HOA SEN TRONG LỬA- Ngọc Bảo

01 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 97531)



HOA SEN TRONG LỬA

 

aung_san_suu_kyi-content




Aung San Suu Kyi, người cầm đầu phong trào đối lập đối với nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện, không chỉ là một vị nữ anh hùng, mà còn là biểu tượng của Bi Trí Dũng, được dân chúng Miến Điện kính ngưỡng như một vị Bồ Tát. Xuất thân dòng dõi trâm anh thế phiệt, bà là con gái của Aung San, vị anh hùng của Miến Điện đã tranh đấu dành độc lập cho dân tộc từ tay người Anh. Được giáo dục trong một môi trường quốc tế, bà đã trải nhiều năm ở ngoại quốc, có bằng thạc sĩ (PhD) về khoa nghiên cứu Á-Phi từ trường đại học London, và kết hôn với Dr Michael Aris, một học giả về văn hóa Tây Tạng. Năm 1988 bà trở về Miến Điện chăm sóc cho mẹ đang đau yếu, và ở lại luôn để lãnh đạo phong trào tranh đấu cho dân chủ. Bà đã thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử nhưng bị nhà cầm quyền bắt giam tại gia trong suốt 15 năm, cô lập với thế giới bên ngoài, kể cả gia đình. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động, không bao giờ thối chuyển. Lòng quả cảm của bà được thế giới cảm phục và trao tặng giải thưởng Nobel hòa bình cao quý năm 1991. Trong chuyến đi Âu Châu vừa qua để nhận lãnh chậm trễ giải thưởng này, bà đã được đón tiếp trọng thể tại nhiều nước, với những nghi lễ cho một vị nguyên thủ quốc gia. 



Là Phật tử thuần thành, Aung San Suu Kyi đã có một nguồn an trú vững mạnh để phát khởi một nội lực phi thường, một tinh thần vô uý vượt qua mọi khó khăn thử thách. Trong buổi gặp mặt và họp báo tại Pháp, bà đã có những phát biểu có tính cách tâm linh, được ghi nhận lại như sau:



Ngày nay, chúng ta phải tập trung vào tình thương để hành động:


“Đối với những người Miến Điện chúng tôi, dân chủ và nhân quyền là những vấn đề thực tiễn, không phải chỉ là lý thuyết trừu tượng. Đó là quyền được tự bảo vệ trước những luật lệ bất công, quyền không bị bắt tù khi có ý kiến khác biệt, đó là những vấn đề của trẻ em bị bắt lính, của lao động cưỡng bách, hay bị ép buộc phải dời bỏ chỗ ở.”


 

Cám ơn đã nghĩ đến tôi:


“Cám ơn đã nghĩ đến tôi mỗi ngày”, bà đã trả lời một phóng viên đã gặp gỡ năm 1995 tại Rangoon, “Tôi tin rằng những ý nghĩ của người khác có thể được truyền đến và giúp đỡ chúng ta, trong bất cứ mọi công cuộc đấu tranh nào. Điều đó trên cơ bản cũng như tình thương: khi bạn có thể hiểu được sự đau khổ của người khác, bạn sẽ khởi phát lên tình thương thật sự.”


 

Hành động với tình thương và trí tuệ:


“Trong đạo Phật, làm việc gì luôn luôn phải có tình thương và trí tuệ. Không có tình thương, bạn sẽ không làm gì giúp cho những người đau khổ. Không có trí tuệ, bạn sẽ không biết phải làm gì cho họ. Cần phải có một tình thương tự nguyện để từ đó hành động. Đó là điều chúng tôi muốn làm cho đất nước dân tộc của chúng tôi, khi nói đến dân chủ và nhân quyền. Ít nhất phải có tình thương, có sự đồng cảm đối với những người đang bị tước đoạt những quyền căn bản nhất của con người, quyền được sống trong an ninh và tự do, mới có thể nói là đang thực tập để phát khởi tình thương và lòng từ bi được.”


 

Dân chủ là sự cân bằng giữa an ninh và tự do:


Đó là ý nghĩa của dân chủ đối với chúng tôi: sự cân bằng giữa an ninh và tự do. Chúng tôi muốn có được cả hai. Rất nhiều lúc, những chính phủ chuyên chế thường viện cớ an ninh để tước đoạt sự tự do. Nhưng cần phải có cả hai. Và cả hai đều phải đặt nền tảng trên tình thương.


 

Sự cảm hứng tâm linh, một nhu cầu thiết yếu:


“Vai trò của tôn giáo trong cuộc sống của chúng ta là quan trọng,” đó là lời nhấn mạnh của Aung San Suu Kyi, một người theo đạo Phật và đã thường xuyên nương tựa vào nguồn an trú tâm linh đó trong suốt 13 năm gần như liên tục bị giam giữ tại gia. “Yếu tố tâm linh, sự phát huy tinh thần, là những phương diện thiết yếu của con người”.


 

Điều quyết định là sự cách mạng trong tinh thần:


“Tôi xin nói rằng một cuộc cách mạng thực sự là cuộc cách mạng trong tinh thần, và đó là lý do tại sao tôi ngưỡng mộ Victor Hugo [tác giả “Les misérables” (những kẻ khốn cùng)] , vì ông hiểu rằng tất cả những cuộc cách mạng thực sự đều khởi nguồn từ nội tâm của con người”, bà nói tiếp. “Ở Miến Điện, những người chưa có ý muốn cải tổ cần phải hiểu rằng: một cuộc cách mạng trong chính họ là cách tốt nhất để cải thiện tình thế. Tôn giáo, đối với tôi, có nghĩa là sự hàm dưỡng tâm linh. Dĩ nhiên, sự đồng tình với một tôn giáo là phải sống trong sự tương thuận.”

 


Trong bài diễn văn tại Đại học Sorbonne danh tiếng, Aung San Suu Kyi đã nói như sau:


 

"Trong khi nghe bà bộ trưởng giáo dục cao cấp và khoa nghiên cứu (Madame ministre de l’enseignement supérieur et de la recherché) nói về những năm tháng tôi bị quản thúc tại gia, tôi chợt nghĩ rằng một trong những điều đã giúp tôi vượt qua được những năm tháng ấy là sự tò mò. Tôi luôn luôn tò mò muốn biết những gì đang xẩy ra chung quanh mình, và những gì xẩy đến cho mình, và thế giới này dù nhỏ đến đâu, ngay cả khi bạn bị giam giữ trong một căn nhà, hay chỉ một căn phòng, cũng luôn có những điều đáng chú ý đang xẩy ra. Và bởi vì sự tò mò muốn biết này, tôi không bao giờ cảm thấy là mình mất tự do, đôi khi tưởng như là không thực việc tôi bị cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy là tôi không có tự do, bởi vì tâm trí tôi vẫn có thể tự do suy nghĩ – nghĩ đến những điều mới mẻ mỗi ngày. Dường như lúc nào cũng có những điều mới mẻ để nghĩ đến.


Và tôi cũng thực tập thiền trong suốt những năm tháng ấy. Thiền dạy cho ta biết rất nhiều điều về chính mình. Bạn phải thử tập thiền, ngồi rất yên lặng trong khoảng 20 phút và không nghĩ gì hết. Thật rất khó để không nghĩ gì hết – nhưng rồi bạn sẽ nhận ra được tâm bạn thực sự như thế nào. Và dần dần, từng chút một, thiền sẽ làm cho bạn biết nhiều hơn về chính mình. Bạn sẽ nhậy cảm hơn với những gì đang xẩy ra chung quanh mình. Dĩ nhiên, tôi cũng may mắn là có radio để nghe và có sách để đọc. Tất cả mọi người chúng ta đều cần có một nguồn năng lực nội tại để nương tựa và đôi khi, tất cả những nguồn năng lực khác. Nếu bạn may mắn, bạn có thể không cần phải tùy thuộc vào chúng quá nhiều. Nhưng nếu hoàn cảnh xẩy ra khiến cuộc sống của bạn phải bị giới hạn vì những lý do nào đó, bạn cần trở về với nguồn năng lực nội tại của mình. Và tôi nghĩ đó là việc cần làm của giáo dục – là phải xây đắp nguồn năng lực nội tại trong con người, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn có thể không chỉ tồn tại, mà còn lớn mạnh. Bởi vì đời sống là sự lớn mạnh, không phải là đứng yên một chỗ. Đó là sự học hỏi những điều mới mẻ mỗi ngày, dù chỉ là học về chính mình, hay về căn phòng bạn bị bắt buộc phải ở trong đó.


Vì vậy, tôi hi vọng rằng tất cả các bạn sẽ giúp tôi học hỏi thêm những điều mới mẻ trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau đây, và những câu hỏi đưa ra sẽ giúp tôi tự hỏi lại về tình thế tại đất nước chúng tôi, bởi vì từ câu hỏi này sẽ đưa đến câu hỏi khác, và đưa ta đến nội tại của những vấn đề đang được đề cập đến.”

 


Những lời nói của tình thương và trí tuệ, giản dị nhưng sâu sắc, khiêm tốn nhưng hào hùng - Aung San Suu Kyi quả là một đóa hoa sen trong lửa, trong hoàn cảnh khó càng thêm tỏa hương thơm ngát, đem lại niềm tin và hi vọng không chỉ cho nhân dân Miến Điện, mà còn cho cả thế gian đang đầy rẫy những bất công và đau khổ.


Cầu mong cho những ý nguyện của bà sớm được thành tựu viên mãn.


 

Ngọc Bảo


Cuối tháng 6, 2012


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc