TÂM AN BÌNH - Ngọc Bảo trích dịch

30 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 30483)



 Tâm an bình

 

vuonthien_8-content

 


 Nếu có lúc nào ngồi tĩnh lặng, dừng suy nghĩ một chút và nhìn lại tâm mình, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình đang cảm thấy an bình nơi tâm. Có thể bạn cũng đồng ý điều đó, nhưng lại sẽ phản bác ngay rằng sự an bình đó chỉ là thoáng qua thôi. Điều đó cũng tạm cho là đúng, nhưng nếu xét kỹ hơn, bạn sẽ thấy trạng thái an bình này, dù thoáng qua hay không, cũng đã có sẵn nơi bạn, vì bạn đâu cần phải cố gắng làm gì mà vẫn có nó, phải không?


 Chúng ta sinh ra bản chất là đã có một tâm an bình, nếu không, làm sao ta có thể cảm nhận như thế được? Bạn không cần phải chạy đôn chạy đáo lo hành thiền để tìm kiếm sự an bình, cũng không cần phải học từ người nào hay sách nào để được an bình như vậy. Nói cách khác, cái “ta” của bạn chẳng có liên quan gì đến sự an bình này cả. An bình là một trạng thái tự nhiên của tâm -- một trạng thái mà ai cũng đều sẵn có nơi mình. An bình đã có ở đó ngay từ ngày chúng ta mở mắt chào đời và cũng sẽ còn ở đó cho tới ngày chúng ta nhắm mắt. Đó là món quà lớn lao nhất mà chúng ta được trao tặng, tại sao ta lại cứ nghĩ rằng ta không được an bình?


 Kinh nghiệm sự an bình cũng giống như là nhìn vào bàn tay vậy. Thường thường, ta chỉ thấy những ngón tay – mà không thấy những kẽ hở giữa các ngón tay. Cũng vậy, khi nhìn vào tâm, ta chỉ thấy những trạng thái động trong đó, như là những tư tưởng chạy qua ào ào, hoặc muôn vàn những cảm xúc khởi lên theo chúng, nhưng ở giữa đó là những khoảnh khắc an bình mà chúng ta hay bỏ qua hay không biết tới. Nếu quả thực cái buồn hay cái khổ của ta kéo dài phút này qua phút khác không ngừng nghỉ, suốt hai mươi bốn tiếng một ngày, chúng ta sẽ như thế nào đây? Có lẽ rằng, tất cả mọi người chúng ta đều phải vào nhà thương điên mất!


 Thế thì, tại sao ta cứ cho là không bao giờ ta có được an bình trong tâm?


 Đó là bởi vì chính chúng ta đã không bao giờ tự cho phép mình như vậy.


 Ta thường quen chiến đấu với chính mình, với những cảm xúc trong tâm, đến nỗi sự chiến đấu đó gần như là bản tính thứ hai vậy. Thế rồi ta lại than phiền là tâm ta không có được an bình gì cả.


 Hãy tưởng tượng bạn đang thưởng thức một giây phút tĩnh lặng yên bình. Bỗng nhiên có điều gì đến phá đám giây phút an bình đó của bạn. Ngay lập tức bạn phản ứng lại, bực tức hay giận dữ trước sự phá đám đó. Tại sao? Bởi vì bạn không thích bị phá như vậy. Tâm của bạn khởi lên những ý tưởng khó chịu, bực bội, rồi đến giận dữ và một loạt những phản ứng khác theo sau.


 Những tư tưởng đi qua rất là nhanh, nên ít khi bạn nhận thấy được cái giây phút khởi động của những tư tưởng khó chịu trong tâm. Chúng ta thường nghĩ rằng hoàn cảnh bên ngoài đã gây ra cho chúng ta sự khó chịu đó. Nhưng ngay cả trong thời gian chúng ta đang phải chịu những kinh nghiệm khốn khổ nhất, cũng có những giây phút ta lìa xa được tình trạng khốn khổ ấy, với những xúc động khốc liệt tràn đầy trong tâm. Nhưng khi chúng ta lại quay trở lại nghĩ đến tình cảnh đang xẩy ra, những cảm xúc khó chịu lại lập tức ào ào đến như thác lũ. Thử nghĩ xem, những cảm xúc này khi lắng xuống rồi chúng đi về đâu? Ta thường cho là chúng sẽ đi về một nơi chốn nào đó hoặc tan đi ở một nơi nào đó ngoài chúng ta. Nhưng kỳ thực, nếu chúng khởi lên từ gốc rễ trong tâm, thì chắc chắn là chúng cũng chấm dứt ở trong tâm. Nếu chúng bắt nguồn từ một trạng thái an bình, chắc chắn chúng sẽ chấm dứt trong trạng thái an bình đó. Đó là một điều hợp lý hoàn toàn.


 Hãy quán sát trạng thái an bình đó. Ta nhận ra nó đã có ở đó từ trước khi những cảm xúc khởi lên và cũng có ở đó sau khi cảm xúc tan biến đi. Vậy thì trong thời gian ở giữa, sự an bình đó đi về đâu? Phải chăng nó đã bị tiêu diệt trong khoảnh khắc chúng ta đang giận dữ hay buồn rầu? Chúng ta thường đổ cho những điều này hoặc điều kia đến phá hoại sự an bình trong tâm, nên cố tìm cách tạo ra một trạng thái an bình trong tâm. Nhưng sự thực không phải như thế. An bình và tĩnh lặng là một phần cơ bản trong cấu trúc tạo nên tâm của chúng ta. Nếu nó bị tiêu diệt theo những cơn gió lốc của cảm xúc, tâm chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt. An bình chính là bản chất cố hữu trong tâm và không bao giờ bị hủy diệt được.


 Trong đời sống, an bình vẫn luôn luôn thường trú nơi chúng ta từng giây từng phút, nhưng ít khi chúng ta nhận ra được nó. Đó là bởi vì suốt ngày ta cứ bôn ba chạy theo thế giới bên ngoài và bị cuốn trôi theo những tư tưởng, cảm xúc khởi động, nên không thấy được sự an bình đang bị che lấp. Ta đã đánh mất đi con người bên trong với những gì toàn hảo nhất đã có sẵn nơi tự thân. Ta điên đảo tìm kiếm câu trả lời bên ngoài, trong khi an bình đã có sẵn ở ngay chúng ta, âm thầm chờ đợi một lúc nào ta trở về tìm lại nó, trong quê hương đích thực ngàn đời.


 

 Ngc Bo


 Trích dịch từ “Living Meditation, Living Insight” của Dr Thynn Thynn.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc