TRIẾT LÝ VÔ THƯỜNG - Hiếu Nguyên

05 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 77574)

Triết Lý Vô Thường

 

daisy-6-content



Triết Lý Vô Thường trong Văn Chương

 

Trước những thay đổi khiến con người đau khổ, con người có tâm đạo, có ý chí hướng thượng vẫn không thay đổi lòng thủy chung, đức hiếu thảo của mình, vẫn nêu cao tinh thần hy sinh vì nhà vì nước:

 

“Lượng trên dù chẳng dứt tình,

Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.

Thà rằng liều một thân con.

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.”

 

Cảm thấy cái vô thường của kiếp người, cái mong manh của nhân thế, con người cũng đã trông thấy cái mai sau phải vĩnh biệt cõi đời mà dặn dò tâm sự:

 

“Mai sau dẫu có bao giờ

Đốt lư hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.”

 


Triết lý vô thường của cuộc đời, tử biệt sinh ly vô cùng chua xót, con người nhất là con người Việt nam sau 30 tháng 4 năm 1975, đã từng thể nghiệm:

 

“Đau lòng kẻ ở người đi,

Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm.

Trời hôm, mây kéo tối rầm,

Rầu rầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương.”

 

Và rồi:

 

“Từ đây góc bể chân trời,

Nắng mưa thui thủi quê người một thân.”

 

Tâm trạng con người biến đổi, quan niệm thời gian cũng thay đổi theo tâm trạng của mỗi người, lúc vui thì thời gian đi qua mau, lúc buồn thì:

 

“Sầu đong càng lắc càng dầy,

Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.”

 

Trong Kinh Thi cũng có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không thấy nhau chẳng khác gì ba mùa thu).

 

Thời gian trôi đi, tâm trạng thay đổi, cơ thể, diện mạo và con người cũng thay đổi:

 

“Những là đắp nhớ đổi sầu,

Tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa râm..”

 

“Trông chừng khói ngất song thưa,

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.”


amduong

 


Triết lý Vô Thường trong Dịch Học

 

Đông phương trông thấy rõ sự biến hóa của trời đất, vạn vật và vũ trụ, đã giải thích tường tận lẽ biến hóa này trong kinh dịch. Lấy vạch liền tượng trưng cho dương và vạch đứt tượng trưng cho âm. Những vạch này xếp lẫn nhau tạo thành bát quái, tám quẻ biểu thị cho trời (càn), đất (khôn) và các hiện tượng trong trời đất như đầm (quẻ đoài), gió ( quẻ tốn), lửa (quẻ Ly), núi (quẻ cấn), nước (quẻ khảm), sấm (quẻ chấn). Tuy có tất cả 64 quẻ nhưng tựu trung ý nghĩa của 64 quẻ cũng đều do quẻ Càn mà sinh ra; quẻ Khôn cũng chỉ là quẻ Càn bị tách ra làm hai. 64 quẻ biểu thị thịnh suy, hay dở, cát hung, tiêu trưởng, tiến thoái, tồn vong tức lý vô thường, sự biến đổi của mọi sự vật trên thế gian. Tất cả là do âm dương luân chuyển biến hóa thay đổi.

 

Hiểu được Dịch, con người sẽ không cố chấp, sẽ biết tùy thời thay đổi, biến hóa chứ không phải xu thời.


Âm dương lại do Thái Cực là triết lý vô cùng linh diệu quang minh biến hóa ra. Bản thể của lý này vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người nên Dịch học chỉ xét đến động thể của lý tức là quan sát giải thích sự điều hòa biến hóa của âm dương. Âm dương điều hòa sinh ra ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ rồi sinh ra vạn vật.


 

Tinh thần Dịch học biểu hiện trong câu:”Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ” có nghĩa “cứ chảy mãi như thế này không kể ngày đêm”. Câu này do Khổng Phu Tử nói khi đứng bên bờ sông nhìn giòng nước chảy.


Trước nguy cơ chiến tranh có khả năng tận diệt văn minh nhân loại, tâm con người phải thay đổi; Bình minh nhân loại sẽ đến nếu “nhân loại có đủ sức, trong một thời gian ngắn, đào tạo được một số khá đủ những đầu óc tổng hợp, toàn diện có khả năng ảnh hưởng đến những người đương thời khiến những lực lượng kết hợp vượt thắng những lực lượng chia rẽ”


 

Trước tình trạng suy sụp của tinh thần gia đình và bạo động xã hội ngày nay, nền giáo dục phải thay đổi. Krishnamuti đã cảnh cáo nghiêm trọng:”Giáo dục ngày nay lâm vào tình trạng hoàn toàn phá sản bởi vì kỹ thuật được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Gán cho kỹ thuật một địa vị quan trọng thái quá, chúng ta đang tiêu diệt con người.” Nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ cũng lên tiếng phải thay đổi lề lối suy tư nếu không muốn thấy thế giới này chịu đựng những tai họa khủng khiếp.

 

Con người muốn tiến bộ cũng phải theo cái luật của vũ trụ tức là phải biến hóa. “Ai biết được đạo biến hóa thì có thể biết được cả việc làm của thần thánh”. (1)

 

Dịch là biến đổi, biến đổi cái thân bệnh hoạn thành cái thân cường tráng, biến đổi cái học nhị nguyên phân chia nội ngoại, ta và người thành cái học nhất nguyên để có thể mở rộng tâm thức cá nhân tiến tới tâm thức vũ trụ. Hơn thế nữa thấu triệt lý vô thường và tinh thần dịch học, hành giả quyết tâm tu, tập, học thì không chỉ thay đổi bản thân mà còn gây ảnh hưởng tốt đẹp cho ngườI xung quanh cũng như tác động tới đời sống nhân loại.

 


Vô Thường

 

Đôi mắt trong xanh cũng sẽ mờ

Thời gian nhuộm tóc trắng như tơ

Người xưa dạo ấy thành cơn mộng

Cảnh cũ giờ đây hóa giấc mơ

Giải thoát: đâu cần chờ vận hội

Si mê: mới sợ lỡ thời cơ

Vô thường cõi thế hằng tâm niệm

Tu học, đời ta đẹp tựa thơ.


 

Hiếu Nguyên

 

Houston, 2 tháng 8 năm 1987

 

 

 Chú Thích:


(1) Dịch học Hệ Từ Thượng: Tri biến hóa chi đạo giả, kỳ tri thần chi sở vi hô



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc