LÃO VÀ PHẬT - Ngọc Bảo

18 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29935)



Lão và Phật




 Truyền thuyết kể rằng, vào thời cổ đại Trung Hoa (có thể vào thời Xuân Thu, chưa xác định) trước công nguyên, có một bậc triết gia vĩ đại xuất thế, được gọi là Lão Đam.


 Một ngày mùa đông, có một ông già cưỡi một con trâu đi chậm chạp về phía biên giới. Cơn gió buốt sa mạc thổi chòm râu của ông già bay phất phơ, thấm qua lớp áo choàng khiến ông cảm thấy lạnh thấu xương. Ông cố kéo áo choàng trên vai xuống quấn vào người cho chặt hơn, nhưng cũng không ấm hơn được bao nhiêu. Mùa lạnh như thế này quả là không nên đi xa, thế nhưng ông vẫn phải đi. Đã vậy, ông lại đi trên một con trâu bước từng bước chậm chạp. Nếu có ngựa cưỡi chắc nhanh hơn, nhưng ông lại thích cưỡi trâu, vì con vật này tuy chậm nhưng rất vững chắc, nhất là khi đi đường núi, và lại ăn rất ít. Ông nghĩ, cũng có thể vì ông có một chút cao ngạo ngược đời, khiến ông chọn đi chu du trên một con vật hèn mọn như thế này, một chút cao ngạo cuối cùng của một vị sử quan danh giá trong triều đình trước kia.



 Ông già này chính là Lão Đam. Ông vừa treo ấn từ quan và đang lìa xa kinh đô đi về miền xa xôi ở ẩn. Cuộc sống phồn hoa nơi kinh đô càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn. Thật sự ra, ông thấy xã hội này đang đi đến chỗ băng hoại. Đời sống trong triều đình thật là ngột ngạt, những mánh lới chính trị xảo quyệt hàng ngày khiến ông phải đau đầu nhức óc, và dường như cả đến tầng lớp dân chúng ở dưới cũng trở nên chai đá hơn. Những thương gia, chủ tiệm chỉ chú trọng đến việc kiếm tiền nhiều hơn là lo dịch vụ tốt cho khách hàng. Ngay cả những nông dân, tầng lớp kém học thức nhất, cũng tỏ những dấu hiệu bất mãn và hoài nghi về cuộc sống của họ.



 Đâu đâu Lão Đam đặt chân đến cũng có những biểu hiện về một xã hội suy đồi. Đạo lý dường như không còn được biết đến nữa, phong hoá càng ngày càng xuống thấp. Ngay cả những môn đồ Đạo gia của ông cũng chỉ cầu mong tập luyện những phép biến hóa thần thông hơn là học theo lý Đạo và học cách sống hài hòa với thiên nhiên vũ trụ.



 Bất ổn lan tràn, quân binh đóng đầy ở biên giới chỉ chờ tấn công lẫn nhau. Còn đâu nữa hình ảnh những anh hùng hảo hán sẵn sàng trừ gian diệt bạo để cứu vớt kẻ cô thế. Luật lệ chiến trường cũng thay đổi, ngày xưa chỉ cần những danh tướng giao đấu với nhau, không gây tổn thất sinh mạng nhiều cho binh sĩ, giờ đây quân lính hai bên ùa vào chém giết, khiến máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Những cánh đồng bị bỏ hoang để trở thành chiến trường, dân chúng đói khổ, lại thêm bị đám binh lính cướp bóc, bức hại.


 Tình thế nhiễu nhương này là lúc nên rút lui quy ẩn, trở về chốn thiên nhiên mà tiêu dao tháng ngày. Người hôn phối đã quy tiên từ lâu, Lão Đam cũng chẳng còn chút ràng buộc gì mà không dứt áo ra đi lên lưng trâu giã từ chốn bụi trần. Một môn đồ thân tín nhất đi theo ông, lên đường từ từ đi về hướng Tây, phía mặt trời lặn.



 Càng đi xa khỏi kinh đô, Lão Đam càng cảm thấy thoải mái hơn. Đầu óc lâu nay vướng bận với những công việc triều chính đa đoan bỗng nhẹ nhõm và thông suốt hơn. Ông đã từng giữ chức sử quan quản thủ thư viện của triều đình. Dân Trung Quốc vốn trọng chữ nghĩa, Lão Đam với chức vụ quản thủ những sách quý của quốc gia đã được phong một tước vị danh giá dành cho người có kiến thức uyên bác, được trọng vọng nể vì.


 Nhưng sau bao năm tiếp xúc với những người được coi là khoa bảng triều đình, ông thấy họ đều đã bị cằn cỗi đi với cái học từ chương, chỉ biết lập lại lời của cổ nhân mà không dám có một ý kiến hay tư tưởng nào mới lạ, sợ sẽ mang vạ vào thân. Ông cảm thấy chán ngán đời sống vinh hoa giả tạo, thèm được đi về miền núi hít thở không khí trong lành, hòa nhập với năng lượng thuần khiết ở những nơi thanh cao ấy. Ông muốn ngồi xuống với những người bình dị, thẳng thắn, sẵn sàng nói ra những điều suy nghĩ, không sợ nhìn thẳng vào chính mình để tìm thấy chân lý của Đạo trong đó.


 Và thế là ông đã ra đi rời xa kinh đô trên lưng con trâu xanh, nói lời từ biệt cuối cùng với một số bạn bè và môn sinh, và bắt đầu cuộc phiêu du mới về một phương trời xa lạ.


 Vốn là người có tiếng tăm, nên khi đi qua những thành phố, ông được một số người đua nhau đón rước trọng thể, hi vọng sẽ nhờ cậy được vào thanh thế của ông để kiếm chút danh lợi. Ông cũng để mặc cho bọn họ ôm mộng, nhất là khi môn đồ đi theo đang đói và lạnh, cần có một chút đồ ăn thức uống, một nơi ấm áp để nghỉ chân. Ông cẩn thận không hứa hẹn điều gì, nhận thấy rõ lòng tham trong mắt họ khi họ đang đon đả nói cười. Họ giống như những hình nhân múa rối trong những màn kịch giả tạo của thế nhân. Ông nói: “Người hiểu Đạo chỉ cần no bụng, không cầu vui mắt, bỏ xa xỉ, đa dục mà chọn cái vô dục.” Bọn họ lại hiểu sai ý, xum xoe cười ha hả: “Thật hân hạnh thay cho đám tiện nhân được đại quan chiếu cố những món ăn hèn mọn này. Xin đại quan cứ tự nhiên thưởng thức cho.”


 Tất cả những thành phố đã đi qua, bây giờ Lão Đam bắt đầu đi vào vùng hoang dã, nơi ông dự định sẽ sống những ngày còn lại trong sự an bình, yên tĩnh và hài hòa với thiên nhiên vũ trụ. Còn một biên giới cuối cùng phải vượt qua, biên giới thử thách cuối cùng cho quyết tâm xa lánh đời.


 Đến cuối ngày, Lão Đam đến ải cuối cùng ở biên cương. Quan giữ ải là Doãn Hỷ, một môn sinh khi xưa, cũng là chỗ thân tình, có tuổi thọ cũng gần ngang với ông. Doãn Hỷ đã đứng sẵn ở cổng đón chào.


 “Lão sư phụ,”
Doãn Hỷ chào mừng, nụ cười nở rộng trên bộ mặt nhăn nheo. “Xin rước thầy vào thăm tệ xá. Có phải thầy đang đi ngao du ra ngoài kinh đô chăng?”

 “Không,”
Lão Đam trả lời, “Giờ đây đối với ta những chuyện ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chuyến đi này là chuyến đi không trở về của ta đến một miền thật xa.” Ông chỉ về phía sa mạc xa tận chân trời.


 Doãn Hỷ cau mày, “Nhưng như vậy sẽ nhiều gian nan lắm, có khi còn có thể mất mạng nữa.”


 “Không sao”
, Lão Đam nói, “Đã đến lúc ta rời bỏ cõi đời tục luỵ này và trở về sống với Đạo.”



 Sau một bữa cơm đạm bạc ngon lành, cả ba ngưòi ngồi quây quần bên bếp lửa, lắng nghe tiếng đêm trong không gian yên lặng.


 Doãn Hỷ nói, “Sư phụ, nếu thầy thật sự ra đi không trở lại, xin thầy hãy để lại ít lời chỉ giáo để cho các môn đồ nương tựa vào trong thời thế nhiễu nhương sắp tới.”

 “Ta e rằng lúc ta nói họ còn không nghe, thì làm sao họ chịu đọc những lời ta viết.”
Lão Đam trả lời.


 Người môn sinh đi theo Lão Đam ngồi yên lặng trong bóng tối. Chàng đã hết lời xin thầy để lại những lời chỉ dạy, nhưng chẳng được kết quả gì. Chính vì thế chàng đã chọn từ bỏ cuộc đời an nhàn ở chốn phồn hoa đô hội để đi theo thầy về nơi vô định, để được gần cận bên thầy trong những ngày tháng lâu dài sắp tới.


 Doãn Hỷ năn nỉ, “Nhưng nếu tình hình sẽ càng ngày càng tệ đi như thầy nói, chắc chắn là người đời sẽ còn cần đến trí tuệ truyền lại trong lời dạy của thầy nhiều hơn nữa.”


 “Ta không muốn viết xuống gì cả,”
Lão Đam nói, đứng dạy vươn vai. “Thật ra ngôn từ giới hạn làm sao diễn tả nổi cái bao la vô hạn của Đạo, dù có dùng những lời lẽ trau chuốt đến thế nào chăng nữa. Thôi ta đi ngủ đây, ngày mai ta sẽ lên đường sớm.”



 Trước khi đi ngủ, Lão Đam còn ngồi một lúc lâu, nghĩ lại những lời Doãn Hỷ đã nói. Ông cảm thấy hơi áy náy về việc đã ra đi bỏ lại bạn bè, môn sinh ở chốn cũ kinh đô. Có lẽ ông cũng nên viết vài dòng để lại. Có lẽ điều đó có thể còn giúp cho ông sáng suốt hơn nữa. Thế là ông lấy giấy bút ra, bắt đầu mài mực. Nhưng khi vừa đặt bút lên, ông lại dừng tay suy nghĩ.


 Làm sao có thể truyền được cái bao la thâm diệu của Đạo qua văn từ ngôn ngữ? Làm sao, chỉ trong vài trang giấy, ông có thể ghi lại tất cả những điều đã chứng nghiệm? Trong một thoáng ông cảm thấy dường như điều đó quá tầm tay, nhưng rồi ông lại cảm thấy phần nào trách nhiệm khi rời xa cõi trần ai ô trọc này, mặc kệ cho người đời sống vất vưởng trong sợ hãi và u tối. Có lẽ viết một chút gì đó để lại cũng là bổn phận của ông, để chứng tỏ sự quan tâm của ông đến với người đời.


 Và thế là, sau một hơi thở sâu “xuống đến gót chân” ông đặt bút bắt đầu viết:


 Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường Danh…


 Đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo thường hằng vĩnh cửu, Tên mà có thể gọi ra được không phải là tên thường hằng bất biến. “Không” là gốc nguyên thủy của trời đất, “Có” là gọi mẹ sinh ra vạn vật. Cho nên thường ở trong Không thì thấy được thể tánh vi diệu của Không, thường ở trong “Có” thì thấy được cái công dụng kỳ diệu của Có. Tuy tên gọi khác (Có và Không) nhưng đồng là một cùng xuất phát ra, đó là huyền diệu. Huyền diệu lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kỳ diệu…


 Ở trong chỗ không lặng tột cùng (cực hư cực tĩnh) thấy vạn vật sinh trưởng rồi lại trở về nguồn, vạn vật phồn thịnh rồi lại trở về gốc (luật phản phục). Trở về gốc thì tĩnh, là trở về mệnh (phục mệnh)). Trở về mệnh là Thường (bất biến). Biết Thường thì sáng suốt, không biết Thường thì vọng động, gặp hung. Biết Thường thì bao dung, bao dung thì công chính, công chính thì thành toàn, thành toàn thì hợp với trời, trời hợp với Đạo, hợp với Đạo thì vĩnh cửu, suốt đời không nguy…




 Hôm sau, Lão Đam ra đi biệt tích, để lại một bài viết khoảng 5000 chữ. Bài viết này được người đời gọi là Lão Tử, đến đời Hán Cảnh Đế (thế kỷ thứ 2 trước TL) được tôn lên là Đạo Đức Kinh. Chỉ vỏn vẹn 5000 chữ, nhưng trong đó đã cô đọng những triết thuyết của Lão Đam về vũ trụ và con người. Nguồn gốc khởi thủy của vũ trụ và con người là điều không thể nghĩ bàn, không thể đặt tên, chỉ tạm gọi đó là Đạo. Đạo biểu hiện qua sự vận hành của hai yếu tố chính là Âm và Dương, trong một quy trình biến hóa theo những quy luật nhất định. Sống vô vi, hài hòa với thiên nhiên, không cưỡng chế, không mưu cầu, biết đủ, biết nhàn là sống hợp với Đạo. Đạo sinh ra vạn vật, Đức nuôi dưỡng cho vạn vật sinh tồn và phát triển. Đức là biểu hiện tự nhiên của Đạo. Biết sống theo Đức thì thiên hạ an vui, vạn vật thái hòa. Còn nếu đem ý mình áp đặt hay can thiệp vào các tiến trình tự nhiên thì sẽ gây rối loạn và tổn hại. Đạo Lão cùng với đạo Khổng và đạo Phật đã mang lại bản sắc đặc biệt cho nền văn minh văn hoá Trung Hoa, ảnh hưởng đến các nước khác của miền Đông Á cho đến Việt Nam. Nhưng trái với sự gò bó kỷ cương của đạo Khổng, đạo Lão mang nhiều tính chất phóng khoáng, như giòng nước trong mát êm dịu xuyên thấu, ôn nhu mà thắng được cương cường, bất động mà trị được động, là một lối thoát tinh thần trong cuộc sống chao động hàng ngày, cho người ta thấy còn có một Cõi Tiên để trở về trong Cõi Tục đầy phiền não. Cuộc đời của Lão Đam là cả một bí ẩn, ông xuất xứ từ đâu, và đi về đâu không ai biết được. Sự hiện diện của ông trên cõi thế này cũng mơ hồ và lãng đãng như những bức tranh sơn thủy đầy vẻ thoát tục. Nhưng những dòng chữ để lại đã in sâu vào lòng người từ bao nhiêu thế hệ, vượt qua mọi biên giới và thời đại. Lão Tử đã ra đi, nhưng cũng chính là trở về -- trở về với Đạo là trở về với cội nguồn nguyên thủy. Vạn vật, vạn pháp trong thế giới vũ trụ này đều bắt nguồn từ một cội nguồn nguyên thuỷ.



 Cách đó nhiều trăm năm sau, trong một nơi xa xôi về phía Tây cách Trung Quốc hàng vạn dặm, ở một nước được gọi là Thiên Trúc, có vị đạo sư đang nói những lời dặn dò với đệ tử chân truyền:


 “Phật pháp thậm thâm vi diệu, ít người có thể hiểu được. Nay chúng sanh trong xứ này càng ngày càng lún sâu trong tà thuyết giáo điều, e rằng Đạo Vô Thượng có nguy cơ bị suy tàn ở đây. Vậy con hãy qua Trung Quốc để truyền lại tinh tuý của Phật đạo được kế thừa từ thời Đức Phật Thích Ca đến nay. Ở đó Phật Pháp mới có cơ may tồn tại và phát huy tốt đẹp. Nhưng phải đợi 60 năm sau khi ta ra đi rồi mới có đủ thuận duyên để qua đó được.”


 Đệ tử Bồ Đề Đạt Ma thưa với thầy:

 “Liệu bên đó có những người có đủ căn cơ để truyền thừa Chánh Pháp được không? Con đi qua đó có sẽ gặp khó khăn gì không?”


 Đạo sư Bát Nhã Đa La trả lời:

 
 “Bên đó có nhiều người thượng căn, sau này những người chứng ngộ sẽ nhiều không kể xiết. Có thể sẽ gặp vài khó khăn, nhưng con sẽ đương đầu được. Qua đó rồi đừng lưu lại ở phía Nam, vì ở đó người ta chỉ chấp theo hữu vi hình tướng mà không hội được chân lý của Phật đạo.”


 Rồi ngài nói bài sấm ký đại ý như sau:


 Con sẽ vượt đại dương, qua đó gặp một con cừu, rồi bí mật vượt dòng sông, sẽ có hai kẻ ngu si hành động như trâu ngựa, và hai cây quế sẽ nở hoa vô tận. Mọi việc sẽ do hậu duệ của con hoàn tất. Phượng hoàng chỉ cần gieo một hạt kê cũng đủ cúng dường cho chư Phật mười phương.
Rồi ngài nói:

 “Con sẽ có một số đệ tử đạt được đạo quả.”



 Đạt Ma vâng lời, đến thời điểm bèn vượt muôn ngàn hải lý qua đến Trung Quốc. Khi Đạt Ma qua đến nơi, đạo Phật cũng đã hiện diện ở đó khá lâu, đang thời hưng thịnh. Chùa chiền được dựng lên khắp nơi, phần lớn là do vua chúa bỏ tiền ra xây cất, có những ngôi chùa thật tráng lệ huy hoàng chẳng khác gì hoàng cung để cho hoàng tộc vào tu lấy phước. Bồ Đề Đạt Ma đã đến viếng thăm một ngôi chùa vĩ đại nhất từ trước tới nay, với bảo tháp cao ngất trời và những chuông khánh bằng vàng treo dọc theo mái chùa ngân tiếng vang xa khắp nơi. Để xây cất những ngôi chùa nguy nga này, phải hao tổn biết bao nhiêu công quỹ, tận dụng biết bao nhiêu sức lực của người dân. Các tăng sĩ được nhiều đặc quyền, có đời sống nhàn hạ trong những tự viện bao la với ruộng đất xung công từ những vùng lân cận. Việc tu hành phần lớn trọng về hình thức lễ nghi, thiên về chữ nghĩa, chấp vào giáo điều kinh điển. Người ta tu chỉ cầu lấy quả phước, không cầu giải thoát. Pháp sư đăng đàn giảng pháp mà không hiểu Phật là gì. Đạt Ma nói: “Dù có giảng đến 12 bộ kinh mà không ngộ được tánh Phật nơi mình thì đó chỉ là những lời nói của Ma. Những người ấy nói pháp như mưa. Đem Phật Pháp ra giảng càn, làm như vậy là phỉ báng Đức Phật. Những kẻ si mê theo họ sẽ chỉ chìm đắm sâu hơn vào biển sinh tử luân hồi.”


 
 Ngài còn nói:


  “Người thời nay thật thiển cận. Họ chỉ biết cầu công đức nơi hình tướng, phung phí của cải, làm tổn hại muôn vật. Họ lo đắp tượng dựng tháp, huy động người chất gỗ xây gạch, tô xanh vẽ lục, mệt thân khổ trí, làm hao tổn bản thân và người khác, mà không hiểu biết đủ để thấy hổ thẹn. Chừng nào họ mới giác ngộ được? Hễ thấy cái gì hữu vi là ưa thích ngay, còn nếu nói đến vô vi thì ngẩn ngơ như mê hồn trận. Tham lam những cái phúc nhỏ nhoi của thế gian, họ làm sao biết được cái khổ lớn lao đang đến. Những người ấy tự làm nhọc mình vô ích; bỏ chánh theo tà, chỉ vọng nói đến thu hoạch quả phước.”



 Nhưng làm sao để giáo hóa chúng sanh? Lời nói dù chân thật nhưng với những người còn đầy kiến chấp thì chỉ tạo thêm tranh luận, càng đi xa vào mê lộ. Đạo Đức Kinh nói: “Người hiểu (Đạo) thì không nói, người nói là người không biết (Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri, chương 56)." Xưa kia Đức Phật Thích Ca đã để lại cho Ca Diếp bài kệ:


Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp


(Pháp vốn pháp không pháp
Pháp không pháp cũng pháp
Nay khi trao không pháp
Các pháp đâu từng pháp)



 Sứ mệnh của Đạt Ma là đem cái “ Pháp không Pháp” trao truyền lại trên đất nước Trung Hoa. Pháp không Pháp cũng như Đạo bất khả Đạo, Danh bất khả Danh, không thể giải bằng ngôn ngữ, mà chỉ có thể truyền bằng tâm. Cho nên Đạt Ma không thuyết pháp, không giảng kinh, mà chỉ dạy quán tâm: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”.



 Nhưng đối với những tâm hồn vọng động, có mấy người biết được thế nào là “Kiến tánh thành Phật”? Đạt Ma đã phải ẩn nhẫn diện bích chín năm ngồi chờ người xứng đáng để truyền đăng nối đuốc. Đất Trung quốc rộng lớn, thiên hạ bao la nhưng mấy ai hiểu được Đạt Ma? Tựa như Lão Đam khi xưa cũng ra đi về chốn mịt mù vì không ai hiểu được điều ông đã hiểu. “Đồ trân quý kẻ bần cùng không thể biết được, bậc chân nhân kẻ tà ngụy không thể nhận ra được.” Nhưng bậc đạo sư không cần ai hiểu mình, mà chỉ cần hoàn thành hạnh nguyện. Hạt giống Thiền do Đạt Ma đem theo sẽ khó sinh sôi nẩy nở được nếu đất Trung Hoa đã không được vun bồi sẵn với trí tuệ của Lão Tử.



 Thiền sư Suzuki đã nói như sau:


 “Đất Ấn độ quá siêu hình, dễ buông xuôi theo trí tưởng tượng huyền bí. Ấn độ là đất dụng võ của Duy Thức Tông, Chân Như Tông, Hoa Nghiêm Tông, Không Luận Tông…


 Còn Thiền tông, phải cần đến một tâm hồn đã từng thấm nhuần trong tư tưởng Lão Trang mà vẫn không tách ra ngoài những tình huống của cuộc sống đời thường.


 Điềm đạm, hào sảng, phần nào chân chất và bình thản, mẫn tiệp và quân bình đúng mức, đó là những đức tính cần thiết để đưa Thiền tông đến hiện trạng. Có nghĩa là: Nếu Phật giáo Đại thừa theo kiểu Long Thọ và Mã Minh, và các bộ Duy Ma Cật, Bát Nhã v.v.. và nhất là kinh Lăng Già không được các thiên tài Trung Hoa luyện chế lại, chắc chắn Thiền tông đã không bao giờ xuất hiện.”



 Sau khi đã thu dụng được Huệ Khả và vài người nữa làm đệ tử, một ngày kia Đạt Ma gọi các môn đồ đến bảo rằng:

 -Ngày ta ra đi cũng gần kề, vậy các ngươi thử nói cho ta biết chỗ sở đắc của từng người về pháp tu thiền xem thế nào.


 Lúc ấy, Đạo Phó bạch rằng:

 -Đệ tử không chấp văn tự, chẳng lìa văn tự. Đó là chỗ sở dụng của Đạo.


 Sơ tổ bảo:

 -Ngươi được phần da của ta.



 Ni Tổng Trì bạch :

 -Chỗ con hiểu thì thấy Đạo cũng như A Nan thấy được Phật A Súc, chỉ một lần là đủ.



 Sơ tổ bảo :

 -Ngươi được phần thịt của ta



 Đến lượt Đạo Dụ :

 -Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng thật, chỗ thấy của con là chỗ vô sở đắc.



 Sơ tổ bảo :

 -Ngươi được phần xương của ta.



 Sau cùng đến Huệ Khả chỉ đảnh lễ sơ Tổ rồi khoanh tay lặng yên không nói. Tổ bảo :

 -Ngươi được phần tủy của ta.




 Như Long Thọ nói : « Giới hạnh là Da, Thiền Định là thịt, Trí tuệ là xương, Diệu Tâm là tủy » , đó là cách định giá sở đắc của đệ tử về Thiền mà tổ Đạt Ma đã dùng.


 Chỗ rốt ráo của Phật đạo là « Không ». Tuy Không nhưng lại hàm chứa tất cả, đó là « Chân Không Diệu Hữu ». Tuyệt Quán Luận nói : « Giác ngộ hoàn toàn được lý Không của vạn pháp thì gọi là Phật, thông suốt mọi sự thì gọi là Đạo, từ pháp giới xuất sinh gọi là biến hóa, đến chỗ tột cùng tịch diệt thì đó là thường trú. »



 Đạo Đức Kinh nói đến tánh Không như sau : « Đạo bản thể thì hư không mà tác dụng thì vô cùng tận, nó uyên áo tựa như làm chủ vạn vật. Nó không để lộ tinh nhuệ, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hòa đồng với trần tục ; nó sâu kín mà dường như trường tồn. Ta không biết nó từ đâu sinh ra, có lẽ nó có trước Thượng Đế. »(chương 4).



 Con người thường chấp vào hình tướng, tự nhận tướng là mình. Nhưng nếu tự phản chiếu cho đến tận cùng thì không thấy có ai là Ta cả. Con người mà chúng ta tưởng là Ta đó thật huyễn ảo, mong manh, có đó rồi mất đó, như người ở trong mộng. Cho nên mọi sự thấy Có là Vô Thường, còn Không lại là Thường. Biết Thường (Không) thì tâm sẽ an định, không còn sợ hãi, ngăn ngại, theo như kinh Bát Nhã. Đạo Đức Kinh nói : « Biết Thường thì sáng suốt, không biết Thường thì vọng động mà gây họa » (Tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác, hung, chương 16).



 Biết Thường (Không) rồi thì không còn chấp Ngã, cho nên làm tất cả mọi việc mà như không làm, vì không có cái Ngã để thấy có người làm (vô tác nhi tác). Vô Ngã thì mọi việc làm đều lợi ích chúng sinh. Đạo Đức Kinh nói đến Vô Ngã trong chương 11 như sau :



 Ba mươi tay thợ khéo đều chung vào làm nên một cái bầu, nhưng thật ra chính nhờ khoảng trống trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng không ở trong mà chén bát mới dùng được. Vậy ta tưởng cái Có (bầu, chén, bát) có lợi cho ta mà thực ra cái Không mới làm cho cái Có hữu dụng vậy.




 Đến đời Tổ thứ sáu là Huệ Năng, có vị thiền sư tên Huyền Giác tinh thông pháp môn Chỉ Quán của tông Thiên Thai, nhân đọc kinh Duy Ma Cật mà hiểu rõ lý đạo, bèn đến gặp tổ để xin ấn chứng. Chỉ một đêm ở lại đó Huyền Giác được Lục Tổ ấn chứng, nên được người đời gọi là « Nhất túc giác » (chứng giác trong một đêm). Sau này Huyền Giác làm bài thơ Chứng Đạo Ca mở đầu như sau :



 Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

 Bất trừ vọng tưởng, bất cầu chân



 Bài thơ tràn đầy ý Phật, nhưng bàng bạc sắc thái của Lão. Lão và Phật đã quyện vào nhau thành một cây Thiền tông đơm hoa kết trái nở rộ. Nếu không có Lão, Phật đạo sẽ không phát triển huy hoàng được ở Trung Hoa. Ngược lại, nếu không có Phật, những ý nghĩa thâm trầm sâu xa về Đạo của Lão Tử sẽ không được lý giải rốt ráo. Đâu là ranh giới giữa Lão giáo và Phật giáo? Nói cho cùng, tất cả đều bắt nguồn từ một gốc nguyên thủy. Lão đưa người ta trên con đường chuyển hóa từ Phàm Nhân thành Chân Nhân. Phật tiến hơn một bước vượt ngoài sáu cõi, soi tỏ trong ngoài khắp mười phương mà an nhiên trụ nơi gốc vô sinh vô diệt.



 Huyền diệu lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kỳ diệu.



Ngọc Bảo
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật