NGUYỆT - Lê Mạnh Hùng

15 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 89450)



thieu-nu-va-hoa-cuc-trang-content

 

 

(Đây là một câu chuyẹn hoàn toàn tưởng tượng. Môi sự trủng hợp nếu có đều chỉ là ngẫu nhiên)


Liêu Trai chí dị có câu chuyện nói, một người trước khi chết bỗng thấy tất cả những gì xảy ra cho mình trong đời bỗng trở lại như trước mắt. Không biết rằng điều đó có đúng không. Nhưng trong những ngày nằm bệnh viện, nhất là những lúc nằm trong khu cấp cứu, tôi bổng thấy nhiều ký ức bị chon lấp trong đầu óc từ nhiều năm xuất hiện trở lại. Và một trong những ký ức đó là hình ảnh một người con gái, Nguyệt. Và tôi nhớ lại lần chót mà tôi gặp Nguyệt.



******************


Chiếc xe Mercedes lộng lẫy từ từ chạy vào trong khu công viên Mile Square của Fountain Valley. Mở thùng xe lấy ra một tấm vải bạt, Nguyệt kéo tay tôi đi vào trong công viên.


Chúng tôi yên lặng ngồi dựa vào nhau. Đột nhiên tôi nhận thấy rằng tôi không biết bao nhiêu về Nguyệt cả.



Ngay cả tên thật của nàng là gì tôi cũng không biết. Khi tôi bắt đầu biết nàng thì Nguyệt là một kỹ nữ, một cô điếm hạng sang. Và cái tên Nguyệt này chỉ là một cái tên như Lan, Hồng, Cúc mà những cô gái bán thân này dùng để thay cho cái tên thật của mình. Nguyệt tuy là một cô gái làng chơi nhưng có một số đặc điểm khác những cô gái làng chơi khác khiến ngay từ khi gặp Nguyệt lần đầu tôi đã chú ý.


Gái làng chơi cũng có ba bốn loại, từ những người bán thân trong các động tại các xóm nghèo cho đến những cố gái gọi hang sang, hoặc những nàng kỹ nữ làm việc trong các tiệm nhảy mà Sải Gòn trong những năm giữa thập niên 1960 hầu như không thiếu. Nguyệt có thể được liệt vào hàng những cô gái hạng sang, Nàng làm việc cho một tiệm nhảy và có một căn phòng nhỏ trong một building tại đường Hai Bà Trưng.


Nguyệt quê tại một tỉnh vùng địa đầu giới tuyến, nơi mà những trận đánh khốc liệt trong những năm 1964 -65 đã đẩy hàng ngàn hàng vạn người dân vùng này phải bỏ làng mạc lên tỉnh chạy giặc. Và Nguyệt năm đó mới có 17 tuổi đã phải lưu lạc vào Sài Gòn để làm cái nghề bán thân này để sống. Nhưng trái với những cô gái cùng nghề mà cuộc sống dầy vò chẳng bao lâu đã trở thành trai đá, cử chỉ khinh bạc. ngôn ngữ thô tục. Ngay cả một số có chút nhan sắc cũng không tránh khỏi. Thành ra nhiều khi ngay c một cô gái thật là đẹp cũng không khỏi tạo ra cho người ta một cảm giác chán ghét, Nguyệt thì không vậy, mặc dầu phải đi làm cái nghề không vốn này nhưng vẫn giữ được vẻ thanh thuần của một người con gái nhà lành.



Tôi với Nguyệt có thể nói là đôi bạn phong trần vì tôi gp nàng chỉ ngay sau khi Nguyệt đi làm cái nghề này chưa được mấy tháng. Thuở đó tôi mới đi học về. Đi làm có tiền, công việc lại khá nhàn nhã nên tôi thường hay đi lang thang các trà đình tửu quán. Và tôi dã gặp Nguyệt tại một trong những nơi đó.


Lúc đó Nguyệt mới vào nghề chưa được bao lâu. Một phần vì thương hại, một phần vì ưa thích vẻ đẹp hiền hậu của nàng nên lâu lâu tôi lại đến rủ nàng đi chơi. Tôi cũng còn cho nàng tiền để đi học nhẩy, giúp nàng có thể ra khỏi làm cái nghề này. Dù sao làm một cô gái nhẩy còn đỡ hơn là làm trong nhà điếm.


Khi tôi gặp Nguyệt lần đầu, nàng mới có 17 tuổi. Và tuy làm cái nghề này, nhưng Nguyệt vẫn còn giữ nhiều nét ngây thơ. Có một lần tôi rủ Nguyệt đi Vũng Tầu. Trước khi đi tôi đưa Nguyệt vào thương xá Tax mua một ít quần áo. Lúc đó trông Nguyệt như một đứa trẻ, cười nói huyên thuyên.


Chúng tôi ở chơi Vũng Tầu năm ngày. Ngày chót trước khi về, Nguyệt ôm lây tôi khóc nói: “Anh cho em theo anh đi. Anh đừng lo, em không làm gì để anh phải buồn cả. Em chán cái cảnh sống này lắm rồi.”


Tôi im lặng không trả lời. Có lẽ biết rằng tôi không thể nào đáp ứng được nàng, Nguyệt cất tiếng khóc một hồi sau đó, gạt nước mắt, chuẩn bị hành lý.



Bẵng đi một thời gian tôi bận rộn công việc không gặp lại Nguyệt mà cũng không có dịp đến nhà hang nơi nàng làm việc nữa. Một hôm tình cờ tôi trở lại nhà hang Văn Cảnh nơi Nguyệt làm việc thì bỗng nhiên chị Thanh, cai gà của đám kỹ nữ nhà hang này chạy lại hỏi: “Cậu có biết cái Nguyệt lúc này vì sao mà cả tháng nay không đến đi làm?”


Tôi ngạc nhiên vì bây giờ mới biết Nguyệt không còn đi làm nữa. Hôm sau tôi tìm đến nơi Nguyệt ở tại một building đường Hai Bà Trưng thì mới biết rằng Nguyệt đã trả phòng lại và rời khỏi đây cả đến tháng nay rồi. Nhưng lúc đó là gần cuối năm 1967. Và chẳng bao lâu sau là vụ Tết Mậu Thân thành ra vụ mất tích của một cô gái làng chơi là một chuyện không làm ai để ý cả.



Tết Mậu Thân đến rồi đi. Sau đó là cuộc tấn công đợt hai rồi đợt ba. Cuộc sống và những công việc bận rộn đã làm tôi quên bẵng Nguyệt đi. Phải đến năm 1970, tình hình mới tương đối ổn định lại và công việc của tôi cũng đỡ căng thẳng hơn. Mùa hè năm đó tôi và mấy người bạn rủ nhau lên Đà Lạt chơi.


Một người bạn, phật tử trung thành, rủ tôi lên chùa Sư Nữ thăm sư bà trụ trì, nhân thể cúng dường cho chùa sơn phết lại phật đường và các tượng phật. Tuy rằng tôi chẳng quan tâm mấy đến việc lên chùa lễ phật, nhưng thấy anh bạn rủ rê nên cũng theo anh đến chùa.



Trong lúc anh đang ở trong thiền phòng nói chuyện với sư bà, tôi lững thững bước ra vườn ngắm nghía những cây cỏ thưởng ngoạn phong cảnh. Đột nhiên từ bên trong am bước ra một ni cô, giáng điệu thanh tú, bước đi uyển chuyển, làm tôi không đột nhiên không cầm được, tự nghĩ cửa Phật làm sao có được một ni cô xinh đẹp như thế này.


Vừa chợt nghĩ vậy, ni cô đã bước đến gần. Tôi bỗng phát hiện cô ta không phải ni cô, vì tuy ăn mặc nâu sồng nhưng còn chưa xuống tóc. Và tôi bỗng có cảm giác là trông cô ta rất quen thuộc nhưng trong lúc nhất thời không kịp nghĩ ra là ai.



Cô gái trông thấy tôi tự hồ cũng giật mình ngạc nhiên,nhưng rồi lấy lại bình tĩnh, hỏi tôi “Anh có nhớ em là ai không?” Nghe được giọng nói của nàng, tôi bỗng giật mình nhớ ra. Hóa ra là Nguyệt.


Tôi hỏi: “Nguyệt, em làm cái trò gì vậy? Làm sao lại trở thành ni cô ở đây?”


Nguyệt nói: “Tại đây không tiện nói chuyện nhiều. Anh trọ tại khách sạn nào, cho em biết số phòng”


Tôi bèn cho Nguyệt tên khách sạn và số phòng trọ. Và Nguyệt dẫn tôi quay trở lại chùa.



Tôi hôm đó tôi viện cớ hơi mệt không đi chơi với mấy người bạn, một mình ở lại khách sạn đợi Nguyệt. Khoảng tám giờ tối thì Nguyệt đến. Nguyệt mặc quần áo thường. Một cái áo dài nhạt mầu xanh, tuy rằng không trang điểm gì nhưng vẫn kiều diễm như xưa.


Tôi hỏi: “Nguyệt, em làm gì mà bỏ đi không nói cho ai biết một câu? Sao em đi rồi không liên lạc gì với anh?”


Nguyệt cười nói: “Trước đó, anh có bao giờ lo lắng cho em đâu?” Và nàng hỏi: “Anh có thật muốn biết vì sao em muốn trở thành ni cô không?”



Tôi gật đầu. Nguyệt im lặng một lúc rồi nói: “Anh còn nhớ hôm mình đi VũngTầu không? Hôm đó về em cảm thấy buồn vô hạn. Em nghĩ nếu em là một cô gái khác, có một công việc làm chính đáng; hoặc là một nữ sinh con nhà lành, có lẽ anh sẽ có thể coi em như là một người bạn gái; có thể một lúc nào đó nhận em làm người vợ. Suốt trong cả tháng trời sau đó, em suy nghĩ. Sau cùng em nghĩ chỉ có một cách độc nhất để trở lại con người trước của em, đó là xuất gia đi tu làm ni cô. Qua một người bạn, em gặp được sư phụ đây và em ở đây từ lúc đó.”


Im lặng một chút,nàng nói tiếp “Mấy năm nay, gõ mõ tụng kinh, em cảm thấy mình bình tĩnh đi nhiều.”


Tôi chợt hỏi: “Em đã đi tu, tại sao không xuống tóc?”


Nguyệt trả lời: “Sư phụ nói số em trần duyên còn nhiều, không tu được. Thành ra giữ em làm tục gia đệ tử, cho ở chùa nhưng không bắt phải xuống tóc.”


Rồi nàng cười nói thêm: “Sư phụ còn cho em đi học chữ. Em đã đỗ được tú tài. Lại còn học thêm được tiếng Anh nữa.”


Ngẫm nghĩ một chút rồi Nguyệt nói: “Anh với em còn có duyên với nhau. Ban ngày khi thấy anh, em thật không ngờ.”


Rôi đưa tay nắm lấy tay tôi, Nguyệt nói: “Nếu anh mà đến chậm một ngày là anh và em sẽ không được gặp mặt nhau nữa. Sư phụ nói, em nay đã phục hồi lại được rồi, không nên ở chùa nữa. Thành ra em đã định ngày mai rời Đà Lạt.


Tôi hỏi: “Em định đi dâu?”


Nguyệt nói: “Em cũng không biết nữa. Tùy tiện xem thế nào.”


Tối hôm đó, Nguyệt ở lại với tôi. Chúng tôi ân ái cho đến khuya. Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy thì Nguyệt đã ra đi từ lúc nào rồi.



**********


Hè năm 1973, nhân dịp ra đón em gái tôi nghỉ hè tại Nha Trang với mấy người bạn về Sài Gòn tôi lái xe ra Nha Trang. Một hôm tôi ra bờ biển chơi thì bỗng nhiên gặp lại Nguyệt. Nàng đi cùng với một anh chàng người Mỹ còn trẻ , đẹp trai. Hai người đang ngồi uống bia tại một quán ngoài bờ biển. Thấy tôi, Nguyệt mừng quá vẫy lại giới thiệu với tôi anh chàng Mỹ này là một kỹ sư làm cho một hang thầu Mỹ tại đây và là chồng mới cưới của nàng. Nàng giới thiệu tôi với chàng Mỹ kia là anh họ. Nàng cho biết, sau khi rời Đà Lạt, xuống Nha Trang nàng đã kiếm được việc làm thư ký tại hãng thầu kia và từ đó gặp chàng kỹ sư này. Nay hãng thầu của của họ đã hết hợp đồng với quân đội Mỹ và chuẩn bị rút về nước. Nàng với chồng cũng sắp sửa ri Việt Nam để lên đường đi Mỹ. Đó là lần chót tôi gặp Nguyệt.



Kể từ đó, biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Tôi lấy vợ, mất nước, đi ở tù và sau khi ở tù về lận đận ở trong nước thêm nhiều năm nữa. Thành ra tất cả những chuyện xảy ra trong quá khứ nhiều khi cứ tưởng như là một giấc mộng. “Sự như xuân mộng liễu vô ngân” - Chuyện đời như giấc mộng xuân, đi hết không để lại dấu vết gì cả. Câu thơ của Tô Đông Pha mà mỗi lần nghĩ đến những chuyện cũ trước khi đổi đời tôi lại nhớ đến.



Thế nhưng giờ đây tôi lại gặp Nguyệt. Gặp ở đất California này sau 19 năm. Tôi không biết làm sao Nguyệt lại biết được tôi đến California thăm mẹ tôi; và làm sao Nguyệt lại có được số điện thoại của mẹ tôi.


Khi gặp lại Nguyệt, tôi hầu như không nhận được ra nàng. Nguyệt đã trở thành một người đàn bà sang trọng, lịch sự và thành thục. Sau khi xin phép mẹ tôi, Nguyệt chở tôi lên Littles Saigon ăn sáng. Chúng tôi đến một quán nhỏ ăn bánh cuốn thanh trì, một món ăn mà tôi vẫn thích từ xưa mà Nguyệt vẫn còn nhớ.



Trong khi ăn, Nguyệt không nói bao nhiêu về nàng cả. Nàng chỉ cho biết, chồng nàng, chàng kỹ sư mà tôi gặp ở Nha Trang ngày xưa đã mất. Tiếp tục hành nghề của mình, anh đã sang Phi Châu làm việc và mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo tại đây. Nguyệt trở về Mỹ, đi học lại và làm việc tại nhiều tiểu bang trước khi sang California để tìm lại phong vị quê hương, Nguyệt nói.


Thời giờ còn lại Nguyệt yên lặng nghe tôi nói. Kể lại những chuyện tôi đã trải qua trong suốt mười mấy năm trời vừa qua.


Có quá nhiều chi tiết nhỏ tôi không còn nhớ rõ nữa, có lúc phải nghĩ một lúc mới có thể tiếp tục. Nói chung cái vấn đề vốn đã được chôn sâu kín trong lòng, một khi được nói ra tôi không biết làm cách nào để chấm dứt được.



***********


Đột nhiên tiếng Nguyệt vang lên cắt đứt những suy nghĩ linh tinh của tôi.


“Phải chăng anh đang nghĩ đến chuyện cũ?”


Tôi ngập ngừng:


“Thật sự mà nói, nếu không có chuyện gì bắt buộc, anh không bao giờ ngĩ đến những chuyện cũ. Nếu không thì không thể nào tiên tới được. Vả lại cứ nghĩ đến những chuyện cũ thì đối với ai cũng không công bình.”


“Không công bằng? Anh có bao giờ nói những chuyện đó với chị ấy không?”


“Chưa bao giờ. Thật sự anh có muốn nói cũng không biết làm sao để nói”



Nguyệt bng nhiên xin tôi cho nàng xem lại tấm hình vợ tôi và hai đứa con mà tôi vẫn mang theo người. Rồi Nguyệt lục trong cái túi sách nàng mang theo, lấy ra một cuốn sổ, xé mấy tờ giấy, nhét vào tay tôi cùng với một cây bút:


“Bây giờ chúng mình còn chuyện gì để nói với nhau, anh hãy viết vào đây. Em cũng viết phần em.


Nói xong, nàng quay lưng lại với tôi và bắt đầu viết. Tôi đứng dậy, bước tới một gốc cây không có ai, ngồi xuống và nhìn mấy tờ giấy trắng không biết viết gì bây giờ.



“Anh với em, có duyên nhưng không có nợ. Thôi thì cũng đành vậy”


“Anh viết xong chưa?” Nguyệt chạy đến chỗ tôi ngồi hỏi.


Tôi giật mình, nhưng ngay sau đó lấy lại bình tĩnh:


“Chúng mình làm gì với cái này?”


“Quê em có một tục lệ. Mỗi ước muốn một cái gì, hãy viét nó ra và xé vụn nó để cho gió bay đi. Mình làm như vậy nghe anh.”


“Ừ”


“Em đếm. Một, hai , ba, chúng mình cùng lúc xé vụn nó nhé”


“OK”

 


Chúng tôi đồng thời đứng dậy


Nguyệt bắt đầu đếm


“Một!...Hai!...Ba!...”


Chung tôi đồng thời mang nắm giấy trong tay xé vụn ra và tung lên trời. Một cơn gíó nhẹ từ xa thổi tới cuốn những mầu giấy vụn bay đi tan tác.


Nguyệt ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở.


Một lúc sau, nàng rẽ ra, lấy khăn lau nước mắt và nói:


“Em đưa anh về!”



****************


Kể từ đó đến nay đã lại hai mươi năm nữa đi qua, tôi không gặp lại Nguyệt.


 

Lê Mạnh Hùng


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc