- Đoạn năm - Đoạn sáu

28 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5437)




ĐOẠN NĂM


 

1- Duyên Môn đứng lên hỏi: "Con nghe nói ngoại đạo đắc được ngũ thông, Bồ tát cũng vậy, như thế hai bên có gì khác nhau chăng?"

 

Nhập Lý đáp: "Không giống. Bởi vì sao? Là vì ngoại đạo cho là họ đã đắc được điều gì đó, Bồ tát thì không như vậy, vì đã đạt tới mức vô ngã rồi vậy."


 

 Năm năng lực thần thông của ngoại đạo hay những tôn giáo khác là:


 1- Thấy được những gì người khác không thấy.

 2- Nghe được những gì người khác không nghe.

 3- Thấy được quá khứ, vị lai.

 4- Đọc được tư tưởng người khác.

 5- Có thể hiện ra ở bất cứ nơi nào.

 

 Nhưng khi một vị tăng hỏi Thiền sư Lâm Tế về năng lực thần thông và giáo lý Phật về năng lực thần thông là gì, Lâm Tế trả lời:


 1- Thấy sắc không bị mê hoặc theo sắc.

 2- Nghe tiếng không bị lung lạc nơi tiếng.

 3- Ngửi mùi không bị dính mắc nơi mùi.

 4- Nếm vị không bị đắm nhiễm nơi vị.

 5- Khởi ý không bị lôi cuốn theo ý.


 Đó là con người có độc lập thực sự.


 

 Hai cách định nghĩa trên đã mô tả rõ ràng sự khác biệt giữa năng lực thần thông theo ngoại đạo và năng lực của một vị Bồ tát theo giáo lý Phật. Ở trên giả định về một cái ngã đã đạt được và sở hữu những quyền năng này, trong khi ở dưới chủ yếu nói về vô ngã (hay chân tính), không cần phải đạt được gì cả và không bị ràng buộc bởi bất cứ một khái niệm nào về đạt đạo.


 

2- Duyên Môn: "Lúc mới đầu, người phàm học đạo chưa hiểu thấu được lý đạo, chân như còn mơ hồ, diệu lý cũng chỉ biết thoáng qua; trong khi đó ngoại đạo đầy đủ ngũ thông, thì có gì hơn được?"

 

Nhập Lý: "Trước hết hãy lo giữ lấy phần hiểu biết nhỏ bé mình có được, đắc thần thông đó để làm gì?"


 

 Duyên Môn tin rằng một người sẽ đạt đến trình độ cao siêu nếu người ấy biết nhiều hiểu rộng. Ông chưa nhận thức được những diệu dụng của bản tánh vô ngã và vì vậy vẫn còn vướng mắc nơi ý nghĩ xem sự tu tập như để đạt được điều gì không có trước đây.


 Sự chứng ngộ không phải là một tiến trình từng bước một mà xẩy đến một cách chớp nhoáng. Một danh ngôn đã nói như sau: "Chỉ trong một bước nhẩy là có thể trực chỉ thành Phật." Trong bản dịch chữ Hán của một tạng kinh tiếng Phạn nay đã thất truyền, sự chứng ngộ được mô tả như "Ở đâu có ánh sáng, ở đó không có bóng tối." Bóng tối không từ từ mờ đi trong khi ánh sáng từ từ tăng lên. Lục Tổ Huệ Năng nói: "Ngay khi trí tuệ bừng vỡ, mọi hư vọng đều lập tức tiêu trừ." Hay là câu, "Cũng như một ngọn đèn quét sạch bóng tối của ngàn năm, một tia sáng trí tuệ cũng xóa tan cả mười ngàn năm vô minh."


 Chứng ngộ như vậy gọi là đốn ngộ, nhưng sự ngộ Đạo nhanh hay chậm là do căn cơ của mỗi người. Người nào biết bản tính của mình là đồng với Đạo thì sẽ nhanh. Còn người nào tìm Đạo ở bên ngoài thì sẽ chậm. Do đó Nhập Lý đã quở rằng: "Trước hết hãy lo giữ lấy phần hiểu biết nhỏ bé mình có được" - như vậy ông đã dùng phương tiện khéo để cắt đứt những suy tư tính toán của Duyên Môn.

 


3- Duyên Môn: "Nếu đắc được ngũ thông thì sẽ được đời tôn kính, được đời nể trọng, trước biết được việc sắp đến, cũng như việc đã qua, tự mình phòng ngừa không phạm điều quấy, há chẳng hơn sao?"

 

Nhập Lý: "Không phải vậy, là vì sao? Con người ta thường hay dính mắc nơi hình tướng, tham luyến sự nghiệp, theo tà ngụy mà làm loạn điều chân chính. Những kẻ ấy dù có được thần thông như Thắng Ý, có biện tài như Thiện Tinh (nhân vật trong kinh), nhưng không hiểu được lý của thực tướng, thì cũng không khỏi thoát chết nơi nạn đất lở vậy (không ra khỏi luân hồi sinh tử)."


 

 Theo kinh Chư Pháp Vô Hành (Shohomugyo Sutra), có người ăn mày tên Shengyi, hay Shoi trong tiếng Nhật, rơi thẳng vào địa ngục. Kinh Niết Bàn kể chuyện vị tỳ kheo Bhikkhu Shanxing, hay Zensho trong tiếng Nhật, có tài xảo ngôn ngụy biện và vì thế đất dưới chân ông đã nứt ra và ông đã rơi thẳng vào địa ngục tăm tối.

 

 

 

ĐOẠN SÁU


 

1- Duyên Môn hỏi: "Đạo chỉ có ở trong linh hình chăng, hay cũng có trong thảo mộc nữa?"

 

Nhập Lý: "Đạo có khắp cùng mọi nơi".

 

 Sai lầm lớn của Duyên Môn là nghĩ rằng giác ngộ sẽ làm cho chân lý phát xuất, và để như vậy cần có một người nào đó hay một năng lực nào đó tạo ra - một bản thể tự ngã rõ ràng và cá biệt. Kiến giải về tự ngã như vậy là nguyên do đưa đến câu hỏi trên. Tuy nhiên, giác ngộ không có nghĩa là làm cho chân lý phát xuất, mà nhiều hơn là sự nhận ra được chân lý.

 


2- Duyên Môn: "Đạo có khắp cùng như vậy, tại sao hại người là có tội, hại thảo mộc là vô tội?"

 

Nhập Lý: "Nói tội hay không tội, đều là lấy tình mà xét sự việc, không phải là chính đạo. Bởi người đời không đạt được đạo lý, lầm tưởng thân ngã là thật, bị hại nên lập tâm, tâm kết thành nghiệp, nên nói là có tội. Còn thảo mộc vốn vô tình, bản lai hợp với Đạo, lý là vô ngã, có bị hại cũng không kể đến, nên không luận là có tội hay vô tội.


 Cho nên vô ngã là hợp với Đạo, thấy thân hình như cây cỏ, có bị chém cũng như cây rừng bị đốn mà thôi. Cho nên ngài Văn Thù cầm kiếm chém Cồ Đàm, Ương Quật cầm dao đâm Thích Ca, tất cả đều hợp với Đạo, đều chứng được vô sanh, hiểu thấu được lý huyễn hóa hư vô của mọi sự, cho nên không còn luận bàn vô tội hay có tội. "


 

 Lấy tình mà xét việc là do con người tạo ra và có liên hệ đến những tiêu chuẩn đạo đức. Cho nên phần đầu câu trả lời là sự diễn giải về khía cạnh đạo đức.


 Tuy nhiên, phần thứ hai câu trả lời mở đầu với câu "Vô ngã hợp với Đạo" là sự diễn tả chân lý. Chân lý bắt nguồn từ sự sống vô thủy vô chung, bất sanh bất tử, là Đời Sống Rộng Lớn. Những sắc thân hay hiện tượng đến rồi đi, nhưng trong sự tồn tại ngắn ngủi đó Đời Sống Rộng Lớn cũng được biểu lộ, và như vậy, trong mỗi thời gian hiện hữu đó đều có ý nghĩa và quý giá.


 

5- Duyên Môn hỏi: "Nếu thảo mộc từ lâu nay vốn hợp Đạo, sao trong kinh không thấy ghi chép cỏ cây thành Phật, mà chỉ thiên về con người thành Phật?"

 

Nhập Lý: "Không phải chỉ có ghi người, mà cũng có nói đến thảo mộc nữa. Trong kinh có nói: "Trong một hạt bụi nhỏ đã có chứa hết mọi pháp". Kinh lại nói rằng: "Tất cả mọi pháp đều như vậy, tất cả chúng sinh cũng đều như vậy, không có khác nhau, không có hai."


 

  Như Như, tathata, có nghĩa mọi vật là như thế, tánh vốn có của chân lý "là như thế". Cây cỏ, con người, tất cả các hiện tướng đều biểu lộ chân lý hay là bề mặt của chân lý. Nhưng người ta không nhận thức chân lý là như thế, chỉ như thế thôi, mà hay tìm cầu ở nơi khác. Vì vậy, khi nhận biết lại rằng mọi sự hay vạn pháp là như thế, là ở trong trạng thái như như của chúng, thì đó chính là chân lý, là được xem như đạt đạo. Điều này không có nghĩa là những kẻ xấu sẽ được coi như tốt và rồi sẽ trở thành Phật. Trong Thánh Kinh cũng có nói: "Hãy đi tìm, rồi bạn sẽ thấy, hãy gõ cửa, cửa sẽ mở ra cho bạn". Chỉ khi người ta đi tìm kiếm với tất cả thành tâm thành ý, và kiên nhẫn gõ cửa với hết sức mình, mới có thể nhận ra rằng cánh cửa thật ra vẫn rộng mở và mọi sự vẫn luôn luôn chỉ là như thế. Sự trực nhận như thế được gọi là giác ngộ.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng