TẢN MẠN CHUYỆN PHÙ TANG/ THÁNG 4/2014 - Vũ Đăng Khuê

11 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 74888)




Hanami và… hạnh phúc không quên


Vũ Đăng Khuê


 

Hanami

 

 

Đã sang tháng 4 bắt đầu mùa nắng ấm, mỗi khi ra đường tuy không phải khoác những bộ áo “giáp” trên người nhưng đôi khi có một chút gió hiu hiu ở đâu đó lại “nhè nhẹ” len vào da thịt. Cảm giác thật bình yên dễ chịu. Trên con đường đưa “người tình… trăm năm” từ nhà tới sở,


Ngồi bên anh có em ngoan tóc lả

Giọng Nam Kỳ pha chút Bắc duyên duyên *


- “rộ rồi”,

- “cái gì rộ”,

- “nhìn kìa”.


À, rộ thật. Cả một rừng anh đào trắng xóa nở dọc hai bên đường.


- “Mo mankai da ne! Shumatsu hanami shimashou ka? (Mãn khai rồi, cuối tuần, Hanami không?)


- Xong ngay.


-------


*được trích trong một bài thơ của 1 người bạn nào đó, xin lỗi đã quên tên


-------


hanami-content


Công viên Inokashira



Hanami 花見gốc tiếng Hán là “Kiến Hoa”, “Kiến” là xem là ngắm, “Hana” là “Hoa”, nhưng là Hoa Anh Đào (Sakura) hay Hoa Mai (Ume) chứ không phải các Hoa khác. Nói tóm lại, Hanami có nghĩa là ngắm hoa - một sinh hoạt truyền thống của xứ Phù Tang khi anh đào nở. Ngày nay, Hanami gần như đồng nghĩa với một bữa nhậu ngoài trời dưới gốc cây anh đào, trên lối đi hoặc cạnh bờ sông. Hanami là dịp để gia đình và bạn bè tụ tập, và cũng là mùa mà thiên hạ từ già đến trẻ rủ nhau “đi tìm cảm giác lâng lâng trong men rượu”. Tại các công viên lớn ở Tokyo như Meiji Jingu Gyouen, Shinjuku Gyoyen, Chidorigabuchi, Inokashira, Ueno… lúc nào cũng đầy ắp người, “karaoke” vang vang cạnh những đĩa “mồi” thơm phức cùng những ly sake ấm áp. Dưới những tàng cây xanh lá là những loạt đèn lồng xếp bằng giấy sáng chưng để thắp sáng cho những bữa tiệc “dạ anh đào” (tiệc thâu đêm) .


Trong khí trời lành lạnh vừa “chiêu” một chén sake nóng vừa thưởng lãm những cành đào lung linh trước gió, ai nấy đều cảm thấy mình đang tận hưởng những hạnh phúc hiếm hoi khác hẳn với những tất bật của đời thường.


Cứ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng tư thì Nha Khí Tượng Nhật Bản sẽ có thông báo chính thức lịch trình hoa anh đào sẽ nở, người Nhật – đặc biệt là những người yêu thích truyền thống Hanami đều theo dõi thông báo này thật cẩn thận, bởi thời gian “mankai” (nở rộ) chỉ kéo dài khoảng một hoặc hai tuần.



Nhớ lại có năm nào đó, khi Nha Khí Tượng thông báo ngày hoa nở, nhưng hoa lại nở muộn hơn vài ngày so với lịch trình đã thông báo. Thế là các quan chức “nhà nước” lại phải cúi gập đầu xin lỗi vì người dân than thở: “chúng tôi đã chuẩn bị cả năm để lấy những ngày nghỉ, canh đúng những ngày hoa sẽ nở nhưng.... cuối cùng thì chỉ thấy toàn những cành hoa trụi lá”! Thật là vô nghĩa”....


Theo thống kê thì số người ngắm hoa năm nay so với năm ngoái tăng mạnh, “nội dung bàn tiệc” vẫn linh đình, tuy có người than vắn thở dài: vì thuế tiêu thụ tăng từ 5% đến 8%. “Tăng thì tăng, uống ta cứ uống, nhắp chừng vài ly vào thì 5 hay 8 cũng….giống nhau”.

 


Hạnh phúc không quên



Lan man đến đây bỗng dưng nhớ lại những buổi “hanami” không thể nào quên được “của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” vào 38 năm trước tại địa điểm có nhiều khách du xuân: công viên Inokashira ở giữa 2 quận Mitaka và Musashino. Xin cho phép lùi về dĩ vãng.


Sau ngày Saigon đổi chủ tháng 4/1975, trừ một số đã tốt nghiệp, đang thực tập tại các hãng xưởng có chút ít thu nhập, còn lại đám sinh viên chúng tôi rất ư là vất vả, tin tức gia đình thì biệt tăm, tiền chuyển ngân thì không có, học hành thì dang dở, tương lai cuộc sống rất bất an. Ai nấy đều phải bương chải, làm bất cứ việc gì để sống còn, phụ nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp, chạy bàn, vét bùn ống cống v.v… Một nơi mà chúng tôi thường gọi đùa là “mồ chôn tuổi trẻ” là nhà ga Takadanobaba nằm gần phố Shinjuku, một trung tâm ăn chơi của Tokyo. Cứ 6 giờ sáng thì dân lao động thường là người từ các tỉnh miền Bắc về tìm việc làm khi mùa đông đến, trong đó có cả quân ta tụ tập để được mướn và “bố trí” đi khắp nơi, làm đủ việc mà hầu hết là các công việc liên quan đến ngành xây dựng như dọn dẹp công sự, khiêng vác, phụ thợ sai vặt…., “thu nhập” 1 ngày (cao nhất là 5000 yen-50 mỹ kim) có thể sống cả một tuần với cơm của shokudo (nhà ăn) cư xá Kokusai (sinh viên quốc tế). Ngay dịp đó, một “ân nhân” xuất hiện, công ty “tổng nghiệp”(総業)của một người Nhật tên Kitayama, công ty này nhận làm bất cứ việc gì như nhặt rác, chùi hồ bơi, dọn nhà, dỡ nhà v.v… mà 2 ông bạn tôi là: Huỳnh Lương Thiện (bây giờ ở Mỹ), ông Trần Minh Châu (ở Pháp) là những người có “giao tình” thắm thiết với công ty. Thời gian đó, cứ vào mỗi tối, tại phòng ăn của cư xá, mọi người vừa đấu láo vừa đợi 2 ông. Khi 2 ông xuất hiện trong bộ quần áo “tác nghiệp” xốc xếch dính đầy sơn hay bùn đất…thì ai nấy đều vui mừng biết là có “tin vui”, 2 ông oai lắm vì vừa là đàn anh (trên tụi tôi 1, 2 năm), vừa là người “mang công ăn việc làm” cho “đàn em nghèo đói” dõng dạc ra lệnh: Ngày mai 8 người tại chỗ này, chỗ kia 6 người….. đến mùa Hanami thì cần 10 người dọn rác công viên Inokashira từ 7 giờ sáng đến 1 giờ trưa, có bữa thì cần ít hơn vì cuối mùa hoa rụng. Tụi tôi thay phiên đảm nhận.



hanami_1-content


Ngắm hoa tại công viên Inokashira



7 giờ sáng tụi tôi có mặt, phân chia vùng xong xuôi, cứ 2 thằng “quản lý” một chiếc xe đựng rác và một bộ đồ nghề gồm: bao tay, đồ hốt rác, đồ đựng rác, chổi quét rác. Một thằng “hốt” và một thằng “đẩy” cứ thay phiên nhau. Công việc thì bận thật, nhất là từ lúc 7 giờ đến 10 giờ, nhưng được một cái là người Nhật rất “biết điều”, họ no say xong nhưng rác được họ xếp thành từng đống, chứ không bỏ lung tung. Nhiệm vụ của tụi tôi là dọn những đống rác chất lên xe đem đến một chỗ nhất định chờ xe rác đem đi. Từ 10 giờ trở đi thì hầu hết là vừa đẩy xe vừa ngắm cảnh… tìm kiếm những cọng rác lạc loài lẻ tẻ rơi rớt xung quanh.



Người Nhật rất “phí phạm” trong các lần chén anh chén chú như thế này, thế nào trong đống rác cũng còn sót lại những lon bia mới toanh, những chai rượu chưa khui hoặc còn hơn một nửa có đậy nắp cẩn thận, những gói mồi như mực khô, đậu phộng còn nguyên xi chưa ai rờ tới…. Thế là quân ta “lặng lẽ” gom vào một chỗ.



Đúng 1 giờ, sau khi chấm dứt công việc, bàn giao cho “quân bạn” là người của công ty khác, quân ta trở thành khách ngắm hoa. Trong cái công viên đầy ắp người, bỗng nhiên lại thấy xuất hiện những thằng mới sáng là “cu ly” bây giờ là “khách”, nhưng chẳng ai buồn để ý. Bao nhiêu “mồi” dự trữ đem ra và cứ thế mà “Dzô”, “Ra” thoải mái.



Có một bữa, cách chỗ chúng tôi đang lai rai có hai thanh niên còn trẻ với 2 cây đàn đang hát những bài folksong quen thuộc của Nhật như Nagori yuki, Ano subarashii mo ichi do v.v… của Mỹ như The Boxer, The Sound of Silence…. Hay thiệt. Tò mò, tôi và vài quân ta tiến tới nghe ké và xì xầm với nhau, thấy không phải tiếng Nhật, 1 trong 2 thanh niên hỏi:


- Mấy anh từ đâu tới thế?


Khách ngắm hoa mà, tụi tôi ngẩng mặt:


- Việt Nam bạn ơi.


Có 1 cậu buột miệng:


- Cho tụi tôi nghe một khúc nhạc Việt Nam đi


Cả bọn đùn cho tôi. Nhận đàn từ tay người bạn Nhật, khỏi suy nghĩ đang có hơi men tôi bắt giọng luôn “Cái nhà là nhà của ta….”., vừa dễ nhớ vừa sinh động. Chả biết 2 anh chàng này có hiểu gì không nhưng vẫn khen lấy khen để vì đó là…. đặc tính muôn đời của người Nhật.


Xong, một người hỏi:


- Anh biết bản nhạc Nhật nào không?


Trúng tủ, tôi làm luôn bài hát mà ai cũng biết của Yoshida Takuro “Kekkon shiyo yo” (Hãy lấy nhau đi), bài hát mà tên nào tập tễnh làm quen với folksong Nhật đều thích và muốn chơi cho bằng được. Cả 2 thanh niên và những người Nhật xung quanh cũng khoái chí vỗ tay hát theo


Boku no kami wa (Tóc của anh)

Kata made nobite (Nếu dài đến vai)

Kimi to onaji ni nattara (giống như của em)

Yakusoku doori (Đúng như lời ước nguyện)

Machi no kyoukai de (Tại một nhà thờ của thành phố)

Kekkon shi yo (Chúng mình hãy lấy nhau nhé)


………………..



Hát xong, 2 thanh niên đáp lễ một vài bài và chúng tôi lại trở lại “vị trí” cũ tiếp tục….chương trình. Thú thật, có thể nói đó là lần hanami hạnh phúc nhất trong cuộc đời….. ca hát của tôi.

 

Xin mời quí vị nghe bản này


https://www.youtube.com/watch?v=ryutpbPwrz4&list=RDQY_gIXvIZcE&index=6


 

Cuối tuần qua, tại một công viên gần nhà lúc anh đào đang nở rộ, bên “người tình trăm năm”, bên bạn, bên bè, đồ nhậu ê hề, cạnh tụi tôi lại có một nhóm trẻ đang tưng bừng đàn hát làm tôi nhớ lại một khung cảnh đã quá xa của Hanami 38 năm trước mà chắc là sẽ không bao giờ tìm lại được.


Với tôi, tháng 4 hàng năm, Nhật Bản với hoa anh đào là một xứ sở thanh bình và đáng yêu nhất. Lại mơ, lại mộng.


Thôi sang chuyện khác.

 

------



 “Onê-ê” オネエ – Pê Đê (Bóng) và…..



Những năm gần đây, trong các chương trình giải trí trên truyền hình Nhật thường hay xuất hiện các nhân vật mà tiếng Nhật gọi là “Ônê-ê” (Pê Đê) tiếng Việt ta gọi là “Bóng” để chỉ những loại thanh niên mang “thân xác là đàn ông nhưng tính tình và cách sống thì hoàn toàn là phụ nữ và muốn trở thành phụ nữ nếu… điều kiện cho phép” Có 2 loại Ônê-ê: một loại khi nhìn thì là “giai” nhưng thực ra thì tính tình ngược lại, còn 1 loại nhìn vào thì giống như “gái” và lẽ dĩ nhiên là “ẻo lả”…., nhóm này lại chia ra làm 2, một thì “để nguyên thế” không chỉnh trang, một thì “chỉnh trang chút ít” nhìn biết liền khỏi giải thích. Quí vị xem những tấm hình dưới đây thì sẽ thấy.


oneionei_1-content

 Nhìn thì là “giai” đấy nhưng ẻo lả lắm

Kurisu Matsu Mura – Tanoshi Shingo


onei_2

onei_3-content 

Ai bảo là “giai”? Haruna thì chỉnh trang – Mitsuman thì…. vẫn để nguyên như thế



. Những “Ônê-ê” này rất thông minh và ăn khách, thường là diễn viên “regular” (thường trực), nhất là trong các chương trình “tạp lục”, hỏi ý kiến về cuộc sống, tranh đua kiến thức giữa nhiều nhóm với nhau như nhóm “xướng ngôn viên”, nhóm “nghệ sĩ”, nhóm “thể thao” và nhóm “Onê –ê”…. và không có ít người đã trở thành đại gia. Đúng là nhất nghệ tinh nhất thân vinh


Ngoài ra, Nhật Bản lại có thêm một mẫu người giống “Ônê-ê” một vài điểm nhưng khác với Ônê-ê là họ không có ý muốn trở thành phụ nữ, kể quí vị nghe luôn cho đầy đủ.

 

 


“Những chàng trai thích nhai cỏ”



Nhóm chữ này tạm dịch từ một thuật ngữ tiếng Nhật “Soshokukei dansei (草食系男子)” xuất hiện lần đầu vào năm 2006 trên một loạt bài viết của tác giả Fukasawa Maki. Theo bà Ushikubo Megumi, một chuyên gia nghiên cứu thị trường của một công ty lớn tại Nhật thì giới “Soshokukei” trong độ tuổi giữa 20 và đầu 30 có khuynh hướng lãnh đạm với tình dục, tính tình yểu điệu, ăn nói nhỏ nhẹ, thích trang điểm, yêu hình ảnh “dáng em gầy như liễu trong thơ cổ”, mê thời trang phụ nữ, hợp với mẹ hơn bố v.v..... và thiếu tính năng động so với những người đàn ông bình thường. Số này càng ngày càng... phát triển cho nên nhu cầu dành cho các chàng thanh niên thích nhai cỏ này cứ tăng dần theo ngày tháng.



onei_4-contentonei_5-contentonei_6-content

“người hùng” thích nhai cỏ - váy, áo ngực dành cho”người hùng”



Kể từ tháng 11 năm 2008, doanh thu của một công ty chuyên về thời trang có tên WishRoom đã vượt quá dự định khi tung ra những sản phẩm vốn chỉ dành cho phụ nữ như áo ngực, quần lót.... Giám đốc công ty này là bà Akiko Okunomiya cho biết bà rất ngạc nhiên trước số lượng khách hàng nam giới quan tâm đặc biệt những sản phẩm này



Chưa hết, bắt đầu từ giữa tháng 10 năm 2009 suốt cho đến nay thì một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Nhật Bản là Yamaguchi Shinya đã cho trình làng rất nhiều bộ sưu tập thời trang gồm những chiếc váy, áo len, quần bó dành riêng cho giới này. Vài tháng sau, các thời trang này đã xuất hiện bên cạnh hoặc bên trong những công ty sửa sắc đẹp cũng chỉ dành riêng cho nam giới như làm móng tay, cạo lông mặt, v.v..


Không biết đây có phải là một hiện tượng mà nói theo các nhà nghiên cứu xã hội: là “bùng nổ” hay không, vì những loại thanh niên thích ăn cỏ này thời nào mà chả có? Một vài giải đáp đã được tìm thấy qua hai quyển sách “Soshokukei Danshi no Ren-ai Gaku” (草食系男子の恋愛学 tạm dịch: môn học tình yêu của những chàng trai thích nhai cỏ), của giáo sư Morioka Masahiro đại học Osaka và “Soshokukei Danshi Ojo-man Ga Nippon wo Kaeru (草食系男子「お嬢マン」が日本を変えるtạm dịch: Những chàng trai thích nhai cỏ đang thay đổi nước Nhật) của bà Megumi Ushikubo.



Theo giáo sư Masahiro Morioka thì nguyên nhân là vì Nhật Bản có một nền hòa bình không bị đe dọa bởi chiến tranh trong suốt 60 năm qua; hiện tượng này không phải là hiện tượng mới lạ và đã xảy ra trong thời kỳ Edo (1603-1867), khi hòa bình thuộc triều đại Tokugawa Shognate kéo dài suốt 260 năm. Câu kết luận của ông là: thời gian hòa bình càng dài bao nhiêu thì chí nam nhi càng ngày càng lụt, dẫn tới việc tính khí nam giới ngày càng gần nữ giới.



Còn theo bà Ushikubo Megumi thì nguyên nhân của hiện tượng này chính là kinh tế. Thế hệ trẻ Nhật ngày nay lớn lên trong điều kiện kinh tế suy sụp, công việc bấp bênh, thu nhập thấp khiến một số thanh niên tỏ ra thờ ơ với công việc vì có cố gắng cũng chỉ đến đó, vì thế các chàng có khuynh hướng đi tìm một điều gì đó nhẹ nhàng hơn.



“Những cô nàng thích nhai cỏ”



Đã có “những chàng trai thích ăn cỏ” thì cũng có những “cô nàng thích nhai cỏ” (tiếng Nhật gọi là 草食系女子Soshokuke-josi). Một cách vắn tắt thì thuật ngữ này chỉ những cô nàng thụ động trong tình yêu, hoặc có những suy nghĩ chán chường về tình yêu, hoặc không thích cách tiếp cận quá tích cực của nam giới v.v….



Trong một chương trình truyền hình hỏi đáp về y học bàn về sự hiếm muộn, có một bác sĩ về phụ khoa đã kể lại câu chuyện của vài cặp vợ chồng cùng trường phái….ăn cỏ: bệnh viện của tôi thường tiếp những cặp vợ chồng muốn có con bằng phương pháp thụ thai nhân tạo. Bình thường ai cũng nghĩ nguyên nhân “vô sinh” là từ người chồng hay người vợ, nhưng có một vài cặp đã nói thật: lấy nhau cả chục năm nhưng chưa bao giờ….“làm chuyện vợ chồng”. Chúng tôi mong có đứa con để bế để bồng, bò qua bò lại cho vui nhà vui cửa.


Có thể tạm kết luận: dù “nghịch cảnh” hay gì gì đi nữa, ai nấy cũng đều cần ít nhất là 1 người để cùng buồn, cùng vui với nhau trong những nỗi niềm …. sâu thẳm.


-----------------



Những “Ônê-ê”, “những chàng trai ăn cỏ”, “cô nàng thích nhai cỏ” thì ở Việt Nam chắc cũng có nhưng có lẽ nhiều nhất là One-e mà chúng ta đã từng thấy và từng nghe. Không biết bây giờ họ có còn bị những cái nhìn “kỳ thị và châm chọc” nữa hay không? Tôi nghĩ và mong là không có, vì họ cũng y hệt như chúng ta, khi muốn sống hạnh phúc ai cũng cần phải có các “nhu cầu, yếu tố” thích ứng, và họ cũng thế dù cái điều họ cần hơi đặc biệt khác người một chút, nhất là chả hại ai.


Muốn kể thêm nhiều nữa nhưng “đã đến giờ ra đồng làm việc” nên tạm dừng ở đây hẹn bà con cô bác dịp khác.

 

Sayonara


Vũ Đăng Khuê


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc