- Con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc

11 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 6892)




Con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc


Oku-no-hosomich 

 




LỜI GIỚI THIỆU



Vào thế kỷ mười bẩy phương tiện di chuyển chưa đầy đủ tiện nghi , giao thông đường xá còn hoang sơ khúc khủy. Nông dân và người không có đặc cách của chính phủ không được phép dời đổi hay đi du hành . Mọi xê dịch phải có giấy phép đóng lệ phí . Thời đó miền Bắc còn vô cùng mênh mông , là vùng chưa khai thác và là vùng nhiều gợi tưởng nên rất hấp dẫn đối với Bashõ. Lần này ông không đi qua những con đường quen thuộc vì ông tin rằng cuộc hành trình này là một cây cầu quan trọng cho cuộc đời å đi tìm một vĩnh hằng cho chính bản chất yêu thiên nhiên của mình mà định nghiệp đã sẵn bày . “Con đường hẹp vào sâu Miền Bắc là một tìm kiếm hạnh phúc vĩnh hằng và là một thử thách với thời gian đời người mà ông tin là bất định .



 Ông di chuyển bằng đường bộ dưới thời tiết khắc nghiệt , nghỉ ngơi nhiều nơi không định trước vì vậy mà ông bị chứng bịnh nan y và chết sớm . Tuy đau ốm nhưng đầy nghị lực và ý chí ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình gian khổ và vô cùng hiểm trở cho đến khi trút hơi thở cuối cùng .



Bashõ thức dậy từ hừng đông , mặc dù trời chưa sáng hẳn nhưng ông biết hôm nay sẽ là một ngày rực rỡ hồng . Mùa xuân thành phố Ueno và Yanaka anh đào đang nở rộ , chốc lát đây sẽ có ra hàng trăm khách thưởng ngoạn dưới những cành đào chi chít hoa che rợp ánh nắng , các thiếu nữ với những chiếc áo kimono đủ mầu và những cặp tình nhân tay trong tay . Ông đã viết


Mùa xuân đã đến đây rồi 

hừng đông sương khói núi trời không tên



Hình như ông không bận tâm đến mùa hoa đào nở mà chính mùa hoa làm ông mơ được vượt biên giới Shirakawa đi đến Oku miền núi trung tâm phía Bắc Honshu, chính Bắc vùng Sendai . 

 


Đó là vào năm1689 , từ sáng sớm ngày 16 tháng Năm sương mù còn lảng đảng , ngọn núi Fuji lờ mờ nơi chân trời . Vào thời kỳ Genroku tuy thái bình dưới thời đại Tokugawa , nhưng cuộc hành trình cũng rất nguy hiểm . Bạn của ông là Sora cạo đầu mặc áo nhà sư để lính quan phòng không làm khó dễ vì chính Bashõ cũng đã chuẩn bị như vậy trong chuyến đi trước 1684



Vài năm sau đó, ông chết đi để lại một kho tàng thi phú cho nhân thế , trong đó có một cuốn nhật ký ghi lại chuyến đi này, một cuốn nhật ký nửa thực, nửa hư làm trong thời gian sức khỏe của ông đang suy yếu . Quyển nhật ký Con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc (Oku-no-hosomichi) ông đã viết vào đầu năm 1690 đến 1694 không phải là một nhật ký kể suông . Chữ Oku còn có nghĩa là“tận cùng sâu thẳm” chữ No là liên từ (có nghĩa là “của”) .Toàn chữ Oku-no-hosomichi có nghĩa là” con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc” .



Nhưng đến cuối đời thì hình như những dòng ông viết ra đó có phải là ông muốn cho chúng ta hiểu con đường gian nan mà ông đi qua là con đường trở về “ nội tâm “.


“Con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc ” hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn là một nhật ký gồm đoản văn và hài cú ghi cuộc hành trình . Bashõ dùng đoản văn (haibun) để đánh dấu cho mỗi đoạn đường ông đi quá. Nếu dùng sở trường văn chương thơ phú mà đọc thơ của ông thì sẽ không dễ gì thấy được cái Tâm (kokoro) của quyển sách nhỏ này .



Matsuõ Bashõ phân vân tự hỏi :


Mặt trăng mặt trời là thời gian trôi không dừng, và là cỗ xe thiên nhiên kéo theo vạn vật và nhân loại . Thế mà thi sĩ lại đặc biệt yêu thiên nhiên và nhân loại , nhân loại lại liên hệ với vũ trụ ràng buộc với thiên nhiên . Như tiếng gáy vang của con dế làm xáo trộn sự yên tĩnh nhưng không thay đổi thiên nhiên . Đời sống chuyển động từng sát na cùng lúc sự tĩnh lặng thầm kín cũng hiện diện , nếu có bị khuấy động rồi lại trở về uyên nguyên của thiên nhiên .



Trong tim Bashõ “mang nặng gió cùng mây” cuộc đời của ông là một hành trình bất định đầy gian nguy , vậy mà trong hành trình gian nan đó tâm ông vẫn tĩnh lặng sáng suốt . Đối với ông đời người không có bắt đầu từ nơi này và không có kết thúc ở nơi kia , mà là một định luật duy nhất theo học thuyết Phật giáo là luân hồi sinh tử giữa vĩnh hằng và nhất thời . Tất cả vũ trụ đang chuyển động với mặt trời mặt trăng vậy thì nhân loại có nên nhập vào đó mà lang thang không ?



 Ông tiếp súc với tất cả mọi lớp người như để hiểu rõ đời mình , như để nhận chân được bản tính của mình .Vì thế sống suốt cuộc đời cho đến cuối cùng với thân thể bệnh hoạn ông dùng năng lực sống thực không biết mệt mỏi , quên chính mình ngày hôm qua , tiếp tục mải miết lang thang khắp nơi từ sông rộng đến biển cảû, từ núi cao đến đồng ruộng , như đi tìm một điều gì đó giúp ông thấy được con đường trở về chốn vĩnh hằng của mình . Cuộc đời lang thang thật ra là chính hành trình đưa ông trở về .



Sư Soryũ là môt học giả được Bashõ yêu cầu chuẩn duyệt quyển Nhật ký “Con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc” đã viết như sau:


 Đầu mùa hè năm thứ bẩy thời đại Minh Trị


Trong quyển sách du ký nhỏ này gồm tất cả mọi điều dưới thế gian - không chỉ có tuổi già khô cằn nhưng có cả tuổi trẻ và sự sống động, không chỉ mạnh mẽ và gây ấn tượng nhưng cũng yếu đuối và thoáng qua .


 Như khi chúng ta theo dõi từng ngã rẽ của “ Con đường hẹp đi sâu vào miền Bắc”, đôi khi chúng ta quên tán thưởng và đôi khi chúng ta dấu mặt vào đôi bàn tay để chống lại nỗi đau quằn quại mà ta cảm thấy sâu lắng trong tâm . Cũng có khi ta cảm thấy tự ta đưa ta đến con đường đó, hoặc vơ vội cái áo mưa , hay có khi thèm được ngồi cho đến khi đôi chân mọc rễ thưởng thức quang cảnh trước mắt .


Cái đẹp của quyển sách nhỏ này có thể so sánh với hạt ngọc trai làm ra do một mỹ nhân ngư ngoài biển cả xa xôi . Quyền sách này thật sự đã ghi lại một hành trình và chứng thực điều mà Bashõ đã kinh nghiệm . Chỉ một sự đáng tiếc là tác giả quyển sách này , một đại nhân , đã có những năm tháng cuối già mau và suy nhược với mái đầu bạc phơ dưới đôi mắt của ông ta .

 


 

 

Mặt trăng và mặt trời là những khách lữ hành muôn thuở ! Năm tháng cũng là những lữ khách lang thang vĩnh viễn ! Bao nhiêu năm qua đi những ai dong thuyền vượt biển hay những ai cưỡi ngựa băng ngàn tiêu pha từng giây phút của cuộc đời, cả những người thời xa xưa cũng vậy đều chết trên đường đi . Thế mà riêng tôi cũng mong một hành trình lang thang đây đó . Thế mà cuộc hành trình đó lại chính là con đường trở về.



Từ thuở xa xưa vẫn luôn luôn có người bỏ cuộc trên đường du hành Nhưng tôi vẫn bị hấp dẫn bởi gió thổi mây bay vào giấc mộng đời lang thang . Trở về sau một năm đi vơ vẩn trên bờ biển cuối thu năm ngoái ; vừa quét máng nhện xong cho cái chòi của tôi trên mé sông Sumida đúng vào ngày đầu năm. Khi sương mùa xuân bắt đầu lan dần từ những cánh đồng xa xa. Tôi đã vượt cảng Shirakawa vào sâu trung tâm miền Bắc. Tâm hồn thích lang thang làm tôi không thể nào chú tâm vào bất cứ việc gì . Trong mơ màng tôi vá cái quần , may giây mới cho cái nón của tôi . Thoa dầu vào chân cho khỏe thêm, tôi mơ thấy ánh trăng sáng ngời ngoi dần lên từ đảo Matsushima. Tôi sửa soạn cho cuộc hành trình sắp tới ghi lại một bài thơ trên cửa vàtrao cái chòi lại cho người khác và tạm thời dọn đến căn chòi của Sampũ.(27)


Dưới cỏ cánh cửa chôn sâu

Búp bê ngày lễ đời sau hội mừng (28) 


  

 Vào tuần trăng thứ ba sáng sớm hai mươi bẩy , hoa anh đào đang nở rộ tỉnh Ueno và Yanaka như tiễn tôi . Dưới làn sương sớm lúc hừng đông , ngọn núi Fuji chỉ là cái bóng trong ánh trăng mờ mờ. Tôi nghĩ ngợi sắp rời đây cho đến bao giờ tôi được nhìn lại nơi này? Một vài bạn cũ họp lại từ tối hôm qua tiễn tôi một đoạn đường dài đễ nhìn theo con thuyền của tôi trôi xa dần . Rời bến Senju , tôi cảm thấy như tim mình vượt xa ba ngàn dặm , qua màn lệ chia tay tôi thấy cả thế giới chỉ là giấc mộng . Cầm bút tôi viết bài thơ đầu tiên của cuộc hành trình này :


 Mùa xuân ta chia tay

 chim kêu , cá mắt lệ đầy 


 

Thế là tôi đã khởi hành. Những người bạn còn đứng mãi nhìn theo cho đến khi người lữ hành khuất bóng .


 *** 

 

Năm thứ hai ở Genroku , tôi nghĩ đến con đường dài đi sâu vào nội địa miền Bắc . Tóc tôi có lẽ sẽ trắng như sương trước khi tôi trở về từ những nơi chốn huyền thoại đó mà cũng có lẽ tôi không bao giờ trở về nữa. Tôi đi suốt ngày hôm đó , hứa quay về khi nào đã được nhìn thấy những nơi xa lạ miền Bắc , nhưng tôi không thể tin là có thể đến được vào năm Genroku , không chừng chỉ làm cho tóc tôi thêm bạc khi đến nơi giá lạnh . Đêm đó chúng tôi đến Soka , xương cốt tôi rã rời vì cái bao nặng trên vai đựng áo khoác đêm ấm áp mềm mại , cái áo mỏng bằng vải , bút lông nghiên mực và những thứ cần thiết , còn nặng thêm bởi những món quà giã từ của bạn bè mà tôi không thể nào không mang theo.



 Tiếp tục đi đến đền ở Muro-no-Yashima, người bạn đồng hành Sora nói :” Nữ thần Ko-no-hana Sakuya Hime là nữ thần của cây cỏ nở hoa , ở núi Fuji cũng có đền thờ thần này. Là con gái sơn thần và là vợ củaNinigi -no-Mikoto Vì gần nhau có một đêm mà thụ thai nên chồng không tin nên Nữ Thần tự giam mình trong hầm lửa snh con bình an trong lửa để chứng tỏ rằng đứa con trai mình đang mang thai là dòng dõi thần tiên . Do đó con trai của thần là Hohodemi-no-Mikoto làø Hoàng tử sanh ra trong lửa và đền thờ có tên là Hỏa Lò (Muro-no-Yashima) . Vì vậy nguyên do tại sao những thi sĩ ở đây viết về khói và tại sao người địa phương không ưa con cá konoshiro khi nướng bốc mùi ghê tởm . Ở đây ai cũng biết câu chuyện hoang đường đó


 ***


Đêm cuối cùng của tuần trăng thứ ba, dừng lại nhà trọ dưới chân núi Nikko . Người chủ trọ có tên “ người chân thật Gozaemon “ anh được gọi thế là vì anh có tấm lòng chân thật . Anh ân cần đón mời khiến tôi cảm thấy như rất thân tình . Ông Phật từ bi tự đâu hiện ra làm dân thường để giúp đỡ những kẻ du hành tha phương . Tấm lòng chân thật của anh không mầu mè , cái tâm đơn giản của anh là món quà quí giá . Anh là tấm gương chánh trực của Khổng giáo , người chủ trọ của tôi quả là một vị Bồ Tát.



Ngày đầu tiên tuần trăng thứ tư, chúng tôi trèo lên núi Nhật Quang (Nikkoõ ) đến viếng đền do Kũkai (774-835) xây dựng và đặt tên là “Tia nắng mặt trời “. Kũkai là người sáng lập ra phái thần đạo . Có lẽ Kũkai đã có lực để nhìn thấy từ ngàn năm núi Nikkõ sẽ còn tồn tại như một núi thiêng hơn tất cả các đền và năng lực ân phước lan truyền xuống khắp nơi bao phủ dân gian như những tia nắng mặt trời . Vô cùng tôn kính , tôi không thể viết lời nào cho xiết cảm xúc trong tâm sợ viết nhiều chỉ thêm bất kính :


Ôi không nói nên lời ,

long lanh ánh mặt trời mùa xuân,

lá nụ đâm chồi xanh xanh .



Từ đàng xa ngọn núi “ Tóc đen” (Kurokami) hiện rõ qua màn sương , tuyết trắng sáng rực chọi với núi.



Ở quê tôi, Sora có tên là Kawai Sogoro. Sora là bút hiệu của anh. Khi còn ở cái chòi cũ của tôi là “Am Bashõ” anh gánh nước , bổ cu i. Dù thích thú hay khó nhọc, chúng tôi đồng ý cùng nhau thực hiện cuộc hành trình để chia xẻ cái thú được nhìn thấy Matsushima và Kisagata . Buổi sáng khởi hành , Sora cạo đầu khoác áo nhà sư và đổi tên là Sogo có nghĩa “giác ngộ”. Vì vậy trong bài thơ của anh chữ “thay áo” là những ý nghĩa sâu xa đó. Tuyết hãy còn phủ đầy núi Kurokami thờ thẫn trong màn sương Sora viết :


Cạo đầu trên núi Nhật Quan

chúng tôi thay áo mong manh mùa hè.



Sau khi trèo khoảng vài trăm thước từ đền đến ngọn thác Urami-no-taki nước đổ vào một lũng sâu cuồn cuộn nhảy vọt qua gờ đá nhô ra do thiên nhiên đẽo gọt như cái mái , nước rơi xuống một cái hồà xanh biếc phía dưới hàng chục thước . Đứng dưới gờ đá chúng tôi có thể nhìn ra từ sau thác nước như là chúng tôi ẩn sau động cheo leo . Tôi viết :


Tịnh yên động thác nước cao

Mùa hè tu dưỡng khởi đầu từ đây 


 ***


Tôi cóù người bạn ở Kurobane, một nơi xa tít mãi tận cánh đồng hoang Nasu . Định đến đấy bằng đường tắt , nhưng mưa tầm tã từ chiều nên chúng tôi dừng lại một trang trại trong làng đợi sáng sớm hôm sau sẽ khởi hành . Buổi sáng lên đường trông thấy ngoài đồng có người đang cắt cỏ cạnh một con ngựa . Tôi đến hỏi đường , người ấy suy nghĩ một giây và lễ phép đáp : “Đường nhiều khúc quanh dễ bị lạc lắm. Tốt hơn dùng con ngựa già kia nó biết đường thì không bị lạc và đi bao xa cũng được , khi nào nó dừng thì thả cho nó tự trở về một mình.”



Có hai đứa trẻ nhảy múa theo sau , một đứa tên Kasane cùng nghĩa với hoa mầu hồng trên đồng. Sora viết:


 Hoa kia có cánh mầu hồng

 Bé kia tên cũng “mầu hồng” thành hai

 Sao mà trùng hợp quá hay. 


 

Khi đến nơi, tôi cột một ít tiền vào yên và thả cho ngựa trở về.


Đến Kurobane bình yên , tôi viếng vị hiệp sĩ thế lực cai trị lãnh địa là Jõbõji Takakatsu là một hiệp sĩ cao cấp dưới trướng Õsiki Matsutsune . Ông ta ngạc nhiên thấy tôi đếnï thăm và ân cần giữ tôi lại hàn huyên suốt ngày đêm . Người anh tên Tosui mong được tiếp chuyện tôi và đưa tôi về giới thiệu cùng gia đình và họ hàng bè bạn . Hôm sau chúng tôi ra vùng ngoại ô , đi ngang bãi săn bắn bỏ hoang của những tay cung kiếm thời xưa thực tập, đến cánh đồng hoang tìm viếng ngôi mộ Phu Nhân Tamano (29) . Và viếng đền nổi danh Hachiman thờ các thần và người anh hùng thiện xạ Nasu-no-Yoichi (30) . Tôi được mời viếng ngôi chùa Kõmyõji nơi thờ En-no- Giõja người sáng lập phái Shugen (31) là một vị tăng vào cuối thế kỷ thứ bẩy đến thế kỷ thứ tám . Shugen đã đi du hành bằng đôi guốc gỗ khắp xứ truyền giảng học thuyết.


 Mùa hè trên núi non cao

 Cúi xin mưa lũ đổ rào thánh thiêng

 Đường dài phù hộ hành trình


Tìm ngôi chùa thiền Unganji là nơi Butchõ (32) thầy tôi đã sống đơn độc trong căn chòi trên núi sau chùa . Thầy nói với tôi từ lâu là ngài có ghi bài thơ lên phiến đá nơi ẩn cư bằng than đen từ cây thông cháy


Tôi chẳng còn vấn vương

Lều cỏ mười tấc vuông

 chỉ vì cơn mưa tuôn


Một vài người tò mò cũng nhập bọn đến chùa . Họ trò chuyện vui vẻ trên đường đi và dùng gậy chống chỉ về phía chùa hướng khuất ven núi bị những cây tuyết tùng và thông che khuất . Qua lối hẹp lên vùng thung lũng sâu trong khí trời se lạnh mùa xuân , những giọt rêu nhỏ xuống từ những tàng lá tùng và bách hương dầy đặc đưa chúng tôi đến cổng chùa bên kia cây cầu và khí trời còn giá lạnh dù là đã vào tháng Tư . Ra sau chùa tôi tìm đến nơi ẩn cư của Butchõ , cái chòi bé tí teo dựa vào tảng đá khổng lồ như thạch thất của Genmyõ(33) sống mười lăm năm và cũng như cái am ẩn dật của thiền sư Houn tịnh tu (34). Tôi viết vội bài hài cú cài lên cột lều.


Dẫu chim gõ mõ không màng

Túp lều bé tí trong lùm sang xuân


Chia tay cùng người bạn ở Kurobane, tôi đi tìm Sát sinh thạch ( Sesshõ-seki) có tên như thế vì tất cả sâu bọ và chim chóc đều gị giết khi đến gần tảng đá . Người bạn cho tôi mượn con ngựa . Người giữ ngựa xin tôi cho một bài thơ : “xin ngài cho một vài nét đẹp”


Từ cánh đồng mênh mông

Con ngựa quay đầu trông

Tu hú gáy viễn vông


Nằm dưới bóng núi tối sẫm gần suối nước nóng “Sát Sinh Thạch “ bốc hơi nặng nề mùi ong và bướm chết chôn vùi dưới cát không còn nhận ra mầu sắc mặt đất. 


 Khi ở Ashino tôi nhớ đến bài thơ của Saigyõ “Xoãi bóng phủ dòng suối pha lê” ca tụng cây dương liễu . Nơi đây cũng có cây dương liễu sừng sững bên ruộng lúa , tôi thắc mắc không biết có phải chính cây dương liễu ngày xưa còn tồn tại . Nhưng ít ra tôi có thể ngồi nghỉ ngơi và duỗi thẳng đôi chân mệt mỏi.


Những nàng thôn nữ gặt xong

 dưới tàng dương liễu ta còn phân vân.


Mỗi ngày mỗi một lo lắng khi nghĩ đến chuyện vượt biên giới Shirakawa. Tôi ngâm nga những bài thơ xưa để được an tâm và như thầm nhắn nhủ về nhà . Vào mùa hè khi đi qua những cánh rừng rậm xanh um tôi nghĩ vơ vẩn vài câu thơ của nhiều thi sĩ khởi hứng về một trong ba cửa quan :“Gió mùa thu “, “Lá phong đỏ” . .


Sau nhiều ngày cô đơn lang thang cuối cùng tôi đến được biên giới Shirakawa là nơi biên cảnh bước vào miền Bắc . Khi đến nơi đây , lần đầu tiên tôi lấy lại bình tĩnh vàthăng bằng mà không còn cảm thấy lo lắng khó chịu . Rồi như một cảm giác đã xa lìa tôi suy tưởng đến những người du hành xa xưa đã đi qua cổng biên quan này với nỗi nóng lòng muốn viết thơ về nhà . Cổng này là một trong ba tụ điểm quan trọng , nhiều thi sĩ đã đi qua và mỗi người đều lưu lại một bài thơ . Đi giữa những tàng cây nặng trĩu lá , không xa lắm tiếng gió thu lướt qua tai tôi và hình ảnh mùa thu nhuộm sắc trước mắt tôi . Có hàng ngàn những bụi hoa trắng tinh unohana dọc suốt hai bên đường cùng những bụi gai nở hoa trắng xóa nên mới nhìn thoáng qua như một lớp tuyết mới phủ mặt đất . Kiyosuke là thi sĩ học giả thời đại Heian viết rằng người xưa mặc những bộ đồ đẹp nhất để đi qua trạm gác này có người cảm thấy quan trọng đội những cái mũkiểu cách như vào triều kiến vua . Sora viết :


Hoa trắng trên tóc điểm trang

 Bước qua cổng khoác áo hoàng triều xưa 


 ***


Trên đường đi về phía bắc , chúng tôi vượt sông Abukuma và đi qua giữa những ngọn núi cao Aizu bên trái và bên phải là làng Iwaki, Soma và Miharu chia làng Hitachi và quận Shimotsuke bằng những dải núi thấp . Tôi dừng lại Kagenuma “ Ao Gương” vì Ao phản chiếu thật trung thực bất cứ vật gì cạnh mặt nước . Những ngày mây mù nền trời một màu xám xịt hiện trên mặt ao .


Chúng tôi nán lại vài ngày ở Sukagawa với thi sĩ Tõkyu là người rất được kính nể vùng giới tuyến Shirakawa Ông ta hỏi thăm tôi có viết được cảm nghĩ về vùng Shirakawa . Tôi đáp : “Thân và tâm đau như dần , lại bận nhớ đến những câu thơ của các thi sĩ khác , hơn nữa mải mê ngắm cảnh , nên cũng không lạ gì là tôi không viết được bao nhiêu”: Mà cũng thật đáng trách nên tôi viết


Lần đầu mạo hiểm văn thơ 

 Trên đường ra Bắc bài ca ruộng đồng.


Từ câu thơ mở đầu này chúng tôi cùng nhau viết tiếp vài đoạn thơ .


Theo ven làng dưới bóng cây hạt dẻ , có một căn nhà nhỏ của một nhà sư khổ hạnh xa lánh thế gian . Đứng dưới cây hạt dẻ tôi có cảm tưởng như mình đang đứng trong sương mù của dẫy núi sâu thẳm nơi mà thi sĩ Saigyõ đã hái hạt dẻ. Tôi liền viết :


“Cây hạt dẻ theo chữ Hán ghép hai bộ “Mộc” và “ Phương Tây” ám chỉ cõi Tây Phương Cực Lạc . Suốt đời nhà sư Gyõki (35) dùng cây hạt dẻ làm gậy chống và cột đỡ cho cái chòi của sư .


Kìa cây hạt dẻ nở hoa 

 Đong đưa dưới mái hiên nhà

Mà nhân thế chẳng nhận ra 


 

 Cách vài dặm từ nhà Tõkyu đến thành phố Hiwada sát chân đồi Asaka nổi tiếng . Đồi không xa đường cái thế mà có rất nhiều hồ nằm rải rác . Lúc này là mùa hoa diên vỹ nở katsumi , thế là tôi đi tìm hoa diên vỹ , tôi đi đến từng cái hồ lầm bầm hỏi từng thần linh chỉ cho tôi hoa diên vỹ ở đâu . Không một ai nghe cả cho đến khi mặt trời lặn tôi cũng chưa được thoáng thấy được một lần .


Chúng tôi đi tắt thẳng đến Nihonmatsu và dừng vội vàng thăm cái hang Kurozuka rồiø tìm nơi nghỉ lại đêm Fukushima.


 *** 

 

Sáng tinh mơ hôm sau chúng tôi đến làng Shinoku đi tìm tảng đá mà quanh đó có một loại thảo mộc thân sần sùi dùng làm thuốc nhuộm gọi Shinobu-zuri  . Tôi tìm thấy tảng đá nằm giữa một ngôi làng nhỏ và một nửa tảng đá đã chôn sâu dưới đất . Theo lời người hướng dẫn trong làng giảng giải thì trước kia tảng đá ở trên tận đỉnh núi nhưng những lữ khách đi qua đã làm hại mùa màng nên các nông dân bất bình lăn đá xuống đây. Câu chuyện nghe không hợp lý và không thể tin được


Đôi tay con gái làng này ,

Nông sâu ruộng lúa cấy cầy dẫu sao

còn hình dung đến nhuộm mầu


Đi phà Tsuki-no-wa ( Vầàng sáng mặt trăng ) đến thành phố biên giới Se-no-ue để viếng căn nhà đổ nát của Satõ Shojo (36) khoảng một dặm rưỡi từ thành phố biên phòng này về phía trái chân núi . Tôi đi dần về hướng làng Iizukatrông thấy ngọn đồi Maru trên cánh đồng rộng Sabano là nơi có lâu đài của các chiến sĩ . Tôi ứa nước mắt trông thấy sau cánh cổng gẫy đôi có ngôi chùa cổ đơn độc cạnh nghĩa trang gia đình hãy còn tồn tại . Quang cảnh làm tôi nhòa lệ đắng cay trước nấm mộ của hai người con dâu , tưởng tưởng hai thân thể yếu đuối mặc chiến bào của hai người chồng chết trận để an ủi mẹ chồng già hãy còn sống Khiến tôi tưởng như mình đang ở trước mộ bia có tên “Hòn đá đẫm lệ ” mà Đỗ Phủ đặt tên cho mộ bia của Yang hu (221-278) .Vì không ai là không khóc khi đứnùg trước bia mộ.


 Vào chùa , tôi thưởng thức trà và chiêm ngưỡng cây kiếm dài của tướng quân Yoshitsune và cái rương tre Phật sựï của nhà sư Benkei mà không bao giờ ngài rời xa , cả hai vật đều được thờ . Đó là ngày đầu tiên vào mùa cấy của vùng Satsuki .


Rương tre, kiếm đạo, liễn thơ

Tháng năm lễ hội trang thờ uy nghi


 ***


Nghỉ đêm lại Iizuka vào ngày đầu tháng Năm . Tôi tắm suối nước nóng trước khi trở về nơi nghỉ tạm đêm nay. Nơi này thật luộm thuộm bẩn thỉu , một chiếc chiếu rơm rách trải trên mặt đất , họ sửa soạn nơi ngủ cho chúng tôi trong đóm lửa bếp . Trong bóng tối chập chờn tôi cố nhắm đôi mắt mệt mỏi . Đột nhiên một cơn mưa sấm sét như thác lũ đổ xuống mái nhà dột nát dựng tôi dậy, ruồi muỗi bay tứ tung . Cơn bệnh cũ trở về hành hạ suốt đêm dài làm tôi mất ngủ . Tôi rời lữ quán khi vừa có ánh sáng vầng đông và trên suốt đường đi đến Kori tôi lên cơn sốt mấy lần trên lưng ngựa.


Tôi lo ngại cho chương trình hoạch định nếu ngã bệnh trên đường như vậy làm sao thực hiện được hết hàng ngàn dặm còn lại . Nếu tôi chết trên đường đang tiến sâu vào miền Bắc thì cũng là ý trời mà thôi . Mỗi một hành trình mỗi một gặp gỡ chỉ là tạm bợ , tôi tự nhủ phải quyết tâm và cố gắng bước những bước thật vững vàng để đến giới tuyến Okido tỉnh Date.


 Đi qua lâu đài thành phố Abumizuri và Shiroishi , tôi vào tỉnh Kasajima. Hỏi đường đến gò mộ lãnh chúa Sanekata của gia đình Fujiwara(37) . Theo hướng tay mặt làng Minowa và Kagoshima hiện rõ dưới chân núi đàng xa gò mộ bị chôn vùi trong bụi cỏ hãy còn đó ngay cạnh ngôi đền. Đền khuất trong lau sậy như đã tả trong bài thơ của Saigyõõ Tôi muốn đi về phía đó nhưng phần vì đường đất bùn lầy sau cơn mưa sáng sớm của mùa mưa phần tôi quá yếu nên không đi được . Tên của hai làng thật phù hợp với mùa mưa với nghĩa là ‘ Aùo Mưa “ và “ Cây Dù “. tôi viết:


 Còn bao xa nữa mới đến làng

 bùn lầy vô tận những con đường

 Kasajimi mùa mưa ướt


Đêm đó chúng tôi dừng lại nghỉ ở làng Iwanuma.


Kasashima, đảo dù nơi đâu ?

Lạc vào lầy lội bùn sâu mưa mùa.


 Lòng tôi vui mừng vô hạn khi nhìn thấy cây tùng thân đôi mọc nơi ở Takekakuma đã tự lâu đời vẫn được ca tụng theo như lời của những thi sĩ thời xưa ; nhắc tôi nhớ đến thi sĩ Nõin (38) đã đau đớn khi ngài đến viếng tùng đôi lần thứ nhì thì được biết cây đã bị đốn để xây cầu bắc qua sông Natori theo lệnh của tỉnh trưởng mới . Thi sĩ Nõin viết “Không còn thấy dấu vết loại cây danh tiếng đó nơi đây”. Cây mới được trồng cũng đã lại bị chặt xuống và cây khác được trồng lên thay thế và cứ tiếp tục vài lần . Nhưng khi tôi đến đây để nhìn tận mắt dáng vẻ nguyên thủy không hoàn hảo của từ ngàn năm , thế mà hình dáng vẫn đẹp không thể ngờ đó là cây tùng . Thi sĩ Kyohaku (39) đã viết .


 Đừng quên gửi đến thầy tôi 

Cây tùng Takekuma ngàn đời

gởi ra miền Bắc anh đào xa xôi


Tôi đáp lại :


 Ba tháng trôi qua đã tự lâu

 Từ khi xuân nở hoa anh đào

 danh tiếng tùng đôi tôi tìm đến.


 Ngày mùng bốn tuần trăng tháng Năm, chúng tôi vượt sông Natori đến tỉnh Sendai là ngày chúng tôi theo tập tục ném lá hoa diên vỹ (40) lên mái hiên để cầu xin cho sức khỏe được bình an . Tìm được lữ quán , chúng tôi quyết định ở lại đây vài hôm . Nghe danh nơi đây có một họa sĩ tên Kaemon tính nết hòa nhã thân thiện, tôi cố gắng đi tìm gặp ông ta . Ông có tiếng là một họa sĩ tài ba và đã từng viếng tất cả những vùng lân cận nổi tiếng nhờ được nhắc đến trong thơ của các thi sĩ lừng danh nay hầu như đã bị lãng quên . Ông ta đưa tôi đến một nơi đặc biệt thật không thể thiếu sót trong cuộc hành trình . Chúng tôi đến đồng bằng Mayagino có những cánh đồng hoa đinh hương đợi nở vào mùa thu Trên đồi Tamada và Yokono phủ đầy những hoa đỗ quyên trắng nở rộ . 

 

Bướm vừa bay vút giữa đồng

Bướm bay qua bóng nắng trong mặt trời


Chúng tôi tiếp tục đến cánh rừng tùng Konoshita tối dầy đặc đến độ ánh mặt trời không thể rọi qua . Nơi đẫm sương và âm u nhất trên quả đất này là đề tài cho thơ . Như thisĩ Kokinshũ nài nỉ xin một cái dù che cho đại hiệp sĩ của ông khi sương xuống . Sau đó chúng tôi viếng đền Yakushido và đền Tenjin cho đến khi chiều xuống . Khi chia tay họa sĩ làm quà cho chúng tôi hai bức vẽ Matsushima và Shiogama và hai đôi dép rơm quai mầu xanh như mầu hoa diên vỹ hanamuke . Cử chỉ đẹp này khi giã từ chứng tỏ bản chất thiên nhiên của con người nghệ sĩ trong ông ta .


 Chân mang đôi dép quai xanh

 Hoa diên vỹ nở trên bàn chân ta 


 ***


Theo hướng con đường đi sâu lên miền Bắc đến nơi có những cây lau mọc từng cụm đợi nở vào mùa thu . Vừa đi vừa xem tranh Kaemon , tôi tiếp tục Con Đường Hẹp Vào Sâu Miền Bắc đến nơi có từng khóm cao cây lau sa thảo Vùng Tofu này nổi tiếng về những tấm chiếu bằng lau sa thảo thường gửi dâng lên Thống đốc mỗi năm .


 Ở lâu đài Taga tại làng Ichikawa , chúng tôi tìm thấy ngôi mộ cổ nhất Tsubo-no-ishibumi cao khoảng hai thước và một thước chiều ngang , qua lớp rêu dầy phủ kín phù điêu chạm nổi chữ trên mặt đá hãy còn hiện rõ .


Lâu đài xây vào năm đầu tiên thời Jinki ( khoảng năm 724 ) do tướng quân Ono-no- Azumabito (41) được hoàng gia biệt phái đến địa phận miền Bắc.

Năm 762 chùa Tempyõhõji được trùng tu do ủy viên hoàng gia và tướng Emi-no Asakari (42) thống đốc miền Bắc.


 Theo ngày ghi thì ngôi mộ này xây từ thời vua Shõmu (701-756 đời vua thứ 45 của Nhật Bản ) sừng sững nơi đây đến ngày nay và đã gây nhiều cảm hứng ngưỡng mộ cho biết bao nhiêu thi sĩ trong nhiều năm . Trong sự đổi đời vô tận của trần gian có những nơi núi lở , sông chuyển dòng , đường xá hoang phế , đá tảng bị chôn vùi , cây già cỗi nhường cho cây non . Lụt lội và đất chùi đã chôn vùi dấu tích đường mòn , cây cối mọc um tùm đan lẫn với những cành lá chết che lấp càng khiến ngôi mộ thêm khó tìm . Không phải là không có sự mầu nhiệm khiến ngôi mộ xưa độc nhất còn tồn tại chống chọi hàng ngàn năm để lưu lại cho hậu thế một ký ức thời cổ xưa . Nên khi đứng nơi đây tôi cảm thấy như những kỷ niệm từ ngàn năm trở về với tôi . Những giây phút như thế là lý do cho một cuộc hành hương làm tôi quên hết bao nhiêu mệt mỏi ốm đau khó khăn trên đường ; những giọt lệ vui sướng trào dâng trong mắt tôi .


Chúng tôi dừng lại bên bờ sông Noda-no-tama có hòn đá khổng lồ Mù Khơi ( Oki-no-ishi ) và cây gỗ tùng có tên Cuối Cùng (Sue –no-matsuyama) là nơi có ngôi chùa Masshõzan và vô số các ngôi mộ rải rác dưới những cội cây Thật là một cảnh trí vô cùng buồn thảm dù cho người đã yêu và đang yêu tất cả đều phải đi đến cuối cuộc đời . Phải rồi tất cả chúng ta cũng sẽ như vậy thôi ! ”.


Khi vào thành phố Shiogama nghe tiếng còng giới nghiêm đinh đong . Bầu trời tháng Năm một mầu âm u và xa kia là bóng dáng đảo Ràng Buộc (Maga-ga –shima) dưới ánh trăng


Hình như với tiếng đinh đong

Vừa tiếng dế gáy hòa vang vang cùng


Tiếng dân đánh cá đang chia phần của một ngày chài lưới làm tôi cảm thấy cô đơn và tưởng ngay đến bài thơ của thi sĩ thời xưa thương đời sống người đi biển bấp bênh . 


 Khi trời đã chập choạng tối tôi nghe tiếng hát của một pháp sư mù hát rong với tiếng sáo tấu một bài rất lạ không như ï một khúc nhạc kể lại trận chiến hay là bài hát vũ điệu truyền thống mà kể chuyện miền Bắc xa xôi . Tôi phải tự nhận là âm thanh nghe huyên náo ngay bên tai tôi nhưng tôi lại không thấy khó chịu khi họ còn giữ được chất dân quê mộc mạc nơi biên phòng hẻo lành này .


 Mưa hè đã tạnh trời trong vắt , mặt trăng hiện mờ mờ đang lên cao qua đảo Magaki , tôi nhớ đến câu “ Những chiếc thuyền câu đậu san sát gần nhau “ trong một bài thơ Kokinshũ , và lần đầu tiên tôi đã hiểu rõ ràng ý nghĩa của nó.


Minochinoku rong chơi .

tuyệt vời thay khắp nơi nơi . 

Bến Shiogama mới lạ đời làm sao 

thuyền câu san sát bên nhau

 

 ***


 Trở dậy từ hừng đông để đến lễ đền thần đạo Myõjin ở Shiogama . Cựu tổng trấn vùng này đã cho trùng tu đền với những cây cột vĩ đại oai nghiêm , mầu sơn đòn gác sáng chói , ánh nắng mặt trời nhảy múa lấp lánh trên lối đi lót gạch dài thoai thoải dốc dọc theo hàng rào phết sơn đỏ . Tôi cảm kích bởi năng lực thần thánh lan đến tận nơi miền Bắc xa xôi này của đất nước tôi, trân trọng tôi quỳ xuống tỏ lòng tôn kính trước điện thờ . Tôi nghĩ :” Bất cứ trên con đường nào cho dẫu đến cuối đường cát bụi, trời cao vẫn hiện diện theo dõi nhân thế . Đây là món quà lớn nhất cho văn hóa chúng ta.” Khi quỳ gối trước cửa đền tôi nhận thấy một cái đèn lồng cổ thật đẹp trên cây móc sắt có chạm câu


 Năm thứ ba của triều đại Bunji ( 1187)

 Izumi Saburõ kính dâng (43)


Đột nhiên năm thế kỷ dài xa xưa trôi qua trước mắt tôi ngày mà sự trung thành còn trong máu huyết của các chiến sĩ và cuộc đời của Izumi Saburo là một bằng chứng . Một người có trách nhiệm và bảo dưỡng thủy trung thì danh vọng tự nhiên vang dội cho đến ngày nay ai mà không tôn kính ông như đóa hoa của tinh thần thượng võ . 


 ***


Chúng tôi trở ra sau khi mặt trời đã lên cao. Thuê thuyền tiến đến đảo Matshushima khoảng hơn hai dặm ngoài khơi lên bến Ojima.


Như bao nhiều lời đồn đại về vẻ diễm lệ phong cảnh Matsushima , giờ đây tôi nghĩ dù có ca tụng hơn thế nữa cũng chưa đủ . Tôi có thể nói đây là một nơi đẹp nhất trên đất nước Nhật này và có lẽ không kém gì vẻ đẹp hồ Động Đình và Tây Hồ của Trung Quốc . Những hòn đảo nằm bọc theo vịnh vài ba dặm cả về mọi hướng , và mở ra cửa biển hẹp phía Đông như con sông Tiền Đường ở Chiết Giang Trung Quốc , vịnh này cũng tràn đầy nước từ biển cả đổ vào và vô số đảo rải rác từ mọi ngả . Những hòn đảo cao vươn thẳng lên trời tiếp nối những đảo lớn nhỏ nhấp nhô phủ phục úp lên nhau , có những hòn đảo trông như mẹ đang địu con trên lưng , đảo nọ ôm ấp lên đảo kia trước dòng nước liên tục tràn vào . Vì gió biển không ngớt thổi qua nên những rặng tùng xanh mướt oằn vặn san sát cực kỳ hàng lối Quả là toàn cảnh sắc vô cùng diễm lệ chỉ có thể so sánh với dáng vẻ nữ tính thiên phú tuyệt mỹ trong một thế giới sáng chói rực rỡ. Cảnh mỹ lệ này chỉ có thiên công của tạo hóa mới làm nên được . Cây bút của tôi cố gắng vô hiệu trước sáng tạo tráng lệ của thế giới thần tiên này .


 Matsushima ya ! 

ah Matsushima ya ! 

Matsushima ya ! 


 

 Bãi biển Ojima - đúng như cái tên của nó – là một bán đảo nhô ra xa hẳn ngoài biển khơi . Đây là nơi có thất ẩn cư đã đổ nát của Ungo Zenji (44) và tảng đá ông thường ngồi tham thiền hãy còn đây . Còn có nhiều chòi rơm rải rác dưới rặng tùng với những giải khói xanh nhạt vươn lên từ trên mái . Tôi tự hỏi những người này sống như thế nào trong những căn chòi trơ vơ nơi đây . Khi tiến đến gần một cái chòi nhỏ với cảm giác ao ước kỳ lạ nhen nhúm trong lòng lúc nào không rõ nhưng có gì ngăn tôi lại . Mùi khói hun lá cây tùng lôi cuốn tôi , gợi lên một mẫn cảm sâu xa trong tâm hồn . Trăng lên cao chiếu lóng lánh trên mặt biển hoàn toàn biến đổi quảng cảnh ban đêm . Chúng tôi nghỉ tại lữ quán ven biển . Từ cửa sổ phòng trên lầu hai mở ra vịnh , tôi nằm giữa tiếng gào thét của gió và từng cụm mây bay qua , tôi cảm thấy như mình đang ở một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới quen thuộc :


Dẫu chim tu hú hót hay

Cần đôi cánh bạc hạc bay

 bắc cầu vào Matsushima


Tôi cố dỗ giấc ngủ nhưng súc cảm trào dâng nên lại ngồi dậy lôi trong bị những bài thơ của người bạn thi sĩ là Sodo rất giỏi viết theo thể cách thơ cổ điển Trung Quốc , Hara Anteki là một y sĩ ở Edo theo thể waka , bài hài cú của Sampũ và Dakushi sing trưởng ở Õgaki nhưng lại là một hiệp sĩ tầm thường ở Edo tất cả đều viết về đảo Matsushima.


Ngày thứ mười một tuần trăng thứ năm , chúng tôi thăm chùa Zuigan được diện kiến thế hệ thứ ba mươi hai nối dõi người sáng lập là Makabe-no-Heishiro(45) . Sau khi học đạo ở Trung Hoa vào đời Đường , Makabe-no-Heishiro trở về thiết lập ngôi chùa này . Sau này Chùa đã được nhà sư Ungo Zenji xây rộng ra hơn làm 7 sảnh đường tô điểm bằng vàng ròng . Tôi lại nghĩ ngợi vẩn vơ là làm thế nào tìm được ngôi chùa bé tý teo của nhà sư Kembutsu có lẽ cũng đâu đây (46)

 ***


Sáng sớm ngày thứ mười hai vào tuần trăngTháng Năm , tôi bắt đầu trở ra đi đến Hiraizumi , định đi theo rặng tùng nổi tiếng Aneha và cây cầu Odae . Lần theo lối mòn độc nhất ít người qua lại , chỉ trừ những thợ săn hay tiều phu . Tôi lạc đường và cuối cùng đến cảng Ishinomaki nằm ngang với đảo Kinka trên một vịnh rộng mênh mông . Những người đi tìm vàng ngày xưa đã có lần xem nơi đây như “ hoa nở bằng vàng “ . Có hàng trăm tầu hàng lớn nhỏ thả neo dọc theo cảng , nhà cửa chen chúc, vô số vệt khói bốc cao từ những căn nhà kiên cố bên bơ đê. Tôi rất hài lòng nhìn thấy một nơi sầm uất mà ít khi tôi có dịp đặt chân đến . Khi tìm nơi nghỉ đêm tôi mới ngỡ ngàng là không một ai tiếp đón tôi . Sau nhiều giờ tìm kiếm cuối cùng tôi nghỉ lại một ngôi nhà tồi tàn trải qua một đêm không thoải mái . Sáng tinh mơ hôm sau trở dậy dò theo con đường vô định lạ lẫm ven bờ tầu đậu đi tìm khúc sông Sode , cánh đồng Obuchi và đồng hoang Mano là những nơi nổi tiếng . Sau khi vượt một đoạn đường dài vô cùng gian lao , chúng tôi dừng lại nghỉ đêm tại Toiman là cuối nguồn con sông dài lầy lội . Tôi đến được Hiraizumi sau khi lang thang hai mươi dặm suốt hai ngày đường .


Nơi đây ba thế hệ vẻ vang của tộc đảng Fujiwaratrôi qua như một giấc mơ. Cánh cổng khổng lồ đổ nát còn nằm đó . Lãnh địa xưa của Hidehira nay là đồng lúa xanh tươi . Chỉ có ngọn núi Kenkei là còn nguyên hình dáng . Trèo lên ngọn đồi nơi Takadate nơi mà tướng quân Yoshitsune đã bỏ mình , trước mắt tôi dòng sông rộng Kitakami chẩy xiết qua đồng bằng Nambu , nhánh sông Koromo uốn khúc quanh lâu đài Izumi trước khi nhập vào dòng sông Kitakami . Cuối thời vàng son Era , lâu đài Yasuhira cổ xưa đổ nát nằm chắn phía Bắc giới tuyến Koromo đó là rào cảng vùng Nambu dựng lên để chống lại giống dân man rợ từ phía bắc . Thật ra giá trị sức mạnh tinh thần hiệp sĩ đã liên tục hiện diện trong khoảng thời gian của ba thế hệ . Nhưng anh hùng và chiến công đã chết từ lâu và đã chìm vào quên lãng . Khi quê hương đã thất bại thì chỉ có núi sông còn tồn tại , và mùa xuân đến lâu đài đổ nát chỉ có cỏ là xanh tươi . Hình ảnh đoàn quân tinh nhuệ thủy chung còn lảng vảng đâu đó trong phạm vi lâu đài . 


Tôi ngồi lên cái nón gác chiếc gậy chống cạnh bên chua sót cho sự suy vong đến đổi quên cả thời gian :


Cỏ hè tồn tại bên đường

Đời xưa lính chiến mộng vàng tham lam. 


Sora viết:


 

 Phất phơ trong khóm tường vi

 Tướng già tóc trắng Kanefusa (47)


Cuối cùng hai sảnh đường chùa Chũson mà tôi mong được trông thấy mở ra trước mắt tôi . Tượng ba nhà quý tộc cai trị vùng này, còn lưu tồn trong tàng kim các tự (Kyodõ) ba cái hòm là ba hình ảnh thiêng liêng . Sảnh đường có thể sụp đổ bất cứ lúc nào cho cỏ chiếm ngự , những cánh cửa nạm ngọc lung lay trong gió, những cột trụ bằng vàng kêu răng rắc , nếu không có thêm một lớp mái ngoài và những vách tường che chở thì làm sao sảnh đường rộng lớn này vẫn còn tồn tại khi trải qua bao gió mưa vô tận từ ngàn năm


Dẫu cho mưa lũ tháng năm

Còn kim các tự rực vàng trong đêm.


 ***


 Quay về con đường chánh đi qua tỉnh Nambu , chúng tôi nghỉ lại Iwate , rồi lại lặn lội theo đường suối nước nóng Naruko bên cổng gác Shitomae ngăn lối vào tỉnh Dewa . Tôi phải đợi thật lâu vì những người gác giới tuyến nghi ngờ và khám xét kỹ càng , vì thế nên không mấy ai dám đi về qua nơi bất trắc này nếu không cần thiết . Sự trễ nải khiến chúng tôi phải leo núi vất vả khi bóng tối đang lan dần và nghỉ lại trong căn lều độc nhất của người gác. Rồi cơn bão thổi đến giữ chân tôi lại ba ngày . Suốt ba ngày khốn khổ vì trận bão lớn gió mưa đập liên hồi vào lều.


Tôi bị ăn sống nuốt tươi

Nào là bọ chét nào chí trời ơi.

 

Bây giờ con ngựa chao ôi

Ngay bên cái gối của tôi

Nó đái kìa !

 

Hành trình thấm mệt làm sao,

gió thu đây thổi , còn bao nhiêu ngày ?


 ***


Người gác bảo chúng tôi:” Muốn đến Dewa, các ông phải có người hướng dẫn vì phải vượt qua ngọn núi cao chắn ngang và đường mòn thật khó định trước “ Hắn tìm cho chúng tôi một chàng thanh niên trẻ trông hùng dũng , kiếm ngắn giắt lưng , tay cầm gậy chống bằng gỗ sồi, thế là chúng tôi lên đường với nỗi lo sơ ï. Đúng như y đã báo trước núi thì dốc mà lối mòn thật hẹp , không có cả một tiếng chim kêu . Càng đi sâu vào cánh rừng rậm tối om như ban đêm càng làm tôi có cảm tưởng như đi vào đêm của tử thần, gió rít như hút bụi , sương rơi mờ mịt từ những khóm mây lơ lửng như Đỗ Phủ đã có câu thơ “sương rơi rừ ven mây”. Mệt mỏi sợ hãi mồ hôi ướt đầm chúng tôi mò mẫm qua rừng tre dầy đặc , lội không biết bao nhiêu suối , vấp không biết bao nhiêu tảng đá , cuối cùng chúng tôi đến được làng Mogami . Người hướng dẫn khen là tôi may mắn lắm mới vượt núi bình an không như nhiều chuyến vượt núi trước của hắn . Khi chia tay tôi chân thành cám ơn hắn . Dầu vậy nỗi hoảng sợ vấn vương mãi trong tôi đến mãi sau này .


 ***


 Đến thăm ông Seifu một thương gia ở Obanazawa . Nhận thấy ông ta tuy giầu có nhưng không như giới thương gia tầm thường . Nhờ những chuyến đi rất thường xuyên đến Miyako là con đường mưu sinh nên ông hiểu được cuộc hành trình gian nan của chúng tôi . Vì thế ông mời tôi ở lại một tuần. Thôi thì tha hồ nghỉ ngơi thoải mái .Tôi viết:


“ Nhà tôi cũng như nhà anh”

Thế này mới thật chân thành đây thôi

duỗi dài nằm nghỉ thảnh thơi


 Trong căn phòng chất đầy tơ lụa tôi viết :


Con tầm kia trốn phòng trong

Chui ra , quỷ nhỏ giọng đong đưa hoài !


Nằm mơ màng đến những cánh đồng tôi đã đi qua:


Này đây ngọn bút nhỏ hồng

Nhắc tôi mầu đỏ cánh đồng đầy hoa.


Và Sora viết:


Trong phòng con tầm tầm tơ

Những nàng con gái mặc đơn sơ 

Trông như thiếu nữ thời xưa hiện về 

 

 ***


Chỉ đi thêm vài dặm đến ngôi chùa cổ Ryũshaku tỉnh Yamagata có tiếng là sạch bóng và vô cùng tĩnh mịch và thiêng liêng , do Đại hòa thượng Jikaku Daishi tông phái Thiên Thai thiết lập năm 860.


Vì ai cũng bảo tôi nên đến đó chỉ thêm vài dặm đường nên tôi đổi hướng không đi Obanazawa . May quá tuy đến nơi gần chiều nhưng hãy còn những tia sáng mặt trời bao trùm quang cảnh . Chúng tôi được các nhà sư dưới chân núi mời nghỉ chân Tôi trèo lên chóp núi đến viếng chùa . Cả ngọn núi là vô số tảng đá xếp thành phủ kín là những cây tùng và cây sồi già , nền núi cũng là mặt đá xám xịt rêu dầy viền quanh từ lâu đời . Cửa chùa xây trên đá cài then kỹ lưỡng , quanh đây không môït tiếng động Bò giữa những tảng đá để làm lễ trong tĩnh mịch chìm đắm , tôi cảm thấy như được thánh linh hóa giải cơ thể tôi trong sạch .


 Cô đơn lặng lẽ như tờ -

 Con ve sầu khóc vang từ đá khe


 ***


Định đi suôi dòng sông Mogami, nhưng chúng tôi chần chờ ở lại Oishida đợi thời tiết tốt . Có người nói với chúng tôi rằng : “Đây là xứ của hài cú những thi sĩ như những hạt giống truyền lại tự thuở xa xưa đang nở rộ nơi đây như những đóa hoa bị bỏ quên . Vì không có người dẫn dắt những thi sĩ nông thôn này chật vật ngoi ra khỏi cái rừng lỗi lầm không thể nào phân biệt giữa thể thơ mới và cũ. Vì thế theo lời yêu cầu của họ tôi ngồi lại cùng họ làm vài đoạn thơ như là món quà . Điều đó quả làm tôi rất vui vì có thể làm được điều gì đó trên bước đường lang thang .


Từ ngọn núi cao xa xa phía Bắc bắt nguồn con sông Mogami chảy qua tỉnh Yamagata . Có những khúc sông thật quái lạ tên “Tảng Đá Lốm Đốm “,” Đột Biến Chim Ưng “ sông tiếp tục chảy bọc theo phía Bắc chân núi Itajiki đổ ra biển ở phía Sakata . Chúng tôi đáp tầu nhỏ chở gạo mà không phải tầu chuyên chở hành khách . Con tầu bé con trôi giữa hai dẫy núi như chực đỗ ụp lên đầu tôi , cây cối trên núi dầy đặc chĩu nặng lá . Tôi trông thấy thác nước “Những Sợi Chỉ Bạc “ (Shiraito) chẩy lấp lánh qua những tàng lá xanh và ngay gần bờ có ngôi chùa “Bất Tử “ (Sennindõ) . Dòng nước sông chảy cuồn cuộn tràn mấp mé mép tầu , sự nguy hiểm không ngớt đe dọa .


Tháng Năm mưa lũ đổ đầy ,

dòng Mogami tràn đầy hiểm nguy


Ngày thứ ba của tuần trăng tháng Sáu trèo núi Haguro nhờ một người bạn tên Zushi Sakichi giúp đỡ . Anh này là người nhuộm áo cho các nhà sư trên núi cóa bút hiệu là Rogan . Chúng tôi đã được hội kiến tu viện trưởng đền Gongen là Đại Sư phụ Egaku và đi tham quan khắp các sơn tự . Ngài niềm nở đón tiếp và xếp đặt cho chúng tôi một gian phòng tiện nghi trong ngôi Chùa gần đó ở thung lũng phía Nam. Ngày hôm sau chúng tôi gặp nhau ở chánh điện cùng viết hài cú :


Thổi vào thung lũng tự phương Nam

Ngọn gió trong lành ấm đưa sang

Ngọt ngào có phải từ tuyết trắng.(48 )


 ***


Ngày thứ năm chúng tôi đến làm lễ ở đền Gongen là đền đầu tiên do nhà sư Nõjo xây dựng và không một ai nhớ rõ ông ta từ đâu tới và là con thứ ba của hoàng đế Sushun (?-592) . Dầu vậy thời đại Enji những buổi lễ hoàng gia và tôn giáo được thi hành nơi đền linh thiêng trên núi Sato tỉnh Dewa . Bút pháp Hán tự chữ Kuro và Sato có hai nét tương tự . Có lẽ vì thế tên núi sau này là Haguro là do nối tiếp hai chữ làm một . Theo lịch sử ghi lại từ thế kỷ thứ tám nguồn gốc lông chim mang từ vùng này cống na hoàng gia hàng năm . Hiện nay ngọn núi Haguro và ngôi chùa trên núi Haguro là một trong ba ngôi chùa thiêng miền bắc gồm núi Gassan ( núi trăng) Núi Yudono (núi tắm) và là chi nhánh của ngôi chùa trên núi Tõei ở Edo . Chùa này của môn phái Thiên Thai chuyên tu tọa thiền chỉ quán (shikataza) , “nhiếp tâm tọa thiền phát sinh trí huệ” , đạt được tâm giác ngộ khỏi cõi u minh . Có hàng trăm ngôi nhà mà các chư tăng thực hành tu tập rất nghiêm mật . Và quả nhiên cả ngọn núi tràn đầy cảm ứng thần diệu thiêng liêng đáng kính sợ . Sự rạng ngời sẽ không bao giờ tiêu diệt nếu hãy còn một nhân sinh đau khổ nào tồn tại trên thế gian .


Ngày thứ tám trèo núi Gassan , đeo vào cổ lá bùa thiêng làm bằng trắng giấy (Yushine) , chụp lên đầu cái mũ vải bạc màu ( Hookan) theo phong tục hành hương tôi theo sau vị sơn tăng trèo tám dặm lên đỉnh núi . Bước từng bước một trong sương , trongmây, thở không khí loãng mơ hồ trên độ cao của núi , từng bước chân trơn trượt trên đá băng trên tuyết không bao giờ tan trên đỉnh núi này. Cho đến khi như qua một cổng mây , như qua con đường lên mặt trăng hay mặt trời , như theo những linh hồn vô hình nào đó lôi cuốn tôi . Thế rồi cũng đến đỉnh hoàn toàn hụt hơi và lạnh đến cóng tưởng chết ngay lúc đó ; mặt trời vừa lặn và mặt trăng hiện dần lên óng lánh trên nền trời . Tôi trải lá tre trên đất đầu gối lên cành tre uốn thấp lăn ra ngủ . Ngày hôm sau mặt trời trở lại tôi mới bắt đầu xuống núi đi về phía Yudono .


Đêm trăng tĩnh lặng núi Gassan

Bao nhiêu tầng mây tan và họp.


Tiến về thung lũng , chúng tôi đi qua căn lều rèn kiếm dựng ngay trên dòng suối , đây là lều của Gassan người thợ rèn kiếm từ thế kỷ thứ mười hai ông ta đã dùng nước suối này mà tôi thép kiếm . Với kỹ năng điêu luyện và chuyên chú mỗi một lưỡi kiếm do ông chế tạo tinh xảo và nổi tiếng khắp nơi . Kiếm của ông chạm hai chữ Gassan “Nguyệt Sơn”. Ông ta chọn một nơi đặc biệt này cho nghề rèn kiếm của ông hẳn ông biết rõ năng lực huyền bí đã thực sự có bên Trung Quốc tại Chiết Giang có dòng suối Long Xuân và đôi vợ chồng thợ rèn kiếm là Khương Giang và vợ là Muội Muội . Một bài học dạy chúng ta nếu muốn thực hiện bất cứ điều gì cần kết quả tốt đẹp ta không thể hoàn tất cho đến khi ta chuyên chú hết tâm vào thực tập .


Ngồi duỗi chân nghỉ mệt tôi trông thấy trên tảng đá cây anh đào cao chưa đầy một thước , thân cây chôn dưới tuyết dầy, đã cuối xuân tuy hơi trễ nhưng hoa mới bắt đầu nở .


Ban mai rực rỡ mặt trời

Bình an cho tấm thân người già nua


Như một bài thơ Bạch Cư Dị : “Hoa mận nở thơm trong nắng nung”. Và thi sĩ Gyõson Sõjõ cũng viết


Đau sót làm sao,

 Kia là núi cao

Không người chiêm ngưỡng

Những cánh anh đào

Rạng ngời nở rộ “


  Tôi viết;


Trên ngọn núi này

thật tội tình thay

anh đào rực rỡ

mãn khai rạng ngời


Cảm thấy quyến luyến với cây anh đào trước mặt và nhiều kỳ hoa dị thảọ trên ngọn núi này nhưng không dám phạm lỗi vọng cảnh của người hành hương . Khi trở về nơi trọ , Egaku đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ và hỏi tôi về cảm nghĩ về chuyến hành hương trên ba ngọn núi thiêng này .


Trên núi Hugaro

Lành lạnh trăng lưỡi liềm

chiếu trên bầu trời đen

 

Thôi không dám thốt nên lời

Ướt đầm tay áo lệ rơi hai hàng

Núi Yodono một mình


 Sora viết


Lệ tuôn tôi bước ngập ngừng 

hành hương tiền rải trên đường Yudono 


 

Ngày hôm sau rời Haguro đến lâu đài Tsuru-ga-oka do Zushi Sakichi đưa đường , chúng tôi được hiệp sĩ Nagayama Shigeyuki (49) tiếp đón niềm nở và cùng nhau họa hài cú . Từ biệt họ để lần nữa tôi đáp tầu suôi dòng sông Mogami đến cảng Sakata , chúng tôi nghỉ lại đêm với một bác sĩ có bút hiệu là En-an-Fugyoku.


Lòng vui khí lạnh buổi chiều

dọc theo bãi biển gió nhiều Fukuura

 

Mặt trời còn nóng như nung

Núi Atsumi mãi đàng sau lưng

 

Mặt trời hè nóng như thiêu,

Sông Mogami dài sâu sóng ngầm


Sau khi đi qua những cảnh sông , núi , đồng bằng và biển cả đẹp không bút nào tả , chúng tôi đã được chứng kiến bao nhiêu cảnh sắc mỹ lệ và trải bao nguy hiểm , vậy mà lòng tôi vẫn hối hả không nén được mong mau đến đầm nước mặn nổi tiếng Kisakata thuộc hướng Bắc cảng Sakata . Lần theo con đường mòn khoảng mười dặm , vượt một đồi cao xuống bãi biển đá lởm chởm, vượt qua bờ cát dài nhưng mặt trời vừa lên chấm đến chân trời thì một cơn gió nổi dậy từ ngoài biển thổi vào tốc cát mịn theo cùng cơn mưa mờ mịt , đám mây xám phủ đầy trời làm cả ngọn núi Chõkai cũng biến mất . Tôi đi như người mù tự tưởng tưởng phong cảnh biển cho đến cuối cùng đành nghĩ lại một cái chòi của dân chài . Niềm an ủi là nếu mưa trong tối mù đẹp như vầy thì sẽ hứa hẹn một ngày khô ráo tươi đẹp .


Hừng sáng hôm sau , ánh mặt trời nhảy múa trên bến cảng . Chúng tôi đáp thuyền vượt đầm mặn . Đầu tiên tôi ghé lại một đảo nhỏ được đặt tên nhà sư Nõin để viếng nơi mà người đã ẩn cư ba năm . 


Khi lên bờ tôi thấy cây anh đào già cỗi phản chiếu bóng bất diệt xuống mặt nước mà Saigyõ tả “ chèo thuyền trên hoa nở ” . Tôi viết :


Kisagata

anh đào soi bóng

 như chôn trên sóng

Thuyền chài lưới trôi


Gần bờ biển có ngôi chùa Kammanjuji và mộ của hoàng hậu Jinjũ mà lịch sử ghi đã cai trị xứ Nhật khoảng nửa thế kỷ thứ tư , bà thất bại trong việc hòa giải với Đại Hàn nên nhường ngôi cho con . Tôi ngạc nhiên bà đã viếng ngôi chùa này , nhưng ngôi mộ của bà đã minh chứng lịch sử là đúng . Từ phòng tiếp tân của chùa khi bức liếp được cuốn lên , trước mắt tôi một phong cảnh phi thường toàn cảnh sắc đầm nước mặn . Phía Nam núi Chõkai cao đội trời lên như một cái cột , trên mặt nước bóng núi chiếu xuống mặt nước như thiên đường đảo ngược Cửa biên phòng cảng Muyamuya hiện rõ hướng Tây và Shiogoshi hướng Bắc . Miệng đầm nước mặn luôn gợn sóng từ biển rạt vào . Dẫu đầm nước mặn Kisagata chỉ khoảng một dặm vuông những vẻ đẹp duyên dáng cũng không kém gì Matsushima, hai nơi đều đáng ghi nhớ và vẻ cuốn hút chỉ khác nhau là Matsushima thì dịu dàng duyên dáng còn Kisakata lại như vẻ đẹp của người đàn bà sụt sùi áo não không chỉ cô đơn mà như ân hận về một lỗi lầm trọng đại . Cảnh sắc quả nhiên tương tự như phát tiết một tư tưởng lo lắng phiền muộn


 Hoa nở mưa Kisakata

 Như Tây Thi đã sầu tư muộn phiền 

 

 Cò kia tất bật chân dài

 Ngâm chân biển mặn thủy triều giá băng

 Shiogoshi biên cương

 

Mưa Kisagata

Nhạt nhòa hoa ngủ trong mưa

Tây Thi trong nỗi ưu tư âu sầu


Sora viết: 

 

 Kisakata hội lễ thần

 món chi ăn uống tiệc làng dọn ra


Người thương gia Teiji từ tỉnh Minõ viết:


Dân chài ngồi ấm trong khoan

 Nhìn ra bờ cát chiều vàng lạnh se


Sora tìm thấy tổ con chim biển trên đá , viết:


Thần linh đã dạy chim muôn

Sóng cao đừng lội về nguồn tổ chim

Sau vài ngàynghỉ ngơi ở Sakata , chúng tôi miễn cưỡng ra đi . Nhìn lên trời mây kéo đến bao quanh những ngọn núi trên con đường vùng Hokuriku , còn phải đi hàng trăm dặm đến tỉnh Kaga. Nghĩ đến đoạn dường dài chờ đợi trước mắt mà lòng tôi ngao ngán . Dẫu vậy tôi vượt giới tuyến Nezu vào đến tỉnh Echigo đến biên giới Ichiburi ở tỉnh Ecchũ . Suốt chín ngày đường dài tôi không viết được gì cả Khí nóng oi nồng nên khiến bệnh cũ trở lại hành hạ tôi , những cơn sốt làm tôi quá yếu không thể viết được.


Ngưu lang Chức Nữ hẹn hò

 trên cầu tháng Sáu những chờ ngày mai

một năm chờ một đêm dài

 

Tiên giang đơn chiếc dải Ngân Hà

Kìa sao chim biển Sado rơi vào (50) 


Khi đến biên giới Ichiburi quá mệt mỏi vì phải cố gắng đi qua nhiều nơi vô cùng nguy hiểm ngoài khơi có những tên phù hợp như là “Cha Mẹ Bỏ Rơi Con” , “ Con Bỏ Rơi Cha Mẹ” , “Chó Không Trở Về ”,“ Ngựa quay đầu “ Yếu đuối rã rời tôi đi ngủ sớm nhưng bị đánh thức dậy vì giọng thì thào của hai người đàn bà trẻ từ phòng bên lọt vào tai tôi . Rồi giọng một người đàn ông già họa theo . Họ là gái giang hồ từ Niigata tỉnh Echigo đi đến đền Thần Đạo Ise . Ông già tiễn họ đến biên giới Ichiburi ngày mai sẽ trở về nhà ở Nigata và mang theo thơ của hai người đàn bà cho gia đình của ho ï. Một người đàn bà giọng ngậm ngùi ngâm nga thơ Shokokinshũ :


“Sóng kia trắng xóa biển Đông .

Ta là những đứa trẻ ngông, từng ngày

dẫu là hoàn cảnh đổi thay,

Cuộc đời bất hạnh vần xoay không dừng “


Tôi cảm thấy thương hại họ , đời họ như bọt nước đánh vào bờ , phải tìm khách mỗi đêm, tìm tình thương mỗi ngã rẽõ tức là tội lỗi lại chồng chất lên cuộc đời họ . Tôi ngủ thiếp đi trong khi họ bắt đầu than vãn về số phận .


Sáng hôm sau khi đang sửa soạn ra đi thì họ đến hỏi thăm đường và với hai hàng nước mắt khẩn khoản xin : “Chúng tôi là hai kẻ lữ hành bất hạnh hoàn toàn lạ lẫm với đường xá xin cho chúng tôi đi theo cùng được chăng ? vì hai cái áo dài đen nhà sư của hai ngài là vị cứu tinh ra ơn giúp chúng tôi ” . Tôi nói với họ :

“Trên đường đi đôi khi chúng tôi ghé đây ghé kia và dừng lại nhiều nơi . Hơn nữa bất cứ đi theo ai trên con đường này với niềm tin có thần linh đều được che chở “. Sau khi đã đi thật xa mà tôi hãy còn áy náy bỏ họ lại với mắt đầy lệ :


Trong cùng một mái nghỉ ngơi

dưới hoa sa trục, trên trời vầng trăng

Gái giang hồ với thầy tăng


 ***


Vậy mà chúng tôi cũng vượt được “ bốn mươi tám thác ghềnh” trên con sông Kurobe để đi đến vịnh Nago. Mặc dầu mùa xuân sắp hết , mùa hè, rồi mùa thu sẽ đến 


Đầu năm miên tưởng cô đơn

như mùa thu buổi hoàng hôn về chiều


chúng tôi đồng lòng nên ghé viếng cây tử đằng hoa ở Tako vào đầu mùa thu là mùa hoa nở cũng là nơi nổi tiếng trong thơ Man’yõshũ . Khi hỏi đường mới biết phải đi năm dặm theo mé biển xa hẳn nơi dân cư , rồi lại đi ngược lên trèo qua núi , phía sau núi chỉ có vài túp lều của ngư phủ , không quán trọ , không có cả chỗ để dựng lều . Nghe như vậy tôi thối chí và đổi đường đi thẳng đến tỉnh Kaga .


 Đường theo ven biển Ariso

 Mùi hương lúa chín như là đâu đây


Chúng tôi vượt núi Unohana vào thung lũng Kurikara để đến Kanazawa vào tuần trăng tháng Bẩy . Trong lữ quán chúng tôi cùng chia phòng với thương gia Kasho yừ Osaka đến . Nơi đây có Thầy trà đạo Isshõ yêu thơ và rất nổi tiếng trong vùng Kanazawa . Isshõ nghe tiếng tôi đang trên đường đến phương Bắc nên ao ước được gặp nhưng Isshõ chết bất thình lình vào mùa đông năm ngoái . Chúng tôi cùng dự lễ cầu siêu Isshõ do người anh tổ chức .


Nấm mồ yên lặng bạn tôi.

nếu nghe tôi khóc đáp lời chỗi lên

Gió thu gào thét liên miên.


Chúng tôi được mời đi thăm mái tranh là nơi tăng sĩ ẩn tu


Bàn tay se lạnh mùa thu

 loay hoay mãi bóc trái dưa quả cà

 Bữa cơm buổi tối đơn sơ

 

 Uống trà buổi sáng trầm tư

 kìa là cúc nở , nhà sư lặng ngồi.


Sau đó trên đường đi tôi viết :


Mặt trời nóng đỏ nóng ran ,

 gió về hiu hắt thu sang sớm rồi


Trong làng Komatsu ( cây tùng cằn cỗi ) tôi viết :


Tên Tùng Cằn Cỗi nhẹ nhàng 

Gió thu cũng nhẹ thổi dường vuốt ve

đồng hoang , sa thảo tái tê.


Chúng tôi viếng đền Thần Đạo Tada vùng ngoại ô chiêm ngưỡng cái áo trận thêu gấm của Sanemori ( 51) do tướng quân Kiso Yoshitomo tặng khi ông còn nhậm chức tộc đảng Minonotos (52) sinh lòng cảm phục dâng thờ sau khi giết Sanemori . Cái nón sắt của ông thật đặc biệt cẩn vàng hoa cúc và giây trường xuân vòng , hai bên vành tai nón chĩa thẳng lên trời hai cái sừng như hai đầu rồng . Đền hãy còn ghi rõ ràng trận chiến người anh hùng này hy sinh . Khi bị giết Kiso Yoshinaka(53) là tướng chỉ huy Minomotos gửi những di vật này tận tay người bạn của Sanemori là Higuchi Jirõ (54) đến đền với lời cầu nguyện . Câu chuyện người anh hùng chết trận này hãy còn sống động ghi tại đền


Rỗng đen nón sắt chiến binh

Cảm sầu tiếng dế , sự tình oán than


Dọc theo đường đến suối nước nóng Yamanaka, núi Shirane mải miết theo dõi tôi từ đàng sau . Chúng tôi tìm thấy một ngôi chùa nhỏ thờ Đức Từ Bi Quan Thế Âm bên trái ngọn núi


Quan Âm tự mái ngói cao

cao lên đến tận anh đào tầng mây


Câu truyện truyền kỳ là sau khi hoàng đế Kazan (968-1008 đời vua thứ sáu) đi hành hương ba mươi ba cảnh chùa hướng Tây và để tỏ lòng kính ngưỡng đặt tên chùa là Nata lấy từ tên chùa đầu tiên Nachi và tên chùa thứ ba mươi ba Tanigumi . Chùa nhỏ mái tranh xây trên đá trong vườn có những cây cổ tùng và những tảng đá hình dáng kỳ lạ. Cảnh trí phối hợp vô cùng đặc sắc .


Đá kia thật trắng làm sao

 trắng hơn đá trắng chùa nào trên non

mùa thu gió thổi từng cơn


 *** 


 Ở Yamanaka Chúng tôi ngâm người trong suối nước nóng có khoáng chất là một trong hai thắng cảnh của nơi này so sánh với suối Ariake.


Thật là sảng khoái biết bao

Tắm trong dòng suối Yamanaka

không sao cưỡng lại hái hoa cúc vàng (55)


Một người trẻ tuổi chủ của lữ quán tên Kumenosuke tiếp chúng tôi . Cha anh ta là một thi sĩ tên Teishitsu có tiểu sử từ xưa đáng kể là khi ông ta hãy còn trẻ đến nơi này cảm thấy bị nhục vì bị khinh rẻ là không biết gì văn thơ nên khi quay về Kyoto cha anh ta đã theo học với Teitoku và rất chăm chú vào thi ca cho đến khi thành một thi sĩ thực thụ . Sau đó khi trở về đây suốt đời giảng dậy không thù lao cho bất cứ ai trong làng . 


 ***


Sora khổ sở vì chứng bịnh đau bụng liên miên , nên bắt buộc phải trở về tá tục tại nhà người bà con ở Nagashima tỉnh Ise. Sora viết :


 Dẫu mà gục ngã bên đường

hoa sa trục thảo xin chôn cuộc đời 


Chúng tôi cùng dừng lại nghỉ đêm ở ngôi chùa Zenshõ-ji gần lâu đài Daishoji tỉnh Kaga trước khi chia tay Sora để lại bài thơ sau khi ra đi .


Suốt đêm nghe gió mùa thu

thổi từ đồi vắng thổi qua sau chùa


Anh đi với cơn đau đớn , bỏ tôi lại trong trống vắng như con ngỗng cô đơn lạc đàn trong mây mù .

Từ đây cho đến về sau

Sương thu rửa nhạt trên đầu chiếc khăn

có ghi hai chữ “ bạn thân” (56)


Sora và tôi mới xa nhau có một đêm mà như bạn đã đi xa ngàn dặm . Đêm đó tôi nghe gió thu hú suốt đêm dài .


Khi trời sấm sét chớp mau

con cò đêm khóc xé bầu trời đen


 Sáng sớm tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh của các chư tăng đánh thức tôi dậy , rồi sau đó có tiếng cồng vang dội báo giờ ăn sáng . Cảm thấy một thôi thúc muốn đi đến vùng Echizen trong nội ngày hôm nay . Không dùng dằng tôi vội rời chùa , nhưng khi tôi vừa đi qua hàng hiên thì một nhà sư trẻ chạy vội xuống thang với bút mực xin tôi để lại cho một bài thơ . Nhìn thấy ngoài sân lá liễu phất phơ rơi tôi không do dự viết ngay.


Gom đầy lá liễu lất phất rơi 

trên sân , xin trả ơn người vì ta


Rồi tôi rời chùa vội đến nỗi không kịp buộc quai dép.


Thuê thuyền ở cảng Yoshizaki theo biên giới tỉnh Echizen , Tôi đến viếng cây tùng danh tiếng Shigoshi . Vẻ đẹp của cả vùng này làm tôi tưởng đến bài thơ của thi sĩ Saigyõ thật đúng với cảnh này :


Mời về gió mặn ngoài khơi 

Tùng Shiogoshi đêm dài nhỏ sương

long lanh dưới ánh trăng vàng


Một bài thơ này đủ tả hết cảnh sắc nếu thêm bài thơ nữa thì cũng như thêm một ngón tay trên bàn tay năm ngón Tôi đến chùa Tenryũji tỉnh Matsuoka để cố gặp vị sư trưởng là bạn xưa của tôi . Ông là thi sĩ Hokushi (57) đưa tôi đến đây từ Kanazawa chứ thật ra tôi chưa bao giờ mơ được đến nơi xa xôi này khi lên đường . Ít nhất chúng tôi đã cùng nhau hàn huyên và họa những vần thơ tuyệt đẹp . Tôi gửi lại bạn bài thơ giã từ khi chia tay:


Chia tay , cánh quạt cũ này

Mấy dòng nguệch ngoạc viết tay cuối hè

nỡ nào tôi xé nó đi


Đi bộ hơn dặm đường từ làng Matsuoka tôi đến chùa Eihei-ji củaphái Đạo Nguyên do Thiền sư Dõgen Zenji lập lên để giảng dậy thiền . Tôi nghĩ đây không phải là một sự ngẫu nhiên mầu nhiệm để nhà sư Đạo Nguyên này chọn một chốn cách biệt xa xôi này cho ngôi chùa .


 ***


Sau bữa ăn tối , vì đường đất tối om tôi đi đến thành phố Fukui ba dậm cách đó bằng những bước chập choạng. Trong tỉnh này có thi sĩ tên Tosãi sống gần đâu đây. Đã mười năm qua kể từ khi anh ta đến thăm tôi ở Edo, không biết ông ta đã chết rồi hay còn mang tấm thân nguyên vẹn thịt xương ? Một người gặp trên đường chỉ hướng tôi đến căn nhà tranh khiêm nhường khuất sau đường cái xa hẳn những ngôi nhà khác bằng hàng dậu hoa cúc bạch và dàn bí leo cùng bụi hoa mào gà dầy chen với cây trắc bá bên trái nhà . Tôi biết ngay đây là nhà của bạn tôi . Tôi tìm đến gọi cổng một người đàn bà ló vẻ mặt buồn bã ra hỏi: “Bạch sư ngài hành hương từ đâu tới ? Gia trưởngï không có nhà , ngài vừa đi thăm người bạn ngoài phố xin ngài hãy đến nơi đó tìm gia trưởng”. Có lẽ là vợ của bạn tôi, tôi có cãm tưởng bồn chồn vì vẻ mặt người đàn bà kể cả căn nhà như trong câu chuyện huyền thoại .


Thăm anh , anh chẳng có nhà

có hoa mận nở chan hòa sân ai


Cuối cùng tôi gặp được Tosãi và ở lại hai ngày trước khi quyết định đi ngắm trăng tròn mùa thu ở hải cảng Tsugura. Tõsai hăng hái cột áo vắt vẻo ra sau như cái đuôi tình nguyện dẫn đường .


Đỉnh núi Shirane mờ dần sau lưng chúng tôi và núi Hina hiện càng lúc càng rõ . Qua cầu Asamuzu và nhìn thấy “bãi lau sậy Tamae” nổi tiếng đang nở hoa , chúng tôi bước qua giới tuyến Uguisu lấy lối tắt Yuno-o đến lâu đài Hiuchi và nghe tiếng kêu đầu tiên của ngỗng hoang khi trời vào thu trên đồi Kaeru-yama “Đồi Trở Về” . Đến hải cảng Tsurugu chiều ngày thứ mười bốn tuần trăng thứ tám , ánh trăng bến cảng trong và sáng lạ thường . Khi ở lữ quán tôi nói với chủ quán :” Tôi mong ngày mai lại một ngày trăng tròn tuyệt đẹp như đêm nay ”. Vậy mà người chủ quán đáp :” Thời tiết ở miệt Bắc này thay đổi luôn luôn , chính tôi là người ở dây cũng không thể biết được ngày mai có thể trong sáng nhưng cũng có thể âm u và cũng có thể mưa”. Sau khi uống vài chung sake ông ta đưa chúng tôi đến đền Thần Đạo Myõjin của Kei lập nên để tỏ lòng tôn kính hoàng đế Chũai vì vua thứ mười bốn chồng của bà Jingũ. Không khí đền thật tĩnh mịch trong một đêm yên lặng , trăng nhô cao qua khỏi cây tùng chiếu sáng rực đến bãi cát trắng trước án thờ trông như mặt đất phủ lớp sương . Người chủ quán giảng là chính Yugyõ là đạo sĩ kế vì đạo sĩ Ippen Shõninsáng lập đạo Jushũ đã là người đầu tiên đích thân phác cỏ dọn đường mang đá và cát lấp khô đầm lầy quanh đền cho tiện đường khách hành hương . Nên ngày nay thành một tục lệ , để người tiên phong được như ý nguyện vào ngày lễ mọi người đến viếng đền mang theo một nắm cát trải trên sân . Nghi thức này là lễ mang cát hay lễ Yugyõ


Sáng làm sao ánh trăng trong

linh thiêng nắm cát tay mang trải nền

của người đạo sĩ xây đền


 Đêm mười lăm y như lời chủ quán đã tiên đoán


 Miệt Bắc trời đổi thay

 Ngăn không cho ta thấy 

 Trăng mùa thu tròn đầy 


 

 Sáng ngày mười sáu trời trong xanh trở lại , tôi ra bờ biển Iro-no-hama (Bờ Biển Mầu Sắc) nhặt những vỏ sò sặc sỡ . Một người tên Tenya cùng người giúp ciệc đưa tôi đi , họ mang thức ăn nước uống và những gì cần thiết cho cuộc du ngoạn . Nhờ thuận gió chúng tôi dong thuyền đến cách đó bẩy dặm trong khoảng khắc. Những túp lều của ngư phủ và ngôi chùa nhỏ bé tô điểm như những dấu chấm rải rác trên bờ biển .N ngồi trong ngôi chùa uống trà ấm và sake lòng tôi chìm đắm trong buổi hoàng hôn cô quạnh .


Quạnh hiu hơn bờ biển Suma

Biển kia trước mặt khi đà cuối thu

 

Cuộn tròn với sóng dập dồn

Lẫn trong sa thảo trộn tròn sò con

Tõsai ghi lại chuyến viếng thăm trong những ngày qua của chúng tôi và để lại chùa làm kỷ niệm .


 ***


Tôi quay về Tsurugu, một môn sinh là Rotsũ (58) đến đón tôi và cùng đi đến tỉnh Mino . Chúng tôi cưỡi ngựa tìm đến tỉnh Õgaki gặp lại Sora trở về từ Ise cùng nhập bọn , Etsujin cũng giục ngựa đuổi kịp chúng tôi . Tất cả cùng đến nhà Jõkõ một hiệp sĩ đã về hưu . Suốt ngày đêm mọi người lục tục kéo đến , có thượng cấp Zensen , Keiko là hiệp sĩ đạo tỉnh Ogaki cùng hai con trai và những người bạn cũ . Tất cả chỉ để chào đón tôi như thể tôi mới trở về từ cõi chết . Tình cảm của họ thật đậm đà tôi rất đỗi vui mừng gặp lại họ!


Vẫn còn yếu đuối và mệt mỏi rã rời sau cuộc hành trình dài , nhưng ngày thứ sáu của tháng Chín tôi muốn đến viếng ngôi đền Thần đạo lớn ở Ise nơi sắp cử hành một Lễ Hồi Hướng hai mươi mốt năm. Khi bước vào thuyền tôi viết:


 vỏ sò dẫu chắc như keo

mùa thu cũng vỡ ; xin chào bạn thôi,

lên đường tôi phải đi rồi .


----------


CHÚ THÍCH:


(27) Sampũ là một thương gia thành công và tài trợ rất nhiều cho Bashõ vì là môn sinh của người


 (28) Hội lễ Nina matsuri vào mùng 3 tháng ba âm lịch . Cha mẹ tặng con gái búp bê Hina để giaỉ trừ tai ách và bệnh hoạn . Vào ngày lễ từ cuối tháng hai mỗi gia đình có con gái đã trải khăn đỏ phủ lên kệ để chưng bày những con búp bê “hina” cho đến hết ngày lễ.


(29) Mọi người tin rằng phu nhân Tamano là một con cáo cải trang . Bà được Hoàng đế Konoe(1139-1155 sũng ái , nhưng một nhà sư nghi ngờ nên bà trốn chạy về miền Bắc và cuối cùng hóa ra một tảng đá độc hại Sesshõ-seki


(30) Nasu-no-Yoichi là một hiệp sĩ tầm thường dưới trướng Minamoto . Ông đã thành công khi bắn mũi tên xuyên qua cái quạt treo cao trên một chiếc thuyền đang trôi mau trong trận đánh Yashima 1185 , tài nghệ điêu luyện của ông vang danh khắp xứ.


(31) Sư En-n-Giõja là nhà sư lập ra phái tu khổ hạnh


(32) Butchõ (1643-1715) là sư trưởng chùa Komponjidoì thứ hai mươi mốt sau người sáng lập . Bashõ thực tập thiền dưới sự chỉ dậy của Buchõ ở chùa Chõkeiji ở Edo


(33) Genmyõ (1238-1295) Nguyên Mao là một nhà sư Trung Quốc thời đã tự giam mình trong hang đặt tên là Cửa Tử


(34) Huõn (466-529) Pháp Vân là một nhà sư Trung Quốc đời nhà Lương đã suốt đời giảng đạo từ một cái thất bé tí xây trên tảng đa ùcao 


(35) Giõki Bosatsu (668-749) Là một vị tăng thời đại Nara , người đã xả thân suốt đời giúp đỡ mọi người 


(36) Satõ Motoharu cha của Tsugunobu (1158-1185) và Tadanobu (1161-1186) đã anh dũng chiến đấucho Yoshitsune. Một mình Motoharu chống chọi với đội quân Yoritomo .


(37) Fujiwara-no-Sanekata ( ?- 998) thi sĩ thời đại Heian . Ông đã xích mích với Fujiwara-no-Yukinari (972-1027) tại triều đình và bị lệnh vua lưu đầy lên Miền Bắc . Ông không xuống ngựa khi ông đi qua nơi có hình ảnh thượng đế thiêng liêng , vì thế đã gặp một tai họa ngã ngựasuýt chết .


(38) Nõin Hõshi là một thi sĩ xuất sắc thời đại Heian . Cuộc đời của ông đã ảnh hưởng Saigyõ sâu đậm


(39) Kyohaku là đệ tử của Bashõ ở Edo


(40) Lễ tháng Năm vào ngày mùng năm là lễ “tango-no-Sekku hay lễ hoa diên vỹ . Lá hoa Diên Vỹ có hình dáng như lưỡi kiếm , tập tục phủ lá diên vỹ lên mái nhà để trừ tà ma và đến mùng năm bỏ hoa vào bồn tắm cho thơm, rễ thì ngâm rượu uống vào ngày lễ. Kẻ du hành dùng lá diên vỹ làm quai dép và đường đi làm nhà


(41) Õno-n-Azumabito là tướng cai trị những tỉnh vùng miền Bắc theo lệnh của Fujiwara-no- Umakai (694-737)


(42) Emi-no-Asakari(?-764) con của Emi-no-Oshikatsu . Cả hai cha con nổi loạn chống hoàng đế Kõken và bị giết trong trận chiến .


 (43) Izumi-no-Saburõ(1167-1189) được biết đến qua tên Fujiwara-no-Tadahira. Bị người anh làm phản giết Yoshitsune và Saburõ


(44) Ungo (1582-1659) Là sư trưởng chùa Myõshinji Kyõto . Ông là người xây dựng chùa Matushima năm 1636


(45) Makabe-no-Heishirõ được biết đến với tên Hõshin là một nhà sư thời kỳ kamakura.


(46) Kembutsu là một vị sư thời kỳ Heian Suốt mười hai năm ở Matsushima ông đã tự giam mình trong cái chùa bé tí teo .


(47) Kanefusa(1127-1189) là người hầu cận thủy trung của Yoshitsune . Dù tuổi đã già ông chiến đấu anh dũng.


(48) trong sách Lễ Nghi của Khổng Tử ví gió ngọt từ phía Nam để chỉ ấm áp và trong lành


(49) Nagayama Shigeyuki là hiệp sĩ dưới tộc đảng Sakai cai quản tỉnh Tsuruoka cả một thế hệ.

 

(50) Đảo Sado là nơi các nhà chính trị bị đi đầy . Juntoku là thiên hoàng thứ 84 mưu lật đổ mạc phủ Kamakura nên bị buộc nhường ngôi cho con là hoàng tử Chũkyõ mới lên ba và bị đầy ra đảo Sado . và, thi sĩ Kyõgoku (1254-1332), nhà sư Nichiren (1222-1282) và kịch gia sân khấu Noh Zeami (1363-1443) 


(51) Saitõ Sanemori (1111-1183) Trước phò Minamotos sau lại quay về đầu quân với Tarai. Khi ra trận chống Shinohara đã 73 tuổi , ông nhuộm tóc để che dấu tuổi già vàbị Tezuka Misumori giết


(52) Minomotos từ đời Thiên hoàng Saga(786-842) Tộc đảng này ảnh hưởng chính trị lớn mạnh dưới Yoritomo(1147-1199) và đối nghịch Taira tộc đảng Heike dưới triều Thiên hoàng Kanmu (737-806) . Ảnh hưởng chính trị Tairas lớn mạnh dưới Kiyimori(1118-1181)



 (54) Higuchi-no-Jirõ là một trong vận vệ của Yoshinaka và là bạn cũ của Sanemori.


(55) Theo Nhật Bản tin mật từ hoa cúc làm tăng tuổi thọ .


(56) Mũ người hành hương luôn có viết câu chú “Đồng Nhị Nhân” ý dặn dò nơi nhân thế không là nơi vĩnh cửu mà tìm bạn đồng hành về phương Phật . Sau khi chia tay cùng Sora thì ý nghĩa đồng hành không còn nữa nên xóa nó đi thôi


 (57) Hokushi (?-1718) làngười mài kiếm ở Kanazawa . Khi nhà Hokushi cháy nhà năm 1690 ông làm bài thơ gửi Bashõ và Bashõ đã gửi thơ an ủi an ủi và ca tụng bài thơ như sau :

 Nhà tôi cháy như chẳng xẩy ra chi

 Bởi vườn sau anh đào nở đó đây 


 (58) Rotsũ (1651-1739) nổi tiếng có một đời sống lập dị . Khởi đầu là một nhà sư rồi đi hành khất lang thang khắp xứ sở . Sự bê tha của Rotsũ đôi khi gây cho các môn sinh khác chỉ trích , vậy mà Bashõ lại chuộng thơ Rotsũ và đôi khi dùng theo thể cách gọn gàng của ông


 Con le le đang ngủ gật

  trong hồ Yogo tĩnh lặng

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng