HỎI ĐÁP VỀ ĐẠO PHẬT - Diệu Huyền

23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 36244)

Hỏi đáp về đạo Phật

 

 

Hiện nay chúng ta đang sống trong một xã hội có rất nhiều bất an với những tội ác, khủng bố và bạo lực, hơn bao giờ hết cần phải có một điểm tựa tâm linh nào đó để nâng đỡ tinh thần, Chúng ta có thể tìm được gì ở đạo Phật với những lời Phật dậy? 


 

Trong xã hội bất an, con người sống trong sự nghi kỵ và sợ hãi, và đôi khi hận thù lẫn nhau, như khi bị người khác làm hại. Phật dậy: “Hận thù không thể hóa giải được bằng hận thù, mà chỉ có thể hóa giải bằng tình thương.” Chiến tranh không thể giải quyết bằng chiến tranh, mà phải giải quyết đầu tiên bằng sự ngưng chiến. Những sự trả thù, trả đũa qua lại sẽ chỉ làm cho hận thù càng ngày càng chồng chất thêm, khiến nhân quả trùng trùng, nhân sanh quả, quả lại sanh nhân, sự đau khổ không bao giờ chấm dứt được. Nhưng nói đến tình thương đối với kẻ thù hay người đã hại mình là một điều rất khó, nên chúng ta phải tập để có tâm “Xả” trong Tứ Vô Lượng Tâm, tức là từ bi hỷ xả. Xả là buông đi những cảm xúc hay ký ức đau lòng của những gì đã xẩy ra, không ôm ấp nó trong tâm vì tất cả những cảm xúc buồn thương, oán ghét đều là những chất thuốc độc tàn hại cho bản thân chúng ta, làm cho tâm triền miên khắc khoải trong đau khổ mà không làm lại được gì, khộng sửa đổi được gì. Nếu tâm không hận thù , không đau khổ thì sẽ được an bình, và như vậy đời sống của chính mình cũng như của người chung quanh được an bình theo. “Tâm bình, thế giới bình”, để có một xã hội yên vui trước hết con người, là nền tảng của xã hội, phải có một tâm bình an, qua sự học hỏi và thực hành những giáo lý minh triết. 


 

 Giáo lý của đạo Phật nhấn mạnh đến sự vô thường và vô ngã của con người và mọi hiện tượng trên thế gian, nếu hiểu biết điều đó và tâm niệm được rằng tất cả những gì mình đang có trong tay một ngày nào đó sẽ phải mất đi, con người sẽ bớt đi những chấp trước , những bám víu có tính cách vị kỷ, và mở rộng tình thương hơn đến người khác. Nhưng trong thế giới văn minh vật chất ngày nay, con người sống tách rời thiên nhiên nên thường hay chìm đắm trong thế giới giả tạo của vật chất, ít khi nghĩ đến sự mong manh của kiếp người, mà dễ chạy theo những hấp lực quyến rũ với lòng tham, sân, si được kích thích đến tận cùng. Đức Phật đã chỉ cho ta thấy lòng ham muốn, ái dục là nguyên nhân của mọi sự khổ, và thực hành Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát khỏi đau khổ, đem đến sự an vui vĩnh cửu nơi tâm. Phật nói:


  “Như bông hoa tươi mát mọc lên từ bùn lầy rác rưởi, người trí giả chiếu sáng trí tuệ của mình giữa những kẻ vô minh tăm tối. Hãy sống tươi vui, không thù ghét kẻ thù ghét mình! Hãy sống hạnh phúc, không đau khổ giữa những người đang đau khổ! Sống an lạc, không tham lam giữa những người tham lam!



Như vậy, dù vẫn sống trong hoàn cảnh hiện tại, dù không khỏi bị ảnh hưởng nơi môi trường, xã hội chung quanh, nhưng thực tập giáo lý đạo Phật sẽ cho ta cái nhìn khách quan, trong sáng của chánh kiến, và do đó sẽ không bị lôi cuốn theo hoàn cảnh và có được sự vững chãi, an định nơi tâm.

 

 


Người ta thường nói: “Tôn giáo nào cũng dạy làm điều thiện, tránh điều ác, như vậy thì theo tôn giáo nào cũng như nhau.” Điều đó có đúng không?

 


Chân lý chỉ có một, các tôn giáo có lẽ đều hướng đến một chân lý giống nhau, nhưng cách diễn giải khác nhau, do đó tùy căn cơ mà mỗi người thích hợp với một tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, đạo Phật khác với một số tôn giáo khác là đặt căn bản trên sự giác ngộ, hiểu rõ những chân lý và định luật của vũ trụ và sống thuận theo đó. Theo đạo Phật, bản chất của con người không thiện cũng không ác, nên Thiện Ác vốn là Không, nhưng vì theo những huân tập lâu ngày nên con người có những khuynh hướng hành động thiện ác khác nhau. Tuy nhiên, tâm con người không bao giờ giữ nguyên như vậy, mà luôn luôn biến đổi, tùy theo nhân duyên mà chuyển qua những khuynh hướng khác nhau. Một đồ tể buông dao cũng có thể thành Phật, ngược lại một người được hưởng phước lành trên cõi Trời cũng có thể sa đọa với những dục lạc và bị đọa xuống địa ngục. Như vậy thiện ác không phải là tuyệt đối, những giá trị thiện ác theo giáo điều do con người đặt ra không phải là chân lý, nếu chấp chặt vào giáo điều sẽ dễ gây xung đột. Do đó đạo Phật không đặt nặng trên cơ sở thiện ác, mà trên luật nhân quả. Nếu chỉ biết làm lành lánh dữ, đời sống cũng được bình an, nhưng khi phải đối đầu với những cảnh khổ không tránh được của kiếp người thì sẽ khó có sức mạnh để vượt qua được. Vả lại, nếu chỉ nhìn nhân quả trước mắt, sẽ có những điều nghịch lý mà người ta không hiểu được, như làm lành mà vẫn gặp dữ, hay làm dữ mà vẫn được hưởng phúc lạc. Điều đó chỉ có thể được giải thích qua con mắt trí tuệ nhìn thấu đáo được những diễn tiến của Nghiệp Quả. Hiểu rõ nghiệp quả, con người sẽ biết sống tùy duyên, chấp nhận mọi sự đến trong đời, không kiêu mạn cũng không than trách.


Không kể những thăng trầm của họa, phúc xẩy đến trong cuộc đời con người, Đạo Phật còn nêu ra ba đặc tính căn bản trong sự hiện hữu của chúng ta: đó là Khổ, Vô Thường, và Vô Ngã. Khi Đức Thích Ca Mâu Ni còn là một vị thái tử, ngài đã ở trên đỉnh cao của quyền lực, tiền tài danh vọng, tất cả những thú vúi sắc dục đều không thiếu thứ gì, nhưng ngài vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Và khi thấy những cảnh sanh lão bệnh tử mà con người phải chịu, ngài đã nhận ra rằng dù có làm vua thống trị cả thế giới đi nữa cũng không tránh được những khổ não của thân và tâm. Khổ não chủ yếu xuất phát từ Tâm mà ra, vì thế đạo Phật đi thẳng vào gốc Tâm để giải quyết vấn đề phiền não. Xét về tâm con người, thì dù cho ở đâu, thời đại nào, trong tầng lớp nào của xã hội cũng đều có bản chất như nhau, đều khởi lên những tình cảm thương ghét, vui buồn, tham sân si v.v.. Có thể nói Đức Phật là nhà tâm lý học đầu tiên đã phân tích những hoạt động của tâm một cách rất khoa học và hệ thống, không những về hiện tượng mà còn về bản chất, như sự phân tích về ngũ uần (sắc, thọ tưởng, hành thức, như trong kinh Bát Nhã), và chỉ dạy cho chúng ta phương pháp để điều ngự tâm. Khi đã hiểu rõ và điều ngự được Tâm, thì con người không còn bị những tư tưởng ham muốn của ngũ dục chi phối, nên làm chủ được mình, không còn bị trói buộc trong phiền não, và được giải thoát, tự tại tự do, có được sự an lạc vĩnh cửu. Sự an lạc đó có tính cách tuyệt đối, thường hằng, không thể nào đem so sánh với những hạnh phúc tạm bợ, phù du của thế gian. Vì thế những bậc đại sĩ đã lên đến ngôi cao danh vọng, phú quý tột đỉnh như Thái tử Tất Đạt Đa, như vua Trần Nhân Tông đã sẵn sàng bỏ hết những phúc lạc thế gian, sống cuộc đời thanh bần khổ hạnh để đi tìm nguồn an lạc tuyệt đối ấy. Sự an lạc tuyệt đối ấy không chỉ dành riêng cho một giai cấp nào trong xã hội, mà tất cả mọi chúng sinh đều có thể đạt được, vì vậy đạo Phật là một giáo lý bình đẳng, thích hợp cho mọi thời đại, mọi nơi chốn, mọi loại người. Hơn thế nữa, chủ trương của đạo Phật là “tự độ, độ tha”, trong tinh thần vô ngã, từ bi, không phân biệt đối đãi nên không dính mắc vào những tranh luận phải trái, đúng sai, không tạo ra những xung đột.



Nói tóm lại tuy đạo Phật cũng dạy làm lành, lánh ác như các tôn giáo khác, như trong câu:

 

Tránh làm điều ác

Năng làm điều lành

Giữ tâm thanh tịnh

Đó là lời Phật dạy

 

Nhưng làm lành, lánh ác theo ngũ giới, thập thiện của lời Phật dạy là ở trong trí tuệ hiểu biết luật nhân quả, trong tinh thần trách nhiệm đối với chính mình và người khác. Hơn thế nữa, người Phật tử còn vượt lên trên những họa phúc của thế gian để tìm sự giải thoát vĩnh cửu khỏi những phiền não tất yếu của kiếp nhân sinh.

 


Có những ý kiến cho rằng đạo Phật có vẻ bi quan, yếm thế khi không nhắc nhở gì đến những khía cạnh vui tươi của cuộc đời, mà chỉ toàn nói về vô thường, khổ não, như vậy có phải là tiêu cực không?

 


Những khía cạnh vui tươi của đời sống thực ra chỉ là vô thường, tạm bợ, nên đã hàm sẵn cái buồn, nếu dính mắc vào đó thì sẽ chịu đau khổ. Chữa bệnh là phải nhìn thẳng vào căn bệnh mới tìm ra phương cứu chữa. Đạo Phật xem phiền não là một căn bệnh của tâm do sự thấy biết sai lầm mà ra , và Tứ Diệu Đế , bài pháp đầu tiên của Đức Phật, cũng là giáo lý căn bản nhất, nêu ra thực trạng đau khổ trong sự hiện hữu của chúng ta, nhưng không phải chỉ dừng lại ở đấy, mà còn đi vào tận nguyên nhân gốc rễ để giải quyết nó một cách có hệ thống. Nếu trốn tránh không biết nhìn thẳng vào sự đau khổ tất yếu đến trong cuộc đời, như lão, bệnh, tử, hoặc những nỗi buồn, thất vọng, chia ly v.v...thì sẽ không chống đỡ được đau khổ khi chúng đến. Vô thường là một định luật của đời sống, sở dĩ chúng ta đau khổ vì không biết nhìn nhận định luật đó, nhưng khi đã chấp nhận và sống với nó thì sẽ được an nhiên tự tại hơn . Kinh Phật nói “Phiền não sanh Bồ Đề” , chỉ khi nào con người thấy đời là khổ mới biết hướng về Đạo để tìm giải thoát. Khi đã hiểu biết Đạo rồi thì sẽ phát triển một năng lực từ bi, vô ngã , muốn làm những công việc lợi lạc cho chúng sanh, đó là những hành động tích cực chứ không phải tiêu cực.


 Một cuộc nghiên cứu gần đây về hạnh phúc đã cho thấy những người hạnh phúc nhất trong thế giới này là những người người biết thực tập thiền quán và có tâm an bình, như phần lớn những người theo đạo Phật ở Á Châu và Tây tạng, mặc dù họ sống thiếu thốn đủ mọi bề, nhưng vẫn an lạc, trong khi ở các nước tân tiến đời sống văn minh vật chất tràn đầy nhưng tâm lúc nào cũng bất an, xã hội bị xáo trộn.


  Như vậy, chính trong sự nhận thức cái Khổ của kiếp nhân sinh mà con đường thoát khổ được chỉ ra, và những người thực hành đạo Phật một cách chân chính đều có sự an vui, thoải mái trong tâm hồn.



Diệu Huyền


(viết cho chương trình phát thanh Tiếng Từ Bi)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật