VÀI NÉT VỀ QUAN THẾ ÂM - Ngọc Bảo

07 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 90529)

 
Trong các vị Bồ Tát của đạo Phật, có lẽ không có vị nào được kính ngưỡng nhiều như Quan Âm, nhất là ở những nước theo Phật giáo Đại Thừa. Ngài là hiện thân của một mẫu người lý tưởng nhất với với lòng đại từ, đại bi và cũng gần gũi nhất với chúng sanh qua sự lắng nghe và cảm ứng đến những tiếng kêu gọi của chúng sanh trong biển khổ luân hồi, và cũng mang một đại nguyện chung cao cả của các vị Bồ Tát là chừng nào còn có chúng sanh chưa thành Phật đạo thì ngài cũng chưa thành Phật.

 Những chuyện cảm ứng kỳ diệu với Đức Quan Thế Âm thật là vô số kể, cho thấy ngài có một năng lực thật đặc biệt nhiệm mầu vượt ra ngoài những lý lẽ suy luận thông thường, nhưng cũng thật hiển nhiên đối với những người đã từng có kinh nghiệm ấy.

 Nói về xuất xứ của Quan Thế Âm, tên nguyên thủy của ngài là Avalokita. Kinh viết rằng ngài xuất ra từ một tia hào quang phóng từ con mắt phải của Đức Phật A Di Đà, trong tay ôm một đóa hoa sen, và kỳ diệu thay, khi vừa sinh ra ngài đã thốt lên câu OM MANI PADME HUM. Có lẽ đây cũng là một sự diễn giải thơ mộng cho xuất xứ của Avalokita như một giòng năng lượng từ bi khởi phát từ nguồn năng lượng giác ngộ chính là A Di Đà, và câu chú trên được dùng để gợi đến ngài. Nhiều hình tượng của Quan Âm được tạo nên với một hình ảnh nhỏ của Đức Phật A Di Đà trên mũ miện của ngài. Người ta tin rằng tuy Đức Phật A Di Đà hiện thân cho lòng từ bi cao thượng nhất với bốn mươi tám đại nguyện, nhưng Quan Thế Âm thể hiện lòng từ bi của A Di Đà một cách trực tiếp và gần gũi với con người hơn, và những lời cầu nguyện đến ngài được cảm ứng nhanh chóng hơn.

 Vì Avalokita đã được tôn kính ở Ấn độ trong suốt những thế kỷ hoàng kim của trường đại học Nalanda, nên điều tất nhiên là ngài đã được sùng kính ngay khi đạo Phật được truyền qua Tây Tạng trong thế kỷ thứ bẩy trước Công Nguyên do sự hoằng pháp của Padmasambhava (Tổ Liên Hoa Sanh). Chẳng mấy chốc Bồ Tát Avalokita đã được công nhận như vị Bồ Tát chủ yếu của Tây Tạng và câu chú niệm của ngài được phổ biến thật rộng rãi. Đối với hầu hết người Tây Tạng ngài được coi như đại diện cho Đức Phật trong cõi ta bà và là bậc thánh nhân chủ yếu bảo vệ Chánh Pháp cho đến khi Đức Phật Di Lặc xuất hiện sau này.

 Vào lúc xa xưa của thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, pháp tu niệm danh hiệu Quan Â
m Avalokita đã lần đầu tiên được truyền qua Trung Hoa, lúc đó không ai nghĩ đến việc xem ngài như một người nữ; ngoài ra, những vị tăng như Pháp Hiển và Huyền Trang từ Trung Quốc qua Aán độ hành hương lần lượt trong thời thế kỷ thứ năm và thứ bẩy cũng không ghi lại những hình tượng nào như vậy ở Ấn độ hay ở Trung Hoa. Tuy nhiên, đến thế kỷ mười hai, những hình tượng nữ của Quan Âm đã gần như là độc chiếm trên cả hai nước Trung Hoa và Nhật Bản. Sự thay đổi hình tướng này chắc chắn là đã xẩy ra ở Trung Hoa, trong khoảng giữa thời điểm thế kỷ thứ tám và thế kỷ thứ mười một. Những học giả tin rằng đại sư Cưu Ma La Thập là người đầu tiên đã đề cập đến Quan Âm như một người nữ trong bản dịch kinh Liên Hoa của ngài vào năm 406, trong đó với 33 hóa thân của vị bồ tát này, có bẩy hóa thân là mang tướng nữ.

 Một số giả thuyết cho rằng vấn đề thay đổi hình tướng Quan Âm từ nam qua nữ bắt nguồn từ hình tượng biểu hiện cho lòng từ bi của Aán-Tây Tạng là Tara, một thần nhân mang tướng nữ có sắc đẹp tuyệt trần có thể biến hóa thành hai mươi mốt hình dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Tara xuất phát từ chính một giọt lệ của Avalokita “buồn thương cho thế giới đau khổ”, đã được kính ngưỡng thật rộng rãi ở Tây Tạng và Mông Cổ, và những người sùng mộ ngài tin rằng ngài có hai hạnh nguyện chính: cứu độ chúng sanh khỏi những khổ đau trong hiện tại và giúp họ trừ bỏ được những mê vọng ràng buộc vào vòng luân hồi. Đây cũng chính là những hạnh nguyện của Quan Âm Bồ Tát!

 Mặc dù có những mâu thuẫn về tướng nam hay nữ của Quan Âm, nhưng theo giáo lý của đạo Phật, hình tướng không phải là quan trọng. Kinh nói một vị bồ tát có thể hóa thân thành nhiều hình tướng khác nhau – đàn ông hay đàn bà, trẻ con, ngay cả thú vật, tùy duyên mà hóa độ chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm có thể biến thành 357 hóa thân và đi khắp thế gian để cứu độ chúng sinh. Một hình tượng quen thuộc khác của Quan Âm là “Thiên thủ thiên nhãn”, tức là có ngàn mắt, ngàn tay để có thể rộng độ hết những chúng sanh nào nguyện cầu đến ngài.

 Huyền thoại của thế kỷ thứ 12 về công chúa Diệu Thiện, được coi là sống trong khoảng 700 năm trước Công nguyên và được xem là chính Quan Âm giáng thế, đã tăng cường thêm hình ảnh của Quan Âm Bồ Tát như một người nữ. Từ thế kỷ thứ 12, Phổ Đà Sơn, một hòn đảo thiêng ngoài khơi biển Đông, nơi Diệu Thiện được tin là đã sống ở đó suốt chín năm, đã trở thành một thánh địa để hàng triệu người về hành hương và chiêm ngưỡng mỗi năm.

 Nói đến năng lực của một vị Bồ Tát, Quan Âm không những có lòng đại bi vô lượng, mà còn có trí tuệ vô song và pháp tu của ngài là quán âm thanh. Kinh nói, trước một pháp hội cho hàng trời người do Đức Phật chủ tọa, ngài đã được chứng nhận là chứng ngộ do dùng nhĩ căn để quán các âm thanh qua vô số kiếp trước đây. Nghe tiếng nhưng không trụ nơi tiếng và nhận ra bản chất tánh Không ngay trong cái nghe, ngài đã vượt qua sự đối đãi của năng và sở, của động và tịnh.

 “Vì bản chất vốn không, nên cả năng (người nghe) và sở (tiếng) đều hòa trong cái Không và sự thấy biết không rỗng đó bao trùm khắp pháp giới. Khi tất cả chỉ là một thể rỗng rang không ranh giới trong ngoài, Niết Bàn là hiện tiền.”

 Chứng được điều đó, Quan Âm Avalokita đã đắc được hai hạnh – hạnh đại bi phát khởi từ Bồ Đề tâm và hạnh cảm ứng với tất cả mọi chúng sinh đang trầm luân trong biển mê của luân hồi. Ngoài ra, ngài còn được ghi nhận là có năng lực thí vô úy trong mười bốn loại. Tất cả đều là đạo quả đạt được nhờ dùng “cái nghe huyễn hóa” để khai triển “cái nghe tuyệt đối”.

 Khi Bồ Tát nói vậy rồi, cả pháp hội đều đồng ý quán âm pháp là một pháp tu thù thắng thích hợp nhất cho những tâm còn sơ cơ. Trong Thiền tông, âm thanh được dùng đến để làm phương tiện khai ngộ trong pháp tu quán công án, và cũng được ứng dụng rất nhiều với pháp môn Tịnh độ qua sự tập trung hành trì niệm danh Phật.

 Trong nghi thức cầu nguyện của đạo Phật, hai bài kinh chủ yếu nhất không thể thiếu đều liên quan đến Quan Âm: đó là Chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh. Chú Đại Bi được coi như có năng lực nhiệm mầu giúp giải trừ nghiệp chướng, chuyển hóa thân tâm. 

 Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh ngắn gọn nhưng thâu tóm hết tinh yếu của đạo Phật: đó là sự bất nhị của Không và Sắc. Con người thường hay sống và bị lôi cuốn theo danh sắc, bài kinh này đã phá vỡ cái ảo tưởng tột cùng, cái mê lầm tột cùng của con người là tin tưởng con người hiện nay của mình là có thực và thường hằng. Bằng sự quán chiếu thật sâu xa những yếu tố làm thành con người là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Bồ Tát Quán Tự Tại, một tên khác của Quan Âm, với trí tuệ Bát Nhã bao la, đã nhận thấy bản chất tính Không trong ngũ uẩn cũng như trong tất cả các pháp, vì thế ngài đã vượt qua được mọi khổ ách, lìa được mọi sợ hãi, mọi vọng tưởng điên đảo và được Chánh Đẳng Chánh Giác.

 Bài kinh này chỉ cho ta thấy Quán Âm không chỉ là một biểu tượng Bồ Tát để kính ngưỡng, mà cũng chính là một pháp tu để thoát khổ và được tự tại, khi chúng ta cũng nương theo Quán Âm mà chiếu kiến chính mình, lắng nghe những âm thanh của chính mình để vượt qua những phiền não do những tư tưởng huyễn hóa gây ra.

 Như thế, ngay trong chúng ta vốn cũng đã có sẵn Quan Âm, với đầy đủ năng lực và hạnh nguyện của ngài. Bằng cách trì niệm danh hiệu của ngài, những vọng tưởng, ác kiến sẽ bị đánh tan và những năng lực tốt lành của Quan Âm sẽ được gợi lên trong chúng ta. Trong pháp tu của Mật tông, cùng với sự trì niệm danh hiệu, hình ảnh Quan Âm cũng được quán chiếu với ánh sáng của ngài tràn ngập thân tâm để rồi hòa nhập thành một với hành giả, đem lại một nguồn năng lượng kỳ diệu, làm tiêu tan mọi nghiệp chướng xưa nay.

 Đối với đa số đại chúng, Quan Âm là hình ảnh của một người mẹ hiền muôn thuở lúc nào cũng hướng đến các con và sẵn sàng đến giúp bất cứ lúc nào nghe tiếng gọi cầu cứu. Thân phận con người như chiếc thuyền nan trôi theo giòng nước, không biết sẽ chao đảo lúc nào với những cơn bão táp bất ngờ. Một người mẹ hiền bao dung vừa có năng lực thần thông hóa độ là một bến tựa lý tưởng để con người nương vào đó trong những lúc sóng gió, để rồi sau đó lại tiếp tục trong chuyến hành trình vô định. Tình thương của Quan Âm là vô biên vô lượng, là sự cảm thông không có chút phân biệt kể cả với những người đã lầm lạc phạm nhiều tội lỗi nhất. Trong ác nghiệp chập chùng, hơn bất cứ những bài kinh cầu nào, chỉ một câu niệm Quan Thế Âm với tấm lòng tha thiết chân thành cũng có thể làm cho người ấy cảm nhận được một năng lực nhiệm mầu, như được tưới giòng nước mát Cam Lồ rửa sạch mọi đau khổ phiền não.

 Hơn nửa thế kỷ trước đây, John Blofeld, một tác giả danh tiếng chuyên viết về đạo Phật, đã kể lại một kinh nghiệm lạ kỳ, khi đứng trước một bức tượng Quan Âm ở một ngôi chùa tại Trung Quốc, ông đã cảm nhận một niềm xúc động mãnh liệt, và bỗng dưng từ sâu kín trong tâm đã nghe được câu trả lời cho những nghi vấn về Quan Âm của ông như sau: 

  “Đừng tìm ta nơi cái có hình tướng, cũng đừng tìm ta nơi cái Không. Hãy tìm ta ngay trong tâm người. Chính ở nơi tâm mà có ta, chứ không đâu khác.”

 Quan Thế Âm bao giờ cũng ở sẵn trong tâm ta, hãy trở về quê hương muôn thuở trong tâm, ta sẽ tìm thấy người mẹ hiền muôn thuở này.
 
 
NAM MÔ ĐẠI BI QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT



Ngọc Bảo

Tháng 7, mùa hè 2006 

Để kỷ niệm ngày lễ vía Đức Quan Thế Âm
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật