo một phía này đối với phía khác, theo cách kiến giải đối đãi của có hay là không, trái hay phải, trong hay ngoài v.v...


Chúng ta hay bị lôi cuốn vào những hiện tượng trước mắt, nhận giả làm chân, mà không biết đến cái gốc rễ thường có sẵn. Trăng thấy có lúc tròn lúc khuyết, nhưng trăng vẫn là trăng không suy suyển. Ngày và đêm nối tiếp với sáng và tối, nhưng không gian vẫn là không gian không đổi thay.


Thói quen nhìn sự việc một cách phiến diện, phân biệt hai bên đã đưa con người vào mê lộ, không chỉ trong những việc thế gian, mà cả trong con đường tu đạo. Làm sao một con người bình thường có thể hiểu được tính Không này nếu chỉ dựa trên những bề ngoài của hình tướng hữu vi? Vì những gì Tổ Đạt Ma muốn truyền đạt là vượt ra ngoài sự suy luận nghĩ bàn của đối đãi hai bên. Chẳng thế mà ngài đã phải ngồi diện bích trong chín năm, một chiếc bóng cô đơn tự ngồi đối mặt, vì thiên hạ bao la rộng lớn nhưng chẳng có ai hiểu được người.


Cám cảnh thay cho một vị thánh tăng đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ qua xứ lạ quê người để trao truyền lại điều cốt yếu đã được thừa kế từ thời Đức Phật bổn sư. Cái được truyền trao ấy là gì? Cái gọi là “Tâm truyền Tâm” không khỏi đưa đến thắc mắc về chữ Tâm, tâm ấy là tâm nào, và tâm nào được truyền?


Thật sự ra, nếu đọc những bài kệ của các vị tổ truyền cho nhau khi thị tịch, ta sẽ thấy được một điều: cái được truyền ấy là cái Không Tâm, Không Pháp, và chính cái Không Tâm, Không Pháp ấy cũng được gọi tên là Tâm và Pháp vậy. Điều có vẻ như đối nghịch nhưng lại hiện hữu đồng thời ấy chẳng thể dùng lý luận giải thích, mà chỉ được hiểu là Như Thị. Đức Phật đã để lại cho tổ Ca Diếp bài kệ:


Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp



(Pháp vốn gốc không pháp
Không pháp cũng là pháp
Nay không pháp được truyền
Các pháp đâu từng pháp)




Những lời của Tổ tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa biết bao ý nghĩa mà ngàn vạn trang kinh cũng chỉ nói đến điều đó! Bởi vì cái ý nghĩa tột cùng không thể nào được giải bầy qua chữ nghĩa!


Mấy ai hiểu được Tổ Đạt Ma! Có lẽ chỉ có thể hiểu được ngài khi thấy không có gì để hiểu! Trong “Ngộ tánh luận”, Tổ đã nói như sau:
“Không thấy một pháp nào gọi là đắc đạo, không hiểu một pháp nào tức là hiểu pháp; bởi vì thấy không phải là thấy mà cũng chẳng phải là không thấy, hiểu không phải là hiểu mà cũng chẳng phải là không hiểu. Thấy cái không thấy mới là cái thấy đúng thực. Hiểu cái không hiểu mới là cái hiểu đúng thực.


Cái thấy đúng thực không phải là cái thấy đối đãi, mà là thấy ở nơi cái không thấy. Và cái hiểu đúng thực không phải là cái hiểu đối đãi, mà là hiểu ở nơi cái không hiểu. Nói là có cái để hiểu tức là không hiểu. Không còn cái để hiểu mới đúng thực là hiểu. Hiểu chẳng phải là hiểu cũng chẳng phải là không hiểu vậy.”


Ôi sắc bén thay, gươm trí tuệ mà Tổ đã dùng để chặt đứt những kiến chấp sâu dầy của chúng ta!


Chân Thường
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc