PATACHARA / NGƯỜI KHOÁC ÁO - Ngọc Bảo

31 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 40433)



Patachara


(Người khoác áo)

 


patachara Patachara là con của một vi trưởng giả đáng kính trong vùng. Cha nàng đã sắp đặt để hứa hôn cho nàng với một người đàn ông lớn tuổi chưa từng biết mặt, nhưng thực ra nàng đã lỡ yêu một gia nhân trong nhà. Khi sắp đến ngày cưới, hai người rủ nhau bỏ trốn đến một thành phố xa, ở bên kia con sông.



 Theo phong tục, khi một người đàn bà kết hôn thì rời bỏ gia tộc của mình và nhập vào dòng họ của chồng. Nhưng chồng Patachara tứ cố vô thân, chẳng có gia đình gì cả, lại nghèo rớt mùng tơi. Kết hôn với người ở ngoài giai cấp, lấy nhau vì tình – đó là điều tủi hổ nhục nhã trước mắt mọi người. Đã vậy, lấy người chồng không có gì bảo đảm cho cuộc sống thì thật là điên rồ. Patachara đã lìa bỏ tất cả khi nàng bỏ trốn đi với người tình.



 Ngôi làng bé nhỏ của họ có bờ rào chung quanh, với những cánh cổng đóng vào ban đêm. Đôi tình nhân sống trong một túp lều tranh vách đất nhỏ bé, chỉ có một cửa ra vào và một cửa sổ, đồ đạc chỉ có một cái giường và một ít nồi niêu để đựng thức ăn.



 Patachara đã chọn một đời sống kham khổ nhưng êm ấm. Mỗi ngày nàng đi bộ ra hồ sen sách nước, nơi có đầy dẫy những thứ động vật như trâu, cua, cò, hạc, và muỗi. Nàng ăn uống đạm bạc, quét tước làm việc nhà, và sống hạnh phúc bên chồng. Cuộc sống của họ không bao giờ có dư thừa đồ ăn, nhưng cũng không đến nỗi đói.



 Khi có thai lần đầu, Patachara muốn trở về nhà cha mẹ đẻ, nhưng chồng nàng không muốn đưa đi. Năm sau lại có thai lần nữa, kỳ này nàng càng thêm mong ước được có mẹ ở bên cạnh. Nhưng chồng cứ lần lữa mãi, cho đến khi gần quá trễ rồi mới khởi hành. Tuy nhiên, dù trong người mệt mỏi, nàng vẫn cảm thấy vui sướng khi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ trở về.


 Khi họ đến bờ sông, trời bỗng nổi cơn giông tố tơi bời. Chồng nàng để nàng ngồi đợi với đứa con nhỏ, trong khi đi tìm cây cọ dừa cắt lá để lợp chỗ trú mưa. Đúng lúc chồng không có mặt, Patachara bỗng chuyển bụng sanh con. Trong khi đó, người chồng đang loanh quanh gần một cây cọ dừa, đụng phải một con rắn độc, bị nó cắn chết ngay.



 Đợi mãi không thấy chồng về, nhưng Patachara không cách gì để đi tìm, vì nàng đang đau đẻ và không thể đứng lên được nữa. Nàng sanh con một mình trong đêm tối, dưới mưa gió ngập trời, vừa cố gắng che chở cho một đứa con thơ, vừa hạ sanh một đứa khác. Cuối cùng, khi trời sáng, mọi sự đã yên rồi, nàng mới bọc hai đứa con trong áo của mình và đi tìm chồng. Khi thấy xác chồng, nàng ngã quỵ xuống trong cơn đau khổ chất ngất, và cứ ở như vậy bên chồng liền một ngày một đêm. Nàng vừa cho con sơ sanh bú, vừa đi hái trái cho đứa con trai, cố gom hết sức lực để lên đường trở về nhà cha mẹ, sống cuộc đời góa bụa.



 Nhưng cơn mưa bão hôm qua đã làm cho nước sông dâng lên thật cao, khiến nàng không thể ôm hai con vượt sông cùng một lúc được. Patachara suy nghĩ thật lâu, cuối cùng nàng bỏ đứa bé trai lại bên bờ và bồng đứa con mới sanh lội qua sông, cố gắng dơ đứa bé lên cao. Qua đến bờ rồi, nàng đặt đứa con sơ sanh cẩn thận trên một miếng lá dừa, rồi quay lại đón đứa con đang chập chững. Khi lội trở lại qua sông, nàng bỗng cảm thấy thật bồn chồn lo lắng cho đứa con mới sanh bên kia bờ. Nàng vừa lội vừa quay lại để trông chừng nó. Bỗng một con chim diều hâu từ đâu đến xà xuống cắp đứa bé đem đi. Patachara vội vàng la lớn, kêu gào thảm thiết, hai tay chới với vẫy lia lịa trong khi con chim bay lên trời thật nhanh, thật xa. Trong khi đó thì đứa con nhỏ bên kia bờ nhìn thấy mẹ dơ tay lên lại tưởng gọi mình. Nó bèn bước xuống sông và bị nước cuốn trôi, biến đi mất tích.



 Tê dại vì đau khổ , Patachara đi lang thang cho đến khi nàng gặp một người làng trước kia. Ông ta nhận ra và gọi tên nàng. Nàng nói:


 “Ông ơi, tôi đang trở về nhà đây. Cha mẹ tôi thế nào? Và em trai tôi nữa?”

 “Cô ơi, thôi đừng hỏi làm gì.” Ông ta trả lời thật thảm não.

 “Nhưng tôi chỉ cần biết điều đó thôi” nàng khóc, “hãy nói cho tôi nghe tin tức của họ đi”.


 Khi thấy nàng thực tình muốn biết, ông ta mới kể lại rằng trận bão lúc trước đã làm sập mái nhà, tất cả đều chết hết, và ngay lúc này người ta đang thiêu xác họ trên dàn hỏa.



 Nghe vậy, tâm trí Patachara bắt đầu sụp đổ như những sườn đồi lở xuống từng mảng trong cơn mưa, rã rời, tan nát. Nàng khóc nức nở: “Tôi vừa mất hai đứa con, chồng thì chết bờ chết bụi, cha mẹ anh em cũng đang bị hỏa thiêu. Thật tôi chẳng còn gì trên cõi đời này nữa!”



 Có một hạng người sống ngoài lề xã hội, họ còn thấp hơn cả giai cấp hạ đẳng sudra, đến nỗi không được liệt kê vào giai cấp nào nữa. Đó là những kẻ không ai muốn đụng vào, họ hiện hữu như không phải là con người, bị xã hội ruồng bỏ xem như không có một chút phẩm giá nào cả. Đó là những tên đao phủ, những người đồ tể, những người làm xe và đan giỏ, làm nghề thuộc da, bán rượu, những kẻ quét đường, thợ săn, đánh cá và phu đào mộ. Họ làm những công việc xấu xa cần thiết cho thế giới này. Những kẻ cùng đinh này chỉ được phép mặc những quần áo lấy từ những xác chết, chỉ được dùng những dụng cụ bằng sắt và những đồ dùng bằng sứ đã rạn nứt. Giết một kẻ cùng đinh cũng không khác gì giết một con chó. Khi đi ngoài đường, họ phải đánh mõ lên để những người có giai cấp cao hơn biết mà tránh xa. Ngay cả cái bóng của những người cùng đinh, cái không khí chung quanh họ cũng bị ô nhiễm. Nếu một người có giai cấp cao hơn thấy một kẻ cùng đinh, dù chỉ là bất ngờ, người ấy cũng phải lấy nước thơm rửa mắt ngay và phải ăn chay một đêm để tẩy uế.



 Khi Patachara mất hết cả gia đình, nàng trở thành một kẻ điên rồ, một con người bị ruồng bỏ ngay trong những con người bị ruồng bỏ, một người không ai muốn đụng tới ngay trong những kẻ không ai muốn đụng tới. Quần áo nàng rách tả tơi, thân thể lõa lồ nên bị gọi là “người khoác áo” (patachara). Người ta chế nhạo nàng, ném bùn và rác vào người và la hét đuổi đi. Nhưng nàng không hiểu gì cả - tâm hồn nàng giờ như đã chết, đã tê liệt, không còn một ý thức gì về bản thân của mình, còn thua một con chó bị người ta đá vào nữa. Sự đau khổ đã xâm chiếm toàn diện con người nàng từ trong ra ngoài – nàng không còn thấy được gì khác ngoài nỗi đau của mình.



 Cứ thế nàng đi lang thang một thời gian dài, thân hình gầy gò tiều tụy, bẩn thỉu và bệnh hoạn. Nàng vượt qua những cánh đồng lúa, những rặng dừa trên con đường dẫn đến Varanasi, một thành phố nhỏ hẹp bên bờ sông với những con đường trơn trợt, đầy người và súc vật, không khí thoảng mùi phân hôi thối. Những tòa nhà nằm ngay cạnh bờ sông, những cột nhà, những mái tháp nhọn và khung cửa sổ bằng đá tụ lại chen chúc bên bờ nước. Thuyền bè qua lại nườm nượp, chim chóc đậu trên những cái sào chăm chú nhìn xuống nước rình cá để bắt. Giòng sông rộng lớn, nước mờ đục trong bầu trời u ám. Patachara đã đi đến tận bờ sông. Nước loang loáng trước mặt nàng, như gợi nhớ điều gì thật thương đau. Cơn rồ dại nổi lên, thúc dục nàng phải làm gì đó để trả thù lại cái đã gây ra sự đau khổ cho nàng. Nàng bắt đầu đánh vào nước, hai tay vùng lên đập loạn xạ, miệng kêu gào chửi bới.



 Đức Phật, lúc đó đang ở gần, đã âm thầm theo dõi nàng, biết rằng căn cơ của nàng đã chín mùi để được cứu độ. Sự mất mát đau khổ đến tận cùng sẽ là một động cơ mạnh mẽ cho sự chuyển hóa bản thân. Ngài bèn tiến lại gần nàng, trong khi các đệ tử đi theo phàn nàn phản đối.


 “Thế Tôn mặc kệ bà điên ấy đi, đừng đến gần bà ta!” Họ năn nỉ Đức Phật. Nước bắn tung tóe từ chỗ Patachara văng tới, khiến áo của họ cũng bắt đầu thấm ướt. Một vài người bỏ đi ra xa. Đức Phật nói:


 “Đừng tránh bà ta”. Ngài bước vào nước, chạm vào vai nàng nói: “Này cô, hãy tỉnh lại đi!”



 Chỉ vài chữ đó thôi, nhưng lời nói từ kim khẩu của Đức Phật đã khiến nàng sực tỉnh. Đôi mắt lờ đờ, nàng nhìn quanh ngơ ngác, thấy Đức Phật đang đứng trước mặt, thấy những khuôn mặt nhăn nhó chung quanh, những tòa nhà phố thị, bờ nước bên sông - rồi nàng chợt nhìn lại mình, một con người bẩn thỉu, lõa lồ. Xấu hổ, nàng gục xuống dưới đất, cố che đậy thân thể lại. Một vị tăng thương hại đưa cho nàng chiếc áo ngoài của ông. Patachara choàng áo đó vào rồi quỳ xuống dưới chân Đức Phật, khóc lóc kể lại câu chuyện của mình. Trong phút chốc, nàng đã nhớ lại tất cả, như một người bị thương nhớ lại cơn đau, khi thuốc tê đã hết tác dụng.


 “Thế Tôn cứu con!”, nàng van xin, “Xin ngài hãy cứu con khỏi sự đau khổ này!”


 Đức Phật nói: “ Này Patachara, ta không thể cứu ngươi khỏi sự đau khổ được. Không có gì có thể cứu chúng ta khỏi những mất mát và đau khổ. Gia đình ta rồi một ngày nào đó sẽ không còn. Bà con thân thuộc cũng sẽ không còn. Thế giới này là như vậy, thế giới sau cũng như vậy. Người đang cố nắm giữ lấy điều không thể nắm giữ, điều không bao giờ có thể giữ được.” 


 Ngài mỉm cười, nụ cười thật bất ngờ và trong sáng, khiến nàng ngừng khóc, im bặt. Ngài đỡ nàng đứng dậy, nói tiếp:


 “Đây không phải là lần đầu ngươi khóc vì con chết. Từ bao nhiêu kiếp nay, ngươi đã khóc biết bao lần vì những người thương yêu của mình chết đi - nước mắt ấy còn nhiều hơn cả nước đại dương bốn biển trên thế giới này nữa. Đó là vòng luân hồi mà chúng sinh phải trải qua. Khi một người mệnh chung, người ấy không thể nương tựa, cầu cứu nơi con cháu - không họ hàng thân thuộc nào có thể giúp họ thoát khỏi cái chết được. Vậy sao ngươi tự hủy hoại chính mình trong sự sầu khổ này?


 Chỉ có một con đường giải thoát: đó là con đường Bát Chánh Đạo chỉ cho ta sự thật của đời sống, đưa đến Niết Bàn”.



 Phật dạy:


 Các con, cha, bà con,

 Không phải chỗ nương tựa

 Khi thân hoại, mệnh chung

 Bà con, huyết thống nguơi

 Không thể che chở ngươi

 Thấy được sự thật này

 Kẻ trí sống giới đức

 Và mau chóng thành tựu

 Con đường hướng Niết Bàn



 Nghe Đức Phật nói xong, Patachara tức thời thức tỉnh, chứng được quả Dự Lưu - nàng xin phép được xuất gia, và được Đức Phật chấp thuận, cho nàng đến nơi các Tỳ Kheo Ni nhập chúng. 



 Từ đó, ngày ngày ni tinh tấn tu hành, giữ giới luật nghiêm minh, nhưng tiến bộ rất chậm chạp, chưa bao giờ đạt đến sự an bình hoàn toàn như mong muốn. Trong tiềm thức, nỗi ám ảnh của những bất hạnh xưa vẫn còn vương vấn, như một khối u uẩn trong lòng chưa hóa giải được. Vẫn biết có sanh là phải có tử, nhưng tại sao có những người vừa sinh ra như đứa con của ni chưa kịp sống đã phải chết đi? Phải sống thế nào để tự tại được trong dòng sinh tử đầy bất trắc này?



 Một hôm, khi lấy nước rửa chân, ni chợt để ý thấy nước chẩy một khoảng đường ngắn rồi biến mất. Ni lại đổ thêm nước nữa, thấy khoảng đường nước chẩy dài hơn. Lần thứ ba đổ thêm, khoảng đường nước chẩy lại dài hơn nữa, nhưng rồi nước cũng biến mất vào lòng đất. Ni chợt suy tư, nghĩ đến sinh mệnh của con người cũng như dòng nước. Dòng nước đổ mỗi lần khác nhau, do đó mà chẩy những đoạn ngắn hay dài khác nhau – sinh mệnh con người có khi chết trẻ, có khi chết trung niên, có khi chết già. Tất cả là do nghiệp lực – chúng sinh tạo nghiệp, nghiệp lại tạo chúng sinh. Sinh mệnh chúng sinh như chiếc lá nhỏ nhoi bị cuốn theo cơn gió của nghiệp lực trong đời sống trùng trùng duyên khởi. Trong tâm trí ni hình ảnh con diều hâu chợt hiện ra, đói khát, đang tìm cách kiếm mồi đem về cho những con chim nhỏ của nó. Ni thấy đứa con thơ chập chững chìm vào dòng sông như nước chìm vào mặt đất. Thân phận con người thật mong manh, như bèo dạt mây trôi, như giấc mộng thoáng qua, không có gì là bền vững, không gì có thể bám víu vào được . Nhưng chính khi nhận thức được sự thật của đời sống, là đã mở ra một lối thoát vượt ra ngoài sự đau khổ.



 Tối hôm đó, khi tắt đèn đi ngủ, ni đã ngộ được hoàn toàn bản chất hư ảo của mọi sắc tướng – không còn thấy đó là thảm kịch và sự mất mát. Nhìn ánh sáng chập chờn của ngọn đèn bé nhỏ trong căn phòng tối, ni cảm nhận đó như sự mong manh của đời sống - và trong tất cả những sinh diệt vô thường của vạn pháp, điều duy nhất luôn luôn tồn tại và không biến đổi lại chính là sự vô thường. Ngọn lửa mong manh đó từ đâu tới, và khi tắt rụi đi sẽ đi về đâu? Quán chiếu ngọn đèn, ni chợt ngộ ra sự đồng nhất của không và sắc - tất cả sắc tướng vốn là không, và không cũng chính là sắc tướng duyên hợp. Không và Sắc đều là một với nhau, không thể tách rời nhau. Ni nhớ lời Đức Phật:


 “Patachara, làm người ai cũng phải chết, vậy phải sống làm sao để thấy được sự sinh diệt vô thường của ngũ uẩn. Dù chỉ thấy được một ngày hay một giờ, cũng hơn là sống một trăm năm mà không giác ngộ được sự thật ấy!”



 Ngay hôm đó, Patachara đã chứng được quả A La Hán. Nghĩ đến quá trình tu tập gian lao của mình trong nhiều năm, cuối cùng đã đạt được kết quả, Ni nói kệ như sau:


 Với cầy, khi làm ruộng

 Gieo hột giống trên đất

 Loài người được tài sản

 Nuôi dưỡng vợ và con

 Sao ta giới đầy đủ

 Làm theo lời Đạo sư

 Không giải đãi, giao động

 Lại không chứng Niết Bàn

 Khi ta đang rửa chân

 Làm cho dòng nước chẩy

 Thấy được nước rửa chân

 Từ cao chẩy xuống thấp

 Nhờ vậy tâm được định

 Như ngựa hiền khéo luyện

 Rồi ta cầm cây đèn

 Bước vào ngôi Tịnh xá

 Nằm trên chiếc giường nhỏ

 Ta nhìn đèn quán chiếu

 Rồi lấy cây kim nhỏ

 Dìm tim đèn xuống dầu

 Thấy cây đèn Niết Bàn

 Tâm ta được giải thoát.


 

 Patachara trở thành một ni trưởng kiệt xuất có ảnh hưởng lớn, đem Pháp Phật đến cho nhiều phụ nữ đang đau khổ. Nhiều đệ tử của ni cũng trở thành những người giảng Pháp. Ni được giao quyền quy y thế phát cho người khác, và đã chuyển hóa quy y cho hơn năm trăm nữ Phật tử. Hầu hết họ là những người đã mất con. Khi có một phụ nữ nào đến khóc lóc, ni cầm tay người đó hỏi rằng:


 “ Hãy tự hỏi mình đi, con của chị từ đâu đến đây trong đời này chỉ một thời gian ngắn ngủi rồi đi? Tất cả là do nhân duyên mà thôi. Chúng ta có mặt trên đời này là do nhân duyên hợp, khi nhân duyên hết rồi thì tan. Trong thế giới này, mỗi người đều đến và đi khỏi cuộc đời một mình, không ai theo ai được. Chúng ta đến theo một con đường, rồi đi theo một con đường riêng biệt. Sinh ra rồi chết đi, và lại tái sinh trong một kiếp sống khác, đó là sự thật của cõi luân hồi sinh tử, ta phải biết như vậy. ” 

 

 

 Những phụ nữ này, khi nghe những lời chân thật của Ni, đều cảm thấy dịu đi những nỗi đau, được an bình nơi tâm, và tất cả đều tán thán Ni như một vị thầy của lòng từ bi và trí tuệ.



Ngọc Bảo

(trích Danh Ni Truyện) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật