THÚY THÚY TRUYỆN - Lê Mạnh Hùng

05 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 89353)

 

 

tranh_phu_nu_tau-content




Nàng Thúy Thúy họ Lưu vốn là con một gia đình dân dã ở Hoài An, từ lúc chào đời đã rất thông minh, hiểu được thi thư thành ra cha mẹ không muốn ràng buộc chí hướng, để cho nàng được đi học. Học cùng trường có một chàng họ Kim, tên là Định, cùng tuổi với Thúy Thúy. Chàng Kim đẹp trai lại thông minh, tính tình hiền lành thanh nhã thành ra các bạn đồng học đều ca tụng: “hai người thật đáng kết duyên vợ chồng”. Còn hai người, tuy không nói ra nhưng trong lòng đều đã tự hứa. Chàng Kim đã từng làm một bài thơ tặng cho nàng Thúy, bài thơ viết:


Thập nhị lan can thất bảo đài

Xuân phong đáo xứ diễm dương khai

Đông viên đào thụ tây viên liễu

Hà bất di giao nhất xứ tài?

 

(Dịch nghĩa: Mười hai bức lan can, thất bảo đài. Gío xuân đến đâu, mọi cái đẹp đều rộ nở. Vườn đông cây đào, vườn tây cây liễu. Tại sao không mang đến một nơi mà trồng?)


 

Thúy Thúy cũng họa lại nguyên vận:

 

Bình sinh mỗi hận Chúc Anh Đài,

Thê bão hà vi bất khẳng khai?

Ngã nguyện đông quân cần dụng ý

Tảo di hoa thụ hướng dương tài.

 

(Dịch nghĩa: Bình sinh giận nhất là nàng Chúc Anh Đài, Đau đớn làm sao vẫn không chịu mở cửa. Tôi nguyện chúa Xuân nếu có ý, Thì xin hãy sớm mang hoa đến chỗ có ánh mặt trời mà trồng.)


Chẳng bao lâu, Thúy Thúy đã đến tuổi trưởng thành, không còn được đi học nữa. Năm nàng vừa 16 tuổi bố mẹ muốn bàn đến chuyện gả chồng. Thúy Thúy biết rằng nếu để bố mẹ quyết định thì duyên số với chàng Kim sẽ không còn nữa, đau lòng khóc lóc, cơm nước cũng không ăn. Bố mẹ lo sợ, vặn hỏi, lúc đầu không chịu nói ra, nhưng sau cùng mới nói:


-Con nhất định chỉ lấy chàng Kim Định ở xóm Tây. Trong thâm tâm con đã hứa với chàng từ lâu, nếu quả bố mẹ không chịu, con chỉ đành chết, quyết không lấy ai khác.


Bố mẹ nàng bất đắc dĩ đành chiều theo ý nàng. Nhưng nhà họ Lưu giàu có trong khi nhà họ Kim nghèo. Con cái họ Kim tuy thông minh tuấn tú, nhà cửa thì lại lup sụp không xứng đáng. Vì vậy khi người mai mối đến nhà họ Kim tỏ ý, thì bố mẹ chàng Kim lấy cớ gia cảnh bần hàn từ chối nói rằng không dám rước con nhà giàu về làm dâu. Bà mai nói:


-Thúy Thúy tiểu nương tử nhà họ Lưu nhất định chỉ muốn lấy tiểu quan nhân họ Kim. Bố mẹ cũng đã thuận theo ý nàng. Hai vị nếu lấy cớ bần cùng để từ chối thì thật là phụ lòng chân thành của Thúy Thúy, và cũng bỏ lỡ một cuộc nhân duyên tốt đẹp. Nay các vị nên trả lời bên nhà trai ‘Gia đình nghèo, có được đưa con trai, may mắn biết được chút điểm thi thư lễ nghĩa. Quý phủ đến nói chuyện hôn nhân thật không dám từ chối nhưng nhà cửa chỉ mái tranh vách đất, gia đình sống quen cuộc sống bần hàn, nếu quả muốn đòi sính lễ trang sức thì thật sự không thể nào cung phụng.’ Bên nhà trai vì yêu con gái mình chắc chắn sẽ không đòi hỏi gì cả.”


Nhà họ Kim nghe lời khuyên đồng ý trả lời như vậy với bà mai. Bà mai lại quay trở về nói chuyện với gia đình họ Lưu. Bố mẹ Thúy Thúy quả nhiên nói:


-Hôn nhân mà nói đến chuyện tài sản, đó là chuyện của người dị tộc. Chúng tôi chỉ biết chọn con rể không tính tới những chuyện khác. Chỉ có vấn đề là nhà họ Kim nghèo nàn trong khi chúng tôi giàu có, con gái chúng tôi về nhà chồng chỉ sợ không chịu nổi cảnh bần cùng, xin cho chàng Kim được ở gửi rể.


Bà mai lại quay trở lại nhà họ Kim nói lai ý của nhà họ Lưu. Nhà họ Kim đồng ý. Hai bên bèn chọn ngày lành tháng tốt làm đám cưới, mọi chuyện quần áo vật dụng, rượu thịt và các món sính lễ đều do nhà gái tự lo liệu lấy hết. Đến ngày, hai bên giao bái, phu thê tương kiến, nỗi vui mừng thật không thể nào tưởng tượng được.



Tối hôm động phòng, Thúy Thúy đã làm một bài từ theo điệu “Lâm Giang Tiên” (nàng tiên xuống sông) tặng chàng Kim:


Tằng hướng thư trai đồng bút nghiên

Cố nhân kim tác tân nhân.

Động phòng hoa chúc thập phân xuân!

Hãn chiêm hồ điệp phấn, thân nhược xạ hương trần.

Mặc vũ vu vân hỗn vị quán, chẩm biên mi đại tu tần.

Khinh liên thống tích mạc hiềm bộ.

Nguyệt lang tòng thử thủy, nhật cận nhật tương thân.

 

(Đã cùng học một trường, nay người cũ trở thành người mới. Động phòng hoa chúc đầy vẻ xuân! Mồ hôi làm loan phấn hồ điệp, thân tỏa mùi thơm xạ hương. Tiếc rằng vân vũ hẵn còn chưa quen, bên gối hãy còn nhiều e thẹn. Xin chàng đừng hiềm, mong chàng kể từ nay mỗi ngày một thân thiết hơn).


Chàng Kim cũng họa lại theo vận:


Ký đắc thư trai đồng giản tử.

Tân nhân bất thị tha nhân.

Thiên chu lai phỏng Vũ Lăng xuân!

Tiên cư lân tử phủ, nhân thế cách hồng trần.

Thệ hải minh sơn tâm dĩ hứa, kỷ phiên tàn bút khinh tần.

Hướng nhân do tự ngữ tần tần.

Ý chung vô biệt ý, thân hậu hữu thùy thân.


(Còn nhớ thời đi học chung. Nay người mới không phải là ai khác. Một con thuyền nhỏ đi tìm xuân tại Vũ Lăng, đâu biết rằng tử phủ nhà tiên ở bên cạnh, nhân thế xa cách bụi trần, Thề non hẹn biển lòng đã hưa, mấy phen gửi lại bút tích cho nhau. Những gì những đã viết chỉ có một ý, lấy nhau rồi không còn ai thân hơn).


Hai người tình đồng ý hợp, có dùng cảnh đôi chim công bay tận trời xanh, đôi uyên ương cùng bơi trên nước biết thì cũng không có gì quá đáng.



Nào ngờ hạnh phúc không kéo dài được đến một năm, anh em Trương Sĩ Thành khởi binh làm phản ở Cao Thùy. Suốt một vùng các quận huyện dọc theo sông Hoài, sông Hà đều bị họ vây hãm. Thúy Thúy bị một tê bộ hạ họ Lý của Trương Sĩ Thành cướp đi. Cho đến niên hiệu Chí Chính cuối cùng vùng đất Trương Sĩ Thành chiếm cứ đã mở rộng thêm bao gồm cả một phần của hai vùng Giang Nam, Giang Bắc. Do đó, họ Trương và Triều Nguyên đã nghị hòa. Họ Trương nhận hoàng đế nhà Nguyên là nhà vua chính thống. Nghị hòa xong, đường xá vùng Giang Hoài nhờ vậy đã được khai thông trở lại. dân chúng và khách buôn có thể đi lại không bị ngăn cách. Kim sinh bèn từ biệt bố mẹ mình cùng bố mẹ vợ để đi tìm tung tích vợ. Trước khi đi, chàng thề rằng tìm không được nàng thì nhất định không trở về.



Kim sinh tìm đến Bình Giang, nghe nói Lý tướng quân, kẻ đã cướp Thúy Thúy mang đi, hiện đang giữ chức trấn thủ Thiệu Hưng. Khi chàng tìm đến được Thiệu Hưng thì lại được người ta cho biết, Lý tướng quân đã được bổ nhiệm đi đóng quân ở An Phong. Chàng lại vội vàng tìm đến An Phong, thì Lý tướng quân lại đã dời về đóng ở Hồ Châu. Cứ như vậy, chàng Kim bôn ba suốt một giải Giang Hoài, trả qua trăm cay nghìn đắng. Thời gian dần trôi, túi chàng ngày càng cạn, nhưng lòng muốn tìm vợ thủy chung vẫn không giảm sút. Không có tiền chàng ngủ đường, ngụ chợ, ăn xin kiếm sống. Và cuối cùng cũng đến được Hồ Châu.



Đến Hồ Châu, chàng Kim tìm đến phủ của Lý tướng quân, nhưng viên tướng quân họ Lý này chức cao quyền trọng, tay nắm binh quyền, uy thế hiển hách, chàng Kim đứng trước cổng dinh thự của họ Lý, trù trừ không biết tính sao, muốn vào nhưng không dám, muốn hỏi thăm không biết hỏi ra sao. Người giữ cửa thấy chàng đứng ngập ngừng lây làm lạ bèn hỏi thăm duyên cớ. Kim sinh nói:


-Tiểu sinh là người Hoài An, trong cơn ly loạn bị thất lạc một người em gái, nghe nói nay ở trong quí phủ vì vậy không ngại đường xá xa xôi ngàn dậm tìm đến đây chỉ mong được thấy mặt một lần mà thôi.


Người giữ cửa lại hỏi:


-Nếu vậy anh tên là gì? Em gái anh bao nhiêu tuổi, tướng mạo ra sao? Nếu nói ra rành mạch ta có thể giúp anh tìm kiếm.


-Tại hạ họ Lưu tên là Kim Định, em gái tên Thúy Thúy, biết chữ đọc sách. Khi thất lạc nhau thì em gái tôi mới tròn 17 tuổi, tính cho đến nay thì phải được 24 tuổi.


Người giữ cửa vừa nghe xong lập tức nói ngay:


-Trong phủ quả có một vị tiểu phu nhân họ Lưu người Hoài An, tuổi tác của phu nhân cũng đồng với tuổi anh vừa nói, cũng biết văn chương chữ nghĩa, lại còn giỏi thi phú, con người khéo léo, thông minh, tướng quân chúng tôi cực kỳ sủng ái, chỉ muốn nàng hết lòng với mình. Để tôi vào bẩm báo anh hãy tạm chờ đây.


Và người gác cổng chạy vào thưa bẩm.



Một lúc sau, người gác cổng lại chạy ra, đưa chàng Kim vào nhà. Tướng quân ngồi trước đại sảnh, Kim sinh vái chào, rồi kể lại duyên cớ tại sao mình tìm đến. Vị tướng quân này là một kẻ vũ phu, tin lời chàng nói, không chút gì nghi ngờ, sai người làm bảo vào trong nói cho Thúy Thúy biết:


-Ca ca của cô từ quê đến thăm nên ra gặp mặt một lần.


Thúy Thúy nhận lệnh đi ra, thấy chàng Kim, chỉ dám dùng lễ anh em, đứng tại sảnh đường nói chuyện. Ngoại trừ việc hỏi thăm bố mẹ ở nhà, có an lành hay không, ngoài ra không dám thổ lộ một chút tư tình nào cả, chỉ nhìn nhau mà khóc lóc. Tướng quân nói với chàng Kim:


-Ngươi đã từ xa đến đây, đi đường chắc gặp nhiều tân khổ, tinh thần, thể lực hẳn đều vô cùng suy yếu, hãy tạm nghỉ ngơi ở nhà ta ít lâu, ta còn muốn từ từ rồi cấp cho ngươi một chức quan nhỏ.


Sau đó lập tức bảo thủ hạ lấy một bộ quần áo mới đưa cho chàng thay rồi lại ra lệnh chuẩn bị giường chiếu, các món đồ tư dụng ở thư phòng phía tây để cho Kim sinh ở.


Hôm sau, tướng quân nói với Kim sinh:


-Em gái ngươi biết chữ, ngươi có biết văn chương không?


Kim sinh đáp:


-Tiểu sinh ở quê nhà lấy đọc sách làm nghề chính, thi thư là căn bản, phàm các loại kinh sử đều có đọc qua, thật không có vấn đề gì.


Tướng quân cao hứng nói:


-Ta từ bé không có cơ hội được đi học, nhờ vào thời loạn mới nổi được lên. Hiện nay chính đang lúc danh thế đang lên, những người theo phò ta rất đông, tân khách lai vãng đầy chật môn đình nhưng không có một ai có thể thay ta tiếp đãi. Giấy tờ thư khế chất đầy bàn đọc mà không ai thay ta viết thơ trả lời. Thôi ngươi hãy ở lại với ta, ta bổ người làm một chức thư ký.



Kim sinh là một người thông minh, tính tình lại ôn hòa, ở trong hoàn cảnh làm môn hạ của tướng quân lại càng thận trọng hơn, đối xử với người trên kẻ dưới đều làm cho người ta vui vẻ. Thay mặt tướng quân thư từ trả lời văn kiện lại càng biết khéo đưa đề đạt ý tứ mà tướng quân muốn cho người ta khiến cho tướng quân này cảm thấy mình có một kẻ dưới đức tài đầy đủ thành ra càng đối đãi hậu hĩ với chàng. Nhưng, Kim sinh vốn mục đích là đi tìm vợ mà kể từ khi gặp mặt một lần, không có cơ hội nào khác gặp gỡ, khuê phòng kín đáo, nội ngoại cách biệt, ngay chỉ muốn đưa tin liên lạc cũng chẳng có cơ hội nào.



Thời gian qua mau, chẳng mấy chốc đã đến tháng 9, đêm đến gió tây thổi lạnh, sương xuống trắng xóa, Kim sinh ngồi một mình trong thư phòng vắng lạnh, cả đêm không ngủ được, bèn làm một bài thơ:


Hảo hoa duy nhật ngọc lan ca,
Xuân sắc vô duyên đắc tái khan.

Lạc xứ khởi chi sầu xứ khổ,

Biệt thời qui dị kiến thời nan.

Hà niên tái thượng trùng qui mã?

Thử dạ đình trung độc vũ loan.

Vụ cát vân song thâm kỷ hứa.

Khả liên cô phụ nguyệt đoàn viên.

 

(Hoa đẹp đem đi trồng lại ở nơi lan can ngọc, không có duyên nhìn lại cảnh xuân. Ở nơi vui có biết cái khổ ở nơi buồn, xa nhau thì dễ gặp nhau thì khó. Biết năm nào con ngựa ngoài biên ải lại quay trở lại? Đêm nay trong đình chỉ có một con chim loan. Gác khó sân mai sâu bíêt chừng nào. Thật đáng thương đã phụ lòng mảnh trăng tròn).


 

Làm xong bài thơ chàng Kim viết lại vào một trang giấy, cắt áo, nhét miếng giấy vào trong khâu lại, sau đó cho thằng tiểu đồng một trăm đồng tiền rồi bảo:


- Trời bắt đầu trở lạnh, quần áo của ta mỏng manh, xin người hãy giúp ta mang tấm áo này vào đưa cho em gái ta, nhờ nàng khâu vá may lại để ta có thể tiếp tục dùng nó mặc thêm cho đỡ lạnh.


Thằng tiểu đồng tuân theo lời mang tấm áo vào trao cho Thúy Thúy. Thúy Thúy biết rõ trượng phu gửi áo cho mình là có ý gì, mở tấm áo ra quả nhiên thấy dấu trong tấm áo là bài thơ của chàng. Đọc xong lòng đau như thắt, nhưng không dám khóc thành tiếng. Sau đó nàng bèn làm một bài thơ trả lời, nhét vào áo, khấu vá lại xong trao cho cậu tiểu đồng mang lại trả cho chàng Kim.


Bài thơ viết:


Nhất tự hương quan động chiến phong,

Cựu sầu tân hận kỷ trùng trùng.

Trường tuy dĩ đoạn, tình nan đoạn,

Sinh bất tương tòng, tử dược tòng.

Trưởng sử Đức Ngôn tàn phá kính,

Trung giao Tử Kiến phú Du Long.

Lục Châu châu ngọc tâm trung sự.

Kim nhật thùy tri dã đáo nông.

 

(Kể từ ngày quê hương xảy ra chiến tranh, Sầu cũ hận mới trùng trùng. Ruột tuy đã đứt, tình chưa đứt. Sống không được theo, chết xin theo. Trưởng sử Đức Ngôn dấu nửa mảnh gương vỡ. Cuối cùng hóa ra chàng Tử Kiến làm bài phú Du Long. Chuyện nàng Lục Châu nhảy lầu chết ngày nay không ai ngờ lại đến phiên ta.)



Chàng Kim nhận được thư đọc biết rằng Thúy Thúy đã quyết định lấy cái chết để báo đền. Chàng nghĩ rằng kiếp này quả thật không thể có cơ hội nào để đoàn tụ nên ngày càng âu sầu phiền muộn vì thế mắc bệnh nặng. Thúy Thúy bèn đến tướng quân xin cho được chăm sóc chàng, tướng quân đồng ý, nhưng bệnh chàng Kim đã cực kỳ nghiêm trọng. Thúy Thúy đến thăm, lấy tay ôm đỡ chàng Kim dậy, Kim sinh cố gượng ngẩng đầu lên nhìn nàng, nước mắt tràn trụa, thở dài một tiếng, rồi tắt thở.


Tướng quân quả thật ưu ái chàng Kim, cho hậu táng chàng ở ngay dưới chân núi Đạo Dương. Thúy Thúy, sau khi chôn cất chàng trở về, đêm hôm đó cũng lâm bệnh. Nàng không chịu uống thuốc. Gần hai tháng sau, một hôm Thúy Thúy thưa với tướng quân:


-Tiện thiếp rời bỏ gia đình đi theo tướng quân đến nay đã được tám năm. Thiếp lưu lạc tại quê người, nhìn quanh chẳng có ai là thân thích, chỉ có một vị ca ca, hiện nay cũng đã chết. Bệnh của thiếp chắc khó khỏi, chết rồi, xin tướng quân cho chôn hài cốt bên cạnh ca ca, như vậy ở dưới suối vàng còn có chỗ nương tựa, cũng tránh được cảnh làm một hồn ma cô đơn nơi xứ người.


Nói xong thì tắt thở. Tướng quân không nhẫn tâm làm trái ý của nàng, thành ra đem nàng chôn ở bên trái phần mộ của Kim sinh. Hai ngôi mộ đông tây mỗi bên tự nhiên trở thành một đôi.



Nhà Nguyên diệt vong, năm Hồng Vũ đầu tiên của nhà Minh, khi đó loạn Trương Sĩ Thành đã bị tiêu diệt, gia đình Thúy Thúy có một người làm cũ lúc đó đi làm nghề buôn. Một hôm tình cờ đi qua Hồ Châu, buổi tối đến núi Đạo Dương bỗng thấy một tòa nhà nguy nga, cánh cửa lớn sơn đỏ, nhà cửa tráng lệ, trước cửa nhà cây hòe cây liễu mọc rậm rạp. Thúy Thúy và Kim sinh đang đứng trước cửa nhà. Thấy người lão bộc, hai người bèn gọi mời vào nhà, hỏi thăm cha mẹ sống chết ra sao và quê cũ giờ đây thế nào. Lão bộc hỏi:


-Nương tử và lang quân tại sao lại ở chốn này?


Thúy Thúy trả lời:


-Lúc đầu vì binh loạn, ta bị Lý tướng quân bắt mang đến nơi này, sau đó lang quân không ngại đường xa ngàn dặm tìm đến kiếm ta, tướng quân cũng không ngăn trở, đã mang ta trở về cho lang quân. Chính vì vậy chúng ta ở nhờ nơi này.


Lão bộc nói:


-Tiểu nhân ngày mai sẽ trở về Hoài An, nương tử hãy viết một phong thư, lão nô sẽ mang về cho lão ông và phu nhân để gia đình được biết tin.


Thúy Thúy giữ lão bộc ở lại, tiếp đãi thịnh soạn rồi viết một phong thư giao cho lão bộc mang về cho bố mẹ. Bố mẹ Thúy Thúy nhận được thư mừng không kể xiết, bố nàng lập tức thuê một chiếc thuyền rồi cùng người lão bộc đi từ Hoài An đến Triết Giang, đến thẳng Ngô Hưng. Người lão bộc dẫn lão ông đến chân núi Đạo Trường nơi đã tá túc đêm nào. Nhưng đến nơi chỉ thấy cảnh trí hoang vu, cỏ mọc um tùm, dấu chân chồn thỏ đầy trên những đường mòn, đình viện tráng lệ đâu không thấy, chỉ thấy hai ngôi mộ nằm song song. Đang lo lắng nghi ngờ bỗng có một đạo sĩ đi đến. Bố Thúy Thúy vội chạy lại hỏi thăm và được trả lời:


-Đây là nơi cố Lý tướng quân an táng Kim sinh và Thúy nương, làm gì có nhà nào ở nơi này.


Lão gia giật mình kinh hãi, lấy phong thư của Thúy Thúy ra coi lại thì chỉ thấy một tờ giấy trắng. Lúc đó Lý tướng quân đã bị Minh triều giết chết thành ra không còn biết hỏi thăm ai được nữa.


Lão gia bèn ra trước mộ nàng khóc và khấn:


-Con dùng lá thư để đánh lừa khiến ta ngàn dâm tìm đến đây thật chỉ mong gặp con một lần. Hôm nay ta đã đến được nơi đây nhưng con lại tàng tung ẩn tích không lộ diện. ta với con lúc sinh thời thì là bố con, chết rồi làm sao lại nỡ mất thân tình. Con có linh thiêng xin hãy hiện hồn cho ta thấy một lần để giải những nghi hoặc cho ta.


Đêm hôm đó, lão gia ngủ lại bên cạnh ngôi mộ. Đến khoảng canh ba bỗng thấy Thúy Thúy và Kim sinh quỳ lạy trước mặt, nước mắt đầm đìa. Lão gia cũng đau lòng nhỏ lệ. Hỏi thăm sự tình thì nàng kể lại chuyện cũ:


-Khi giặc dã nổi lên, con không theo được chị em nhà họ Đậu lấy cái chết để bảo vệ tiết trinh nên bị viên tướng cướp đi. Con nhẫn nhục sống, xa quê bỏ nhà trong lòng thật hận cái thân lan huệ rơi vào tay kẻ vũ phu. Chàng không quên tình cũ, trải bao lao khổ tìm được đến nơi, giả danh anh em để có cơ hội gặp nhau nhưng vợ chồng không có cách nào đoàn tụ. Chồng con đau lòng nhiễm bệnh chết trước, con cũng đau lòng bi phẫn chết theo. May mắn cuối cùng được cùng chôn một nơi.


Lão gia nghe xong nói:


-Ta đến đây tưởng đón con về nhà. Nay con đã thành người thiên cổ, ta sẽ mang hài cốt dời về chôn gần phần mộ tổ tiên, như vậy chuyến đi này không phí.


Thúy Thúy nghe nói lại khóc trả lời:


-Con sống đã không thể hầu hạ song thân; chết lại vô duyên không được chôn ở phần mộ quê nhà, nhưng dưới âm quí trọng nhất là an tĩnh, linh hồn cần được an vị, nếu lại thay đổi nơi chôn cất thì sẽ không tốt.


Nói xong ôm lấy cha khóc lớn. Lão gia lúc đó giật mình tỉnh dậy thì mới biết đó chỉ là một giấc mông. Hôm sau, lão gia làm tiệc cúng tế nơi mộ phần rồi quay trở về nhà.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc