XÓM COMSTOCK - Lê Trần

01 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 95168)

 

 

fairfax Đường Little River Turnpike, thuộc quận Fairfax, khi xuyên qua tỉnh Fairfax thì có tên là Main Street. Hầu như tỉnh nhỏ nào ở Mỹ cũng thế, chỗ nào cũng có Main Street làm mạch lộ chính , trung tâm của sinh hoạt tỉnh.


Xóm Comstock ở ngay đầu tỉnh Fairfax, được xây vào những năm 70, tương đối còn mới so với Old Town Fairfax cổ kính được lập nên có lẽ đã hai trăm năm, ở cuối đường.


Xóm này là một tập hợp những ngôi nhà trệt chung tường, đằng trước đằng sau đều có một mảnh vườn nhỏ.


Khi bà Lê mua nhà ở đây, trên đường Bradwater, vào cuối năm 1991, khu này đã trải qua 14 năm. Cây cối đã thành cổ thụ to lớn rườm rà, mùa hè rợp bóng mát nhưng cuối mùa thu thì lá rụng ngập đường, bay đầy vào những mảnh vườn trước cửa .

 


Lần đầu tiên đi xem nhà khu này, bà Lê đã để ý đến địa thế ở đây, rất thuận lợi cho di chuyển công cộng . Ngay mặt đường là là trạm xe bus của thành phố, gọi là CUE, chạy quanh tỉnh đưa tới trường đại học George Mason và trạm xe điện ngầm Vienna. Xe điện đưa hành khách từ Vienna thuộc tiểu bang Virginia tới Hoa Thịnh Đốn, rồi từ Hoa Thịnh Đốn tới tiếu bang Maryland. Cạnh khu Comstock là một trung tâm thương mại, đủ cả chợ búa, ngân hàng, các tiệm ăn đủ loại, các cửa hàng quần áo, tạp hóa và vật dụng trong nhà. Ngoài ra còn có một rạp chiếu bóng, ngay cạnh tiệm ăn Old Country Buffet, cứ thứ tư là giá rẻ đặc biệt cho các vị cao niên. Có lẽ vì vậy mà cứ vào ngày này là thương xá nhộn nhịp hẳn lên, nhờ các cụ rủ nhau tới ăn uống rồi giải trí.


 

Từ khi gia đình bà Lê tới đây, cảnh nhà bà cũng như hàng xóm láng giềng đều thay đổi nhiều lần,


 

Năm 1991, gia đình bà dọn tới đây gồm năm người tất cả, ông bà và ba cô con gái. Năm người có thể gọi là đông nhân khẩu trong căn nhà chỉ có ba phòng ngủ. Thế mà quanh quẩn sau vài năm, căn nhà cứ vắng dần…, cô thì lấy chồng, cô thì đi xa. Cuối cùng thì ông bà lui cui hai cái thân già trong cái không gian trở nên quá rộng. Rồi ông về hưu. Rồi các con bà bắt đầu sinh con đẻ cái. Tháng ngày qua, buồn vui của cuộc sống cứ thế mà chất đầy trong căn nhà thân yêu,


 

Bây giờ thì bà chỉ còn một mình. Cũng may hàng xóm nhiều người tốt bụng, giúp đỡ bà những khi tuyết đổ hay vắng nhà đi xa.

 

Thằng hàng xóm trời đánh ở căn hộ góc, bến trái nhà bà, đã dọn đi , sau bẩy năm đầu làm gia đinh bà khốn khổ vì tật sợ tiếng động của nó. Mỗi lần con cháu đến chơi là bà lo ngay ngáy nó đến đập cửa than phiền làm ồn. Khi nó dọn đi, cả xóm thở phào nhẹ nhõm. Từ đó, lúc nào căn nhà này cũng chỉ có một bà giáo sư dậy trường Wilson trước cửa, rất lịch sự dễ thương. Coi như cuối đời bà có hậu !


Căn hộ bến trái thì thay đổi chủ liên miên. Mới đầu là sinh viên trường George Mason chung nhau thuê, hết đợt này đến đợt khác trong bốn năm đầu. Sau này, khoảng năm sáu năm gần đây, một công ty Đại Hàn mua để cho người cùng xứ mướn. Mới đầu chỉ thấy có hai vợ chồng đẵ đứng tuổi, chủ một tiệm giặt ủi, và con gái của họ. Gia đình này đi suốt ngày nên cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Dần dần cứ thấy thêm người. Hai cô bé học sinh trung học, và một thanh niên suốt ngày ngồi trước cửa hút thuốc và rửa xe. Tuy ở đông như vậy, nhưng họ rất kín đáo lặng lẽ. Anh chàng hút thuốc lá lúc nào cũng tươi cười, nhưng chỉ biết nói đúng môt câu tiếng Anh “Good morning” ! 


Những căn hộ được cắm trụ lâu nhất phải kể nhà bà Martha và bà Jane Campbell. Bà Martha ở một mình với thằng con bị retarded. Bà làm nghề trang trí vườn, có vẻ cũng phong lưu. Nhà bà ta đầy chó, loại chó lông mịn trắng đen khá đẹp,Lâu lâu chó mẹ đẻ một lứa, bà lại bán bớt cho bà con trong xóm. Còn bà Jane làm nghề sửa văn, cũng thong thả nhàn nhã. Sau này, bà Martha lấy chồng làm nghề dậy học và thằng con lớn lên cũng được nhận làm vài giờ một ngày ở chơ Shopper’s .

 


Bà Lê có thói quen từ bao nhiêu năm là đi bộ quanh xóm, có khi quanh khu thương xá, đều đều mỗi ngày, suốt bốn mùa xuân hạ thu đông. Bà sống theo nhịp sống của khu xóm, từng nhà người tới kẻ đi. Đôi khi những mảnh vướn trước cửa mỗi nhà cũng thay đổi hoa lá theo chủ và thời gian, Rồi cả khu thương xá nữa, cũng trải qua bao nhiêu vật đổi sao rời. Nhiều cửa tiệm bị đóng cửa, trong đó có tiệm Ross thân thương của bà. Nhiều tiệm mới được thay thế rồi lại biến đi, theo đà xuống của kinh tế. 


 Ngày xưa, khi các cháu bà còn nhỏ, bố mẹ chúng hay gửi bà trông cháu. Bà thường dắt cháu đi dạo trong xóm, dậy cháu hát bài dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi chơi. Mùa xuân đưa cháu đi ngắm hoa ngắm chim ngắm sóc truyền cành. Khi chúng nó biết ăn biết thích đồ chơi, bà cháu đi bộ ra McDonald và Dollar Tree. Thức ăn rẻ tièn, đồ chơi cũng rẻ tiền, nhưng trẻ con mắt vẫn sáng lên mừng rỡ, vẫn thích vẫn mong đến với bà.

 


Bây giờ các cháu bà lớn cả rồi, bận rộn học hành, bận rộn lo cho tương lai, không còn tới đi bô với bà nữa .


Ông cũng bỏ bà luôn….



Đôi khi đi dạo một mình, nhìn bướm bay, chim la cà tìm sâu, sóc thoăn thoắt truyền cành, bà lại nhớ mấy đứa cháu ngày nào hát bài “Kìa con bướm vàng”, lại nhớ câu hỏi ngây thơ của Giáng Tường lúc ba tuổi : bà ơi, sao con chim nó không đóng tã hả bà ?

 


Thời gian đi nhanh quá ! Người già sống lâu quá làm gì cho ngợp trong kỷ niệm ! Căn nhà này đã chứng kiến ba đám cưới và một đám ma. Mấy lần đêm khuya bà chở con gái vào nhà thương Fairfax sinh nở. Bao nhiêu lần còi hụ chở ông đi cấp cứu….



Hai mươi năm rồi đấy, biết bao mhiêu đổi thay. Những người sinh sống ở đây lâu năm cứ già dần. Con cái bận rộn cũng ít khi tới thăm. Ông không còn nữa . Không gian như loãng ra, vắng lặng lạnh tanh ….


Bây giờ bà sống một mình. Bà T hàng xóm cũng vậy, chẳng còn ông T nữa. Rồi ông Walter bên kia đường cũng không còn bà Walter. Thỉnh thoảng gặp nhau, lại hỏi thăm nhau “how are you ? Trả lời I’m OK. Biết nói gì đây ? làm gì cho hết ngày, cho ngày tháng qua đi ? Nhiều khi thấy trống rỗng và cô đơn chi lạ ! Lâu lâu con cháu tạt qua, nhanh như bóng mây. Căn nhà vui lên một thoáng, rồi lại chìm vào yên lặng.


 

Bao nhiêu năm rồi, khu Comstock vẫn thế, vẫn kẻ cười người khóc, vẫn thi gan cùng tuế nguyệt. Chưa thấy triện chứng của đổ nát và phế thải, tuy nhiều nhà cửa tối tân hiện đại vẫn tiếp tục được xây cất quanh đó.


Nhiều người hỏi bà Lê : sao bà không về sống với con ? Già rồi, sống một mình lúc nắng gió trở trời, ai lo cho ? Biết vậy, nhưng ai ôm đống kỷ niệm về cho tôi ? Chúng gắn liền với căn nhà này, từ mỗi căn phòng cho tới bức tranh trên tường, đến cái giường cái bàn cái ghế.


Người già chỉ còn kỷ niệm như một cõi an ủi. Môt cõi không cần nghe, không cần nói, nhưng vẫn ấm áp. Một cõi mộng, để thỉnh thoảng sống lại những giấc mơ xưa, tưởng như trẻ mãi không già !


 

Chẳng ai hiểu được lòng người có tuổi đâu, nhất là thế hệ con cháu.

 


 Lê Trần


Faitfax, tháng tư, 2012



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc