LONG NỮ - Diệu Huyền

13 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 33319)

 


 Long N


 (Naga Deva)


 

 Trong những năm Đức Phật đi hoằng pháp độ sinh, ngài đã gặp rất nhiều vị bồ tát và các bậc thiện tri thức, trong số đó có những người tài cao học rộng, tích lũy rất nhiều kiến thức, nhưng những hiểu biết thu thập từ ngoài ấy không làm cho liễu ngộ được đạo Vô Thượng vượt ngoài ngôn ngữ, nhất là khi họ vẫn còn vướng mắc trong những khái niệm đối đãi, những suy luận hạn hẹp theo hình tướng.


 Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị Bồ tát của Trí Tuệ, vừa trở về từ Long Cung, vương quốc của loài rồng, ở đó ngài đã giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa để hóa độ cho vô số chúng sinh, trong số đó ấn tượng đặc biệt nhất đối với Ngài là Long Nữ, cô công chúa nhỏ của Long Cung, tuy còn rất trẻ nhưng đã có được tri kiến thâm sâu về Phật Pháp.


 Hôm đó là một ngày nóng bức, mặt trời tỏa ánh nắng chói chang, các vị tăng sĩ và cư sĩ đều tụ tập dưới bóng của những lùm cây vả, cạnh giòng suối mát để nghỉ chân. Cũng có nhiều bồ tát hiện diện, và cả Xá Lợi Phất , một trưởng lão trong mười đại đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật. Lúc đó có vị bồ tát tên là Trí Tích hỏi Văn Thù Bồ tát rằng ngài có biết ai mau chóng thành Phật nhờ thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa không.


 “Có chứ”, Văn Thù trả lời. “Con gái của Long Vương, mới tám tuổi mà đã đầy đủ trí đức, trong khoảnh khắc phát Bồ Đề Tâm đã đạt đến bậc bất thối chuyển, phát lòng từ bi rộng lớn, có biện tài vô ngại giảng nói những chân lý cao siêu.”


 Trí Tích đứng lên, lòng đầy nghi hoặc. “Thật vậy sao,” ông cười nói. “Tôi cũng muốn tin ông lắm, nhưng một vị bồ tát phải trải qua vô lượng kiếp tu hành kham khổ, tích lũy công đức, nghiêm trì các hạnh Ba La Mật từ đời này sang đời khác mới sinh làm người nam mà thành tựu được đạo Bồ Đề, làm sao một cô gái nhỏ như Long Nữ chỉ trong phút chốc mà chứng được Chánh Giác? Điều đó thật không thể tin được.”


 Xá Lợi Phất nghe vậy cũng gật gù tán thành. “Đúng vậy, không phải là chuyện dễ, nhất là với người nữ”.


 Văn Thù chưa kịp trả lời, Long Nữ đã hiện ra. Cô bé mới tám tuổi, có gương mặt thuần khiết và trong sáng như đóa hoa sen. Đôi mắt cô đen lánh, tỏa ánh thông minh và trí tuệ. Như tất cả các long thần, Long Nữ có một vẻ đẹp tuyệt vời, với một thân hình dài uyển chuyển lấp lánh những miếng vẩy chiếu ánh sáng muôn mầu, và dáng đi của cô lướt nhẹ nhàng như nước chảy. Cô bé đến trước Đức Phật đảnh lễ, rồi đứng qua một bên đọc một bài kệ xưng tán Đức Phật và giáo lý ngài tuyên giảng, và trình bầy cho ngài biết cô đã nghe được Diệu Pháp nên giác ngộ được Bồ Đề và nguyện sẽ giảng nói lại cho người khác nghe bất cứ ở đâu và lúc nào – đó là điều cô đã lập đi lập lại mỗi lần cô có dịp đến diện kiến Đức Phật. Tất cả mọi người khi nghe cô nói đều phải thầm công nhận là cô có biện tài. Thật ra, điều cô nói chỉ có Đức Phật mới chứng biết được mà thôi.


 Khi Long Nữ nói xong, Đức Phật ngồi nhích sang một bên, chỉ cho cô đến ngồi cạnh ngài trên chiếc đệm cỏ thơm ngát. Trí Tích và Xá Lợi Phất thấy vậy không cầm lòng được, họ đều muốn cho cô một bài học để làm cho rõ lẽ.


 Xá Lợi Phất, lúc nào cũng nghiêm túc và đầy đủ lễ nghi, đến xá chào rồi nói: “Long Nữ, công chúa của Long Cung, tôi đã nghe nói nhiều về cô. Cô có lời nguyện tốt, rất đáng tán thán. Nhưng tôi không tin những chuyện nói về cô là đúng.”


 Long Nữ nhìn ông một lúc, rồi nhẹ nhàng nói, “Vậy sao?”


 Ông lắc đầu, và Bồ Tát Trí Tích cũng lắc đầu theo. Họ đứng trước mặt cô, lừng lững cao như một ngọn núi. Xá Lợi Phất nói tiếp:


 “Bồ tát phải trải qua vô lượng kiếp, mất bao nhiêu công phu tinh tấn tu hành, chịu rất nhiều cam go để đạt tới quả vị bồ tát, quả là điều rất khó làm, nói chi đến thân gái mà chứng được đạo Vô Thượng. Vì sao? Vì thân gái bản chất là nhơ uế chẳng phải pháp khí, nếu một người nữ có tu đến muôn vạn kiếp không ngừng nghỉ và làm đầy đủ các công hạnh cũng không thành Phật được. Cô không biết sao, đã sinh ra làm người nữ là có năm chướng ngại không thể vượt qua được. Đó là: người nữ không thể làm Phạm Thiên, không thể làm Đế Thích, không thể làm Ma Vương, không thể làm Chuyển Luân Thánh Vương, và không thể làm Phật. Thế thì làm sao một cô gái tầm thường như cô lại đòi thành Phật?”


 “Lại nói đến năm chướng ngại”, cô gái nghĩ thầm. Long Nữ nhìn Xá Lợi Phất , thấy được sự căng thẳng, thấp thoáng nét giận dữ và ganh tỵ trong những cử chỉ biểu lộ trong thân ông. Cô cảm nhận được sự phiền não trong tâm ông khi ông nhìn thấy cô.


 Từ bao nhiêu kiếp nay những thành kiến sâu dầy đã đặt nam giới lên địa vị cao hơn nữ giới, đặt ra cho người nữ biết bao nhiêu là hạn chế, bao nhiêu điều cấm kỵ … đó là một quan điểm khiếm khuyết và phản tự nhiên. Như cổ đức đã nói: “Nhất Âm Nhất Dương chi vị Đạo” , âm và dương tuy dị biệt nhưng đồng một bản chất và có vai trò ngang nhau, và chính sự dị biệt ấy là để hỗ trợ cho nhau tạo nên sự quân bình và hài hòa cho đời sống trên thế giới này. Những thành kiến phân biệt là những bức màn che bao phủ tầm nhìn của con người với sự thực, chân lý. Vả lại, năm điều chướng ngại trên không có cơ sở gì để chứng tỏ người nữ không thể thành Phạm Thiên, Đế Thích, Ma Vương, Chuyển Pháp Luân Vương và Phật được. Nếu có cơ hội bình đẳng, nam và nữ đều có thể phát triển tài năng như nhau. Thành Phật là do khả năng giác ngộ sẵn có trong tự thân mỗi chúng sanh, chẳng phải là phần thưởng từ đâu ban tới cho một số người, và loại bỏ một số người khác. Chẳng phải Đức Phật đã nói: “mọi chúng sanh đều có khả năng thành Phật” đó sao?


 Long thần thường đeo trên trán họ rất nhiều châu báu hiếm quý, hạt ngọc của Long Nữ lại quý giá hơn hết thẩy ba ngàn thế giới. Cô lấy nó ra và đem dâng cho Phật, không nói một lời. Đức Phật hoan hỷ nhận lấy - hạt ngọc này, với lòng thành tâm cúng dường, còn có giá trị hơn muôn ngàn lời nói. Thế rồi, Long Nữ quay qua nói với Xá Lợi Phất:


 “Tôi dâng ngọc báu cúng dường Đức Thế Tôn, ngài nhận lấy - việc đó có mau không?”


 Tất cả tăng sĩ, cư sĩ, và chúng hội đều đồng ý, kể cả Xá Lợi Phất. Ông công nhận, “Rất mau. Nhưng việc đó đâu có chứng tỏ được gì?”


 Long Nữ lướt tới một khoảng cỏ trống giữa các rặng cây và vươn người lên cao, óng ánh trong những tia sáng rọi chiếu xuyên qua những tàng lá, miệng hé mở để lộ hàm răng trắng tinh với chiếc lưỡi dài thấp thoáng lay động bên trong. Cô nói với một thoáng thách đố rất nhẹ nhàng:


 “Các ông hãy đem thần lực ra mà xem tôi thành Phật còn mau hơn thế nữa!”


 Vừa nói xong, chỉ một giây sau Long Nữ đã biến thành một nam tử với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi món đẹp của một vị Phật, đầy đủ các hạnh của Bồ Tát, liền qua cõi Vô Cấu ở phương Nam ngồi tòa sen báu thành bực Chánh Đẳng Chánh Giác, giảng nói Diệu Pháp cho tất cả chúng sanh trên mười phương thế giới, cho tất cả trong cõi Ta Bà, các hàng Bồ Tát, Thanh Văn, Trời, Rồng, Bát bộ, các người nam, người nữ cùng phi nhân đều được nghe và tỏ ngộ, phát tâm Bồ Đề không thối chuyển. 


  Long Nữ làm điều đó chỉ trong một thoáng chớp, trong khoảng không lặng dứt bặt những khởi niệm và lời nói.  Trong khoảng không đó, ngay trong giây phút đó, Trí Tích và Xá Lợi Phất cảm nhận được sự thâm sâu của Diệu Pháp hiển lộ trong tất cả pháp giới chúng sanh, trong tất cả mọi hình tướng. Hiểu được Diệu Pháp là có được tri kiến Phật, là có ngọc báu trong tay quý hơn muôn ngàn thế giới, đó chẳng phải là viên ngọc báu Long Nữ đã dâng cho Phật để được ngài thọ ký đó sao? Tri kiến Phật là sự trực nhận Chân Không Diệu Hữu, là sự thấy biết thấu suốt và quang minh của Tánh Giác không qua suy luận đối đãi, không qua thành kiến phân biệt. Mọi hình tướng chỉ là giả tạm, ngay cả tướng Phật với 32 tướng tốt cũng là hư vọng, như Đức Phật đã nói: “Người nào lấy sắc cầu ta, lấy âm thanh cầu ta là người ấy hành đạo tà, không thấy được Như Lai”. Thực Tướng của mọi tướng là Không Tướng. Long Nữ biến hóa trong chớp mắt từ tướng nữ sang tướng nam rồi tướng Phật là sự thị hiện cho thấy tất cả mọi tướng đều là huyễn ảo. Nếu cho rằng người nữ phải trở thành người nam rồi mới thành Phật được là còn chấp nơi tướng, chưa thể ngộ được Phật, làm sao lấy tâm phàm phu mà xét đoán được người nào thành Phật hay không? Pháp vi diệu không hình không tướng, nhưng chính ở nơi không có hình tướng nhất định ấy mà có thể biến hóa ra muôn vạn hình sắc trong thế giới này.


 Cuối cùng, với một hơi thở dài khoan khoái, Long Nữ cởi bỏ lốt nam tử, trở về ngồi bên Phật với một nụ cười tươi thắm, họ tiếp tục nói chuyện với nhau như không có gì xẩy ra.


 Dưới một lùm cây, Xá Lợi Phất ngồi yên lặng, quán chiếu sự khai ngộ mới mẻ của mình.


Diệu Huyền

(Mùa đông, tháng 12-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật