ĐỨC PHẬT, NHÀ KHOA HỌC CỦA DỮ KIỆN THỰC TẾ - Diệu Huyền dịch

29 Tháng Mười Một 201612:00 SA(Xem: 11047)



duc_phat




Đức Phật, nhà khoa học của dữ kiện thực tế

 

Tara Cottrell, Dan Zigmond


 

Vài lời giới thiệu: Tara Cottrell là nhà văn và cũng là kế hoạch gia điện toán (digital strategist), quản lý nội dung trang mạng của Phân Khoa Cao Học Thương Mại, trường Đại Học Stanford. Dan Zigmond là nhà văn, khoa học gia về dữ kiện (data scientist) và cũng là một tu sĩ Phật giáo Thiền tông, giám đốc giải tích (director of analytics) cho Facebook. Họ cũng là đồng tác giả của quyển Buddha’s Diet (Ẩm Thực của Đức Phật).


 

Hơn 2000 năm về trước, khi lê gót chân đi khắp các nơi chốn ở xứ Ấn Độ cổ xưa, giảng dạy Pháp trong những làng xóm, những cánh rừng, Đức Phật đã làm những thí nghiệm trên thân xác của mình. Ngài đã cố nín thở thật lâu cho đến khi tai muốn nổ bùng ra, và ngay cả những vị thiên nhân cũng tưởng lầm rằng ngài đã chết. Rồi ngài lại tập nhịn ăn quá mức, giảm dần những bữa ăn hàng ngày cho đến khi chỉ còn sống thoi thóp với vài giọt súp mỗi ngày. Thân xác của ngài gầy còm đi tới mức hai cánh tay trông khẳng khiu như nhánh cây khô, và bụng ngài thóp lại chỉ còn là da bọc xương.

 

Lúc ấy, Đức Phật đã cố làm những điều chúng ta cũng đang cố mưu cầu trong một mức độ nào đó, như là cải thiện bản thân, chấm dứt đau khổ, đôi khi dùng đến những phương cách thái quá. Nhưng rồi cuối cùng ngài đã loại bỏ tất cả những cách thức cực đoan điên rồ, không phải vì chúng quá khó với ngài, mà vì không đem lại hiệu quả gì hết.


 

Đức Phật tin vào những dữ kiện thực tế. Mỗi lần làm thử một điều gì mới, ngài hết sức chú tâm vào đó. Ngài thu thập những chứng cớ. Ngài tìm cách suy ra điều gì có hiệu lực và điều gì không có hiệu lực. Và nếu thấy một điều gì không có hiệu lực, ngài sẵn sàng gạt bỏ đi và tiếp tục tiến bước. Một khoa học gia giỏi bao giờ cũng biết lúc nào cần phải bỏ cuộc.

 


Khi Đức Phật bắt đầu giảng dạy Pháp, ngài khuyên các đệ tử của mình cũng làm như vậy. Ngài không đòi hỏi ai nghe những lời giảng của ngài là phải tin tưởng ngay. Ngài giải thích rằng, cái kiểu bắt người nghe phải tin tưởng hoàn toàn vào mình như hầu hết những ngưởi giảng đạo thường làm cũng giống như một người mù dắt theo một đám người mù: “người đi đầu không thấy, người đi giữa không thấy, người đi sau cùng cũng không thấy.” Đức Phật không bắt chúng ta phải tin tưởng một cách mù quáng – ngài muốn chúng ta phải thấy được sự thực. Niềm tin của chúng ta phải dựa trên những dữ kiện thực tế.



Ngài cũng đã áp dụng cách suy nghĩ này với vấn đề ăn uống. Hầu hết các tôn giáo đều có một số giới hạn trong việc ăn uống: đạo Hồi cấm ăn thịt heo. Người Do Thái Giáo Chính Thống không pha trộn sữa với thịt. Người Thiên Chúa Giáo kiêng ăn một số thực phẩm trong tuần lễ mùa chay. Một số tín đồ Ấn Độ Giáo thuần thành không ăn những thực phẩm đã bị ôi hoặc chín nẫu, hay có những mùi vị hay vẻ bên ngoài khác lạ. Thường những luật lệ này được đưa ra như những giáo điều thiêng liêng. Còn nếu hỏi tại sao phải ăn như vậy thì đó là điều không thể nghĩ bàn. Giáo điều không cần phải có lý do, mà chính giáo điều là lý do vậy.

 


Đức Phật dùng phương cách khác: những giới luật của ngài đều xuất phát từ căn bản của những kinh nghiệm thực tiễn. Giống như nhiều người trong chúng ta, ngài cũng đã thử vài kiểu cách ăn uống điên rồ. Nhưng những gì ngài cho là có hiệu quả tốt lại rất giản dị. Ngài ít khi khuyên răn các đệ tử của mình phải ăn món gì, nhưng rất chú trọng đến thời gian để dùng bữa. Đệ tử của ngài có toàn quyền tự do ăn bất cứ những gì được cúng dường - kể cả thịt, nhưng chỉ được ăn trong thời gian từ sáng sớm cho đến giữa trưa.

 

Như bất cứ một khoa học gia giỏi về dữ kiện nào, Đức Phật đã biết cách bỏ qua đi những cái không liên hệ ở ngoài, chỉ chú trọng vào cốt lõi.

 


Đức Phật không đưa ra những lời giải thích có vẻ huyền bí hay siêu nhiên gì về giới hạn lạ lùng của thời điểm ăn uống này. Nhưng ngài đoan chắc rằng điều đó sẽ giúp cho sức khỏe được cải thiện, và đã thử xác minh trên chính bản thân mình. “Bởi vì tôi không ăn bữa tối, nên tôi cảm thấy khỏe mạnh, nhẹ nhàng, đầy năng lực, và sống một cách thoải mái,” Ngài nói. “Này các thầy, nếu tránh không ăn bữa tối, các thầy cũng sẽ được khỏe mạnh.”

 


Nếu Đức Phật vẫn còn tại thế ngày nay, chắc Ngài sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy có rất nhiều chuyên viên kỹ nghệ điện toán tại Silicon Valley và những kẻ theo thời thượng ngoài lề (hipsters) ở Brooklyn cũng đang theo cách nhịn ăn cách quãng (intermittent fasting), một phong trào mới đang nở rộ. Nhưng chắc ngài cũng sẽ hài lòng mà thấy rằng đã có rất nhiều chứng cớ xác minh cách ăn giới hạn theo thời gian như ngài chủ trương đã đem lại lợi ích cho sức khỏe như thế nào. Hiện nay đã có vô số những nghiên cứu khoa học chứng minh dữ kiện đầu tiên mà Đức Phật đã tìm ra này.

 


Ví dụ như, trong năm 2014, bác sĩ Satchidananda và nhóm nghiên cứu của ông tại Học Viện Khoa Học Sinh Vật Salk (Salk Institute for Biological Sciences) ở ngoài San Diego đã xuất bản một phúc trình khảo cứu về sự mập phì của chuột. Họ làm một nhóm chuột, thay vì cho đồ ăn thường thì cho chúng ăn thật nhiều chất béo và calories – và cho chúng ăn thỏa thích theo ý muốn. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên: chúng đều mập phì ra.

 

Rồi họ lại lấy một nhóm chuột khác, cho chúng ăn những đồ ăn không có vẻ gì là lành mạnh y như vậy, nhưng lần này họ để cho chuột ăn từ 9 đến 12 giờ mỗi ngày. Những lúc còn lại trong ngày và đêm, chuột chỉ được uống nước. Nói cách khác, chuột cũng được ăn không giới hạn những đồ ăn ngon và béo như nhóm chuột trước, chỉ có điều là chúng chỉ có thể ăn trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày.

 

Kết quả lần này thật kinh ngạc: Không có con chuột nào trong nhóm này bị mập phì cả. Có điều gì đó trong khi phối hợp việc ăn uống của chúng và nhịp quay tiến trình sinh lý của cơ thể trong mỗi ngày dường như đã bảo vệ chúng khỏi những đồ ăn làm cho béo mập. Không có vấn đề gì nếu chúng muốn thồn vào bụng những đồ ăn đầy đường và mỡ, hay những đồ ăn không có chút dinh dưỡng nào. Không có vấn đề gì với việc chúng ăn những gì, bao nhiêu, mà chỉ có vấn đề với thời điểm của bữa ăn mà thôi.

 

Nói cách khác, dữ kiện này đã minh chứng cho cách ăn uống mà Đức Phật đề ra. 


 

Nhiều khoa học gia khác cũng đưa ra những kết quả tương tự. Nhóm khảo cứu của bác sĩ Panda đã cố thử cả cách làm cho chuột mập bằng cách cho chúng ăn theo lối đầu tiên, tức là ăn bất cứ lúc nào trong ngày, rồi đổi qua cách hạn chế thời gian ăn uống. Những con chuột này không những đã không mập nữa, mà còn bắt đầu giảm bớt những cân nặng dư thừa.

 

Mỗi ngày đều là một thế quân bình mới, với một thời để ăn và một thời để nhịn.

 


Và cuộc thí nghiệm không chỉ dừng lại ở mấy con chuột. Những nhà khảo cứu đã yêu cầu những người nam và nữ hạn chế sự ăn uống vào một số thời gian trong ngày, và những người này cũng đều được giảm cân.

 


Một số nhà khảo cứu lỗi lạc nhất về thực phẩm và sức khỏe đã chứng minh lại giới luật nguyên thủy của Đức Phật. Dù bạn gọi đó là nhịn ăn cách quãng hay ăn theo thời khắc giới hạn, cuộc thí nghiệm trên thân thể của Đức Phật ngày xưa không có gì là bất thường cả. Dữ kiện Đức Phật đã thu thập trên chính bản thân mình bây giờ đã được vô số người khác bắt chước lại.

 


Như bất cứ một khoa học gia lỗi lạc nào, Đức Phật đã học cách để bỏ qua đi những cái không liên hệ bên ngoài, chỉ chú trọng vào cốt lõi. Ngài đã sớm nhận thức được rằng chân lý ít khi tìm thấy được ở những biện pháp cực đoan. Thay vào đó ngài áp dụng con đường “Trung Đạo”, một triết lý miên viễn của sự dung hòa và chừng mực. Những cách ăn uống giới hạn theo thời khắc trong thời đại ngày nay cũng đã đi theo con đường sáng suốt này – điều đó không hẳn là ăn kiêng, cũng không hẳn là ăn bất cứ cái gì trong bất cứ thời khắc nào. Mỗi ngày đều trở thành một thế quân bình mới, với một thời để ăn và một thời để nhịn.


 

Ngày nay, chúng ta đều có thể làm tất cả những điều Đức Phật đã làm: trở thành một khoa học gia nghiên cứu dữ kiện của chính thân thể mình, quan sát chính mình trong khi ăn để biết những gì có hiệu lực cho mình và những gì không. Cơ thể chúng ta không được tạo ra để ăn tất cả mọi giờ giấc, một sự xa xỉ không may đối với chúng ta khi có trong tay tất cả những đồ ăn làm sẵn với giá rẻ ở các nước văn minh tiên tiến. Đức Phật đã khám phá ra điều này từ bao nhiêu năm trước đây. Bây giờ chúng ta cũng đã biết được điều đó.

 

Diệu Huyền dịch

 

 


Trích lời của Hòa Thượng Tuyên Hóa:



Bàn về việc người xuất gia phải nghiêm thủ giới luật của Phật chế định, điển hình đắp y ca sa là tiêu chuẩn đặc thù của người xuất gia. Nếu không đắp y ca sa thì không có đức tướng tỳ kheo. Lại nữa, thọ trai mỗi ngày một buổi chính do Đức Phật chế định. Tiết chế vấn đề ăn uống khiến cho tâm tham dục được giảm bớt. Có bớt tham dục thì mới dễ dàng tu đạo. Thế nên, chớ ăn những thức ăn có quá nhiều chất bổ.

 

“Hiểu sự rõ lý, hiểu lý rõ sự” là nguyên tắc hành sự của chúng ta.

 

Ba y, một bình bát, và tọa cụ không bao giờ rời thân mình. Mỗi ngày dùng một buổi là gia phong của chúng ta.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật