- Đoạn mười một - Đoạn mười hai

28 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5436)




ĐOẠN MƯỜI MỘT


 

1- Duyên Môn đứng lên hỏi: "Nếu không còn thấy thân ngã, vậy ai đi đứng ngồi nằm?"

 

Nhập Lý: "Cứ đi đứng ngồi nằm, cần gì phải thắc mắc là có thấy thân ngã hay không."

 

 Duyên Môn vẫn không hiểu là không có người nào ở sau những hành động.


 

2- Duyên Môn: "Nhưng nếu không có ai tồn tại ở đó, làm sao suy ngẫm về nghĩa lý được?

 

Nhập Lý: "Nếu còn chấp nơi tâm, dù cho không suy nghĩ cũng vẫn là có. Còn nếu hiểu được vô tâm, dù có suy tư cũng vẫn là không. Vì sao vậy? Vì cũng như thiền sư ngồi tĩnh tọa thấy biết những khởi niệm trong tâm, dù cho có cuồng phong loạn động, thì cũng vẫn vô tâm như thường."

 


 Câu hỏi trước liên hệ đến hoạt động của thân, câu hỏi này là về công năng hoạt động tâm linh. Đối với Duyên Môn, ngoài sự dính mắc nơi ý niệm về một cái ngã riêng biệt và độc lập, còn có sự phân biệt chia chẻ giữa một và tất cả, người và cảnh, chủ thể và đối tượng. Trên quan điểm đó, Duyên Môn suy luận rằng ngã là một thực thể và tác động lên tất cả. Đối với ông, khái niệm về sự "toàn tâm " hay "định trong động" là khó hiểu và đưa đến nguy cơ là không còn biết thế nào là tốt hay xấu nữa.


 Đối lại như vậy, câu trả lời của sư chủ Nhập Lý khởi nguồn từ sự nhận biết chân lý trong đó không còn có sự phân biệt chia chẻ nào. Sự hòa hợp tự nhiên sẽ tự tác động, tức là không có tác động, bởi vì không có ai tác động và cũng không có gì bị tác động lên. Trong trạng thái đó, một là tất cả và tất cả đã là một.

 


 

 

ĐOẠN MƯỜI HAI


 

1- Duyên Môn hỏi: "Nếu như có người mới học đạo, bỗng gặp nhân duyên có người khác muốn hại, phải làm sao đối trị cho hợp đạo lý?"

 

Nhập Lý: "Không cần phải mỗi cái mỗi đối trị. Vì sao vậy? Nếu tránh được thì tránh, không tránh được thì chịu; nếu nhẫn nhịn được thì nhẫn nhịn, không nhẫn nhịn được thì cứ khóc."

 


 Duyên Môn không biết đến Đời Sống Rộng Lớn trong đó dù có bị tổn hại vẫn không tổn hại, dù ở trong chỗ ô uế vẫn không ô uế, và dù có chết cũng không bị tiêu diệt. Đối với ông, sống hợp với đạo lý sẽ đưa đến quả tốt là có một đời sống an lành, không phải chịu những tai họa. Do đó ông xem Phật như người không còn có nguy cơ bị ai giết; trong quan điểm của Vân Môn, một cái chết hoạnh tử là không hợp với Đạo. Trong kiến giải của Vân Môn, chỉ có hai câu trả lời thích đáng nhất: hoặc là có một phương cách toàn hảo để đối phó với vấn đề, hoặc là có một phương cách toàn hảo để tránh né. Nhưng lối suy nghĩ cực đoan như vậy là một trong ba sai lầm lớn - trong đó có thể kể thêm những quan điểm biến thái hay ngược ngạo, và mơ tưởng những điều viển vông.


 Câu trả lời của sư chủ Nhập Lý xuất phát tự nhiên từ Đời Sống Rộng Lớn. Không cần phải có kế hoạch xử sự gì cả. Trong bối cảnh đó bị giết hay sống sót đều là hợp với Đạo. Nhưng đối với người chỉ hành động theo những tiêu chuẩn và phán đoán đã định sẵn, tuân theo kiến giải nông cạn và kinh nghiệm hạn hẹp của mình, thì bị giết hay sống sót đều không hợp với Đạo.


 

2- Duyên Môn: "Nếu khóc, có gì khác hơn kẻ có ngã kiến thường tình?"

 

Nhập Lý: "Như dùi đánh chuông, tiếng vang tự phát ra, Hà tất phải có cái ngã nào đâu? Còn như bị bức bách phải chết mà chưa đang tâm, có cắn răng nhẫn nhục thật ra cũng chỉ là nuôi lấy cái ngã to tướng mà thôi."


 

 Duyên Môn tin rằng một người giác ngộ không còn bị lay động với những cảm xúc vui buồn, ưa thích hay ghét bỏ. Ông không biết được sự khác biệt lớn lao và rõ ràng giữa sự bị lay động với những cảm xúc và sự dính mắc trong những ràng buộc. Bị lay động với những cảm xúc là giòng tâm thức tự do và không ngăn ngại đáp ứng với những điều đang gặp, và tuỳ theo sự luân chuyển của ngoại cảnh mà ứng biến lại. Nhưng ràng buộc là những điều hay những cảm xúc dính mắc trong tâm, khiến cho bị trói buộc vào đó. Một nguyên nhân nữa cho sự sai lầm của Duyên Môn là ông không nghĩ đến yếu tố thời gian. Điều kiện trước hết để có thể thấy được đúng đắn những gì thay đổi trong từng giây từng phút là không trụ vào một chỗ nào mà hòa theo sự biến đổi và để cho công năng thực sự của tâm vận hành một cách tự do. Lúc ấy cười hay khóc chỉ là những phản ứng tự nhiên đối với hoàn cảnh. Vấn đề chỉ khởi lên khi có sự luỡng lự đối với cái này hay cái khác và như thế phản ứng vẫn tiếp tục kéo dài mặc dù hoàn cảnh gây ra đã không còn nữa.


 Một lần nữa Duyên Môn lại lầm lẫn cho tướng là tuyệt đối và không nhận ra sự bất động của tuyệt đối là khả năng chuyển động trong các tướng. Vấn đề này sẽ được bàn thêm trong Đoạn 15, đối thoại số 6.


 

3- Duyên Môn: "Con người ta khóc lóc bi ai là có tình cảm khởi động trong đó, há lại giống như tiếng chuông được sao?"

 

Nhập Lý: "Nói giống hay không giống là do người ta đa sự, vì vọng tưởng tính toán nghĩ suy cho nên mới đặt câu hỏi. Còn nếu không phân biệt thì mọi sự là thể đạo tự nhiên thôi."

 

Duyên Môn: "Con nghe nói thánh nhân gặp binh cũng không bị thương tổn, gặp khổ cũng không uốn cong người, gặp sắc cũng không thụ hưởng, tâm an nhiên bất động, như vậy tức là sao?"

 

Nhập Lý: "Nếu hiểu tất cả mọi pháp là vô ngã, thì tiếng hay không tiếng, động hay không động đều là hợp đạo lý, không thấy có chướng ngại."


 

 Duyên Môn tin rằng nhục thân của một vị bồ tát là không thể bị thương tổn và một vị Phật không thể cảm thấy buồn hay đau đớn. Nhưng đó là tính Phật, chứ không phải là nhục thân, mới không bị thương tổn mặc dù máu đã vọt bắn lên cao. Ngày xưa có một vị tăng đến gặp Triệu Châu Tòng Thẩm (tiếng Nhật là Joshu Jushin, 778-897), một trong những đại thiền sư của Trung Hoa. Tăng hỏi Triệu Châu cái gì là cứng rắn nhất trên cõi đời này. Triệu Châu trả lời, "Nếu ông muốn vu khống tôi, cứ việc làm đi, không cần kiềm chế. Nếu miệng ông không đủ thì thêm cả cái mỏ chim vào. Và nếu ông thực sự muốn sỉ nhục tôi, cứ tha hồ mà nhổ vào người tôi đi. Nếu nước miếng của ông không đủ, lấy thêm một sô nước mà đổ lên người."


  Câu hỏi và câu trả lời dường như không ăn nhập gì với nhau, nhưng điều Triệu Châu muốn chứng tỏ là thế này: cái cứng rắn hơn cả kim cương thật ra đã vốn có sẵn trong tất cả chúng ta. Và cái ấy không thể bị sỉ nhục hay làm cho ô uế được, cũng không thể bị thương tổn hay lay động.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng