NHỮNG CUỐN SÁCH HỒNG BAY QUA CỬA SỔ - Phùng Quân

25 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 89827)


NHỮNG CUỐN SÁCH HỒNG


Bay Qua Khung Cửa Sổ




th_nguyentrai Thầy Trừu thật sự bây giờ đang ngồi đó trên chiếc ghế sofa bên cạnh vài quí thầy cô đồng nghiệp khác và đám anh em đồng môn chúng tôi gần độ chục người đang quây quần thăm hỏi. Thật khó mà tin thầy trò còn gặp lại được nhau sau hơn 40 năm trời xa cách. Dáng thầy đượm vẻ phong sương và gầy nhiều hơn xưa nhưng gương mặt vẫn còn hiện lên nét rắn rỏi và cương nghị. Chúng tôi được biết gia đình thầy sang đến Mỹ khá muộn màng và chỉ mới về định cư tại Quận Cam này cách đây không lâu. Thầy là người ít nói nhất trong buổi họp mặt này, ánh mắt thầy đôi lúc xa vắng như chìm vào một quá khứ xa xôi, còn riêng tôi có những lúc cũng ngồi yên lặng ngắm nhìn thầy như muốn hồi tưởng lại cả một quãng đời thanh xuân cũ: Đó là thầy Bùi Thái Trừu trong những giờ Vạn Vật lớp Đệ Tam của chúng tôi tại trường trung học Nguyễn Trãi ngày nào.



Trong suốt buổi họp mặt hôm đó các thầy trò chúng tôi nhắc lại bao chuyện cũ, còn tôi thì cố hình dung lại khung cảnh sinh hoạt của lớp mình ngày xưa và những buổi dạy của thầy Trừu. Ký ức tôi bây giờ cũng nhạt nhòa dần theo năm tháng, tôi chỉ còn nhớ được dạo đó mỗi khi bước vào lớp học thầy Trừu thường đeo kính đen và cầm theo trên tay chỉ là dăm ba tờ báo nhật trình. Lần nào cũng vậy sau khi vào lớp xong, thầy thong thả gỡ cặp kính đen xuống, đặt tờ báo lên bàn trước khi ghé qua chỗ tôi ngồi ngay dãy bàn đầu tiên, thầy liếc nhanh vào cuốn sổ ghi đầu bài và sau đó bắt đầu tiếp tục công việc giảng dạy ngay như không hề mảy may chút gián đoạn. Cả chương trình dạy trong niên học hình như đã nằm sâu trong trí nhớ của thầy, tôi chưa bao giờ hoặc nếu có thì họa hoằn lắm mới thấy thầy cầm đến những tài liệu giáo khoa hoặc sách vở khác mà đọc thêm bài cho chúng tôi ghi chép. Tôi rất thích những hình vẽ trong giờ Vạn Vật của thầy, tấm bảng đen khi đó hóa thành một bức tranh vô cùng sinh động, nét vẽ rất đẹp và công trình ấy đôi khi cũng làm chúng tôi tiếc ngẩn ngơ mỗi lần nhìn thầy thản nhiên xóa đi để sửa soạn bắt đầu sang một bài học mới. Không biết có ai đó đã kể thêm cho tôi nghe rằng thầy Trừu còn là một con người rất nghệ sĩ và tài hoa, đánh đàn guitar rất hay. Chúng tôi tiếc là chưa bao giờ được hân hạnh thưởng thức tài nghệ ấy của thầy vì thật ra cho đến giữa thời đại của chúng tôi cái khoảng cách giữa thầy và trò cũng vẫn còn xa xôi lắm. Chúng tôi vẫn còn một mực kính trọng và nể sợ thầy. Những cơ hội gần gũi để thầy trò cả lớp cùng nhau chia xẻ tâm tình hay thảo luận một vấn đề thật hiếm hoi nếu vị thầy đó không phải là một giáo sư ban Văn Chương hay Triết Học. Thầy Trừu chuyên dạy các bộ môn khoa học như Vạn Vật và Lý Hóa nên trong các giờ học ít khi có dịp để thầy trò bàn luận thêm về những câu chuyện ngoài đời nên tình cảm thân mật giữa thầy và đám học trò chúng tôi cũng không ra khỏi cái qui luật thường tình đó.



Dạo ấy trường Nguyễn Trãi vừa mới đổi sang khu Khánh Hội, ngày ngày thầy trò chúng tôi còn đang bận rộn làm quen với khung cảnh mới, nối đuôi nhau nắng mưa hai buổi trên con đường Trịnh Minh Thế bụi mù và dày đặc khói xe, len lỏi giữa những đoàn công voa, xe vận tải khổng lồ hay quân xa Mỹ chở đầy binh lính từ mé cầu Tân Thuận hướng đến Saigon. Có ai ngờ đâu cách đó chỉ vài năm khi trường Nguyễn Trãi chúng tôi còn yên ổn tạm cư trên một mảnh đất văn hóa ngay tại khu vực Phan Đình Phùng – Mạc Đỉnh Chi. Đây là một nơi yên tĩnh của trung tâm thành phố Saigon với những hàng cây cao quanh năm rợp bóng mát. Nay thì khung cảnh học đường êm ả như thế đã không còn nữa, chung quanh con đường đến trường hàng ngày chỉ còn thấy những dãy phố bụi bặm nắng chang chang không một bóng cây, san sát mọc lên những quán bar trang trí lòe loẹt với những bảng hiệu néon uốn éo đủ màu. Mỗi ngày từ sáng tinh mơ khi tôi đạp xe ngang qua khu phố này, có những quán bar còn chưa đóng cửa và ló sau những ô cửa ấy có khuôn mặt còn chưa kịp bôi đi màu son phấn. Ngay sát cạnh lối ra vào nơi cổng trường Nguyễn Trãi là những tấm bạt được dựng lên làm thành những dãy quán cóc lộ thiên lúc nào cũng chen chúc phu phen khuân vác từ các nhà kho chứa hàng nơi bến tàu đổ về ngồi la liệt ăn uống. Bầu không khí quyện lẫn giữa mồ hôi, mùi bia rượu và dấm chua cùng các mùi vị thức ăn luôn được nấu nướng tỏa lên cao ngào ngạt bay tứ phương vượt qua bức tường gạch ngăn cách khuôn viên của trường tôi với thế giới bên ngoài và cứ thế hàng ngày tiếp tục lan sâu thêm qua sân trường rồi thoảng vào từng lớp học.



Tôi không nhớ phải mất một thời gian bao lâu mới quen hẳn với khung cảnh mới. Rồi năm tháng cũng theo đó qua nhanh, cảnh vật tuy mới mẻ và ngày ngày hai buổi đi về tiếp giáp với ngoài kia một đời sống lao động xô bồ, nhưng bên cạnh đấy vẫn còn thầy xưa và bạn cũ chúng tôi dần dần quen với một ngôi trường khang trang được xây cất theo kiến trúc hiện đại sừng sững ba tầng lầu tọa lạc trên một mảnh đất trống vuông vức. Trong sân trường khi ấy lác đác đây đó vẫn còn nhiều chỗ mặt đất trũng sâu, sau mỗi cơn mưa lớn nước đọng lại tựa như hồ ao mọc thêm nhiều cỏ dại. Năm đó lớp chúng tôi được chuyển sang buổi sáng để bắt đầu chương trình lớp Đệ Tam cho năm đầu đệ nhị cấp. Bạn bè trong lớp một vài người lớn tuổi đã bắt đầu xôn xao và lo lắng đến chuyện quân dịch, còn đa số đám học sinh chúng tôi vẫn ung dung trong cái lớp Đệ Tam vẫn được tiếng là nhàn nhã ấy mà nhiều kẻ còn chủ trương phải là một năm vừa học vừa chơi để còn dưỡng sức cho những mùa thi Tú Tài sắp tới. Lớp học năm đó ở tận lầu ba, nhìn sâu xuống phía dưới hun hút là những mảng đất trống trong sân trường vẫn còn hoang sơ lắm, bên kia bờ tường là con đường Trịnh Minh Thế lúc nào cũng đông nghẹt người và xe cộ, trên lề đường thì la liệt những hàng ăn, quán cóc lúc nào cũng chật ních dân lao động và phu phen, xa hơn chút nữa là những tòa nhà thuộc Kho 5 nằm trong khu thương cảng. Từ các cửa sổ trong mỗi lớp học trên tầng lầu ba chúng tôi đều có thể quan sát những tàu buôn, tàu chở hàng đậu san sát nhau. Đằng sau đấy là cả một khung trời bao la thoáng mát trên mặt sông Saigon, nhô cao thêm chút nữa là những ống khói tàu to lớn sơn màu xanh đỏ nhàn nhã nhả từng cụm khói khổng lồ lên bầu trời xanh lơ và thỉnh thoảng trong sương sớm vẫn hụ vang từng hồi còi tàu dồn dập rồi đứt quãng xa dần như đánh thức và hối thúc tâm hồn chúng tôi ấp ủ thêm nhiều ước mộng phiêu du.



Năm ấy thầy Trừu dạy mônVạn Vật trong lớp chúng tôi. Thầy rất nghiêm túc nhưng lại không mấy khi la mắng học sinh, từ anh học trò chăm chỉ yên lặng ngồi đầu lớp đến những anh học trò ngỗ nghịch ưa phá phách nơi cuối lớp chắc sẽ chẳng ai tìm thấy một sự thiên vị ở nơi thầy. Trong suốt cuộc đời của một giáo chức tận tụy lâu năm như thầy có lẽ sẽ chẳng mấy ai còn quan tâm đến những hoàn cảnh riêng tư giữa đám học trò mà chỉ muốn coi chúng tôi như những kẻ đã khôn lớn trưởng thành.



Ấy vậy mà bỗng nhiên một hôm cả lớp tôi quay cuồng nhốn nháo trước một thái độ ứng xử quá ư là khác lạ của thầy. Hôm ấy đang lúc giảng bài như bình thường, thầy còn đang quay lưng mải viết dàn bài và vẽ hình trên bảng, không khí trong lớp hôm ấy có phần ồn ào hơn mọi ngày, đám học trò cuối lớp vẫn thường nổi tiếng về phá phách đến hôm đó bỗng dưng tăng cường mức độ nghịch ngợm hơn và thái độ có vẻ coi thường thầy đã làm thầy không còn làm ngơ được nữa, thầy giận quá dừng giảng bài và quay phắt lại phóng nhanh về phía các dãy bàn nơi cuối lớp, cả lớp bỗng trở nên im phăng phắc lo sợ và ai cũng sẽ nghĩ đến những hình phạt ghê gớm sắp xảy ra, không nói một lời thầy bước nhanh đến chỗ đám nhà lá chuyên phá phách ấy và… lôi ra từ trong các ngăn bàn tất cả nào là cặp, sách, vở giấy bút… của đám học trò bất trị rồi bước đến bên cạnh cửa sổ, thầy vừa giận vừa nói: “Này… nếu đã không muốn học thì … đây!!!” và thầy thẩy đánh vèo một cái, tất cả chồng sách vở và bao nhiêu giấy bút hỗn độn theo nhau bay vút nhanh qua khung cửa sổ, trước bao nhiêu cặp mắt vừa kinh ngạc lẫn thích thú của lứa tuổi học trò đầy tinh nghịch của chúng tôi. Một vài trang giấy trắng bị sổ tung bay lượn lờ qua lại trong không trung ý chừng còn tiếc nuối niềm vui vừa qua của tuổi học trò, cứ muốn mãi được rong chơi giữa bầu trời bao la đầy nắng ban mai mặc tình tự do phiêu lãng ấy, giống như tâm hồn chúng tôi chưa muốn thật sự phải đối mặt với cuộc đời khi mà những mơ ước của lứa tuổi hồng hoang đang sắp sửa bị cuốn hút vào một đất nước chiến tranh đang leo thang còn mất hút bóng dáng hòa bình.



Trong buổi sáng hôm đó chắc chắn thể nào mà chẳng có những cuốn sách hay bút mực vô tình đua nhau rơi tõm xuống những vũng nước nằm cạnh sát chân tường loang loáng như ao thu nhiều cỏ dại ấy, làm tung tóe và phá tan đi sự yên tĩnh thường ngày của mặt nước lặng lờ luôn in bóng bầu trời cao xanh lơ với những đám mây trắng hiền hòa, thỉnh thoảng xen lẫn những cụm khói đen cuồn cuộn phả lên cao từ những ống khói tàu bay theo sau những chuyến hải hành.



Biến cố “ Những Cuốn Sách Hồng Bay Qua Khung Cửa Sổ” ấy tưởng như sẽ nguôi ngoai theo năm tháng và nằm yên trong ký ức mọi người nhưng khốn nỗi cái xóm nhà lá kia đâu đã chịu ngồi yên, vẫn chứng nào tật ấy và một ngày kia cũng trong giờ học của thầy, đám học trò quá quắt vẫn tiếp tục ồn ào phá phách tinh nghịch như thể chờ đợi… Để một phút xuất kỳ bất ý khác trong lúc không nén được cơn giận thầy cũng lại phóng nhanh đến cuối lớp định bụng sẽ tiếp tục thu tóm đống sách vở giấy bút rồi ném hết qua cửa sổ như lần trước, nhưng hỡi ôi… khi thầy xuống đến nơi lần này thì tất cả các hộc bàn đều đã được thu dọn một cách thật thần kỳ, tất cả đều sạch sẽ và trống trơn từ bao giờ, không còn sót lại mảy may một mảnh giấy nào!!! Trước cảnh tượng của đám học trò vô cùng tinh quái đó có nỗi giận nào mà thầy chẳng phải đổi thành vui? Thầy Trừu và cả lớp chúng tôi ai nấy đều được một trận cười no nê thỏa thích. Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười thật vui, bao dung và hiền hòa của thầy ngày hôm đó.



Kể từ hôm ấy không một cuốn sách nào của anh em chúng tôi sẽ còn phải lo sợ bị ném qua khung cửa sổ nữa, những vũng nước mưa cạnh sát chân tường sẽ thôi lo ngại còn bị làm náo động hay tung tóe bởi những chồng sách vở, giấy bút học trò… Từ nay hồ xưa sẽ lại bình yên soi bóng mây trời hiền hòa và những cụm khói tàu yên ả, để chốc chốc được nghe vẳng về những hồi còi hụ thiết tha của một con tàu đang nhổ neo rời bến quay về một phương trời xa. Những cuốn sách hồng đã bay ngang qua khung cửa sổ trong tâm hồn non trẻ của chúng tôi, để lại trong ký ức tuổi thanh xuân bao kỷ niệm vui buồn. Trong bạn bè có những kẻ ra đi lúc thiếu thời đã bỏ lại đằng sau những cuốn sách hồng của tuổi học trò không mang ưu phiền ấy, có khi chỉ kịp vội đem theo hành trang bên mình những cuốn sách không trang, hằng đêm gối đầu lên những trang sách không chữ nhưng chắc chắn một điều dù ở bất cứ nơi đâu và cho đến bao giờ, mãi mãi chúng tôi cũng vẫn một lòng kính mến và biết ơn thầy.



Bây giờ thầy Trừu vẫn trầm ngâm ngồi đó bên cạnh vài quí thầy cô khác, còn đám anh em đồng môn chúng tôi vẫn quây quần qua lại hỏi thăm thầy. Ai cũng muốn được dịp nhắc nhở lại đôi chút kỷ niệm xa xưa thời còn trung học với thầy.



Tôi cũng được dịp ngồi ghé lại bên cạnh thầy nhắc lại câu chuyện cũ: “Những Cuốn Sách Hồng Bay Qua Khung Cửa Sổ”, thầy thích thú gật gù nghe chuyện, ánh mắt có lúc xa vắng như chìm vào một nơi chốn xa xôi. Thầy yên lặng không trả lời tôi mà chỉ khẽ mỉm cười, nhìn nụ cười bao dung mà lòng tôi thắt lại. Lời vô ngôn đó áng chừng còn quí giá và hàm xúc hơn tất cả mọi điều, đã nói thay cho thầy một phần nào cảm xúc mừng vui trong ngày tái ngộ, cảm nhận một tình thầy trò cao quí và sự hài lòng khi nhìn thấy đám học trò ngỗ nghịch ngày xưa vẫn một lòng kính mến và biết ơn thầy.



Những cay đắng của một giai đoạn khốn khó nhất vừa qua trong đời thầy như thể được xoa dịu một phần nào, đánh đổi lại cho những nỗi gian truân cùng cực mà thầy đã phải trải qua để sinh tồn và giữ vững tiết tháo của một kẻ sĩ trong những tháng năm dài nhiễu nhương đổi đời nơi cố quốc.

*

Tháng 3, Tân Mão năm nay thầy mất.
Đồng môn từ khắp nơi về tụ họp khóc thầy.
Mây đã trôi về cố xứ.

“ Trăm năm một chữ cũng là
Ân sư hậu thế chẳng nhòa lòng son.”



Xin Kính Chúc Thầy

Một Chuyến Trở Về thật nhẹ nhàng và thanh thản như mây trắng thong dong.



PHÙNG QUÂN

California, Hàng Gió

Đầu Thu 2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc