PHƯƠNG THUỐC THOÁT KHỔ CỦA PHẬT GIÁO - Lama Thubten

01 Tháng Tám 202012:00 SA(Xem: 2081)


an_lac


Phương Thuốc Thoát Khổ Của Phật Giáo
Qua Cuộc Hội Thoại Của Đức Lama Thubten

Nếu muốn có hạnh phúc, thì cơ thể của bạn trở nên mạnh khỏe là điều rất quan trọng, bởi vì sự liên kết chặt chẽ giữa hệ thần kinh vật lý và tâm thức của bạn. Sự nhiễu loạn trong hệ thống thần kinh của bạn sẽ gây ra sự nhiễu loạn cho tâm; sự biến chuyển của cơ thể gây nên sự biến chuyển tâm thức. Có một sự liên kết mạnh mẽ giữa thân và tâm.

Hỏi: Ngài có hỏi người khác những vấn đề về chính anh ta hoặc cách anh ta cảm thấy giúp mình hiểu chính mình?

Lama: Đôi lúc chúng tôi thực hiện nhưng không thường xuyên. Một số người có những vấn đề khá đặc trưng; trong các trường hợp như vậy, nó có thể giúp để biết chính xác những gì các vấn đề đó xuất hiện khiến chúng ta đưa ra các giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, không cần thiết phải thường xuyên bởi về mặt cơ bản, các vấn đề của mọi người đều như nhau.

Hỏi: Ngài phải mất bao lâu để nói chuyện với người đó nhằm giúp anh ta nhận ra vấn đề của mình và cách giải quyết nó? Như Ngài biết, theo tâm lý trị liệu phương Tây, chúng ta phải mất một thời gian lâu dài với các bệnh nhân để giúp họ nhận ra bản chất các vấn đề của chính họ. Ngài sử dụng cách tương tự hoặc thực hiện nó theo phương thức khác biệt?

Lama: Phương pháp của chúng tôi không cần phải mất nhiều thời gian với con người theo cá thể riêng biệt. Chúng tôi giải thích bản chất cốt yếu của các vấn đề và khả năng vượt qua chúng; sau đó, chúng tôi chỉ dạy các kỹ thuật cơ bản để đối phó với các vấn đề. Họ thực tập những kỹ thuật này; một lát sau, chúng tôi kiểm soát lại để thấy rõ những gì kinh nghiệm của họ hiện có.

Hỏi: Về cơ bản, Ngài đang cho rằng đều có các vấn đề giống nhau?

Lama: Vâng, đúng thế. Về căn bản,  Đông và Tây đều giống nhau. Tuy nhiên, ở phương Tây, con người thường mắc bệnh trên phương diện lâm sàng trước khi bạn sẽ nói họ bị bệnh. Đối với chúng tôi, điều đó quá thiển cận. Theo tâm lý học Phật giáo và kinh nghiệm của các Lama, bệnh tật bùng phát sâu hơn chỉ bởi vì biểu hiện của các triệu chứng lâm sàng. Miễn là đại dương của bất mãn vẫn còn trong bạn, thì những thay đổi nhỏ nhất trong môi trường cũng có thể đủ để gây ra một vấn đề. Đối với chúng tôi, ngay việc trở nên nhạy cảm với các vấn đề trong tương lai cũng có nghĩa tâm bạn không lành mạnh. Về căn bản, ở đây, tất cả chúng ta đều giống nhau, trong đó tâm của chúng ta thường bất mãn. Cuối cùng, một thay đổi nhỏ nhặt ở môi trường ngoại tại có thể khiến chúng ta mắc bệnh. Vì sao? Bởi vì vấn đề căn bản nằm trong tâm của chúng ta. Quan trọng là phải tận diệt vấn đề căn bản hơn là bỏ phí hết thời gian của mình để nổ lực giải quyết các vấn đề thuộc cảm xúc bên ngoài. Giải pháp này không chấm dứt kinh nghiệm liên tục về các vấn đề của chúng ta; nó chỉ đơn thuần thay thế một vấn đề mới đối với điều chúng ta tin tưởng mình đã hoàn toàn giải quyết.

Hỏi: Vấn đề cơ bản của tôi giống với vấn đề cơ bản của anh ta?

Lama: Vâng, vấn đề cơ bản của mọi người là những gì chúng ta goi vô minh—không hiểu rõ bản chất của tâm bất mãn. Chỉ cần có tâm thức này, thì bạn đang ở trên cùng chuyến thuyền như mọi người khác. Việc không có khả năng để nhìn rõ thực tại này không phải là vấn đề riêng biệt của phương Đông hay phương Tây. Nó là một vấn đề chung của nhân loại.

Hỏi: Vấn đề cơ bản là không biết rõ bản chất của tâm Ngài?

Lama: Vâng, đúng vậy.

Hỏi: Và tâm của mọi người có bản chất giống nhau?

Lama: Vâng, bản chất đều giống nhau.

Hỏi: Mỗi người có vấn đề cơ bản giống nhau?

Lama: Vâng, nhưng có khác biệt. Ví dụ, cách đây một trăm năm, con người ở phương Tây đã có những vấn đề nhất định. Thông qua sự phát triển kỹ thuật ở quy mô lớn, họ đã giải quyết nhiều vấn đề trong số đó, nhưng bây giờ, các vấn đề khác thay thế cho chúng. Đó là những gì tôi đang nói. Các vấn đề mới thay thế các vấn đề cũ, nhưng chúng vẫn là vấn đề, bởi vì vấn đề cơ bản còn tồn động. Vấn đề cơ bản giống như một đại dương; những vấn đề chúng ta nỗ lực giải quyết giống như các con sóng. Đó là điều tương tự ở phương Đông. Tại Ấn Độ, các vấn đề của con người trong các làng mạc khác với những vấn đề của con người sống ở thủ đô New Delhi, nhưng chúng vẫn là những vấn đề. Dù ở phương Đông hay phương Tây thì vấn đề cơ bản luôn giống nhau.

Hỏi: Lama, như tôi hiểu nó, Ngài đã nói rằng vấn đề cơ bản là thuộc về các cá nhân đánh mất sự tiếp xúc với bản chất của họ. Bằng cách nào chúng ta đánh mất sự tiếp xúc với bản chát của chính mình? Tại sao nó xảy ra?

Lama: Một lý do là chúng ta quá bận tâm với những gì đang xảy ra bên ngoài bản thân. Chúng ta quá chú ý đến những gì đang xảy ra trong thế giới cảm giác mà chúng ta không tận dụng thời gian để quán chiếu những gì đang xuất hiện trong tâm mình. Chúng ta chưa bao giờ tự hỏi tại sao thế giới cảm giác quá hấp dẫn, tại sao những điều xảy ra như chúng thể hiện, tại sao chúng ta phản ứng lại chúng. Tôi không cho rằng chúng ta nên phớt lờ thế giới ngoại tại, nhưng ít nhất chúng ta nên sử dụng một lượng năng lực đủ để phân tích mối quan hệ của mình với nó. Nếu không nhận thức rõ bản chất của cả đối tượng lẫn chủ thể, thì chúng ta thực sự không thể chấm dứt các vấn đề của mình. Bạn cảm thấy rằng đời sống vật chất của mình là hoàn hảo, nhưng bạn có thể tự hỏi “điều này thực sự làm tôi hài lòng? Tất cả điều này có hiện hữu?”. Bạn có thể xét lại tâm mình xem “sự hài lòng thực chất bắt nguồn từ đâu?”. Nếu hiểu được sự hài lòng không chỉ phụ thuộc vào các pháp bên ngoài, thì bạn có thể tận hưởng các sở hữu vật chất và tâm an vui.

Hỏi: Bản chất sự hài lòng của mỗi người là khác nhau hoặc giống nhau đối với con người nói chung?

Lama: Nói một cách tương đối, thì mỗi cá nhân đều có cách suy nghĩ, cảm giác và sự phân biệt ; do đó, sở thích của mỗi người là tùy thuộc về cá nhân. Nó chỉ ở mức tương đối. Nhưng nếu quan sát sâu hơn các cấp độ cảm giác, hạnh phúc và an vui lâu dài hơn, bạn sẽ thấy rõ mọi người có thể đạt dược các mức độ an vui đồng nhất. Trong thế giới tương đối trần tục này, chúng ta nghĩ “những sở thích và khoái lạc của tôi là như vậy, do đó tôi phải có cái này hoặc cái kia. Nếu không thấy tôi ở trong các môi trường như vậy, tôi sẽ khổ đau”. Một cách tương đối, các kinh nghiệm của chúng ta đều có tính cách cá nhân; mỗi người chúng ta phân biệt theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, về phương diện tuyệt đối, chúng ta có thể kinh qua cấp độ hạnh phúc cá nhân.

Hỏi: Lama, Ngài giải quyết các vấn đề của con người bằng cách đặt họ vào tư thế thiền định hoặc khiến họ cắt đứt quan hệ với thế giới bên ngoài? Đó có phải là cách Ngài trị liệu cho họ?

Lama: Không nhất thiết như vậy. Con người nên hoàn toàn ý thức những gì đang xảy ra trong tâm họ và phản ứng trong tâm đối với thế giới bên ngoài, những yếu tố nào tác động tới môi trường hiện hữu trong tâm. Bạn không thể đóng kín cuộc sống của mình với thế giới bên ngoài; bạn phải đối mặt với nó; bạn mở lòng ra với mọi thứ.

Hỏi: Cách trị liệu của Ngài luôn luôn thành công?

Lama: Không. Không nhất thiết như thế.

Hỏi: Những gì khiến nó thành công trong các trường hợp chắc chắn?

Lama: Đôi lúc có vấn đề trong sự truyền đạt; mọi người không hiểu được những tôi đang trình bày. Có lẽ mọi người không có kiên nhẫn để áp dụng những phương pháp hành động mà tôi đã giới thiệu. Phải mất thời gian để điều trị tâm phiền não. Việc chuyển hóa tâm thức không giống như tô vẽ một căn nhà. Bạn có thể thay đổi màu sắc của căn nhà trong vòng một tiếng đồng hồ, nhưng mất nhiều thời gian hơn nữa để chuyển hóa tình trạng tâm thức.

Hỏi: Ngài muốn nói thời gian thích hợp là bao lâu? Nhiều tháng hoặc nhiều năm?

Lama: Điều đó tùy thuộc vào từng cá nhân và vấn đề chúng ta đang gặp phải. Nếu có vấn đề với cha mẹ mình, bạn có thể giải quyết nó trong vòng một tháng. Tuy nhiên, việc chuyển hóa và giải trừ tâm phiền não cơ bản phải mất nhiều năm. Nhìn các đợt sóng thì rất dễ, nhưng thấy được lòng dại dương thì khó hơn. Cám ơn bạn, đó là một câu hỏi rất hay.

Hỏi: Ngài có bất kỳ kế hoạch nào để lựa chọn những người có thể nổ lực giúp đở họ?

Lama: Không, chúng tôi không có bất cứ kế hoạch chọn lựa nào.

Hỏi: Người ta có thể đến gặp Ngài?

Lama: Vâng, bất cứ ai cũng có thể đến gặp tôi. Bất kể màu da, nòi giống, giai cấp hoặc giới tính, tất cả mọi người đều có tiềm năng giải quyết các vấn đề của họ. Không có vấn đề nào không thể được giải quyết bằng trí tuệ con người. Nếu có trí tuệ, bạn có thể giải quyết tất cả các vấn đề.

Hỏi: Đối với những người không có trí tuệ như vậy thì sao?

Lama: Lúc ấy, bạn phải chỉ dạy cho họ cách thức phát triển trí tuệ. Trí tuệ không phải là trực giác; bạn phải giúp khai mở tâm họ với trí tuệ.

Hỏi: Ngài có thể giúp những đứa bé giải quyết các vấn đề theo cách này?

Lama: Đó là điều nhất định có thể làm. Tuy nhiên đối với trẻ con, bạn không thể lúc nào cũng nói lý lẽ với chúng. Đôi lúc, bạn phải cho chúng thấy những điều qua những kỹ thuật hay hành động. Thỉnh thoảng, không cần phải dùng trí tuệ để bảo chúng phải làm cái này hoặc cái kia.

Hỏi: Lama, lời khuyên thích hợp nào mà Ngài chỉ cho cha mẹ để giúp con cái của họ biết rõ bản chất nội tại của chúng?

Lama: Trước hết, tôi chắc chắn rằng tốt hơn là không nên giảng giải cho chúng nó bằng lời nói. Việc hành động đúng đắn và tạo môi trường yên bình có thể mang lại hiệu quả nhiều hơn. Nếu bạn làm như vậy, tự động các đứa trẻ sẽ học hỏi theo được, ngay cả các em bé dễ bị kích động. Tôi nhớ khi còn nhỏ, khi cha mẹ tôi cãi nhau, tôi đã cảm thấy sợ hãi vô cùng;  thực sự là đau khổ. Bạn không cần phải dạy bảo những đứa trẻ quá nhiều, chỉ cần phải cư xử cho phù hợp, ôn hòa và nhẹ nhàng, đồng thời tạo nên một môi trường tốt, đặc biệt khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu ngôn ngữ.

Hỏi: Tinh trạng của thân trong hạnh phúc con người quan trọng như thế nào?

Lama: Nếu muốn có hạnh phúc, một thân thể mạnh khỏe là điều rất quan trọng, bởi vì có sự liên kết chặt chẽ giữa hệ thần kinh vật lý và tâm thức. Sự nhiễu loạn trong hệ thống thần kinh sẽ gây ra sự nhiễu loạn cho tâm; sự biến chuyển của cơ thể gây nên sự biến chuyển trong tâm thức. Thân và tâm có sự liên kết mạnh mẽ với nhau.

Hỏi: Ngài có bất cứ lời khuyên nào liên quan đến việc ăn kiêng hoặc những giới luật nhằm giữ cho thân thể khỏe mạnh?

Lama: Cả hai điều trên đều rất quan trọng. Tất nhiên, tất cả chúng ta luôn khác biệt, vì thế, bạn không thể nói rằng việc ăn kiêng giống nhau sẽ phù hợp với mọi người. Về cá nhân, cơ thể của chúng ta quen với cách ăn kiêng riêng, vì vậy, thay đổi chế độ ăn uống cơ bản có thể gây chấn động với hệ thống trong cơ thể chúng ta. Cũng thế, hoạt động tình dục quá nhiều có thể làm cho thân và tâm của chúng ta trở nên suy yếu, năng lực thiền định hoặc trí tuệ thâm sâu cũng trở nên nông cạn.

Hỏi: Thưa Ngài, quá nhiều là thế nào?

Lama: Điều đó tùy thuộc vào từng cá nhân. Nó không giống nhau đối với mọi người. Năng lực cơ thể của mỗi người đều khác nhau, nên hãy quán sát qua kinh nghiệm của chính bạn.

Hỏi: Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Lý do chúng ta sống là gì?

Lama: Nếu có liên hệ đến thế giới cảm giác, thì chúng ta có thân, vì vậy, chúng ta phải sống với chúng.

Hỏi: Tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải đi bất cứ nơi nào không?

Lama: Vâng, tất nhiên, bạn không có chọn lựa. Bạn không tồn tại mãi mãi, do đó, bạn phải đi. Cơ thể của bạn do bốn yếu tố (bốn đại) thường xuyên biến đổi đất, nước, gió, lửa tạo nên. Khi chúng hợp lại, bạn phát triển hợp lý và khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu một trong bốn yếu tố đó ly tán, có thể gây xáo trộn trong cơ thể và khiến đời sống của bạn bị kết thúc .

Hỏi: Và sau đó, điều gì xảy ra? Chũng ta có đầu thai không?

Lama: Vâng, chúng phải đầu thai. Tâm hoặc ý thức của bạn khác với thân vật lý máu thịt. Khi chết, bạn lìa khỏi thân xác và tâm bạn nương gá vào một thân xác mới. Từ vô thỉ, chúng ta đã từng chết và tái sanh vào những thân xác này đến thân xác khác. Đó là những gì chúng ta hiểu. Tâm lý học của Phật giáo dạy rằng, bản chất đặc thù của tâm là hoàn toàn khác biệt với thân vật lý.

Hỏi: Chũng ta sống để tiếp tục cải thiện chính mình? Khi trở về già, Ngài sẽ tốt hơn bây giờ?

Lama: Bạn không bao giờ chắc chắn được điều đó. Đôi lúc người già tồi tệ hơn trẻ con. Điều đó phụ thuộc vào trí tuệ của bạn. Một số đứa bé thông minh hơn người già. Bạn cần có trí tuệ để phát huy suốt cuộc đời của mình.

Hỏi: Trong kiếp này, nếu hiểu được chính mình tốt hơn, Ngài sẽ cải thiện được trong kiếp sau?

Lama: Chắc chắn vậy. Bạn càng hiểu rõ bản chất của tâm mình trong đời này, sẽ càng thấu suốt bản chất tâm mình trong đời sau hơn. Ngay trong đời này, nếu hôm nay hiểu được bản chất của chính mình tốt hơn, thì tháng sau kinh nghiệm của mình cũng sẽ tốt hơn.

Hỏi: Lama, Niết bàn có nghĩa là gì?

Lama: Niết-bàn là phiên âm từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là tự do hoặc giải thoát. Giải thoát ở đây chính là giải thoát nội tại. Điều đó muốn nói con tim của bạn không còn bị tâm bất mãn, buông lung và phóng dật ràng buộc nữa, không bị chấp thủ trói buộc. Khi nhạn thức rõ bản chất tuyệt đối của tâm mình, bạn giải thoát khỏi ngục tù vô minh và có thể tìm thấy an vui  không hề phụ thuộc vào các đối tượng cảm giác. Tâm của chúng ta bị ràng buộc bởi vì khái niệm về bản ngã; để buông bỏ những ràng buộc này, chúng ta phải buông xả bản ngã của mình. Buông bỏ bản ngã dường như là điều xa lạ đối với bạn, chắc chắn đó không phải là một điều được nói đến ở phương Tây, ngược lại chúng ta được dạy rằng phải xác định bản ngã của mình; nếu không có một bản ngã mạnh mẽ, ta sẽ không tồn tại, không phải là con người và thiếu nghị lực. Đây dường như là quan điểm của xã hội.

Tuy nhiên, theo quan điểm tâm lý học Phật giáo, ý thức bản ngã là vấn đề lớn nhất của chúng ta, là vua của các vấn đề - các cảm xúc của căn thức tương tự giống như các bộ trưởng, bản ngã là vua. Khi ra khỏi bản ngã, nội các của những vọng tưởng cũng biến mất, tâm ràng buộc bởi những kích động không còn tồn tại và bạn đạt được một trạng thái tâm hạnh phúc vĩnh viễn. Đó là điều chúng ta gọi là Niết-bàn, tức giải thoát nội tại. Tâm của bạn không còn bị lệ thuộc, không bị ràng buộc vào bất cứ điều gì khác nữa, giống như nó đang hiện hữu trong giây phút hiện tại. Hiện giờ, bởi vì tâm chúng ta phụ thuộc vào trần cảnh bên ngoài, khi các cảnh tượng đó biến chuyển, tâm chúng ta cũng biến chuyển theo . Chúng ta không có sự chế ngự; tâm của chúng ta bị dẫn dắt như con thú bị xỏ dây vào mũi. Chúng ta không có giải thoát và bị ràng buộc. Tất nhiên, chúng ta nghĩ mình có thể tự giải thoát và không bị ràng buộc, nhưng thực chất là không. Nội tại chúng ta không được giải thoát. Mỗi khi tâm buông lung sanh khởi, chúng ta nhận chịu khổ đau. Do đó, giải thoát có nghĩa là thoát khỏi sự phụ thuộc vào các hiện tượng bên ngoài và kinh nghiệm sự bền vững, hạnh phúc miên viễn, thay vì phải thăng trầm trong các kiếp sống trần tục thế gian. Đó là Niết-bàn. Tất nhiên, đây chỉ là giải thích tóm lược; chúng ta có thể trình bày nhiều hơn nữa, nhưng không phải là bây giờ. Tuy nhiên, nếu hiểu được bản chất giải thoát nội tại, thì bạn sẽ nhận thức rõ ràng rằng những cảm giác khoái lạc nhất thời không bao giờ đầy đủ và chúng không phải là điều quan trọng nhất. Bạn nhận thức rõ là trong con người của bạn, bạn có năng lực và phương pháp để đạt được trạng thái an vui tuyệt đối vĩnh cửu. Và bạn có một viễn ảnh mới trong cuộc sống.

Hỏi: Tại sao Ngài cho rằng các phương pháp tâm lý của Phật giáo đưa ra cho từng cá nhân sẽ có cơ hội thành công tốt hơn để đạt được hạnh phúc miên viễn trong khi những phương pháp khác có lẽ có khác biệt lớn trong việc thực hiện điều này và đôi lúc không bao giờ thực hiện?

Lama: Tôi không cho rằng bởi vì các phương pháp của Phật giáo được ứng dụng hiệu quả nên chúng ta không cần đến bất kỳ phương pháp nào khác. Con người khác biệt với nhau; các vấn đề cá nhân đòi hỏi các giải pháp thuộc về cá nhân. Một phương pháp chung không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Ở phương Tây, bạn không thể nói rằng Cơ-đốc giáo đưa ra một giải pháp cho tất cả các vấn đề của nhân loại nên chúng ta không cần tâm lý học, Ấn Độ giáo hoặc bất cứ triết lý nào khác. Đó là điều sai lầm. Chúng ta cần nhiều phương pháp khác nhau bởi vì con người có những cá tính khác nhau và những cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, câu hỏi thiết yếu cần đặt ra là phương pháp nào có thể thực sự hoàn toàn chấm dứt các vấn đề của nhân loại ? Trên thực tế, chính đức Phật đã dạy nhiều giải pháp tâm lý tuyệt vời cho hàng loạt các vấn đề. Một số người nghĩ rằng đạo Phật là một chủ đề khá nhỏ bé. Nhưng thực chất, đức Phật đã đưa ra hàng tỉ giải pháp cho vô số vấn đề mà con người phải đối phó. Hầu hết nó giống như giải pháp cá nhân được trao cho mỗi cá nhân. Phật giáo không bao giờ cho rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề và “đây là cách duy nhất”. Đức Phật đã nêu ra nhiều giải pháp tuyệt diệu giải quyết mọi vấn đề của con người. Không phải bất cứ vấn đề đặc biệt nào cũng cần được giải quyết tất cả cùng một lúc. Một số vấn đề cần phảỉ giải quyết từ từ, tùy theo cấp độ. Các phương pháp của Phật giáo cũng nêu ra điều này theo trình tự. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nhiều giải pháp.

Hỏi: Đôi lúc, chúng ta thấy các bệnh nhân bị quấy rầy quá mức rằng họ cần liều lượng thuốc khác nhau hoặc nhiều thời gian trước khi Ngài có thể thông tri cho họ. Bằng cách nào để tiếp cận với một số người mà Ngài thậm chí không thể thông tri qua phương diện tri thức?

Lama: Trước hết, chúng ta phải từ từ cố gắng trở thành bạn bè để có được niềm tin của họ. Sau đó, khi họ cởi mở, thì chúng ta bắt đầu truyền đạt thông tin. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng làm thế. Môi trường hoàn cảnh rất quan trọng—một căn nhà yên tĩnh ở thôn quê; một nơi chốn bình yên, những bức tranh phù hợp, màu sắc trị liệu v.v  Điều đó thật khó khăn.

Hỏi: Một số nhà tâm lý học phương Tây tin rằng sự kích động là một phần quan trọng và cần thiết của bản chất con người, tức giận là một loại động lực tích cực, mặc dù đôi khi nó khiến con người trở nên phiền muộn. Vậy, Ngài nhìn nhận thế nào về tức giận và kích động?

Lama: Tôi khuyên mọi người không nên biểu lộ sự tức giận của mình, không để sự tức giận bọc phát ra bên ngoài. Thay vào đó, tôi khuyến khích mọi người cố gắng hiểu rõ tại sao họ tức giận, những gì gây nên tức giận và cách mà tức giận phát khởi. Khi nhận thức rõ những điều này, thay vì biểu lộ ra bên ngoài, sự tức giận của bạn tự biến mất. Ở phương Tây, một số người tin rằng bạn thoát khỏi tức giận bằng cách biểu lộ nó, bạn chấm dứt tức giận bằng cách cho phép nó bộc lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, trong trường hợp này, những gì xảy ra là bạn để lại một ấn tượng trong tâm mình để trở nên tức giận. Kết quả chính là sự đối lập với những gì họ tin tưởng. Có vẽ như sự tức giận của bạn đã biến mất, nhưng trên thực tế, bạn đang tích tập trong tâm mình nhiều tức giận hơn. Các ấn tượng mà tức giận để lại trong ý thức của bạn chỉ đơn giản là củng cố xu hướng phản đối các tình huống tức giận hơn. Tuy nhiên, việc không cho phép tức giận biểu hiện ra bên ngoài không có nghĩa là bạn đè nén và đóng kín nó. Điều đó cũng nguy hiểm. Bạn phải tìm hiểu bản chất sâu hơn của tức giận, sự kích động và lo âu hoặc bất cứ điều gì gây phiền muộn cho mình. Khi nhận thức rõ bản chất sâu hơn của năng lực tiêu cực, bạn sẽ thấy rằng nó thật sự hoàn toàn không có thực, chỉ là tâm. Khi biểu hiện tâm thức của bạn thay đổi, thì năng lực tiêu cực biến mất, được trí tuệ chuyển hóa mà hiểu rõ bản chất của tức giận, hận thù, kích động v.v

Hỏi: Những giây phút đầu tiên của tức giận xuất phát từ đâu? Tức giận đã để lại ấn tượng này tiếp nối ấn tượng khác?

Lama: Tức giận xuất phát từ chấp thủ cảm xúc khoái lạc. Hãy quán chiếu. Đây là tâm lý học tuyệt vời, nhưng có thể rất khó hiểu. Khi có người đụng đến một cái gì đó bạn đang nắm bắt, bạn sẽ cảm thấy bực bội. Chấp thủ là nguồn gốc của tức giận.

Tiến sĩ Gold: Vâng, Lama, cám ơn Ngài rất nhiều đã đến đây và viếng thăm chúng tôi. Đó là một điều quá sức tuyệt vời.

Lama: Cám ơn các bạn rất nhiều, tôi rất hạnh phúc khi gặp gỡ tất cả các bạn.

(sưu tầm)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật