- Đoạn mười lăm

28 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5587)




ĐOẠN MƯỜI LĂM


 

1- Duyên Môn hỏi: "Sao thầy nói con dường như thấy mà không phải là thấy được đúng thực vậy?"

 

Nhập Lý trả lời: "Bởi vì cái thấy của ngươi bây giờ là không có một pháp nào trong đó. Cũng như ngoại đạo, chỉ học ẩn hình mà không thể làm mất được bóng, tiêu được dấu."

 

 Duyên Môn chỉ hoán đổi ý nghĩ về có và không mà thôi. Ông vẫn chưa nhận ra được rằng có và không là một với nhau.


 

2- Duyên Môn hỏi: "Làm sao diệt được cả hình lẫn bóng?"

 

Nhập Lý trả lời: "Bản lai tâm cảnh vốn là không, ngươi chớ nên khởi quan niệm sinh diệt."

 

3- Duyên Môn: "Phàm phu thì hay hỏi, thánh nhân thì hay thuyết giảng chăng?"

 

Nhập Lý: "Có nghi mới hỏi, có giải được nghi mới thuyết."

 

4- Duyên Môn: "Con nghe thánh nhân không hỏi mà tự thuyết, như vậy để giải điều gì? Có phải vì có pháp để mà thuyết chăng, hay vì thấy được cái nghi hoặc của người mà thuyết."

 

Nhập Lý: "Đều là tuỳ theo bệnh mà cho thuốc. Cũng như tiếng động sấm sét tất có vang dội lại vậy."

 

5- Duyên Môn: "Phật vốn không có tâm sinh, sao lại hiện thân nơi cõi thế?"

 

Nhập Lý: "Thì cũng như thời thái bình là duyên cho cỏ Thụy sinh ra."


 

 Hoàng Đình Kiên (trong tiếng Nhật là Ko Teiken), một danh sĩ đời Tống nổi tiếng về thi họa và thư pháp, đến gặp Thiền sư Hối Đường Tổ Tâm (trong tiếng Nhật là Maido Soshin, 1025-1100) để học đạo. Hối Đường hỏi, " Ông có biết câu nói nào của Khổng Tử hoàn toàn có tính Thiền không?" Hoàng Đình Kiên nói không biết. Vào lúc ấy trong năm, những đóa hoa mộc tê đang nở rộ, tỏa hương thơm ngát trong chùa. Thiền sư Hối Đường hỏi, "Ông có ngửi được mùi hoa mộc tê không?" Hoàng Đình Kiên đáp, "Bạch thầy có, nhiều lắm." Hối Đường bảo, "Đấy, tôi có gì dấu ông đâu."


 Thông thường, một đệ tử tin rằng vị thầy đã nắm bắt được chân lý và ông chỉ nói ra từng chút một thôi. Do đó, người đệ tử ấy luôn luôn ngờ rằng còn có điều gì bí mật nữa mà thầy chưa nói ra. Nhưng thực ra những bậc thầy giác ngộ chẳng có sở hữu một điều gì cả -- và chính vì vậy họ thấy biết mọi sự là như thế (là Như Thị), là biểu hiện của chân lý. Người đã thực sự ngộ được điều đó, và biết rằng chân lý luôn luôn tự hiển lộ ở khắp mọi nơi, có thể được gọi là "Cỏ Thụy".


 

6- Duyên Môn: "Như Lai vốn đã không có mệnh, sao lại phải tiêu vong đi?"

 

Nhập Lý: "Thế gian khi có nạn đói là duyên từ ngũ cốc bị tiêu diệt vậy."


 

 Quan điểm của Duyên Môn về Phật là một thực thể bất biến, không do duyên hợp và như vậy là có tính tuyệt đối. Vì thế ông cảm thấy đó là một điều mâu thuẫn khi Đức Phật đã thị hiện xuống thế rồi lại phải chết đi. Ông không hiểu rằng bản chất của những gì thay đổi thường xuyên là tánh Không vô thủy, vô sanh và không bị tiêu diệt.


 Ví dụ như, một tấm gương phản chiếu mọi sự đúng như thế, bởi vậy, những hình ảnh phản chiếu trong gương là thay đổi liên tục. Cái không thay đổi là tính chất phản chiếu của gương. Ngược lại, hình ảnh trên một tấm phim là yên vị và bất động, trong khi chính tấm phim biến đổi theo những hình chụp. Quan điểm của Duyên Môn về tính tuyệt đối là tương tự với hình ảnh trên tấm phim. Ông không nhận ra rằng thân Phật cũng là một cái bóng trong gương, và vô thường mới thực sự là Phật.


 

7- Duyên Môn: "Con nghe nói Thánh nhân (Phật) do thương xót mà khởi định, do từ bi mà hóa độ quần sanh, bao la thông suốt vô ngại, làm sao ví như Cỏ Thụy được?"

 

Nhập Lý: "Định là nói đến Pháp thân, còn Báo thân là thân tứ đại giả hợp. Tùy sự việc khác nhau mà ứng khởi thì gọi là Hóa thân. Pháp không có nhân ràng buộc, Hóa không có lưu lại duyên, đến hay đi đều thông suốt, nên mới gọi là vô ngại."

 

 Phật là chân lý hiển thị. Cỏ cây cũng là chân lý hiển thị. Duyên Môn không hiểu điều này, nên cho Phật và cỏ cây là cả một thế giới cách xa. Để khai thị cho Duyên Môn, sư chủ Nhập Lý đã trả lời bằng cách dùng ba thân Phật để ẩn dụ: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân. Ba thân này không phải là ba thực thể khác biệt nhau nhưng là sự biểu thị lần lượt cho ba khía cạnh của chân lý: bản chất hay tính tuyệt đối, hiện tướng và công dụng. Nói rằng Hóa thân không có lưu lại duyên là sự biến hóa tự do, tự tại để đối ứng với hoàn cảnh và không lưu lại dấu tích gì. Không bị duyên ràng buộc có nghĩa là tùy duyên mà biến đổi.


 

8- Duyên Môn: "Thế nào gọi là Bi?"

 

Nhập Lý: "Bởi vì Hóa thân không có tính toán suy tư, hợp với chân không, có lòng nhân từ mà vô tâm, thế nên gọi là Bi."

 

9- Duyên Môn: "Chúng sanh tu đạo đến lúc nào thì được giống Như Lai?"

 

Nhập Lý: "Nếu không hiểu, có tu đến hằng hà sa số kiếp cũng chẳng đạt đến được. Còn nếu hiểu rồi thì chính thân hiện tại của chúng sinh là Như Lai, không cần phải luận bàn giống được hay không giống."

 

 Duyên Môn lại phạm lỗi lầm như cũ. Ông nghĩ rằng tu tập là phương tiện làm cho người ta thành Phật! Ông vẫn không nhận biết được rằng sự giác ngộ chân lý đã vốn có sẵn và chưa bao giờ tách rời với chúng ta.

 


10- Duyên Môn: "Nếu nói như vậy thì dễ đắc được Như Lai quá, sao nói phải tu đến ba đại kiếp mới được?"

 

Nhập Lý: "Thật ra là khó lắm!"

 

 Thật ra điều khó nhất là nhận ra rằng không cần phải làm gì chúng ta cũng đã vốn là Phật rồi. Tuy nhiên, không làm gì cả không có nghĩa là cứ để vô minh tiếp tục tồn tại như vậy và cố tìm Phật ở trong trạng thái đó - nhưng đúng hơn là nhận thức được chân lý mà không tạo vọng tưởng, cũng không trừ vọng tưởng.


 

11- Duyên Môn: "Nếu không chuyển động tức thân là Như Lai, sao còn nói là khó?"

 

Nhập Lý: "Khởi tâm là dễ, bỏ tâm là khó. Thấy thân là dễ, không thấy thân là khó. Hành động hữu ý (hữu tác) là dễ, không hữu ý (vô tác) là khó. Cho nên mới biết công phu huyền nhiệm khó hiểu được, chân lý kỳ diệu khó hợp được. Bất động tức là Chân thực, mấy người đến được tam thánh.

 

 Không có tài liệu cụ thể nào được biết đến về ba vị thánh này. Tuy nhiên có vô số giả thuyết về xuất xứ của họ, tất cả đều không khả tín.


 

12- Lúc ấy Duyên Môn kêu lên một tiếng dài, âm thanh tràn ngập mười phương. Rồi đột nhiên bặt tiếng, bỗng dưng đại ngộ. Huyền quang soi sáng trí tuệ tĩnh lặng, phản chiếu rõ ràng không nghi ngại. Thoạt tiên đã biết học đạo khó vô cùng, nay không còn suy tư huyễn mộng. Bèn cất cao giọng nói: "Lành thay! Lành thay! Như thầy không nói mà nói, con thực không nghe mà nghe. Nghe và nói hợp nhất, tức không nói mà tịch lặng. Không biết những câu vấn đáp từ đó tới giờ, thầy có đặt tên cho là pháp gì không?"

 

 Khi đã giác ngộ rồi, Duyên Môn mới nhận ra được những mê vọng của mình. Những mê vọng đó, ông không cần phải làm gì chúng cũng tự tan biến. Mê vọng và lỗi lầm không cần phải bị diệt trừ. Ngay giây phút được nhận ra chúng đã tự tiêu tan. Và giác ngộ không phải là đắc được điều gì để sở hữu từ giây phút đó trở đi, nhưng đúng hơn là sự lột bỏ tất cả những mê vọng, sai lầm, và định kiến. Như thế, đó là sự tiêu trừ trong hư không tất cả những gì đã che lấp và cản trở không cho chân lý tự hiển lộ.


 

13- Nhập Lý tiên sinh lúc ấy an thân bất động, dương mắt không nói, nhìn quanh khắp bốn phương, rồi cất tiếng cười ha hả, nói với Duyên Môn: "Khi đã đến cái lý vi diệu rồi, không còn lời nói chữ nghĩa. Những điều ngươi đã hỏi trước nay, đều khởi từ cái tâm suy tính phân biệt mà ra. Mộng thời sao lắm đa đoan, tỉnh rồi không còn thấy một vật. Ngươi muốn lưu truyền lại cho đời, nên đòi đặt tên, để dấu lại. Khi đã đến chỗ không còn dấu tích nào, hãy gọi đó là Tuyệt Quán Luận vậy."


 

  "Khi đã đến chỗ không còn dấu tích nào" là khi mọi trần cấu của vô minh đã bị rửa sạch cùng với những xà bông của giáo lý, tu luyện, và chứng ngộ, và không có gì còn để lại - không còn mùi vị gì của Thiền, không còn chủ thuyết, triết thuyết, cũng không có cả Phật. Lúc ấy bản tánh tự nhiên mới có công dụng một cách tự do và không chướng ngại.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng