THÂN TÂM THANH TỊNH - Nguyễn Quang Dục

08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 34804)


Thân Tâm Thanh Tịnh


Thân tâm thanh tịnh là một trong 13 yếu quyết Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh, phát xuất từ tư tưởng “Thân Tâm Nhất Như” có nghĩa thân và tâm tuy hai mà là một, luôn luôn tác động hổ tương lẫn nhau. “Luyện tâm để hướng dẫn thân, luyện thân để hỗ trợ tâm. Thiền một phía nào cũng thiếu xót. Một trong những pháp môn luyện cả thân và tâm hữu hiệu nhất là Thái Cực Thiền.” (1). Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh cũng là con đường trung đạo để đạt đến trạng thái quân bằng nội lực, minh mẫn và tiết độ, là pháp môn đưa chúng ta hòa nhập cùng vũ trụ.



Để đạt cảnh giới thân tâm thanh tịnh, hành giả phải trong sạch hóa tam nghiệp thân, khẩu, ý bằng cách để ý thường xuyên đến lời nói, ý tưởng không gây hại cho người khác, những thức ăn hằng ngày có bổ dưỡng thân thể hay không. Hơn nữa chúng ta phải quan sát tam độc tham sân si từng giây từng phút đang tác oai tác quái trong tâm trí.


Đừng làm điều ác

Hãy làm điều lành

Ý trở lên thanh tịnh

Đó là lời Phật dạy. (2)


Tâm con người như tấm gương phản ảnh thế giới xung quanh, sống động, thay đổi thường xuyên. Hình ảnh hiện ra trong tâm trí có rõ ràng hay không tùy thuộc vào tấm gương chứ không phải sự thông minh hay sự hiểu biết. Người xưa thường lấy mặt nước hồ yên lặng ví như tấm gương, chứ không dùng mặt nước lay động. Chẳng hạn ném viên gạch xuống hồ nước những hình ảnh phản chiếu trên mặt hồ sẽ biến dạng. Tương tự như tấm gương khi tâm hồn bị dao động, chấn động vì cuộc sống thế tục kèm theo cảm xúc khiến mọi hình ảnh phản chiếu trên nó sẽ không còn nguyên vẹn, từ đó tạo cho những nhận định, phán đoán không còn chính xác. Khi tâm ở trong trạng thái bất an, tri thức không giúp cho hành giả được bao nhiêu, đôi khi còn có hại. Bởi vì tri thức có khuynh hướng hợp lý hóa thực tại, những cái đang xảy ra xung quanh, trước mặt, cũng từ đó đưa đến hợp thức hóa những hành động hay thái độ.


Con người hiện đại thường có khuynh hướng dùng lý luận để biện minh hay hợp thức hóa những hành động mang tính cảm xúc, những khái niệm méo mó. Để có tâm hồn trong sáng không phải là điều dễ dàng, trước hết cần phải gột sạch những tư dục, thiên kiến, từ đó mới có thể nhìn thế gian qua tấm gương trong sáng, tinh khiết. Đó chính là tâm thái cực, còn được gọi tâm thái hòa.


Vào thế kỷ thứ 7 một trong những vị tổ nổi danh của Thiền Tông có nói bài kệ sau:


“ Thân thị bồ đề thụ

 Tâm như minh cảnh đài

 Thời thời thường phất thức

 Vật sử nhiễm trần ai.”


Phỏng dịch:

“Thân như cây bồ đề

 Tâm như tấm gương sáng

 Luôn luôn lau chùi

 Chớ để nhiễm bụi trần”


Trong câu kệ này ngài Thần Tú nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên chăm sóc cả thân lẫn tâm. Cây bồ đề không thường xuyên vun trồng tưới nước thì làm sao cây có thể tốt tươi. Tâm cũng như tấm gương, bản chất rất trong sáng nhưng vì không chăm sóc, để bụi bẩm che lấp mà thôi. 


Hai yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng sự trong sáng là: tĩnh lặng và thư thái. Những tính vui, buồn, nóng giận, căng thẳng v.v quá độ là năng lượng xấu, ô uế gây tác hại đến mọi cơ năng trong cơ thể. Tương tự như khi ta quấy động những bùn dơ ở dưới đáy hồ nước, khiến tạo tình trạng có thể giết chết những sinh vật trong hồ nước. Theo y học đông phương niềm giận dữ khơi dậy năng lượng sôi sục, sôi máu thuộc “hỏa” gây tác hại đến gan, sợ hãi mang đến nguồn năng lượng chán nản, có tính chất lạnh thuộc “thủy” tạo hậu quả xấu cho thận, và nỗi lo lắng kích thích năng lượng bùn, vẩn đục thuộc “thổ” làm suy yếu lá lách và bao tử. v.v.


Hơn nữa tâm không định, không an, dao động đi kèm theo đó tâm trạng bất an, lo lắng từ đó đưa đến thân bệnh gồm những chứng bệnh như mất ăn, mất ngủ tác hại không ít đến sức khỏe. Tâm dao động cũng vì chúng ta có khuynh hướng nắm giữ một cái gì đó, sợ mất, không buông thả. Cho thấy mỗi một trạng thái tâm tư ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của thân thể.


Mặt khác tâm hồn chỉ có được sự trong sáng, khi mọi cơ năng trong thân thể đạt sự quân bằng và tĩnh lặng. Nói lên tính chất hỗ tương mật thiết giữa thân và tâm. Theo quan niệm đông phương “Động dĩ dưỡng hình” tức là sự vận động giúp cho việc nuôi dưỡng hình hài thân thể, còn “Tĩnh dĩ dưỡng thần” có nghĩa sự tĩnh lặng giúp cho việc nuôi dưỡng thần khí làm cho tâm trở lên minh mẫn. Động với tĩnh giống như hai m ặt của đồng tiền, tác động lẫn nhau, trong động có tĩnh và trong tĩnh có động. Tu tập Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh là đạt trạng thái tĩnh trong thế động. Yếu quyết “An Thư Diện Mục” giữ nét mặt an vui là biểu lộ trạng thái thân tâm thanh tịnh phát xuất từ thân, khẩu, ý trong sạch.


Trong các pháp môn tu tập chỉ có Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh là tổng hợp hai tính chất trên, vừa tu tâm vừa luyện thân. Mục tiêu cao nhất là đạt đến trạng thái Tâm Thái Cực tức là khi tâm trở lên thanh tịnh, không còn bị dao động bởi ngoại cảnh, bởi tam độc tham, sân, si, không còn âu lo, luôn vui tươi, thanh thản bước vào cảnh giới thái cực, hài hòa không còn phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Người đạt đến cảnh giới này thì tâm luôn luôn “biết vui với trời, không oán trời, không chê người, không lụy vật”, hơn thế nữa “cùng cũng vui, thông cũng vui”. Bởi vì tâm hành gỉa đã hòa cùng một nhịp với trời và đất.


Muốn đạt đến cảnh giới trên không ai khác chính chúng ta phải tu tập, thực hành tinh thần như Lão Tử đã viết:


“Biết người là người khôn,

tự biết mình là người sáng suốt.

Thắng được người là do sức mạnh,

thắng được mình mới thực là mạnh.(3)

 


Nguyễn Quang Dục


 Tham Khảo

(1) Nguyễn Cao Thanh “Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh”

(2) Đạo Nguyên “Chánh Pháp Nhãn Tàng”

(3) Lão Tử “Đạo Đức Kinh”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc