ĐẠO TRỜI ĐẤT - Ngọc Bảo phóng dịch

02 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 36962)


Đạo Trời Đất


 

 Tác giả: Vô Danh (tìm thấy năm 1739)


 Bản Anh ngữ của Thomas Wright


 Ngọc Bảo phóng dịch


 

tranh_tau_-content Đại Đạo vô hình vô tướng; vũ trụ là Đạo có hình có tướng. Vũ trụ không có ngôn ngữ; người thượng trí là một vũ trụ có ngôn ngữ. Tôi không được gặp một người thượng trí nào, nhưng được đọc những tác phẩm của họ từ cổ kim. Đọc những tác phẩm ấy, ta có thể hiểu được cái nguyên lý trong đó, như vậy có khác gì được gặp họ?

 

Chúng ta được tạo ra trong một sắc thân với bản tính uyên minh tiềm tàng từ một Nguồn duy nhất của Trời Đất. Con người từ trong ra ngoài đều xuất phát từ nguồn ấy. Chúng ta ở trong Đạo, và Đạo ở trong tâm ta. Nếu chúng ta biết quán sát vũ trụ và sống thuận theo nó, là không khác gì đang ở trên Đại Đạo.

 

Đạo con người luôn luôn phối hợp với Trời và Đất trong sự luân chuyển của động và tịnh. Khí con người luôn luôn kết hợp với Trời và Đất trong sự luân chuyển của hơi thở ra và hơi thở vào.


 

Kiếp nhân sinh

 


Con người bây giờ chỉ biết là họ do cha mẹ sinh ra, mà không nhận ra rằng họ cũng như cha mẹ của họ đều do Đạo mà sinh. Vì thế người thượng căn bao giờ cũng muốn đi tìm Đạo.

 

Thầy Geng nói: “ Đạo của các vị vua Văn (Vương) và (Ha) Vũ thông thái ngày xưa vẫn chưa bị mất; nó vốn tiềm tàng trong con người, không chỉ ở con người ngày xưa, không chỉ ở con người ngày nay, mà còn ở con người ngày mai.” Khi một người được sinh ra, người ấy sanh ra với thân, trong thân đó lại có sẵn một con người thực sự. Tinh túy của con người thực sự ấy hòa đồng với Trời và Đất, sự trong sáng thanh tịnh của con người thực sự ấy không hề nhiễm bụi trần. Con người thực sự ấy không tăng cũng không giảm, không sanh cũng không diệt. Nếu có thể trở về hàm dưỡng con người thực sự ấy nơi mình, thì điều đó còn phước hơn là kẻ ăn mày được trao cho một vạn lạng vàng.

 

Khổng Tử nói, “Giữa con người và con vật không có sự khác biệt bao nhiêu; kẻ phàm phu tục tử tự mình xóa bỏ sự khác biệt ấy, còn người thượng căn thì vẫn giữ. Còn giữ sự khác biệt là người thượng trí, còn xóa bỏ đi thì trở thành súc sinh. Khi xóa bỏ sự khác biệt đi, thì không đợi đến lúc chết, mà ngay trong lúc sống đã là súc sinh rồi.”


 

Tuổi già


 

Người ta thường nói rằng đến sáu mươi tuổi rồi thì mỗi năm mỗi già hơn; sau bẩy mươi tuổi, mỗi tháng mỗi già hơn; sau tám mươi tuổi, mỗi ngày mỗi già hơn. Năm nay tôi đã hơn tám mươi rồi, vậy rồi sao? Kể từ nay, mỗi ngày sống là một ngày ân huệ mà tôi đã được hưởng từ Đạo. Làm sao tôi dám lãng phí được? Nếu có cơ may mà đạt được Đạo ngay bây giờ cũng là đã trễ rồi; làm sao còn dám cho phép mình giải đãi chần chừ hơn được nữa?

 

Thời xưa có ba lão nhân nói chuyện với nhau về vô thường. Một người nói: “Những người dự buổi tiệc hôm nay, không biết sang năm có ai sẽ vắng mặt?” Người khác nói: “Ông nói chuyện xa vời làm gì. Tối nay về nhà cởi giầy vớ ra rồi, biết ngày mai có còn đi giầy vớ ấy lại không?” Người thứ ba nói: “Mấy ông nói chuyện còn xa xôi lắm. Mỗi một lần mình thở ra, không biết có thở vào lại hay không?”

 

Người trí không phí phạm thì giờ, người dũng không chần chừ do dự. Nếu muốn học Đạo hôm nay, phải sửa soạn làm điều đó ngay ngày hôm nay, khi thấy thời điểm bắt đầu đã đến. Nếu nói là hôm nay không có thì giờ, để đợi đến hôm khác, sợ rằng đến lúc muốn làm sẽ không thể làm được nữa.


 

Con người có ba thứ quý báu: Tinh, Khí, và Thần. Trong tuổi già, hãy cảnh giác để Tinh khỏi bị cạn kiệt; nếu Tinh cạn kiệt sẽ chết. Trong tuổi già, hãy cảnh giác để Khí khỏi bị thất thoát, nếu Khí thất thoát sẽ chết. Trong tuổi già, hãy cảnh giác để Thần khỏi bị hao tán, nếu Thần tán sẽ chết.


 

Làm sao tránh cho Tinh khỏi cạn kiệt? Có cần tránh sự dâm dục không? Làm sao tránh cho Khí khỏi thất thoát? Có cần nói ít đi không? Làm sao tránh cho Thần khỏi bị hao tán? Có cần bớt ham muốn đi không? Thần không thể lấy sức ra mà ổn định được, khi tâm và hơi thở hòa nhập làm một, thần sẽ tự nhiên ổn định. Khí không tự nhiên thất thoát đi được, hãy quên đi lời nói mà tập trung tư tưởng, khí sẽ không bị thất thoát. Tinh không thể để cho phát tiết ra ngoài làm cạn kiệt đi được, hãy cho Tinh tái tuần hoàn để phục hồi não bộ, và Tinh sẽ không phát tiết ra ngoài.

 


Có người hỏi, khi người ta già đi, khí lực đã hao mòn, làm sao phục hồi lại được? Bằng sự cẩn trọng trong lời nói ta có thể phục hồi lại buồng phổi. Bằng sự tiết chế ăn uống ta có thể phục hồi lại dạ dầy. Bằng sự buông xả những âu lo ta có thể phục hồi lại trái tim. Bằng sự đoạn trừ giận dữ ta có thể phục hồi được lá gan.


 

Hãy xem cây cỏ vạn vật; những tàng lá cây nẩy mầm xanh tươi rồi héo rụng đi vào mùa thu, trở về với cội gốc như một quy trình tự nhiên. Trở về cội gốc rồi, chúng không chết đi mà lại tái sinh khi mùa xuân tới. Từ nguyên lý này ta có thể thấy sự sinh hóa vô tận là Đạo của thiên nhiên trời đất, và trở về với cội nguồn là quy trình cố hữu của chúng sanh. Những người biết quy trình cố hữu này và không làm những điều nghịch lý phạm đến Đạo là những vị chân nhân. Đó là lý do tại sao “chân nhân thở từ gót chân”. Gót chân ví như là gốc rễ . Trong ba tháng mùa đông , tức là khi đến thời trở về với cội nguồn, ta phải yên lặng mà hàm dưỡng như vậy.

 

( Trích từ Daily Zen Journal)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc