MỘT BÔNG HỒNG CHO MẸ - Ngọc Bảo

11 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94800)




 Một bông hồng cho mẹ

 


 

rose-content Mùa Vu Lan lại về trong những ngày nắng hạ. Trong Phật giáo, có lẽ ngày lễ lớn nhất sau lễ Phật Đản là lễ Vu Lan. Bắt nguồn từ sự tích của Tôn giả Mục Kiền Liên với lòng hiếu hạnh bao la đã cứu được mẹ từ chốn ngạ quỷ về nơi cõi trời, hàng năm vào khoảng ngày rằm tháng bẩy sau kỳ an cư kiết hạ của chư tăng, lễ Vu Lan cũng được cử hành trọng thể ở khắp mọi nơi, vừa để ghi nhớ công ơn cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá cố, vừa để siêu độ cho những linh hồn còn vất vưởng dính mắc trong tâm thức của một kiếp sống đã mất.



 Những bài viết về công ơn cha mẹ trong dịp lễ báo hiếu này thật nhiều không kể xiết, nhưng có lẽ tình thương bao la của cha mẹ dù có nói nhiều đến đâu cũng vẫn không đủ được. Trước đây, trong dịp lễ Mother Day, có một bài nói về một người mẹ ở Malaysia thật cảm động đã được đăng tải trên mạng lưới, với tựa đề “Mẹ tôi”, nội dung như sau:



Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một mắt. Bà là đầu đề để cho bạn bè trong lớp chế diễu, châm chọc tôi.



Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường kiếm tôi, làm cho tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế được với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên:


“Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt.”


Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà:


 “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười của thiên hạ!”


Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói tàn nhẫn đó, vì lúc ấy trong lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến những cảm xúc của mẹ. Sự xấu hổ có một người mẹ xấu xí đã khiến tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì đến bà nữa. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, đã có một học bổng đi học ở Singapore.



Tại Singapore, tôi thành công rực rỡ, sau đó đã lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi dấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ.



 Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất có được ở đây. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi về một ít tiền để biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.



Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm.



Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà còn chưa bao giờ nhìn thấy mặt các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận, vừa lo vợ biết chuyện, hét lên:


“Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”


Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời:


“Ồ, xin lỗi. Tôi nhầm địa chỉ.”



Rồi bà lặng lẽ quay đi.



Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ lại định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?



Một hôm, nhận được lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ.



Mấy người hàng xóm cho biết mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó, và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai tang chu đáo. 


Tôi không nhỏ lấy được một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thơ mẹ để lại cho tôi.


“Con yêu quý,


Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ không còn bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.


Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên đã cho con một mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó.



Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ.


Mẹ yêu con lắm.”



 Đọc câu chuyện này, có lẽ không ai là không xúc động trước tình thương bao la và sự hi sinh của người mẹ. Tình mẹ vô bờ bến bao giờ cũng chỉ biết cho mà không biết nhận – có lẽ, đó cũng là một bản năng, một thiên chức thiêng liêng mà người phụ nữ chỉ khi nào làm mẹ mới phát triển được. Thiên chức ấy là một vinh dự, đem lại những giây phút hạnh phúc tuyệt vời, nhưng cũng đi kèm với trăm đắng ngàn cay. Nhưng có lẽ người mẹ nào cũng sẵn sàng đánh đổi hết tất cả để được nghe gọi tiếng “Mẹ ơi” thân thương nhất trên đời. “Nước mắt chẩy xuôi chứ có bao giờ chẩy ngược”.. chỉ khi nào chính mình làm mẹ, làm cha mới thấu hiểu được nỗi lòng của mẹ cha mình trước kia. Đôi khi, lúc biết được thì đã quá muộn màng.



Một tình thương cao cả như vậy là điều ai cũng muốn thấy nơi người mẹ. Nhưng đời sống và con người không đơn giản như giấy trắng mực đen. Không phải người mẹ nào cũng lý tưởng như vậy, và một người mẹ lý tưởng không hẳn là sẽ có một người con lý tưởng, cũng như một người con lý tưởng không hẳn là đã có một người mẹ lý tưởng. Cha mẹ và con đến với nhau là do duyên nghiệp, do những ràng buộc vay trả từ trước đây. Dù thế nào chăng nữa, nếu chúng ta còn yêu quý sanh mạng mình, thì còn phải biết ơn đấng sinh thành đã cho chúng ta mạng sống và dưỡng dục chúng ta cho đến lớn khôn.

 

 

 Con người sống trong đời bao giờ cũng đi tìm hạnh phúc. Có những người đi tìm hạnh phúc trong tình, tiền, danh vọng, có những người đi tìm một thứ hạnh phúc cao siêu hơn. Nhưng dù quan niệm về hạnh phúc như thế nào, bản năng của con người bao giờ cũng cần đến tình thương để phát triển và hoàn thiện. Một đứa bé sanh ra nếu được ấp ủ trong tình thương yêu của cha mẹ sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt đẹp và trở thành một con người tự tin và có những hành động tích cực. Ngược lại, một đứa bé sanh ra bị bỏ bê, hất hủi, có thể sẽ lớn lên trong sự què cụt của tinh thần và điều đó còn bất hạnh hơn cả sự tàn tật của thể xác. Cho nên có thể nói chất liệu chính của hạnh phúc là tình thương. Trong tình thương giữa con người và con người, có những tình thương vị kỷ, và có những tình thương vị tha. Hạnh phúc chân thực chỉ đến khi tình thương vị tha có thể lấp đầy được những hố ngăn cách của vị kỷ. Tình thương cao cả của người mẹ có thể sánh với tình thương vô lượng của một vị Bồ Tát sẵn sàng xả thân cho sự an vui của người khác. 



 Nhân dịp lễ Vu Lan, xin gởi đến tất cả những người mẹ một bông hồng tươi thắm, và xin chúc mừng đến tất cả những người con vẫn còn mẹ để phụng dưỡng.



 Ngọc Bảo


T
háng bẩy Vu Lan, 2006




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc