NHỮNG LỜI PHẬT DẠY / SAYINGS OF BUDDHA - Ngọc Bảo dịch

03 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 86314)


image001-content
Lời mở đầu

 
Theo truyền thuyết người đã trở thành Phật, hay Bậc Toàn Giác, đã sinh ra là một vị Thái tử trên 500 trăm năm trước Công nguyên. Vua cha quá thương quý nên đã bao bọc ngài không cho thấy những sự khổ đau trên đời cho đến khi ngài lập gia đình và chính ngài cũng trở thành một người cha. Ròi, tình cờ một hôm, ngài được biết về tuổi già, bệnh tật, cái chết và đột nhiên ngài nhận thức được rằng từ đó đến nay ngài đã chỉ tìm hạnh phúc nơi những sự phù du. Ngài rời bỏ gia đình để đi tìm một chân lý bất hoại, và sau một thời gian dài khổ hạnh không kết quả, ngài đã tìm thấy ánh sáng chân lý nơi gốc cây Bồ đề. Ngài trở thành Phật, bậc Toàn Giác, và bắt đầu thuyết giảng về Phật pháp. Trong bao năm ngài đã giảng về Bát Chánh Đạo và số đệ tử đã gia tăng với nhiều ảnh hưởng. Khi Phật nhập diệt, các đệ tử (theo truyền thuyết) đã ghi lại những lời Phật dậy để truyền bá cho các thế hệ về sau.


Nhưng, không chắc chắn là những kinh sách Phật giáo đã có từ 2500 trước sau khi Phật diệt độ. Những mẩu truyện về cuộc đời ngài phần lớn trích từ bản tiếng Phạn của Hòa thượng Asvaghosha, được dịch ra Hoa ngữ vào năm 420 trước Công nguyên và từ Hoa ngữ sang Anh ngữ trong thế kỷ 18 nhờ dịch giả Samuel Beale.


Biên tập này phần lớn dựa trên quyển Phúc Âm Phật giáo (The Gospel of Buđha), một tuyển tập của Paul Carus trích từ những kinh sách Phật giáo, kể cả bản dịch của Beale.


Những kinh sách này cho ta thấy hình ảnh của Đức Phật là một bậc thánh hiền, với trí tuệ bao la đã khai mở được trong tâm thức của người khác sự thấu hiểu được chân lý của đời sống. Ngài không phải là một vị thần tiên hay một bậc thánh nhân với những phép mầu để được chấp nhận một cách mặc nhiên. Ngài không nói về một Thượng đế, một Hóa công nào cả. Ngài không dậy tại sao ta sống, nhưng làm sao để sống. Ngài chỉ cho ta một con đường đi trong cuộc sống, một con đường theo đó ta có thể vươn lên khỏi những phiền muộn của cuộc đời, và sau cùng sẽ tìm thấy hạnh phúc tuyệt đối nơi Niết bàn, một trạng thái an lạc vô ngã, trong đó sự an bình đến với sự giác ngộ hoàn toàn.




Bát chánh đạo


Ta đã nhận thức được chân lý sâu sắc nhất, một chân lý vô thượng đem lại sự an lạc, nhưng cũng khó hiểu; vì con người phần lớn sống trong một thế giới vật chất và tìm nguồn vui nơi những dục vọng vật chất. Kẻ phàm phu sẽ không hiểu được Pháp của ta, vì với hắn hạnh phúc chỉ có ở trong sự thỏa mãn bản ngã, hắn sẽ không cảm nhận được niềm an lạc nơi sự buông xả hoàn toàn cho chân lý. Hắn sẽ gọi niềm vui trong sáng nhất của một tâm giác ngộ là sự đầu hàng. Nơi hắn thấy sự hủy diệt, người chứng ngộ tìm thấy sự bất tử. Nơi hắn cho là cái chết, người chiến thắng được bản ngã tìm thấy sự trường sinh. Kẻ bị ràng buộc trong dục vọng và lòng sân hận sẽ không tìm thấy được chân lý nơi mình. Niết bàn là một điều không hiểu được đối với những kẻ phàm phu sống trong mây mù của các sở thích thế tục.


Như Lai, bậc Toàn Giác (Tathagata, the Perfect One), không tìm cứu rỗi nơi sự khổ hạnh, nhưng cũng không vì vậy mà ngài buông thả trong những lạc thú thế gian, và cũng không sống trong dư thừa. Ngài đã tìm được con đường Trung đạo.


Không phải kiêng ăn thịt cá, hay để thân trần, cạo trọc đầu hay để tóc rối, cũng không phải là mặc áo vải thô, để thân thể lấm đất, hay cúng tế thần linh sẽ thanh lọc được một con người còn nhiều ảo vọng. Sự giận dữ, say sưa, tính bướng bỉnh, độc đoán, những giả tưởng, lòng ghen ghét, kiêu căng, sự dèm pha, sự nông cạn và những ác ý khiến con người bị vẩn đục, chứ không phải là vì ăn thịt.


Và lòng ái dục thì thật là bạc nhược. Con người sống buông thả là nô lệ cho những đam mê của mình, và sự đeo đuổi những lạc thú là sa đọa và tầm thường. Nhưng thỏa mãn những nhu cầu của đời sống không phải là điều xấu. Giữ thân thể tráng kiện là một bổn phận, vì nếu không chúng ta sẽ không thắp sáng được ngọn đèn của trí tuệ, và giữ cho tâm hồn được vững mạnh và sáng suốt. Hoa sen ở trong nước, nhưng cánh sen không thấm nước. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Đây là con đường Trung đạo, giữ cho ta tránh khỏi những cực đoan.


Như trong một bánh xe, những cây căm là giới luật đạo hạnh; công lý là sự đồng nhất trong chiều dài của chúng; trí tuệ là vỏ xe, sự khiêm tốn và nhã ý là cái đùm trong đó cái trục bất di bất dịch của chân lý được đặt định. Người nào nhận thức được sự hiện hữu của khổ đau, nguyên nhân của sự khổ, cách giải trừ, và sự tiêu diệt khổ là đã thấu hiểu được Tứ diệu đế (bốn chân lý vi diệu). Họ sẽ bước trên con đường Bát chánh Đạo. Chánh kiến sẽ là ngọn đuốc soi đường cho họ. Chánh tư duy là người dẫn đường. Chánh ngữ là nơi an trú trên con đường đó. Dáng đi của họ sẽ ngay thẳng, vì họ đã có Chánh nghiệp. Họ giải lao với Chánh mệnh, bước đi bằng những Chánh tinh tấn, với hơi thở Chánh niệm, và Chánh định sẽ đem lại sự an bình. Đó là con đường Bát chánh Đạo.


*Chú thích thêm về Bát chánh Đạo

Bát chánh đạo là tám con đường chân chính dẫn đến sự giải thoát, gồm có:


1. Chánh kiến: có nghĩa là nhìn thấy, hiểu biết chân tướng của mọi sự, biết được những quy luật thiên nhiên chi phối chúng ta, như luật nhân quả, vô thường v.v... Với một cái nhìn rõ ràng về ngoại cảnh, về chính mình, ta sẽ nhận thức được sự vô ngã, vô thường và có một quan niệm sống cởi mở hơn, không bám víu và không chấp trước.


2. Chánh tư duy: có nghĩa là suy nghĩ đúng theo sự thật, không bị chi phối bởi những cảm xúc , dục vọng, mà ý thức được những cảm quan như tham sân si, nhận diện chúng rồi buông bỏ. Như vậy tâm sẽ được nhẹ nhàng thoải mái.


3. Chánh ngữ: có nghĩa là không nói sai sự thật, không nói những lời gây chia rẽ hoặc căm thù, cho dù nó có đem lợi ích đến cho mình.


4. Chánh nghiệp: có nghĩa là chọn một lối sống chính trực, không sát sanh, không lươn lẹo, bất hảo, không vì những dục vọng của mình mà làm hại người khác.


5. Chánh mạng: có nghĩa là chọn một nghề nghiệp lương thiện, không gây hại hoặc làm thương tổn đến các sinh vật.


6. Chánh tinh tấn: có nghĩa cố gắng chuyên cần trong mọi việc, luôn kiên trì và không nản lòng, nhất là trong con đường tu đạo.


7. Chánh niệm: có nghĩa là ý thức được những gì đang xẩy ra nơi thân và tâm ngay trong giây phút hiện tại, từ hơi thở cho đến những cử động, những tư tưởng đang hiện ra hay những cảm giác và không dính mắc vào đó để có một tâm an định, nhìn mọi vật với con mắt bình thản, khách quan.


8. Chánh định: có nghĩa là tập trung tâm ý vào một thể duy nhất, điều ngự tâm thức để có một định lực mạnh mẽ qua thiền định.



a_di_da_phat_0
Lòng từ bi


 Cúng dường là tốt, xây cất chùa chiền là quý, tham thiền và hành lễ làm êm dịu tâm trí, sự thấu hiểu chân lý có thể đưa đến Niết bàn - nhưng không có gì quý hơn lòng từ bi. Cũng như ánh trăng sáng gấp 16 lần hơn tất cả các ánh sao, lòng từ bi cũng 16 lần hiệu nghiệm hơn tất cả các công phu tu tập được trong sự giải thoát tâm linh. Một tấm lòng từ bi là cái gì quý nhất trên thế gian. Hãy giữ tâm niệm từ bi trong mọi lúc , trong tỉnh thức khi đi đứng ngồi nằm.

 
Con người từ tâm được tất cả mọi người yêu mến; tình bạn của họ được trân quý, khi chết tâm hồn họ thanh thản và đầy hoan lạc, vì họ không có gì phải ăn năn sám hối; họ được hưởng hoa và quả từ phước đức họ đã gieo trồng. Thật khó hiểu thay: khi bố thí thực phẩm, ta được thêm sức mạnh; khi bố thí y phục, ta được thêm đẹp đẽ; khi bố thí những pháp thanh tịnh và hướng thượng, ta sẽ được phước báu vô lượng.


Bố thí phải đúng lúc và đúng cách. Như một người chiến sĩ anh dũng ra trận tuyến, con người từ tâm cũng là một chiến sĩ, một vô địch mạnh mẽ và khôn ngoan. Với tình thương, họ cho đi trong sự trân trọng, buông bỏ hết những hận thù, ganh ghét.


Người có từ tâm đã tìm được con đường giải thoát. Họ là người đã trồng cây và sẽ được hưởng bóng mát, hoa trái của cây ấy trong tương lai.


 Người từ tâm đã đem tài sản của mình bố thí cho những việc thiện được xem như là đã thụ đắc một kho tàng quý báu, nhưng những kẻ keo kiệt chỉ biết tích lũy của cải sẽ chẳng được lợi lạc gì. Bố thí sẽ đem lại sự phong phú, sự giầu có nhất, vì tuy của cải vật chất có thể bị phân tán, nhưng tinh thần được an vui, không ân hận.


Người nào đã bước đi trong Bát chánh đạo sẽ đạt được một niềm hoan lạc thánh thiện. Kẻ nào đang bám víu vào của cải hãy nên buông bỏ để tâm hồn khỏi bị đầu độc, và kẻ nào có của nhưng không bám víu vào của cải mà biết dùng chúng đúng cách sẽ là một ân huệ cho những người khác.


* Một tu sĩ rút lui khỏi thế tục để sống một cuộc đời nhàn tản sẽ chẳng lợi ích gì, vì một cuộc sống biếng nhác, bạc nhược thật đáng khinh ghét. Phật pháp không đòi hỏi con người phải xuất gia thành một kẻ không nhà hay rời bỏ thế sự, trừ khi người ấy thấy cần phải làm như vậy; nhưng Phật pháp khiến chúng ta phải giải thoát ra khỏi cái ảo tưởng về bản ngã, thanh lọc tâm hồn, buông bỏ những khao khát ham muốn, và sống một cuộc đời chính trực.


* Dù đang làm gì trong đời, làm một nghệ sĩ, thương gia, một quan chức hay một người đã về hưu đang sống một cuộc đời lương thiện, hãy cho họ để hết tâm trí và những việc họ đang làm, cho họ sự kiên trì và nhiệt huyết, và nếu họ như đóa hoa sen, tuy sống trong nước nhưng không bị nước thấm ướt, nếu họ phấn đấu trong cuộc đời không chút thù hận và đố kỵ, nếu họ sống một cuộc sống chân chính không vị kỷ, thì chắc chắn sự hoan lạc, an bình sẽ đến với họ.


* Đức Phật với vua cha: Ta biết trong tim của vua cha đầy tình thương yêu và xót xa buồn khổ vì đứa con trai của mình. Nhưng hãy để sợi dây thân ái ràng buộc cha với đứa con trai đã mất đó trải rộng ra bằng lòng từ bi đến khắp cả mọi người, như vậy cha sẽ nhận lại được một phần thưởng còn quý giá hơn Tất Đạt Đa: cha sẽ được Phật, đạo sư của chân lý, và sẽ được sự bình yên Niết bàn trong tâm hồn.


* Đức Phật với con trai: Con trai của ta hỏi ta có di sản gì cho nó không. Ta không thể cho con những của cải vật chất phù du chỉ đem lại phiền muộn và lo lắng, nhưng ta có thể truyền lại cho con một cuộc đời thánh thiện, đó là một kho tàng không bao giờ bị hủy diệt. Ta không có ngọc ngà châu báu -- nhưng nếu con sẵn sàng nhận những vật báu tinh thần, và có đủ sức mạnh để gìn giữ chúng, ta sẽ cho con bốn chân lý tối thượng (tứ diệu đế) và chỉ cho con bát chánh đạo. Con có ước mong được gia nhập và hàng ngũ của những người muốn dâng hiến cuộc đời mình cho tiếng gọi của tâm hồn đang tìm kiếm sự an vui cao cả nhất chăng?




Tứ diệu đế


1) Sau đây là chân lý về sự đau khổ: sinh ra là đau khổ, sự tàn hoại là đau khổ, bệnh tật là đau khổ, cái chết là đau khổ. Phải liên hệ đến những gì đáng ghét là đau khổ, phải cách xa những gì đang ưa thích là đau khổ, và những khao khát không được thỏa mãn là đau khổ. Tóm lại, những trạng thái tâm sinh lý khởi lên do những vướng mắc ràng buộc là đau khổ. Đó là chân lý về sự đau khổ.

 
2) Sau đây là chân lý về nguồn gốc của sự đau khổ: đó chính là sự ham muốn, dục vọng. Lòng ái dục đưa đến sự tái sinh trong luân hồi, theo đó là những cảm giác cần phải được thỏa mãn, những ước vọng đam mê, những khao khát cho một cuộc sống tương lai và cho một hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Đó là chân lý về nguồn gốc của sự đau khổ.


3) Sau đây là chân lý về sự giải trừ đau khổ: đó chính là sự buông bỏ dục vọng, sự giải thoát ra khỏi dục vọng. Đó là chân lý của sự giải trừ đau khổ.


4) Sau đây là chân lý con đường dẫn đến sự giải trừ đau khổ: đó chính là Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Đó là chân lý đưa đến sự giải trừ đau khổ.

 


Sự vô ngã

 
 Người nào biết được thực chất của bản ngã và hiểu rõ tác động của các căn thức (senses) sẽ không còn thấy lý do để vị kỷ nữa, và như vậy họ sẽ đạt được sự an bình vĩnh cửu. Thế gian này đã có nhiều suy tưởng về cái tôi, bản ngã, và từ đó đã có nhiều diễn giải sai lầm. Có người nói bản ngã sẽ tồn tại sau cái chết, có người nói nó sẽ bị hủy diệt. Cả hai đều sai lầm và lỗi lầm đó thật đáng tiếc. Vì nếu bản ngã bị hủy diệt, những thành quả người ấy đạt được cũng sẽ bị hủy diệt, và đến một lúc nào đó sẽ chẳng còn gì cho họ về sau. Thiện và Ác sẽ chẳng còn phân biệt. Sự giải thoát khỏi lòng vị kỷ sẽ chẳng còn giá trị.


 Nhưng mặt khác, nếu theo chủ thuyết là bản ngã sẽ không bị hủy diệt, thì trong tất cả những cuộc sinh tử đó, chỉ có một cá nhân độc nhất bất sinh bất diệt. Nếu đó là bản ngã, thì bản ngã đó phải hoàn toàn và không cần phải cải thiện gì cả. Cái bản ngã trường cửu, bất diệt đó sẽ không bao giờ thay đổi. Nó trở thành chúa tể, là chủ thể. Những mục tiêu đạo đức và cứu độ sẽ không còn cần thiết.


 Nhưng khi nghĩ đến tất cả những vui buồn, những thăng trầm đã diẽn ra trong đời, ta tự hỏi: những cái ấy nối tiếp ở đâu?

 Nếu không có một bản ngã thường hằng đã làm những hành vi chúng ta làm, thì đó là sự vô ngã: không có một tác nhân nào đàng sau các hành động, không có một thọ nhân nào đàng sau các cảm thọ, và không có một chủ thể nào đàng sau các việc làm.


 Các người hãy nghe đây: các giác quan (căn) gập đối tượng (trần) sẽ phát sinh ra những cảm giác (thức). Những thức này sẽ ghi lại trong ký ức. Và, cũng như nhiệt năng của mặt trời xuyên thấu qua tấm kính nóng bỏng sẽ làm phát sinh ra lửa, thì xuyên qua những cảm nhận từ căn và trần, phát khởi ra tâm thức và từ đó cái ngã, ý tưởng về cái tôi cũng phát sinh. Cái mầm nẩy từ hột giống, nhưng hột giống không phải là mầm, hai cái không phải là một và không giống nhau, mà là những chặng kế tiếp trong một tiến trình sinh trưởng. Đời sống của sinh vật là như vậy.


 Người nào nhận thức được sự vô ngã sẽ buông bỏ hết những thèm muốn và khao khát vị kỷ. Sự bám víu vào mọi sự, lòng ham muốn và ái dục di hậu từ những kiếp sống về trước đã gây ra những khốn khổ và những phù phiếm giả tạo trong thế gian này. Hãy từ bỏ tính tham lam của lòng vị kỷ, ngươi sẽ được sự an bình hoàn toàn, sự chân thiện, và trí tuệ.




buddha_sketch-contentNghiệp quả


 Nghe thì có vẻ mâu thuẫn: có một con đường để đi và con đường đó đã được đi qua, nhưng không có người nào đi qua đó cả. Có những hành động đã được làm nhưng không có một cá nhân nào đàng sau những hành động đó. Có một luồng khí chuyển vận trong không trung, nhưng không có ngọn gió nào đã thổi khí ấy. Mọi ý nghĩ về một bản ngã là sai lầm và tất cả sự hiện hữu đều hời hợt, rỗng tuếch như những bong bóng nước.


 Bởi vì không có một bản ngã, nên không có sự chuyển lưu của bản ngã, nhưng có sự hiện hữu của những hành động và hậu quả để lại từ những hành động ấy. Có sự tái tục của những nghiệp quả, sự tái sinh từ những nghiệp quả ấy. Sự tái sinh, chuyển kiếp , sự tái xuất hiện của những nhân duyên kết hợp vô hình và hữu hình là liên tục và tùy thuộc và luật nhân quả. Cũng giống như một dấu ấn đã được khắc lên với những hình tượng, tư tưởng con người, tính tình, nguyện vọng của họ cũng in dấu lại nơi những người khác trong một luân chuyển không ngừng và nối tiếp của những nghiệp quả, và những hành động tốt sẽ đem lại những phước lành trong khi những hành động xấu sẽ đưa đến những sự bất hạnh.


 Cơ thể con người là một kết hợp của những bộ phận sẽ bị hủy diệt, nó sẽ bị hư hoại; chúng ta phải chăm lo cho những nhu cầu của nó nhưng đừng vướng mắc hay lưu luyến ưa thích nó. Cơ thể giống như một cái máy, không có một bản ngã nào trong đó làm nó đi hay hành động, nhưng những khởi động phát từ tâm, cũng giống như những yếu tố của gió, làm cho bộ máy làm việc. Cơ thể chuyển động như một cái xe mà thôi.


 Vì không có bản ngã, nên không có sự tồn tại của bản ngã sau khi chết. Vậy hãy dẹp bỏ tất cả các ý tưởng về bản ngã. Nhưng vì có những hành vi và hậu quả của những hành vi này còn tồn tại, nên hãy cẩn thận với những hành động của mình. Tất cả mọi người đều phải chịu sự chi phối của nghiệp quả; chúng ta là kẻ kế thừa nghiệp quả, sinh ra từ nghiệp quả, nghiệp quả là những người thân thuộc, là nơi ẩn trú, nghiệp quả khiến con người trở nên ti tiện hay vĩ đại.


 Lý trí con người là điểm sáng của nguồn chân lý, nó là bước đầu tiên trên con đường hướng thượng. Nhưng phải trải qua những tái sinh mới đảm bảo được những bước vững chắc cho tiến trình thăng hoa tâm thức con người lên đến tột đỉnh, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, khi luồng ánh sáng vô tận của trí tuệ được tỏa chiếu và đó là nguồn gốc của tất cả mọi chánh đạo. Ta đã đạt được sự tái sinh bậc cao này, ta đã tìm thấy chân lý và đã truyền giảng lại cho các người con đường chánh đạo để đến nơi an lành. Ta đã chỉ cho các người con đường đến suối Cam Lồ để rửa sạch hết mọi dục vọng thấp hèn. Ta đã cho các người giải khát bằng nước chân lý, ai uống nước đó sẽ giải thoát được khỏi mọi khích động, đam mê, và những hành động sai lầm.


 Hoan lạc thay cho con người đã thoát khỏi những cơn lũ đam mê và đến được bến bờ Niết bàn. Con tim của hắn được rửa sạch khỏi những suy đồi, thoát ra mọi ảo tưởng. Hắn như hoa sen ‘’gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’’. Người bước đi trong bát chánh đạo vẫn sống trong thế gian nhưng tâm hồn không bị vẩn đục bởi những dục vọng thế gian.


 Kẻ không thấy được bốn chân lý (tứ diệu đế), không hiểu được ba đặc tính (vô thường, khổ não, vô ngã), không biết quay về an trú trong sự vô vi, vô tác, sẽ có một con đường dài trước mặt, một con đường đầy dẫy những sự tái sinh trong biển vô minh, với những ảo ảnh và ảo tưởng, và vô số những sai lầm. Nhưng nay các người đã đạt được sự hiểu biết, thì sẽ không còn những bước đi sai lạc nữa. Mục tiêu đã gần kề. Sự thèm khát của lòng vị kỷ đã bị tiêu diệt, và chân lý đã được thấu suốt. Đây là sự giải thoát thực sự, là cứu rỗi, là thiên đường và niềm hoan lạc của một đời sống hữu sinh hữu tử.




Giới luật


Trong thế gian có mười điều ác, nếu tránh được mười điều ác này đời sống sẽ trở nên thánh thiện. Đó là ba điều ác của thân, bốn điều ác của khẩu (miệng lưỡi), và ba điều ác của ý.


Những điều ác của thân là: giết người, trộm cắp, tà dâm; điều ác của khẩu là nói dối, phỉ báng, chửi bới , bàn chuyện thị phi; điều ác của ý là ham muốn, thù ghét, và si mê .

 
Ta kêu gọi các người hãy nên tránh mười điều ác:


1)Không sát sinh, hãy tôn trọng đời sống. 2) Không trộm cắp, hãy giúp mọi người gặt hái được những thành quả công lao của họ. 3) Không tà dâm và giữ một đời sống trong sạch. 4) Không nói dối, chỉ nói sự thực với sự tế nhị, can đảm và trong tình thương. 5) Không đặt điều nói xấu, và không lập lại những điều nói xấu. Đừng chỉ trích mà hãy để ý đến những điểm tốt của các thân hữu hầu ta có thể bảo vệ họ đối với các kẻ thù của họ. 6) Không chửi bới, hãy nói năng từ tốn và nghiêm trang. 7) Không tốn thì giờ nói chuyện thị phi, mà nói với một chủ đích hoặc giữ im lặng. 8) Không thèm muốn, hay ganh tị, mà vui lây với cái may mắn của người khác. 9) Hãy rửa sạch những ác ý trong tâm hồn và không thù ghét ai hết, kể cá kẻ thù của mình, hãy mở rộng tình thương đến tất cả. 10) Hãy cởi mở tâm hồn và luôn luôn tìm hiểu chân lý, như vậy ta mới tránh khỏi sự hoài nghi hoặc lầm lẫn. Hoài nghi sẽ đưa đến sự lãnh đạm và lầm lẫn sẽ đưa đến những hướng đi sai lạc, như vậy sẽ không đi được trên con đường chánh đạo đưa đến sự bất tử.


 Cái gì là xấu? Giết người là xấu, trộm cắp là xấu, buông thả theo dục lạc là xấu, nói dối là xấu, phỉ báng là xấu, chửi bới là xấu, nói chuyện thị phi là xấu, ganh tị là xấu, bám víu theo tà kiến là xấu, tất cả những điều ấy là xấu.


 Và cái gì là căn nguyên của sự xấu? Dục vọng là cỗi rễ của sự xấu, hận thù là gốc rễ của sự xấu, ảo tưởng là cỗi rễ của sự xấu.


 Như vậy, cái gì là tốt? Buông bỏ dục vọng là gốc rễ của sự tốt, ra khỏi hận thù và ảo tưởng là gốc rễ của sự tốt.


 Như vậy, cái gì là đau khổ? Cái gì là nguồn gốc của sự khổ? Cái gì làm tiêu trừ sự đau khổ? Sinh ra là khổ, tuổi già là khổ, sự đau thương và tuyệt vọng là đau khổ, phải liên hệ đến những gì đáng ghét là đau khổ, sự mất mát những người thương yêu và thất bại không đạt được những điều mong muốn là khổ.
 

 Cái gì là nguồn gốc của sự khổ? Đó là lòng ham muốn, đam mê, khát vọng được sống trong dục lạc đã đem đến sự tái sinh không ngừng! Lòng ái dục, ham muốn, tính vị kỷ, đó là căn nguyên của sự khổ.


 Cái gì làm tiêu trừ sự đau khổ? Sự buông bỏ toàn diện và mạnh mẽ những khát vọng và hóa giải những đam mê sẽ làm tiêu trừ được sự khổ.


 Đâu là con đường dẫn đến sự tiêu trừ đau khổ? Đó là con đường bát chánh đạo, với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn và chánh định.


 Khi một người đã nhận biết được sự đau khổ và nguồn gốc của nó, khi họ đã biết được sự giải trừ đau khổ, và bước trên con đường bát chánh đạo dẫn đến sự giải trừ đau khổ, mạnh mẽ từ bỏ những đam mê, giải tỏa lòng sân hận, buông bỏ những ý niệm về một ‘’cái tôi’’ giả tạo, ra khỏi tăm tối vô minh để giác ngộ được cái chân thực, người ấy sẽ không còn đau khổ nữa, ngay ở trong kiếp sống hiện tại.


 Phật, sự Toàn Giác, giống như một vị vua trị vì với sự chánh trực, nhưng luôn bị tấn công bởi những kẻ địch ganh ghét. Khi vua thấy các binh sĩ của mình chiến đấu dũng cảm, ngài vui mừng và ban thưởng cho họ. Các người là binh sĩ của Phật, sự Toàn Thiện, trong khi Mara, Ma Vương, là kẻ địch cần phải bị chinh phục. Và Như Lai sẽ cho các binh sĩ của ngài thành phố Niết bàn, thủ đô của thiện pháp. Và khi kẻ địch bị đánh bại, vị hoàng đế của chân lý sẽ ban cho tất cả những đệ tử của ngài cái vương miện quý giá nhất, trong đó những hạt châu sẽ đem lại sự giác ngộ hoàn toàn, trí tuệ vô biên, và sự an bình vĩnh cửu.


 Đức Thế Tôn nhìn thấu được vũ trụ và hiểu rõ nó. Ngài thuyết giảng chân lý trong cả hai mặt ngữ và nghĩa, và pháp của ngài thật chói sáng từ căn bản cho đến lúc thực hành được viên mãn. Đức Thế Tôn cho ta thấy một đời sống cao quý hướng thượng thật thanh tịnh và hoàn hảo. Ngài chỉ cho ta một con đường đi vượt ra khỏi năm chướng ngại lớn (ngũ trần cái: tham dục, sân hận, lười biếng, xao động, hoài nghi ). Đức Thế Tôn trải rộng lòng từ bi của ngài đến khắp mười phương thế giới. Và như thế, trong cả thế giới vô biên này, mọi nơi sẽ được tràn đầy một tình thương rộng lớn và bao la. Cũng như một người thổi kèn vang xa khắp bốn phương đều nghe rõ ràng, Phật cũng đến với tất cả mọi người, không bỏ sót một ai, trong một tình thương sâu xa và công bằng.



 
big-buddha-content Chiến tranh, pháp luật và lý tưởng


 Vị tướng Simha nói: ‘’Con nghe nói Đức Thế Tôn chối bỏ tác dụng của mọi hành động, ngài giảng dậy thuyết vô vi, nói rằng những hành động chẳng đem lại lợi ích gì, vì con đường chánh đạo là hủy bỏ và khinh thường hết mọi sự. Và ngài dậy về sự tiêu tán của linh hồn và sự thiêu đốt tàn lụi của con người? Xin Đức Thế Tôn cho con biết có phải như vậy không?’’


 Đức Phật trả lời: Simha, những người nói về ta như vậy cũng đúng một phần nào, nhưng mặt khác, nếu nói về ta trái ngược lại như vậy cũng đúng một phần nào nữa. Hãy nghe đây: ta dậy rằng không nên làm những việc gì không chính trực, dù trong hành động, lời nói, hay ý nghĩ; ta dậy sự chối bỏ những tâm trạng xấu xa và bất hảo. Nhưng ta dậy phải làm những việc chính trực, ở trong hành động, lời nói, và ý nghĩ, ta dậy sự tiếp nhận những tâm trạng nào lương chính.


 Ta
dạy rằng những tâm trạng bất hảo và xấu xa, và những việc làm bất chính dù ở nơi hành động, lời nói hay ý nghĩ, đều phải bị thiêu đốt tàn lụi. Người nào đã giải thoát được chính mình với những tâm trạng xấu xa và bất hảo, đã tiêu diệt được chúng như một cây dừa bị bật rễ lên để không bao giờ mọc lại được nữa, người đó đã hoàn thành được sự buông bỏ bản ngã của mình.


 Simha, ta thuyết giảng về sự tiêu trừ lòng vị kỷ, lòng tham dục, ác ý và giả tưởng. Tuy nhiên, ta không thuyết giảng sự tiêu trừ tính nhẫn nại, tình thương, lòng từ thiện, và sự chân thực. Ta khinh thường những việc làm bất chính, dù đó là ở nơi hành động, lời nói, hay ý nghĩ, nhưng ta khen ngợi sự chính trực và đức hạnh.

 
 Simha nói: ‘’Con vẫn còn một điểm thắc mắc về chủ thuyết của Đức Thế Tôn. Con là một chiến sĩ được vua ủy nhiệm để thi hành luật pháp và chiến đấu bảo vệ quốc gia. Đức Phật giảng dậy về tình thương và lòng từ bi, vậy ngài có cho phép trừng phạt kẻ phạm tội không? Ngài có cho là sai lầm nếu chiến tranh gây ra là để bảo vệ đất đai, tài sản, gia đình của chúng ta không? Đức Phật có dậy chủ nghĩa đầu hàng vô điều kiện không? Có khẳng định rằng chiến tranh dù cho một lý tưởng chánh đáng là một điều cấm kỵ không?’’


 Đức Phật trả lời: Người nào cần phải bị trừng trị sẽ bị trừng trị, và người nào xứng đáng được ban thưởng sẽ được ban thưởng. Nhưng đồng thời Phật pháp cũng dậy không nên gây sự tổn thương cho một sinh mạng nào mà phải có lòng từ bi và thương yêu tất cả. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì người nào bị trừng phạt vì hắn đã gây nên tội sẽ chịu tổn thương không phải do ác ý của vị quan tòa mà do hậu quả việc làm xấu xa của hắn. Những hành động hắn gây ra đã đem lại sự tổn thương cho hắn trong tay người thi hành luật pháp. Khi một vị quan chức trừng phạt phạm nhân, đừng mang một sự thù ghét nào trong tâm, và khi kẻ sát nhân bị hành hình, hãy biết rằng đây chính là hậu quả hành động của hắn.


 Như Lai dậy rằng tất cả những cuộc chiến tranh đều đáng tiếc, nhưng không dậy rằng một người chiến đấu cho một lý tưởng chính đáng, sau khi đã dùng hết những phương tiện hòa bình, là đáng trách. Kẻ nào là nguyên nhân gây ra cuộc chiến mới đáng trách. Như Lai dậy một sự buông bỏ bản ngã hoàn toàn, nhưng không dậy sự buông xuôi đầu hàng trước những lực xấu xa, dù đó là người, thần linh hay những yếu tố thiên nhiên. Đời là một trường tranh đấu, vậy ngươi hãy tranh đấu. Nhưng khi tranh đấu hãy nhìn kỹ lại để cuộc chiến đấu đó không trở thành một cuộc chiến đấu của tư lợi đối lại lẽ phải và chân lý.


 Kẻ nào tranh đấu cho tư lợi, vì muốn trở thành quyền thế, giầu sang hay nổi danh, sẽ chẳng được phần thưởng nào, nhưng người tranh đấu cho lẽ phải và chân lý sẽ được đền bù rất nhiều, vì dù cho có thất bại cũng đã là một chiến công. Bản ngã không phải là một công cụ tốt để tiếp nhận được sự thành công lớn lao nào; bản ngã là nhỏ nhoi, mong manh và nội tại của nó sẽ bị tan rã. Trong khi, chân lý là rộng lớn đủ để tiếp nhận tất cả những ước vọng của bản ngã, và khi những bản ngã đã vỡ tan như bọt xà bông, nội tại của chúng vẫn còn đó và trường tồn trong chân lý.


 Người nào đã đi ra trận chiến, hỡi Simha, dù đó là cho một lý tưởng chính đáng, cũng nên dọn mình cho một cái chết trong tay kẻ địch, vì đó là số phận của người chiến sĩ, và khi số phận ấy đến, chấp nhận không oán than. Nhưng người nào chiến thắng hãy nên nghĩ đến sự vô thường của vạn pháp trên thế gian này. Có thể cái chiến thắng ấy vĩ đại đấy, nhưng dù vĩ đại đến đâu, bánh xe định mệnh vẫn có thể chuyển động và đưa người ấy xuống cát bụi.


 Chủ thuyết chinh phục bản ngã, hỡi Simha, không phải được giảng dậy để tiêu diệt linh hồn của con người, nhưng là để gìn giữ chúng. Người nào đã chinh phục được bản ngã sẽ dể sống hơn, dễ thành công, và đạt được nhiều thắng lợi hơn kẻ chỉ biết làm nô lệ cho bản ngã. Người nào trong tâm trí đã không còn ảo tưởng về bản ngã, sẽ đứng vững và không ngã gục trong trường tranh đấu của cuộc đời. Người nào mang một ý chí chính trực và công bình, sẽ không bị thất bại, mà sẽ thành công trong những việc họ làm và sự thành công đó sẽ bền vững. Người nào mang trong tâm khảm một tình yêu chân lý sẽ sống và sống mãi, vì họ đã uống được nguồn nước của sự bất tử. Vậy vị tướng lãnh kia, cứ tranh đấu và tranh đấu dũng cảm, mạnh mẽ lên, nhưng hãy là một chiến sĩ cho chân lý và người sẽ được phước báu Như Lai. 

 
 
 * Nếu một kẻ nào si mê muốn hại ta, ta sẽ đáp lại bằng lòng từ bi hỷ xả; hắn càng tỏ lộ cái ác, ta càng tỏa ra cái thiện; hương thơm của thiện lương sẽ luôn ở nơi ta, và khí độc của tà ác sẽ đến nơi hắn. Một người ác mà lại đi oán ghét một người lành, thì cũng như một người ngước mặt lên mà nhổ lên trời cao ; nước bọt hắn bắn ra chẳng làm bẩn được trời, mà ngược lại dội xuống vào người hắn. Kẻ phỉ báng người giống như một người tung bụi vào người khác khi gió thổi ngược chiều, bụi sẽ dội trở lại vào người hắn. Người thiện lương không thể nào bị làm hại; ngược lại sự khốn khổ sẽ quay trở lại kẻ đã hại người.
 
 
 * Một thiên nhân đến với Phật trong hóa thân một người Bà la Môn, trong vẻ mặt rạng rỡ và bộ trang phục trắng như tuyết. Vị thiên nhân hỏi những câu mà Đức Phật trả lời sau đây. Thiên nhân hỏi:


 - Thanh kiếm nào sắc bén nhất? Chất độc nào tàn hại nhất? Ngọn lửa nào dữ dội nhất? Bóng đêm nào đen tối nhất?


 Đức Phật trả lời: Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất, dục vọng là chất độc tàn hại nhất, đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất, vô minh là bóng đêm đen tối nhất.


 Vị thiên nhân lại hỏi: ‘’Ai là người hưởng lợi nhiều nhất? Ai là người chịu thiệt thòi nhất? Aó giáp nào không thể bị xuyên thủng? Vũ khí nào lợi hại nhất?’’


 - Ngưới hưởng lợi nhiều nhất là người đã cho đi nhiều, kẻ chịu thiệt thòi nhất là kẻ chỉ biết nhận một cách tham lam không chút biết ơn. Nhẫn nhục là áo giáp không xuyên thủng được, và trí tuệ là vũ khí lợi hại nhất.


 Vị thần hỏi: ‘’Ai là kẻ trộm nguy hiểm nhất? Cái gì là kho tàng quý báu nhất? Ai đã thành công trong việc chiếm đoạt bằng vũ lực không chỉ trên thế giới này, mà còn trên thiên giới? Đâu là nơi an toàn nhất để kho báu?’’


 Phật trả lời: ‘’Những tư tưởng xấu xa là kẻ trộm nguy hiểm nhất. Đức hạnh là kho tàng quý báu nhất. Tâm thức con người chiếm đoạt mọi sự không chỉ trên thế giới này, mà còn trên thiên giới. Sự bất tử là nơi an toàn nhất để kho báu.’’


 Thiên nhân hỏi: ‘’Cái gì là hấp dẫn? Cái gì là ghê tởm? Cái đau nào thống thiết nhất? Cái vui nào lớn nhất?’’


 Phật trả lời: ‘’Thiện là hấp dẫn, Ác là ghê tởm; một lương tâm bị dầy vò là nỗi đau thống thiết nhất, sự giải thoát là cái vui lớn nhất.’’


 Thiên nhân hỏi: ‘’Cái gì gây ra sự tàn phá trên thế giới? Cái gì làm tình bạn tan vỡ? Cơn sốt nào mãnh liệt nhất? Ai là vị thầy thuốc giỏi nhất?’’


 Phật trả lời: ‘’Sự tăm tối, vô minh gây ra sự tàn phá trên thế giới. Sự ganh tị và ích kỷ làm tình bạn tan vỡ. Hận thù là cơn sốt mãnh liệt nhất, và Phật là vị thầy thuốc giỏi nhất.’’


 Vị thiên nhân lại hỏi: ‘’Bây giờ con chỉ còn một thắc mắc, xin Đức Thế Tôn giải đáp cho. Cái gì mà không bị lửa đốt cháy, không bị nước làm mòn, không bị gió làm đổ, mà lại có thể cải cách cả thế giới?’’


 Đức Thế Tôn trả lới: ‘’Phước đức. Không có lửa nào, nước nào, gió nào có thể hủy diệt được phước đức của một việc thiện, và những phước đức đó cải cách cả thế giới.’’




budhha-contentThiền định

 
 Một đệ tử nói: ‘’Xin Đức Thế Tôn dậy cho con những quán tưởng nào phải chuyên chú vào để tâm thức con được an nơi thiên đường thanh tịnh.’’


Phật trả lời: Có năm quán tưởng chính. Quán tưởng thứ nhất là quán về tình thương yêu, trong đó ngươi phải để tâm nguyện cầu cho sự an vui của tất cả mọi người, kể cả những kẻ thù của ngươi.


Quán tưởng thứ hai là quán tưởng từ bi, trong đó ngươi nghĩ đến tất cả những chúng sinh đang đau khổ, tưởng tượng ra trước mắt sự buồn đau, lo sợ của họ để gợi lên một sự thương cảm sâu xa trong tâm hồn.


Quán tưởng thứ ba là quán tưởng hoan lạc, trong đó ngươi nghĩ đến sự yên vui của người khác và chia xẻ niềm vui với họ.


Quán tưởng thứ tư là quán tưởng về sự bất tịnh, trong đó ngươi nghĩ đến hậu quả của những thối nát đồi trụy, hậu quả của những hành động xấu xa. Hời hợt thay cái vui trong một thoáng giây mà hậu quả lại đưa đến tai hại chết người!


Quán tưởng thứ năm là quán tưởng về sự an bình, trong đó ngươi vượt ra khỏi những cái yêu và ghét, độc đoán và cởi mở, giầu và nghèo, và nhìn lại số phận của mình với con mắt khách quan, bình thản và an định hoàn toàn.


Một đệ tử chân chính của Như Lai không đặt niềm tin nơi sự khắc khổ hay những lễ nghi, mà từ bỏ những ý nghĩ về một bản ngã, dâng hiến tâm hồn cho A Di Đà, nguồn ánh sáng vô tận của chân lý.



* Một đệ tử hỏi: ‘’Có những điều kỳ diệu và phép lạ không?’’ 

 
Phật trả lời: Đó không phải là kỳ diệu và phép lạ sao, khi một người đã tạo bao lầm lỗi có thể chuyển hóa thành một vị thánh, khi họ đã giác ngộ được chân lý và từ bỏ những thói xấu của lòng vị kỷ? Người phát tâm tu đã từ bỏ những lạc thú phù du của thế tục cho sự an lạc thánh thiện vĩnh cửu, đã làm một phép lạ đúng nghĩa của nó. Một người đạo hạnh có thể thay đổi nghiệp chướng thành phước báu. Nhưng ước muốn thực hiện những phép lạ khởi từ lòng tham lam hay ngã mạn. A Di Đà, nguồn sáng vô tận, là căn nguyên của trí tuệ, của đức hạnh, của Phật tính. Những việc làm của những tay phù thủy và ảo thuật là lừa bịp, và còn gì kỳ diệu hơn, huyền bí hơn, lạ lùng hơn A Di Đà?


 * Có một người bẩm sinh ra bị mù, nói rằng: ‘’Ta không tin vào một thế giới có ánh sáng và hình tượng. Không có mầu sắc nào, dù là tươi sáng hay ảm đạm. Không có mặt trời, trăng sao nào cả. Không ai đã chứng kiến những điều này bao giờ.’’ Bạn của hắn phản đối, nhưng hắn vẫn khăng khăng một mực: ‘’Cái gì ngươi nói ngươi thấy được chỉ là ảo tưởng. Nếu thật có mầu sắc thì ta đã sờ được chúng. Chúng không có bản thể, không có thực chất. Mọi sự vật có thực đều phải có trọng lượng, nhưng mầu sắc ta không cảm thấy được trọng lượng của chúng.’’

Một vị thầy thuốc được mời đến để khám cho người mù. Ông ta pha trộn bốn nguyên chất vào với nhau, và khi hợp chất này được đắp lên mắt người mù, cái màng xám bao phủ con ngươi đã tan biến, và mắt người mù đã thấy được. Như Lai là vị thầy thuốc, cái màng bao phủ con ngươi là ảo tưởng về ‘’cái tôi’’ và bốn nguyên chất kia là bốn chân lý tứ diệu đế.

 
 * Khi Đức Phật ở Savatthi, một hôm ngài đi khất thực đến gần nhà một tu sĩ Bà la Môn khi nhà này đang đốt lửa cúng trên bàn thờ. Vị tu sĩ kia nói: ‘’Hãy đứng xa ra, kẻ khất thực khốn nạn kia, mi là một kẻ hạ đẳng.’’ Đức Phật trả lời:


 Kẻ hạ đẳng là ai? Hạ đẳng là con người đầy giận dữ và hận thù, con người hung ác và đạo đức giả, con người lầm lẫn và đầy giả tưởng. Kẻ nào hay gây sự và tham lam, có nhiều ý xấu, ganh tị, ác độc, vô liêm sỉ, vô đạo đức, kẻ ấy chính là kẻ hạ đẳng. Con người không sinh ra để làm một kẻ hạ đẳng, cũng không sinh ra để làm một quý tộc Bà la Môn, mà bằng hành động con nguời trở thành hạ đẳng hay quý tộc.
 

 *Khi ta bước vào trong một pháp hội, trước khi ngồi xuống, ta thường hoà nhập vào với sắc thái của đại chúng, nói tiếng nói của họ. Dùng ngôn ngữ của họ, ta thuyết giảng những lời pháp và chỉ dẫn, khích lệ họ, nâng cao tinh thần của họ.


 *Pháp Phật như đại dương, cùng có tám đặc tính kỳ diệu giống nhau. Cả hai đại dương và pháp phật đều dần dần càng trở nên sâu xa hơn. Cả hai đều giữ nguyên tính chất mặc dù đã trải qua bao thay đổi . Cả hai đều loại bỏ những cái đã chết lên bờ đất khô. Như những giòng sông lớn khi đổ ra biển cả đã mất tên của chúng và từ đó nhập thành đại dương, tất cả các giai cấp cũng vậy, khi đã từ bỏ giòng giõi của mình và nhập vào Tăng chúng, đều trở thành huynh đệ và là những người con của Phật. Đại dương là chung điểm của mọi nguồn nước và mưa trên trời đổ xuống, nhưng nó không bao giờ tràn, không bao giờ cạn. Cũng vậy, Pháp Phật hàng triệu người đã tin theo, nhưng vẫn không tăng, cũng không giảm. Như đại dương chỉ có một vị, vị mặn của muối, pháp phật cũng chỉ có một vị, vị của sự giải thoát. Cả hai đại dương và pháp phật đều đầy dẫy những châu báu và ngọc trai, cả hai đều là nơi an trú cho những giống siêu phàm. Đó là tám đặc tính kỳ diệu của pháp phật tương tự như đại dương.



 
 sarnath_buddha T
ánh Không



Kutadanta nói: ‘’Con nghe nói ngài dậy các giới luật, nhưng lại đả phá tôn giáo. Và đệ tử của ngài khinh thường các nghi lễ và bãi bỏ các cuộc cúng tế; nhưng sự tôn thờ thần linh chỉ có thể biểu hiện qua những cuộc tế thần; bản chất của tôn giáo là thờ phụng và hi sinh.’’


Đức Phật trả lời: Sự cúng tế trâu bò không lớn bằng sự buông xả bản ngã. Người nào dâng tế cho thần linh những ước vọng xấu xa của mình sẽ thấy sự vô ích của việc giết chóc sinh vật nơi bàn thờ. Máu không có năng lực làm rửa sạch, nhưng xả bỏ dục vọng sẽ làm cho tâm hồn được thanh khiết. Sự tôn thờ thần linh không tốt bằng sự tuân theo lẽ phải.


Kutadanta nói: ‘’Bạch Thế Tôn, ngài tin rằng con người sẽ tái sinh, họ luân chuyển trong vòng tiến hóa của đời sống, và theo luật nhân quả ‘’gieo nhân nào, hái quả nấy’’. Nhưng ngài lại dậy về sự không tồn tại của linh hồn! Đệ tử của ngài ca ngợi sự tiêu trừ bản ngã hoàn toàn, xem đó là niềm hoan lạc nhất của Niết bàn. Nếu tôi chỉ là một tập hợp của các cảm giác, ý tưởng và ý muốn, tôi sẽ đi đâu sau khi thân này tan rã?’’


Đức Phật trả lời: Có sự tái sinh của tính khí nhưng không có sự tái xuất hiện của bản ngã. Những dạng tư tưởng của ngươi lại tái hiện, nhưng không có thực thể của cá nhân nào lưu truyền lại. Bài phú của người thầy lại được lập lại nơi người trò. Chỉ trong vô minh và ảo tưởng con người mới mơ mộng là linh hồn của họ là một thực thể hiện hữu riêng biệt. Tâm của ông, hỡi Bà la Môn kia, vẫn còn bám víu vào bản ngã.


Ta nói với ông rằng: Phật không đến để dậy về sự chết, nhưng dậy về sự sống, và ông không biết phân biệt thực chất của sự sống và sự chết. Thân thể này sẽ bị tan rã và không có một sự hi sinh tế thần nào có thể cứu được nó. Vì vậy, hãy tìm sự sống ngay nơi tâm mình. Nơi đâu có bản ngã, nơi đó không phải là chân lý, nhưng khi chân lý xuất hiện, bản ngã sẽ biến đi. Vì vậy, hãy để tâm an trú nơi chân lý, tuyên dương chân lý, đặt hết ý chí vào đó, và trải rộng ra khắp nơi. Trong chân lý ta sẽ sống mãi mãi. Bản ngã là chết và chân lý là sống. Sự bám víu vào bản ngã là một sự chết trường kỳ, trong khi luân chuyển trong chân lý là đã nhập được Niết bàn, trong đó là sự sống vô tận.


Kutadanta nói: ‘’Con có hiểu đúng ý ngài không, rằng Niết bàn không phải là một nơi chốn, và vì nó không có ở đâu cả nên không có thực?’’


Đức Phật trả lời: Ông không hiểu đúng ý của ta. Hãy cho ta biết, ngọn gió có ở nơi đâu? Trí tuệ ở nơi nào? Trí tuệ có phải là một địa điểm không? Có phải không có trí tuệ, không có giác ngộ, không có lẽ phải, và không có cứu độ, chỉ vì Niết bàn không phải là một địa điểm? Như một ngọn gió lớn và mạnh mẽ thổi qua thế giới trong cơn nóng của một ngày hè, Phật cũng thổi qua tâm trí của nhân loại một hơi thở của tình thương, mát rượi, ngọt ngào, yên tĩnh, và nhẹ nhàng; và những người đang lên cơn sốt nóng bỏng cảm thấy dễ chịu hơn và vui hưởng cơn gió tươi mát ấy.


 Kutadanta nói: ‘’Bạch Thế Tôn, nhưng nếu không có linh hồn, làm sao có sự bất tử? Khi ta đã nằm xuống thì những tư tưởng cũng tan biến đi rồi.’’


Đức Phật trả lời: Sự suy nghĩ của ta không còn nữa, nhưng những tư tưởng vẫn còn đó. Sự lý luận đã ngưng lại, nhưng kiến thức vẫn còn đó. Giả tỉ như có một người giữa đêm khuya muốn gởi một lá thơ, đã gọi thơ ký của ông đến, bật đèn lên, và thảo thơ. Rồi, sau khi xong việc, ông ta tắt đèn đi. Mặc dù việc viết thơ đã làm xong, đèn đã tắt, nhưng thơ vẫn còn đó. Cũng tương tự, hoạt động tâm trí của con người đã ngưng lại, nhưng những kinh nghiệm, trí tuệ, và hậu quả của những việc làm vẫn tồn tại.

 
Kutadanta tiếp tục: ‘’Nhưng Bạch Thế Tôn, nếu sắc thân (sankharas) đã tan rã thì đâu còn là con người riêng biệt của ta nữa? Nếu những tư tưởng của ta tái sinh lại, nhưng linh hồn lại tiêu tán đi, thì tư tưởng không phải là của ta nữa và linh hồn không còn là của ta nữa.’’


Đức Phật trả lời: Giả sử có một người đốt một ngọn đèn lên, cái đốm lửa của ngọn đèn đó trong canh một có giống như canh hai không? Hay ngươi nói là có hai đốm lửa, một trong canh một và một trong canh hai? Trông thì thấy hai đốm lửa đó có vẻ khác nhau nhưng nếu xét theo một khía cạnh nào khác thì chúng vẫn là một. Chúng cùng đốt bằng một loại dầu, cùng cho một loại ánh sáng, và cùng dùng cho một mục đích chung.


Giả sử ngọn lửa của canh một đã bị tắt đi trong canh hai, và trong canh ba nó lại được nhóm lên, ông có nghĩ đó vẫn là ngọn lửa cũ không? Cái khoảng cách thời gian trong lúc ngọn đèn bị tắt đi có liên hệ gì sự đồng dạng hay không đồng dạng của ngọn đèn không? Ngọn lửa của ngày nay xét theo một mặt cũng là ngọn lửa của ngày hôm qua, nhưng xét theo mặt khác, nó lại khác đi từng giây phút. Ngoài ra, những ngọn lửa cùng loại, thắp sáng với cùng năng lực, trong những căn phòng giống nhau, xét theo một nghĩa nào đó đều giống nhau.


Bây giờ, giả sử có một người cũng cảm thấy như ông, suy nghĩ như ông, hành động như ông, hắn có phải là ông không? Ông có chối bỏ rằng cái lý nào áp dụng đúng cho ông là cũng áp dụng đúng cho những cái khác không?


Kutadanta chậm rãi trả lời: ‘’Không, con không phủ nhận điều đó. Cái lý nào đúng, đều đúng cho tất cả, nhưng có một cái gì độc đáo trong con làm con khác biệt với mọi người khác. Có thể có một người nào đó cảm thấy như con, suy nghĩ như con, hành động như con, nhưng cho dù hắn có cùng tên họ với con chăng nữa, hắn cũng không phải là con.’’


Phật nói: Đúng, hắn không phải là ông. Nhưng theo ý ông, cái người đang đi học, và cái người đã học xong có phải là hai người khác nhau không? Cái người đã phạm tội, và cái người chịu hình phạt bị chặt chân tay có phải là hai người khác nhau không? Sự giống nhau có phải chỉ được đặt để do sự tiếp nối không? Nhiều năm trước ngươi là một hài nhi, rồi là một đứa trẻ, rồi trở thành một thanh niên, bây giờ là một trung niên. Có một sự đồng dạng riêng biệt nào cho đứa trẻ và người đàn ông kia không? Chỉ có một sự đồng dạng trên một nghĩa nào đó mà thôi. Thật sự ra thì có sự tương đồng cá tính giữa ngọn lửa của canh đầu và canh ba hơn, mặc dù trong canh hai, ngọn lửa này có thể đã bị tắt đi. Vậy đâu là con người thật của ông, con người ngày hôm qua, ngày hôm nay, hay ngày mai, mà ông lớn lối muốn bảo tồn?


Thân sắc tạo nên do tiến trình tiến hóa của đời sống. Không có thân sắc nào bỗng nhiên có ngay mà không trải qua một sự kết thành lâu dài. Thân sắc của ông là sản phẩm của những hành động của ông trong những kiếp trước. Sự kết hợp của ngũ uẩn đó tạo nên bản ngã của ông. Sắc thân đó được sinh ra ở đâu, bản ngã của ông cũng theo đó mà tạo thành. Trong những sắc thân đó ông sẽ tiếp tục sống, và trong những kiếp tương lai ông sẽ hái những quả mà ông đã gieo ngày nay cũng như trong quá khứ.


‘’Bạch Thế Tôn, thật tình,’’ Kutadanta nói, ‘’Con thấy điều đó không công bình chút nào. Công bình sao được khi những người khác sẽ được hưởng những gì con đã gieo ngày nay.’’


Đức Phật nói: Có phải những điều ta đã nói nẫy giờ không đi đến đâu chăng? Ông vẫn chưa hiểu sao, những người khác đó chính là ông ! Chính ông sẽ hái quả ngươi đã gieo, không phải là người khác. Hãy nghĩ đến một người đàn ông nghèo đói, thiếu thốn, đang đau khổ trong sự khốn cùng của mình. Khi còn nhỏ hắn lười biếng và ham chơi, khi lớn lên lại chẳng chịu học một nghề để kiếm sống. Ông có bảo rằng sự khốn khổ của hắn không phải là hậu quả của hành vi của hắn trước đây không, bởi vì người đàn ông ngày nay không phải là đứa trẻ ngày xưa nữa? Ông hãy biết rằng: dù có lên trời hay xuống biển, dù có vào trong hang núi ẩn trốn, ông vẫn không thoát được hậu quả của những việc làm xấu xa. Đồng thời, phước báu của những việc thiện chắc chắn cũng sẽ đến với ông. Một người đã đi xa lâu ngày và trở về bình an sẽ được người nhà, bạn bè và người quen của họ đón mừng. Cũng vậy, thành quả của những việc làm tốt của con người đi theo con đường bát chánh đạo sẽ đón mừng họ, khi đến ngày người ấy lìa đời để bước sang một đời sống khác.
 
 
 
 *Ta đã dứt bỏ mọi ràng buộc vì ta đi tìm sự giải thoát. Làm sao ta còn có thể trở lại thế tục được? Người nào đi tìm một chân lý thánh thiện, là kho tàng quý giá nhất trên đời, sẽ phải để lại sau lưng những hệ lụy vương vấn tâm tư họ, và chỉ tập trung vào một mục đích thôi. Họ phải giải phóng tâm họ khỏi sự ham muốn và dục vọng, cũng như sự khao khát quyền lực.


 *Chỉ cần buông lơi một chút thôi, dục vọng sẽ tăng trưởng như một đứa trẻ. Có quyền uy thế lực trong tay, ngươi sẽ nặng chĩu những lo âu. Hơn cả ngôi báu trên trần thế, hơn cả sự sống nơi cõi trời, hơn cả sự thống trị thế giới, là phật quả thiêng liêng thánh thiện. Ta đã nhận thấy được tính ảo của sự giầu sang phú quý và không muốn nếm chất độc đó nữa. Có con cá nào đã cắn câu lại còn ham cái mồi, có con chim nào đã xổ lồng lại ưa thích cái lưới? Có con thỏ nào đã thoát khỏi miệng rắn lại còn quay lại để bị nuốt chửng? Một người bệnh đang đau khổ vì cơn sốt muốn tìm một phương thuốc thoa dịu. Ta có nên khuyên họ uống thuốc nào làm sốt nặng hơn không? Ta có dẹp tắt lửa bằng cách đổ thêm dầu vào không?
 

 *Con người bị ràng buộc vì họ không thể nào rời bỏ cái ý tưởng về bản ngã. Vật thể và tính chất của nó khác nhau trong tư tưởng của chúng ta, nhưng không khác trên thực tế. Sức nóng và lửa là hai cái riêng biệt trong ý nghĩ của chúng ta, nhưng trong thực tế ta không thể tách rời lửa với sức nóng. Nếu nói là có thể tách rời được tính chất và vật thể, thì khi suy nghĩ đến cùng, ta sẽ thấy không thể làm được.


 Con người không phải là một kết hợp nhiều bộ phận, nhiều yếu tố sao? Con người gồm có sắc, thọ , tưởng, hành, và thức kết hợp thành. Cái mà người ta gọi là bản ngã, ‘’cái tôi’’, không phải là một thực thể riêng biệt nào đứng sau những yếu tố này, mà chỉ bắt nguồn từ hoạt động phối hợp của chúng.
 

 Trong tư tưởng đã có bao sự lầm lạc khi ta chú trọng đến bản ngã, khi với lòng tự đắc ta nghĩ rằng, ‘’Tôi thật giỏi quá,’’ ‘’Tôi đã làm được việc kỳ diệu này sao?’’ Cái ý tưởng về bản ngã đã đứng chặn giữa lý trí của ta và chân lý, sự thật; bãi bỏ nó, ta sẽ sáng tỏ mọi sự. Người nào có tư duy đúng sẽ không còn trong vô minh và đạt được trí huệ. Cái ý nghĩ ‘’Tôi sẽ’’ hay ‘’Tôi sẽ không’’ sẽ không đến với người đã sáng tỏ thông suốt.


 Hơn nữa, nếu bản ngã còn đó, làm sao ta đạt được sự giải thoát thực sự? Nếu bản ngã này lại được tái sinh ở một trong ba cõi giới, địa ngục, người, hay trời, ta lại gập lại cái số phận đáng buồn này. Chúng ta sẽ bị cột chặt vào bánh xe của cá nhân này và sẽ chấp trước trong sự ích kỷ và sai lầm. Đây có phải là một lối thoát chung cuộc không? Tất cả những sự kết hợp rồi sẽ bị tan rã, và nếu ta cứ bám víu vào sự kết hợp của bản ngã này, ta sẽ không thể thoát được sinh, lão, bệnh, tử.



lord_buddha-content

 Nhân quả


 Chắc chắn những con người hiện nay nếu thấy được hậu quả của tất cả các hành động xấu của họ, họ sẽ phải quay mặt đi mà ghê sợ. Nhưng thân ngã của họ đã làm mờ mắt họ, và họ tiếp tục bám víu vào những dục vọng tồi tệ. Họ thèm thuồng sự khoái lạc cho bản thân mình mà gây sự khổ đau cho người khác; khi cái chết phá hủy thân xác của họ, họ không tìm được sự an nghỉ; họ ao ước được hiện hữu trở lại và rồi lại tái sinh trong những kiếp sống mới. Cứ như thế họ luân chuyển trong vòng kiềm tỏa và không thể nào thoát ra đư
ợc cái địa ngục do chính họ tạo nên. Mà trống rỗng thay những lạc thú của họ, giả tạo thay những sự tranh đua! Chúng nông cạn như cây chuối và trống không như những bọt bong bóng. Thế gian này đầy rẫy những sự xấu xa và đau buồn, bởi vì nó đầy rẫy dục vọng. Con người lầm đường lạc lối bởi vì họ thấy rằng ảo tưởng đẹp đẽ hơn sự thật. Thay vì đi tìm chân lý họ lại đi theo sự si mê, mà lúc đầu nhìn vào rất đẹp đẽ nhưng sau đó lại đầy rẫy những âu lo, đau thương, và sầu khổ.
 
 
Chủ thuyết về nghiệp quả là không chối cãi được, nhưng chủ thuyết về một bản ngã là không có căn bản. Như tất cả vạn pháp , kiếp sống con người phải chịu sự chi phối của luật nhân quả. Hiện tại tiếp nhận quả của những hạt nhân đã gieo trong quá khứ, và tương lai là sản phẩm của hiện tại. Nhưng không có một bằng chứng nào về sự hiện hữu của một cá nhân bất biế
n, một bản ngã nguyên si và luân lưu từ thân xác này đến thân xác khác. Có sự tái sinh trở lại nhưng không có sự tái xuất của bản ngã.


 Cá nhân này của ta không phải là một sự kết hợp hữu hình và vô hình sao? Nó không tạo nên bởi những đặc tính hình thành trong sự chuyển hóa tiệm tiến sao? Năm giác quan trong cơ thể này đã từng được tổ tiên trước đây dùng đến. Những ý tưởng ta đang suy nghĩ, một phần đã đến từ những người trước đây đã suy nghĩ chúng, một phần từ sự suy tư riêng biệt của trí óc này. Những người đã dùng những giác quan này, đã nghĩ những ý nghĩ này trước khi ta sinh ra làm con người hiện nay, là những tiền kiếp của ta, họ là tổ tiên của ta
cũng như cái Tôi của ngày qua đã đẻ ra cái Tôi ngày nay, và nghiệp quả của những việc làm quá khứ ảnh hưởng đến số phận của kiếp sống hiện tại.

 
Vì không thể nào trốn thoá
t được hậu quả những hành động của ta, hãy nên tập làm những việc tốt. Hãy mang ý tưởng là không nên làm điều xấu, vì chúng ta sẽ nhận lãnh hậu quả xấu. Có những con đường đi từ sáng trở nên tối và từ tối ra sáng. Cũng có những con đường từ âm u trở nên đen tối hơn, và từ sáng mờ trở nên sáng chói. Người có trí huệ biết dùng điểm sáng sẵn có để đón nhận thêm ánh sáng, và tiến thêm trong việc tìm hiểu chân lý.



Hãy diễn đạt sự siêu việt của mình qua sự đạt lý và thực hành các hạnh ; quán chiếu sâu xa sự giả tạm của mọi vật trên thế gian này, và thấu hiểu sự mong manh của cuộc đời. Hãy thăng hoa tâm thức, và phát khởi một niềm tin thực sự, với mục tiêu vững chắc, đừng phạm vào những giới luật thiêng liêng và hãy tìm hạnh phúc không phải ở bên ngoài mà chính ngay trong tâm mình. Như vậy, ngươi sẽ được hưởng ơn phước của Phật trong vô lượng kiếp.
 

 *Hỡi các đệ tử, có một cõi giới trong đó không có đất, nước, gió, lửa, không có sự vô tận của không gian hay ý thức, không có hư vô, không có cảm thọ hay không cảm thọ, không có thế giới này hay thế giới khác, không có mặt trời hay mặt trăng. Đó là cõi giới Vô Vi không tịch. Ngay nơi đó không có đi, đứng hay về, không có tử cũng không có sinh, bất biến mà cũng không bất biến. Đó là sự vô thủy vô chung vĩnh cửu, là sự tận diệt của khổ đau.


 *Một người đứng đơn độc một mình, khi đã quyết định đi theo chân lý, cũng có thể yếu đuối và quay trở lại những thói quen cũ. Vì vậy, chúng ta hãy chung lưng, hỗ trợ cho nhau, tăng cường thêm nỗ lực của nhau. Hãy đến với nhau như huynh đệ, trong tình thương, trong sự thiêng liêng và nhiệt tình cho chân lý. Hãy quảng bá và hoằng dương giáo pháp cho khắp nơi trên thế giới để tất cả mọi chúng sinh sẽ được thành cư dân trong vương quốc của chánh pháp. Đây là sự kết nghĩa thiêng liêng, là giáo hội, pháp hội của những vị A La Hán; đây là Tăng đoàn mà trong đó liên kết tất cả những người có niềm tin nơi Phật.

 
 *Những kẻ phàm phu thường lớn tiếng chỉ trích nhưng ta không thể trách họ được trong khi chính trong hàng ngũ chúng ta có sự chia rẽ. Thù hận không thể giải được nơi người có ý tưởng: ‘’Người ấy đã làm hại tôi, người ấy đã xấu với tôi, người ấy đã gây thương tổn cho tôi.’’ Vì thù hận không thể giải được bằng thù hận. Thù hận chỉ có thể giải được bằng sự xả bỏ thù hận. Đó là một quy luật miên viễn.
 

 *Có những người không biết tự chủ là gì, nếu họ sanh sự chúng ta có thể tha thứ cho họ được. Nhưng những người hiểu biết lẽ đạo nên tập sống trong sự hòa hợp. Nếu ai tìm được một người bạn thông tuệ, sống chính trực và chuyên nhất, thì họ có thể cùng cộng tồn, vượt qua mọi nguy khốn, sống trong hạnh phúc và tỉnh giác.

 Nhưng nếu không tìm được một người đồng chí hướng sống chính trực và chuyên nhất, thì hãy bước một mình, như một vị vua đã bỏ lại vương quốc và những trách nhiệm chính trị sau lưng để sống một cuộc đời ẩn dật như con voi trong rừng sâu. Tình bạn không thể kết với những kẻ xuẩn động. Thà sống đơn độc còn hơn là sống với những người ích kỷ, tự phụ, hiếu chiến, và bướng bỉnh.
 


 *Một người dù có trang sức đầy vàng ngọc châu báu, nhưng nếu có tâm bất động cũng vẫn không bị lung lạc bới những hấp dẫn của hình tướng. Hình tướng không làm nên tôn giáo hay ảnh hưởng đến tâm được. Một người dù sống ẩn dật với trang phục đầy vẻ đạo hạnh, nhưng tâm vẫn có thể nhuốm đầy vọng niệm. Một người sống trong rừng sâu nhưng vẫn luôn luôn thèm muốn những cái hào nhoáng thế tục, vẫn chỉ là một kẻ phàm phu. Ngược lại một người dù ăn mặc theo đúng thời trang, nhưng tâm vẫn có thể thanh cao với những tư tưởng đạo hạnh. Không có sự phân biệt nào giữa người đã xuất gia hay tại gia, nếu họ đều đã bỏ được cái ý niệm về bản ngã.


 
 *Thân xác thật ra đầy những cấu uế và rồi sẽ tan rã và trở về với cát bụi. Nhưng vì nó là nơi để tiếp nhận nghiệp quả, ta có năng lực để chuyển hóa nó thành một cỗ xe của chân lý, không phải của sự xấu xa. Không nên buông thả theo những thú vui xác thịt, nhưng cũng không nên lơ là với những nhu cầu của thân xác và chồng chất thêm dơ bẩn lên sự ô trọc sẵn có. Ngọn đèn không được lau sạch và thêm dầu sẽ bị tắt đi, và một thân xác để lôi thôi, dơ bẩn, và yếu đuối vì thiếu thốn sẽ không phải là một phương tiện tốt đẹp để tiếp nhận chân l ý. Hãy săn sóc cơ thể của mình, để ý đến những nhu cầu của nó như chăm sóc một vết thương mà ta phải để ý đến, nhưng không yêu thích. Những kỷ luật sắt không dẫn dắt một người tu trên con đường trung đạo mà ta đã dậy. Dĩ nhiên, không cấm được người nào muốn đặt ra những luật lệ khắt khe hơn nếu họ thấy điều đó cần thiết, nhưng đó không phải là sự bắt buộc.
 


 *Một ngưới giảng pháp phải đầy nghị lực, với nhiều hi vọng lạc quan, không bao giờ mệt mỏi và mất niềm tin nơi sự thành công tối hậu. Người giảng pháp giống như người đi đào giếng tìm nước ở trong một mảnh đất khô cằn. Khi thấy đất còn khô trắng, ông biết rằng còn lâu lắm mới thấy nước. Nhưng hãy đừng để bị nản lòng hay bỏ cuộc. Cái việc dời đi những đất cát khô phải được làm, để có thể đào sâu hơn xuống dưới. Và thường khi càng đào sâu càng có nhiều nguồn nước trong sạch và tươi mát. Sau một thời gian đào bới, đất cát thấm ướt dần, và đó là dấu hiệu đã gần tới nước. Khi mọi người không chịu lắng nghe những lời lẽ của chân l ý, người giảng pháp biết rằng ông phải đào sâu hơn vào tâm hồn họ; và khi họ bắt đầu để ý đến lời ông nói, lúc đó ông sẽ hiểu rằng họ sẽ sớm được khai ngộ.
 


 *Phật đều đến như nhau trong tất cả mọi người, nhưng tùy theo sự khác biệt giữa con người mà có những thái độ khác nhau. Phật tái tạo lại toàn thế giới, giống như một cụm mây đã đổ nước đồng đều xuống mặt đất. Một bóng mây vĩ đại đến trong vũ trụ rộng lớn này bao trùm tất cả đất đai và biển cả, đổ mưa xuống mọi nơi, trên những đồng cỏ, bụi rậm, và cây cối trên các đồi núi hay thung lũng. Rồi, những cỏ cây, bụi rậm đó hút lấy nước mưa từ bóng mây vĩ đại đó, tất cả đều được hưởng chất nước mưa giống nhau, và tùy theo bản tính của chúng, sẽ sinh ra hoa và trái khi đến mùa.
 


 *Những kẻ nào không tin tưởng gọi ta là Gotama, nhưng các đệ tử gọi ta là Phật, là Ưức Thế Tôn, là Bổn sư. Và đúng vậy, vì ta đã đạt Niết bàn trong kiếp sống này, trong khi cuộc đời của Gotama đã chấm dứt rồi. Bản ngã đã tan biến và chân lý đã ngự trị trong ta. Thân xác này là thân xác của Gotama và nó sẽ bị hoại diệt khi đến lúc, và sau khi nó đã tan rã rồi, không Thượng đế nào hay người nào sẽ thấy lại Gotama được nữa. Nhưng chân lý vẫn còn đó. Phật sẽ không chết; Phật sẽ ngự trị trong ta. Thân xác này là thân xác của Gotama và nó sẽ bị hoại diệt khi đến lúc, và sau khi nó đã tan rã rồi, không Thượng đế nào hay người nào sẽ thấy lại Gotama được nữa. Nhưng chân lý vẫn còn đó. Phật sẽ không chết; Phật sẽ tiếp tục sống trong chánh pháp thiêng liêng. 



 
full_moon_preaching_anapanasati-content Chân lý bất diệt


 Sự diệt độ của Đức Phật có nghĩa là sau khi qua đời rồi không còn gì lưu lại để tái sinh thành một bản ngã khác nữa. Cũng không còn có thể thấy lại Đức Phật ở nơi này hay nơi khác. Như một ngọn lửa trong một đám cháy rực lớn, ngọn lửa đã tàn, nó đã tan biến đi và không thể nói là nó còn ở nơi này hay nơi khác. Tuy nhiên, Phật Pháp còn đó, nên Đức Thế Tôn vẫn còn ở trong đó, bởi vì Phật Pháp đã được giảng dậy bởi Đức Thế Tôn.


Chúng sanh là con Phật, Phật là đấng từ phụ, qua chánh pháp Đức
Phật tuyên giảng mà chúng sanh được giải thoát khỏi đau khổ phiền não. Đức Phật nói:


Đã đến được bờ bến giác, ta sẽ giúp người khác vượt qua giòng sông mê; đã được cứu độ, ta sẽ cứu độ lại những người khác; đã được ủy lạo, ta sẽ ủy lạo những người khác và dẫn dắt họ đến nơi an trú. Ta sẽ đem lại sự an lạc đến cho tất cả những người đang mệt mỏi; ta sẽ đem hạnh phúc đến cho những người đang chết trong buồn khổ; ta sẽ trải rộng sự cứu độ và giải thoát cho chúng sinh.


Ta đã được sinh vào cõi thế như một vị vua của chân lý. Đối tượng ta quán chiếu là chân lý. Ta đã để hết nhiệt tâm vào sự thực thi chân lý. Đề tài ta nói chuyện là chân lý. Và cuối cùng, chính ta đã trở thành chân lý ! Những ai hiểu được chân lý sẽ thấy Phật.


 * Hãy chân thực, không để bị sự giận dữ áp chế, và hãy cho khi được hỏi xin, làm được ba điều ấy ngươi sẽ trở nên đạo hạnh. Người có trí tuệ hãy thổi bay những cấu uế của bản thân mình, như một người thợ rèn thổi sạch những cặn bã của chất bạc, từng tí một, từng cái một, và từng lúc một.
 

 *Dẫn dắt người khác không bằng vũ lực, nhưng bằng sự chính trực và công bình. Người nào có đức hạnh và trí tuệ, công minh, chân thực và ngay thẳng đi con đường của mình, sẽ được thế gian nể trọng. Người trí tuệ sống trong thiên hạ cũng như con ong hút mật từ nhụy hoa rồi bay đi mà không làm hại đến hoa, đến hương hay sắc của hoa.


 *Như một người lữ hành không tìm được một người bạn đường xứng đáng khá hơn mình hoặc ngang bằng, hãy cho họ kiên trì trong cuộc hành trình đơn độc; có ích gì khi kết giao với những kẻ xuẩn động. Có thức đêm mới biết đêm dài, có mỏi mệt mới thấy đường xa; đời thật là dài đối với những kẻ ngông cuồng không biết đến đạo lý đích thực. Một trăm năm cuộc đời của một kẻ si mê không biết đến chân lý không bằng một ngày trong đời một người đã giác ngộ được chân lý tối thượng.


 *Phần thưởng của tôn giáo vượt hơn mọi phần thưởng khác; cái ngọt ngào của tôn giáo ngọt hơn tất cả những ngọt ngào khác; sự hoan lạc trong tôn giáo trội hơn tất cả những sự hoan lạc khác; sự giải trừ dục vọng khiến vượt qua được mọi đau khổ. Có ít người đã vượt qua được sông và đến bến bên kia. Một số lớn đã đi qua lại trên bờ, nhưng người nào đã qua được sông và kết thúc cuộc hành trình sẽ không đau khổ nữa.


 *Như bông hoa huệ thơm ngát ngọt ngào và tươi mát mọc trên một đống rác, người Phật tử đã giác ngộ chiếu sáng trí tuệ của mình giữa những hạng người cặn bã, những kẻ bước đi trong tăm tối. Hãy sống tươi vui, không thù ghét kẻ thù ghét mình ! Giữa những người thù ghét mình, hãy giải tỏa sự thù ghét ! Hãy sống hạnh phúc, không đau khổ giữa những kẻ đang đau khổ ! Sống an lạc, không tham lam giữa những kẻ tham lam ! Trong những người tham lam, hãy thoát khỏi sự tham lam đó !

 
 *Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, người chiến sĩ sáng chói trong võ phục, kẻ tham thiền sáng ngời trong thiền định, nhưng trên tất cả, sáng ngời nhất, rực rỡ nhất, ngày cũng như đêm, là Phật, là bậc Giác Ngộ, thiêng liêng, đầy đủ phước đức vô lượng.


 *Khi ta đã nhập diệt và không còn giảng pháp và khai ngộ được cho chúng sanh, hãy tuyển chọn trong các đệ tử người nào có căn cơ và kiến thức cao để thuyết pháp tiếp nối. Và hãy cho người ấy khoác áo của Phật, vào nhà của Phật và ngồi tòa Như Lai của Phật.

 Áo của Phật là sự tự chế và nhẫn nại vô biên, nhà của Phật là lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh. Tòa Như Lai của Phật là sự thâm nhập chánh pháp: thấu hiểu được chân lý vĩnh cửu và biết áp dụng lý sự viên dung trong đời sống hàng ngày.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật