Xin Góp Mấy Lời Về Việc Học Bát-Nhã Tâm Kinh
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
HỎI: Phải đọc văn bản có giá trị giác ngộ tự tâm
(tức là giác ngộ cội nguồn cuộc sống) như thế nào?
ĐÁP: Nếu đọc mà dùng nhận thức suy luận để hiểu, đó là đọc bằng trí-công-cụ, bằng tâm ngôn-tâm hành; tức là đọc bằng vọng tưởng, bằng kiến thức bị quy định. Tâm ngôn-tâm hành là sự nói năng trong tâm, là sự diêu động trong tâm; là vọng tưởng. Vọng tưởng càng nhiều thì thực tại của tâm, mặt thật của tâm trí càng bị che mờ. Sự hiểu bằng cách đọc này chỉ có giá trị định hướng, đánh thức khát vọng giác ngộ, chứ không có sự giác ngộ đích thực.
Phải vừa đọc, vừa nghiệm, vừa đối chiếu với trạng thái tâm
trí đang hiện hữu (đang là). Văn bản như tấm gương soi để thấy rõ mặt tâm trí,
để ấn chứng.
Không quán tâm, không tự tri thì không biết đọc Thiền, không biết học Thiền. Cốt tuỷ của việc học Thiền là trực quan, tức là thấy rõ (nghe rõ, biết rõ) trạng thái tâm trí bằng tri giác nội tại. Giống như học giải phẫu cơ thể, không thể học được nếu không tận mắt thấy rõ các bộ phận trong cơ thể.
Biết đọc văn bản giác ngộ là có giác ngộ.
HỎI: Bát-Nhã Tâm Kinh là một bản kinh rất quan
trọng, đâu là chìa khoá của kinh?
ĐÁP: Khi học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm đến cụm từ “chiếu kiến”. “Chiếu kiến” là “soi thấy”.
Câu kinh có cụm từ này là: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm
Bát-nhã ba-la- mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ
ách”. Thầy Tuệ Sỹ dịch là: “Bồ-tát Quán Tự Tại trong khi thực hành Bát-nhã
ba-la-mật-đa thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt qua tất cả mọi khổ
ách”.
Dùng trí óc phân tích rồi kết luận rằng năm uẩn do duyên
sinh-không có tự tính, đó là suy luận trừu tượng. Phân tích và suy luận chỉ
giúp hiểu đối tượng bằng vốn liếng tri thức trong tâm trí bị quy định, để góp
phần tăng khát vọng giác ngộ, chứ không thể thấy-biết-như-thực thực tại.
“Soi thấy” (chiếu kiến) là cụm từ chỉ sự kiện hiện tiền cụ thể, chứ không phải chỉ sự suy luận trừu tượng. Thấy-biết-như-thực là chiếu kiến.
Chiếu kiến (soi thấy) là giáp mặt đối tượng; một sự giáp
mặt không còn ngăn cách nào, không còn chủ thể phân cách với đối tượng. “Quán
tâm nơi tâm” trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ cũng hàm ý ấy.
Nhưng làm sao để trạng thái chiếu kiến hiện tiền ở tâm?
Trạng thái chiếu kiến là trạng thái vô sư trí. Trí này hiện
tiền do có ý định chủ hướng, do có khát vọng giác ngộ đích thực – giác ngộ vì
tự lợi-lợi tha tối thượng.
Ý định chủ hướng nhắm vào đâu? Nhắm vào sự lắng nghe vọng
tưởng; tức là lắng nghe mọi nói năng trong tâm trí; tức là lắng nghe ông chủ vô
minh của ngũ uẩn; tức là quán thế âm. Phải lắng nghe một cách nhẹ nhàng và tự
nhiên, không dụng công gắng sức; tức là quán tự tại. (Bồ-tát Quán Tự Tại chính
là Bồ-tát Quán Thế Âm).
Với tri giác nội tại, khi biết nghe-như-thực thì cũng chính
là thấy-như-thực, biết-như-thực. Đó là trạng thái chiếu kiến (soi thấy).
Khi biết chiếu kiến ngũ uẩn, khi thật sự soi thấy năm uẩn thì vọng tưởng dừng lại, tức là tâm im lặng. Nói cho dễ nhận, khi thật sự biết nghe lại mọi nói năng trong tâm trí thì tâm trí có sự đột chuyển (chuyển y), vô niệm hiện tiền (tức là Tánh Không hiện tiền).
Vô niệm hiện tiền chính là mở con mắt Tâm – con mắt của sự sống bất sinh bất diệt. Mắt mở sáng thì tuỳ duyên khởi tác dụng. Vô niệm hiện tiền là tuệ nhãn. (Thỉnh thoảng có được vài phút vô niệm cũng có công đức và phước đức rất lớn, nghiệp chướng vơi bớt).
Vô niệm là Tâm Không, là tâm vô ngôn phi thời gian; Tâm
Không là Tánh Không. Tánh Không là Tánh Viên Giác.
Như thế, thật sự soi thấy ngũ uẩn, thật sự giáp mặt ngũ uẩn
thì Tánh Không hiện tiền, Viên Giác hiện tiền. (Ta hiểu tại sao các minh sư khi
Việt dịch chữ “không” thường viết hoa là “Không”).
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” chính là “hành thâm Bát-nhã
ba-la-mật-đa”. Vọng tưởng là trạng thái tâm trí si mê theo kiến chấp nhị nguyên
đầy phiền não; Tâm Không hiện tiền thì cực lạc hiện tiền…
Học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm cụm từ “chiếu kiến”. Đó là chìa khoá mở cửa giác ngộ đích thực.
(Trích trong Đàm Đạo Về Thiền).
---
Đọc Kinh “Trí Tuệ Siêu Việt” (*)
Kinh ví như tấm gương
Soi gương thấy tâm mình
Nếu đọc nhưng chưa thấy:
Thiếu công phu tham thiền
Đọc-hiểu: chỉ biết đường
Đọc-thấy: đang đi đường
Có đi thì mới đến
Hiểu cách Thấy nghìn trùng
Không nhắm Trí Bát Nhã
Tu hành chưa chính tâm
Nên Tâm Kinh Bát Nhã
Là thước đo trí nhân.
(*): Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh.
Đọc kinh này cần nhìn lại tâm để thấy biết các
trạng thái: quán tự tại, chiếu kiến, thọ, tưởng,
hành, thức, vô sở đắc…
(Trích trong Đường Về Minh Triết)