- Lời Mở Đầu

27 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 6243)




Lời mở đầu

 

(trích dịch lời của Martin Collcutt)


 

 Tuyệt Quán Luận là tựa đề của một bản văn cổ Trung Hoa được tìm thấy tại Động Đôn Hoàng. Gần Đôn Hoàng, một ốc đảo trên con đường tơ lụa trong vùng Gansu ở phía Tây Trung Hoa, có vô số hang động rộng lớn, cũng thường được gọi là Động Mogao và Động Ngàn vị Phật, trong đó rải rác có tới 492 ngôi chùa cổ. Từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ 14, tăng lữ Phật giáo tại Đôn Hoàng dùng những hang động hẻo lánh này làm nơi thờ phụng tu tập đạo giải thoát, thu thập và tàng trữ những kinh sách, những bức họa Phật, và tôn tượng từ miền tây Á và Tây Tạng. Khách hành hương đi qua một khu vực đầy những bức họa trên vách đá có diện tích tới 450 bộ vuông ở trong hang động. Những ngôi chùa trong hang động này được xây dựng vào khoảng năm 366 sau công nguyên để tàng trữ kinh sách và tác phẩm nghệ thuật. Như thế, những hang động này được xem như một loại tàng kinh các chứa đựng hàng ngàn những bản kinh quý giá và một số những tuyệt tác nghệ thuật cổ xưa của Phật giáo trong khoảng thời gian trải dài một ngàn năm.

 

 Trong khoảng thế kỷ thứ 11, một vài hang động được bit kín lại để dùng làm nơi lưu giữ các bản kinh bị hư hại và những vật dụng tôn giáo. Những hang động này hoàn toàn không được biết đến cho tới khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Lúc đó, vào khoảng đầu thập niên 1900, một đạo gia tên là Wang Yuanhu là người bảo quản cho một số các chùa trong hang động này, đã khám phá ra một khu vực bít kín bên hông một hành lang dẫn tới hang động chính. Sau bức tường che lấp là một hang động nhỏ chứa vô số những bản văn cổ và bức họa in trên lá, lụa hay giấy từ khoảng năm 406 suốt cho đến năm 1002, bao gồm những bản văn cổ Phật giáo bằng chữ Hán và các loại chữ Á Đông khác. Lẫn trong số đó là một số bản sao của bản văn có tên gọi là "Tuyệt Quán Luận".

 

 Vào khoảng năm 1907, Wang Yuanlu bán nhiều bản văn cổ xưa này cho những nhà thám hiểm Tây phương đang đi ngang qua con đường tơ lụa, trong đó có Sir Aurel Stein và Paul Pelliot. Họ rất nhiệt tình muốn mua lại những bản văn Phật giáo quý hiếm này và đem chúng về Âu Châu. Một số người, trong đó có học giả Phật giáo người Nhật D.T.Suzuki và Kuno Horyu, cũng đã tìm được những bản sao các văn bản trong bộ sưu tập của Pelliot trong đầu thập niên 1930.

 

 Với nội dung về lý đạo uyên thâm trong sự tu tập giác ngộ giải thoát, bản văn này đã có một vị trí quan trọng trong tư tưởng cũng như pháp tu Thiền của Trung Hoa và Nhật bản. Văn bản này cũng đã được John R McRae dịch một phần ra tiếng Anh trong bài viết có tựa đề "Môn phái Ngưu Đầu trong Thiền tông Trung Hoa: từ khởi thủy cho đến thời đại hoàng kim". Bài viết của McRea là một tài liệu quý giá để học hỏi về phái thiền Ngưu Đầu trong thời kỳ sơ khai của Thiền tông Trung Hoa, trong đó dường như đã phát xuất tác phẩm Tuyệt Quán Luận. McRea đã luận bàn về bản văn này và xuất xứ của nó; nhiều người cho đó là tác phẩm của Bồ Đề Đạt Ma, Thần Hội, và vị tổ sáng lập môn phái Ngưu Đầu là thiền sư Pháp Dung, nhưng nhiều xác xuất cũng có thể là của một vị đạo sư ẩn danh sau này của thiền tông trong khoảng thời gian nào đó ở cuối thế kỷ 18. Bản dịch Nhật ngữ của bản văn này đã được dịch lại qua tiếng Đức bởi Ursula Jarand, vị trụ trì thiền viện Daishuin West ở miền bắc California. Ursula đã tu học thiền ở Kyoto dưới trướng của thiền sư Soko Morinaga trong nhiều năm. Bản dịch tiếng Đức đã kết hợp thêm lời bình của lão sư Soko Morinaga vào trong đó.

 

 Ni sư Myoko-ni, người sáng lập Trung Tâm Thiền tại Luân Đôn sau khi đã học đạo xong ở thiền viện Đại Đức tại Kyoto, nơi bà được gặp Lão sư Soko Morinaga , đã rất tâm đắc với bản văn này. Bà nhận biết sự quan trọng của nó cũng như những lời bình của Thiền sư Morinaga là rất quý giá trong sự tu học thiền. Do đó bản dịch này được Ni sư Myoko-ni và Michelle Bromley đồng soạn đã kết hợp những bản dịch trước bằng tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Nhật nhưng nhấn mạnh về phương diện tu tập thiền hơn là khía cạnh văn chương hay bác học. 

 

 

Thiền sư Soko Morinaga:

 

 

 Quyển "Tuyệt Quán Luận" này bao gồm những lời bình thông suốt và dung dị của Thiền sư Soko Morinaga (1925-1995). Lão sư là một trong những vị thiền sư thuộc dòng Lâm Tế ở Nhật Bản được tôn kính nhiều nhất trong thế hệ của ngài, đã từng dạy Thiền cho nhiều đệ tử người Mỹ, Âu Châu và Nhật Bản.

 

 Khi còn trẻ Lão sư Morinaga đã có lúc sống buông trôi, mất phương hướng trong xã hội rã rời của Nhật Bản sau khi thua trận thế chiến thứ hai. Ông tìm đến Thiền như một lối thoát và sau đó đã quyết định xuất gia trở thành một thiền tăng ở Kyoto. Ông bắt đầu tu tập từ những năm đầu của lứa tuổi đôi mươi vào năm 1948, tại Đại Đức Tự dưới sự hướng dẫn của đại sư Goto Zuigan (1879-1965), nguyên trụ trì chùa Diệu Tâm của dòng Lâm Tế và là đương kim trụ trì chùa Đại Đức lúc bấy giờ. Morinaga đã tu học tại thiền viện Đại Đức từ năm 1949 đến 1963, và trở thành sư trưởng trong thiền đường. Ông là người kế thừa Lão sư Oda Sesso (1901-1966), sư huynh của ông và người kế thừa chức vụ trụ trì chùa Đại Đức của thiền sư Goto Zuigan.

 

 Năm 1965 Lão sư Morinaga đảm nhiệm chức trụ trì chùa Daishuin ở Kyoto, một chủng viện nhỏ với số tăng chúng chỉ khoảng sáu, bẩy người tu học thiền với ngài. Tại Daishuin, lão sư xây một thiền đường mở rộng tiếp nhận các cư sĩ trong vùng, kể cả các người ngoại quốc đều có thể đến tu học. Mỗi chủ nhật tại chùa Daishuin ngài đều có những buổi pháp thoại về Thiền, công án hoặc giảng pháp cho đại chúng. Trong những buổi pháp thoại công án ngài thường dùng những bản văn cổ điển Thiền như Pháp Bảo Đàn Kinh, nhưng bài nói của ngài luôn luôn thực tế và hướng về sự áp dụng tri thức về Thiền trong cuộc sống đời thường của đại chúng. Daishuin là ngôi chùa trực thuộc thiền viện Diệu Tâm lớn hơn, và trong nhiều năm lão sư Morinaga đã làm lão sư thiền đường cho tăng chúng ở chùa Diệu Tâm. Ngài còn kiêm nhiệm chức chủ tịch trường Đại Học Hanazono ở Kyoto, ngôi trường đại học chủ yếu đào tạo tăng sĩ của dòng thiền Lâm Tế tại Nhật Bản. Danh tiếng ngài như một vị thiền sư càng ngày càng tăng dần ở Nhật, ngài đã vân du đến những địa điểm như Hokkaido và các nơi khác để hướng dẫn những khoá tu thiền cho tăng sĩ và cư sĩ.

 

 Lão sư Morinaga có một số đệ tử Tây phương, trong số đó có Thomas Minick (Shaku Daijo) và Ursula Jarand (Myotsu Daishi), cả hai cùng tu học lâu dài với ngài ở chùa Daishuin. Shaku Daijo thọ giới tu sĩ ở đây năm 1979. Thomas và Ursula được Lão sư làm lễ kết hôn, rồi sau đó qua Hoa Kỳ cùng hoạch định thiết lập thiền viện Daishu West ở Humboldt County thuộc miền Bắc California. Daishu West đã được khánh thành năm 1996 như là ngôi chùa anh em với Daishuin ở Kyoto và là một thiền viện trực thuộc dòng thiền chùa Diệu Tâm. Lão sư Morinaga đã không sống để đi dự buổi lễ khánh thành chùa Daishuin West, nhưng ngài có xem và chấp thuận các đồ án cho ngôi chùa này trước khi viên tịch.

 

 Lão sư cũng có những buổi thăm viếng thường niên mỗi mùa hè qua Anh để hướng dẫn tu tập Thiền và diễn giảng những bản văn thiền chọn lọc trong khóa tu học mùa hè của Hiệp Hội Phật Giáo. Đây là để đáp ứng lời mời của Ni sư Myoko-ni, người đã quen biết với ngài từ lâu năm. Myoko-ni đã tu học tại thiền viện Đại Đức trong 12 năm dưới trướng của Lão sư Oda Sesso, và sau đó với vị thừa kế của ngài là Sojun Kannun. Morinaga cũng tu học ở Đại Đức Tự và làm sư trưởng ở đó.

 

 Một số sách và bài viết về thiền của Lão sư Morinaga đã được dịch qua tiếng Đức và tiếng Anh. Hiện nay tác phẩm không còn lưu hành là quyển "Những chỉ hướng đến trí tuệ" (Pointers to Insight), trong đó ngài đã kể lại những kinh nghiệm riêng tư của mình khi xuất gia tu học và tìm kiếm trí tuệ, được xuất bản năm 1985 tại Trung Tâm Thiền London. Trong một dạng hơi khác hơn, tài liệu này đã được Belenda Attaway Yamakawa dịch lại và xuất bản năm 2002 với tựa đề là "Từ Sadi đến Thiền sư: một Bài Học kéo dài về Mức độ Ngu dại của tôi" (Novice to Master: An Ongoing Lesson in the Extent of My Own Stupidity).* Ba năm sau bản dịch tiếng Đức "Tuyệt Quán Luận" của Ursula Jarand, với lời bình của Lão sư Morinaga, đã được Myoko-ni và Michelle Bromley dịch ra tiếng Anh và được Trung Tâm Thiền (the Zen Centre) xuất bản với tựa đề: "Tuyệt Quán Luận: Bản văn Thiền cổ từ Động Đôn Hoàng".

 

 

*Quyển "Novice to Master" đã được Thuần Bạch/Ngọc Bảo dịch ra tiếng Việt với tựa đề "Từ Nụ Đến Hoa".

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng