NGƯỜI TIỀU PHU Ở NÚI NA - Lê Mạnh Hùng

05 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 92665)

son_thuy


Lời Nói Đầu:



"Truyền Kỳ Mạn Lục" là một tác phẩm chữ Hán nổi tiếng trong văn học sử Việt nam, đã từng được truyền tụng là thiên cổ kỳ bút. Tác giả là ông Nguyễn Dữ, học trò cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông, thi hương độ cử nhân, sau đó ra làm tri huyện được một năm thì cáo quan về ở ẩn. Có lẽ ông đã chán nản vì thời thế loạn ly và sự hủ bại của nhà Lê lúc đó. Sau này vào thế kỷ thứ 18 còn có bà Đoàn thị Điểm viết thêm vào mấy chuyện gọi là "Tục Truyền Kỳ" Những chuyện ở đây hầu như toàn bộ là những chuyện về nước ta, có thề là những truyền thuyết đời Lý Trần tác giả đã sưu tập lại, có thể lại là do tác giả tự nghĩ ra. Nhưng dưới môt bề ngoài siêu nhiên thần kỳ, tất cả các truyện đó đều có một quan điểm ưu thời mẫn thế trước một tình trạng xã hội suy thoái đổ nát. Bộ truyện này đã từng được cụ Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch ra tiếng Việt nhưng đến nay không biết đã được tái bản chưa.


Kẻ hậu học này dưới đây xin mạn phép dịch lại một truyện trong này. Nếu như lời văn thô sơ trúc trắc, không diển tả đủ ý tứ của tac giả thì xin các vị thức giả miễn thứ.


---------------



Người Tiều Phu ở Núi Na



Đất Thanh Hóa hầu hết là núi, bát ngát bao la đến mấy ngàn dậm. Có một ngọn núi cao chót vót tục gọi là núi Na. Trong núi có động, dài mà hẹp, hiểm trở quạnh vắng không có chân người, bụi trần không bén tới. Trong động có một người tiều phu hàng ngày gánh củi ra dổi lấy cá và rượu, cốt được no say chứ không lấy tiền. ai hỏi tên họ nhà cửa, tiếu phu chỉ cười mà không nói. Người chung quanh đều cho rằng đây phải là bậc kỳ sỹ ở ẩn.



Khoảng năm Khai Đại nhà Hồ, Hồ hán Thương đi săn, chợt gặp ở đường, vừa đi vừa hát rằng:


Núi Na đá mọc chanh vanh

Cây xanh xanh, nước long lanh khói mờ

Đi về hôm sớm thẩn thơ

Người dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa

Núi xanh bao bọc quanh nhà

Ruộng đem sắc biếc xa xa vòng ngoài

Ngựa xe võng lọng mặc ai

Nước non này chẳng trần ai vướng vào

Cỏ xanh Tống cung kiếm

Gò hoang Tấn y quan

Phong lưu Vương Tạ

Sự nghiệp Triệu Tào

Từ xưa khanh tướng ngôi cao

Đá mòn rêu phủ biết bao nay rồi

Sao bằng ta được thảnh thơi

Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời đã cao.



Hát xong, phất áo đi thẳng. Hán Thương đoán là một bậc ẩn giả bèn sai một tùy thần họ Trương đi mời. Nhưng Trương theo gần đến nơi thì tiều phu đã đi vào động, goi cũng không trả lời, chỉ thấy rẽ mây lách khói, đi thoăn thoắt trong rừng tùng khóm trúc. Biết không phải là người thường, Trương bèn rón gót đi theo, vạch cỏ tìm đường. Đi ước chùng hai ba dặm, chỉ thấy đường núi gập ghềnh, càng vào sâu càng khó đi rồi thoắt chốc đã thấy mất hút bóng người. Ngẩng đầu lên trông, bóng tà dương đã xế trên đầu núi, cây cỏ đã bắt đầu lờ mờ. Bàng hoàng muốn đi về, bỗng nghe thấy tiếng gà gáy trên một cành trúc, Trương mừng quá thầm nói:


-Đây đến chỗ có nhà người ở cũng không xa gì.


Chống gậy trèo lên thì thấy một cái am cỏ, hai bên tả hữu trồng mấy cây kim tiền, chen lẫn với mấy bụi bích đào, hồng hạnh tất cả đều xanh tốt đáng yêu. Trong am đặt một cái giường mây, trên giừơng gác một cây sáo và một chiếc gối dựa. Hai bên vách đông tây trét keo trắng và đề hai bà ca, một bài là "Thích Ngủ", một bài là "Thích Cờ"



Bấy giờ, tiều phu đang ngồi tại một cái hiên đá, dạy nói cho một con yểng, bên cạnh một vài cậu bé đang đánh cờ. Thấy Trương đến, tiều phu kinh ngạc hỏi:


-Chỗ này thanh vắng, đất thẳm rừng sâu, chim núi kêu ran, muông rừng chạy vẩn, thế mà sao ông lại lần mò tới đây, chẳng có phải là khó nhọc lắm ru?


Trương trả lời:


 -Tôi là chức quan tùy giá của đương triều; biết ngài là bậc cao sỹ nên vâng mệnh đến đây triệu. Hiện loan giá đang đợi ngoài kia, xin ngài quay lại một chút.


Tiều phu cười mà rằng:


-Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông già lánh bụi; gửi thân nơi lều tranh quán cỏ, tìm sống trong búa gió rìu trăng, ngày dần bước vào làng say, cửa vắng vêt chân khách tục; bạn cùng hươu nai tôm cá, quần bên ta là tuyết nguyệt phong hoa, đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói; múc khe mà uống, bới núi mà ăn chứ làm gì biết ở ngoài đâu là triều đại nào, là vua quan nào.


Rồi mời Trương ở lại làm tiệc thết, cơm thổi bằng gạo điêu hồ, canh nấu bằng rau cẩm đái lại còn có mấy món rau suối khác nữa. Canh khuya truyện trò, toàn là những lời có ý nghĩa đáng nghe, nhưng tuyệt không có một câu nào đả động đến thời sự.


Hôm sau, Trương lại mời:


-Quân tử đời xưa, đâu có phải không muốn giúp đời hành đạo, ngồi yên một chỗ chẳng qua là đợi đời biết đến mà thôi. Thành ra phải có vẽ tranh đi tìm thì đồng ruộng nhà Thương mới thấm nước; phải có cỗ xe hậu lễ đi chở thì cánh đồng Mục dã kia mới thành công. Nay tuy phu tử lấy tấm thân vàng ngọc, ôm một bọc kinh luân ngoài vòng danh lợi; vùi lấp tiếng tăm trong đám ngư tiều; dấu tài trí trạch náu mình trong chốn rừng suối, nhưng tiếng tăm đã vang đến cửu trùng. Đốt nón lá, xé áo tơi nay chính là đến lúc rồi vậy. Dám xin bỏ việc đắp đường ở đất Phó Nham, ném cần câu cá trên con sông Vỵ, đừng để uổng hoài khát vọng của bao kẻ thương sinh.


Tiều phu trả lời:


-Kẻ sỹ, ai có chí nấy, nào phải như vậy! Cho nên Nghiêm Tử Lăng không vì chức gián nghị tại Đông đô, đánh đổi khói sông Đồng thủy; Khương Bá Hoài không đem tranh vẽ cùa thiên tử làm nhơ non nước Bành Thành. Ta tuy tài hèn, không bằng được với người xưa nhưng may lai được giàu hơn Kiềm Lâu, thọ hơn Vệ Giới, no hơn Viên Tinh, đạt hơn Phụng Thiến kể thì cũng được trời đất ban cho nhiều rồi. Nếu nay lại tham lam cầu những cái ngoài phận mình, len lỏi vào đường sỹ hoạn thì chẳng những đã xấu hổ với các bậc tiên hiền lại còn phụ bạc với viên hạc trong núi. Xin ông đi đi, dừng nói gì nữa.


Trương nói:


-Ngài cho rằng thời nay không có đủ cho ngài làm việc chăng? Nay có đấng thánh nhân ngự trị, bốn biển ngóng trông. Người Chiêm dâng đất để xưng thần, quân Minh nộp lễ để được lui. Lão Qua, Đại Lý, các nước tranh nhau quy phục. Hiện chỉ thiếu các bậc ẩn dật trong rừng núi ra ngoài giúp đỡ khiến cho huân đức của chúa thượng được sánh cùng Nghiêu Thuấn. Nay ngài nếu định trọn đời ẩn dật bắt chước như Vụ Quang, Quyên Tử thì không sao. Nhưng nếu còn hơi nghĩ đến đám dân kia, thì, bỏ lỡ việc này không ra, tôi e rằng ngài sẽ cùng với cỏ cây cùng nát không còn dịp nào nữa.


Tiều phu nghiêm mặt nói:


-Như lời ông nói, há chẳng phải là khoa trương quá chăng? Khiến người ta nghe thấy phải thẹn thùng. Vả vị vua ngự trị bây giờ có phải họ Hồ không?


-Chính phải.


-Có phải là đã bỏ đất Thăng Long về đất An Tôn không?


-Phải.


 -Ta tuy chân không đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người như thế nào. Ông ấy tính tình dối trá, lại nhiều dục vọng. Dùng hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai; phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc; dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn. Hình ngục, có của đút là xong. Quan chức, có tiền mua là được. Kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng. Lòng dân lay động cho nên đã xẩy ra việc quân sông Đáy; cõi bờ lộn xộn cho nên đã để mất giải đất Cổ Lâu. thế mà những kẻ đình thần trước sau nối vết, trên dưới theo hùa. Duy có Nguyễn Bằng Cử có lượng nhưng châm chạp, Hoàng Hối Thành, có học nhưng lờ mờ; Lê Cảnh Kỷ giỏi mưu tính nhưng không quyết đoán; Lưu Thúc Kiệm quân tử nhung chưa được là bậc nhân; còn ngoài ra, nếu không là đồ tham tiền thì là phường nát rượu; nếu không là đồ chỉ lấy yên vui làm thích thì là tuồng lấy chức vụ mà khuynh loát nhau chứ chưa thấy ai biết những kế lạ mưu sâu để lo cho dân cả. Nay ta đương nương náu chốn núi rừng còn lo lắng tránh đi chẳng được, há lại xắn áo mà lội nữa ru? Xin ông vui lòng trở về, làm ơn từ chối cho kẻ sỹ này. Ta không thể đem hòn ngọc Côn Cương cho nó cùng cháy trong ngọn lửa Côn Cương được.


Trương nói:


-Sự xuất sử của bậc người hiền lại cố chấp đến thế ư?


Tiều phu nói:


-Không phải là ta cố chấp. Ta chỉ ghét những kẻ miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình vào trong cái triều dình ô trọc, hỗn loạn, lại còn toan kéo người khác để cùng đắm với mình.


Trương im lặng không trả lời, trở về đem hết những lời của tiều phu tâu lại với Hồ Hán Thương. Hán Thương không bằng lòng, nhưng còn muốn mang một cỗ xe êm để cố đón ra kỳ được, sai Trương di vào lần nữa. Nhưng vào đến nơi thì rêu trùm cửa hang, gai góc đầy núi, dây leo, cành rậm lấp cả lối đi. Chỉ thấy trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây như sau:


Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn

Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu


(Kỳ La cửa biển hồn thơ đứt

Cao Vọng đầu non, dạ khách buồn)



Y như lời trào phúng của ho Nguyên, họ Bạch, thể chữ như chữ triện chữ lệ của ông Lưu, ông Tư, nhưng rút lại chẳng hiểu là định nói gì. Hán Thương cả giận sai đốt núi. Núi cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy một con hạc đen bay lượn trên không trung. Sau hai Hồ gặp phải tai họa đều đúng như lời thơ.


(Cửa biển Kỳ La là nơi Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, còn núi Cao Vọng là nơi Hồ hán Thương bị bắt - Dịch giả)



Vị tiều phu ấy, phải là một kẻ sỹ đắc đạo chăng?



Lời Bình:


(sau mỗi chuyện đều có một lời bình, hiện không rõ của ai -Dịch giả)


Than ôi! có cái thần để biết việc sau, có cái trí để giấu việc trước, đó là việc của thánh nhân; tiều phu tuy là bậc hiền, nhưng đâu đã đên hạng ấy. Tuy nói đến việc thất bại của họ Hồ đúng như là bói cỏ, bói rùa, nhưng chẳng qua là nghiệm vói lẽ trời, ứng với lòng người. Kẻ làm vua chúa nên lấy sự chính lòng mình làm gốc để chính triều đình, chính trăm quan chính muôn dân đừng để cho kẻ sử sỹ phải bàn ra tán vào mới là tốt hơn cả.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc