HẠNH BỐ THÍ- Diệu Huyền

28 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 35031)



 Hạnh bố thí

 


milk Những năm gần đây thế giới bị xáo trộn với nhiều tai họa, vừa nhân tạo, vừa thiên tạo. Từ biến cố 9 tháng 11  năm 2011 khởi đầu cho những cuộc chiến tranh kế tiếp và nạn khủng bố đe dọa, đến nạn lụt hồng thủy sóng thần Tsunami ở Đông Nam Á, thiên tai bão lụt Katrina tại Louisiana làm cả một thành phố xinh đẹp New Orleans bị phá hủy, những cơn bão lốc (tornedoes)  tàn khốc, và gần đây nhất là thiên tai động đất và sóng thần tsunami khủng khiếp tại Nhật Bản, đã liên tiếp đổ lên đầu nhân loại đang sinh sống trên quả địa cầu này. Thảm họa đến trong phút chốc mang theo đau thương tang tóc cho bao gia đình, đánh động lương tâm mọi người trên thế giới. Hơn bao giờ hết, lòng từ tâm được kêu gọi, lương tri có sẵn trong con người được nhắc nhở để cứu giúp, chia xẻ những nỗi đau khổ với những người đang ở trong hoàn cảnh bất hạnh.



 Đối với các Phật tử, sự cứu giúp này lại càng quan trọng hơn hết, bởi vì đạo Phật bắt nguồn từ nhận thức về sự khổ trong kiếp nhân sinh, và đưa đến mục tiêu là cứu khổ và diệt khổ, như trong lời kinh:


 Chúng con khổ, nguyện xin cứu khổ

 Chúng con khổ, nguyện xin tự độ



 Đó cũng là con đường của Bồ Tát Đạo, tự độ và độ tha. Bồ Tát Đạo có sáu hạnh phải hành trì để đưa đến đạo quả viên mãn, còn gọi là Lục Độ hay Lục Ba La Mật, trong đó Bố Thí đứng hàng đầu, sau đó là Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ. Đó cũng là sáu phương tiện để vượt qua sông phiền não, chuyển từ bờ mê qua bến giác.



 Vì sao Bố Thí được đặt tầm quan trọng lên hàng đầu? Chúng ta sống trong sự liên hệ hỗ tương giữa bản thân và thế giới bên ngoài, trong liên quan nhân quả giữa con người với nhau và với môi trường, vạn vật. Bố Thí là một phương tiện thù thắng có tác dụng hai chiều, đem lại lợi ích cho người cũng như cho mình, bởi vì ngoài tương quan nhân quả tất yếu của “gieo nhân lành, hái quả lành”, thực hành bố thí cũng để chuyển cái độc hại của một tâm tham lam qua sự tươi mát, thanh tịnh của một tâm từ bi hỉ xả, và do đó chuyển hóa từ nghiệp ác qua nghiệp thiện. Bố thí cũng là phương tiện để khai triển tâm Từ bi. Cùng với trí tuệ, tâm Từ bi là một đặc điểm của tâm giác ngộ Bồ Đề, có năng lực nhiệm mầu chuyển hóa những chướng ngại, như giọt nước Cam Lồ nhỏ xuống làm tươi mát, xoa dịu những phiền não của thế gian.



 Bố thí có hai loại: bố thí vật chất, và bố thí pháp. Bố thí vật chất là đem cho những của cải vật chất, hoặc công sức của mình ra giúp cho người, cũng gọi là cúng dường đối với các chùa chiền, tăng ni đại diện cho Tam Bảo. Bố thí vật chất tạo nhân cho phước đức hữu lậu của thế gian, sẽ được hưởng phước báo thế gian, tựa như đem tiền đi đầu tư, bỏ vốn ra thì sẽ được lấy lời, nhưng cái lời ở đây là cái lợi chắc chắn, không có những rủi ro như đầu tư. Tuy nhiên phước báo hữu lậu chỉ tồn tại trong một thời gian, nếu không biết bồi đắp, tạo phước thêm rồi cũng hết. Bố thí pháp là đem chánh pháp của Đức Phật ra quảng bá, sẽ được phước đức vô lậu, tức là phước đức vô hạn, vì đem chân lý của giáo pháp tuyên giảng tức là làm cho người khác cũng được giác ngộ, giải thoát khỏi những đau khổ phiền não, tựa như đem một ngọn đèn châm thành vô số ngọn đèn khác , tất cả đều rực rỡ sáng ngời, làm cho thế giới này thêm đẹp đẽ, an vui.



 Bố thí được hình thành với ba yếu tố chính: người cho, vật cho, và người được cho. Nhưng công đức của bố thí quan trọng nhất không phải do nơi hình thức, mà do tâm của người bố thí mà ra . Nếu tâm nhỏ hẹp thì phước báo nhỏ hẹp, tâm rộng lớn thì phước báo rộng lớn. Bố thí với một tâm suy tính, mưu đồ, kiêu ngạo, cầu danh v.v... thì phước báo ấy không bao nhiêu. Nhưng nếu cho với sự thành tâm, hoan hỉ, với lòng từ bi muốn chia xẻ, muốn giúp người, thì phước báo ấy tăng lên rất nhiều. Lý tưởng nhất là bố thí trong sự vô ngã, vô tướng, tức là bố thí mà trong tâm không có niệm khởi về người cho, vật cho và người được cho. Đó cũng là Bố Thí Ba La Mật của người thực hành Bồ Tát Đạo. Công đức của bố thí ba la mật sẽ đem lại sự an lạc bất tuyệt, còn bố thí với tâm phân biệt đối đãi thì vẫn còn ở trong phiền não. Bởi vì khi còn thấy mình là người ban phát thì dễ trở nên ngã mạn, còn tính toán so đo vật cho thì vẫn chưa xả được tâm tham, và còn thấy có người nhận ơn của mình thì vẫn có cái nhìn phân biệt, bất bình đẳng giữa mình và người.



 Có những khi vật cho không có giá trị vật chất bao nhiêu nhưng đem lại phước báo vô lượng, đó là vì người bố thí cúng dường có một tâm nguyện rộng lớn bao la. Như thời Đức Phật còn tại thế, có một bà lão ăn mày thường hay thấy các bậc vua chúa, trưởng giả cúng dường Đức Phật và chư tăng, bà phát tâm hoan hỉ cũng muốn cúng dường, nhưng quá nghèo nên không có gì để cúng. Sau khi đi ăn xin suốt một ngày, bà chỉ có được một đồng xu nhỏ, bèn đem đi mua dầu. Người bán dầu lắc đầu nói số tiền ít oi như thế làm sao mua nổi dầu, nhưng đến khi nghe bà nói muốn mua dầu để cúng dường Đức Phật, ông bèn cho bà số dầu đó. Thế là bà đem dầu đến thắp ngọn đèn với một tâm nguyện rộng lớn, nguyện với công đức cúng dường này bà sẽ được giác ngộ giải thoát, và sẽ độ cho tất cả chúng sanh cũng được giác ngộ giải thoát. Suốt đêm đó ngọn đèn của bà lão ăn mày thắp sáng, và sáng mãi mãi, trong khi những ngọn đèn khác cạn dầu rồi đều tắt. Đó là vì bà đã cúng dường với một tâm thành kính nhất mực, với hạnh nguyện bao la, nên được phước báo vô lượng là trong một kiếp tương lai bà cũng sẽ được thành Phật, như lời Đức Phật đã thọ ký.



 Bố thí phải đúng lúc, đúng thời thì mới có hiệu quả lớn lao. Trong tục ngữ ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thật vậy trong cơn hoạn nạn, một ngụm nước, một muỗng cơm đôi khi cũng có thể cứu được một mạng sống, ơn phước ấy vô biên biết chừng nào. Xưa kia, khi Đức Phật chỉ còn là một tấm thân tàn thoi thóp tiều tụy, không còn một chút sinh lực nào sau khi trải qua sáu năm hành xác khổ hạnh, một ly sữa cúng dường của người thôn nữ đã cứu mạng sống của ngài, nhờ đó mà cho tới ngày nay chúng ta mới được hưởng đạo giải thoát nhiệm mầu của ngài tuyên giảng. Ly sữa đó quả là đã đem lại công đức vô lượng vậy.



 Sau hết, muốn được phước báo như ý muốn, bố thí còn phải được hồi hướng, đem năng lực của công đức đó dồn vào một lời nguyện cầu, như vậy sẽ tạo nhân duyên cho ước nguyện đó được đơm hoa kết trái.



 Có một câu chuyện thật đẹp đẽ và ý nghĩa có tên là “Ly sữa” được kể lại như sau:


  “Một buổi chiều mờ tối, có một cậu bé lang thang trên đường, đói khát, mệt mỏi và run rẩy trong cái lạnh của mùa đông đang tới. Trong túi chỉ còn có vài đồng xu, cậu không đủ tiền để mua một món ăn gì, nhưng cái đói, cái khát gậm nhấm khiến cậu dường như không chịu đựng nổi nữa. Quá kiệt sức, cậu đánh liều gõ cửa một nhà nọ, định sẽ xin một bữa ăn. Nhưng khi cánh cửa mở, một cô gái đẹp với vẻ mặt hiền dịu xuất hiện, cậu chỉ có đủ can đảm xin một ly nước uống. Sau khi nhìn qua vẻ tiều tụy của cậu bé, cô gái vào trong rồi bưng ra một ly sữa nóng pha chút chocolat. Uống ly sữa nóng vào, cậu cảm thấy tỉnh táo và khỏe hẳn lên. Vốn tự trọng, cậu móc mấy đồng xu trong người, hỏi cô gái: “Cám ơn chị, xin cho em trả tiền ly sữa này.”


 Cô gái dịu dàng nói: “Không sao em, lòng tử tế đâu thể trả bằng tiền được.”



 Tâm hồn cao đẹp của cô gái nọ đã lan tỏa đến tâm cậu bé, khiến cậu xúc động mãnh liệt, bừng lên một ý chí muốn xây dựng tương lai, muốn sống một cuộc đời tốt lành có ý nghĩa.



 Mấy chục năm sau, cậu bé kia đã trở thành một bác sĩ tài ba làm việc trong một bệnh viện nổi tiếng. Một buổi tối nọ, đang trong phiên trực của bác sĩ thì bỗng có một phụ nữ lớn tuổi được đưa tới khám khẩn cấp. Nhìn hồ sơ, thấy địa chỉ của bệnh nhân, bác sĩ bỗng chú ý, đó chính là thành phố nhỏ khi xưa ông đã lớn lên. Như có một linh tính, bác sĩ hồi hộp xem mặt người bệnh nhân, quả nhiên khi thấy bà, ông nhận ra ngay bà là người con gái khi xưa đã có lần cứu giúp ông. Bệnh tình của bà nay rất trầm trọng, phải qua nhiều cuộc giải phẫu, nhiều cuộc thử nghiệm chữa trị rất tốn kém. Bác sĩ hết lòng tận tụy chữa trị cho bà. Rồi một ngày, khi bà đang hồi phục trên giường bệnh, một hóa đơn bệnh viện được đưa tới trên tay. Hồi hộp lo sợ, bà mở hóa đơn ra, số tiền chữa trị quả thật vượt quá khả năng, nhưng phía cuối hóa đơn có một lời chú thích: “tất cả đã được bác sĩ J thanh toán.”


 Ngạc nhiên và xúc động, bà xin gặp bác sĩ J và hỏi nguyên nhân sự tử tế bất ngờ của ông, và được trả lời như sau: “Tấm hóa đơn này đã được trả bằng ly sữa mà năm xưa bà đã cho tôi đó.”



 Câu chuyện này cho thấy, một hành động bố thí , một nghĩa cử tuy thấy như nhỏ nhoi, nhưng có thể có tác dụng thật lớn lao, như một gợn sóng trên mặt hồ sẽ lan tỏa thành nhiều gợn sóng khác khắp nơi, ảnh hưởng đến con người và cả xã hội, thế giới chúng ta đang sống.

 


Diệu Huyền




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật