BASHO VÀ NHỮNG DÒNG THƠ PHIÊU LÃNG - Ngọc Bảo

21 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 82300)


Basho và những giòng thơ phiêu lãng




Thơ tức là tình. Đối trước cảnh sinh tình, người làm thơ trút vào những dòng chữ cô đọng những cảm xúc tràn dâng, chuyển tải lại phần nào tâm tình đó đến người đọc.


Haiku là một thể thơ đặc biệt ngắn gọn, xuất phát tự nhiên như tiếng nói từ tâm đối cảnh trong khoảnh khắc của ngay lúc đó, trong đó thời gian và không gian cô đọng lại như khung cảnh hiện thực của một bức ảnh, vì thế thơ Haiku hàm chứa nhiều nét thi vị Thiền . Nói đến haiku không thể nào không nhắc đến Matsuo Basho, người được xem như vị Tổ của thơ Haiku. Với Matsuo Basho, thơ Haiku đã được xử dụng đến mức tuyệt vời , ý thơ của ông thanh thoát, bàng bạc những ảnh hưởng sâu xa của đạo Phật, như thơ của một vị thiền sư, nhưng những tình cảm bộc lộ tự nhiên trong đó cũng thật gần gũi với một con người bình thường đang bị cuốn hút trong giòng đời nổi trôi. Bài thơ nổi tiếng nhất thật ngắn gọn nhưng cũng hàm chứa bao ý nghĩa sâu xa trong đó:


coc-content 

 Ao xưa

 Con cóc nhẩy vào

 Tiếng nước xôn xao!


 Để hiểu thơ của một tác giả cần biết về cuộc đời của tác giả đó cũng như bối cảnh xã hội. Nói đến những ảnh hưởng trong cuộc đời Basho, có lẽ biến cố lớn nhất ảnh hưởng đến toàn cuộc đời của Basho là cái chết đột ngột của người chủ trẻ, cũng là người bạn tâm giao, người xướng họa thơ với ông từ thời còn rất trẻ. Số phận trở thành một samurai gia truyền tưởng chừng như an bài đã tan vỡ theo cái chết của người chủ ấy, và đồng thời cũng để lại một vết hằn đen tối khó quên. Tâm hồn khắc khoải của ông đi tìm giải thoát trong Phật đạo, trong Thiền, nhưng Thơ mới là lối thoát, là đường đi ông chọn trong cuộc đời, bởi vì Thơ là nguồn cảm hứng, là một nhu cầu thiết yếu như sự sống cần hơi thở. Thơ đã trở thành Đạo, là “con đường tao nhã” mà ông ưa thích. Như ông đã nói trong bút ký “Tập ký sự trong tay nải:”



“Trong tấm thân tạm bợ này với hàng trăm mảnh xương và chín cái lỗ có một phần tâm linh , mà vì không biết gọi tên gì cho thích hợp, nên tôi nghĩ đến nó như là gió cuốn vậy . Nó mơ hồ như một tấm thảm mong manh , chỉ một cơn gió thoảng có thể làm cho rách tan rồi bị thổi bay đi . Nó đã làm tôi phải viết lên những vần thơ từ bao nhiêu năm qua, đầu tiên là để tự thỏa mãn mình, nhưng dần dà đã trở thành một lối sống”.



Nhưng ngay cả khi đã làm được những gì muốn làm và thành công rực rỡ trong sự nghiệp, Basho cũng không tìm thấy sự bình an trong đời sống yên ấm ở mái nhà tranh nhỏ bé có cây chuối trồng đàng trước, được gọi là am Basho (có nghĩa là cây chuối), mà sau này ông lấy đó làm bút hiệu. Basho thích cây chuối vì ông cảm thấy có gì gần gũi với nó trong dáng đứng chơ vơ lạc loài, tầu lá tỏa lớn rộng xanh mướt nhưng cũng thật mong manh dễ rách theo những cơn gió thoảng, và những đóa hoa nhỏ bé trông cô đơn như hiểu rõ sự vô dụng không sinh trái được trong phong thổ xứ lạ.


basho-contentBasho nowaki shite 

Tarai ni ame o 

Kiku yo kana 


 

Cây chuối trong mùa thu

Gió bão – ta nghe mưa nhỏ giọt

Xuống vũng nước đêm đen

 

 

Con tim khắc khoải mãi mãi đi tìm sự bình an cho tâm hồn, ông muốn thoát đi thật xa tìm nguồn thi hứng, “theo gương những thiền sư ngày xưa đã đi hàng ngàn dặm không mang gì theo chỉ cố gắng đạt được trạng thái hạnh phúc dưới ánh trăng trong sáng”. Tâm hồn lãng tử của Basho lúc nào cũng thôi thúc ông dấn bước trong những cuộc hành trình gian nan như người đi tìm Đạo, dù có phải đối diện với cái chết dọc đường. Đó là lý do của tên gọi “Du ký của một nắm xương phong trần” trong chuyến viễn du đầu tiên của ông. Trong cuộc hành trình đó ông trở về quê cũ, và những vùng lân cận giữa Edo-Kyoto, gặp lại gia đình, bạn bè và những người thân thương. Cuộc hành trình này đã đem lại nhiều niềm vui và phấn khởi, từ đó Basho tiếp tục viễn du trong những chuyến đi khác, được ông ghi lại trong “Tập ký sự trong tay nải”, “Du hành đến Kashima”, “Du hành Sarashina”, và cuối cùng là cuộc viễn du đi xa nhất về phía Bắc Honshu, thuộc vùng Tohoku ngày nay, mà ông viết trong ký sự “Con đường hẹp đi sâu về phía Bắc”, cũng là tập ký sự nổi tiếng nhất . Những bài thơ tuyệt tác của Basho đều được sáng tác trong những cuộc hành trình này. Những buồn phiền, trăn trở đã được xoa dịu khi ông viếng thăm những thắng cảnh nổi tiếng, những di tích lịch sử hay những ngôi chùa thanh tịnh trong chốn xa xôi hẻo lánh. 


Dặm đường từng dặm đường qua

Từng ngày vơ vẩn tìm hoa anh đào

Quạt tôi làm chén uống hoa

Anh đào đang rụng la đà nơi nơi

Khung trời ảm đạm đìu hiu

Mãn khai đào nở, nụ theo nở cùng



 Basho tìm được sự bình an khi hòa mình với thiên nhiên, trong đó cái “Ngã” nhỏ nhặt đầy những hệ lụy trần ai tan biến đi trong vũ trụ bao la. Với Basho, sự đồng nhất thể với vũ trụ là thiết yếu cho sự sáng tạo của nguồn thơ, điều mà thi sĩ Saigyo, người đi trước Basho và được ông hết lòng ngưỡng mộ, cũng đã từng cảm nhận. 


Ta trèo lên tận chân không

Chon von chót vót hơn vùng sơn ca




Và như thế, Basho đã trở thành một “thi sĩ lang thang”, đi trong những cuộc hành trình miên viễn, không phải chỉ để tìm nguồn thơ, mà còn để tìm lại chính con người thực sự của mình. Ông cũng nói đến điều này như sau trong ký sự “Con đường hẹp đi sâu về phía Bắc”:



Mặt trăng và mặt trời là những khách lữ hành muôn thuở ! Năm tháng cũng là những lữ khách lang thang vĩnh viễn ! Bao nhiêu năm qua đi những ai dong thuyền vượt biển hay những ai cưỡi ngựa băng ngàn tiêu pha từng giây phút của cuộc đời, cả những người thời xa xưa cũng vậy đều chết trên đường đi . Thế mà riêng tôi lúc nào cũng mong mỏi một hành trình lang thang đây đó . Cuộc hành trình đó lại chính là con đường trở về. 



Đi cũng là trở về. Suốt đời Basho đã đi mãi không ngừng, để khi đến mùa thu của cuộc đời nhìn lại con đường đã đi qua chẳng còn thấy dấu vết hình bóng mình. Chung điểm cũng là khởi điểm. Tất cả đã hòa tan trong cái Không vô ngã, vô thủy vô chung.



Kono michi ya Trên suốt con đường này

Yuku hito nashi ni Người đi không thấy bóng

Aki no kure Mùa thu về tối nay



Và khi không còn thấy bóng người, bỗng nhiên đóa hoa chân thường nở ra trước mắt , tinh khiết và trắng trong, không nhiễm chút bụi trần :



Shiragiku no Kìa hoa cúc trắng ngần

Me ni tatete miru Không mảy may hạt bụi

Chiri mo nashi Nở ngay trước mắt trần



Cuộc hành trình đã chấm dứt với Basho. Còn chúng ta, nếu chưa bắt đầu cuộc hành trình, chừng nào mới tìm được lối về?


 

 Ngọc Bảo


 Tháng 7, mùa hè năm 2006


(Giới thiệu quyển "Matsuo Basho, thi sĩ thiền giả và haiku", dịch giả Thiên Hương Chu Kim Hải)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thieu_nu_ngam_hoa_sen