Cho tiền mai táng

07 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 8666)



Cho tiền mai táng


Tôi đã kể lại câu chuyện làm sao tôi, một kẻ vụng về chẳng biết làm gì cho đúng cách, đã được huấn luyện trở thành một người ít nhất có thể nấu cơm trên bếp lửa, đun nước tắm, cọ nhà vệ sinh, và làm việc trong vườn được. Và rồi, theo đúng thời đúng lúc, tôi cũng được dạy những điều khác, như là đọc kinh điển và cử hành những lễ nghi thích hợp đối với một vị tăng sĩ.


Rồi một ngày kia, sau khi tôi đã ở chùa Daishuin hơn một năm, lão sư nói với tôi, “Một người, nhất là một người đã xuất gia làm tăng sĩ, cần phải có những giao tiếp với người khác. Mi không thể sống cô lập được. Mi phải có những liên hệ đến nhiều người khác. Tuy rằng một đệ tử học đạo chỉ với một người thầy thôi cũng có thể gọi là đủ, nhưng vì mục đích phải có những liên hệ xã hội khác, mi cần phải đi đến một thiền đường để tu tập ở đó.”


Có hai loại thiền tự. Thường thường các vị sư khi mới xuất gia ở trong một loại chùa cho đến khi tốt nghiệp đại học. Ra trường rồi, những vị tăng trẻ này gia nhập một thiền viện để chuyên tu tọa thiền một cách triệt để. Tôi đã được thầy định đoạt cho gia nhập vào thiền viện Đại Đức để tu trì như loại sau này.


Một tăng sĩ trên đường đến thiền viện chuyên tu đem theo trong mình một cái hộp nhỏ đựng quần áo. Cái hộp đó, theo truyền thống, làm bằng giấy dầy được phết lên một lớp sơn mài cho cứng, lớn hơn cái hộp đựng sách một chút. Bát ăn cơm, đũa, dao cạo và đá mài để cạo đầu, kinh sách, đồ lót, và áo mưa được gói làm hai gói và cột lại bằng một sợi dây để vị sư đó có thể quẩy hết những đồ dùng đó lên trên lưng. Ông ta vén áo lên giắt vào lưng quần, nai nịt hai bắp vế, cột chặt lại đôi giầy rơm, đội nón tre lên đầu, rồi lên đường đến thiền viện.


Tôi đang sắp xếp lại cái hộp quần áo của tôi thì lão sư đi vào hỏi, “Thế nào? Mi đã cột cái hộp lại chưa?”


“Chưa, con đang sắp làm đây.”


“Thế thì đúng lúc quá. Đem cái nắp hộp đi vào phòng của thầy.” Thầy ra lệnh.


Cái hộp này, trông giống như một cái rương nhỏ đựng thuốc, được đóng chặt lại bằng một cái nắp. Không hiểu lão sư có ý định gì, tôi đem cái nắp vào trong phòng của người. Lão sư cầm lấy nắp hộp và để vào dưới đáy ba tờ giấy một ngàn yen. (vào thời buổi đó, tờ giấy một ngàn yen vẫn còn có giá lắm)


“Mi có hiểu ý nghĩa của cái này không?” lão sư hỏi sau khi người đã bỏ tiền vào.


“Có phải tiền cho con tiêu không?” tôi định hỏi, nhưng đã kịp ngăn lại trước khi thốt ra lời nói, biết rằng tôi sẽ bị mắng ngay lập tức nếu nói điều gì ngu dại.


Lão sư đã quá bẩy mươi tuổi khi tôi đến đó xin làm đệ tử của ngài. Lúc đó ngài đã cảnh cáo tôi là, “Ta không biết ta còn sống bao nhiêu lâu nữa. Nếu thầy của mi chết nửa chừng, mi sẽ bị đứt gánh nửa đường tu. Nếu không có ai để nương dựa vào để sống, mi sẽ gập rất nhiều khó khăn. Tốt hơn là nên đi tìm một vị thầy khác trẻ hơn.”


“Con vẫn còn ít tiền cha con để lại. Con sẽ không là gánh nặng tài chánh cho thầy đâu,” tôi năn nỉ.


Với lời hứa đó, tôi đã được Lão sư thâu nhận vào làm đệ tử dưới trướng. Theo sự thỏa thuận trước này, ông đã chưa bao giờ cho tôi một xu nào để tiêu.


Bây giờ, khi tôi sắp rời chốn này đi đến thiền viện, tôi nghĩ chắc Lão sư, dù luôn luôn có vẻ chắc nịch, cũng có thể cho tôi một ít tiền để tiễn đưa. Tuy nhiên, trái ngược với sự trông đợi của tôi, ngài cho biết là, “Đây là tiền Niết Bàn.”


Hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nằm nghiêng một bên khi ngài nhập diệt được biết đến như là “hình ảnh Niết Bàn.”

“Mi sắp đến thiền viện đem thân mạng phó thác ở đó. Nếu không may mắn, mi sẽ bị thất bại và rồi sẽ chết giữa chừng trong lúc tu. Để cho mi không là một gánh nặng với bất cứ ai, ta cho tiền này để mai táng cái thân.”


Lão sư bình thường rất nghiêm khắc và không hay nói đùa. Nghe người nói, với bộ mặt nghiêm trọng, “tiền này là để mai táng ngươi đó,” làm cho tôi ớn lạnh xương sống. Với một quyết tâm mới, tôi tự thề với mình, “Ta sẽ làm được điều đó”!


Tôi đã từng nghĩ về cái chết trước đây, khi còn là một học sinh phải đi ra trận tuyến, tuy nhiên cái chết mà Lão sư đã ám chỉ trong câu … “Tiền này để mai táng cho ngươi” … có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Cái chết mà ngài nói đến đó không phải là cái chết của thể xác, mà là cái chết của bản ngã tôi.


Không cần biết chúng ta có khéo léo biện hộ đến thế nào, khi đi thẳng đến gốc của vấn đề, động cơ chính của mọi sự vẫn là để nâng niu cái bản ngã quý giá của chúng ta. Trừ khi chúng ta tu tập để vượt qua được sự vướng mắc ngoan cố vào cái ngã của mình, chúng ta sẽ không mở mắt ra được. Những lời lẽ của Lão sư đã đánh thức tôi như vậy. Tôi cảm thấy những lời người nói về sự mai táng thân tôi như là cái thúc ở bên sườn vậy. Ngày nay, tôi cũng gởi các đệ tử của tôi đến thiền viện với một tờ giấy bạc mười ngàn yen, để mai táng thân của họ.


Ngày hôm sau, khi trời vẫn còn đen như mực, tôi đến phòng Lão sư từ biệt, và rồi rút lui ra cửa sau, bước xuống nền đất ở trên lối ra vào. Một vị tân sa di không được phép dùng cửa trước. Khi với tay lấy đôi giầy rơm, tôi nghe tiếng Lão sư bước ra đàng sau. Bởi vì Lão sư luôn luôn là người giữ cung cách uy nghiêm, không phải là loại có thể đi ra tiễn đưa đệ tử, tôi ngạc nhiên thấy người đi ra qua cửa bếp phía sau. Hơn thế nữa, người lại còn bước xuống thềm đất, ngồi xổm dưới chân tôi, và lấy dây cột đôi giầy rơm của tôi lại.


Ngượng ngùng, tôi vội vàng rụt chân lại và phản đối, “Ấy, thầy đừng làm như vậy. Con làm lấy được mà.”


“Đây, đưa chân đây cho thầy,” thầy dục, kéo chân tôi về phía người. Sau khi đã cột mấy sợi dây gọn gàng lên đôi giầy, người gõ tay vào mấy cái nút và nói, “Đừng có cẩu thả mà làm lỏng mấy sợi dây này.”


Dĩ nhiên, khi tôi đến thiền viện và được nhận vào đấy, tôi cũng sẽ tháo dây của những đôi giầy rơm này ra. Điều thầy muốn nói, tôi hiểu là, đừng bao giờ sơ xuất làm lơi lỏng sợi dây của lời nguyện trong đường tu. Một lần nữa, tôi run người trong ý chí quyết tâm của chính mình, cúi rạp xuống chào Lão sư rồi cất bước ra đi trong bóng tối của buổi sáng sớm tinh mơ đến thiền đường của thiền viện Đại Đức ở Kyoto.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng