THOÁNG CHỐC CẢM HỨNG VĂN HỌC - Phùng Quân

01 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 92373)


gio_dua_canh_truc-content



THOÁNG CHỐC CẢM HỨNG VĂN HỌC

 


Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương


 

Hai câu thơ trên, tưởng chừng như đã đi sâu và gắn liền với phong thủy, sông nước hữu tình nơi miền sông Hương núi Ngự, mà bỗng dưng gần đây, không ít giấy mực đã bắt đầu đặt nghi vấn, truy nguyên lai lịch, làm khơi động thêm nỗi nhớ ray rứt và niềm tự hào nơi người dân đất Thần Kinh.



Theo Giáo sư Vũ Quốc Thúc, trong bài biên khảo GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ mới đây, thì đây chỉ là hai câu đầu của một bài thơ tứ tuyệt:

 

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương,

Mịt mù bãi cát màn sương,

Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ.


 Thật ra đó là bốn câu thơ tả cảnh Hà Thành của Dương Khuê (1839-1902), trong bài Hà Nội Tức Cảnh, nguyên văn như sau:

 

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mờ khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mảnh gương Tây Hồ

 

Thời gian vào lúc trăng tà, hợp cùng với tiếng chuông chùagà gáy sang canh, thì thật là hợp tình, hợp cảnh. Tuy nhiên cũng theo Tô Hoài nhận xét, thì đây là cách tả cảnh rất ước lệ của Dương Khuê, vì thật ra không thể cùng lúc nghe thấy được tiếng nhịp chày Yên Thái và tiếng gà gáy sang canh nơi huyện Thọ Xương, vì hai nơi này cách xa nhau.


 

Còn theo Phạm Quỳnh (1892-1945), trong thiên bút ký Mười Ngày Ở Huế, đăng trong Nam Phong tạp chí, được viết tại Hà Nội vào tháng 4 năm 1918 có đoạn như sau:

 

... “Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

 

Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế.”...


 

Thọ Xương là một cái gò cao, tục truyền là nơi có nhà để nuôi các hoàng tử, trước đó có tên gọi là “Thọ Khương Thượng Khố”. Khi Gia Long lên ngôi thì đổi tên thành Thọ Xương, vì kỵ húy Hiếu Khương Hoàng Đế. Đến khi Minh Mạng làm vua, lại đổi thành Long Thọ Cương.


Xem vậy thì hai câu ca ấy, tuy không biết có từ bao giờ nhưng chắc hẳn phải lâu lắm rồi, vì đã trở thành câu hát trong dân gian, mà Phạm Quỳnh đã chỉ là một khách viễn du, trên dòng Hương Giang, ghi chép lại.


 

Không biết có phải do một tình cờ ngẫu nhiên hay một cơ duyên nào khác, mà tiếng chuông từ hai ngôi cổ tự kia, và tiếng gà sang canh từ hai địa dư cùng tên nọ, lại trùng hợp và cùng xuất hiện tại hai miền đất nước?!!!



Kể ra trong văn học cổ điển Trung Quốc, cũng có những điểm trùng hợp khó ngờ như vậy, làm chúng ta phải ngạc nhiên đến bất ngờ, nếu có dịp so sánh và nhớ lại đôi phần trích đoạn trong khúc Trường Tương Tư:


Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương Giang thủy


 

Và rồi cả trăm năm sau, ý thơ kia như lại hiện nguyên hình trong bài thơ Bốc Toán Tử của Lý Chi Nghi:

 

Ngã trú Trường Giang đầu

Quân trú Trường Giang vĩ

Nhật nhật tương quân bất tương kiến

Cộng ẩm Trường Giang Thủy


 

Không gian tuy có đổi dời, thì dù tại Cố Đô Huế hay nơi Thăng Long thành, những thanh âm kia, tiếng chuông chùa xen lẫn tiếng gà gáy sang canh lúc trăng tà, xem ra lúc nào cũng vẫn là những ký ức vô cùng quen thuộc, nơi mọi miền đất nước.


 

Xin hãy dành lại bài thơ tuyệt tác muôn thuở Hà Nội Tức Cảnh cho Dương Khuê.


Xin hãy giữ mãi Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương cho dòng Hương Giang vạn đại.

 

Viết trong một thoáng chốc cảm hứng văn học, với tấm lòng tôn kính tiền nhân.

 

 

Phùng Quân


Hàng Gió, tháng 5, 2013


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc