THÁNG NĂM, MÙA CỦA MẸ - Lê Trần

13 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 90163)

muguet-content


THÁNG NĂM, MÙA CỦA MẸ


Lê Trần

 


Bà Lê cặm cụi tưới mấy chậu cây mới trồng đầu xuân. Năm nay, bà có thêm bụi hoa râm bụt mầu cam ngả sắc hồng, hoa thược dược tím đỏ, phong lữ thảo (geraniums) mầu huyết dụ. Mấy khóm cúc đại đóa trắng và vàng từ Tết vẫn nuôi trong chậu, đã được hạ thổ cạnh hồ nước uống cho chim. Chậu dạ lý hương bỏ ra sân hơi sớm, bị lạnh rụng hết lá, sau mấy hôm trời ấm áp đã thấy loi ngoi trồi ra ít lá non. Bà Lê chỉ có hai mảnh vườn nhỏ bằng cái chiếu ở trước và sau nhà, nhưng nó là niềm vui duy nhất của bà, sau thú đọc sách. Nhìn thấy những cái cây nhỏ xíu vươn lên từ hạt giống lớn dần, rồi mọc lá sinh hoa, y như được chứng kiến một phần nhỏ của sự tạo dựng đời sống.


Bà không trồng nhiều loại rau, vì không đủ đất. Chỉ có hẹ và tía tô. Khóm hẹ cắm xuống đất từ tám năm nay, năm nào cũng trung thành mọc trở lại. Nhưng tía tô thì chẳng bao giờ về đúng chỗ, hạt giống cứ bay tứ tán khắp nơi, làm bà phải nhọc công đi tìm những mầm mới nhô lên từ đám cỏ, thận trọng đào từng nhánh để trồng lại chỗ cũ. Có một năm bà thử trồng mồng tơi, mà đất xấu quá, loại đất sét dính bết chứ không xốp, chờ dài cổ mới được một bữa canh!


Mẹ bà hứa mùa xuân năm nay sẽ tới để ngắm hoa anh đào, nhưng đã không đi được. Ước vọng của cụ là được ngắm lá vàng mùa thu ở Virginia, và hoa anh đào mùa xuân ở Hoa Thịnh Đốn. Thế mà mấy lần lên thăm con cháu đều không đến đúng mùa. Lòng bà Lê trùng xuống vì thương mẹ. Tuổi già mong manh như lá vàng trước gió. Có những mơ ước thật nhỏ nhoi, mà cũng không thực hiện được. Con cái mỗi người một phương trời, mẹ già suốt ngày chỉ những mong cùng nhớ!


Bà Lê thở dài. Cũng may là bà cụ không tới được, vì có tới cũng bị hụt mùa hoa. Xuân năm nay đột nhiên trời trở nóng sớm, nên hoa chưa tới lúc đến thì đã nở rồi. Anh đào giữa tháng ba đã nhuộm hồng bờ hồ Tidal Basin, trong khi hoa lê bắt đầu rụng trắng đường, và lá non bắt đầu nhú lên xanh rờn khắp rừng cây Virginia. Tháng tư đến phiên hoa duơng đào (dogwood) và đỗ quyên (azaleas) đủ mầu nở rộ. Hoa dương đào nếu dịch nôm na từ tiếng Mỹ dogwood thì là lâm cẩu, chó rừng, nghe thô quá. Thế mà đẹp vô ngần, thanh tú mảnh mai như những con bướm, điểm những nét chấm phá trắng và hồng trên nền xanh của cây.


Và bây giờ là tháng năm, tháng của Đức Mẹ và các bà mẹ.


Bà Lê còn nhớ, ở Âu Châu và Việt Nam ngày xưa, ngày đầu tháng năm cũng là lễ Lao Động. Thiên hạ được nghỉ, rủ nhau ra đường vui xuân. Trẻ con bán hoa muguets khắp phố phường Paris, những bông hoa xinh xinh hình chuông trắng mộc mạc và khiêm tốn như hình ảnh của các bà mẹ suốt đời tận tụy cho con. Người ta mua để đặt dưới bàn thờ Đức Mẹ Maria, người ta mua để tặng những bà mẹ hiền.

C’est le mois de Marie

C’est le mois le plus beau!

(Tháng năm là tháng của mẹ Maria, tháng đẹp nhất trong năm!)

 

Tháng năm cũng là tháng của hoa hồng. Vườn nhà hàng xóm của bà có hai cụm thật đẹp, loại hồng bông lớn như cái bát ăn cơm, mầu cam nhạt Brigitte Bardot và mầu đỏ thẫm. Hồng đỏ hay được gọi là hồng nhung, mầu của tình yêu.

 

Một bông hồng cho mẹ!


Có một lần mẹ bà lên chơi vào giữa tháng năm. Lúc đó bà cụ hãy còn khỏe mạnh lắm, chỉ có buồn vì ông cụ mới bỏ cụ mà đi. Đúng lúc hồng đang sung mãn nở rộ. Bà đưa mẹ đi ngắm hoa ở vườn nhà thờ Washington, trên đường Wisconsin. Vườn hồng này nổi tiếng là đẹp, tuy không lớn lắm. Mới bước vào, đã như ngợp trong thế giới của hương hoa. Mùi thơm của hoa nhẹ nhàng thanh khiết, sắc mầu của hoa hòa nhã dịu dàng, khiến người thưởng ngoạn thấy lòng như lắng xuống, an bình tĩnh lặng.


Thuở đó gia đình bà ở một căn chung cư gần trạm xe buýt và xe điện ngầm Vienna. Từ nhà ra trạm này chỉ mười phút đi bộ, qua một con đường rất thôn dã và êm đềm. Một bên là rừng đầy những bụi hoa hồng dại và dạ lai hương (honeysuckle) thơm ngọt ngào, một bên là những căn nhà nhỏ xinh xinh ẩn sau hàng cây chĩu chịt trái: những trái đào mơn mởn hồng tươi như má con gái dậy thì, những trái nectarines đỏ mọng, và mận tím như mầu rượu chát…


Cụ đến thăm con cháu, mà con ngày nào cũng đi làm, cháu ngày nào cũng đi học. Rốt cuộc bà cụ đành phải cô đơn đi dạo trên con đường đầy hoa trái này. Cụ tẩn mẩn ve vuốt từng cánh hoa, cụ vụng trộm sờ từng trái chin. Mấy ông bà Mỹ quanh đó chắc cũng quen dần với bóng dáng bà cụ người Á Châu ngày nào cũng đi qua nhà mình, nhìn ngắm ngẩn ngơ.


Chiều về, sau bữa cơm, hai mẹ con lại đi dạo nữa. Bà cụ thủ thỉ:

- Này cô, hôm nay tôi hái trộm một trái đào ở nhà ông bà Mỹ già bên kia đường.

- Ấy chết, sao me lại hái đào nhà người ta, người Mỹ khó lắm.

- Ờ, thế mà tôi thấy bà ấy ở sau rèm vẫy tôi rồi cười.


Có hôm cụ mang về một bó hoa dại thật lớn, cắm vào bình, lặng lẽ ngồi chờ tiếng reo mừng của con:

- Ồ, hoa ở đâu mà đẹp thế hả me?

- Tôi hái ở ven rừng đấy.


Cứ thế cho đến ngày cụ phải về lại miền Tây. Buổi chiều trước ngày từ giã con cháu, cụ bảo:

- Cô với tôi đi dạo lần cuối được không, tôi muốn chào từ biệt con đường của tôi.


Tim bà buồn xót xa. Mẹ lượm lặt được bao nhiêu hình ảnh con cháu và hương hoa đây, để ủ sâu trong trái tim già, lâu lâu mở ra nhìn ngắm cho đỡ nhớ? Bà ân hận không được ở nhà mỗi ngày với mẹ, truyện trò thăm hỏi cho mẹ đỡ cô đơn hơn. Bà ân hận đã không đủ ân cần, không đủ cố gắng săn sóc mẹ, những săn sóc nho nhỏ biểu lộ tình thương mến y như những bông hồng cho ngày của mẹ, những bông hồng hiếm hoi mà các bà mẹ già Mỹ nhận được một lần mỗi năm, để được nhớ mình hãy còn là mẹ, và hãy còn có những đứa con ở đâu đó!

 

Từ trước đến nay, Việt Nam không có ngày lễ cho các bà mẹ, vì lý do giản dị là ngày nào cũng là ngày của mẹ. Vào thời bà còn nhỏ, trẻ con nào mà không thuộc bài:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.


Ngày xưa, gia đình Việt Nam ở chung cả tứ đại đồng đường, sáng tối con cái phải vấn an ông bà cha mẹ. Phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già, thăm hỏi trong lúc ốm đau là bổn phận của mỗi người con. Anh em trong nhà sống chung vui vẻ, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới. Đến thời của bà, tuy lấy chồng ra ở riêng, nhưng tuần nào bà cũng mang con đến thăm bố mẹ. Nhiều khi đi chợ Tân Định gần đó, lại ghé vào thăm hỏi, bàn bạc với mẹ chuyện nhà cửa, gia đình, làm ăn… Thành ra cha mẹ con cái có sự chia xẻ vui buồn của sự sống hàng ngày, thật là thân thiết biết bao!


Bà nhớ lại những ngày tháng ở Pháp với hai con nhỏ, nhọc nhằn nhưng ấm cúng. Sáng sáng đi làm, tối về làm cơm cho con và kèm con học. Căn chung cư nhỏ xíu, cả cái tủ lạnh cũng không có, rửa mặt đánh răng phải làm cùng với chỗ rửa bát, quần áo nhà thờ cho chẳng thấy ấm mà chỉ thấy nặng, thế mà bà lại cảm thấy hạnh phúc. Được chia vui xẻ buồn với con những lo lắng bỡ ngỡ ban đầu của cuộc sống tha hương, được săn sóc con và thấy con cần mình, được ánh mắt tin yêu nhìn lên trông cậy, người mẹ chỉ cần có thế là cũng thấy sung sướng.


Lúc mới định cư ở Mỹ, trong những năm đầu, vì trở ngại Anh ngữ, bà đã không ngại ngần làm bất cứ việc gì để nuôi con. Bà làm nghề khâu thuê vá mướn, bà đứng máy làm Xerox, một ngày 12 tiếng, suốt bốn năm ròng rã. Còn ông tuy may mắn tìm được việc dạy học không vất vả, nhưng lại cứ phải đi sớm về muộn làm tài xế đưa đón cả nhà đi học đi làm. Lương chỉ đủ trả tiền chợ và tiền nhà. Mỗi đứa con lên đại học là một lần phải lo tiền để phụ vào chỗ thiếu hụt, vì học bổng và tiền vay không đủ. Tới khi ông về hưu, thì sức khỏe và tinh thần đã kiệt quệ, sa sút thê thảm. Gia đình ông đời đời văn học, cha ông thời trước đã để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu về tôn giáo và văn chương. Ông cũng nổi tiếng học giỏi và thành đạt một thời, thế mà bây giờ lệt bệt nằm suốt ngày trên chiếc ghế bành, hết ăn rồi ngủ, lại xem báo. Đầu óc mệt mỏi không còn hăng hái hoạt động sáng tạo, nên cứ mỗi ngày một mơ màng quên nhớ. Không chịu luyện tập thân thể, huyết mạch kém lưu thông, nên cơ thể cứ mỗi ngày một yếu.


Các con bà lớn lên, người nào cũng thông minh, học hành đỗ đạt, có việc làm tốt.


Nhưng cũng xa dần cha mẹ! Hết còn ánh mắt tin yêu, chỉ còn những bực bội sốt ruột trước những yếu kém chậm chạp của bậc sinh thành!


Rồi lần lượt các con bà đi lấy chồng. Căn nhà cứ vắng dần. Đứa lấy chồng đi ở riêng đã đành, cả đứa chưa lập gia đình cũng bỏ mà đi. Mỗi lần một đứa con ra đi là bà buồn cả tháng, không dám vào căn phòng bỏ trống để khỏi đau lòng, khỏi nhớ khỏi thương. Bà nhớ lúc còn ở Việt Nam, sau khi liều lĩnh gởi hai đứa con lớn đi vượt biên, bà đã không dám đi qua cái giường của các con nằm cả tháng trời. Hai bộ áo ngủ thay vội vã hôm chúng nó ra đi, bà cứ để nguyên không cất, để có cảm tưởng là các con mình còn ở nhà, mới đi đâu đó, sắp về.

 

Quanh quẩn thế mà đã hai chục năm qua. Vợ chồng bà bây giờ cũng chẳng khác gì mấy vợ chồng Mỹ già, lụi hụi lo cho nhau để sống nốt quãng đời còn lại, đi ra đi vào trong căn nhà trở nên quá rộng rãi và lặng lẽ.


Bà nhớ quá nên phải làm cơm mỗi thứ bẩy để gọi con đến ăn. Gọi từng đứa một, hôm nay mẹ làm thang cuốn, tuần sau có chả cá, món con thích… Hôm nay có bò nhúng dấm, đầu cá nướng cuốn bánh tráng, lẩu, bún bò Huế… Bà làm sinh nhật cho con, bà làm sinh nhật cho cháu, không kể những ngày giỗ Tết, lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh… Cứ thế mà nấu nướng, bốn lần một tháng, bốn mươi tám lần một năm. Mấy năm sau này bà không còn nhanh nhẹn như trước nữa, mỗi ngày một già yếu hơn. Từ khi ông về hưu, tiền bạc cũng eo hẹp hơn trước nhiều. Những bữa ăn gia đình giảm xuống còn hai tuần một lần, hai mươi sáu lần một năm, hai mươi sáu ngày phục vụ con.


Mỗi lần các con đến, ăn uống ngon lành, nói chuyện với nhau tíu tít, bà vui lắm. Bõ công bà đi chợ từ chiều thứ sáu, rồi làm bếp suốt ngày thứ bẩy. Các cháu bà chạy rầm rập, ăn uống vung vãi khắp nhà, biến nhà bà từ trên xuống dưới thành một bãi chiến trường. Nhưng chỉ cần chúng chạy lại ôm bà thủ thỉ: cháu thương bà lắm. Thế là bà hạnh phúc. Bõ công bà hì hục dọn dẹp suốt cả tuần sau đó, mỗi ngày một chút, buổi chiều khi đi làm về.


Ngày sinh nhật của bà và ông, nếu kể cả ngày lễ cho cha mẹ theo lối Mỹ nữa, thì cũng chỉ có bốn lần một năm thôi. Khi mới sang đây định cư, gia đình bà còn nghèo ơi là nghèo. Thế mà sống quây quần với nhau trong túng thiếu, các con bà đã không bao giờ quên sinh nhật bố mẹ. Những món quà khiêm tốn mua bằng đồng tiến hiếm hoi, dành dụm mãi mới có được để tặng cha mẹ, đối với bà là những hạt ngọc trân quý vô ngần. Lúc đó bà không thấy cần có ngày lễ Mẹ, vì mỗi ngày được sống cạnh con là một ngày bà được làm mẹ. Từ khi các con bà ra riêng, bà chỉ được làm mẹ khi gọi con đến ăn. Nhiều khi bà có cảm tưởng như phải mua sự có mặt này. Ít thấy con nào nhớ mẹ mà tự đến. Đến vì nhớ cha nhớ mẹ, đến để vấn an. Có hai ngày sinh nhật một năm thôi, mà bây giờ cô cậu nào cũng nhà cao cửa rộng, lương cao bổng hậu, thì lại cứ quên hoài. Năm nhớ năm không. Hay nếu có nhớ, cũng có việc khác quan trọng hơn, hấp dẫn hơn, thì giờ đâu mà báo hiếu, làm vui cho hai ông bà già lẩm cẩm! Ông bà chỉ là những bóng mờ sống bên lề đời các con mình, xếp hạng theo thứ tự ưu tiên thì sau cả những người bạn thân của chúng.


Thành ra ông bà họa hoằn lắm mới được một ngày đặc biệt cho mình, mà cũng chỉ lẻ tẻ lúc với con này, lúc với con khác, hiếm hoi như những giọt mưa trong mùa nắng hạn. Đấy là ông bà vẫn tự túc tự cường đấy, bà cố tránh phải sống như câu ca dao:

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày!

 

 Năm nay, trước ngày lễ của Mẹ, sở bà ai cũng xôn xao thăm hỏi: “Sao, bà Lê, con bà có mục gì cho bà không? Con bà người nào cũng thành đạt, chắc nhớ ơn cha mẹ, sẽ cho bà một ngày tuyệt vời.” Bà cười: “Tôi cũng không biết nữa.”


 Ngày lễ Mẹ, hai người già ngồi với nhau trong căn nhà vắng ngắt. Hôm trước có điện thư của con út mừng ngày của mẹ, một lời thăm từ xa cho biết là con nhớ. Bà vui thật vui. Hy vọng các con khác không quên bà. Hôm đó bà chờ, chỉ cần một cú điện thoại chúc phúc thôi, hay ghé qua thăm mẹ một lần, chỉ vì mẹ thôi. Không cần mất thì giờ đưa bà đi ăn, vì bà có ăn được gì đâu! Khỏi cần tốn tiền tốn bạc mua quà cho bà, vì bà có cần gì đâu ngoài sự ân cần! Chờ không được, bà đi ăn với cháu. Thằng cháu đến thăm, ngạc nhiên thấy ngày mẹ mà con không tới, một ngày Mother’s Day without children, nên mời bà đi ăn cho bà khỏi buồn!


 Về nhà, thấy một giò lan trắng và thiếp chúc bà, với mấy chữ non nớt của hai đứa cháu yêu: Happy Mother’s Day, bà ngoại.

 Thế là lòng bà lại nở hoa.

 Ít nhất bà còn có hai con cho bà một ngày của mẹ.

 

 Từ nhà hàng xóm, vọng sang tiếng hát của người ca sĩ mù:

  I just called to say I love you

 I just called to say how much I care…

  (Con gọi để nói cho mẹ biết là con thương mẹ

 Con gọi để nói cho mẹ biết là con lưu tâm đến mẹ…)

 

Fairfax, Virginia tháng năm, năm 2000


Lê Trần


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc