GIÓ NGHIỆP - Diệu Huyền

08 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 28120)

Gió nghiệp




Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

 

(Nguyễn Du – Truyện Thúy Kiều)

 

 

 Cuộc đời chúng ta gắn liền với chữ Nghiệp, theo quan điểm Phật giáo, chúng ta sinh ra từ nghiệp, tiếp tục tạo nghiệp để rồi cứ thế trôi lăn vô tận trong bánh xe luân hồi của nghiệp quả. Nhắc đến chữ Nghiệp, người ta thường coi đó như một mãnh lực đáng sợ bao trùm lên thân phận con người mà không ai có thể chống trả lại được. Điều đó cũng dễ đưa đến một thái độ buông xuôi theo thuyết “định mệnh”. Nhưng thực sự Nghiệp có phải là có ảnh hưởng cố định lên cuộc đời chúng ta hay không?



 Theo nhà Phật, Nghiệp gắn liền với Nhân Quả. Tục ngữ Việt Nam thường có câu :”Ở hiền gập lành” hay “Gieo gió gặt bão” để nói lên quy luật nhân quả này. Không chỉ trong đạo Phật, mà hầu hết các tôn giáo khác cũng đều công nhận quy luật nhân quả và đem đó ra làm điều răn cho các tín đồ phải “làm lành lánh dữ” để xây dựng một xã hội tốt đẹp và có trật tự. Nhưng trong đạo Phật, Nghiệp và Nhân Quả còn được khai triển, đào sâu tới tận gốc rễ, cho ta một cái nhìn bao quát hơn về muôn vàn biến cố xẩy ra trong đời người.


 Nói về Nghiệp và Nhân Quả, có lẽ phải cần đến rất nhiều giấy mực, nhưng cũng không thể nào giải thích tường tận được những tiến trình phức tạp của chúng, chỉ có bậc Bồ Tát đã giác ngộ mới có trí tuệ thấu suốt được những liên hệ chằng chịt của những tác nhân trong sự đơm hoa, kết trái của nghiệp quả. Bài viết này chỉ tìm hiểu sơ qua về khía cạnh bất định và uyển chuyển của Nghiệp, cho thấy Nghiệp không phải bất biến, mà cũng vô thường như vạn pháp trong thế gian này.


 Một cách tổng quát, nhân và quả thường đi đôi với nhau, nhân như thế nào thì quả như thế ấy. Nhưng tiến trình nhân quả trong đời người không cứng nhắc và cố định như một phương trình toán học, mà còn tùy thuộc rất nhiều vào những yếu tố ảnh hưởng khác mà thường được gọi là “duyên” trong đạo Phật.


 Như hạt giống gieo trồng xuống đất chịu những ảnh hưởng của thiên nhiên (đất, nước, gió, lửa) mà đơm chồi, nẩy lộc thành cây trái hay khô cằn, héo úa mà chết, những chủng tử tác nghiệp cũng tùy ảnh hưởng của các trợ duyên mà tạo thành nghiệp báo nặng hay nhẹ. “Nắng mưa là bệnh của trời”... cây cỏ cần những yếu tố bên ngoài như những trợ duyên để phát triển, nhưng đối với con người, những trợ duyên có phải đến từ bên ngoài hay không?


 Theo thuyết nhà Phật, không sự việc nào đến do ngẫu nhiên hay tình cờ may rủi, mà đều là kết quả của những gì xẩy ra trước đó. Cho nên, những duyên thuận hay duyên nghịch của một nghiệp quả tự chúng cũng là quả của một tiến trình trong tâm trước đó rồi. Tâm con người ví như miếng đất trong đó dung chứa đủ mọi giống loại và sinh hoa kết trái từ đó, và cũng bao la rộng lớn như vũ trụ của “trùng trùng duyên khởi” vô tận. Giòng tâm thức của chúng ta chuyển vận không ngừng trong những luồng sóng nhân duyên thuận và nghịch tích lũy từ vô lượng số kiếp. Những nhân duyên thuận nghịch này kết hợp với những nhân duyên mới tương sinh, tương diệt, đem lại sự biến chuyển, đổi mới không ngừng trong quá trình kết trái của nghiệp. Sự uyển chuyển này cũng đem lại một niềm hi vọng cho chúng ta, vì bất cứ lúc nào có sự chuyển hướng trong tâm cũng có thể sinh ra sự chuyển hướng mới trong tiến trình kết thành của nghiệp quả.


 Con người hiện hữu trong sự tương quan với vũ trụ và môi trường chung quanh, luôn luôn tiếp nhận và phản ứng với những gì đến từ bên ngoài. Sự liên hệ giữa con người với nhau cũng đem lại sự liên hệ hỗ tương giữa nghiệp của từng cá nhân, khiến cho mạng lưới nghiệp lại càng thêm phức tạp. Những khởi động từ thân, khẩu, ý gây nên một tác động nhân quả đều là những tác nhân tạo nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp thực ra cũng đều bắt nguồn từ ý mà ra, cho nên có thể nói ý là tác nhân chính gây ra nghiệp cho con người. Những khuynh hướng, những thói quen lâu ngày tạo nên một lực vô hình khiến con người phải lệ thuộc vào và không còn tự chủ được cũng là nghiệp. Tác động nhân quả của nghiệp là hai chiều, có ảnh hưởng trực tiếp và trước hết đến chính người tạo nghiệp. Cho nên ngay khi nghiệp vừa tạo, dù quả chưa tới, người ấy cũng có những cảm giác hoặc khó chịu, bất an, hoặc vui sướng, nhẹ nhàng trong tâm. Như thế, chính chúng ta chủ động tạo ra phiền não hay an lạc cho mình, qua mạng lưới nghiệp mà ta làm chủ, sỡ hữu và kế thừa.



 Có thể nói tâm thức con người là một hỗn hợp của những khuynh hướng và ý tưởng lộn xộn đủ loại, những vọng động cảm tính, với đủ mọi sắc thái từ thiện đến ác, vui đến buồn, ích kỷ hay vị tha v.v.. đưa đến những thái độ và lối sống khác nhau. Những phản ứng lẫn lộn trong tâm thức con người khiến nghiệp quả cũng có tính cách lẫn lộn, phần nhiều những nghiệp lực đối nghịch nhau như thiện và ác sẽ hóa giải và đôi khi tiêu trừ lẫn nhau, mang lại tính cách trung hòa, nên cuộc đời một con người bình thường ít khi có những thăng trầm thái quá, không mấy khi có những hạnh phúc hay những bất hạnh quá lớn lao. Tuy nhiên, một hành độäng gây ra một ảnh hưởng lớn, như một việc làm xả thân vị tha (thiện nghiệp) hay một tội ác nặng (ác nghiệp) sẽ đưa đến một nghiệp nặng (trọng nghiệp) có tác dụng áp đảo trên tất cả các nghiệp khác nhẹ hơn. “Khôn ba năm dại một giờ”, hướng đi của một đời người đôi khi chỉ vì một giây phút lầm lỡ mà phải thay đổi toàn diện là như vậy.



 Mức độ phát xuất của một nghiệp quả cũng tùy thuộc phần lớn vào tính khí và trữ nghiệp của con người. Trong cùng một hành động tạo tác như nhau, một người có nhiều trữ nghiệp thiện với tính tình đức độ, quảng đại và vị tha sẽ trả quả nhẹ hơn một người có nhiều trữ nghiệp ác với tính ích kỷ, tham lam và ác độc. Điều này đã được Đức Phật nhắc đến trong kinh A Hàm như sau:


 “Giả sử có người phạm một tội nhẹ và phải đọa địa ngục vì tội ấy. Nhưng một người khác cũng phạm tội như vậy mà không phải đọa địa ngục, mà chỉ trả dứt quả ấy trong hiện kiếp này thôi, có nghĩa là họ không phải trả quả nặng nề cho hành động ấy...


 Hãy thử xét xem hạng người nào có thể đọa địa ngục vì một tội nhẹ: đó là hạng người không bao giờ biết tự chế, không tập những hạnh lành trong hành vi và tư tưởng, không biết triển khai trí tuệ, có đầu óc hẹp hòi, tư cách hèn kém và bị xung động bởi những điều nhỏ nhặt nhất. Hạng người ấy chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể bị đọa xuống địa ngục.


 Và thế nào là hạng người phạm cùng một tội ấy mà chỉ phải trả dứt quả trong kiếp này thôi? Đó là người biết tự chế mình, đã tập những hạnh lành trong hành vi và tư tưởng, triển khai được trí tuệ, có tư cách thanh cao, không bị lôi cuốn theo những tật xấu và những điều ác.



 Bây giờ, giả sử có một người bỏ một nhúm muối vào một ly nước nhỏ. Này các thầy, hãy nghĩ xem ly nước nhỏ ấy có trở nên mặn chát mà không uống được không?


Bạch Thế Tôn, chắc vậy.


Tại sao thế?


Vì trong ly có ít nước quá nên chỉ cần một nhúm muối cũng đủ làm cho mặn chát và không uống được.


Nếu giả thử nhúm muối ấy được bỏ vào sông Hằng, liệu nó có thể làm cho sông Hằng mặn và không uống được không?


Bạch Thế Tôn, chắc chắn là không.


Tại sao thế?


Là bởi vì, sông Hằng có biết bao nhiêu là nước. Một nhúm muối nhỏ không thể làm cho mặn và không uống được.


Này các thầy, giả sử có một người phải đi tù vì một số tiền nhỏ. Và một người khác cũng số tiền đó nhưng không phải đi tù.

Thế nào là người phải đi tù vì một số tiền nhỏ? Đó là người nghèo mạt, không có một phương tiện hay tài sản nào. Nhưng một người giầu có, với nhiều phương tiện và tài sản sẽ không phải đi tù vì một vấn đề như vậy.”


 Như thế, ta thấy mức độ trả quả không hẳn là ngang bằng với hành vi tác nghiệp, mà dựa trên số vốn có sẵn của những nghiệp thiện ác trong tâm. Ví như một ly nước đang đầy, chỉ cần một giọt nước nhỏ cũng đủ làm cho tràn là vậy.


 Những điều trên cho thấy nghiệp quả mà con người phải chịu là uyển chuyển và biến hóa khôn lường, và do đó, cho ta một niềm hi vọng nơi khả năngï chuyển hóa của nghiệp. “Tu để chuyển nghiệp”, đó cũng là điều mong muốn và mục đích của những người tìm đến đạo pháp khi gập những nghịch cảnh, những điều bất như ý đến trong đời sống.


 Làm thế nào để chuyển hóa được nghiệp? Trong những nghi thức tu trì của đạo Phật, sám hối được đặt tầm quan trọng trước tiên. Nhưng sám hối không phải chỉ là một nghi thức, mà còn đi kèm với sự nhận thức sâu xa rằng những nghiệp báo phải nhận ngày nay là quả của những điều đã tạo ra trước đây. Sám hối thực sự chỉ có khi biết được gốc rễ của những nghiệp đã phạm là do những ý niệm tham sân si, mạn nghi ác kiến trong tâm, và nguyện buông bỏ những niệm ấy. Muốn làm điều đó phải quay về hồi quan phản chiếu tâm mình, nhận diện những niệm đã khởi, những điều đã làm và buông bỏ, hóa giải chúng, như vậy nghiệp cũ sẽ không còn gốc rễ để tiếp diễn. Khi những ác niệm của tam độc được buông bỏ và thay thế bằng những niệm lành, tâm sẽ được thanh tịnh và nghiệp có thể dần dần được chuyển hóa.


Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu

Tội tiêu tâm tịnh thẩy đều không

Thế mới thật là chân sám hối.


 Sự chuyển hóa của nghiệp như vậy cũng chính là sự chuyển hóa nơi tâm và thân, mà trước hết là những phản ứng khởi lên đối với các sự việc xẩy ra. Tùy theo phản ứng của con người, một tình huống có thể trở nên nhẹ bớt cường độ, hay trầm trọng thêm. Những phản ứng với thành kiến và những ý niệm tham sân si của ngã chấp có thể đưa đến những quyết định sai lầm, gây ra một chuỗi nghiệp liên hệ làm rối ren thêm tình thế đã có sẵn. Ngược lại, nếu biết tu tâm, biết dùng chánh niệm và định lực đối trước hoàn cảnh sẽ có thể có những quyết định sáng suốt, hóa giải được phần nào mức độ của tình huống ấy. Nói cho cùng, hoàn cảnh đến tự nó không có phân biệt, nhưng tâm con người phân biệt nên đã có những cái nhìn khác nhau đối với hoàn cảnh, và từ đó mà có những thái độ và lối hành xử khác nhau.



 “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Phàm phu chúng ta thường sợ phải trả quả khi nghiệp tới, nên chỉ mong sao cho nghiệp chóng tiêu tan và hóa giải. Bằng sự tu tâm, dưỡng tính, các nghiệp nhẹ có thể được hóa giải và tiêu trừ, nhưng những quả phải trả cho các nghiệp nặng vẫn không thể tránh được. Ngay cả những vị tu hành đắc đạo cả đời cũng vẫn phải trả quả cho những nghiệp đã gây ra từ trước. Trường hợp những cái chết của Tôn giả Mục Kiền Liên, của Tổ Huệ Khả trong Thiền tông v.v... đã cho ta thấy điều đó. Nhưng thái độ của các ngài đối trước nghiệp thật là ung dung tự tại, tuy thọ nghiệp mà không bị nghiệp làm động tâm, bởi vì các ngài đã hiểu rõ bản chất của nghiệp, cũng như bản chất của đời sống. “Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không”, hiểu rồi thì thấy gốc của nghiệp chướng vốn là không. Đã biết tính Không nền tảng của mọi hiện tượng, nên các ngài không còn chấp thân, chấp vật mà thấy khổ não, cũng không thấy có người đang thọ nghiệp. Như thế, các ngài tuy ở trong nghiệp mà vẫn ra khỏi nghiệp được vậy.


 Ngược lại với chúng sinh, Bồ Tát luôn luôn thức tỉnh để không tạo những nhân cho nghiệp, kể cả những nhân lành. Đó là bởi vì chừng nào còn có nhân quả, còn ở trong nghiệp báo, thì còn chưa dứt được vòng sinh tử luân hồi. Và chừng nào còn sinh tử luân hồi, thì còn chưa dứt được phiền não đau khổ. Con đường đi đến giải thoát, mục đích của người tu, không ở đâu khác hơn là ngay tại thân và tâm này. Bằng trí tuệ của chánh niệm và chánh kiến, người tu sẽ không bị nghiệp làm cho chướng ngại, mà còn lấy đó làm duyên để tinh tấn thêm trên con đường đạo, đi tới sự an lạc vĩnh cửu.



 Diệu Huyền

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật