TÂM KINH BÌNH GIẢI - Thiền sư Seung Sahn

20 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 26717)

 

tamkinh-content

TÂM KINH BÌNH GIẢI


Thiền sư Seung Sahn


 

Bồ Tát Quán Tự Tại khi dùng trí Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm sâu soi chiếu ngũ uẩn thấy đều là không, bèn vượt qua hết mọi khổ ách.


Này Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc; sắc chính thực là không, không chính thực là sắc; thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.


Này Xá Lợi Phất, tướng Không trong các pháp không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm. Cho nên trong Không không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.


Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh nên không có dứt vô minh, không có lão tử nên không có dứt lão tử. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có tri thức, nên không có chứng đắc. Vì không có chứng đắc, nên Bồ Tát nương theo trí Bát Nhã Ba La Mật, tâm không có chướng ngại. Vì không có chướng ngại nên không có sợ hãi, xa rời mọi vọng tưởng điên đảo, đạt cứu cánh Niết Bàn.


Chư Phật trong ba đời đều y theo Trí Bát Nhã Ba La Mật Đa mà đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.


Vậy phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được tất cả khổ đau, chân thực không giả dối. Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa được nói như sau:


Gate Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha.

Gate Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha

Gate Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha.


 

Bát Nhã Tâm Kinh chỉ có 270 chữ Hán, nhưng bao hàm trong đó tất cả giáo lý của Phật Giáo Đại Thừa. Trong kinh này cô đọng tinh tuý của kinh Kim Cương, kinh Hoa Nghiêm và kinh Liên Hoa, chứa đựng nghĩa lý của tất cả kinh Phật. Kinh Bát Nhã được đọc tụng trong mọi chùa chiền và thiền viện Đại Thừa. Trong những chùa ở Đại Hàn và các trung tâm thiền viện ở Âu Mỹ, kinh này được đọc tụng ít nhất hai lần một ngày, và trong thời kỳ chuyên tu lại càng được đọc nhiều hơn nữa. Đôi khi nếu bạn thấy tâm thần bất minh, và ngồi thiền không giúp gì được mấy, hãy đọc kinh này, bạn sẽ thấy tâm trí sáng tỏ trở lại.



Maha có nghĩa là lớn vĩ đại. Bát Nhã là trí tuệ. Ba La Mật Đa có nghĩa là vượt qua, hay là đạt sự toàn hảo. Trong chữ Hán "Tâm Kinh" có nghĩa là "con đường tâm". Như vậy kinh này có nghĩa là "Con đường để đạt đến trí tuệ toàn hảo".



Chữ Maha trong tựa đề của kinh này chỉ đến một điều gì vô cùng lớn rộng. Trong thời gian và không gian này có gì có thể thực sự nói là vô lượng vô biên? Có người nói là đất là vật lớn nhất. Thế nhưng khi chúng ta nghĩ lại, thì đại dương dường như là lớn nhất, vì diện tích đại dương nhiều hơn là đất liền. Hay bầu trời là lớn nhất? Có thể không gian là cái lớn nhất mà chúng ta có thể biết được. Có lẽ bầu trời và không gian là lớn nhất! Vũ trụ này thật là vô biên vô hạn trong thời gian và không gian, và còn dung chứa trong đó những thế giới vô hạn - có lẽ đó là cái lớn nhất chăng? Chắc tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng một vị thầy nổi tiếng đã nói rằng,"Toàn vũ trụ này bao trùm lên người tôi, nhưng tâm tôi có thể bao trùm cả vũ trụ". Đây là một điểm rất quan trọng. Vũ trụ bao quanh và trùm lên thế giới ta sống với tất cả mọi thứ trong đó, nên thực sự rất là lớn. Nhưng ngay giây phút ta nghĩ đến vũ trụ - "vũ trụ" trong đầu - là ta đã bao trùm hết cả vũ trụ trong tâm ta rồi. Như thế tâm ta còn lớn hơn cả thời gian vô hạn và không gian vô hạn của vũ trụ này. Thật kỳ diệu thay! Tâm Kinh đã chỉ cho ta điều lớn nhất ta có: đó chính là tâm - và cũng chỉ cho ta làm sao khám phá và tu luyện để ứng dụng cái lớn nhất ấy, bởi thế bài kinh ngắn gọn này được gọi là Maha.


 

Chiếu kiến ngũ uẩn đều không độ cho mọi chúng sanh qua hết mọi khổ ách.



Thế giới này nhìn đâu cũng thấy tràn ngập các nỗi khổ. Mọi chúng sanh đều có những đau khổ phiền não. Nhưng sự đau khổ đến từ đâu? Có những người thương yêu người khác một cách tuyệt vọng, có những người buông theo dục vọng kiếm tìm những sở hữu vật chất. Có người tham vọng muốn trở thành một nhân vật nào đó để làm cho cuộc đời toàn hảo, hay được người khác biết đến và công nhận. Nhưng dù chúng ta có phấn đấu thế nào để được những điều đó, dù chúng ta có đạt được đi nữa, ta cũng không thể giữ chúng được. Và đó là nguyên nhân tạo nên sự đau khổ. Tuy nhiên khởi thủy sự đau khổ không phải là sẵn có. Tất cả đều đến từ tâm của chúng ta, như một ảo ảnh hiện lên từ con đường nóng bỏng, trông có vẻ như thực. Nếu ta đau khổ về một điều gì đó, rồi ta chết đi, sự đau khổ đó cũng biến đi. Khi ta nhận ra điều này - rằng đau khổ chỉ là sản phẩm do tâm dựng lên, và không có sự hiện hữu độc lập - ta sẽ không còn thấy đau khổ phiền não.



Thế thì, tâm là cái gì mà lớn như vậy? Nếu ta suy nghĩ, ta sẽ không thấy tâm ở đâu cả. Nếu ta dừng sự suy nghĩ - có nghĩa là dừng mọi vướng mắc vào những tư tưởng khởi lên - bản tâm thực sự của ta sẽ hiển hiện cùng khắp. Đức Phật trước tiên đã dạy cho ta rằng cái gọi là tâm hay là "tôi" đó chỉ là sự kết hợp của ngũ uẩn, tức là sắc, thọ tưởng, hành, thức. Ngũ uẩn này biến đổi không ngừng: chúng chỉ là những khối năng lượng của tinh thần. Vì con người luôn luôn bám víu vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nên khi những biến đổi tất yếu xẩy ra, chúng ta thấy đau khổ phiền não. Chúng ta không bao giờ thoát ra được thế giới đau khổ phiền não này. Đó là bởi vì chúng ta tin rằng ngũ uẩn là có thật, và chúng là cái "tôi" thật sự của ta. Đây là trọng điểm mà giáo lý nguyên thủy của đạo Phật đã giảng dạy. 



Tuy nhiên, câu đầu tiên của Tâm Kinh đã chỉ ra rằng ngũ uẩn vốn bản chất là không. Theo như thế, đau khổ nằm ở đâu? Cái gì có thể đau khổ? Ví dụ, đây là một ly nước cam. Nếu ta có "ly", ta có thể chứa được nước cam ở đó. Nhưng nếu ly đó vỡ, làm sao nước cam còn chứa ở đó được? Ta sẽ không giữ nước cam ở đó được, phải không? Đau khổ cũng là như thế. Đau khổ trụ tại nơi đâu? Nếu ta bám víu vào ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đau khổ sẽ có nơi để trụ vào. Nhưng Tâm Kinh chỉ cho ta thấy rằng ngũ uẩn vốn là không. Tâm vốn là hoàn toàn rỗng không - làm sao đau khổ có thể trụ vào đâu được? Vì vậy, giáo lý về tánh không này là cực kỳ quan trọng để ta thấu đạt. Khi chúng ta tu tập hành trì kinh Bát Nhã, ta sẽ chứng thấy được rằng ngũ uẩn vốn tất cả đều là không. Đạt được sự thấy biết đó sẽ độ cho chúng ta qua khỏi mọi đau khổ phiền não. Chỉ hiểu qua lời nói không chưa đủ - ta còn phải tu tập để chứng được điều đó.


 

Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc; sắc chính thực là không, không chính thực là sắc.



Tâm Kinh dạy rằng "sắc chính là không, không chính là sắc". Nhiều người không hiểu ý nghĩa của điều đó - kể cả một số hành giả đã tu tập lâu năm. Nhưng có một cách rất dễ dàng để nhìn thấy điều đó trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ, đây là một cái ghế gỗ mầu nâu, trông nặng nề vững chắc. Cái ghế đó dường như sẽ tồn tại lâu dài lắm. Bạn ngồi trên ghế, và cái ghế chịu đựng sức nặng của bạn. Bạn có thể để đồ vật lên cái ghế đó. Nhưng rồi bạn châm lửa đốt cái ghế rồi bỏ đi. Khi bạn trở lại, cái ghế không còn đó nữa! Đồ vật trước đây trông thật là vững chắc mạnh mẽ và có thực đó bây giờ chỉ là một đống tro tàn đang bị gió thổi tung bay khắp nơi. Ví dụ này chỉ cho thấy tánh không của cái ghế: đó không phải là một vật thể thường tồn, thường trụ, mà luôn luôn thay đổi, và không có sự hiện hữu độc lập. Qua một thời gian dài hay ngắn, cái ghế sẽ dần dần thay đổi và trở thành một vật gì khác với lúc ban đầu. Như vậy cái ghế này bản chất hoàn toàn là không. Nhưng mặc dù có tánh là không, nhưng tánh không ấy thể hiện trong sắc tướng: bạn có thể ngồi trên ghế, và ghế vẫn giữ được thân hình của bạn trên đó: "sắc chính là không, không chính là sắc".



Nhưng tại sao ta cần phải hiểu biết điều này? Lý do là vì rất nhiều người trong chúng ta đều vướng mắc vào danh và sắc, và sự vướng mắc vào danh và sắc này là nguyên nhân của hầu hết những đau khổ phiền não. Nếu ta muốn chữa cho con người ra khỏi sự vướng mắc này, ta phải dùng đến liều thuốc danh-và-sắc. Ta phải bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng danh và sắc là không thật và không thường tồn: chúng luôn luôn biến đổi, biến đổi, và biến đổi. Nếu bạn giầu có, bạn phải thấy rằng những tài sản bạn đang ham muốn đó đều bản chất là không. Nếu bạn ham danh và muốn mọi người công nhận mình, bạn phải thấy rằng những điều bạn đang phấn đấu và khổ nhọc để đạt được đó bản chất là không. Hầu hết mọi người đều trân quý thân của mình: họ bỏ ra rất nhiều tiền để làm cho thân đó được mạnh mẽ đẹp đẽ. Nhưng một ngày nào đó, chẳng chóng thì chầy, bạn sẽ chết, và thân này không còn nữa. Bạn không thể đem thân này theo bạn được, dù bạn có trân quý nó đến thế nào chăng nữa. Bạn không thể đem danh vọng theo được. Bạn không thể đem tiền bạc theo được. Bạn không thể đem luyến ái tính dục theo được. Bạn không thể đem theo bất cứ cái gì được!



Thời nay, có nhiều người đang vướng mắc rất nhiều vào những điều này. Họ trân quý danh vọng và những hình sắc hư ảo trống rỗng trên hầu hết bất cứ cái gì khác, tự hại mình và hại người chỉ để bảo vệ chúng. Họ muốn có tiền tài, danh vọng, hay một quan hệ tốt đẹp. Họ phấn đấu tuyệt vọng để có được địa vị cao sang. Người ta luôn luôn đem tâm mình ra đầy đọa và rồi đau khổ chỉ vì muốn đạt được, và giữ lại những điều trống rỗng, vô thường ấy. Thời nay có nhiều người vướng mắc trong luyến ái tính dục. Nhưng không có gì cần phải như vậy. Tất cả mọi sắc tướng đều là không, vì vậy nghĩ rằng bạn có thể đạt được hay giữ được một điều gì đó trên căn bản chỉ là một ảo tưởng. Câu kinh này dạy cho chúng ta điều đó.


 

Không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm.



Bát Nhã Tâm Kinh là một bản kinh đặc biệt đã biết cách dùng ngôn từ thiện xảo để diễn tả bản tánh tự nhiên của chúng ta. Đó là dùng thể phủ định "không" nhiều lần. Khi ta đạt tới chân không, không còn có lời nào, chữ nào để nói nữa. Mở miệng ra đã là một sai lầm lớn lao rồi. Như vậy chữ nghĩa ngôn từ không thể nào diễn tả được bản tánh tự nhiên của ta. Nhưng để giáo hóa những người còn vướng trong ngôn từ huyễn hóa, đôi khi phải dùng ngôn từ làm phương tiện. Bát Nhã Tâm Kinh nhận ra cả hai phương diện này, do vậy đã diễn tả bản tánh tự nhiên của ta bằng cách diễn tả hoàn toàn những gì không phải là bản tánh tự nhiên. Ta không thể nói đó là cái gì, nhưng có thể gợi ra cho thấy những gì không giống như bản tánh tự nhiên. "Đó không phải là thế này hay thế nọ, thế nọ hay thế kia. Đó không giống như thế kia, hay thế này, thế nọ. Hiểu không?" Ha ha ha. Đó là một kỹ thuật rất hay. Bát Nhã Tâm Kinh chỉ nói "không" bởi vì đó có lẽ là cách tốt nhất để dùng chữ nghĩa ngôn từ biện giải.



Câu kinh này chỉ ra rằng, trong bản tánh tự nhiên của chúng ta, không có gì sanh hay diệt. Cũng không có gì dơ hay sạch, bởi vì tất cả chỉ là khái niệm dựng lên bởi cái tâm suy nghĩ. Và trong bản tánh tự nhiên cũng không có gì tăng hay giảm. Bản tánh của ta là hoàn toàn không lặng. Đó là bản chất chung nhất hợp thành tất cả những gì khác trên thế giới này. Thế thì, làm sao nó có thể sanh hay diệt, dơ hay sạch được? Quan trọng hơn là, vì bản chất của chúng ta cũng là bản chất của vũ trụ, làm sao nó có thể tăng hay giảm được? Vì vô lượng vô biên trong thời gian và không gian, nó không có một đặc điểm nào giống với những thứ mà ta có thể dùng chữ nghĩa ngôn từ để diễn tả được.


 

Tất cả các pháp đều là không - không có tri thức, nên không có chứng đắc. Cứu cánh Niết Bàn.



Bát Nhã Tâm Kinh nói: "Tất cả các pháp đều là không". Nhưng tất cả các pháp đã vốn là không trước khi ta mở miệng nói điều đó. Danh và sắc đã vốn là không. Làm sao có thể nói tới pháp nào và nói là không đắc được chúng? Đó là điều sai lầm lớn lao! Trong sự thực chứng tánh không, không còn có chữ nghĩa ngôn từ nào, nên cũng không có pháp nào để nói. Khi mở miệng nói "Tất cả các pháp đều là không" thì đó không còn là không nữa. Vì vậy phải cẩn thận. Điểm đáng nói ở đây là nếu ta chỉ hiểu qua chữ nghĩa ngôn từ, chỉ ở trên bình diện của tri thức, thì kinh này và các kinh khác đều không giúp gì cho ta trong đời sống. Điều cần thiết là phải có sự chứng nghiệm những lời kinh mới có thể thấu hiểu được.



Vì vậy khi nói rằng tất cả các pháp đều là không, là ta cũng nói đến không có tri thức, và không có gì để chứng đắc. Cái không ở đây là sự thực tuyệt đối. Đã là không, thì còn có chỗ nào để đắc? Những lời nói trong kinh Bát Nhã chỉ là những ngôn từ tuyệt diệu. Nhưng dù những ngôn từ có hay ho và tuyệt diệu đến thế nào, nếu ta chỉ hiểu chúng qua khái niệm, thì đó cũng không giúp gì cho cuộc đời ta được. Do đó, ta lại phải tu tập để chứng đắc. Ta phải chứng đắc cái không có chỗ đắc (vô sở đắc). Tất cả đều đã là chân lý Như Thị. Ta vốn đã đầy đủ sẵn có. Nhưng hãy cẩn thận! Hiểu qua chữ nghĩa ngôn từ là một chuyện, mà chứng đắc lại là chuyện khác.



Bát Nhã Tâm Kinh mở đầu với sự chứng nghiệm tánh Không của Phật giáo nguyên thủy và đi thêm bước nữa. Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo phản chiếu một con đường trong đó có sự nhận thức cái khổ, rồi đưa đến sự diệt trừ cái khổ và cảnh giới vô sanh vô diệt. Đó là Niết Bàn. Không có sự đối đãi của đến hay đi, cao hay thấp, tốt hay xấu, sanh hay tử. Làm sao dứt được điều gì vốn không hiện hữu? Đau khổ vốn là không, làm sao có thể có nguồn gốc mà diệt trừ được? Đó là điều Bát Nhã Tâm Kinh nói đến trong câu "Không có khổ, tập, diệt, đạo". Câu đó hoàn toàn đi ngược lại nghĩa lý của Tứ Diệu Đế rằng có sự khổ, nguyên nhân sự khổ, sự diệt trừ khổ và con đường tu để giải thoát khổ đau. Như vậy, giáo lý Đại Thừa đã đi thêm một bước khỏi giáo lý nguyên thủy Phật giáo. Nếu ta ngừng lại ở chỗ không lặng hoàn toàn, ta chỉ có thể đạt được Niết Bàn. Nhưng quan điểm của Phật giáo Đại Thừa là tiến thêm bước nữa.



Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác - A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề


A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara Samyak Sambodhi) là một câu tiếng Phạn có nghĩa là "vô thượng chánh đẳng chánh giác". Đó cũng là một cách khác để nói đến "chân lý". Khi ta nhìn, khi ta nghe, khi ta ngửi, khi ta nếm, khi ta xúc chạm, khi ta nghĩ - tất cả, là như-thế-đó, là chân lý Như Thị. Trước đó, ở thời điểm của Niết Bàn, không có tri thức, không có chứng đắc. Như thế bồ tát nương vào trí Bát Nhã Ba La Mật Đa mà đạt tới cứu cánh Niết Bàn. Nhưng rồi ba chữ sau xuất hiện: A nậu đala tam miệu tam bồ đề. Trước nói là không có chứng đắc; sau lại nói là chư Phật đắc A nậu đala tam miệu tam bồ đề. Đó là ý nghĩa gì?



Nếu ta chỉ đạt tới sự không lặng toàn diện, đó chỉ là trạng thái Niết Bàn. Đó là sự chứng nghiệm sự tịch tĩnh hoàn toàn và niềm hoan lạc: không có chủ thể hay đối tượng, tốt hay xấu, không đến không đi, không sanh không tử. Không có chỗ nào để đắc được. Nhưng Đại Thừa có nghĩa rằng sự tu tập còn vượt qua cả điểm này để đến sự chứng đắc cái vô sở đắc. Ta phải tìm cách ứng dụng Niết Bàn vào đời sống. Điều đó được gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu chứng được cái vô sở đắc, tức là đã đạt tới chân lý. Tâm ta sẽ không rỗng và trong sáng như hư không. Điều đó có nghĩa là tâm ta trong sáng như tấm gương: nếu có ngọn núi phản chiếu trong gương, thì đó chỉ là ngọn núi; nếu có nước phản chiếu vào, thì đó chỉ là nước, mầu đỏ thì thấy mầu đỏ, mầu trắng thì thấy mầu trắng. Bầu trời mầu xanh. Cây cối mầu xanh lá cây. Một con chó đang sủa "gâu gâu"! Đường nếm thì ngọt. Tất cả những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và nghĩ đều là sự thật như thế. Niết Bàn có nghĩa là đạt tới chân không, tức là cái vô sở đắc. A nậu đala tam miệu tam bồ đề có nghĩa là dùng kinh nghiệm chứng ngộ tánh Không để đạt đến chân lý. Với một tâm không rỗng, chiếu kiến thế giới này đúng như thế (đại viên cảnh trí). Đó là Phật Giáo Đại Thừa và Đại Bồ Tát Đạo.


 

Gate gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha!



Như vậy cũng còn thêm một bước nữa. Nếu ta đã đạt tới cái không, và rồi đạt được chân lý, làm sao để ứng dụng chân lý này độ cho các chúng sanh khác? Chư Phật đều đạt được A nậu đala tam miệu tam bồ đề, hay là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Có nghĩa là họ đã đạt được chân lý. Họ có thể thấy rõ ràng bầu trời mầu xanh da trời, cây lá mầu xanh lá cây. Ở cuối bài kinh nói đến một bài đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú: Gate gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha. Bài chú này có nghĩa là "Vượt qua vượt qua, vượt qua bờ bên kia, giác ngộ giải thoát". Như vậy bài chú ở cuối bài kinh này có nghĩa là chỉ cần hành động. Từ đầu cho tới chỗ đó, tất cả chỉ là chữ nghĩa ngôn từ về sự đạt tới cái không và chân lý. Tất cả là sự diễn tả rất tuyệt vời. Nhưng bài chú này có nghĩa là ta phải hành động. Cần phải có hành động nào đó nếu ta muốn cứu độ thế giới này. Đối với một vị bồ tát, đó chỉ là hành bồ tát đạo. Khi đạt tới vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta phải ứng dụng được sự chứng ngộ này trong cuộc đời. Đó gọi là đời sống của giây phút hiện tiền. Từng giây từng phút, hãy nhận thấy những đau khổ trong đời sống này và cứu độ tất cả chúng sanh. Đó là điểm rất quan trọng.



Đạt được chân lý chưa phải là đủ. Khi có ai khát nước, hãy đưa nước cho người ấy uống. Khi có ai đói, hãy đưa thức ăn cho người ấy ăn. Khi có người đau khổ đến trước mặt, hãy giúp người đó, không cần suy nghĩ hay xét nét gì cả. Phần đầu của bài kinh không nói "hãy làm đi!", chỉ có những lời hay đẹp về chứng đắc và vô sở đắc. Nhưng nếu bạn chứng đắc được điều gì, bạn phải ứng dụng điều ấy trong hành động. Đó là ý nghĩa đàng sau câu chú Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha. Từng bước một, chúng ta đạt tới chỗ có thể sống trong tình thương với tất cả mọi người, áp dụng chân lý trong sự hành xử đối với tha nhân, một cách tự nhiên, từng giây từng phút một. Đó là tất cả những gì Bát Nhã Tâm Kinh muốn nói đến.


Từng giây từng phút, khi đang làm điều gì, hãy chỉ hành động.



Thiền sư Seung Sahn


Ngọc Bảo trích dịch


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật