TỌA THIỀN - HT Thích Tâm Giác

04 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 35516)



TỌA THIỀN


Thích Tâm Giác


Phật lịch 2507 (1963)

 

blue-zenkoan-content




LƯỢC SỬ THIỀN TÔN


 Phật giáo bắt nguồn từ Đức Thích Ca bên Ấn Độ. Giáo pháp của ngài được chia ra làm hai phái: Đại Thừa (tiến bô phái) và Tiểu Thừa (bảo thủ phái).


 Giáo pháp Tiểu Thừa thịnh hành ở Nam Ấn Độ, rồi truyền bá sang Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Cao Miên, Ai Lao v.v.. Giáo pháp Đại Thừa thịnh hành ở Bắc Ấn Độ, rồi truyền bá sang Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam v.v..


 Trong Đại thừa có nhiều tôn phái; mỗi tôn phái theo mỗi kinh điển và lập học thuyết khác nhau, như tôn Hoa Nghiêm, tôn Thiên Thai, hai tôn này tượng trưng cho giáo nghĩa triết học Phật giáo. Tịnh Độ tôn cũng gọi là Tha Lực Tôn, tôn này chủ trương khuyên người niệm Phật Di Đà để sau khi chết, nhờ sự cứu độ của đức Phật A Di Đà được vãng sinh về Thế giới Cực Lạc.


 Thiền tôn chủ trương dạy người ta ngồi Thiền để thấy Phật tính ngay ở Tâm mình; nếu hành giả ngộ được cái Bản Tâm sẵn có của mình (Phật tánh) sẽ tự giải thoát được mọi sự phiền não mê lầm.


 Thiền là căn bản của Phật giáo. Về quá trình, đức Thích Ca đã lấy Thiền làm môn tu đạo, do đó Ngài đắc đạo thành Phật. Thiền cũng là pháp môn tổng hợp tất cả các tôn phái trong Phật giáo.


 Lý tưởng của Thiền đã được Đức Phật Thích Ca Như Lai kinh nghiệm và chứng ngộ trên con đường sinh hoạt và trên thực tế. Thiền được truyền đến ngày nay đều bắt nguồn từ Ấn Độ.


 

 

Thiền Tôn tại Ấn Độ


 Kinh Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghị có chép:


 “Một lần nọ Đức Thế Tôn Thích Ca Như Lai được các vị Đại Phạm Thiên Vương thỉnh Ngài lên hội Linh Sơn thuyết pháp. Khi Đức Thế Tôn tới, các vị Thiên vương ai nấy cầm hoa sen ra lễ quỳ, để cầu mong Đức Thế Tôn thuyết pháp cho nghe.


 Đức Thế Tôn cầm hoa sen dơ lên, im lặng không nói một lời, thính chúng thấy vậy, ai nấy đều ngạc nhiên chẳng hiểu nguyên do. Trong Pháp hội, chỉ riêng có Ngài Ca Diếp mỉm cười khi thấy Đức Thế Tôn im lặng dơ cành hoa lên (Niêm hoa vi tiếu).


 Đức Thế Tôn liền gọi Ngài Ca Diếp bảo: “Chỉ có nhà ngươi ngộ được Tâm ta ở ngoài ngôn ngữ văn tự, ta sẽ truyền “CHÍNH PHÁP NHÃN TẠNG, NIẾT BÀN DIỆU TÂM” cho ngươi.


 Từ đó về sau, đạo nghiệp của Như Lai lấy Tâm truyền Tâm; Thiền tôn bắt nguồn từ đó.


 Ngài Ca Diếp là vị đầu tiên đắc truyền Tâm ấn nơi Đức Phật Thích Ca, rồi sau truyền lại cho Ngài A Nan. Đó là phương pháp “Dĩ Tâm truyền Tâm”, kéo dài đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị Tổ đời thứ 28 trong Thiền sử (520).


 Sau đây là 28 vị Tổ Thiền sư bên Ấn Độ:


  1. Ma-Ha Ca-Diếp
  2. A-Nan
  3. Thương-Na Hòa-Tu
  4. Ưu Ba Cúc Đa
  5. Đề Đa Ca
  6. Di Già Ca
  7. Bà Tu Mật
  8. Phật Đà Nan Đề
  9. Phục Đà Mật Đa
  10. Hiếp Tỳ Khiêu
  11. Phú La Dạ Xa
  12. Mã Minh
  13. Ca Tỳ Ma La
  14. Long Thọ
  15. Ca La Đề Bà
  16. La Hầu La Đa
  17. Tăng Già Nan Đề
  18. Già Tà Xà Đa
  19. Cưu Ma La Đa
  20. Xà Dạ Đa
  21. Bà Tu Bàn Đầu
  22. Ma Loa La
  23. Hạc Nặc La
  24. Sư Tử Tỳ Khiêu
  25. Bà Sá Tư Đa
  26. Bất Như Mật Đa
  27. Bát Nhã Đa La
  28. Bồ Đề Đạt Ma

 


 

Thiền Tôn tại Trung Quốc

 


 Thiền được coi như truyền vào Trung Quốc bắt đầu từ Bồ Đề Đạt Ma Tổ sư vào khoảng thế kỷ thứ sáu. Ngài đến truyền đạo Thiền vào Trung Quốc đúng vào thời vua Lương Vũ Đế tại vị (502-549), một vị vua sùng tín Phật giáo. Sau khi được gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma, vua Lương Vũ Đế mới biết thế nào là giáo pháp Tọa Thiền.


 Ngài nói: “Nhờ pháp Tọa Thiền mà ta được an tâm, do Tâm an mà Trí tuệ phát sinh, cao cả mầu nhiệm thay! Thiền là ngọn đuốc Trí tuệ để soi tỏ nẻo đường tối tăm mê muội cho chúng sinh. Thiền là phép mầu giải thoát cho cái Tâm đau khổ của con người. Nhờ Thiền mà Tâm ta được tự do; nhờ Thiền mà Tâm ta được thanh tịnh giải thoát.”


 Nhờ cơ duyên đó, trên từ vua chúa, dưới đến thứ dân, ai nấy đều nhiệt tâm tham học đạo Thiền.


 Tổ Bồ Đề Đạt Ma là Tổ thứ 28 bên Ấn độ. Qua Trung Quốc, Ngài thành Sơ Tổ tại Trung Quốc.


 Sau khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma thị tịch, có Ngài Huệ Khả là người Trung Quốc kế tiếp, tức là Tổ thứ hai ở Trung Quốc. Ngài Tuệ Khả đắc ngộ đạo Thiền, đắc truyền Tâm Ấn nơi Đạt Ma Tổ Sư. Về sau Y Bát được truyền đến các vị Tổ kế tiếp rồi đến Tổ thứ sáu là Tổ Tuệ Năng.


 Tổ Tuệ Năng sinh tại tỉnh Quảng Đông, lúc thiếu thời kém sự bút nghiên nên ít được người chú ý kính trọng. Tuy Ngài ít học hành, nhưng có thiên tài, thông minh khác thường. Lúc tuổi thanh niên, Ngài theo học Thiền ở Hoằng Nhẫn Thiền sư, chứng ngộ được đạo Thiền và được Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát cho.


 Đến đời Tổ Tuệ Năng, Thiền cơ được biến chuyển canh tân, nghĩa là phương pháp bí truyền theo kiểu Ấn Độ chỉ có một người truyền cho một người phải được hủy bỏ, khiến cho đạo Thiền được phổ biến với tất cả nhân gian. Đến ngài Tuệ Năng, đạo Thiền mới thực thụ hoàn toàn Trung Quốc hóa.


 Từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 11, Thiền Tôn có thể là Trung tâm thế lực trong Phật giáo Trung Quốc, vì ở thời đại này Thiền Tôn thịnh hành nhất. Tuệ Năng thiền sư trở thành bậc đại danh tăng, tôn giáo gia, giáo dục gia … Môn đệ của Ngài có nhiều vị đắc đạo nổi tiếng như: Nam Nhạc, Thanh Nguyên, Mã Tổ, Bách Trượng, Quy Sơn, Lâm Tế…

 

 


Thiền Tôn tại Nhật Bản


 Từ Trung Quốc, Thiền được truyền vào Nhật Bản, cùng song song với các tôn phái khác có lẽ đã lâu, nhưng mãi đến thời đại Kamakura khoảng thế kỷ thứ 13 trở đi, Thiền tôn mới được thịnh hành. Từ đó một mặt chư tăng Nhật Bản sang Trung Quốc tham học Thiền trở về nước, một mặt chư tăng Trung Quốc tới Nhật Bản truyền bá đạo Thiền. Trong thời gian này, hai nước đều đem đạo Thiền làm quốc giáo, trao đổi văn hiến. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 17 Thiền tôn rất được thịnh hành.


 Theo hệ thống, Thiền tôn Trung quốc chia làm hai phái: phái Nam Nhạc thuộc Lâm Tế tôn, phái Thanh Nguyên thuộc Tào Động tôn. Thiền ở Nhật Bản không ngoài hai tôn đó. Lâm Tế tôn được truyền cho Ngài Vinh Tây (1215), Tào Động tôn truyền cho Ngài Đạo Nguyên (1253).


 Thiền tôn truyền vào Nhật Bản, phương pháp tu hành của Thiền rất thích hợp với tính tình dân Nhật, nên ngay ban đầu Thiền tôn đã được các nhà trí thức, vương giả, công hầu, võ sĩ ưa chuộng. Dần dần lan tràn toàn quốc, đạo Thiền thấm nhuần vào mọi tầng lớp nhân gian.


 Thiền chẳng những là pháp môn tu để giải quyết vấn đề trọng đại sinh tử, chẳng những là pháp môn tu dưỡng vận mạng mà Thiền còn là phương thuốc để chữa cho bao tâm hồn đau khổ có thể hồi phục bản tánh, giải thoát con người.


 Đạo Thiền rất ảnh hưởng đến nền tảng sinh hoạt của dân tộc Nhật Bản. Nhờ đó, người Nhật đã phát huy được những khả năng thiên nhiên cao quý. Thiền đã trở thành trung tâm điểm của văn hóa, nghệ thuật và võ sĩ đạo của Nhật Bản.


 Như vậy đủ thấy từ thời đại Kamakura trở về sau, Thiền đã là một lực lượng cốt yếu làm sáng tỏ nền văn hóa Nhật Bản. Nhật Bản được văn minh tiến bộ cũng do đạo Thiền một phần lớn.


 Hiện nay các tầng lớp nhân dân, nhất là giới học sinh, giới công nhân, đều lấy môn tu Thiền làm môn sinh hoạt tinh thần, làm môn tu cho đạo đức gia đình. Cho nên, đến nước Nhật, người ta thấy phần nhiều đàn ông ít nói, đàn bà thùy mị, phần lớn đều do ảnh hưởng Tọa Thiền mà ra cả.


 Ở Nhật Bản, Thiền Đại Thừa là thịnh hành hơn cả, các đạo tràng tu Thiền và Thiền viện, chùa Thiền, nơi nào cũng mọc lên như nấm; nhất là Thiền được áp dụng vào các ngành sinh hoạt hàng ngày của dân chúng, như Trà đạo, Hoa đạo, Thư đạo, Nhu Đạo, Kiếm đạo… Thiền được làm căn bản tượng trưng cho các ngành đó. Các hành giả từ Âu Mỹ hiện đang tiếp tục kéo đến Nhật Bản tu Thiền rất đông và các Thiền sư ở Nhật cũng đang có một cao trào truyền bá đạo Thiền sang Âu Mỹ. Hồi trung tuần tháng 10 năm 1961, hai nước Nhật Mỹ đã lập một đại hội kỷ niệm để đánh dấu 70 năm Phật giáo Nhật Bản truyền vào Mỹ Quốc.

 


 

Thiền Tôn tại Việt Nam


 Theo Việt Nam Phật giáo Sử lược của Mật Thể Pháp sư, Thiền tôn ở Việt Nam được bắt nguồn từ ngài Tỳ Ni Đa Lưu chỉ vào khoảng niên hiệu Tả kiến (317-419), rồi truyền cho ngài Pháp Hiền, Vô Ngôn Thông Thảo Đường.. rồi đến các tôn Tào Động, Lâm Tế v.v… Phần lớn các ngài đều là người Trung Hoa và Ấn Độ sang Việt Nam truyền giáo.


 Theo hành trình của Tổ Bồ Đề Đạt Ma thì trước khi đến Trung Quốc, ngài đã phải mượn đường bộ qua Việt Nam, rồi mới tới được lục địa Trung Hoa. Có thể đoán chắc rằng với một vị lữ hành truyền giáo như Tổ Đạt Ma, chẳng ít thì nhiều, người Việt Nam cũng được ảnh hưởng sự giáo hóa trong những ngày lưu trú của ngài.


 Sử chép đời nhà Trần (1278), Phật giáo thịnh hành, nhân dân an lạc đều do ảnh hưởng của Thiền và nhất là có ba vị Thiền sư nổi tiếng thời đó là:


1- Vua Trần Nhân Tôn

2- Pháp Loa Thiền Sư

3- Huyền Quang Thiền Sư

 


Vua Trần Nhân Tôn xả ngôi vua, vào núi Yên Tử tu thiền. Sau khi đắc đạo, ngài đem đạo pháp giáo hóa khắp nhân gian cho ai nấy hiểu đạo tu hành. Trước khi thị tịch, ngài truyền Thiền tâm cho đệ tử là Pháp Loa Thiền sư. Ngài Pháp Loa sau truyền cho Huyền Quang Thiền sư. Người ta thường gọi tắt ba vị thánh tăng này là Trúc Lâm Tam Tổ, nghĩa là ba vị Tổ đắc đạo Thiền cùng tu ở núi Yên Tử, lấy tên là phái Trúc Lâm. Sự nghiệp của ba vị Thánh tăng và lịch sử Thiền tôn Việt Nam, nếu vị nào muốn tường tận nên coi bộ Phật giáo Việt Nam Sử lược.


Theo lịch sử cũng như di tích còn lưu lại ở núi Yên Tử và các vùng lân cận, như chùa, tháp, bìa tượng… đủ biết Thiền tôn rất thịnh hành ở đời Trần. Chính Trúc Lâm Tam Tổ mới thực sự Việt Nam hóa Thiền tôn vậy.

 

 

 

THIỀN LÀ GÌ

 


 Thiền là gì?


 Cái tâm được phân tích mổ xẻ, để tìm hiểu tính tình con người, thiện hay ác, thông minh hay đần độn, dũng cảm hay sợ sệt, quân tử hay tiểu nhân… những cái suy lường, phân tích đó mệnh danh là Tâm Lý Học.


 Còn cái tâm phân biệt, chấp trước, nhân ngã, tham lam, hờn giận ngu si… gọi là vọng tâm, tà tâm hay chúng sinh tâm. Cái tâm này phải được tiêu trừ để Từ Bi tâm, chân chính Trí tuệ tâm, Phật tâm xuất hiện. Tu luyện để tiêu trừ vọng tâm, phát lộ chân tâm là chân lý của Thiền học hay là Thiền định.


 Thiền định cũng gọi là môn tu nhiếp tâm hay là môn tu tập trung tư tưởng. Cái tư tưởng phân biệt của con người vô cùng phức tạp, mỗi người mỗi tư tưởng khác nhau, vì khác nhau cho nên mới cấu tạo nên muôn sự bất bình, rồi tội lỗi phân ly từ đó phát sinh để gây nên muôn nghìn đau khổ cho mình, cho người, cho gia đình, xã hội quốc gia, thế giới nhân loại. Kết quả đều do cái tâm phân biệt, cái tư tưởng sai lầm mà phát sinh ra.


 Để thu nhiếp, an định cái tâm phân biệt, cái tư tưởng sai lầm kia và phát huy cái Chân Tâm Thanh Tịnh sẵn có phải dùng phương pháp gọi là Thiền định hay là Tọa Thiền.


 “Hết thẩy chúng sinh đều có tính Phật”, đó là tín điều của căn bản Phật giáo. Tính Phật là cái “Chân Tâm thanh tịnh sẵn có” đã nói ở trên. Tâm ấy, hết thẩy chúng sinh đều có, nên cũng gọi là BẢN HỮU hay là BẢN LAI DIỆN MỤC, nghĩa là cái Chân Tâm (Phật Tâm).


 Thái tử Tất Đạt Đa là thái tử một vương quốc Ấn Độ khi xưa, Với địa vị của ngài, sự sung sướng ở đời mấy ai sánh kịp. Nhưng Ngài nhận xét: cái cao quý nhất mà người ta mến giữ là vận mệnh con người. Trong một khoảng đời, dù dài dù ngắn, người ta cũng vất vả nhọc nhằn, đau khổ vì nó. Đã bao người vì nó mà nhắm mắt gây nên tội ác tầy trời để thỏa lòng dục vọng. 


 Rồi nhất đán, không ai tránh khỏi TỬ THẦN đau khổ, bao sự vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, lâu đài tráng lệ cũng trở thành giấc mộng ngàn thu, mà chỉ mang theo những tội nghiệp dây oan (nghiệp lực) để dẫn dắt THỨC THẦN sa đọa vào trăm ngàn nẻo ác.


 Bởi những động cơ đó, Thái tử Tất Đạt Đa muốn tìm một con đường để giải thoát giấc điệp triền miên cho chúng sinh và đưa chúng sinh tới cảnh an vui vĩnh viễn (Niết Bàn).


 Rồi một canh khuya vắng lặng Ngài đã quyết tâm xa lìa thê tử, quốc thành, ngôi báu xem nhẹ tựa lông chim, để quyết chí tìm đường tu đạo.


 Sáu năm trường dầm sương dãi nắng trên đỉnh núi Tuyết Sơn, Ngài đã khắc phục gian khổ để quyết chí tu tập đạo Thiền (Thiền định).


 Một buổi sớm mai, hoát nhiên trên đỉnh môn phóng ánh hào quang, Ngài ngộ đạo thành Phật (đắc Thiền). Ngài nói: “Sung sướng thay, ta đã tìm thấy cái “Bản Tâm Thanh Tịnh” an lạc sẵn có (Bản Lai Diện Mục) nơi hiện thân, nhờ đó mà giải thoát được mọi sự đau khổ để tới cảnh giới an tâm, an lạc.


 Ngài tuyên ngôn: “Ta đã thành Phật”.


 Những ai trừ được tà tâm vọng niệm, không để cho cảnh khổ, cảnh vui ở đời chi phối, không để xiềng danh bả lợi lôi cuốn mình vào vực sâu hang thẳm, vươn mình tinh tiến tu luyện thân tâm, sẽ trở lại cái tâm thanh tịnh sẵn có của mình (Knowing your original nature means knowing your true nature).


 Cái Tâm Thanh Tịnh sẵn có mệnh danh là Chân Tâm hay Phật tính; Tâm ấy bao la cả vũ trụ, hết cả không gian (vô lượng quang), không cả thời gian (vô lượng thọ), không hay nơi bắt đầu (vô thủy), không hiểu nơi cuối chót (vô chung).


 Cái Tâm ấy không thêm, không bớt, không thanh, không trọc, không sinh, không tử, không tội, không phúc; nó siêu việt hết thẩy vạn sự, vạn pháp ở thế gian.


 Nếu hành giả đạt tới được Tâm ấy thì gọi là ngộ đạo, hay là Chánh giác. Đức Thích Ca Thế Tôn, sau sáu năm khổ hạnh tu Thiền, đột nhiên ngộ đạo. Ngài nói: “Thương thay cho hết thẩy chúng sinh chỉ vì quên mất cái Bản Tâm thanh tịnh của mình (Phật tính) nên cả một đời cứ theo hoài cái tâm giả tạo, tự đón lấy muôn ngàn đau khổ nhọc nhằn.”


 Tóm lại, hành giả tu Thiền phải lấy “Minh Tâm Kiến Tánh” làm chung điểm.

 

 

 

PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH CỦA THIỀN

 


 Hành giả tu Thiền cần phải chú ý đến những yếu điểm sau đây: SUY NGHĨ PHÂN BIỆT mà mình nhận là của ta, đó là ý thức phát khởi cần phải buông xả.


 Đạo Nguyên Thiền sư nói: “Ngồi cho ngay thẳng để nghiêm chỉnh thân tâm, rồi tự dẹp vỏ những mối NIỆM TƯỞNG do vọng trần ngoại cảnh phát sinh để dẫn tâm mình vào nơi KHÔNG NIỆM TƯỞNG, nghĩa là khi tọa Thiền, phải gạt bỏ ngay những mối niệm SUY NGHĨ, phân biệt, để đem tâm vào thế giới THANH TỊNH BAO LA, không để cho những mối suy nghĩ phân biệt làm chướng ngại tâm định.


 Bản chất của Thiền là Phật tính, không phân biệt lớn bé, già trẻ, nam nữ, giầu nghèo, sang hèn, trí tuệ hay ngu si… hết thẩy ai cũng đầy đủ Phật tính, nên ai cũng có thể tu Thiền định và Kiến Tính thành Phật.


 Hành giả phải đặt lòng tin: chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ sư, các bậc tiền nhân đều mượn phương pháp Tọa Thiền làm con đường tu niệm, tinh tiến mãi rồi có ngày kiến tính thành Phật (đắc Thiền).


 Có người hỏi: “TỌA THIỀN” mà không đắc Thiền, đắc Đạo, nghĩa là không kiến tính thành Phật thì có lợi ích chi?”


 Trong khi Tọa Thiền, thân thể trang nghiêm, tâm thần vắng lặng. Thân thể ngồi trang nghiêm thì trừ ngay được những hành động đáng tiếc xẩy ra, như hay nói năng, ưa ăn uống “họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập” … hay đi, hay nằm, hay ngồi, hay chơi bời vô ích… Tâm thần vắng lặng thì trừ được vọng tâm tán loạn. Lợi ích là ở đó.


 Chưa nói đến ngộ Thiền đắc đạo, chỉ trừ được vọng tâm và hành động của thân tâm cũng đã được vô cùng lợi lạc. Rồi do ít loạn tưởng, tâm thần sẽ thảnh thơi sung sướng, bớt nói năng, bớt ăn uống phóng túng, hành động bừa bãi, mà thân thể được khang kiện sống lâu và được nhiều người tôn trọng.


 Thiền sư Sogen nói: “Tọa Thiền 30 phút là 30 phút hành giả vào được Thế giới Phật, tọa Thiền một giờ là được một giờ Thế giới Phật xuất hiện.


 Những điểm trên cho ta thấy dù những ai chưa đắc đạo cũng đã thâu gặt được vô cùng lợi lạc trong lúc tọa Thiền.


 Còn hành giả nào chuyên tâm tu thiền, không kể năm tháng, tinh tiến không ngừng, người ấy tất nhiên diệt trừ dần dần những đám mây mù của vô minh vọng niệm, để nhường chỗ cho ánh “Linh quang sẵn có” (Bản Lai quang) xuất hiện. Lúc này Hành giả sẽ nhờ ánh Linh quang của mình, thấy được mười phương thế giới chư Phật, biết được tâm địa hết thẩy chúng sinh; nhờ ánh Linh quang ấy mà giải thoát được hết thẩy đau khổ, chứng cảnh Niết Bàn.


 Ngày xưa, khi Đức Thích Ca Thế Tôn đắc Thiền, có hào quang xuất hiện nơi đỉnh môn, đó là ánh Linh quang sẵn có của chính Ngài phát xuất.


 Trong khi tọa thiền, có nhiều hành giả thường trông thấy hoặc mơ thấy ánh hào quang, đó vẫn còn là ngoại cảnh, chưa phải là Linh quang do chính mình phát xuất.

 

 

 

 

NGHI THỨC TỌA THIỀN ZEN


(Phương pháp này dành riêng cho những Hành giả tới Đạo Tràng chung tọa thiền)

 

- Biên tên và địa chỉ

- Sắm đệm Tọa Thiền (nếu muốn)

- Đến trước giờ Tọa Thiền 15-20 phút

- Y phục tùy ý, không bắt buộc (miễn mặc quần đùi).

 


1) Nghe 6 tiếng chuông to


- Ai nấy đều tề tựu, ngồi vào tòa của mình.

- Khi Thiền sư tới, đều đứng dậy, hướng lên Phật tiền, theo Thiền sư lễ ba lễ.

- Quay lại tòa của mình, chắp tay vái một vái, rồi sẽ ngồi.

- Khi nghe ba tiếng Kiểng, là thời gian chuẩn bị

- Khi nghe ba tiếng Phách, bắt đầu nhập định.

- Khi nhập định, không được ho, không lần tràng hạt, không niệm Phật.


 

2) Phương Pháp ngồi


- Nên thắt lưng vừa phải, đừng thắt lưng chặt quá và không nên mặc quần áo quá chật hẹp.

- Hoặc ngồi BÁN GIÀ, nghĩa là đặt bàn chân trái lên trên đùi phải (ngồi một bên chân).

- Hoặc ngồi KIẾT GIÀ, nghĩa là bàn chân phải đặt lên đùi trái, bàn chân bên trái đặt lên trên đùi phải, hai chân gài với nhau.


 

Hai bàn tay, bàn tay trái đặt lên trên bàn tay phải, hai ngón tay cái áp với nhau, hơi khum khum như hình quả tram, rồi đặt xuống sát chân, chứ không phải để ngang trên ngực, cũng không phải gài mười ngón tay vào với nhau.


Ngồi cho thẳng xương sống, vai đối hai thẳng với hai tai, mắt nửa nhắm, nửa mở trông thẳng xuống dọc mũi (tuyệt đối không nên nhắm mắt).


Lưỡi để nhè nhẹ lên trên hàm ếch.


 

3) Sổ Tức Quán (phép quán đếm hơi thở)


- Phép quán này dành riêng cho những Hành giả mới nhập Đạo tràng, dùng phép quán đếm hơi thở để đối trị loạn tâm. Cách đếm từ 1 cho đến 10, hoặc từ 1 đến 20, rồi lại bắt đầu trở lại (sách ở Tầu nói: đếm ngược trở lại nghĩa là đếm từ 1 đến 10 rồi lại bắt đầu đếm từ 10 đến 1). Nhưng Thiền ở Nhật không dạy như vậy, có lẽ vì hơi khó cho Hành giả phải lưu tâm vào sự đếm quá nhiều, nên ở Nhật chư tăng chỉ dạy đếm xuôi mà thôi, rồi cứ liên tục đếm cho rành mạch, đếm số cho phân minh.


- Hít hơi thở vào mũi rồi từ từ tưởng hơi thở xuống đáy rốn (nơi đan điền; đan điền là nơi tập trung tinh khí của thân thể), rồi từ từ tưởng tượng vận hơi ra, đưa hơi lên đến đỉnh đầu (óc), rồi mới xả hơi ra đàng miệng, để lại hít hơi mới vào. Thở ra, hít vào nên từ từ thong thả.


Nếu Hành giả nào đã có công phu tu Thiền, hoặc có nhiều thiện duyên, khi tọa thiền trong giây phút, thân tâm đã vào được cảnh giới yên lặng, nghĩa là thân hình ngồi nghiêm chỉnh tựa như núi Tu Di, không bị mọi tạp niệm xem lẫn vào chính định; thần thức nhẹ nhàng như vầng trăng trong sáng lơ lửng trên không trung. Nếu Hành giả nào đã tới được trình độ nói trên thì phép đếm hơi thở không cần dùng đến nữa, vì pháp quán đếm hơi thở có mục đích là trừ loạn tâm; nếu tâm không loạn thì không phải dùng đến nữa. Lúc đó sẽ tập phép quán cao hơn…


 

4) Thiền Trượng

(Cái thanh roi gỗ của vị Thiền sư cầm đi chung quanh hành giả để cảnh tỉnh)


- Hành giả nào ngồi nghiêng vai, nghiêng đầu, cúi lưng v.v.. nghĩa là ngồi chưa đúng cách, vị Thiền sư chỉ đạo cầm cái thiền trượng sửa chữa lại cho.


- Hành giả bị bệnh hôn trầm, ngủ gật, Thiền sư sẽ vái Hành giả một cái, Hành giả tự mình một tay ôm vai, một tay ôm đầu gối, nghĩa là nếu Thiền sư đập vai bên phải thì Hành giả lấy tay phải ôm vai trái và tay trái ôm đầu gối chân phải để cho Thiền sư lấy Thiền Trượng đập vào lưng bên cạnh xương sống ba lần. Khi Thiền sư đập vai bên trái thì Hành giả lấy tay trái ôm vai phải và tay phải ôm đầu gối chân trái. Khi đập xong rồi, Hành giả vái lại Thiền sư một vái và Thiền sư cũng vái trả lại một vái, rồi Hành giả bắt đầu nhập định. Nếu tướng hôn trầm luôn luôn phát hiện (ngủ gật), khi Thiền sư đi qua, muốn được cảnh tỉnh cho hết bệnh ngủ gật hay bệnh loạn tâm, Hành giả tự mình chắp tay vái một cái để báo hiệu xin cảnh tỉnh; phương pháp này trừ bệnh hôn trầm rất là hiệu nghiệm.

 


5) Thời gian ngồi Thiền


Ban đầu ngồi từ 10 phút đến nửa giờ, rồi nghỉ 5 phút, lại bắt đầu ngồi khóa khác. Khi giải Thiền để nghỉ, Hành giả được tự do duỗi chân, xoa gối, vuốt tay hoặc đứng dậy ra ngoài để cho đỡ tê chân mỏi gối. Khi đến giờ, nghe 3 tiếng chuông, ai nấy im lặng vào tòa ngồi của mình; nghe 3 tiếng kiểng, đối diện vái một vái; nghe ba tiếng phách bắt đầu nhập định.


 

6) Khi Giải Thiền


- Nghe 3 tiếng kiểng, sửa soạn,

 Nghe 3 tiếng phách, giải Thiền.



 

NƠI VÀ GIỜ TỌA THIỀN


NƠI. – Nên tìm nơi yên tĩnh (nhàn tĩnh xứ) nhất là ở nơi núi rừng yên tĩnh, hoặc bên sông, bên hồ vắng lặng, vì ngoại cảnh cũng là trợ duyên cần thiết cho việc tu Thiền.


Còn những hành giả nào bận kế sinh nhai, nên mỗi tuần, một hay hai kỳ đến đạo tràng (chùa) gần nơi mình ở, cùng với đại chúng tọa Thiền, để luyện tập cho quen. Hơn nữa tọa Thiền cùng với đại chúng có nhiều thiện duyên, khiến mình chóng vào phép định, nhất là những nơi nào có Thiền sư chỉ đạo.


Hàng ngày, hành giả nên tọa Thiền ở nơi phòng tĩnh riêng của mình, nên mở cửa sổ cho thoáng khí, nên quay mặt vào phía tường vách; nếu nhiều muỗi có thể tọa Thiền ở trong mùng cũng được.


 

GIỜ.- Nên tọa Thiền những giờ mọi người trong nhà yên giấc, hoặc trước khi đi ngủ hay sau khi thức giấc. Tọa Thiền vào buổi sáng (khoảng 4, 5 giờ sáng), lúc này không khí còn trong sạch, tâm thần còn thanh tịnh, khiến tâm rất dễ vô cảnh Định. Nếu tọa Thiền trước khi đi ngủ, thì ít có chiêm bao mộng dữ. Hành giả nào tọa Thiền được cả hai buổi thời thu gặt được cả lưỡng lợi kể trên. Mỗi thời Thiền nên ngồi 30 phút hoặc một giờ, trừ những vị chuyên tu không kể.

 

 


THIỀN CỦA TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

 

dat_ma-content


 Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị sơ tổ đem đạo Thiền vào Trung Quốc. Thiền đã làm động cơ phát triển nền văn hóa Trung Quốc. Thiền cũng đã hoán cải cả một phong trào tập quán của dân tộc Trung Quốc, biến thành văn hóa, đạo đức, chứng cớ ở những nghi lễ và điêu khắc hiện thời.


 Các tôn phái cũng như các tôn giáo khác phải căn cứ vào giáo điển để làm bước thang đầu tiên dắt người vào đạo (tiên giải, hậu hành).


 Trái lại, lập trường của Thiền là lấy thực tiễn và kinh nghiệm làm căn bản đầu tiên, nên Thiền chủ trương “Bất Lập Văn Tự, Giáo Ngoại Biệt Truyền”, nghĩa là phải lĩnh hội ở ngoài kinh điển, ngoài ngôn ngữ (tiên hành, hậu giải).


 Đó cũng là lời cảnh cáo cho những ai “chấp chỉ vong nguyệt” nghĩa là chỉ trông ngón tay mà quên mất mặt trăng, cũng như chỉ chấp vào văn tự, ngôn ngữ mà quên mất cái “Bản Thể Thanh Tịnh, Bản Lai Diện Mục” ở nơi chính mình.


 

 Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người nước Ba Tư, một tiểu quốc ở Tây Vực. Khi thiếu thời, Ngài đã có chí Đại thừa, chuyên tu Thiền định, nên tâm Ngài lúc nào cũng biểu lộ sự yên lặng và điềm tĩnh (hư tịch mặc nhiên).


 Ngài nhận thấy những ấn tượng suy vi của chánh pháp Phật bởi những mối niệm đa đoan của Tăng đồ Cư sĩ gây ra, nên thường buồn rầu sa lệ. Rồi Ngài quyết chí phiêu lưu, dấn thân với sự nghiệp. Từ Ấn Độ, Ngài mượn đường Việt Nam để qua Trung Quốc. Đến Trung Quốc, Ngài cư ngụ ở chùa Thiếu Lâm để hoằng hóa đạo Thiền.


 Tôn chỉ Thiền của Tổ Đạt Ma ra sao? Ngài lấy Đại thừa làm pháp An Tâm. Theo văn bia của Tổ Tuệ Khả: “Chính tôi đã theo thầy (Bồ Đề Đạt Ma) chín năm diện bích (ngồi quay mặt vào vách, ý nói Tọa Thiền).


 Phương pháp truyền đạo của Ngài có rất nhiều, nhưng tóm lại có hai điểm cốt yếu:


1- Lý Nhập

 2- Hành Nhập, cũng gọi là Nhị Nhập, Tứ Hành.

 


 Về Lý Nhập (Entrance by reasons), Hành giả phải thụ giáo ở bậc minh sư, phải tin Phật tính ở hết thẩy mọi người. Phật tính phát xuất ở nơi Bích quán (tọa Thiền). Nếu hòa mình được với lý tính, nghĩa là hành động việc chi cũng đúng cơ hợp lỳ, thì đây là giáo điều của Đạt Ma Tổ Sư.


 Hành Nhập (Entrance by conducts) có bốn:


- Báo oán hành

- Tuỳ duyên hành

- Vô sở cầu hành

- Xứng pháp hành

 


Báo Oán Hành:


 Hành giả trong lúc tu trì, nếu gặp nội chướng ngoại ma quấy nhiễu thì phải quán tưởng ngay rằng: những nội chướng ngoại ma kia đều do những điều bất thiện mà mình đã hành động từ bao kiếp trước lưu lại tác nghiệp, ta phải nhẫn nại để tinh tấn tu Thiền, mong giải thoát những nỗi oan khiên do vô minh từ bao đời cấu tạo. Quán tưởng như thế thì không còn sinh tâm báo oán trả thù, cắt hết được tấm lòng oan oan tương báo.

 


Tuỳ Duyên Hành:


 Thân hình ta đây do bốn chất : đất, nước, gió, lửa, cộng với nghiệp lực, nhân duyên giả tạo mà thành, cho nên bất cứ ai cũng không thoát khỏi bốn cảnh: sinh, già, bệnh, chết. Chỉ riêng cái Chân Tâm thì lúc nào cũng thường hằng, không thêm, không bớt. Kinh Kim Cương Tam Muội nói: “Ảnh vô lưu dịch, phong cổ bất động, do như đại địa”, nghĩa là vững như đất rộng, gió thổi không lay, không gì thay đổi, để tượng trưng cho cái Chân Tâm bất động.


 

Vô Sở Cầu Hành:


 Người mê cho nên khởi lòng tham lam vô độ, người trí tuệ thì sớm ngộ được pháp An Tâm Vô Vi, nên họ coi vạn vật tựa giấc chiêm bao.


 Kinh Kim Cương Tam Muội nói: “Ư sở hữu xứ, tĩnh niệm vô cầu”, nghĩa là hành giả yên tâm tu đạo, không tham cầu những gì hiện có ở thế gian.


 

Xứng Pháp Hành:


 Pháp đây là Pháp tính, nó tượng trưng cho “Nhân Pháp giai không”, nếu hành giả chứng ngộ được mình với vạn sự, vạn vật đều là Không thì hành động chi cũng không vương tâm chấp trước ở nơi mình làm. Việc làm là phù hợp với Chân Tâm. Nên Kinh Kim Cương Tam Muội nói: “Tôn ly tâm ngã, cứu độ chúng sinh, vô sinh vô tướng, bất thủ bất xả”, nghĩa là quên mình để cứu độ chúng sinh mà phải tưởng rằng không có một chúng sinh nào được độ, tức là phá cái chấp có mình, có chúng sinh; mình với chúng sinh là một, thì còn đâu mà thủ với xả, nhân với ngã.


 

 Đại Thừa An Tâm Pháp của Tổ Đạt Ma thuộc vào Pháp môn NGƯNG TRỤ BÍCH QUÁN, nghĩa là ngoài thì mọi duyên tắt hẳn, trong thì vọng niệm diệt trừ, thân an tọa tựa như tường bích (bức tường), tâm vào cảnh giới bình đẳng nhất vị, thì ngay đấy sẽ chứng được cảnh giới CĂN BẢN VÔ PHÂN BIỆT TRÍ, nghĩa là cái trí vô lậu, Phật với chúng sinh là một.


 Ngưng trụ bích quán không phải là Pháp Thiền bất động, mà là Pháp Thiền vô ngại tự tại, diệu dụng, bao gồm cả động và tĩnh. Coi đó ta thấy rằng Thiền của Tổ Đạt Ma chẳng những chỉ dạy hành giả tọa Thiền, mà còn khuyên hành giả đem Thiền ứng dụng vào thực tế sinh hoạt hàng ngày. Được như thế mới chứng ngộ được bản lĩnh môn Thiền của Tổ Bồ Đề Đạt Ma.

 


 

QUÁN TƯỞNG CỦA THIỀN


 Hành giả tọa Thiền phần đông ai cũng đòi hỏi những phép quán tưởng, với những ước vọng: giải bệnh, trừ tai, thần thông biến hóa, trường sinh bất tử v.v..


 Những ước vọng đó đều trái với đạo Thiền. Vì bản thể của chân tâm đã sẵn có đầy đủ trí tuệ hào quang, lúc nào cũng sáng láng tự tại, nếu hành giả dẹp được những mối “Suy Tưởng Phân Biệt” thì đức tính trên tự nó hiện ra, không phải cầu mà được, cũng như mặt trăng trên không trung, nếu hết những đám mây mù sương phủ thì ánh sáng lúc nào cũng tự soi thấu khắp nơi.


 Khi tọa Thiền, hành giả phải gạt ngay những mối suy nghĩ, phải tập trung tư tưởng, để dẫn tâm vào nơi “không suy nghĩ”. Nếu hành giả nào trong lúc tọa Thiền không còn một chút vọng niệm phát sinh, tức là đã có phương tiện để trở lại chân tâm thanh tịnh (Phật tính) của mình. Phật tính cũng gọi là Bát Nhã tính. Bát Nhã tính thì không thiện, không ác, không phân biệt, không suy lự, không còn danh từ Phật với chúng sinh, nhất thế là bình đẳng.


 Phải qua giai đoạn Sổ Tức quán (quán/đếm hơi thở) trước khi vào phép quán cao hơn, nghĩa là hành giả cần dẹp trừ hết mối HỮU NIỆM TƯỞNG, để đưa tâm vào cảnh giới VÔ NIỆM TƯỞNG (Không quán).

 

 

 

KHÔNG QUÁN- BÁT NHÃ QUÁN


 

Những phép quán tưởng của Thiền, các Tổ xưa kia tu chứng đều khác nhau; vị thì quán Sổ Tức, vị thì quán Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, vị thì quán Phật, quán bất tịnh v.v… nhưng đến chỗ ngộ đạo thì không ngoài Bát Nhã quán.


Vì thế, nay tôi đem Bát Nhã quán trình bầy cùng chư hành giả.


Muốn cho tâm ta được trở lại Phật tâm, ta phải quán tưởng MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT QUÁN, gọi tắt là BÁT NHÃ QUÁN.


Nguyên lai, người ta vẫn sẵn có Bát Nhã Tâm (trí tuệ), chỉ vì dục vọng làm mờ tối, nên không thấu ngộ được chân tâm của mình.


Tuệ Năng Tổ Sư nói: “Người đời phần nhiều miệng bàn Bát Nhã mà vẫn không hiểu tự tính mình có Bát Nhã, có khác chi người chỉ khen đồ ăn ngon mà không ăn thì biết đâu được cao lương mỹ vị. Cũng như có người chỉ suốt ngày bàn cãi “BÁT NHÔ mà không tu dưỡng BÁT NHÃ, thì làm sao kiến tính thành Phật.


MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT là tiếng Phạn, Tầu dịch là Đại Trí Tuệ hay Đáo Bỉ Ngạn. Tu phép quán Bát Nhã, chú trọng ở nơi thực hành, nghĩa là phản chiếu ngay ở nơi Tâm mình, chứ không phải bàn cãi suông ngoài cửa miệng.


MA HA là gì? Ma Ha nghĩa là rộng lớn, mênh mông, ý nói: Tâm trí tuệ của ta quảng đại, vô biên, bao la như vũ trụ.


Ta hãy coi nghĩa KHÔNG của ngài Tuệ Năng: “KHÔNG đây nghĩa là không chấp, không tham. Nếu theo Không Tâm mà tọa Thiền thì cái Không ấy lại đọa vào Vô Ký không (Blank Nothingness), nếu ta sa lạc vào Vô Ký không thì khó mà thành tựu được giác ngộ Phật tính của mình.


Thế giới hư không bao trùm cả muôn vật: nhật nguyệt, tinh tú, sơn hà, đại địa, nước lửa, núi rừng, người thiện kẻ ác, thiên đường địa ngục v.v… đều bao trùm cả trong Không. Không đây là Ngoan Không, vì nó còn gói muôn vật ở trong Không; không phải cái Không của Giải thoát Chân Không.


Chân Không thì tự tính nó cũng bao trùm cả muôn vật, vạn pháp, nên gọi là Đại. Vạn pháp ở trong tự tính, thiện hay ác, cũng không chấp, không xả, quảng đại, tự tại như hư không, nên gọi là MA HA.


Người mê thì ưa nói, người trí thì ít nói mà chỉ cần lĩnh hội ở Tâm.


Tác dụng của Tâm quảng đại vô biên, bao gồm cả vũ trụ; diệu dụng của Tâm vô cùng sáng láng. Nhờ tác dụng này mà biết hết thẩy vạn vật vạn pháp quy là một, một là hết thẩy (nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết). Bản thể của Tâm tự do, tự tại, không bị một vật gì làm chướng ngại.


Bát Nhã Trí do tự tính phát sinh, không phải từ ngoài vào mà lại; nhờ tác dụng của chân tính mà chỉ hành động một điều chân thật thì hết thẩy mọi điều đều quy chân thật (nhất chân, nhất thiết chân). Tác dụng của Tâm mênh mông vô ngại trong đại đạo chân như.


Còn những ai chỉ ngồi bàn NGHĨA KHÔNG mà trong lòng không thực hành HẠNH KHÔNG, thì có khác chi kẻ phàm phu tự vỗ ngực khoe mình là Quốc vương, dẫu qua muôn ngàn kiếp họ cũng không bao giờ thành được Vương vị.


Bát Nhã là gì? Bát Nhã là Trí Tuệ. Trí tuệ cho nên soi thấu được hết thẩy thời gian và không gian. Lúc nào cũng đem trí tuệ Bát Nhã ứng dụng vào mọi công việc hàng ngày, nên gọi là tu hạnh Bát Nhã. Nếu ta còn vọng niệm phát khởi, tức là mất tính Bát Nhã, còn nếu một niệm thanh tịnh phát khởi, thì ngay đó Bát Nhã phát sinh.


Người đời vì mê nên không thấy Trí Bát Nhã. Những ai khẩu đầu chỉ thuyết Bát Nhã, thì người đó tâm họ càng vọng niệm tối tăm, vì họ chỉ suốt ngày thuyết KHÔNG, thực ra họ không hiểu nghĩa chữ KHÔNG là chi cả.


Bát Nhã Trí không hình, không tướng, không suy nghĩ, không tên tuổi, nếu ai hiểu như thế mà tu hành, thời dần dần chứng được Bát Nhã Trí.


BA LA MẬT nghĩa là ĐÁO BỈ NGẠN. Tới Bỉ ngạn thì không còn sinh tử, hết cả lo âu. Nếu ta còn chấp vào cảnh tướng thì sinh diệt do đó phát sinh, cũng như sóng do nước phát xuất. Nếu ta lìa cảnh thì không còn sinh diệt, cũng như nước hết sóng, nước cứ phẳng lỳ tự tại lưu thông, không bị một vật chi trở ngại. Nước dụ như Bỉ Ngạn (Niết Bàn), Sóng dụ như Thử Ngạn (trần gian).


Hoàn toàn một mầu nước thanh tịnh, tự tại lưu thông, không gì chướng ngại thì gọi là BA LA MẬT. Ngộ được nghĩa này, gọi là BÁT NHÃ PHÁP. Không tu hạnh Bát Nhã, tức là phàm phu; tu hạnh Bát Nhã thì đắc Phật tính (đắc Thiền).


“Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ Đề”, nghĩa là khi mê thì là phàm phu, lúc ngộ tức là Phật. Chấp trước vào mối nghĩ trước tức là phiền não, thoát ly được mối niệm sau tức là Bồ Đề.


MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT là quả vị tu hành tối cao, tam thế chư Phật đều do Pháp BÁT NHÃ này mà tu thành Đạo. Dùng Đại Trí Bát Nhã phá hết được trần lao phiền não; tu hạnh Bát Nhã phá được tam độc: tham, sân, si, thành được ba đức: Giới, Định, Tuệ, do đó mà chứng đạo thành Phật.


Hết thẩy trí tuệ đều do Bát Nhã phát sinh, tại sao?


Nếu ai thoát được trần lao phiền não, thì trí tuệ Bát Nhã sẽ hiện ra ngay; nếu ai ngộ được phép Bát Nhã thì không còn niệm tưởng, không còn phân biệt, vọng niệm không còn do đâu phát sinh. Hành động việc chi đều do bản tính chân như phát xuất; rồi đem trí tuệ Bát Nhã quán chiếu hết thẩy vạn pháp mà vẫn không chấp trước vào một pháp nào; do đây mà kiến tinh minh tâm, do đây mà thành Phật (đắc Thiền).

 


 

SO SÁNH TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA THIỀN

 


- Người mà không chuyên nhất, tinh tiến tu hành pháp môn mình đã lựa chọn từ đầu, chán cái này, ưa cái khác (hãn thử, yếm bỉ), tu như vậy gọi là PHÀM PHU THIỀN


- Người đã ngộ được bản thân mình là hư giả, nhưng còn chấp vào cái PHÁP, giữ mãi không xả, gọi là TIỂU THỪA THIỀN.


- Người đã ngộ được thân mình và vạn pháp đều là giả (Ngã Pháp giai Không) để hiểu Chân lý, gọi là ĐẠI THỪA THIỀN.


- Người đã đốn ngộ tâm mình và muôn pháp nguyên lai là thanh tịnh, đầy đủ cái tính trí vô lậu, chính Tâm ấy là Phật, y vào đó mà tu thành Phật, gọi là TỐI THƯỢNG THỪA THIỀN, cũng gọi là NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN.


 

Bàn đến Tiểu Thừa và Đại Thừa Thiền, ta phải liên tưởng ngay đến hai bộ: Thượng Tọa và Đại Chúng. Hai bộ này được phát triển 100 năm trước Tây lịch kỷ nguyên.


Mục đích của Thượng Tọa Bộ là ở nơi nghiêm trì giới luật, mong cầu giải thoát và tự độ, nên cũng gọi là Bảo Thủ phái.


Đại Chúng Bộ có mục đích lấy tự lợi, lợi tha, quảng độ chúng sinh làm nhiệm vụ, nên gọi là Tiến Bộ phái.


Đại cương học thuyết của Tiểu Thừa Thiền lấy “TAM THẾ THỰC HỮU, PHÁP THỂ HẰNG HỮU” làm căn bản, nghĩa là cái nhân quả của ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai vẫn có thực và còn mãi. Vì yếu tố của Pháp Thể lập trên vạn hữu và liên quan với ba đời.


Những căn bản tư tưởng của Phật giáo lại phủ nhận lập trường PHÁP THỂ THỰC TẠI (Thực hữu) của Tiểu Thừa lập trên Vạn Hữu.


Tư tưởng học thuyết của Đại Thừa cũng phủ nhận cả THỰC THỂ, mà cho sự tương y, tương quan của Vạn Hữu đều do nhân duyên phát khởi.


Tiểu Thừa: Tam thế thực hữu, Pháp thể hằng hữu

Đại Thừa: Hiện tại thực hữu, Quá vị vô thể


Đại ý hai quan niệm trên cho ta thấy Tam Thế thực hữu, Pháp thể hằng hữu của Tiểu Thừa ngụ ý nói: “Ngã không, Pháp hữu”, nghĩa là: thân của ta tuy giả, là không, nhưng cái để an bài tạo thành cái thân ta đây nó vẫn có và thường còn, nên gọi là “Ngã không, Pháp hữu”.


Đại Thừa thì chủ trương “Hiện tại thực hữu, Quá vị vô thể” ý nói: Ngã Pháp giai Không. “Ngã không” thì thực thể của tự mình không có. Thuyết vô ngã Đại thừa và Tiểu thừa đều nói giống nhau. Chỗ khác của Đại thừa chủ trương Ngã cũng không mà Pháp cũng không, tức là Ngã Pháp giai không, đó là tư tưởng căn bản của Đại Thừa Thiền.



Tiểu Thừa Thiền cho tâm của chúng sinh nguyên lai là bất tịnh, cho nên phải mượn pháp tu hành để trở lại cái tâm thanh tịnh (Phật tính). Xin coi bài kệ của Ngài Thần Tú:


Thân thị Bồ Đề thụ

Tâm như minh kính đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai”


 (Nghĩa là: Thân là cây Bồ Đề, Tâm như đài gương sáng, Cần lau chùi luôn luôn, Chớ để cho dính bụi).


 Đại Thừa chủ trương Tâm của hết thẩy chúng sinh nguyên lai là thanh tịnh, cho nên Đại Thừa lấy câu “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” làm tiêu đề. Tiểu Thừa Thiền tu chứng lấy LA HÁN VỊ làm mục đích tối cao, tự lợi mà không có công hành lợi tha.


 Đại Thừa lấy chân như làm căn bản, lấy phương tiện tu hành lợi tha làm nhân, lấy thành Phật làm quả tối cao. Xin coi bài kệ của Tổ Tuệ Năng:


 Bồ Đề bản vô thụ

 Minh kính diệc phi đài

 Bản lai vô nhất vật

 Hà xứ nhạ trần ai


 (Nghĩa là: Bồ Đề vốn không cây, Gương sáng đâu có đài, Xưa nay không một vật, Bụi bám vào nơi đâu?)


 

Thích Tâm Giác

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc