Y PHÁP BẤT Y NHÂN - hỏi đáp Phật pháp

05 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 29883)

zen-sunset-content




Y pháp bất y nhân

 



Hỏi:

 

Tôi đã tu tập Phật pháp nhiều thập niên nay rồi, nhưng trong mấy năm gần đây tôi đâm ra có nhiều nghi ngờ về sự tu tập của tôi, về đạo tràng, ngay cả về thầy của tôi nữa. Đạo tràng nơi tôi tu tập hiện đang tan rã dần và một số bạn đạo của tôi đã bỏ đi, một phần là vì họ đã mất niềm tin nơi vị thầy của chúng tôi. Tôi muốn tin nơi thầy, nơi đạo tràng, và con đường tôi đi, nhưng không làm sao vượt qua được mối nghi ngờ này. Tôi cảm thấy như mình đang bị mắc kẹt. Làm sao đối phó với tình trạng này?


 


Narayan Liebenson Grady:

 


Thật khó trả lời câu hỏi của bạn vì tôi không biết được nguyên nhân vì sao có sự tan rã trong đạo tràng của bạn, nhưng tôi sẽ cố nghĩ xem sao. Kinh nghiệm của tôi là khi có nghi ngờ khởi lên về vị thầy và đạo tràng, thì đó là một vết thương hằn sâu bởi vì chúng ta đặt rất nhiều giá trị trong sự tu tập Phật Pháp, và điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự tu tập của chúng ta. Điều thử thách là không nên xem việc khó khăn này như là tách rời khỏi sự tu tập, mà chúng chính là một, và giống với nhau.


 

Phải tin rằng dù một đạo tràng có thể tan rã, một vị thầy có thể làm bạn thất vọng, nhưng điều đó không có gì làm ảnh hưởng đến niềm tin trong sự tu tập của bạn hay giáo pháp của Đức Phật. Khi tình trạng đó xẩy ra, có thể xem đó như một đề tài để quán chiếu trong sự tu tập, về những cảm xúc nghi ngờ trong tâm. Nguyên tắc căn bản là khi gặp khó khăn thì xem đó như phương tiện để làm cho sự tu tập của mình kiên cố hơn. Thay vì nhìn ra ngoài hướng về các bạn đạo và vị thầy của mình, bạn hãy hướng vào trong quán sát lại nội tâm, như một cách trợ duyên cho chính mình. 


 

Khi niềm tin của chúng ta bị thử thách, cần phải điều tra sự việc một cách tế nhị. Rõ ràng là bạn đang bị mắc kẹt trong tình huống này, đang ở trong một quá trình có nhiều thay đổi lớn lao. Có phải điều đó xẩy ra là vì có sự dính mắc, hay là do có trí tuệ phân biệt? Vì sao các bạn đạo của bạn mất niềm tin? Bạn có nghĩ là nguyên nhân đưa đến sự ra đi của họ không có gì là to tát quá không, hay là vị thầy đó đã làm mất niềm tin của đệ tử qua những hành động vi phạm đến vấn đề đạo đức? Bạn có thấy đạo tràng này là quá cứng rắn không, hay đã quá dễ dãi làm ngơ trước những vấn đề đang xẩy ra? Nếu đó là trường hợp thứ hai, chắc bạn cũng nên can đảm và sáng suốt mà rời bỏ chỗ đó. 



Niềm tin mù quáng không có trí tuệ đi kèm không giúp ích gì được cho ai cả. Sự tin tưởng và niềm tin cần phải đặt trên một nền tảng dựa theo kinh nghiệm cá nhân của mình. Trong những tình huống như thế này, những kinh nghiệm nản lòng trong quá khứ có thể được gợi lên, khiến chúng ta không còn nhìn mọi việc một cách sáng suốt được. Có thể nào những chuyện bất tín trước kia - không dính dáng gì đến sự việc hiện nay - lại có một ảnh hưởng không hay đối với hiện tại chăng?



Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật là hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Tình huống này, dù có vẻ khó khăn như vậy, nhưng có lẽ lại là một thúc đẩy cần thiết để bạn phải nhìn lại nội tâm của mình. Nếu nhờ vậy mà lòng tin nơi chính mình trở nên sâu xa hơn, thì điều đó không có nghĩa là bạn không còn muốn hay cần đến một đạo tràng hay một vị thầy nữa; mà là bạn đang khai triển trí phân biệt cho mình, để biết những quan hệ đang có hiện nay là không tốt lành hay tốt lành.


 


Tenzin Wangyal Rinpoche:



Trong truyền thống đạo Phật thuộc môn phái Bon của Tây Tạng, chúng tôi có một bài kinh cầu với giòng cuối cùng như sau: "Xin chư Phật gia hộ cho chúng con giác ngộ được Phật tánh của mình." Có nghĩa là mục đích của sự tu tập chính là để có thể khám phá và nhận biết mình cũng là một vị Phật. Mục đích của vị thầy trong việc giảng pháp là hướng dẫn đệ tử từ chỗ phiền não đau khổ - do những ý nghĩ và hành động khởi từ vô minh - tới chỗ nhận biết được tánh Phật hằng hữu nơi mình. Giác ngộ được tự tánh và có niềm tin và sự tin tưởng nơi sự giác ngộ ấy vừa là cứu cánh, vừa là con đường. Một khi bạn đã thoáng có kinh nghiệm đó rồi, điều quan trọng là phải làm quen với nó nhiều hơn, và đặt niềm tin vào đó qua sự tu tập thiền. Khi bạn đã có được lòng tin rồi, bạn sẽ ít khi đặt những điều mong muốn của mình tùy thuộc trên người khác, giống như trẻ con làm với cha mẹ của chúng vậy. Tọa thiền là con đường cho bạn tiếp cận được với trí tuệ sẵn có của mình, và từ đó không còn tùy thuộc vào ai khác ngoài chính mình.



Trên con đường Đạo, khi nào bạn tách rời khỏi chính mình, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và nghi ngờ ngay trong tâm. Khi nghi ngờ khởi lên, cần phải ngồi thiền trực chỉ quán chiếu kinh nghiệm nghi ngờ đó, hơn là tiếp tục chạy theo những tư tưởng lan man khởi lên. Làm như vậy, bạn sẽ phát hiện trong tâm vốn sẵn một nền tảng của tự tánh luôn luôn trong sáng và mở rộng. Trong đạo Phật, chúng ta không "tin" vị thầy của chúng ta nhiều hơn là "tin" vào Phật. Mà nói đúng ra, sự giảng dạy Phật pháp là để cho ta khám phá được vị phật hằng hữu nơi tâm của mình.



Chừng nào bạn còn thấy như mình phải tuỳ thuộc vào người khác, bạn sẽ khởi lên biết bao kỳ vọng phàm tình đối với vị thầy của bạn cũng như đạo tràng. Thường thì ít khi kỳ vọng đó có thể thành tựu được. Khi chúng ta thất vọng, đó là một cơ hội tốt nhất để xem xét lại kinh nghiệm của mình, bằng cách hướng cái nhìn thẳng vào trong con người đang dao động của chính mình. Làm như thế, ta sẽ có thể nối kết lại được với bản tâm luôn luôn rộng mở và trong sáng. Điều không may là, thay vì hướng vào trong chúng ta lại tiếp tục suy nghĩ lung tung, bàn ra tán vào đủ điều , khiến cho sự khó chịu của ta càng tùy thuộc vào những yếu tố "bên ngoài", là những hành vi của vị thầy hay của các bạn đạo. Thế rồi, ta cũng nghi ngờ luôn sự tu tập của chính mình. Trường hợp này xẩy ra chỉ vì ta không thành thực nhìn lại chính mình đủ lâu, để nhận ra bản tâm của mình.



Ở Tây Tạng có một câu nói như sau, "Giữ khoảng cách đối với gia đình và thầy của mình là điều tốt". Bởi vì chúng ta yếu đuối nên chúng ta mới cần khoảng cách này. Chúng ta có thể bị những cảm xúc của người khác làm cho dao động, và chắc chắn sẽ thất vọng khi những điều kỳ vọng không được thành tựu. Khi có một quan hệ thầy-trò, vị thầy giảng dạy giáo pháp cho bạn, và bạn đón nhận những lời giảng đó với lòng thành kính và ngưỡng mộ. Bạn có đủ mạnh mẽ để bước qua một chiều hướng khác trong quan hệ ấy không? Nếu bạn mạnh mẽ và sáng suốt, làm việc chung với đạo tràng nhiều hơn có thể mở rộng sự tu tập của bạn. Bạn sẽ không bị dao động với những hoạt động hay hành động của người khác. Như thế, nếu nội tại được vững chãi, bạn có thể dấn thân vào nhiều hoạt động hơn là chỉ học hỏi tu tập theo nghi thức thường lệ. Nhưng nếu bạn bị dao động, bạn phải rút lui khỏi những hoạt động đó ngay, và tăng cường sự tu tập của mình cho đến khi bạn cảm thấy vững chắc trở lại để có thể tiếp tục hoạt động.



Tôi đã quen với những vấn đề mà các học trò của tôi gặp phải, khi họ đặt nhiều kỳ vọng nơi tôi, thầy của họ, mà những kỳ vọng đó không được thành tựu. Một vài người còn nghĩ là "Tôi đã không gặp đúng thầy rồi". Đúng ra, trách nhiệm của người tu học là phải tự phát triển cho mình một cái nhìn rõ ràng, thuần khiết về giáo lý, và giữ một liên hệ trong sáng đối với người thầy. Dĩ nhiên, nếu có sự lạm dụng về phía người thầy, thì đó là điều không thể chấp nhận.


Bạn nói, "Tôi muốn tin nơi thầy của mình", nhưng quan trọng hơn là bạn hãy tin nơi chính mình! Qua sự quán sát thành thực và cởi mở những hành vi của thân, khẩu, ý và qua sự tọa thiền miên mật, bạn sẽ tìm ra nơi chính mình nền tảng của một tâm vững chãi, không còn nghi hoặc. Từ chốn thanh tịnh và rộng mở ấy, bạn sẽ có được mối quan hệ lành mạnh với vị thầy và đạo tràng.




Grace Schireson:



Bạn nói là đã tu tập qua nhiều thập niên, nên có lẽ cũng đã trải qua nhiều sóng gió, nhưng kỳ này chắc là có nhiều khó khăn hơn. Dường như bạn không nghi ngờ gì về sự tu tập, nhưng bị mắc kẹt giữa một bên là vị thầy và một bên là các bạn đạo đã mất niềm tin nơi vị thầy đó, và bạn không biết là nên tin ai, và phải làm gì.



Điều không may là bạn không thể dựa vào ý kiến của các bạn đạo, hay mong đợi đạo tràng không xung đột, cũng không thể hoàn toàn dựa vào vị thầy được. Bạn cần phải phát triển lòng tin qua chính sự hiểu biết của mình.


Theo Thiền môn, có ba năng lực chính làm cho sự tu tập được thâm sâu hơn và giúp bạn phát triển lòng tin nơi chính mình: niềm tin (tín), nỗ lực công phu và khối nghi. Sự tu tập phát triển qua những tác động nối kết giữa ba lực này với nhau.



Sự nghi hoặc bạn đang kinh nghiệm đó có thể là động cơ khiến bạn nhìn sâu hơn vào chính mình, để xem nguyên do nào và bằng cách nào bạn cảm thấy ở trong tình trạng mắc kẹt này, và để làm điều đó bạn phải dùng đến cả niềm tin và sự nỗ lực công phu phối trí với nhau. Bạn cũng có thể gợi lên niềm tin bằng cách nghĩ lại những thập niên đã tu tập thiền và những điều đã lý giải, những ý nguyện đã lập thành trong thời gian tu tập đó.



Sự khó khăn đang có trong đạo tràng của bạn khiến bạn cần phải nỗ lực công phu nhiều hơn. Để giải quyết khối nghi của mình, bạn cần phải tu tập nhiều hơn, dù là trong đạo tràng hiện tại hay ở một nơi nào khác. Tu tập để phát triển tâm bình đẳng của mình mạnh mẽ hơn cũng giống như là giữ thăng bằng trên một con tầu lắc lư mạnh giữa đại dương giông tố vậy.


Điều quan trọng là nên nhìn lại tình trạng này và tự hỏi tại sao những người kia đã mất niềm tin nơi vị thầy. Liệu có một hành vi sai trái nào không? Có sự tranh dành quyền lực giữa các đệ tử lớn không? Hay là vị thầy có sự thiên vị nào đó? Hãy bình tĩnh xem xét lại hiện trạng một cách kỹ càng. Khi bạn nhìn vào một cuộc xung đột mà không có sự phán đoán hay cảm giác khó chịu, bạn sẽ có thể phát khởi lòng tin, và một niềm tin tối thắng nơi sự tu tập của chính mình, cũng như có khả năng biết được điều gì là tốt cho mình. 



Đạo Phật không dựa vào niềm tin mù quáng, mà dựa vào niềm tin thông qua kinh nghiệm. Hãy hỏi chuyện vị thầy của bạn và những bạn đạo khác, và nhận xét cho chính mình. Trong khi điều tra về sự xung đột đã đưa đến hậu quả là các bạn đạo đã rời bỏ vị thầy của mình, trong tâm bạn có thể gợi lên những hồi tưởng về kinh nghiệm ly tán trong gia đình. Những hồi tưởng đó có thể làm cho bạn thêm phiền não, thêm nghi ngờ, có khi còn cần đến sự giúp sức của một tâm lý gia nữa. 



Nói cách khác, bạn không bao giờ chỉ thuần tuý vượt qua sự nghi ngờ, mà phần lớn là phải trực diện với sự xung đột đó để phát triển một cái nhìn vững chãi hơn, chịu đựng những hoàn cảnh bất toàn cho đến khi bạn nhận biết cho chính mình những gì đang xẩy ra, và từ đó lập ra một chương trình hành động cho mình.



(Lưu Ly trích dịch từ The Buddhist Channel)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật