GANG TẤC - Phùng Quân

07 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 73281)



saigon_xua-content



GANG TẤC

 

 

Giá như buổi sáng hôm ấy, thầy Phùng cứ thẳng tay, tát vào mặt tôi một cái thật mạnh, thì có lẽ tôi đâu có một kỷ niệm đáng nhớ như thế này! Đã gần 50 năm sau, mỗi lần nhớ lại buổi sáng hôm ấy, tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Cái cảm giác sợ hãi pha lẫn xúc động, vẫn hiện về rõ ràng trong tâm trí tôi, như những dòng chữ học trò còn tươi nét mực trên trang giấy mới.


 

Trường trung học Nguyễn Trãi khi đó đã dọn về Khánh Hội, bên cạnh bờ sông Saigon. Khung trời quanh đây lúc nào cũng trong xanh và gió mát. Tuổi học trò chúng tôi vẫn hồn nhiên ngày ngày đến trường, chưa vướng bận những lo nghĩ về tương lai. Từ khi chúng tôi bắt đầu theo học lớp đệ Tam, không biết ai đã reo rắc ý nghĩ, đây là năm chỉ cần học tà tà để dưỡng sức, vì cứ theo kinh nghiệm của các bậc đàn anh, chương trình lớp đệ Tam không có nhiều môn học phải quan tâm lắm. Bạn bè đồng lứa, có những anh lớn tuổi hơn vì học trễ vài ba năm, nên chuyện động viên cũng gần kề. Riêng chúng tôi từ khi lên được đệ nhị cấp, thường tỏ ra mình người lớn hơn, ngang tàng hơn. Trong lớp, nhóm chúng tôi tuy vẫn là những học sinh chăm chỉ và xuất sắc, không thuộc thành phần “bê bối” như các “xóm nhà lá” khác nhưng lúc này cũng đã bắt đầu biết rủ rê, cùng nhau về sớm, trốn những giờ học mà tự cho là không quan trọng hay không cần thiết, chẳng hạn những giờ sinh ngữ phụ như Anh văn quá vỡ lòng đối với một số chúng tôi, vì ai nấy cũng đã học tư thêm tại Ziên Hồng, Nguyễn Ngọc Linh hay Hội Việt Mỹ… cả rồi! Còn nói chi đến các giờ học khác như Sử Địa, Công Dân, đều là những dịp để bọn tôi thỉnh thoảng cùng rủ nhau cúp cua trốn học. Tôi đoan chắc các thầy thừa biết nhưng vì sành tâm lý học trò, nên vẫn thường tha thứ làm ngơ. Hơn nữa hàng năm trong các kỳ thi Tú Tài, sĩ số học sinh Nguyễn Trãi đỗ nhiều và đỗ cao, nên có lẽ vì thế mà các thầy yên tâm hơn chăng? Đâu ai biết là tuy vắng mặt tại trường nhà nhưng chúng tôi lại rất chăm chỉ, chen chúc trong những lớp luyện thi Toán Lý Hóa buổi chiều.


 

Câu chuyện mà tôi sắp kể đây xảy ra khi chúng tôi đang học lớp đệ Nhị. Hôm ấy một buổi sáng đẹp trời, từ lầu ba nhìn qua khung cửa sổ, các ống khói tàu bên kia sông đang tỏa nhẹ những cụm khói đen giữa bầu trời. Chốc chốc từng hồi còi tàu lại hụ vang như thúc dục. Có phải chuyến hải hành nào đó đang muốn tìm thêm kẻ đồng hành nơi lũ chúng tôi, hay muốn rủ rê cùng tham gia vào những giờ phiêu du trốn học? Giờ học kế tiếp hôm ấy là giờ Sử Địa của thầy Đặng Đình Phùng nhưng bọn chúng tôi mười đứa, vẫn đồng lòng rủ nhau trốn giờ Sử Địa của thầy. Từ lầu ba, chúng tôi hối hả chạy xuống thang lầu thì bất ngờ thầy Phùng đang từ phía dưới lầu đi ngược lên. Gặp chúng tôi, thầy hỏi vội và còn dặn dò thêm:


“Giờ này các anh còn đi đâu thế? Phải lên học đi chứ!”


Mọi người cùng dạ dạ, vâng vâng với thầy rồi hùa nhau biến mất khỏi sân trường. Hôm ấy, chúng tôi đã trốn giờ học của thầy Phùng. Học với thầy môn Sử Địa suốt mấy năm liên tiếp, thầy nhớ từng đứa chúng tôi. Thành ra những năm cuối trung học, mỗi khi nhắc đến môn Sử Địa là phải nói ngay đến thầy Phùng. Riêng tôi còn nhớ rất rõ, vào mỗi niên học mới, trong giờ Sử Địa đầu tiên, thầy Phùng bao giờ cũng lập đi lập lại, kể không sai mảy may một chi tiết nào về những diễn biến của cuộc chiến tranh Triều Tiên, nào là vĩ tuyến 38 ở đâu, nào là tướng MacArthur hành quân ra sao. Còn môn Địa Lý thì thầy dặn chúng tôi chỉ cần nhớ hai câu: “Biển nóng lạnh nhanh, đất nóng lạnh chậm” là có thể giải thích tất cả những hiện tượng liên quan đến gió mùa. Mấy năm liên tiếp nghe hoài những điều đó, hầu như ai nấy đều thuộc nằm lòng nhưng vui nhất trong giờ Địa Lý, mỗi khi cần giảng đến điều kiện thay đổi gió mùa, thầy hay nhắc đến thời điểm “mặt trời đã lên đến thiên đỉnh”, khi ấy cả lớp lại được dịp cười vang, tất cả cùng nhìn hướng về cái đầu hói bóng, trông rất “savant” của thầy. Bình thường ngoài môn Sử Địa, đâu mấy ai biết thầy Phùng còn là một người rất nghệ sĩ. Một lần lớp B3 của chúng tôi tổ chức văn nghệ Tất niên, thầy ghé vào chơi. Cao hứng thầy cầm đàn và hát cho chúng tôi nghe: “... Quê tôi miền Trung Du...”. Giọng hát của thầy rất “ténor” và truyền cảm vô cùng!


 

Thế là buổi sáng hôm đó, chúng tôi đã cả gan, ngang nhiên dám trốn giờ Sử Địa ngay trước mặt thầy Phùng. Một hành động quá ư là liều lĩnh, dám coi thường thầy, không thể nào tha thứ được! Ngày hôm ấy chúng tôi đã rủ nhau đi chơi những đâu, thực sự giờ này không còn ai nhớ nữa! Có quá nhiều điều mới lạ và thú vị để tâm hồn được dịp bay bổng, rong chơi tựa như những cánh chim bên sông, lâu lâu bỗng thấy nhớ rừng, mong được xa thành phố. Trước cổng trường Nguyễn Trãi, con đường Trịnh Minh Thế dẫn đến kho Năm trong thương cảng, quanh năm chỉ thấy bụi mù vì những đoàn xe vận tải. Chạy dọc theo một bên đường còn lại, có những quán “bar” san sát nhau và ngay cổng chính dẫn vào trường, hàng quán lụp xụp mọc lên để phục vụ giới lao động nơi bến tàu. Đôi lúc trong lòng tôi nhen nhúm cảm giác không vui, tựa như một thoáng lưu đày, bởi vì cái không khí học đường mà thầy trò chúng tôi hàng ngày đang trải qua, đã mất hẳn cái vẻ thanh lịch của một mảnh đất văn học ngày trước. Nhiều khi tự an ủi, biết đâu đó lại chẳng là những kinh nghiệm quí báu, giúp tuổi thơ chúng tôi được gần gũi với đời sống thực tế, bớt đi ít nhiều mơ mộng biết đâu sẽ tốt hơn cho tuổi học trò? Thế hệ chúng tôi từ khi bắt đầu hiểu biết chút ít về cuộc sống, đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm cay đắng của đất nước, buồn nhiều hơn vui. Tuổi trẻ đồng nghĩa với chiến tranh, còn tương lai thì như giấc mơ toan tính từng ngày.


Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy,

Làm học trò mắt sáng với môi tươi (1).


Hình ảnh nên thơ ấy đã trở nên hiếm hoi, có còn chăng chỉ là khi được vô tư trong thoáng chốc, nghịch phá giữa bạn bè. Những lần trốn học rủ nhau ra ngoại ô, chúng tôi chở nhau qua ngả cầu Bình Lợi, hướng về phía Thủ Đức. Nhìn những cánh đồng lúa, ruộng vườn xanh tươi hai bên hương lộ xa tít chân trời, có một chút gì thoáng mát và thật bình yên tràn vào tâm hồn chúng tôi, mọi thứ tưởng chừng bay xa, chỉ còn để lại chút hồn nhiên, vui chơi thỏa thích một ngày.

 


Ngay sáng hôm sau trở lại lớp, ai nấy chưa kịp ngồi yên chỗ, thì thầy Phùng đột ngột xuất hiện, bước nhanh vào lớp. Thầy đứng trước bục giảng, quắc mắt giận dữ nhìn tất cả chúng tôi và nói to như ra lệnh:


“Hôm qua những anh nào dám trốn giờ của tôi, tất cả bước lên đây”.


Chúng tôi mười đứa cộng thêm vài anh “xóm nhà lá” lo sợ bước lên đứng trước bảng đen, thành một hàng dài cạnh bục giảng sau lưng thầy. Sau vài lời giải thích và phân bua với vị giáo sư đồng nghiệp về thái độ quá ư là hỗn láo, dám nói dối và coi thường giáo sư, thầy Phùng quay lại và bắt đầu xử tội chúng tôi. Thầy gọi từng đứa ra đứng trước mặt và hình phạt cho mỗi trò là một cái tát ngàn cân để nhớ đời. Trong đời học sinh, tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh các thầy giáo phạt học trò nhưng thú thật chính tôi chưa bao giờ sống trong những giây phút sợ hãi và căng thẳng cực độ đến như vậy! Từng đứa chúng tôi lần lượt bước ra lãnh phạt như lên đoạn đầu đài. Đứa nào đeo kính cận đều bị thầy Phùng bắt phải gỡ ra trước khi lãnh án này. Có một chàng “xóm nhà lá” nổi tiếng ba gai, ngay khi thầy giơ tay cao sắp bạt tai, vội giơ hai nắm tay lên ngang đầu trong tư thế boxing như muốn đấm trả lại thầy. Thầy quát lớn:


“Bỏ ngay tay xuống, tao đã từng là võ sĩ quyền anh, có thể đấm 10 đấm trong một giây...

Khôn hồn thì đứng yên đừng giở trò...”.


Tôi không nhớ mình đã đứng chỗ nào trong đám tội nhân chờ lên đoạn đầu đài nhưng nhớ rất rõ lúc đến phiên mình, tôi bình tĩnh bước đến trước mặt thầy và yên lặng đứng chờ đợi hình phạt dành cho mình. Trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi ấy, bao sợ hãi lúc ban đầu bỗng vụt tan biến đi, tôi chỉ còn cảm thấy một nỗi hối hận dâng tràn. Nhìn thầy đưa cao tay, sửa soạn bản án kế tiếp, tôi đã hình dung được với bàn tay rắn chắc kia, chắc chắn sẽ để lại một vết hằn to lớn trên mặt. Tôi mơ hồ cảm thấy một làn gió, vụt lướt nhanh trên khuôn mặt mình, mọi thứ tưởng chừng như sụp đổ sau giây phút hãi hùng ấy! Bỗng nhiên không gian trở nên yên ắng lạ thường, thì ra khi chỉ còn trong gang tấc, thầy Phùng đã đột ngột dừng tay! Sau giây phút bàng hoàng ấy, tôi nghe thầy mắng:


“Thôi, đi về chỗ...!”


Kết cuộc, tôi là đứa học trò duy nhất được thầy ân xá trong ngày hôm đó. Tôi lặng lẽ trở về chỗ ngồi mang theo cảm xúc ân hận khó tả. Tôi yên lòng vì được thầy tha thứ nhưng đồng thời một niềm hối hận bao la dâng tràn, gặm nhấm mãi tâm hồn từ đó về sau.


 

Giá như hôm ấy, thầy Phùng cứ thẳng tay tát xuống mặt tôi một cái thật mạnh, thì có lẽ gần 50 năm sau, cảm giác ân hận và xúc động kia chắc đã tàn phai và không còn để lại trong tôi lắm bồi hồi! Chúng tôi mãi ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy và riêng tôi, sự biết ơn kia cứ mãi nằm sâu trong tâm tưởng. Mỗi khi bạn bè cũ có dịp gặp nhau, chúng tôi lại nhắc đến những kỷ niệm buồn vui tuổi học trò của một thời Nguyễn Trãi. Người ta thường nói: “Miếng ngon nhớ lâu, cơ cầu nhớ dai”. Ai cũng có những kỷ niệm buồn vui... Riêng tôi, xin chọn giây phút vô cùng xúc động của tình thầy trò trong “Gang Tấc” ấy, làm chiếc gối êm trong tuổi già... Tôi nhắm mắt lại để trở về với một thoáng năm xưa: “... tôi hình dung từ xa một người mặc chemise trắng cộc tay, đang lái chiếc Vespa cũ kỹ màu trắng, ai như thầy Phùng vừa đậu ở cuối sân trường ...”.

 

 

Ở đây, những hôm trời nắng to, đôi lần tôi ngước mắt nhìn bầu trời cao qua mấy ngọn cây, khi ấy “mặt trời đã lên quá thiên đỉnh” bỗng nhiên lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến những kỷ niệm năm xưa, trong gang tấc ấy mà thành thiên thu, với vị thầy khả kính Đặng Đình Phùng.

 


PHÙNG QUÂN


31/12/2013

 

(Viết cho ĐẶC SAN NGUYỄN TRÃI,

Đại Hội Trung Học Nguyễn Trãi Thế Giới

Lần thứ II, tại Orange County, California

29 tháng 6 năm 2014.)

 

(1) Thơ Đinh Hùng

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc