- Tắc số 18: Ba cân tơ của Động Sơn (Động Sơn tam cân)

30 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 10794)



Tắc số 18: Ba cân tơ của Động Sơn (Động Sơn tam cân)[1].


洞山三斤



Bản tắc:


Hòa thượng Động Sơn[2] nhân một hôm có tăng hỏi:

-Phật là cái có hình thù như thế nào?

Mới trả lời:

-Ba cân tơ [3].

 


Bình Xướng:


Vô Môn nói rằng:


Cái lão Động Sơn coi bộ học đâu ra được ba thứ thiền sò[4], mới vừa mở miệng ra, đã lộ hết gan ruột ra ngoài.Nói thế chứ bọn các ông đã thấy rõ hết những gì lão phơi bày[5] ra chưa? Nói thử nghe coi!

 


Tụng:


Bèn có bài tụng:


Đột xuất ma tam cân,
Ngôn thân ý cánh thân.
Lai thuyết thị phi giả
Tiện thị thị phi nhân [6].


突 出 厤 三 斤 
言 親 意 更 親
來 說 是 非 者
便 是 是 非 人


(Vọt miệng “Ba cân tơ!”,
Lời, ý gần gũi ta.
Còn kẻ giảng kia nọ,
Chỉ là anh vẽ trò)


 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:



Động Sơn ở đây là Động Sơn Thủ Sơ (910-990) tông Vân Môn chứ không phải bậc tiền bối cùng tên Động Sơn Lương Giới (807-869).



“Ba cân tơ (gai)” (Ma tam cân) phải hiểu là “Tơ (gai) có ba cân!”. Trong đó tơ không phải là một khách thể (cảnh) đứng trước chủ thể (nhân) Động Sơn. Nếu đem giải thích “Phật là ba cân tơ!” thì người Tây Phương khi đọc công án này có thể sẽ xem Phật Giáo Thiền là một phàm thần luận[7]. Thực ra, hiện nay cũng có những nhà tư tưởng Phật giáo xem đạo Phật là phàm thần luận đấy. Nhưng làm như thế, họ đã rơi vào sự sai lầm khi dùng những khái niệm triết học phương Tây như hữu thần luận hay phàm thần luận để đặt đạo Phật vào đó.


Hơn thế nữa, ở đây, cái mà chúng ta cần để mắt tới không phải là ba cân tơ (cảnh, khách quan) nhưng là Động Sơn (nhân, chủ quan). Phải để ý đến cái “máy động” như là một vị Phật ở nơi con người đã thốt ra mấy chữ “Ba cân tơ!”, nghĩa là thiền sư Động Sơn. Trong tắc 32 nhan đề Kẻ ngoại đạo (Bà la môn) hỏi Phật (Ngoại đạo vấn Phật), khi kẻ ngoại đạo hỏi: “Có cái gì mà nói ra không được, im cũng không được?” (Bất vấn hữu ngôn, bất vấn vô ngôn) thì Thế Tôn chỉ ngồi lặng thinh. Ở đây, Động Sơn trả lời “Ba cân tơ!”. Cái gì cũng là máy động của Phật. Tôi xin phép được hiểu công án này như một công án về “hoạt năng”, trong tiếng Anh, nó tương xứng với từ dynamism. Như vậy, công án này dùng để luyện cái máy động của pháp thân[8] tức là cái chân tướng tự kỷ. Khi có pháp thân rồi, sẽ có hoạt năng để máy động. Nói theo ngôn ngữ thiền, điều kiện đầu tiên phải xác định được cái chủ thể như một “ngã phi-ngã” (cái tôi không phải tôi).



Trong thiền, có câu: “Chó điên đuổi hòn đất”, nghĩa là nếu ném hòn đất về hướng con chó điên, nó sẽ không nhìn về phía người ném mà chạy về phía hòn đất. Nếu là sư tử thì khác, con này sẽ không phóng về phía hòn đất mà về phía người ném. Thiền dạy ta rằng, trong trường hợp như thế, phải hành động như sư tử chứ không phải như chó điên. 



Thường người ta xem mục đích của công án này là bàn về pháp thân nhưng xin phép xem nó như một công án bàn về “hoạt năng” để hiểu cách thiền sư Động Sơn Thủ Sơ đã biểu thị bằng sự thần diệu của ngôn từ (diệu mật ngôn cú) cái “máy động” kia như thế nào.



Bình sinh, có lẽ đôi khi thiền sư Động Sơn cũng cầm tơ gai trong tay dùng vào việc gì đó. Để trả lời người tu học, ông đã xử sự theo một lối khác với cách chỉ dạy (thị) bằng cách ngồi trơ ra đó (cứ tòa) và im lặng (lương cửu) của Thế Tôn trong tắc 32[9]. Nếu Thế Tôn có giải pháp “lương cửu” thì Động Sơn có giải pháp “ma tam cân”.



Phật Giáo có nghĩa là những lời Phật dạy, hướng dẫn mỗi người trong chúng ta thành Phật. Phật là “kẻ đã thức tỉnh”. Thức tỉnh cái gì chứ? Tức tỉnh cái “bản lai tự kỷ”. Ai cũng có Phật tính tức là bản tính làm Phật. Cái quan trọng của đạo Phật là thức tỉnh được cái “tự tính” (tự kỷ bản tính” ấy. Làm sao để thức tỉnh tự tính à? Phải nhập vào cái cảnh giới phi ngã bằng phương pháp thiền định. Khi đã vào chỗ thiền định vô ngã rồi thì lạ lùng lắm nghe, tất cả mọi thứ sẽ trở thành tự kỷ. Tơ gai ta đang cầm trên tay cũng thành tự kỷ. Và như thế, nhân (chủ thể) và cảnh (khách thể) hợp thành “vật ngã nhất như”. “Ba cân tơ!” mà thiền sư Động Sơn nhắc đến cũng là “Ba cân tơ!” của “nhân cảnh bất nhị”. Đó cũng là điều mà ta sẽ thấy lại trong tắc thứ 37 Cây bách trước sân (Đình tiền bách thụ). Ý nghĩa cả hai tắc hoàn toàn giống nhau. 



Vì biết chỉ cho người một cách thân ái con đường của thiền cho nên lời lẽ (ngôn) và tấm lòng (ý) của Động Sơn được Vô Môn đánh giá cao. Ông được Vô Môn xem là một nhà tu thiền đứng đắn, khác với những người mang danh hiệu thiền gia mà chỉ gieo rắc sự rối loạn trong tâm trí người ta.




[1] Thoại này có chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 15, chương nói về Động Sơn.

[2] Động Sơn Thủ Sơ. Xem lời chú thích ở Tắc 15.

[3] Có người hiểu “ma” là vừng (hồ ma). Các nhà chú giải Nhật cho rằng “ma” là tơ gai (ma ti, hemp thread). Có câu “Ma tam cân tác y nhất kiên” (Ba cân tơ (gai) may được một (vai) áo).

[4] Thiền sò: “Cáp thiền”. Cũng như con sò con nghêu (cáp) mở miệng ra thì người ta thấy rõ gan ruột, Động Sơn đã đem tất cả những gì mình có trong bụng cho ông tăng kia xem.

[5] Động Sơn thuộc tông Vân Môn mà tông này nổi tiếng dùng những câu nói bí mật và linh diệu (diệu mật ngôn cú) cho nên hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của chúng không phải dễ. Như thế, Động Sơn là người đã giữ được tông phong, đáng mặt nhận pháp tự của Vân Môn.

[6] Hai câu 3 và 4 này lấy từ Phổ Đăng Lục quyển 11, chương Ngũ Tổ Pháp Diễn và là lời của Ngũ Tổ.

[7] Phàm thần luận (Pantheism) là quan điểm tôn giáo và triết học xem trong bất cứ sự hiện hữu nào cũng có thần linh, cho nên thần linh và thế giới là đồng nhất thể. Nó là điểm chung của tư tưởng Ấn Độ trong Upanisad, trong triết học Hy Lạp tiền Socrates và triết học cận đại của Spinoza, Goethe, von Schelling vv…

[8] Hay pháp tính thân. Cách Phật thể hiện như qui tắc vận hành một vũ trụ vĩnh viễn. Một trong tam thân. Tương ứng với sắc thân, ứng thân và báo thân.

[9] Xin tham chiếu tắc 32 đằng sau để hiểu rõ hơn.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng