NGỌN ĐÈN NƠI TĂM TỐI - Duyên Khởi

30 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 33146)



Ngọn đèn nơi tăm tối

 

auras_light-content



Lời nói đầu



Những điều muốn nói, Thế Tôn và các vị Tổ đã tường tận nói hết rồi, đâu cần bần tăng lại ở đây lải nhải thêm nữa. Nếu còn tự nói thêm nữa, chẳng qua cũng là những thứ cặn bã của các vị Tổ mà thôi. Nhưng sau khi suy xét kỹ càng, nếu cứ chấp chẳng cần nói nữa, thì số nhiều chúng sanh đang chịu khổ não kia rất khó có cơ hội tự mình thâm nhập lãnh hội cái diệu lý trong tam tạng thập nhị bộ kinh mà giác ngộ được. Không thể giác ngộ thì chẳng được thoát khổ. Hơn nữa chúng sanh nghiệp sâu chướng nặng, phước bạc vô duyên rất khó giáo hóa. Đúng là thấy thì thương, giúp chẳng được, nhưng đâu đành nhẫn tâm khoanh tay làm ngơ được, xét thấy như vậy, bần tăng chỉ biết tận hết sức cái bổn phận nhỏ nhoi này, thương mình thương người mà đem hết những điều tâm đắc trong tu hành, gom hết toàn bộ Phật lý liễu nghĩa, thậm thâm vi diệu, khó hiểu khó học kia, để cô đọng rút tỉa soạn thành vài trang tinh hoa nhất dễ hiểu dễ đọc, thành khẩn cúng dường tất cả chúng sanh cùng kết duyên Phật, nhằm để quý vị sau khi xem xong, từ chỗ cao thâm, bao la mênh mông của Phật giáo, ngay đó có khả năng nắm vững được cái căn bản cốt tủy nhất của đạo Phật, nhân đó có thể khiến cho tăng trưởng thêm lòng tin chánh tín, phát tâm đại hoan hỷ, noi theo dấu chân Phật, liễu thoát sanh tử, tự do tự tại.

 


Soạn giả: Duyên Khởi


Dịch giả: Huệ Chiếu


(Soạn và dịch tại Saigon)


Phật lịch: 2539

Tây lịch: 1995

 


 

I- CHO CÁC VỊ ĐANG NGHIÊN CỨU HAY CÒN ĐANG HOÀI NGHI VỀ PHẬT GIÁO

 


Thưa các vị Thiện Tri Thức!



Phật giáo không hình thành bằng con đường huyền thoại huyền bí, càng chẳng phải là liều thuốc an thần làm êm dịu thần kinh trong lúc đau khổ, mà chính là Chân Lý triệt để giải quyết vấn đề: Nhân sinh và Vũ trụ, cũng là một môn học thực dụng nhất để giao tiếp xử thế hàng ngày trong xã hội. Vả lại, Phật giáo đối với sáu yếu tố (quyền uy, truyền thống, nghi thức, suy luận, thần trị và huyền bí) chủ yếu của các tôn giáo khác thật sự hoàn toàn chẳng có chút dính dáng nào cả. Cho nên có thể nói rằng Phật giáo chẳng thuộc về tôn giáo, mà là pháp môn giải thoát thuần lý nhất, nhưng vì lòng từ bi muốn rộng độ chúng sanh, nên cũng tuỳ duyên cho xếp chung vào một trong các tôn giáo.



Trung tâm cốt tủy của Phật giáo là: Giác ngộ, Chánh tín (tin tự tâm là Phật, phá chấp thật, và tin tất cả là duy tâm tạo), nhưng người đời thường phỉ báng cho rằng Phật giáo là chuyên cúng cốt tượng, mê tín dị đoan, tiêu cực chán đời v.v… Chẳng qua những người ấy phước bạc, chẳng đủ duyên lành thâm nhập thể hội được bản thể của đạo Phật – (Chư pháp không tịch), chỉ dựa vào cái thấy nghe trước những cảnh cúng vái, cầu siêu, cầu phước, hoặc những hành vi ngoại đạo mà vội cho rằng là Phật giáo. Thương xót thay cho những vị ấy đã tạo vô lượng khẩu nghiệp mà chẳng hay, họ chẳng ngờ những cái thấy cái nghe đó chẳng phải là chân tướng của đạo Phật, dù rằng ở một khía cạnh nào đó có lúc ngẫu nhiên thấy có những điểm có chút ít giống như Phật giáo, nhưng thật ra đó chỉ là lớp da phía ngoài của Phật giáo, hoặc là pháp bất liễu nghĩa (chưa rốt ráo) dùng phương tiện tạm thời để độ những chúng sanh còn quá si mê mà thôi. Tuyệt chẳng phải là trung tâm cốt tủy của đạo Phật, oan thay!



Chỗ rốt ráo cùng cực của đạo Phật, là như người uống nước nóng lạnh tự biết, chẳng phải do nghiên cứu mà được, phải từ tham cứu mới thâm nhập được. Nghiên cứu là hướng ra ngoài tìm cầu, như người xuống biển đếm cát, chẳng thể nên việc được. Tham cứu là hướng vào nội tâm chiếu soi, triệt ngộ bản tâm là Phật, tức minh tâm kiến tánh. Muốn hiểu tường tận pháp môn này, xin hãy tìm thầy học đạo. Chớ nên tự mình sáng chế tự tu theo ý mình, tưởng là đúng nhưng thật chẳng phải, rất dễ sai lầm rơi vào cảnh giới ma mà mình chẳng thể tự hay biết được, cho nên sai một ly mà đi xa ngàn dặm là vậy.



Nếu là Phật tử chánh tín hoặc là bậc trí, tất nhiên thừa khả năng sáng suốt, phân biệt tà chánh, quyết định pháp môn tu hành, tuyệt nhiên chẳng thể quá đỗi ngu si đắm say trong ngũ dục, uổng chịu luân hồi, mà nên khiêm tốn thành khẩn phát đại nguyện tìm cầu Vô Thượng Đại Pháp (tham cứu Tổ sư Thiền) để giải thoát cái bệnh lớn sanh tử ở trong cõi mộng này từ vô thủy đến nay, triệt ngộ được mặt mũi bản lai của chư Phật, chân như tuyệt đối, bất sanh bất diệt, vĩnh viễn tự do tự tại.

 



II - CỐT TỦY CỦA PHẬT GIÁO



Không tướng



Phật giáo là lấy giác ngộ làm gốc. Giác ngộ cũng tức là: Không tướng, Thật tướng, Bát Nhã, Vô sanh, Tự tánh, Niết Bàn, Tuyệt đối v.v..



Vô số những giả danh ấy là để dùng biểu hiện cái bản thể của đạo Phật. Tánh không là vô tướng, lìa tư tưởng, ngôn ngữ, văn tự, chẳng thể lấy giáo lý lập nên, cho nên không thể dùng một danh từ nào mà định được tên cả, chỉ là tùy theo hoàn cảnh mà tạm thời đặt tên cho thích hợp, tuyệt đối chẳng giống các tôn giáo khác. Thí dụ như: Tánh không là không có sinh tử, cho nên gọi là Niết Bàn (bất sanh bất diệt), Tánh không là không đến không đi (vô lai vô khứ) cho nên gọi là Như Lai, như thế tùy theo loại mà đặt tên thôi. Cho nên, có người hỏi: “Đạo Phật cứu cánh là gì?” Tôi chỉ trả lời cho các vị ấy rằng: “Đạo Phật chẳng phải là cái gì, nhưng lại cái gì cũng đều phải. Cái diệu dụng của nó là như người uống nước nóng lạnh tự biết, chẳng thể nói! Chẳng thể nói!” Giả sử có cái tên thật để đặt, thế là đạo Phật thành ra có chỗ trụ rồi, đối với ngoại đạo chẳng khác rồi. Cho nên, Thế Tôn bốn mươi chín năm đã thuyết pháp hơn ba trăm hội, cũng chẳng qua là giả lập và phương tiện độ chúng sanh mà thôi! Thật chẳng có một pháp để đắc để lập, tất cả đều vô danh mà miễn cưỡng đặt danh. Xem thế thì biết rằng: “Phật giáo thật ra chẳng thuộc về tôn giáo nào cả” câu này rất đúng vậy, cho nên tam cú nghĩa của Kinh Kim Cang, Phật vừa thuyết vừa quét ngay, toàn là từ bi hiển bầy nghĩa vô trụ, tức chẳng trệ (nghẽn) nơi pháp, cũng là cái giả danh của Phật tánh. Lục Tổ dạy: “-Đạo cần thông lưu, sao lại để nghẽn; tâm chẳng trụ pháp, đạo tức thông lưu, tâm nếu trụ pháp là tự trói buộc.”



Cái “Không” của đạo Phật tuyệt chẳng giống cái ngoan không, tử không của ngoại đạo, mà là nhân có cái không mới hiển ra cái dụng. Nói một cách cụ thể nhất là: - Hư không nhờ có cái không thì mới dung nạp được tất cả các tinh cầu, căn nhà nhờ có cái không chúng ta mới có thể ở được. Nói theo trừu tượng, tâm của chúng ta cũng phải nhờ có cái không mới có thể hiện ra Phật huệ vốn sẵn có của mình (khởi chánh nghi, tự động quét sạch tất cả phiền não của bộ óc thì là cái không của tâm).



 Cho nên Phật giáo giác ngộ “tánh Không” mục đích là hiển bầy ra cái diệu dụng không gì so sánh được, nhưng người đời chẳng rõ được lý này, rất sợ tâm không, cho rằng tâm không thì không còn có cái gì nữa. Vì vậy suốt ngày khởi tà kiến, tham vét lợi dưỡng, chạy theo bàng môn tà đạo, tự đào huyệt chôn mình, tự tìm đường chết.



Cái trọng tâm chuyên đề này là giảng giải “Tánh Không”, chủ yếu nhằm hiển bầy ra cái cốt lũy của Phật giáo, còn chi tiết liên quan đến cách thức hạ thủ công phu tham thiền, để sau này nói tường tận hơn, xin thứ cho chẳng dám lải nhải ở đây nữa.



*KẾT LUẬN:



Phật tánh chẳng thể nói được, nhưng mượn cái mặt trăng thứ hai để dẫn dụ, miễn cưỡng phân tách ra phần nào thôi, nên biết tất cả chúng sanh vốn đều đầy đủ Phật tánh này, là bình đẳng vĩ đại đến dường nào, bất khả tư nghì, diệu dụng vô cùng tận. Đã biết nguyên do như vậy rồi, các vị chớ nên hướng ngoại tìm cầu, tự tìm khổ nếm. Nên dũng mãnh hướng ngay: “Nhân tận kỳ tài, vật tận kỳ dụng” (người thì nên tận dụng hết tài năng của mình, vật thì nên tận dụng hết công dụng của nó), cái lý luận thực tế này, đào bới ra cái gia bảo vốn sẵn có của mình (hạt châu như ý), tuỳ ý xử dụng, mới là người Phật tử chánh tín.

 



III - ĐỊNH NGHĨA VÀ SO SÁNH GIỮA TƯƠNG ĐỐI VÀ TUYỆT ĐỐI



 Trang Phật lý văn cạn nghĩa thâm sâu này là một pháp bảo tinh hoa, đã được cô đọng rút tỉa từ “Đại Thừa Tuyệt Đối Luận” của Tổ Nguyệt Khê mà soạn thành. Nó có khả năng giúp quý hành giả sau khi xem xong dễ dàng nắm bắt được trung tâm cốt tủy toàn bộ giáo lý Phật Pháp (trong tuyệt đối không dung chứa tơ hào thành phần mê tín nào cả), được vậy mới đủ lòng tin mà an nhiên hạ thủ công phu tham thiền. Nó lại còn có khả năng giúp hành giả tránh được bệnh thường hay mắc phải “năm đầu tham (thiền) ít, năm nhì tham (thiền) nhiều, năm ba không tham (thiền)”.



 “Tương đối” là Pháp hữu vi, Pháp thế gian – pháp sanh diệt, đều do tâm mà tạo ra. Do tác dụng của kiến, văn, giác, tri (thấy, nghe, biết) của bộ óc phàm phu đối đãi hỗ tương qua lại mà đặt ra những tên như: có với không, trời với đất, Phật với ma, nam với nữ, yêu với ghét, giầu với nghèo v.v… Những đối đãi hai bên này thuộc lãnh vực của chúng sanh trong lục đạo luân hồi. “Tương đối” vốn không có, do sự so sánh mà có, vì dựa vào một cái gì đó mà có, biến hóa không thật, xuất từ vọng tâm suy lường, ở trong phạm vi của thời gian không gian, theo thời gian mà biến đổi, có thể dùng ngôn ngữ, văn tự giảng giải được. Cho nên “Tương Đối” là do các duyên hòa hợp, tuy có mà không thật. Là việc trong chiêm bao, không thể nắm bắt mà tất cả chúng sanh lại khăng khăng một mực mê muội yêu thích, cho nên cổ đức quở rằng:


 Kẻ học đạo không nhận được sự thật

 Chỉ vì lâu nay nhận thức thần (tư tưởng)

 Vô thủy kiếp qua gốc sinh tử

 Kẻ si nhận là bổn lai nhân

 


 “Tuyệt Đối” là Pháp vô vi, Pháp xuất thế gian (Phật Pháp), pháp bất sanh bất diệt và hoàn toàn không dính dáng đến cái thấy, nghe, biết của bộ óc phàm phu và lục đạo luân hồi. “Tuyệt Đối” là lìa tư tưởng, ngôn ngữ văn tự, vượt thời gian không gian, vạn cổ mà vẫn mới, cùng chư Phật đồng một thể, không hai cũng chẳng phải một, là việc ngoài chiêm bao. 



 Nhưng lời diễn tả cái “Tuyệt Đối” ở trên là cái tuyệt đối của tương đối, chỉ là miễn cưỡng mà nói thôi. Còn cái thật sự “Tuyệt Đối” thì chẳng thể nói được, cho nên Chư Phật Chư Tổ sau khi giác ngộ chỉ nói “Ồ” lên một tiếng mà thôi! Nhưng về sau này tâm của các vị thì đã liễu liễu thường tri (thường biết rõ tất cả). Cho nên chỗ cùng cực rốt ráo của Phật giáo là: “như người uống nước, nóng lạnh tự biết” thật chẳng có chân lý mà kiến lập.


 Qua đoạn phân tích trên, thiết nghĩ các hành giả tất được lãnh hội. Pháp tham thiền là một đại pháp từ chỗ tư tưởng “Tương Đối” đề thoại đầu khởi nghi tình (nghi tình là nhân “Tuyệt Đối” không lọt vào hai bên), trực tiếp ngộ nhập cảnh giới “Tuyệt Đối” tức là giác ngộ. Lúc ấy như người trong chiêm bao chợt tỉnh dậy, cắt đứt mạng căn, vĩnh viễn tự do tự tại.



KẾT LUẬN:


 

 Khi mê mới có “tương đối” và “tuyệt đối” để phân biệt, lúc ngộ rồi thì đều là bình đẳng không hai. Rời bỏ “tương đối” quyết chẳng thể tìm được “tuyệt đối”, lại như rời bỏ tướng bệnh chẳng thể tìm được tướng mạnh khỏe. “Tương Đối” là dụng của “Tuyệt Đối”, “Tuyệt Đối” là thể của “Tương Đối”. Thể và dụng là không hai. Cho nên Thiền tông là mẹ công đức giúp chúng sanh trực tiếp “Phản bổn quy nguyên”, cũng là cái nôi của chư Phật ba đời.


 Nguyện mong quý hành giả trân trọng! Chớ nên phụ lòng từ bi vĩ đại của Đức Thế Tôn.



 

IV - BỘ MẶT THẬT CỦA PHIỀN NÃO



 “Phiền não” vốn chẳng là cái gì cả, đối với bản thân chúng ta lại chẳng có quan hệ chút nào cả, chỉ là một tên gọi phóng đại cho một thể tinh thần, trừu tượng, hư huyễn không thật. Do nhận thức sai lầm, cái kỷ kiến ngã chấp (chấp cái ngã huyễn hóa trong mộng này cho mình là thật) của chúng sanh mà có. Ngã chấp nặng tức phiền não nhiều, ngã chấp nhẹ tức phiền não ít, phá tận ngã chấp tức phiền não hoàn toàn phá sản, giống như “Hoa đốm trong hư không” bởi do dụi mắt mà thấy có, nếu ngưng dụi mắt thì chẳng thấy, cho nên cái thấy ấy chẳng phải thật, cũng giống như do cảm giác sai lầm mà thấy có phiền não vậy! Cái “Phiền não” này lại cũng chẳng phải thật có, giả sử bạn cứ một mực nói rằng: “Tôi có nhiều phiền não lắm!” thì xin bạn hãy thử chỉ ra cái “Phiền não” ấy ở đâu? khởi lên và chấm dứt từ lúc nào? Nếu bạn nói: “Không biết!” Thế thì chứng tỏ cái “phiền não” ấy không phải là của bạn rồi! Đã chẳng phải của mình mà lại suốt ngày cứ than khổ, vậy chẳng phải là kẻ ngu si hay sao? Cho nên những hạng người nhân vì “phiền não” mà điên cuồng hoặc tự sát là hoàn toàn do tâm họ chấp quá nặng (chấp thật), bởi vậy nên kết quả tự rước lấy cái thảm kịch như thế.



 Vi trần (bụi) đầy khắp hư không, nhưng vi trần chẳng thể nhiễm được hư không. “Phiền não” lại cũng như vậy. Tuy chúng ta mỗi giây phút đều phải ở trong “biển phiền não” mà sinh sống, nhưng nước “phiền não” tuyệt đối chẳng thể nào nhiễm được “Biển giác” (Thường trụ chân tâm) của chúng ta.



 Thật ra “phiền não” là do tâm tạo ra, là việc trong chiêm bao. Hoàn toàn đều là sản phẩm của bộ óc, khởi tâm động niệm, vui buồn mừng giận, kiến văn giác tri (cái thấy nghe biết) đều là dấu vết của “phiền não”, bởi vì lưới phạm vi của nó quá bao la, rộng lớn mà lại xít xao, vì vậy chúng sanh nào ngu si quen thói chấp thật khó có thể thoát được mạng lưới của nó, quyền sanh tử của mình thẩy đều vĩnh viễn do nó làm chủ. Chẳng bao giờ có được an vui. Vì sao? Chẳng hạn như tôi muốn bạn nóng giận, chỉ cần hủy báng bạn một câu, tức thì lửa sân hận của bạn bùng lên ngất trời. Muốn khiến bạn vui mừng, chỉ cần tán thưởng bạn vài lời, tức thì bạn tươi tắn mừng rỡ. Đấy chỉ là việc cỏn con lúc còn đang sống, mà chẳng thể tự mình làm chủ được, có khác chi con múa rối, huống hồ lúc lâm chung trăm khổ bức bách, ác cảnh hiện tiền, làm chủ thế nào được trước cửa ải lớn lao của sự sanh tử trọng đại này. Đấy là do chúng sanh ngu si chẳng rõ luật nhân quả, chẳng tin được “phiền não” là do tâm tạo ra, cứ khăng khăng một mực chấp trước là thật có, nên tạo ra rất nhiều hành vi ngu si như: ích kỷ, cố chấp, chủ quan nặng, tham sắc, lửa vô minh nóng nẩy, thích thị phi (phải quấy), ham phê bình, tâm khinh người, oán giận, cống cao ngã mạn, đấu tranh và tranh luận v.v… của tệ bệnh “phiền não” mà lại cho rằng rất tốt, có ngờ đâu rằng tất cả đều do những thứ ác duyên trên gây nên mà còn chẳng thể tự biết, lại uổng chịu sự dầy xéo ác hại của nó mà chẳng hay biết chút nào cả!



 “Phiền não” đã là không thật, cho nên tu hành chẳng có “phiền não” thật để diệt. Chỉ nên y theo bí quyết Như Lai: - Tham cứu Tổ sư Thiền (phá ngã chấp). Nghi tình bùng nổ, minh tâm kiến tánh, như ở trong mộng chợt tỉnh, vô thủy vô minh phiền não trong sát na chuyển thành Bồ Đề. (Nếu phiền não là thật thì làm sao chuyển thành Bồ Đề được). Dẫu rằng cơ duyên của hành giả còn chưa thuần thục (chín mùi), nếu thật có tham thiền, công phu đắc lực, cũng có thể hiển lộ được chút ít cái thọ dụng của tự tánh, mà chẳng cảm thấy có “phiền não” ở đâu cả.



 Diệu thay! Cho nên chánh pháp chẳng cần diệt trừ phiền não mà phiền não tự tiêu diệt. Nếu chấp thật có “phiền não” để diệt là phương pháp tu hành của hàng nhị thừa và của các ngoại đạo, đúng là “dùng đá đè cỏ” , hành như vậy chẳng phải là cứu cánh, chúng ta chẳng nên học như thế!



 Tại sao trên nói rằng: - “Thật chẳng có phiền não để diệt”, cái lý này là căn cứ theo pháp môn Bất Nhị (Tuyệt đối) mà nói: “Phiền não tức Bồ Đề, khổ hải tức giác hải” ấy vậy! Chúng sanh sở dĩ có sanh tử là đều do tâm phân biệt nhân ngã chưa đoạn dứt được, cố chấp có “Phiền não” để diệt, có Bồ Đề để chứng, ấy chỉ là pháp nhị, tức là pháp sanh diệt. Phật pháp là pháp bất nhị, cho nên vô sanh vô tử. Vì thế tu pháp môn giải thoát là không chán ghét “Phiền Não”, cũng không ưa thích “Bồ Đề”. Chỉ cần trong chiêm bao chợt tỉnh, giác ngộ là hoàn toàn xong việc. Cho nên cổ đức dạy:


 Sanh tử Niết Bàn vốn bình đẳng

 Chỗ tận phiền não tức bồ đề

 Tuyệt hậu tái tô (triệt ngộ) không một vật

 Rõ thấu chẳng dính dáng tử sinh

 


 Bài kệ này hiển bầy rất rõ ràng tự tánh bất nhị rất là triệt để và cứu cánh vậy!



 Quan đoạn thiển luận trên, mong rằng các vị thiện tri thức xem xong được chút tỉnh giác, chớ có ngu si lại bị giặc “Phiền Não” nó lừa gạt mãi mãi mà uổng chịu cái họa đau khổ sinh tử. Thật chẳng đáng chút nào!



KẾT LUẬN:



 “Phiền não” là do ngã chấp mà sanh ra. Ngã chấp là hành vi của ngu si, nên Phật dạy: “Cái trầm luân sinh tử” của chúng sanh là bệnh ngu si, bệnh này quyết chỉ có dùng thuốc “Trí Bát Nhã” mới có khả năng trị được mà thôi!



 Mạng người vô thường, ngắn ngủi mong manh, hôm nay tuy tồn tại, ngày mai khó giữ được, nên trân trọng thân người khó được, chẳng nên buông trôi qua ngày, thời gian rất quý báu. Phải tin tự tâm (tin tâm mình vốn là Phật), chỉ có một đường kiên nhẫn quyết chí hướng thượng (tu pháp giải thoát). Quyết phải từ biển “Phiền Não” qua biển “Giác Hải”. Là Phật ta dạy. Là chân thật báo ân Phật.

 



V- NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO – PHÁP NHÂN QUẢ

 


Kinh Hoa Nghiêm nói:


 Nhược nhân dục liễu tri

 Tam thế nhất thiết Phật

 Ưng quán pháp giới tánh

 Nhất thiết duy tâm tạo

 


 Cái vũ trụ không bờ không mé bao la này, nhân loại đang còn không ngừng nghiên cứu về sự bí ẩn của nó, đến nay vẫn còn chưa phát hiện được nguồn gốc chính xác, chỉ tạm thời gắn cho nó là “Luật tự nhiên”. Thực ra Đức Thế Tôn ba ngàn năm trước dưới cội Bồ Đề tham thiền đã chứng ngộ “Vạn pháp vô sanh”, tức nhất thiết do tâm tạo (tất cả đều do tâm tạo), chẳng phải “tự nhiên”. Cho nên bài kệ trí tuệ vô thượng trên đã triệt để hiển bầy ra cái bản thể của vũ trụ là “Vô sanh”, tức không có sự bắt đầu. Pháp vô sanh này chẳng thể hướng ra ngoài nghiên cứu, mà phải hướng vào trong tham cứu mới đúng, tại vì hướng ngoại nghiên cứu chỉ có thể mở mang thêm kiến thức (Pháp thế gian), hướng nội tham cứu là chứng ngộ trí tuệ vốn sẵn có (Xuất thế gian). Bài kệ của Phật vĩ đại như thế, nhưng người ta phần nhiều lại lấy nó nương theo âm thanh đọc tụng suông, thật tiếc thay!



 Hai chữ “nhất thiết” này chẳng phải đơn giản, lại chẳng phải cái “Vạn hữu” của thế gian, mà là chỉ cho cái “Pháp giới tánh” của Phật Pháp, mênh mông bao la, vô lượng vô biên, hữu danh vô danh, hữu tưởng vô tưởng, không gian, thời gian, tam giới lục đạo v.v.. không có gì là không thuộc cái “nhất thiết” này.



 “Duy tâm tạo” cũng là “Tự tâm hiện lượng” đồng là Phật thuyết. Các pháp vốn là không tịch, nhưng nay lại thấy có nhất thiết, cái nhất thiết này, toàn là do một tâm này tạo thành. Vốn không có nay thấy có, cho nên gọi là “huyễn có”, là pháp duyên khởi. Duyên khởi vô sanh, tuy có nhưng chẳng phải thật, là việc trong chiêm bao. Nên cái gì phàm là duy tâm tạo ra, đều là chẳng có tự tánh, không có bản thể, toàn thuộc về hư huyễn chẳng thật. Nếu là thật, tâm quyết chẳng thể tạo. Nó tạo ban đêm, gọi là “nhắm mắt chiêm bao”, Duy thức luận gọi là: “Độc đầu ý thức biến hiện”. Tạo ban ngày, gọi là “mở mắt chiêm bao”, Duy thức luận gọi là: “Đồng thời ý thức biến hiện”. Nhưng người đời chỉ nhận biết được cái nhắm mắt chiêm bao, quyết chẳng tin cái mở mắt chiêm bao ban ngày này. Cho nên Phật quở chúng sanh rằng: “Ngu si mê muội, suốt ngày dẫm đạp lên đống phân mà lại cho là đống vàng quý báu, sinh tử đến trước mắt mà chẳng hay.” Cái chiêm bao ban đêm rất dễ thức tỉnh, nhưng không rốt ráo, còn cái chiêm bao lớn của chúng sanh ban ngày này, từ vô thủy đến nay, các vị và tôi vẫn còn chưa tỉnh qua, nhưng một khi đã tỉnh được, tức là triệt để tỉnh luôn, chẳng có tái phát nữa. Đại pháp tham thiền là khiến tất cả chúng sanh từ trong cái chiêm bao dai dẳng, do duy tâm tạo này, hoát nhiên triệt ngộ, vĩnh viễn tự tại. Thế nên “thành Phật” là cái bổn phận lớn lao nhất, từ trong chiêm bao tỉnh dậy, chẳng có gì lạ lùng ngạc nhiên, lại cũng chẳng có chút gì huyền bí cả, tại vì “thành Phật” cũng là duy tâm tạo mà thôi!



 Quy luật nhân quả, tức là đồng hệ với duy tâm tạo. Quả báo thiện ác, như bóng theo hình chẳng sai tí nào, chẳng có đấng nào tạo ra ta cả, toàn là tự tác (tự làm), tự thọ (tự chịu), hết sức công bằng. Ăn gì thì trả nấy, ăn bao nhiêu trả bấy nhiêu, giết người thì đền mạng, nếu thiếu nợ không trả, kiếp sau làm thân trâu ngựa, tôi tớ mà trả. Nếu kinh sợ quả báo, tốt nhất chẳng nên tạo nữa. “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, câu này rất chí lý vậy. Tạo liền có liền gọi là “Thần thông”, kiếp trước tạo kiếp này thọ, kiếp này tạo, kiếp sau thọ, gọi là “nghiệp lực”.


 

 Bất luận thần thông hay nghiệp lực, phàm do tâm tạo ra, nhất định có được có mất, biến đổi vô thường, dẫu cho học được thần thông bách biến “{tức ngũ thông (chẳng kể đệ lục thong, lậu tận thông) }, nếu khởi một niệm tà, ngũ thông bách biến kia liền tiêu mất. Nghiệp lực cũng lại như vậy, phạm vô biên tội, một niệm chánh khởi lên, như ánh nắng mặt trời chiếu băng đá, ngay đó tan rã. Cho nên tin duy tâm tạo tức tin nhân quả, là thuộc chánh tín, từ khổ ra khỏi khổ, trái lại, tức tà tín, mê tín, từ khổ vào khổ thêm. Tóm lại chung quy nếu chịu tỉnh dậy thì chẳng cần có thần thông mà tất cả đều thông, nếu chẳng chịu tỉnh dậy, dù có nói điều huyền diệu bí ẩn, cao siêu cách mấy chăng nữa, lão Diêm Vương đều chẳng thể chịu tha cho ngươi được. Phật Pháp là người nào tạo tội người đó thọ lấy, chẳng thể cầu xin được, phải tự mình cứu mình, chẳng nên phụ long từ bi của Phật.



 Hãy mau tham thiền! Đó là thượng sách!

 


 

VI - CỨU TÂM


 

 “Tự tâm nếu định, ngoại lực chẳng thể xâm nhiễu, tự tâm nếu loạn, họa phước khó lường, tướng nương theo tâm mà biến đổi, phước do tâm sanh.” À! Thì ra tất cả vốn đều do tâm tạo ra, chỉ là việc trong chiêm bao, thiên đàng là tâm này, địa ngục là tâm này, thai trâu bụng ngựa, lục đạo luân hồi là tâm này, chúng sanh và Phật cũng chẳng ngoài tâm này, cuối cùng đến trình diện trước lão Diêm Vương cũng lại là tâm này. Đấy hoàn toàn là lỗi chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay ngu si mê muội, quá tin cậy cái tâm này, mới mắc phải cái họa lớn của ngày hôm nay. Nếu không lo cứu nó thì sanh tử sẽ tương tục chẳng ngừng, còn nếu lo cứu nó, thì rõ ràng giống như chó muốn liếm chảo dầu sôi, chẳng biết bắt tay vào đâu? Khổ thay! Khổ thay! Có thượng sách nào có thể giải quyết cái họa chung của đại chúng không? Xin khẳng định là có, chẳng qua chỉ vì chúng sanh trước nay đều xem thường hoặc ít chịu để ý đến bí quyết của Như Lai: “Tổ Sư Thiền”. Đây là diệu pháp trực tiếp cứu tâm, triệt để cứu cánh (rốt ráo) nhất. Tất cả ba đời chư Phật đều là tham thiền này, đều phải tham cứu tâm này mà thành Phật, chúng ta là hạng người gì? Nên trước khi chưa khát phải lo đào giếng sẵn, chớ để đến khi lâm nạn mới ôm chân Phật cầu cứu. Nguyện đại chúng phát tâm Vô thượng Bồ Đề, tức tâm vô sở đắc, phát tâm này tức là đã gieo trồng Phật nhân, trong tương lai nhất định chiêu cảm được Phật quả.



 Chớ nên mở miệng liền thốt ra những lời tiêu cực, khiếp nhược tự cho rằng: “Ta là kẻ phàm phu, chẳng dám mơ tưởng thành Phật.” Nên biết, Phật đã khẳng định rằng: - “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Phật đều chẳng có xem thường chúng ta, tại sao tự mình lại xem thường mình như thế? Cho nên “Thành Phật” là việc lớn mà người người thẩy đều phải cần nên làm nhất, “hiểu ra Phật tánh” là quy luật tự nhiên của lý tánh. Nếu còn tồn tại cái tư tưởng chấp thật, thì chẳng có lúc nào thoát được khổ. Kẻ chấp thật, Phật cũng đành bó tay, chẳng thể cứu được y. Tự độ tự cứu, mới phù hợp Phật Pháp.



 Vô thường chớp nhoáng, nhanh hơn điện chớp. Hãy mau tham cứu!

 

 


VII - THAM TỔ SƯ THIỀN VÀ VÀI THỨ BỆNH THIỀN THÔNG THƯỜNG NHẤT

 


 “Tổ Sư Thiền” cũng gọi là “Chiếu cố thoại đầu”, là pháp thiền trực tiếp (Từ nghi đến ngộ), đưa kẻ phàm phu trực tiếp thành Phật, không kinh qua giai đoạn nào cả. Thoại đầu tức là lúc trước một câu nói khi chưa khởi niệm (tại chỗ này là cảnh giới thanh thanh, tịnh tịnh của vô thủy vô minh). Nếu đã khởi niệm dù chưa nói ra cũng gọi là thoại đuôi. Nếu muốn giải thoát sanh tử, trước tiên cần phải về đến chỗ thoại đầu này (Đầu Sào Trăm Thước). Sau đó, lại tiến thêm một bước nữa, thì cứu cánh (rốt ráo) thành Phật.



 Tham thiền chẳng phải tọa thiền (ngồi thiền) là phải chú trọng nghi tình (là tình trạng muốn rõ nhưng chẳng thể nào rõ được), cho nên cần phải mượn câu nói để hỏi (hỏi thầm trong tâm, tức tham cứu). Thí dụ: “Trong khoảng không trước khi sinh ra kiếp này, ta là cái gì?” - không rõ biết, nghi tình sẽ nổi lên, đi đứng nằm ngồi ngày đêm đều phải hỏi thầm trong tâm, không cho phân tích hoặc giải đáp. Lúc hỏi cần phải từng chữ rõ ràng, không nên nhanh gấp. Tham thiền phải dùng công phu đại nghi chẳng được dùng công phu tiểu nghi. Khi thời tiết nhân duyên đến, nghi tình bùng vỡ, kiến tánh thành Phật, như mộng chợt tỉnh, đại sự đều được rõ ràng. Lúc ấy mới xứng đáng gọi là đại tự tại được. Muốn biết rõ ràng chi tiết cách thức hạ thủ công phu, xin tìm thầy hoặc tham khảo Ngữ lục chư Tổ, tránh được dụng công sai lầm.

 


 

VÀI THỨ THIỀN BỆNH THÔNG THƯỜNG NHẤT

 


Thứ nhất : Tham thiền phải có chí bền bỉ


Hành giả tham thiền không nên có tánh nóng nẩy vội gấp, chẳng nên chiều qua mới vừa gieo giống sáng ra đã hi vọng được thu hoạch liền, mà nên bền bỉ giữ vững cái quan niệm: “- Xem mười năm như một buổi, ba mươi năm như một ngày, đời này tham không thấu, đời sau trở lại tham tiếp”, thề quyết tử, phải lấy tham thiền đến kiến tánh làm mục tiêu.

 


Thứ nhì: Tham thiền chẳng nên đa tâm

 

Hành giả tham thiền chẳng nên tham nhiều pháp môn, chớ nên cho rằng tu nhiều pháp môn sẽ mau được thành Phật, đấy là sai lầm lớn. Thí như: “- Dùng một cây chổi đã đủ quét, kẻ ham nhiều một tay mà cầm vài ba cây thử hỏi quét thế nào được?” Cho nên Thiền tông có câu: “Trên đầu lại gắn thêm đầu” là ý này vậy! Thế nên hành giả tham thiền chẳng nên đem pháp môn đại giải thoát này mà dùng để cầu phước cầu lộc, đó là điều sai lầm lớn.

 


Thứ ba: Lúc dụng công phải dụng công phu đại nghi, chớ học công phu tiểu nghi.


 Công phu tiểu nghi là muốn ham nhanh đến, cho nên cố ép để thoại đầu, lúc ép thì nặng, không ép thì nhẹ, có nặng nhẹ, nhanh chậm, lại hàm hồ chẳng rõ ràng, chỉ biết theo tiếng niệm tới, ham thích thanh tịnh, rất sợ nhiễu động, nên nghi tình thường bị gián đoạn, rơi vào tư tưởng tương đối, đó là bệnh lớn. Công phu tiểu nghi thì tiểu ngữ, dụ như con chuột chui vào lỗ sừng trâu, đến cuối góc nhọn cho là đã đến nơi, hết đường lộn ngược lại, có dè đâu rằng, lại còn có nhiều đường cần phải đi nữa.


 Công phu đại nghi lúc đề thoại đầu sáng sủa rõ ràng, chẳng ham nặng lại chẳng chán nhẹ, chẳng ham nhanh lại chẳng cố ý chậm rì, chỉ cần miên miên mật mật, là tư tưởng tuyệt đối, công phu thuần thục thời tiết nhân duyên đến, quả chín cuống rụng, hoát nhiên đại ngộ. Công phu đại nghi thì đại ngộ, dụ như con chó leo qua hàng rào, một khi lên được đầu rào, lúc nhìn xuống thấy rõ ràng được tất cả cảnh vật.


 

Thứ năm: Cái tệ trạng lớn nhất trong thiền bệnh là: Cứ ham chết dưới câu nói mà chẳng chịu hướng dưới câu thoại chết đi.


 Một là: Ý nói rằng, phần nhiều các hành giả tham thiền, hàng ngày chẳng chịu quyết chí hướng vào bổn tham (vấn đề tham cứu) mà quyết tử dụng công tham tới, lại thường ỷ mình thông minh, tự làm tài khôn, suốt ngày cứ dùng cái vọng tâm hướng vào một câu hay một bài kệ của chư Tổ để phân tích tìm hiểu lý giải, có lúc ngẫu nhiên minh bạch thì tự cho là đã đắc được rồi, hoặc vừa nghe lời khai thị của Tổ sư, ngay đó liền có được thông hiểu, tức cho là đã ngộ được rồi, kỳ thật trước đó đã bị chư Tổ quở rằng: “Sát na suy lường, mây bay ngàn dặm”. Đó chỉ là giải ngộ chứ không phải chứng ngộ.


 Hai là: Phần nhiều những hành giả tham thiền lại cứ còn tiếc rẻ ôm cứng lấy cái tư tưởng của giáo môn, ham học hỏi giáo lý, tìm cầu tri giải, đó chẳng phải là thiền mà là bệnh. Chứng ngộ là chẳng kinh qua bộ óc tư duy, công phu thuần thục, một khi đến lúc chín mùi, hoát nhiên đại ngộ.

 


Thứ sáu: Tham thiền nên trì giới


 “Giới” là mẹ của tất cả công đức. Phật dạy: “Sau khi ta nhập diệt, các ngươi hãy lấy “Giới” làm thầy.” Phải biết giới đối với người tu hành thật quan trọng thiết yếu đến dường nào! Tại sao vậy? Là vì tham thiền là cần phải hiện ra tâm bồ đề, trái lại phạm giới là tiêu diệt mất tâm bồ đề, như một mặt mong cầu giải thoát, mặt khác lại tự trói tự buộc thêm, thật mâu thuẫn thay! Nhưng việc thọ giới này cần phải do mình tự nguyện tự giác thọ. Phật chẳng có cưỡng ép, buộc phải thọ giới trước khi tu hành. Nhưng kẻ còn si mê rất sợ thọ giới, còn người trí thì nghiêm trì giới luật vững như thành trì. Muốn thành Phật chẳng được tạo nghiệp. Nhưng kẻ sơ tham cũng đừng lo âu thái quá vấn đề này, trước mắt cứ lo dũng mãnh tham tới, lúc công phu đắc lực, thiện cũng còn quên luôn, làm sao còn có cái ác nào mà không ngưng được đâu. Nhưng đấy là cảnh giới của “Đầu sào trăm trượng” các vị và tôi hãy còn cách đó khá xa, chớ nên cống cao ngã mạn nói rằng: - “Tham thiền chẳng cần thọ giới”, ấy là lời ma nói, là hạt giống của địa ngục.


 Thiền bệnh tức là tập khí (thói quen) nhiều vô lượng vô biên, nào có thể liệt kê hết được, ở đây sơ lược chỉ ra vài thứ thiền bệnh thông thường dễ bị mắc phải nhất, nhằm để làm tham khảo chung. Lại nữa, hành giả tham thiền cần biết thêm: - “Tham thiền công đức bất khả tư nghì, nhưng ngược lại nếu khởi ác niệm, quả báo cũng lại bất khả tư nghì”, đấy là đạo lý của tương đối, chẳng nên làm bậy, lỡ phạm phải lo hối cải sửa sai, nếu chẳng chịu sửa sai, dầu cho dụng công tham cứu đến cùng cực cũng chẳng thể tiến được bước nào cả.

 



VIII - ĐỊNH NGHĨA CHÍNH XÁC PHÁP LIỄU NGHĨA VÀ BẤT LIỄU NGHĨA

 


 Cuối cùng lại cần phải nên nói rõ với quý vị về pháp liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. Đối với hai pháp này người Phật tử không nên hiểu một cách mơ hồ, thiếu chính xác. “Liễu nghĩa” là phá chấp, ý nghĩa đã viên mãn rốt ráo triệt để, vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở trụ, nơi pháp không kẹt nghẽn, chánh tín v.v… Y theo đó mà tu, rất dễ dàng đạt đến cửa giải thoát. Còn “Bất liễu nghĩa” đối với Liễu nghĩa thì tương phản nghịch lại. Nếu căn cứ nương theo nó mà tu, quyết chẳng thể thoát được khổ, lại còn có thể tăng thêm mê tín phiền não. Phật giáo có pháp “Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa”, còn ngoại đạo chỉ duy nhất có một pháp “Bất liễu nghĩa” , cho nên Phật giáo đối với ngoại đạo khác nhau ở điểm này.



 Vả lại, muốn để quý vị triệt để thấu rõ, nên cần phải phân tích thêm một cách thực tế, sáng tỏ hơn. Sự định nghĩa chính xác của chúng là: “Liễu nghĩa” là tuỳ thuận theo tự tánh, tức chẳng lìa tự tâm, lấy tự tâm làm tiêu chuẩn mực thước mà hành, là chánh tín. “Bất liễu nghĩa” là nghịch lại tự tánh, tự xa lìa tự tâm, hướng ra ngoài tìm cầu, là mê tín. Ví dụ như: cầu Quan Thế Âm ở ngoài gia hộ cho mình, đó là bất liễu nghĩa; tự tánh Quan Thế Âm (Quan Âm là mình) chẳng thể cầu, là Liễu nghĩa. Đốt nhang “sắc hương” (nhang bằng vật liệu ở ngoài) là tương đối, chẳng thể nào “Pháp giới mông huân” được (Khói tỏa khắp pháp giới), chư Phật cũng chẳng thể hiện toàn thân, đó là bất liễu nghĩa. Dùng “tâm hương” là tuyệt đối, phổ biến khắp không gian và thời gian, có khả năng mông huân khắp pháp giới, chư Phật lúc nào cũng hiện toàn thân cả, đó là liễu nghĩa. Lấy nước tắm tượng Phật là bất liễu nghĩa; dùng Trí Bát Nhã tắm rửa tự tâm là liễu nghĩa. Các sự việc đại loại trên còn rất nhiều thứ, nhiều loại nữa, nên dành để cho quý vị tự mình phân tích lấy. Nếu nắm vững được điểm cốt yếu này, con đường tu hành của quý vị sẽ không còn bị kẹt vướng nơi pháp nào nữa, mới thấy được con đường thoát khổ ở trước mặt vậy!



 Pháp bất liễu nghĩa của Phật là do Phật bất đắc dĩ tạm thời dùng để độ những hạng người trung hạ căn (không tin tự tánh), để hạng người ấy tạm thời có chỗ nương chân, tránh được cái họa oan uổng sa vào cửa ngoại đạo, nhằm để có cơ hội cho tương lai sau này, khi nào nhân duyên được chín mùi, lúc ấy họ sẽ tự động qua đến Pháp liễu nghĩa, trực nhập cảnh giới Phật. Pháp liễu nghĩa là để độ người thượng căn (tin tự tâm). Rốt lại, nếu chịu uống thuốc “Liễu nghĩa” thì sẽ nhanh chóng hết bệnh (thoát sinh tử), nếu không chịu uống, thì đành cam chịu luân hồi, chẳng thể oán trách ai được! Cho nên một trong Pháp tứ y: “Y pháp liễu nghĩa, bất y pháp bất liễu nghĩa” ấy là ý này vậy! Khá chớ điên đảo mà hành ngược lại. Nên cẩn trọng cái điểm chính yếu này, thoát khổ hay không, điều cốt yếu của nó là ở ngay cái mấu chốt này vậy!



 Vì vậy chư Tổ thường nói: “Nếu tu ngoại đạo, không bằng vào thiên đường ngủ còn tốt hơn!” Câu ấy không có gì là quá đáng cả!


 

 Cuốn sách này hoàn toàn dùng Pháp liễu nghĩa soạn thành, chỉ có vài trang ngắn ngủi mà lại trình bầy thật đầy đủ giáo lý chủ yếu của Phật pháp. Xin chớ vội chê ngắn, nên biết, đã là: “Liễu nghĩa dù nói ngắn ngủi cũng là liễu nghĩa, viên mãn đầy đủ ý của Phật. Nếu bất liễu nghĩa dù có nói dông dài chăng nữa cũng là Pháp bất liễu nghĩa mà thôi!” đối với nghĩa thì nghịch lại ý Phật, chẳng có ích lợi gì cả !


 

 Nguyện đại chúng được mau mở mang trí tuệ, chẳng nên cố chấp nữa, nên từ chỗ bất liễu nghĩa tối đen kia, hãy tự mình nỗ lực vùng vẫy thoát qua liễu nghĩa.

 

 


KỆ KHUYÊN ĐỜI

 


Đã đủ duyên lành lên núi báu

Há để lỡ dịp tay không về !

Đời nay chẳng đem thân này độ

Chờ đến kiếp nào độ thân đây!

Lòi tói dạ xoa chẳng dung tình

Chỉ có hư không chống được thôi.

Sanh tử việc lớn chớ cầu người,

Tự mình công phu oai thần hiển

Thường ngày xem nhẹ Phật từ mẫn

Lúc Diêm Vương hét, rợn cả người!

 

Đã khởi: Ta là Ai?


Tham!


 

 

Soạn giả: Duyên Khởi


Dịch giả: Huệ Chiếu

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật