TỰ TẠI TRONG BÁT NHÃ - Ngọc Bảo

03 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29459)



Con người đến với Đạo qua nhiều nhân duyên. Đạo Phật là đạo cứu khổ, cho nên phần lớn chúng ta tìm đến đạo Phật là để cầu giải thoát khỏi sự đau khổ, phiền não. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là một bài kinh cứu khổ diệu dụng nhất, trong đó bao hàm cả Bi và Trí, chỉ thẳng cho ta con đường Tự Độ, Độ Tha.


Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh là phiên âm tiếng Phạn chữ Maha Prajna Paramita Sutra. Maha là rộng lớn, Prajna là trí tuệ, và Paramita là qua bờ bên kia, nói theo tiếng Hán là Đáo Bỉ Ngạn. Trí tuệ rộng lớn đưa người vượt từ bờ mê qua bến giác, tất cả tinh hoa cốt tủy của đạo Phật trong bộ Đại Tạng Kinh Bát Nhã đã được thâu tóm trong bài kinh ngắn gọn này do ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang trích dịch từ tiếng Phạn sang chữ Hán từ nhiều thế kỷ trước đây.


Bồ Tát Quán Tự Tại khi dùng tâm Bát Nhã Ba La Mật Đa soi chiếu ngũ uẩn thấy đều là không, bèn vượt qua hết mọi khổ ách.

Xá Lợi Tử, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.



Nói đến cứu khổ, thường người ta hay cầu đến một vị Bồ Tát như Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng trong kinh Bát Nhã, sự cứu khổ không cầu đến một năng lực nào ở ngoài, mà dùng đến trí huệ để độ chính mình. Bồ Tát Quán Tự Tại khi dùng trí Bát Nhã để quán chiếu ngũ uẩn, thấy tất cả bản chất vốn là Không, nên vượt qua hết mọi khổ ách. Quán Tự Tại thường được coi là Quán Thế Âm Bồ Tát; ở đây nói về phương diện đoạn phiền não, Quán Âm hay Tự Tại cũng là một, vì có Quán Âm cứu khổ thì mới có Tự Tại. “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”; Quán Âm hay Tự Tại cũng đều là Phật nơi tâm mình hiển hiện; khi xoay trở về tâm mình mà quán sự khổ, lắng nghe phiền não của chính mình, và rồi vượt qua được những đau khổ, tức là đã thực hành hạnh của Quán Âm và Tự Tại vậy. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm là tâm vô biên vô hạn của tánh thấy biết sáng suốt không rỗng vô ngại, gồm cả Trí và Bi rộng mở, vì trong đó không còn có “năng” và “sở”, không còn có phân biệt trong và ngoài, chủ thể và đối tượng.


Con người chúng ta được kết hợp bởi ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc là phần vật chất, Thọ Tưởng Hành Thức là phần tinh thần. Riêng Thọ (cảm giác) do sáu căn hợp với sáu trần đem lại là nhịp cầu nối kết vật chất và tinh thần; sáu căn tuy là vật chất nhưng cái thấy biết riêng rẽ của sáu căn đều xuất xứ từ một gốc Giác duy nhất bao trùm. Cho nên sáu căn là cửa đưa đến giác ngộ, mà cũng chính là cửa đưa đến địa ngục. Tuy nhiên “Thọ” chỉ là cửa ngõ, còn “Hành” mới làø động cơ chính đưa con người đến vòng sinh tử luân hồi. “Hành” là những khởi niệm liên miên trong tâm như một giòng nước chẩy không ngừng, liên kết các “Tưởng” (những kinh nghiệm ghi nhớ trong tâm) làm thành những tác ý (cả thiện lẫn ác) khiến cho có những hành động tạo nghiệp. Nếu phân loại các trạng thái của tâm thức thành 52 tâm sở, 50 thuộc về Hành, 2 tâm sở còn lại là Thọ và Tưởng.


Chúng ta sinh ra mang những hình tướng riêng biệt, và do sự tiếp xúc với môi trường chung quanh mà có những kinh nghiệm riêng biệt, nên từ sự kết hợp của ngũ uẩn này mà ý thức về một cái Ngã riêng biệt đã được lập nên, thấy mình như một thực thể sẵn có và độc lập với thế giới bên ngoài. Nhưng chúng ta không hiện hữu như một thực thể độc lập, mà do nhiều yếu tố duyên hợp tạo thành, và sống trong tương quan chặt chẽ với mọi người mọi vật. Từ những tương quan ấy mà một cái nhìn phân biệt về vị thế của mình khởi lên, gây tạo ra vô số phiền não, đưa con người vào mê lộ.


Làm sao đoạn được phiền não? Kinh dạy quán chiếu thẳng vào thực chất của ngũ uẩn, đi vào tận gốc rễ của vấn đề. Có thân sinh ra là có khổ, nhưng sắc thân vật chất tự nó không biết khổ, mà chính những vọng tưởng trong tâm chấp thân, chấp ngã là thực mới tạo nên phiền não. Cho nên muốn đoạn khổ là phải xoay trở về tâm, quán chiếu Sắc để thấy thân là duyên hợp giả tạm, vô thường mong manh như mộng huyễn, quán chiếu Thọ Tưởng Hành Thức để thấy sinh diệt đến trong từng sát na, chợt khởi chợt mất như những ánh chớp. Tất cả đều đến từ một nền tảng Không bao la và rồi lại trở về Không. Trong cái Không đó cái Ngã hiện rõ tính chất giả tạo của nó, do đó mọi niệm chấp Ngã cũng không còn, và những niệm phiền não cũng tự tan biến.

Phiền não nhân tâm nên có
Tâm không, phiền não ở đâu?



Phiền não chỉ có thể đoạn được thực sự khi nào chúng ta ngộ nhập được tánh Không. Nhưng chúng ta sống trong thế giới hiện tượng, không ngừng tiếp xúc với trần cảnh, khó mà thấy thân mình là Không, lại càng khó đối phó với những khởi niệm không ngừng phản ứng với các trần cảnh đó. Những khởi niệm này đến một cách tự nhiên, không thể diệt được, nhưng chúng không có thực thể, chỉ cần không dính mắc, trụ trước vào chúng, không đem cái Ngã của mình gắn liền vào đó, chúng sẽ tự diệt mà tan đi trong hư không. Ngay cả đối với những cảm giác sống thực nhất như cái đau của thân thể, nếu chỉ quán chúng như những cảm giác thuần túy, không đồng hóa mình là cái thân đang chịu đau, không thấy có cái “tôi” trong đó, thì những cảm giác ấy cũng bớt đi rất nhiều. Điều này đã được kiểm chứng với các bệnh nhân của các bệnh nan y, khi họ thực tập thiền quán và đã tìm cách vượt qua những cái đau đớn của căn bệnh.


Theo như “Tọa thiền Chỉ Quán” của Đại sư Trí Giả, tổ sư phái Thiên Thai, có thể dùng Quán để trị một số bệnh như sau:

Quán thấy tứ đại trong thân là do tứ đại bên ngoài mà hợp thành. Nếu không có tứ đại bên ngoài thì chắc chắn không có tứ đại trong thân. Nay tứ đại bên trong sanh bệnh thì phải kiểm điểm sắc thân của mình, suy cứu tường tận, tìm bệnh hoạn của mình xem nó chỗ nào. Xét tứ đại bên ngoài như sơn hà đại địa và tất cả lửa chưa từng có bệnh sinh. Cho nên tứ đại vốn không có tướng bệnh. Sở dĩ thân sanh bệnh là vì vọng tưởng, tưởng kết thành nghiệp, nghiệp sinh ra bệnh. Truy cứu gốc nghiệp từ tâm mê, tìm tâm mê đến cùng chẳng thể được. Gốc đã không, nên ngọn cũng không, trong cái Không cùng ấy, chẳng thấy bệnh, cũng chẳng thấy người thọ bệnh. Suy tầm như thế thì bệnh tự khỏi.



Các thiền sư thường nói: “Khi buồn, hãy trở thành cái buồn; khi giận, hãy ôm lấy cái giận, trở thành một với nó”, đó là vì khi chúng ta đã trở thành chính nỗi buồn, chính cơn giận thuần túy, không thấy có mình trong đó, thì nỗi buồn, cơn giận ấy sẽ lộ rõ bản chất của nó là Không. Giai thoại của nhị tổ Thiền tông Huệ Khả với tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng đã nói lên điều đó. Huệ Khả một hôm thưa với thầy rằng:

- Bạch thầy, tâm con không an, xin thầy chỉ cho con cách an tâm.


Đạt Ma trả lời:

- Đưa tâm ra đây ta an cho.


Huệ Khả xoay lại tìm tâm, quán chiếu tới cùng chẳng thấy tâm đâu, bèn nói:

- Bạch thầy, con không thấy tâm đâu cả.


Đạt Ma bèn nói:

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi!



Xá Lợi Tử, tướng các pháp vốn Không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm.
Cho nên trong Không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới chí cho đến không có ý thức giới (18 giới), không có vô minh nên không có hết vô minh, không có lão tử nên không có hết lão tử. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí cũng không có đắc.



Các pháp đều do duyên hợp mà thành, không tự có, nên bản chất là Không. Trong cái Không vô cùng vô tận ấy không có tướng nên không có sanh diệt, dơ sạch, tăng giảm; cũng không có tất cả những gì liên hệ đến sắc thân. Nhưng không có nghĩa Không ấy là không còn gì, mà đó là Chân Không Diệu Hữu, nền tảng từ đó khởi lên những hiện tượng, nên tánh Không vẫn luôn luôn thường hằng, thường trú ngay trong các hiện tượng. Cho nên Không và Sắc không rời nhau, luôn luôn đi với nhau như hai mặt của một thực thể. Ơ ngay nơi hình tướng giả tạm sinh diệt (Sắc) đã có sẵn cái không tướng không sinh diệt (Không), nên Sắc tức là Không. Và cái Không vô tướng, vô vi lại được thể hiện ra bằng cái hữu tướng hữu vi (Sắc), nên Không tức là Sắc. Cái nhìn tổng hợp cả Không và Sắc ấy được gọi là Như Thị.


Quán Sắc tức là Không là đi từ Giả vào Thực (Không), tức là tìm về bản chất.


Quán Không tức là Sắc là đi từ Thực (Không) ra Giả, tức là sống với hiện tượng.


Bản chất và hiện tượng không rời nhau, đó gọi là Bất Nhị, cũng gọi là Trung Đạo.


Chúng ta nhớ lại câu nói nổi tiếng sau đây của một vị thiền sư:

Khi chưa ngộ thì thấy núi là núi, sông là sông
Gặp thiện tri thức chỉ bầy thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông.
Nay ngộ rồi thì thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.



Đó là cái nhìn Chánh Kiến toàn diện của mọi phía, không chấp có, cũng không chấp không. Không chấp có nên không đánh mất mình trong những hiện tượng sinh diệt, và không chấp không nên không phủ nhận những tác động do hiện tượng gây nên. Có cái nhìn như vậy thì tuy sống với hiện tượng nhưng vẫn không rời tánh Không, do đó không bị hiện tượng mê hoặc, và được tự tại, tự do trong mọi hoàn cảnh.



 khong_--content Nói về bản chất Chân Không, không thể lấy ngôn từ giới hạn mà diễn tả được cái vô hạn, mà chỉ có thể được chứng nghiệm bằng công phu tu tập. Nhưng nếu dùng tỷ dụ để so sánh, theo như đại sư Sogyal Rinpoche, có thể tạm đem Hư Không ra ví với Chân Không, vì tánh cách vô cùng vô tận của nó. Nhưng Chân Không có đặc điểm là chiếu sáng với tánh Giác tràn đầy. Tánh Giác ấy có từ vô thủy vô chung và cũng không bao giờ mất. Nhưng những diễn tiến nào đã đưa cái Giác nguyên thủy nơi chúng sanh thành Mê? Theo như kinh Lăng Nghiêm, tánh Giác vốn chiếu và tự chiếu không phân biệt trong ngoài, nhưng khi khởi sự phân biệt cái Biết và cái bị Biết (minh giác, sở minh) thì đó là Vọng. Từ Vọng mà lập ra những cái đối đãi lẫn nhau, phát sinh ra các tướng hữu vi, các nhân duyên ràng buộc, xoay vần không dứt trong vòng mê hoặc của yêu, ghét, trả, vay. Nhưng chính khi đang ở trong mây mù của Mê đó, nền tảng Chân Không với tánh Giác vẫn thường hằng ở đó không hề mất. Chỉ cần dừng Vọng, tánh Giác sẽ hiển lộ không suy suyển. Trở về với tánh Giác ấy, tức là đã ở trong Tâm Không, cũng là Tâm Vô Trụ, Tâm Tự Tại, Tâm Bình Đẳng v.v.. nói một cách khác, đó chính là Tâm Bát Nhã vậy.


Giáo lý Phật dậy có mười tám thức, có vô minh khởi mười hai nhân duyên đưa con người vào vòng luân hồi sinh tử, có chân lý Tứ Diệu Đế với Khổ, Tập, Diệt, Đạo, và pháp môn Lục Độ được thành tựu với Trí Huệ. Vậy có phải cái Không trong Bát Nhã phủ nhận hết những điều này chăng?


Chúng ta thường có thói quen nhìn sự việc một cách phiến diện, phân biệt hai bên, với hai thái cực đối nhau. Cái Không phủ nhận cái Có, và cái Phải phủ nhận cái Trái v.v... Nên khi nói đến Không là nghĩ ngay đến sự phủ nhận, sự đoạn diệt, mất mát. Nhưng cái Không của Bát Nhã là vượt ra ngoài sự đối đãi của phủ nhận và xác nhận. Cái Không của Bát Nhã là cái thấy không tướng trong cái có hình tướng. “Thực tướng của tướng là vô tướng”. Khi còn ở trong tướng ngã thì thấy có vô minh, có ngũ ấm và có Khổ Tập Diệt Đạo. Nhưng khi ở trong vô tướng thì không còn thấy có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, cho nên không thấy có ngũ ấm, mười tám thức, mười hai nhân duyên, và cũng không thấy có người để có Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cái nhìn của Vô Niệm, Vô Tướng là không còn thấy có Ngã để thấy có người đắc trí tuệ; thực sự ra trong cái Vô Ngã mênh mang ấy đã có sẵn tánh Giác chiếu sáng với đầy đủ trí tuệ viên mãn, nên chẳng có chứng và cũng chẳng có chỗ đắc.


Vì không có chỗ đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật đa mà tâm không có chướng ngại; vì không có chướng ngại nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo vọng tưởng, đạt tới Niết Bàn. Chư Phật ba đời cũng y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa mà được Chánh Đẳng Chánh Giác.


Có người hỏi Tổ Hoàng Bá:

- Làm sao phát tâm Bồ Đề?


Sư đáp:

- Bồ Đề không có chỗ đắc. Nay ông chỉ cần phát cái tâm vô sở đắc, quyết không đắc pháp nào thì đó chính là Tâm Bồ Đề. Bồ Đề không ở đâu cả, vì thế không có cái sở đắc. Cho nên nói: “Ta không đắc một pháp nào ở Phật Nhiên Đăng cả, cho nên Ngài mới thọ ký cho ta.” Như thế đủ thấy rõ rằng hết thảy chúng sinh vốn đã là Bồ Đề, không cần phải đắc Bồ Đề nữa.


Câu nói trên cũng không khác gì bài kệ bất hủ của Tổ Huệ Năng:

Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi trần


Cái “Không Chỗ Được” này là cái vi diệu của đạo Phật. Khi còn muốn thành, muốn được gì đó, tức là còn Vọng tìm bên ngoài, đó là chướng ngại. Chỉ khi nào nhận ra tự thân vốn đã sẵn có đầy đủ, không từ ngoài mà có được, thì tâm Giác Ngộ mới được hiển lộ tròn đầy, và như thế quả Phật tự nhiên cũng thành, không phải cầu mà có. Chúng ta thấy trong thế giới hiện nay có những giáo phái lập nên chỉ cầu được, cầu thành một cái gì đó, nên đưa con người vào mê lộ, hành động tạo ra vô số nghiệp ác. Cho nên cái “Không Chỗ Được” của đạo Phật chính là cái đưa đến giải thoát vậy.


Nhưng Phật nói không có chỗ đắc, tại sao ở đây lại nói chư Phật ba đời y theo Bát Nhã Ba La Mật mà đắc Vô Thượng Giác? Xét cho cùng, chư Phật tuy đồng một tánh với chúng sinh, nhưng chúng sinh không thể coi mình đã như Phật được. “Đắc” ở đây có nghĩa là chư Phật đã nhận ra ngọc báu sẵn có của chính mình, chẳng phải lấy ở đâu vào, còn chúng ta vì chưa nhận ra được nên giống như kẻ cùng tử lang thang không biết mình đã có sẵn ngọc báu. Cho nên, nói “đắc” mà thực ra chẳng phải “đắc”, còn chúng ta tuy không “đắc” mà chẳng phải thực là không “đắc” vậy.


Vấn đề căn bản của con người là vấn đề sinh, lão, bệnh, tử. Dù có một đời sống như thế nào chăng nữa, sớm muộn gì ta cũng phải đối đầu với vấn đề này, và nếu chỉ biết sống với những hình tướng hữu vi của một kiếp sống hữu hạn, ta sẽ không thể nào vượt qua được sự đau khổ khi cái Bệnh, cái Già và Chết đến. Nhưng đời sống không phải chỉ bắt đầu từ lúc chúng ta sinh ra đời và chấm dứt khi từ giã kiếp sống này. Đời sống là một vận hành vô tận, trong đó sanh và tử là hai mặt không rời nhau, nối tiếp nhau. Đi tìm con người nguyên thủy vốn có sẵn từ trước khi chúng ta sinh ra, và vẫn còn đó sau khi thân xác này hoại diệt, là đi tìm con người đích thực, chủ nhân đích thực của vận mệnh mình. Con người đích thực đó không có hình tướng, không sinh không diệt, không đến cũng không đi. Con người ấy vẫn luôn luôn thường trú nơi hiện thân của chúng ta nhưng chúng ta không hề biết đến vì có những đám mây ngũ ấm dầy đặc bao phủ, nên bị những hiện tượng bên ngoài lôi cuốn, nhận giả làm chân. Con người ấy không ở đâu khác ngoài bản tánh, bản tâm của mình; một khi buông sạch mọi vọng niệm, xả bỏ mọi ý thức để trở về cái Không nguyên thủy thì sẽ ngộ nhập được và như thế là đã trở về với nguồn cội, với quê hương thực sự của mình, sẽ không còn thấy sợ hãi, không còn bị chao đảo bởi những hiện tượng sinh diệt bên ngoài. Tâm vốn là Vô Tâm, Tâm Không tức là Phật, nhận được điều đó thì không cần phải tìm cầu nơi đâu nữa.


Trong Ngộ Tánh Luận, Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói rằng:

Khi tâm đạt Niết Bàn, thì không còn thấy có Niết Bàn nữa, vì chính Niết Bàn là tâm. Nếu thấy có Niết Bàn ở ngoài tâm, thì đó là tà kiến vậy.


Trong Tuyệt Quán Luận, Duyên Môn hỏi sư chủ Nhập Lý:

- Thế nào gọi là Phật?


Nhập Lý trả lời:

- Thấu tỏ được tánh Không nơi vạn pháp thì gọi là Phật.



Cho nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, trừ được hết sự khổ, chân thật không hư.


Xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì thấy cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử nên quyết chí xuất gia tìm đạo giải thoát. Nay chúng ta cũng vì những vây hãm của phiền não mà theo bước chân Phật, đi tìm sự giải thoát khỏi phiền não. Con đường giải thoát ấy tuy thấy như xa xôi bất tận nhưng thật ra là con đường trở về bản thể tự nhiên sẵn có của chính mình. Trên con đường Phật đạo ấy, Vô Minh được chuyển hóa thành Bồ Đề, phiền não được chuyển hóa thành an lạc. Trong sự không rỗng sáng suốt của Bát Nhã, mọi sự đều được thấy biết phân minh, chân thật, không còn có những mê lầm của vọng tưởng, từ đó không còn thấy khổ đau. Như vậy, Tâm Bát Nhã chính là Tâm Tự Tại vậy.


Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha!

Đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, tất cả cùng qua, vui thay Giác Ngộ!


Bờ bên này là phiền não, bờ bên kia là tự tại giải thoát. Bờ bên này là mê, bờ bên kia là ngộ. Pháp là con thuyền đưa qua sông từ bờ này sang bờ kia. Nhưng Pháp vốn gốc là không Pháp; con sông ngăn cách ấy tưởng như khó thể nào vượt qua, nhưng thực ra giữa bờ bên này và bờ bên kia chỉ cách nhau có một niệm. Một niệm vọng là mê, một niệm Không là ngộ; một niệm chấp là phiền não, một niệm buông là giải thoát. Con sông ngăn ngại đôi bờ ấy phải chăng chính là cái Chấp Tướng, Chấp Ngã của Ngũ Uẩn? Khi cái chấp ấy tan biến đi trong tánh Không, thì không còn sông để đi qua, cũng chẳng còn thấy bờ bên này và bờ bên kia. Tất cả chỉ là một thể không lặng sáng suốt, vô biên vô ngại của Bát Nhã Ba La Mật Đa. Tổ Đạt Ma nói: “Khi mê thấy có cả một thế gian để vượt thoát ra ngoài, khi ngộ rồi thì không thấy thế gian nào để thoát ra cả.”



Để kết thúc, chúng ta hãy nghe câu truyện Thiền sau đây:


Trong thời chiến quốc bên Nhật Bản (khoảng thế kỷ 13-16), các vị tướng quân lãnh chúa đánh nhau liên miên để chiếm đất đai. Thành phần nòng cốt phụng sự cho các tướng quân này là giai cấp hiệp sĩ (samurai). Những hiệp sĩ này vì phải vào sanh ra tử, đối diện với cái chết hàng ngày nên một số người thích tu theo Thiền, vì tọa thiền giúp họ có được một tâm bất động, vượt qua được những nỗi sợ hãi Vô Thường.


Có một hiệp sĩ tài danh tên là Trung Chánh, có pháp danh là An Sơn, là một hành giả tu thiền tinh tiến, thường hay đến chùa Kiến Trường tu tập từ lâu năm. Trong một cuộc chiến dữ dội ông bị thương nặng. Bất chấp vết thương đau đớn, ông phi ngựa đến chùa Kiến Trường gặp sư phụ là Tổ Sơn. Lúc ấy Tổ Sơn đang trong thời thiền trà. An Sơn còn nguyên áo giáp trận xông thẳng vào trà thất. Tổ Sơn đưa chén trà ra hỏi: “Ông thế nào rồi?” An Sơn lập tức đạp bể nát chén trà nói: “Trời đất đều tan tành cả rồi”. Thiền sư hỏi tiếp: “Trời đất tan tành thì ông ra sao?” Chiến sĩ đứng thẳng, chắp tréo tay trên ngực. Tổ Sơn lấy tay đánh, An Sơn hét lên vì động vết thương đau. Tổ Sơn bảo: “Trời đất chưa tan tành..”


Tiếng trống quân trường vang vọng tới từ bên kia núi, An Sơn phải phi ngựa trở về. Chiều hôm sau ông lại đến chùa, lần này vết thương còn nặng hơn, mình mẩy đầy máu, cố lết vào gặp sư phụ. Tồ Sơn bước ra hỏi lại: “Trời đất tan tành thì ông ra sao?” An Sơn tựa người trên thanh kiếm còn đẫm máu, hét lên một tiếng thật to, rồi đứng yên tắt thở trước mặt thầy.


Tiếng hét đó của An Sơn có nghĩa gì? Phải chăng vị hiệp sĩ đã nhận ra câu trả lời cho vấn đề đại sự nhất của một đời người, vấn đề Sanh Tử. Con người sinh ra quen nhận thân ngũ uẩn là mình, bỗng nhiên đối diện với sự mất mát của thân ngũ uẩn đó, làm sao không cảm thấy như trời đất, vũ trụ đều tan tành đổ vỡ? Nhưng khi trời đất tan tành, Ngũ Uẩn này mất đi rồi thì sao? Trong cái Không vô tận vô tướng, vô thủy vô chung ấy sẽ còn lại gì? Đó cũng là một câu hỏi chúng ta phải đặt ra cho chính mình. Và nếu hiểu được thế nào là “không có lão tử, nên không có chấm dứt lão tử”, chắc hẳn Tự Tại sẽ đến với chúng ta.




Một bài thơ KHÔNG

Emptiness is a name for nothingness,
A name for ungraspibility
A name for mountains, rivers, the whole earth.
It is also called the Real Form.
In the green of the pines,
The twist of the brambles,
There is no going and coming;
In the red of the flowers
And the white of the snow,
There is no birth and no death.


Ryusai



Tạm dịch:

Không là tên của tánh không,
Là tên gọi cái không thể nắm bắt,
Tên của đất trời, và của núi sông.
Cũng còn được gọi là Thực Tướng.
Trong mầu xanh của những hàng thông
Những bụi cây um tùm quấn quít
Chẳng có gì đến, không gì đi
Trong mầu đỏ thắm của sắc hoa
Và mầu trắng tinh của bông tuyết
Chẳng có gì sinh, không gì diệt.



Ngọc Bảo

(Viết cho đạo tràng Hoa Nghiêm)

Tháng 2, năm 2004
 
Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Giêng 20138:00 SA
Khách
Luôn nhận biết Cảnh, Thân, Tâm
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật