CHUYẾN TẦU XUYÊN BẮC - Phạm Thế Định

16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 89296)



winter-content





Em đã đến vùng Bắc phương tuyết phủ

Vào đời ta men đủ một cơn say


Có những câu chuyện nói về đời sống của thế giới bên kia. Chuyện có thể có thật, hay tưởng tượng, nhưng đặc điểm của những chuyện "ma" hay, là chúng phải có khả năng tạo một không khí lạ lùng, đưa người nghe hoặc người đọc vào một khung cảnh khác. Cái không khí kỳ quái đó, tôi đã cảm thấy ở Nhật Bản, lâu lắm rồi, lúc còn là du học sinh ở Đông Kinh
.


*********



Mùa Đông năm ấy trong căn phòng 6 chiếu ở khu Higashi Nakano, bọn tôi lại hội họp ăn chung vào chiều cuối tuần đầu năm như thường lệ. Khung cảnh và xã hội của nước Nhật vào mùa Đông rất lạ lùng, người xa nhà hay có cảm giác cô đơn và sợ hãi, dễ đưa đến những tuyệt vọng, chán đời, tự sát. Để đối phó lại cơn buồn xa xứ, lạc lõng, chúng tôi như những con thú e ngại trước cơn lạnh giá, tìm đến nhau, mỗi đứa mang theo một món đồ, để nấu ăn chung.



Chúng tôi gồm tám người. Căn nhà tôi ở trọ có năm sinh viên Việt Nam. Hai anh qua học tu nghiệp tiến sỹ, là anh Tu và Bùi, một anh năm thứ hai đại học tên là Hòa, hai thằng trẻ nhất, tôi và Gia, mới vừa vào năm thứ nhất đại học. Ba anh khác học năm chót bậc cử nhân, đều ở gần trường của họ. Nhà anh Thông, ở cách chúng tôi khoảng 1 tiếng xe điện, hai anh kia, An và Minh, học tại trường Đông Kinh Nông Nghiệp, ở một vùng đã xa khu trung tâm, vắng người Việt.

 
Năm đó trời rét căm căm, tuyết đổ ngập đường xá, đến nỗi nhiều ngày máy bay bị cấm đáp xuống phi trường vì bão. Căn nhà chúng tôi ở nằm dưới chân cầu, hai đường vào liễu rủ, nay tuyết rơi phủ cành câỵ Hai bên lề đường đóng băng trơn như đi trên đá. Chiều đó, không có một bóng người nào ngoài ngõ. Cảnh tượng hiu hắt, một bề đen của bóng tối, một bề sáng của tuyết, hai màu sắc tương phản, nằm kề bên nhau như rình rập, thủ thế.


Chúng tôi 6 người co ro trong cái lạnh, rét đến nỗi hai cái lò sưởi gaz không đủ làm nóng. Hai anh An và Minh đến trễ đã 1 tiếng. Bỗng chúng tôi nghe tiếng người chạy ngoài hàng hiên, rồi tiếng gõ cửa vội vã, tôi ra mở cửa, mặt anh An trắng bệch như hết máu. Quần áo xốc xếch, tôi thấy cả vết bẩn trên áo coat của anh, chắc anh đã té ở một đoạn đường trơn. Anh lắp bắp:
 
- Thằng Minh bị ma bắt rồi các ông ơi, coi này, quyển sổ tay của nó ...

Anh Bùi tới cầm quyển sổ, bìa hơi ướt, chúng tôi, kẻ gỡ áo coat cho anh, kẻ đi lấy nước trà nóng để anh uống, nhưng tất cả đều hoang mang.
 
Hai anh An và Minh đều thuộc mẫu người đứng đắn, không hay đùa giỡn bậy.
 
Anh Bùi chờ mọi người ngồi xuống im lặng, mở quyển sổ, lên tiếng đọc, giọng cắt quãng vì xúc cảm:


....
 
" Ngày mồng hai, tháng giêng năm 1973,

 
Lạnh quá, sao năm nay lạnh thế này, tuyết phủ tất cả, cô đơn! Nhưng mà sao con người lại phải cần có nhau ? Cần tụ họp như một bầy thú. Cá nhân có đủ can đảm để đối chọi với sự yếu đuối của mình hay không?

Giao thừa năm nay, tôi từ chối chạy trốn cái giá lạnh, cái yếu đuối, cái cần thiết tụ họp. Ngược lại, tôi quyết định đi tìm cái giá lạnh tột cùng, cái cô đơn thật thụ, tôi sẽ lên miền Bắc nước Nhật, làm một chuyến đi cuối năm, một mình lên xứ tuyết. Một mình trong cái giá lạnh xa lạ xem sao. Đã đến lúc phải nắm và chận hai cái sừng con trâu điên lại, không thể quay lưng mà chạy mãi.


Khi đến nhà ga Ueno, tôi bị lỡ mất một chuyến tàu lên tỉnh Aomori miền Bắc. Thật ra, tôi có thể chạy kịp, nếu không bị ngăn lại vì phải đỡ cho một thiếu nữ chạy cùng, nàng bị vấp chút nữa là ngã xuống trước đầu tầu một chiếc xe điện đang từ từ chạy vào bến.


Tôi chỉ còn kịp nắm vội cánh tay nàng kéo lại, cái kéo quá mạnh nên cằm nàng đập vào vai tôi. Một vết máu nhỏ ứa trên làn môi nàng. Chúng tôi chắc chắn là trễ chuyến này, sau đó chỉ còn một chuyến chót lên miền Bắc vào đêm 31 tháng 12.
 
Thật vậy, chuyến tầu lỡ của chúng tôi đã rúc còi rời bến, và chúng tôi đành phải chờ chuyến tới.



Tôi dìu người thiếu nữ lại một băng ghế và lấy khăn tay đưa cho nàng lau môi. Một khuôn mặt đẹp tuyệt trần, nhưng nhợt nhạt, có lẽ vì sợ. Sợ đến nỗi, khi tôi chạm vào tay nàng, để lấy lại chiếc khăn tay, tôi có cảm giác như thọc tay vào một thùng nước đá.

Tôi mê người con gái ấy ngay phút nhìn rõ mặt nàng, một sức mạnh quyến rũ không hiểu nổi, một niềm hạnh phúc, bình an không lường khi được ngồi bên nàng. Và lạy trời đất, hình như nàng cũng có cảm tình với tôi thì phải.

Tôi và nàng không nói một lời về cái tai nạn tí nữa gây thành thảm trạng vừa rồi, không cả một câu cảm ơn khách sáo, điều rất là ngạc nhiên nơi một người con gái Nhật Bản.


Chúng tôi trò chuyện với nhau, như hai người bạn thân từ lâu, nàng hiểu tôi và thông cảm như không bao giờ tôi có thể mong, vì không có thể tin là một sự cảm thông hoàn toàn giữa hai cá nhân khác văn hóa có thể hiện hữu.
 

Nàng tên là Aoki, con gái duy nhất của gia đình một nha sĩ đã về hưu, tại Fukushima, nàng đang theo học vẽ kiểu mẫu quần áo tại Đông Kinh. Năm nay, vì ở lại dự một bữa tiệc thân hữu, nên nàng về nhà trễ hơn mọi năm khác.


Cũng may, nhờ vậy mà chúng tôi quen nhau. Sau khi trò chuyện, biết là tôi chưa định rõ chỗ đến, nàng ngỏ lời mời tôi tới đón giao thừa và tân niên với gia đình. Dĩ nhiên, không còn một nỗi sung sướng nào cho tôi hơn, là lên tiếng nhận lời.
 

Chuyến tàu cuối năm đưa chúng tôi lên miền Bắc, thoạt đầu còn đông đảo người, nhưng họ xuống tầu dần dần, cho đến khi chúng tôi gần đến tỉnh của nàng thì chuyến xe đã trở nên rất vắng. Để làm nhẹ con tầu, người ta đã cắt dần dần những toa tầu trống sau mỗi ga lớn.

Trời đã tối khi chúng tôi đến ga Fukushima. Tỉnh bé, người dân lo về nhà chờ giao thừa. Chúng tôi không có thể đón xe nên đành phải đi bộ băng qua một cánh đồng rộng để đến nhà nàng.
 
Được đi kề bên một tuyệt thế mỹ nhân mà mình yêu , tôi không còn cảm thấy lạnh. Nhưng tôi có cảm giác xa lạ trên con đường vắng không một bóng sinh vật, gió hú qua những cành cây, những cuộn bông tuyết to bay vờn trong không gian, và hai chúng tôi bé nhỏ giữa cánh đồng trắng toát. Nàng đi đứng trên tuyết có vẻ thoải mái hơn tôi nhiều. Lúc đó, tôi không lấy làm ngạc nhiên, vì nghĩ rằng nàng là một người sinh trưởng tại vùng núi tuyết, đã quen đi lại trong những hoàn cảnh tương tự.



Tiếng chuông giao thừa từ một ngôi chùa rơi vào khoảng không, lẫn cùng tiếng gió. Tôi quay qua nhìn nàng, Aoki mỉm cười lạ lùng:
 
- Người ta bảo vào ngày thứ ba trong năm, cũng đúng 12 giờ đêm, tiếng chuông này sẽ đưa những oan hồn về lại cõi âm. Nhưng đêm nay giao thừa, hồn oan bây giờ được về quê nhà ăn tết với tiếng chuông này đây.

Tôi không trả lời, ngây ngất trong nét cười bí ẩn huyền hoặc của nàng.
 
Chúng tôi đi khoảng gần một tiếng mới tới nhà của Aokị Đó là một căn nhà lịch sự, hơi khuất nhưng đẹp và sang. Chúng tôi không muốn làm phiền bố mẹ nàng, và cũng muốn gây một ngạc nhiên cho ông, bà nên đi ngay vào khu nhà khách phía sau.
 

Aoki thu xếp chỗ nằm cho tôi, chào từ giã và hẹn gặp lại vào sáng ngày hôm sau. Thay xong quần áo, tôi ra đứng bên cửa sổ, nhìn ra phía cánh đồng chúng tôi vừa băng ngang. Một màu trắng mênh mông, và tôi còn thấy dấu giầy trên tuyết của tôi để lại trên đó, nhưng lạ lùng thay, đó là dấu chân của một người đi mà thôi. Tôi hơi mệt nên nghĩ là mắt mình không phân biệt rõ trong bóng đêm, hay vì vết chân của nàng quá nhỏ nên tuyết đã lấp thật mau.

 
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm vào khoảng 6 giờ sáng, thay quần áo, chờ mãi mà không thấy ai. Nóng ruột muốn gặp lại Aoki, tôi lên nhà trước gõ cửa, và gặp hai ông bà già ra mở. Đoán là bố mẹ nàng, tôi tới chào hỏi hai cụ, chúc tết, và giải thích sự có mặt của mình.

 
Hai ông bà sững sờ nghe tôi kể chuyện, rồi im lặng một lúc khá lâu. Sau đó, dẫn tôi lên nhà trên, chỉ cho xem tấm hình một thiếu nữ trên tủ, tôi nhận ra ngay là hình của Aoki trong bộ áo kimono rất đẹp.
 
- Con gái của vợ chồng già đã mất vào đêm giao thừa cách đây 7 năm, vì bị xe điện cán ở nhà ga Ueno Nghe cậu kể chuyện, già tin lời cậu, vì sau khi Aoki mất, có nhiều người trong vùng khẳng quyết là vẫn thấy Aoki đi một mình trên cánh đồng này, vào những ngày đầu năm có bão tuyết.
 

Tôi thấy rợn lên ở xương sống, và muốn về ngay lại Tokyo. Nhìn lên trên tủ, bức tranh của Aoki lúc này hiện lên như người thật, nụ cười lạ lùng, quyến rũ, cặp mắt như theo dõi nhìn tôi không rời, dưới mọi góc cạnh.


Tôi từ giã hai ông bà, rồi đi vội ra phố thuê nhà trọ. Sáng mồng hai tôi về lại Đông Kinh, trên sân ga ngồi chờ, tôi mua một bao quít để ăn cho đỡ khát nước.
 
Lúc ngồi ăn quít trên xe, lấy khăn ra lau miệng, tôi bàng hoàng khi thấy rành rành vết máu lẫn vết son còn lại trên chiếc khăn tay. Vết máu còn tươi rói, đúng là sự thật, không thể là một ảo giác, hay trong một giấc mơ. Đúng là tôi đã gặp Aoki.
 

Trở lại Tokyo chiều nay, tôi ngẫm nghĩ lại từng giây phút của hai ngày trước. Tôi cảm thấy là chắc chắn Aoki có thật, đến giờ đây, tôi thấy mình có thể bị lừa vì nhiều khi bố mẹ của Aoki thấy tôi là người ngoại quốc nên bịa chuyện, cho tôi sợ mà rút lui. Nhưng khi nhớ lại câu nói của nàng khi nghe tiếng chuông chùa khai niên, và dấu chân của một mình tôi trên tuyết, tôi lại thắc mắc trở lại.
 
Tôi đã ráng nằm ngủ để quên đi, nhưng căn phòng như không còn là của tôi nữa. Tiếng gió rú càng như kêu gọi, ánh mắt của Aoki như hiện hữu khắp nơi. Tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi phải đi gặp nàng, dù nàng là người thật hay hồn ma.
 

Và tôi phải đi ngay vì theo lời nàng đã nói về hồi chuông giã biệt ngày thứ ba đầu năm vào 12 giờ tối, đó là hồi chuông giã từ của cõi dương và cõi âm, chúng tôi chỉ còn mấy tiếng để gặp nhau.
 
Tôi để lại những lời này cho các bạn, cùng điện thoại của hai cụ Morihito ở Fukushima, nếu tôi không về kịp kỳ hẹn đầu năm, xin các bạn hãy liên lạc số trên để biết tin tức của tôi.
 

Shinen Akemashite Omeideto Gozaimasu (Chúc mừng năm mới)



Thân,
 
Minh"

 

Anh An móc túi ra một chiếc khăn tay trắng, mở rộng ra:
 
- Đây là cái khăn mà Minh đã để trên bàn, cùng với cuốn sổ tay nàỵ Sáng nay khi tôi qua nhà Minh rủ Minh xuống đây như đã hẹn, thì thấy giòng chữ dán ngoài cửa, chỉ chỗ dấu chìa khóa và cho biết có viết nhắn lại cho chúng ta trong cuốn sổ.


Chúng tôi chuyền cho nhau xem chiếc khăn, tôi thấy rõ ràng có vết máu còn sót, nhưng màu đã hơi nâu.

 
Sau đó, chúng tôi bàn tán nhau không biết có nên báo cảnh sát ngay hay không? Cuối cùng chúng tôi đồng ý để anh Bùi liên lạc với cụ Morihito để hỏi thăm, còn anh An đề nghị sẽ vào phòng thí nghiệm ở trường ảnh ngày mai để phân tích vết máu trên chiếc khăn, so với mẫu máu của anh Minh mà anh có lưu giữ khi hai anh còn nghiên cứu chung về bệnh di truyền nơi người Đông Nam Á.
 

Buổi họp đầu năm tan sớm vì biến cố ấy, và chúng tôi hẹn gặp nhau lại ba ngày hôm sau để giải quyết vụ anh Minh.

 
Khi mọi người đã ra về, tôi nán lại phòng anh Bùi để chờ xem kết quả của cú điện thoại. Anh Bùi lên trên phòng chủ nhà quay số, tôi đi theo đứng chờ, thấy anh hỏi vài câu, chăm chú nghe với vẻ mặt biến sắc, cám ơn rồi gác máy. Anh nói với tôi:
 
- Người cầm máy đầu kia đúng là cụ ông Morihito, cụ xác nhận đã gặp một người Việt Nam và mọi chuyện xảy ra sáng hôm mồng một vừa qua giống như Minh đã thuật. Có điều, cụ không gặp lại Minh từ hôm đó đến giờ. Ngoài ra, cô Aoki, con cụ, quả thật đã chết cách đây 7 năm rồi.


Ba ngày hôm sau, anh An đem kết quả phân tích vết máu về, anh khẳng quyết là đó không phải là máu của anh Minh, tuy rằng đúng là máu người. Có điều lạ lùng là tuy mới vài ngày mà vết máu trên khăn đã chuyển sang màu đen đậm như đã khô từ lâu lắm rồi.

 
Chúng tôi chờ thêm vài ngày mà vẫn không thấy anh Minh trở lại, quyết định lên toà Đại Sứ thông báo về việc anh ấy mất tích. Nhưng cả bọn đều đồng ý với nhau là không tiết lộ về việc chiếc khăn tay, và câu chuyện của chuyến tàu đêm Giao Thừa lên hướng Bắc. Chúng tôi, phần không muốn bị coi là những kẻ điên, phần tôn trọng bạn và gia đình hai cụ Morihito, không muốn gây những ồn ào dư luận, nên giấu những bí mật ấy mãi trong lòng, một bí mật đã chôn kỹ nhiều năm.

 
Hai tang chứng là cuốn sổ tay và chiếc khăn đã được gửi trong hành lý của anh Minh về gia đình anh ấy ở Quy Nhơn.




Phạm Thế Định (18/01/95)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc