NÔ TÌ - Ngọc Bảo

25 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 36702)



Nô Tì

Punnika


 

zennun-content

 Qua sáu kiếp trước đây, Punnika lúc nào cũng cảm thấy bất an và đi tìm một lời giải đáp nào đó. Trong sáu kiếp trước đây, cô đã gặp được Pháp, đã quy y thọ giới và sống trong phạm hạnh vẹn toàn. Nhưng mặc dù trải qua sáu kiếp cô vẫn không thể dứt được cỗi rễ vô minh đã ăn sâu trong tâm thức. Đó là bởi vì lòng của Punnika còn đầy cao ngạo. Trong xâu chuỗi nghiệp quả trói buộc chúng ta, không có gì thắt chặt hơn là những nút thắt của lòng kiêu mạn, mà trong đó sự tự cao về tâm linh là kiên cố nhất. Và như thế, Punnika đã phải tái sinh trong một kiếp nô tì, hạng người cùng đinh nhất trong xã hội.


 

Hầu hết những bộ lạc ở Ấn Độ lúc bấy giờ áp dụng chế độ phân chia đẳng cấp; chỉ có một số ít là không làm điều đó. Nhưng tất cả mọi nơi đều có sự phân biệt rất rõ ràng hai hạng người tự do và nô tì. Sudra, giai cấp nô tì, thường chỉ làm những công việc thấp kém nhất như là gia nhân, lao động chân tay, và một số công việc thủ công nghệ. Họ thường có nước da thẫm mầu nhất, là con cháu của một số bộ lạc đã bị dân tộc Aryans xâm lăng và chinh phục. Bởi thế, họ bị coi như là ô uế và không được phép đọc kinh Vệ Đà. Họ làm những thức ăn, dệt vải, canh tác mùa màng, nhưng họ chỉ là những kẻ nô tì bị sở hữu, giống như những đồ vật - là những công cụ, dù đắc lực, nhưng chỉ là công cụ không hơn không kém. Cuộc đời của người sudra thật đen tối, họ chỉ còn một hi vọng duy nhất là cố gắng làm thật chuyên cần những công việc và bổn phận được giao phó, để sau này có thể được tái sinh trong một kiếp khá hơn.

 


 Punnika đã sinh ra trong kiếp nô tì ở thành Savatthi, là đứa trẻ thứ một trăm được sinh ra trong gia trang của trưởng giả Cấp Cô Độc. Bổn phận của cô là đi gánh nước từ sông về nhà, một công việc cô rất ghét, chỉ vì đó là bổn phận phải làm. Nếu ngoan ngoãn, cô cũng được đối xử tử tế, nhưng cô hoàn toàn không có sự lựa chọn nào khác – không có quyền lựa chọn đôi khi lại còn tệ hơn là bị đánh đập nữa. Cô là vật sở hữu của trưởng giả Cấp Cô Độc, ông có quyền cho người khác mượn cô, hoặc bán cô đi, và có thể xử phạt cô theo bất cứ cách gì ông muốn. Là đệ tử thuần thành của Phật, Cấp Cô Độc đã không làm vậy, nhưng ông có thể làm bất cứ lúc nào, và đó là điều Punnika ghét nhất. Cô thẳng người vươn cao, từ chối không chịu cúi thấp hơn mức độ cần thiết. Ngay cả những lúc trông có vẻ như hoàn toàn lễ phép và phục tùng, Punnika vẫn cho người khác có cảm tưởng như cô đang gượng ép vậy thôi. Dưới con mắt thế gian, cô chẳng có gì đáng được coi trọng, nên bên trong, cô đã âm thầm nỗ lực tập trung, hàm dưỡng những khnăng sẵn , hi vọng một ngày nào đó sẽ chứng tỏ cho người khác thấy được giá trị của mình.

 


Gánh nước là một việc làm tốn nhiều công sức; có thể dễ mà cũng có thể khó. Dọc bờ sông có những con thú hoang - ở trên bờ, có những con mèo rừng đi bắt cá và những con lợn rừng, và ở dưới nước có những con trâu, con cá sấu lởn vởn đâu đó. Mùa hè nắng chói lòa làm mờ ảo ngọn núi Punnika đang hướng đến, và mùa mưa đất bùn từ sườn núi lở xuống đóng đầy lối đi. Giòng sông cũng thay đổi như mưa nắng thất thường, đôi khi chỉ qua một đêm cũng có thể tràn dâng, cuốn trôi nhiều làng mạc trong phút chốc. Dù trong mùa mưa, trời vẫn nóng hầm hập ngay cả sau cơn mưa vào buổi chiều, và lúc đó những đường phố, cánh đồng đều ngập lụt, lầy lội lối đi. Ánh sáng mờ đục tỏa chiếu trên mặt đất nóng loang loáng những giọt mưa – hơi nóng đó làm cơ thể trở nên bần thần, uể oải.


 

Nhưng nếu mùa mưa không đến, nạn hạn hán và nạn đói sẽ đến. Lúc đó khi gánh nước sẽ phải đi bộ qua một đoạn đường dài, khát khô cổ, và giòng nước cạn sẽ đục, đôi khi còn bị ô nhiễm nữa. Nên nói cho cùng, mùa mưa vẫn tốt hơn.


 

Một ngày nóng hừng hực, Punnika đang luẩn quẩn bên bờ sông, chưa muốn vội về nhà với gánh nước đầy, chợt thấy có một đám đông. Ở giữa đám đông đó là một người có dáng dấp siêu phàm, không ai khác hơn là Tất Đạt Đa, hay Đức Phật, đấng Thế Tôn. Ngài đang nói chuyện, và giọng nói rõ ràng, âm vang của ngài bỗng đánh động vào tâm thức của cô gái nô tì. Lời nói của Đức Phật có sức truyền cảm, mãnh liệt như tiếng sư tử hống, vang rền như tiếng chuông đồng, khiến toàn thân cô rúng động –tâm thức cô chợt biến chuyển mạnh, như bị cuốn hút, tan đi vào âm thanh sư tử hống đó.


 

Chúng ta thường nghĩ, đau khổ là một điều bất hạnh. Nhưng đôi khi (và có lẽ nhiều khi) những đau khổ đến trong đời chúng ta lại là một yếu tố đưa đến sự giải thoát. Kiếp nô tì đã chèn ép Punnika như một cái kén rút lại, khiến không còn có chỗ nào để xoay sở nữa. Cô không thể tự ý làm bất cứ điều gì, không thể đòi hỏi gì cả, cũng không thể trở thành một con người nào khác. Nhưng khi có cơ duyên nghe pháp âm của Phật mãnh liệt như tiếng sư tử hống, cô đã thức tỉnh cơn mê, chợt nhận ra rằng từ đó tới giờ cô đã sống trong một thế giới giả tạo tự thêu dệt lên trong tâm. Từ đó tới nay, Punnika đã tin theo những thành kiến đặt để lên suốt cuộc đời mình, tin vào sự phân biệt giữa con người với con người, sự xếp hạng con người vào những hạng cao, hạng thấp, hạng quý, hạng hèn, hạng tốt, hạng xấu. Những thành kiến đó khiến cô luôn sống trong mặc cảm, vừa tự ty vừa tự tôn. Trong sự bất mãn với thân phận, cô đã phản ứng bằng sự cao ngạo, muốn tách rời mình khỏi những bổn phận được giao phó. Đó là sự lầm lẫn, vì làm như vậy đã vô hình trung khiến cô trở thành nô lệ thêm cho ý tưởng của mình. Diệu âm của Phật đã khiến cô nhận ra rằng, tất cả những gì trước mắt đều chỉ là giả tạm, huyễn ảo. Dù sinh ra làm kẻ nô tì, hay làm một hoàng hậu vương giả, con người vẫn chỉ là con người, với bản chất Không, Vô Thường, Vô Ngã như nhau. Sự nhận diện được tính chất vô thường, huyễn ảo ấy nơi chính mình đã giải thoát cô khỏi ngục tù của những định kiến sai lầm, khai phóng cái nhìn về cuộc sống, từ đó thấy rằng, vạn pháp trong muôn mặt chỉ là thế đó, là Như Thị. Sinh ra, lớn lên rồi già chết, đòi sống chlà một sự luân chuyển không ngừng của những hiện tượng sanh diệt nối tiếp, không có một thực thể nào cố định, tồn tại mãi mãi. Cái nhìn hai mặt về đời sống ấy là cái nhìn Như Thị. Làm những việc thường ngày, tiếp xúc, ăn ngủ, đi lại , v.v… tất cả chỉ là Như Thị. Biết như vậy sẽ tự lìa ra được những vọng tưởng chao đảo, những cảm xúc âu lo, yêu ghét, vui buồn bủa vây trong tâm. Và như thế, dù ở trong thân phận của một kẻ nô tì, cô cũng có được sự tự do như khí trời, trong tất cả mọi hành động đi đứng, nằm ngồi, gánh nước chẻ củi v.v… đều ung dung tự tại.


 

Không bao lâu sau đó, cô lại đi gánh nước bên bờ sông. Khi tâm đã mở, gánh nước trở thành giản dị, chỉ là một công việc để làm, không hơn không kém. Cô đã có được sự bình an trong tâm. Khi đến nơi, cô thấy có một vị đạo sĩ bà la môn đang làm những thủ tục hành lễ tắm sông. Đột nhiên, trong tâm cô hiện lên âm vang của tiếng sư tử hống. Cô nói:

 

Tôi đi gánh nước bởi vì đó là bổn phận tôi phải làm. Trời mưa, trời lạnh hay nóng, tôi vẫn phải đi, dù sợ hãi những con thú rừng, những luồng nước chẩy xiết. Tôi sợ bị trừng phạt, nếu phạm một lỗi lầm gì đó. Còn ông, ông sợ gì? Tại sao ông phải hành lễ tắm sông?”

 

“Cô biết đấy, đó là những luật lệ nghi thức phải làm. Tôi tắm để rửa sạch những cấu uế của ác nghiệp”. Ông ta trả lời.

 

“Ai nói với ông làm điều đó sẽ được như vậy?” Cô hỏi vặn lại, quên rằng mình đang nói chuyện với một người thuộc giai cấp cao quý nhất, với thái độ bình đẳng như một người bạn, không có một mặc cảm tự tôn hay tự ty nào.

 

“Nếu điều đó đúng thật, tất cả những con rùa, con ếch ở sông này sẽ đi lên cõi trời hết. Rồi những con cá sấu, những tên đồ tể, sát nhân, những người đánh cá, kẻ trộm cắp và những đao phủ thủ cũng chỉ cần đến đây tắm là sạch mọi tội lỗi. Vả lại, nếu nước sông có thể rửa sạch đi những tội nghiệp, thì cũng có thể làm trôi đi những công đức tồn đọng chứ?”

 


Những lời nói đó, đột nhiên đã thức tỉnh người đạo sĩ Bà la Môn. Thực ra, không phải chdo nơi lời nói, mà còn do nơi phong cách của Punnika, với trí tuệ, sức mạnh hàm chứa trong lời nói như tiếng sư tử, sự lạ thường của một kẻ nô tì dám nói chuyện với một giai cấp cao quý với sự bình thản, tự tin, đã đánh động vào tâm ông. Cùng với sự rộng mở nơi tâm là sự khiêm cung của một con người đã nhìn thấy sự thật. Ông tỏ lộ sự biết ơn, bằng cách trao tặng cho cô gái chiếc áo của mình.

 

“Không, ông giữ lấy áo ấy đi. “ Cô nói, biết rằng đây không phải là áo cho một kẻ nô tì, và dù sao, cô cũng là một kẻ nô tì. “Tôi không muốn áo ấy. Nhưng tôi chỉ muốn nói với ông rằng, nếu ông sợ sự đau khổ, hãy đừng làm những gì gây đau khổ. Đừng làm những điều tổn hại đến người khác, hay cho chính mình. Vì sao điều ấy lại khó làm thế nhỉ? “ Cô ngừng lại, suy nghĩ. “Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng mọi sự nó là như vậy. Sao ông không đến thọ giáo với vị đạo sư mới đến trong thành phố này?”

 

“Tôi sẽ đến đó.” Ông ta thì thầm nói. “Những lời nói của cô đã rửa sạch tâm tôi ngày hôm nay.”

 


Chủ nhân của Punnika, trưởng giả Cấp Cô Độc, là người rất ngưỡng mộ Đức Phật, nên ông đã cúng dường cả một khu rừng cho ngài làm tịnh thất, sau này được gọi là vườn Kỳ Viên. Khi ông nghe kể lại về những đối thoại giữa vị đạo sĩ bà la môn với một nữ nô tì của ông – và câu chuyện này được loan truyền rất nhanh chóng, từ chính miệng vị đạo sĩ – ông đã có ấn tượng rất sâu đậm. Kể từ đó, ông để ý theo dõi Punnika trong những công việc làm hàng ngày, như đi ra sông gánh nước về nhà v.v..

 


Lòng cao ngạo của Punnika đã dứt tuyệt, thay vào đó là sự khiêm cung vô bờ. Thật lạ thay, khi chúng ta không còn sợ hãi, không còn có gì để cố chống đỡ, bảo vệ, chúng ta sẽ thật sự trở thành những con người khiêm cung. Lần sau, khi có dịp gặp lại Đức Phật, Punnika đã không ngần ngại đến gần ngài, hai gánh nước lủng lẳng trên đôi vai gầy, quỳ xuống xin ngài cho thọ giới quy y. Cô biết, đây là điều xa quá tầm tay. Ai cho phép một kẻ nô tì được làm một tăng sĩ học đạo? Thế nhưng cô vẫn cứ phải xin. Đây là lúc cô phải nói ra sự thật trong lòng, dù có phải chịu hậu quả thế nào chăng nữa.


 

Đức Phật mỉm cười - và cô đã ra đi, không nói một lời, chỉ ôm trong tâm niềm vui của một nụ cười.


 

Đức Phật sau đó đã cử một vị tăng đến tìm hiểu hoàn cảnh của Punnika. Khi vị tăng đến kể cho Cấp Cô Độc biết lời thỉnh cầu của cô, tâm ông cũng đột nhiên trở nên rộng mở, khiêm cung. Ngay lập tức, không nói một lời, ông trả tự do cho Punnika , và cùng lúc đó nhận cô làm con gái nuôi. Sau đó, ông cho phép cô được học tập giáo pháp.


 

Trong sự biết ơn và khiêm cung tận cùng, Punnika đã khóc nức nở, hai tay chắp lại với nhau. Và từ đó cô đã bắt đầu sự tu tập, không phải để chứng tỏ giá trị của mình cho ai, không vì sự cao ngạo hay sợ hãi, mà để dâng hiến đời mình, với từng bước đi, cho sự giải thoát của chính bản thân và tất cả pháp giới chúng sanh. Cô đã đạt được quả vị A La Hán không bao lâu sau, và trong từng giây phút, trong chánh niệm và sự tỉnh thức, cô thường quán đến sự vô tướng trong mọi tướng, với tâm bình đẳng, không phân biệt giữa những kẻ nô tì và chư Phật.


(Trích từ Danh Ni Truyện / Ngọc Bảo)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật