ĐỌC LẠI ĐÔI VẦN THƠ "DƯỚI LÁ" - Phùng Quân

07 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 67916)

 

tuyentap_duoi-la-content


ĐỌC LẠI

Đôi vần Thơ trong

Tuyển Tập DƯỚI LÁ.

 

 

 “Mùa thu trở về đi dưới lá góp nhặt lại những vần thơ rơi rụng suốt bốn mùa qua. Mỗi bài thơ là một chiếc lá, những chiếc lá xanh màu mạ non của mùa xuân vừa qua, hay những chiếc lá đã úa vàng của mùa thu đang về. Mỗi ý thơ là một bông hoa, tất cả đan kết lại thành một vườn hoa, khu vườn ý nghĩ.

 

 Mùa thu đi dưới lá ta hãy giở lại từng trang thơ, ta hãy đọc lại từng hương thơ nhưng chớ nên đọc thật to, vì hương thơ chính là hơi thở nhẹ nhàng. Thơ chính là những ẩn khuất thầm kín nhất, và thơ cũng chính là những gì bộc lộ mãnh liệt nhất, thơ không chỉ được nhìn ngắm đơn giản như những hoa quả khéo bày trong bức tranh tĩnh vật, bởi vì thơ còn là hơi thở gần gũi với cuộc sống. Trở lại khu vườn thơ không phải chỉ là cơ hội để ta khơi đào những kỷ niệm đã qua, quay lại khu vườn thơ còn chính là để nhìn ngắm lại khuôn mặt mình, rồi những khuôn mặt thân quen...''


 

 Đấy là những lời mở đầu của Phùng Quân trong phần Bạt giới thiệu tuyển tập thơ DƯỚI LÁ, do Tin Việt Nam ấn hành tại Đông Kinh mùa thu 1972. Tuyển tập bao gồm 18 tên tác giả, trải dài trên khoảng 60 bài thơ, đã lần lượt được đăng trên bán nguyệt san Tin Việt Nam trong những năm 1971-1972.

 

Có những bài thơ thật dài như suy nghĩ

Có những câu thơ thật ngắn như tiếng cười

Ta cười vang giữa dòng đời

Tan vào dòng suối tiễn người bên sông.

 

 Mà thật, khi đọc lại những bài thơ trong tuyển tập DƯỚI LÁ, quả là có những bài thơ thật ngắn, ngắn như áng chừng không thể ngắn hơn, và lạ kỳ là những cảm giác rơi rớt lại đằng sau, lẩn khuất trong lòng người yêu thơ thì chẳng ngắn như tiếng cười mà lãng đãng mênh mang như muốn khởi đầu cho những suy nghĩ dài sau. Bài thơ “Rối” của Phạm Thế Định là một thí dụ điển hình:

 

Có thật nhiều con cua

Bò trên những suy nghĩ

Có cả trăm thứ mùa

Rơi trên cơn mộng mị

 

 Không hiểu sao tôi vẫn thích đọc những bài thơ thật ngắn, lý do chẳng phải những bài thơ thật ngắn ấy dễ đọc, dễ nhớ mà hình như ở đó mới chính là những morceaux bất chợt đúng nghĩa của tâm hồn: chợt đến, chợt đi, chợt ẩn, chợt hiện như một thứ trò chơi cút bắt, mà chỉ có thi nhân với cánh tay dài diệu ảo, với đôi mắt nhìn xuyên mấy cõi, mới có thể chộp bắt, ghìm giữ mà không làm hư hỏng đến hình hài. Chẳng thế mà những bài Haiku trong toàn bộ thế giới thi ca Nhật Bản đã lại chẳng phải là những bài thơ dài? Mà đôi khi chỉ là một tiếng thét giữa thinh không đại ngộ, một giọt mưa nặng hạt đầu mùa, “Độp” trên mái tôn đầu ngõ, hay chỉ là một tiếng “Tõm” của chú nhái bén, vụt ẩn mình trong ao thu một đêm trăng.

 

 Hơn 60 bài thơ trên mười khuôn mặt cùng góp tiếng, trong một khoảng thời gian không quá dài, của những tâm hồn cùng chung lứa tuổi đôi mươi, thì đúng là:

 

 “Thơ chính là người. Đọc một bài thơ chính là ta đã bước vào tâm hồn của một người, có thể chúng ta sẽ tìm thấy ở đó những khuôn mặt hiện rõ, hay có thể chúng ta sẽ không tìm thấy ở đó một điều nào hết. Bởi vì thơ còn là những khúc mắc, những gì không thể giãi bầy cũng chính là thơ. Thơ không phải chỉ được hiểu đơn thuần từ cái nhìn về tình yêu, về một cuộc tình đã chết, hay một cuộc tình mới độ thăng hoa. Người ta đã dùng thơ để ca tụng những cuộc tình mới lớn, cũng như người ta đã dùng thơ để chở sang bên sông những cuộc tình tan vỡ. Thơ không chỉ là huyền thoại, thơ còn là một thực tại xoay tròn trong ý nghĩ. Thơ có thể là một mẩu bánh mì, điếu thuốc lá, hạt gạo trong phòng ăn, thơ còn chính là sự ứng cảm từ những đồ vật lẩn khuất chung quanh.”


 

 Thơ luôn cần một sự khám phá, không còn khám phá mới lạ nữa sẽ chẳng còn là thơ. Có lẽ đó cũng chính là những nét độc đáo trong thơ Lan Hương, có một chút gì ngỗ nghịch, bất cần đời nhưng dường như đằng sau cái sân khấu trình diễn ấy, vẫn là một hậu trường đam mê, bồng bột và chí tình. Tôi mời các bạn cùng đọc lại bài thơ “Một ngày” của Lan Hương sau đây:

 

Buổi sáng dụi mắt điểm tâm bằng tiếng reo đồng hồ báo thức,

một ngày vụt qua trên nhan sắc lặng nghe hai mươi bốn giờ

mười hai giờ bẻ lại cổ áo đi vào lớp học,

mười hai giờ rong chơi, ăn ngủ, đi về, thương nhớ.

thời gian qua âm thầm như thói quen như hơi thở.

một ngày, hai ngày, ba ngày ...

khoảng chân không khép xuống đời vời vợi chiếu chăn.

 

Buổi trưa đếm từng hạt gạo trong phòng ăn,

nghe con chim hót theo tiếng đàn trong ánh nắng.

xem ông thầy qua lại đấu hót trên bảng đen.

gió nào để mây đi lang thang trong lớp học

 

Buổi chiều ngồi chải tóc,

bầu trời hình khung vuông,

mây đi về đơn độc,

hoàng hôn như bình thường

 

Buổi tối ngồi học bài một mình,

mặt trời trong lò sưởi một mình,

người ca sĩ hát trong tape nhạc một mình,

ôi quê hương, ôi quê hương rất một mình.

ban đêm nằm ngủ trên mặt kính đồng hồ báo thức

một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn năm ngày.


 

 Có những vần thơ còn mang đậm nét khí khái hiên ngang của một thuở Ta, tráng sĩ hề, gặp thời loạn lạc, của kẻ nặng nợ trên vai một mối tình, mà khi muốn gửi gắm lại đôi lời từ biệt đến người yêu, thì mang mang như tâm sự của Kinh Kha một kẻ sang Tần. Bản chất của thi nhân là những kẻ sống với lý tưởng, hay nói một cách khác hơn chính thi nhân đã lý tưởng hóa cuộc đời. Thất vọng, vỡ mộng hay vấp ngã chẳng qua chỉ là những chất liệu cần thiết nuôi sống cho những ước vọng kiếm tìm. Bởi thế những kẻ thích sống một cuộc sống vật chất, ham chuộng thực tế, sẽ khó là một thi nhân. Có lẽ nào một gã lái buôn trong buổi chợ chiều lại là một thi sĩ bao giờ? Chúng ta hãy cùng bước vào vườn thơ của Trịnh Khanh:

 

Ngọn cỏ gió đùa bay mùa thu

Hai tay ôm kín mộng thay mùa

Tóc em gió lộng về phương Bắc

Một nụ cười thôi đủ ước mơ

 

Mênh mang tóc dựng chân mày xếch

Gươm đã mài lâu bén lưỡi chờ

Tiếng sáo sang sông buồn quá lắm

Rượu cay sao đắng lưỡi thờ ơ

 

Cất tiếng cười vang vang dòng sông

Chỉ gươm chia cắt dòng đôi dòng

Mai sau trăng lặn về bên ấy

Ngủ kỹ dùm ta đôi mắt trong

 

Một nửa đời ôm trời phiêu bạt

Đắng cay này đã trải gần muôn

Mà lúc chia tay còn bịn rịn

Ngàn câu khí khái chẳng che buồn.


 

 Thơ như một ký ức dễ dàng cho những ghi khắc rung động đầu đời. Ở đấy, khung trời thơ hãy còn nguyên vẹn một màu xanh, cho dù ai sáng nay thức dậy nhìn về nơi cố quận, ngàn dâu vẫn xanh ngắt một màu. Xin mời các bạn hãy cùng ghé vào một trang thơ “Răng chừ bé thương...” còn thơm mùi “mực tím” của LVT:

 

Bên ni là thương,

Bên nớ là thương,

Bé ơi có nắng vàng vương xóm mình

Chim lên tiếng gọi bình minh

Sớm xưa, bé dậy làm thinh học bài

Vu vơ, bé nghĩ... một mai...!

Thẹn cười, tím cả áo dài ngày xưa...


 

 Nhưng thơ không phải lúc nào cũng bình yên, đầy hứa hẹn như những đợt nắng ban mai. Bởi vì tình yêu không phải đôi khi, mà hầu như lúc nào cũng lẫn lộn giữa nụ cười và nước mắt, là những rối bời quay quắt, là những si mê rồ dại chết người. Chênh vênh trên lằn biên giới đó, một phút tỉnh ra để thấy xung quanh vẫn toàn là những dấu hỏi: ta vội vã hỏi người, ta quay lại hỏi mình. Rồi chính ta lại tự trả lời cho những điều không thể hỏi. Hãy thử đọc lại bài thơ “Bởi vì...” của Thụy Lôi:

 

Bởi vì tâm hồn em sao lắm ngã tư

Nên anh muốn hỏi thăm em về những ngọn đèn cuối phố

Nên anh muốn hỏi thăm em về những ngọn đèn xanh đèn đỏ trong tâm hồn em

Hay cả ngọn đèn vàng bỡ ngỡ

 

Bởi vì những hạt bụi tình yêu

Có đôi lần làm anh thêm sáng tỏ

Con đường một chiều dẫn đến tâm hồn em

Con đường một chiều nhưng lại rất không quen

 

Bởi vì tâm hồn anh có những ngã ba

Nên anh không thể nào nói cho em nghe

Thế nào là đèn xanh đèn đỏ đèn vàng

Bởi vì tâm hồn anh có những sân ga

Nên em hãy đến với anh

Nhưng xin đừng bằng chuyến xe lửa tốc hành buổi sáng.


 

 Có lẽ trong thơ, tình yêu bao giờ và mãi mãi cũng vẫn là mật ngọt. Và hơn bao giờ hết bước vào lứa tuổi đôi mươi, thơ Nguyễn Hương Phượng bên cạnh những e ấp thường tình đã xoải cánh tung bay cho đầy những vỗ về hứa hẹn, chất ngất trong bài “Hương Yêu”:

 

Tôi thích có em trong buổi chiều

Thì thầm em nói những lời yêu

Và mong thời gian đừng vội vã

Làm tan hình bóng quá yêu kiều

 

Tôi thích tóc em trong gió bay

Đuổi xa những tháng cũng như ngày

Và mong thời gian đi chậm lại

Để hương tình ấy cất men say

 

Tôi thích mắt em khi dối gian

Niềm thương thuở cũ lớn vô ngàn

Tôi mong thời gian đừng đổi mới

Và màu mắt ấy ấm hương lan.

 


 Nói đến thơ không thể không nhắc đến những vần thơ lục bát, với cung cách gieo vận truyền thống dễ dãi và hữu tình. Chẳng vậy mà tục ngữ ca dao phần nhiều là lục bát. Cả một thiên truyện Kiều đều là lục bát, mà những bài vè cũng là lục bát. Hẳn nhiên không có một ranh giới phân định đâu là thơ, đâu là vè. Nói một cách khác không dễ tìm gặp được một bài thơ lục bát đúng nghĩa. Mời các bạn cùng đọc lại “Ta ru ta ngủ” của Trần Cơ Lộ:

 

Mưa dầm ngày tháng lê thê

Đường trơn ướt áo em về bến nao

Gởi tình theo giấc chiêm bao

Vẽ lên giọt nắng thấy màu tên em

Ngây thơ em chậm làm duyên

Nguồn thơ ta cạn chút phiền ta dâng

Đôi mi ảo tưởng lâng lâng

Ta ru ta ngủ bằng hình bóng em.


 

 Và để kết thúc cho phần đọc lại Đôi vần THƠ trong Tuyển Tập DƯỚI LÁ, xin mời các bạn cùng một lần ghé lại vườn thơ Nghiên Huy Thân, để cùng thưởng thức và chia xẻ những băn khoăn và thao thức trong một “Chuyến trở về ...” Tác giả có thật sự đã trở về, hay chỉ mơ thấy một chuyến trở về, điều đó có quan trọng hay không sẽ chẳng phải là một điều cần thiết. Tôi chỉ biết cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng tràn khi được theo chân tác giả trong “Chuyến trở về...”, thăm lại ngày đó, thời gian chưa xa lắm, mà quay lại ngó chừng tưởng như đã lạc vào một nơi chốn hồng hoang:

 

dù sao anh cũng trở về

nhìn bàn tay em vỗ về trên gần trăm phím trắng và đen

nghe tấu khúc quen

của ngày xưa gần gũi

anh về tìm lại

mắt nai em thảng thốt

nghe báo tin xa

bữa tình cờ

ngón út tay em rỏ giọt mi bémol buồn bã

dù sao anh cũng trở về tìm lại dư âm ngọt đắng thân quen

của nước mắt

da vàng

và máu ( giữa lòng tay )

chưa trở màu nâu cũ

trong ký ức em

và hy vọng anh.

rồi như ngày xưa anh đến

từng đêm trễ tràng

nhưng vẫn sớm

và ta ngủ muộn màng, thao thức

chờ ai chờ nhau chờ sao chờ giấc

chờ cái gì đã khuất

mà chưa mất trong ta.

dù sao anh cũng trở về

như một phép lạ khó ngờ

cho kẻ đợi chờ nhau

mà cũng về bình thường lặng lẽ như người già trở về với cốc trà, tẩu thuốc, viên cortancyl nhức mỏi

với căn phòng ẩm mốc buổi chiều mưa

(ôi người già và cuộc đi dạo mỗi đêm

là thói quen êm đềm

hay nhai lại ý niệm thời gian trong đầu bạc bằng hàm răng lung lay còn mấy chiếc)

anh về thực bình thường

từ một xứ bình yên

mà điên cuồng vội vã như hôm qua có ai thoát về từ hố bom An Lộc

nếu gặp anh về em đừng khóc

mà nhìn kỹ dùm anh bàn tay gương mặt

xem giùm anh đã mất chính anh chưa.

anh về Việt Nam như một hiện hình

của chính bóng ma anh chập chờn đây đó trong hơi thuốc nhỏ đầu ngày của Hoàn trong giọt café khuya của Cửu

bóng ma anh trong ký ức mọi người đôi khi khơi sáng bởi hơi-gió-kỷ-niệm lướt qua ánh-nến-hoài-niệm xanh xao

anh hiện về với hơi thở ấm dạt dào có thực

hong khô nước mắt người yêu

người mỗi chiều lang thang đồi vắng gọi nhỏ ơi T.

em chết rồi em chết rồi sao gặp được anh kẻ im lìm như đã chết

người đêm đêm hát trong mơ ru tim mình hãy ngủ thực êm

ru bàn tay mình hãy lạnh để nắm tay anh xa thẳm mịt mùng xa

người bây giờ hôn bóng ma anh mỗi sáng đến trường nói với bóng ma anh trên đường ra phố.

người bây giờ đi nhổ cỏ lấy tiền cứu trợ từng cọng rồi lẩm nhẩm đếm tên anh

người bỗng bơ vơ buồn vì điềm bói xấu trên đóa hoa trâm ổi

không thể nào chịu nổi nên anh trở về

dù sao

em cũng nên cười mặc kệ

nếu trên cổ anh có mấy vòng hoa

choàng cho người yêu nước.

 


Nếu nói một cách tham lam thì Thơ là tất cả...

Giới hạn không có trong Thơ, sẽ không ai có quyền thẩm định về Thơ.

Vườn thơ DƯỚI LÁ đã mở rộng cho những tâm hồn tìm đến Thơ, nhưng cũng chính vườn thơ đã khép lại sau lưng những tâm hồn không yêu Thơ...

 

 

PHÙNG QUÂN

Hàng Gió 2010


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thieu_nu_ngam_hoa_sen