BÓNG TÙNG RỪNG HẠC - Thuần Bạch

31 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 87426)

BÓNG TÙNG RỪNG HẠC


 

Ít lâu sau Huệ Hạc bắt đầu dùng Pháp hiệu Bạch Ẩn (Hakuin). Điều này ngụ ý từ nay về sau sư không rời xa chùa Tùng Âm, bởi vì Pháp hiệu của sư dẫn xuất từ tên chùa đầy đủ là Hạc Lâm Sơn Tùng Âm tự (Kakurin-zan Shòin-ji), tức là chùa dưới bóng cây tùng trên núi Hạc Lâm. Khi xưa đức Phật nhập Niết-bàn giữa hai cây Sa-la, cánh rừng nhất thời trổ hoa một màu trắng muốt như đàn chim hạc. Do đó rừng Sa-la này ở Câu-Thi-Na gọi là Hạc Lâm. “Haku” là trắng, “in” là ẩn, “Hakuin” là người ẩn trong hạc trắng, tức trong Niết-bàn.


Nếu em Phật tử không quen với vị tăng để nhờ kiếm giùm địa chỉ chùa Tùng Âm, chắc chắn không có chuyến đi này. Trước đây tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ có dịp trở lại nước Nhật sau thời gian gần một năm trời tu nghiệp tại đây lúc thiếu thời. Hình như trong cuộc đời tôi điều gì không dự tính kỹ lưỡng hay chỉ loáng thoáng chút gió chút sương lại thành tựu. Một sư đệ giới thiệu một Phật tử ở Nhật: “Khi chị đi Nhật có thể nhờ cậy.” Thế là tôi được thăm quan chiêm bái các tổ đình thiền tông trong mười ngày, trên đường từ Mỹ về VN.


Từ Yokohama đi shinkansen (tàu hỏa cao tốc) đến Kyoto, gửi hành lý trong hộc tủ nhà ga xong là chúng tôi, hai Phật tử và hai sư cô, đi ngay đến các chùa.


Chùa Diệu Tâm của quốc sư Quan Sơn Huệ Huyền nhằm ngày giỗ, phướn cờ phất phới, chư tăng đứng ngay cổng tiếp đón. Tuy là ngày lễ chùa vẫn giữ nếp trật tự nhẹ nhàng.


daitokuji_pathQua chùa Đại Đức của quốc sư Đại Đăng hoàn toàn tĩnh lặng. Bước trên lối đi trải sạn nhuyễn hay gạch xi-măng dưới hàng cỗ thụ xanh um, trước mặt bên nay nóc chùa, bên kia mái am, đằng xa nhấp nhô các tự viện chi nhánh trực thuộc. Ồ lạ lùng! Ẩn sau khung cảnh hiện rõ lại lờ mờ thấp thoáng chiếc cầu Ngũ Điều bắc ngang và một người ăn mày đã “trải qua hai mươi mùa đông lạnh và đói để đào sâu sự chứng ngộ của mình.” Ông đứng dưới lòng cầu thân hình mảnh khảnh “khoác lên mình manh vải rách rưới và chiếc áo tơi bằng rơm,” đôi mắt sáng rực nhìn chòng chọc vào mắt tôi.



Đôi mắt nhìn dữ dội. Miệng trề xuống cau có giận dữ. Là kẻ giặc của Phật Tổ, kẻ thù không đội trời chung của Thiền tăng. Khi ông đứng trước mặt sẽ bị ăn đòn. Nếu ông quay lưng Sư sẽ rống lên tức giận. Ối! Ai nói được hình lão tăng mù ở đây là chủ hay là khách?


(Đại Đăng viết trên bức chân dung của Sư)[1]


Tuy chân dung một vị thiền sư có vẻ “dữ dội” khi “xổ cờ ra trận” lúc tiếp đệ tử hay thiền khách trình kiến giải, nhưng đời tu vẫn không thiếu nét thơ mộng tự tại, như trên bước đường hành khước Đại Đăng đã cảm thức:


Trời trăng là một đôi hài

Bước chân lữ thứ tận trời cuối mây.



Hoặc dưới cơn mưa:


Không dù che

Mình ướt đẫm

Chỉ lấy mưa trời

Làm áo che.



Một hành giả đạt đến ngôi vị Tổ như Đại Đăng dù trong hoàn cảnh nào giữa muôn hình sắc âm thanh vẫn không dính mắc, nên cái hiện tiền luôn tròn đầy:


Ta ở đây

Không sắc không thanh

Ta ở đây

Mây trắng viền đỉnh núi

Sông xẻ giòng qua khe.



Chân tôi bước đi mà văng vẳng đâu đây trong lá trong nắng: “Sẽ lấy dưa không bằng tay nếu đưa dưa không bằng tay.” Tay và dưa, phương tiện và cứu cánh, cả hai nương nhau mà có, khi hiệp nhất không còn là hai thì cũng không phải là một.


Câu đáp này khiến người ăn mày Tông Phong Diệu Siêu bại lộ tông tích và được Hoa Viên Thiên Hoàng thỉnh về trụ trì tổ đình Đại Đức và làm thầy cả nước, tước hiệu Quốc Sư Đại Đăng.



Tần ngần hồi lâu trước chánh điện mà không biết làm sao để bước vào vì không phải ngày mở cửa. Bóng một ai tới lui phía sau dãy bàn thờ, tôi lên tiếng. Sau đó một chú công quả người Việt đến tự giới thiệu là nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật học, vài tháng nữa sẽ về nước để cùng làm việc với thầy LMT. Nhờ chú, tôi được vào chánh điện lễ Phật lễ Tổ, và cũng nhờ chú, tôi được gặp vị trụ trì, đồng thời viện chủ tất cả chùa thuộc dòng Đại Đức, xin viếng thăm mộ bia.


Một đời tu bây giờ chơ vơ ngôi mộ im lìm trong khuôn viên toàn là mộ với mộ. Thân xác quốc sư bây giờ im lìm tan hoại nhưng dòng thiền vẫn sinh động tuôn chảy khắp năm châu bốn biển, như lời Hư Đường Trí Ngu đã tiên báo:


Con cháu biển Đông ngày thêm đa.


Để không phụ lòng chư tiên đức, ngày nay biển Đông đã nới rộng đến trời Tây xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Có thể buổi diện kiến hôm nay đã manh nha trong lòng tôi suy nghĩ về một việc làm cho tuổi trẻ VN ở nước người.


ryoan-ji_rock_garden-contentChùa Long An hình như lúc nào cũng đông khách viếng, dù là ngày thường. Từ bãi đậu xe đã tấp nập kẻ vào người ra. “Không biết có được thiền vị như đọc sách hay không?” Tôi chợt nghĩ. Chỉ cất vài bước đi tôi đã lại thấy mình một mình giữa thiên nhiên, qua vài cây đào hoa muộn và cỏ dại giây leo quấn quít bậc đá. Vào chùa, người dày đặc đứng và ngồi nơi sảnh đường ngắm “Thạch viên chùa Long An[2].” Thường khi trong bầu không khí này tôi không tránh khỏi mệt và quạu, nhưng hôm nay vẫn yên bình khỏe khoắn, y như những ngày và đêm tại Bồ-đề Đạo Tràng xứ Phật năm xưa. Chưa kiếm được chỗ ngồi, tôi đứng im và thạch viên, ô kìa, tuy bị dãy lưng và đầu người cắt vụn vẫn không mất đi sức mời gọi. Tôi thì thầm: “Thạch viên ơi, hãy chờ! Còn một chút nữa thôi là trùng phùng!” Khi đến được đến chỗ hàng đầu và ngồi xuống, tôi không còn biết là mình đang ở đâu, trước mắt chỉ duy nhất thạch viên, đầu óc trống hoác. Bài dịch thuở nào về thạch viên cũng chắp cánh bay xa. Bức tường đất vàng nâu điểm từng mảng rêu xanh bao bọc ba cạnh thạch viên, cạnh thứ tư là sảnh đường – khi du khách về, là chỗ chư tăng tọa thiền. Bên kia bức tường hàng cỗ thụ xanh um mọc chen lẫn anh đào đang thả nhẹ từng chùm hoa ửng hồng và tím trên mái ngói đầu tường. Không biết ngồi đây được bao lâu, nhưng tôi có cảm tưởng khá lâu. Vì còn bao nhiêu người chờ phía sau để được diễm phúc hội ngộ thạch viên, thôi thì “Hãy đứng lên khi tách trà chưa nguội[3].”



Tách trà thạch viên sẽ đọng mãi trên môi người nào một lần được nhìn thấy, dù sau này tạm biệt hay gặp lại, vì thạch viên trên giấy mực, trong trái tim hay ngay đây ràng ràng trước mắt vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.” Không chỉ là sân sạn tượng trưng cho “không” hay cụm đá biểu hiện cho “sắc”, mà hơn thế nữa, thạch viên vượt qua có/không, sinh/diệt để tỏ bày “sắc tức là không, không tức là sắc.” Tôi rời thạch viên có nắng xuân trong mắt, gió nhẹ trên da, và cao thật cao là trời xanh trời xanh.



Ba ngày ở Kyoto là ba ngày viếng chùa thật tròn đầy, từ mái ngói hành lang, từ tảng đá sân sỏi, cây xanh đào thắm...tất cả lắng sâu một điều gì “vẽ cũng chẳng được, tả cũng chẳng thành[4].”



Sau hai ngày nghỉ ngơi ở Yokohama, chúng tôi đến viếng Kamakura, chùa Viên Giác do tổ Lan Khê Đạo Long và chùa Kiến Trường do tổ Vô Học Tổ Nguyên đều từ Trung Hoa đến khai sơn. Ở Kiến Trường em Phật tử quen với một vị tăng nên chúng tôi được dẫn vào nội viện thăm quan chỗ chúng tăng ở, sạch và đẹp.



Chúng tôi có hai món quà từ Viên Giác. Thắp nhang mộ nhà học giả siêu việt D.T. Suzuki tại Đông Khánh tự, một chi nhánh của Viên Giác, và tọa thiền hai tiếng tại thiền đường dành cho cư sĩ. Chỉ có bốn người VN chúng tôi xả thiền có xoa bóp trước khi đứng dậy.



Năm xưa khi đến viếng chùa Viên Giác thấy rất quen thuộc, Hòa Thượng ân sư bảo: “Có thể một kiếp nào đó thầy đã tu ở Nhật.” Rừng tùng Viên Giác đã từng in dấu bước chân của thầy, xa lâu nữa hạnh vô úy của tổ Vô Học Tổ Nguyên trước lưỡi kiếm của quân Mông Cổ, thêm một lần là đuốc sáng soi đường cho chúng tôi đi. Phải đợi đến Tùng Âm tôi mới có dịp thắp lên nén hương tri ân chư Tổ đời quá khứ, hiện đời và vị lai. Được tắm mình trong khói nhang bay cao và lan tỏa không riêng tại đây mà hằng ngày ở trú xứ Diệu Nhân quả là ân phúc người xưa tiếp sức cho chúng ta để nung nấu chí tu. Tôi tự nhủ: “Mình chỉ mới đến bậc thềm thứ nhất, còn phải cố gắng nhiều, cố gắng nữa.”



Ngày cuối ở Nhật cũng là ngày chiêm bái trọng điểm: chùa Tùng Âm của Bạch Ẩn và chùa Long Trạch của đệ tử là Đông Lãnh Viên Từ. Ngồi tàu thường từ Yokohama rồi sang tàu cao tốc hướng về núi Phú Sĩ, sang qua taxi, chúng tôi đến Tùng Âm khá sớm, trước bữa ăn trưa.


Đây là một ngôi chùa nhỏ hình bánh ít nằm giữa thành phố, không vườn cảnh, hồ nước....Chùa lại đang xây dựng, và từ trước đến giờ không phải là thắng cảnh du lịch. Chỉ có học giả, người tu thiền đến tham quan. Phải băng qua một đoạn đường ngắn mới đến cổng chùa, rồi đi ngang khoảng sân nhỏ mới vào chánh điện.



Thuở xưa, khi Pháp hội mùa xuân khai diễn năm 1740:


Chùa Tùng Âm lâm vào tình trạng gần như đổ nát. Nhìn lên mái nhà sao trời lấp lánh thâu đêm. Sàn chùa luôn ẩm ướt vì mưa và sương. Thầy phải khoác áo tơi khi đi trong chùa, làm lễ nơi chánh điện phải mang ủng. Tài sản của chùa đều rơi vào tay chủ nợ, đồ đạc đều bị cầm cố. Vật duy nhất đáng giá ở đây là ánh trăng và tiếng gió...


Đây là buổi đầu đạo nghiệp của Bạch Ẩn, và đây cũng là chiếc nôi giáo dưỡng môn đồ suốt năm mươi năm cho tới ngày viên tịch.

Pháp hội đã minh định Bạch Ẩn là một bậc thầy ưu việt nhất của nước Nhật...


Tăng ni và cư sĩ khắp đất nước tụ hội về Tùng Âm. Họ xuất thân từ mọi đẳng cấp xã hội. Tùng Âm quá nghèo nàn không thể đáp ứng nhu cầu của họ, ngay như một số nhỏ người học cũng không thể được. Do đó họ phải tìm nơi trọ bên ngoài.


Họ ngủ nghỉ và hành thiền tại các nhà bỏ hoang, trong đền chùa hoặc sảnh đường bỏ trống, dưới những mái hiên trang trại, có người còn cắm trại ngoài trời dưới sao đêm. Toàn thể một vùng rộng lớn nhiều dặm chung quanh chùa Tùng Âm biến thành một trung tâm tu thiền lớn lao.[5]



Giờ đây chung quanh chùa là phố xá dân cư sầm uất, nhưng tinh thần Pháp hội mùa xuân cách đây gần ba trăm năm có tồn tại chăng? Với minh sư và chánh pháp, chắc chắn tồn tại. Pháp hội vẫn hiện diện không phải nơi nhà cửa đổi thay mà trong tâm con người ở đây và các nơi, hằng ngày sống trong sự tu và tu trong sự sống, đang truyền trao và tiếp nối. Như lời Phật dạy: “Được một người giác ngộ thì Phật pháp trường tồn.”


Trong chuyến đi này, trước khi lên đường tôi nao nao bồn chồn về Tùng Âm, nhưng bây giờ đang đứng trên đất Tùng Âm, cảm giác này không còn nữa, thay vào là một điều gì bàng bạc trôi lượn đâu đây, nhẹ như làn gió và êm như sợi mây. Mặc dù đạo nghiệp của Bạch Ẩn, vị quốc sư cuối cùng được sắc phong tại Nhật do Minh Trị Thiên Hoàng ban thụy là Chánh Giáo Quốc Sư, quá chói sáng - đại ngộ vài lần, tiểu ngộ nhiều vô số – và tuy thời gian không gian lâu xa cộng với sức tu và đạo hạnh của ngài đối với tôi một trời một vực, tôi vẫn thấy ngài không xa cách hay lạ lẫm. Y như hình ảnh đức Thế Tôn trong tích truyện Pháp Cú vẫn ở quanh đây, chia xẻ với mọi người cái vui cái buồn, cái no cái thiếu, không những từ hạng cùng đinh đến vua quan cõi người mà rộng mở khắp các tầng trời, thậm chí xuống đến địa ngục. Ồ! Mình cùng giòng máu chư Phật chư Tổ, tại sao khi mê khi tỉnh thế này? Ngã chấp trầm trọng, tập khí sâu dày, và còn nữa..., vì thế tuy gần mà xa.



Cuộc viếng thăm rất đầy đủ, chúng tôi được đảnh lễ tượng thờ và mộ bia, xem di tích - chỉ còn hai bức thư pháp thư họa và chiếc kiệu phục chế - lại được tặng bản sao thư họa Núi Phú Sĩ, chiêu đãi trà đạo và u-don (bún luộc sợi to dùng với nước tương). Khi đứng lên chào ra về, tôi chợt buột miệng hỏi thầy trụ trì:


- Thưa thầy chỗ nào ngài Bạch Ẩn thường ngồi thiền nhìn thấy núi Phú Sĩ trước mặt?


- Ngài ngồi tất cả chỗ. Chỗ nào cũng thấy núi Phú Sĩ.


Tôi ngẩn ra, chưa theo kịp ý nghĩa câu trả lời. Thầy nói tiếp:


- Điều thiết yếu là làm thế nào mình với núi Phú Sĩ là một.



Trên tàu hỏa bóng dáng núi Phú Sĩ chạy theo chúng tôi một đoạn đường rồi mất hút, sao lại bảo chỗ nào cũng thấy núi Phú Sĩ? Vậy có đến hai Phú Sĩ hay sao? Phú Sĩ nào thấy đó rồi mất đó và Phú Sĩ nào mọi lúc và mọi nơi đều thấy?


Sáng nay tôi đã đứng trước chùa Tùng Âm, ngay cột đá khắc tên chùa bằng chữ Hán “Đại Bản Sơn Tùng Âm Tự,” bây giờ ngồi tàu về Yokohama để ngày mai sẽ băng qua biển Thái Bình về trú xứ, chùa Tùng Âm cũng như núi Phú Sĩ và thạch viên sẽ đi vào dĩ vãng. Nhưng trên con đường chúng ta đã cất bước ra đi mà cứu cánh là quay về, bóng tùng sẽ mãi tưới mát khi ta khô khát, luôn đỡ dậy khi ta té xuống. Phú Sĩ đích thị là Phú Sĩ thì nơi nào cũng có, thạch viên muôn thuở của lý sắc không thì nơi nào chẳng không, và rừng hạc phải chăng là mức đến cuối cùng của mỗi người chúng ta?




Thuần Bạch


16 tháng 4 năm 2010



[1] Trích sách Quốc Sư Đại Đăng, cùng tác giả.

[2] Bài viết trong sách Thiền, cùng một tác giả.

[3] Thơ của Như Thủy.

[4] Lời của Ngũ Tổ Pháp Diễn.

[5] Trích sách Thiền Sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, cùng tác giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc