LƯỠNG XUYÊN ĐỒ HẠT KÝ - Lê Mạnh Hùng dịch

18 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 82509)



 

farewellatjintai-content



Chuyện Thần đất Tứ Xuyên


Lời tựa: Chuyện này lấy từ tập truyện mang tên Tiễn đăng tân thoại (Chuyện mới trước đèn), tác giả Hoắc Hưu (1347-1433), tự Tông cát, người đất Tiền Đường, đời Minh Hồng Vũ làm chức giáo thụ Lâm An, sang đời Vĩnh Lạc thăng làm trưởng sử Chu vương phủ. Sau vì làm thơ ngạo mạn các quan lớn trong triều nên mắc họa, bị cách chức. Đến đời Hồng Hi được phục chức, thăng Nội các biện sự. Ông để lại nhiều tác phẩm trong đó Tiễn đăng tân thoại, được viết năm ông 32 tuổi, là có tiếng nhất. Tập truyện này do tác giả sinh vào buổi giao thời loạn lạc giữa hai triều Nguyên Minh, nhìn cảnh binh lửa, xã hội xáo trộn, bị cảm xúc mạnh, nên viết thành chuyện, ngầm chỉ trích những cảnh ngang trái. Lối viết phỏng theo các loại truyện truyền kỳ của đời Đường, đời Tống. Tác phẩm này có ảnh hưởng sâu đậm đối với văn chương thời minh. Khoảng giữa triều Minh, tác phẩm này được truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, có ảnh hưởng sâu đậm đến văn chương các nước này. Truyền Kỳ Mạn Lục của Việt Nam được coi là chịu ảnh hưởng rất nặng của cuốn sách này.


 

Trấn giang có chàng Cát Phục Khanh vốn là giòng giõi Cát Ôn đời Đường. Đến đời Tống, có một vị tổ tiên họ Cát được bổ làm chức huyện úy huyện Kim Đàn thuộc Nhuận Châu; từ đó bèn định cư tại đấy; con cháu vì vậy trở thành người Kim Đàn. Dần dà gia đình càng ngày càng hưng vượng, hùng cứ hương lý được người ta gọi là Cát bán châu (giầu chiếm nửa một châu). Cát Phục Khanh sinh ra đã có điềm khác với người thường: con mắt chàng có hai đồng tử. Lớn lên, chơi thân với Triệu Đắc Phu, và Khương Ngạn Ích, hai nhà phú hộ tại Thường châu. Tình bạn giữa ba người phải nói là thân thiết không gì bằng.



Cát Phục Khanh can đảm hào sảng, “kiến nghĩa dũng vi” (thấy việc nghĩa là nhất quyết làm). Ba người từng mang những món tiền lớn đi buôn bán suốt một giải Phúc Kiến Triết Giang. Hàng Châu vào lúc đó vốn là nơi đô hội đặc biệt là các xóm lầu xanh. Trong số những kỹ nữ ở nơi này hai nàng Tưởng Thu Nương và Đào Ngọc Tiêu lại càng có danh tiếng. Triệu Đắc Phu, Khương Ngạn Ích bị hai nàng quyến rũ, giao tình ngày càng sâu. Cát Phục Khanh đã nhiều lần khuyên giải nhưng cả hai đều nhất định không chịu nghe. Chỉ hai năm sau, tiền tài hết sạch, hai người đành phải khăn gói hồi hương. Nhưng chẳng bao lâu, lại thu góp tiền tài, trở lại Hàng Châu.



Chơi gái thanh lâu, tung tiền mua chuộc kỹ nữ, coi vàng bạc như đất bùn, thành ra chỉ chưa đầy một năm sau, bao nhiêu tiền mang theo lại hết sạch. Hai người bàn với nhau chuẩn bị trở về bán nhà bán cửa để lại quay trở về Hàng Châu, bất kể gia đình vợ con. Cát Phục Khanh vô cùng lo cho bạn, tìm đủ mọi cách khuyên giải, nhưng bọn họ đều không nghe. Cuối cùng, trước khi Cát Phục Khanh chuẩn bị đến Phúc Châu buôn bán, mở một bữa tiệc mời hai người bạn đến từ biệt. Trong bữa tiệc Cát Phục Khanh lại mang hết lời ra khuyên giải hai người bạn. Cuối cùng chàng than thở:


-Tôi với các anh chơi thân với nhau đã bao lâu rồi chẳng lẽ thấy chuyện như thế này mà im không nói sao? Cổ nhân nói thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng, đã là bạn bè thì phải có trách nhiệm với nhau. Giả như các anh coi ta là người ngoài không muốn nghe chẳng lẽ các anh không nghĩ đến vợ con hay sao?


Hai người nghe chàng nói giả vờ nghe theo lời:


-Lão huynh nói đúng, chúng tôi sẽ rất cẩn thận.



Cát Phục Khanh xuống Phúc Châu, làm ăn buôn bán cực kỳ thịnh vượng thành ra cứ lần lữa ở lại. Thời gian thấm thoát chẳng bao lâu đã được ba năm, chàng bấy giờ mới lấy thuyền quay trở về cố hương. Thuyền đến sông Tiền Đường, chàng chợt nghĩ đến muốn tìm hai người bạn là Triệu Đắc Phu và Khương Ngạn Ích. Chẳng bao lâu sau đã tìm gặp được hai anh chàng ăn mày trên đường hình dung tiều tụy, quần áo lam lũ, tưa hồ chẳng ra con người nữa. Cát Phục Khanh vội vàng đưa họ xuống thuyền, thay cho quần áo mới, lấy rượu ngon thết đãi, hết sức an ủi. Hai người nhỏ lệ khóc nói:


-Chúng tôi hối là đã không nghe lời lão huynh thành ra mới sa sút đến mức này. Nhưng có hối thì cũng đã quá muộn. Chỉ giận rằng đám con gái lầu xanh thật là tàn nhẫn, có thể vô tình đến thế. Hai đứa chúng tôi mang cả gia tài vạn lượng vàng cung cấp cho bọn họ, nhưng ngày nay khi đi qua trước cửa thanh lâu, bọn chúng làm như không hề quen biết, cho người xua đuổi như sợ làm xấu mặt họ.


Cát Phục Khanh khuyên giải hai người bạn:


-Các anh bình thường vẫn ngao du đường hoa xóm liễu, chẳng lẽ không biết những kẻ ở chốn thanh lâu đều như vậy hay sao, việc gì phải căm hận. Nhân mệnh tại trời, hãy sớm lo thâu góp hành trang về nhà. Nếu như các anh cần vốn để làm ăn tôi sẽ giúp các anh.


Sau đó, Cát Phục Khanh tặng cho hai người hai vạn lượng bạc.



Hai người cầm món tiền chàng tặng, lại quay trở lại thanh lâu. Kỹ nữ thấy hai chàng quần áo bảnh bao chỉnh tề, dung mạo phởn phơ, ai cũng đều kinh ngạc, và đều quay trở lại tiếp đón hai chàng nồng hậu như xưa. Cát Phục Khanh thôi thúc hai chàng về quê, hai chàng bèn nói dối:


-Hãy để chúng tôi vài ngày thu thập hành lý sau đó sẽ lên đường. Nếu anh có việc cần, xin hãy đi trước.


Cát Phục Khanh nói:


-Sao nói như vậy? Ta mà bỏ đi chắc các anh sẽ chẳng buồn nhúc nhích, thôi thì có một hai tháng ta cũng cứ đợi ở đây, đâu có thể dễ dàng bỏ rơi các anh được.



Nhưng chẳng bao lâu, Khương Ngạn Ích bỗng mắc bệnh, nằm liệt tại nhà kỹ nữ. Triệu Đắc Phu mỗi ngày đến thăm kết quả rồi cũng bị lây bệnh nằm liệt giường. Chỉ mười ngày sau, hai người lần lượt qua đời. Cát Phục Khanh tống táng hai chàng đủ lễ, mang quan tài tạm thời gửi tại chùa Linh Ẩn, và trước khi thuyền rời Hàng Châu lại mang rượu thịt đến trước quan tài hai người bạn cúng tế. Cúng tế xong, thuyền nhổ neo lên đường, về đến nhà được một tháng, Cát Phục Khanh lên đường tới Thường Châu, lại thăm vợ con hai người bạn, kể cho họ biết chuyện hai người đã chết ra sao, cùng thuật lại đã lo liệu ma chay cho bạn như thế nào. Chàng còn mang một khoản tiền 4 vạn quan, tặng cho hai gia đình bạn, nhờ bà con hai họ lấy món tiền này thay họ buôn bán, giúp cho vợ con hai người cũ không đến nỗi phải khổ sở bần cùng không nhà không cửa. Rồi lại an ủi họ nói:


-Hài cốt của chồng hai vị hãy đợi lúc nào tại hạ quay trở lại Hàng Châu chắt chắn sẽ mang trở về cố hương tìm chỗ đất tốt an táng, xin đừng lo âu.



Chẳng bao lâu sau, Cát Phục Khanh lại đến Triết Giang buôn bán, thu lợi gấp mười lần, chàng bèn tìm đến chùa Linh Ẩn, xin mang quan tài hai người trở về, mua một khoản đất, an táng cho họ. Chàng còn mời sư đến mở một đạo tràng ba ngày ba đêm cầu cho hai người được an ổn nơi âm giới. Lúc bấy giờ, tình nghĩa đối với bằng hữu sâu đậm của Cát Phục Khanh đã được giới giang hồ truyền tụng.



Chẳng bao lâu sau, triều Nguyên đến lúc mạt vận, chiến loạn nổi lên khắp nơi, mọi người đều lo lắng, trong lòng bất an, Cát Phục Khanh cũng không làm sao có thể đi các nơi làm ăn buôn bán, đành ẩn nhẫn ở nhà. Đột nhiên một hôm Triệu Đắc Phu và Khương Ngạn Ích giắt tay đến thăm. Cát Phục Khanh quên rằng hai người đã chết rồi, cao hứng ra tiếp hai bạn. Cao Ngạc Ích hỏi chàng:


-Lão bằng hữu vì sao lại ẩn náu trong nhà, có vẻ như có gì lo lắng phải không?


Cát Phục Khanh kể lại cho hai người biết nguyên nhân. Hai người đồng nói:


-Không sao đâu. Chúng tôi đã xin với Thượng thiên, mang âm binh đến bảo vệ ông bạn và gia quyến.



Nói xong hai người biến mất.


Cát Phục Khanh bấy giờ mới chợt nhớ ra hai bạn mình đã qua đời. Từ đó về sau, gia đình họ Cát tuy rằng ở giữa nơi chiến loạn, nhưng quả thật ít khi gặp chuyện bất an. Đến năm Hồng Vũ thứ hai của nhà Minh, Cát Phục Khanh lúc đó đã 81 tuổi, không bệnh lìa trần.



Khoảng hai năm sau, cùng huyện có người tên là Từ Kiên Diễn được bổ làm chức huyện thừa huyện Thương Khê ở Tứ Xuyên. Một hôm trên đường đi bỗng thấy binh mã cờ xí nườm nượp, tùy tòng đi theo có đến cả trăm người. Từ Kiên Diễn nghĩ rằng có lẽ là một quan cấp trên bèn đứng lại bên bờ đường nhường cho họ đi qua. Binh mã đến nơi thì thấy vị quan đó là Cát Phục Khanh. Phục Khanh nói với Từ:


-Nghe nói ngươi đến đây giữ chức huyện thừa nên ta muốn đến gặp ngươi nói chuyện.


Nói xong, xuống ngựa, kéo Từ ngồi xuống bên vệ đường, hỏi thăm tình hình quê nhà, cùng gia đình mình bây giờ ra sao. (Từ Kiên Diễn vốn là con rể họ của họ Cát. ) Từ Kiên Diễn hỏi:


-Lão bá tạ thế đến nay đã được ba năm, con cháu đã đoạn tang, tại sao lại có mặt ở đây?



Cát Phục Khanh trả lời:


-Thượng đế thương ta có chút âm đức, phong ta chức Lưỡng xuyên đô hạt chủ quản, cai quản toàn thể vùng đất Tứ Xuyên, bao gồm tất cả các thần quỷ kể cả những thần linh không được người ta cúng tế công nhận đều dưới quyền cai quản của ta. Trong hạt của người, thôn xóm đàng trước này, có một tòa cổ miếu, đó chính là nơi trị sự của ta. Bộ hạ ta đáng lẽ có bốn vị phán quan hiện còn thiếu hai. Hôm trước ta đã tấu lên thiên đình xin cử hai người Triệu Đắc Phu, Khương Ngạn Ích. Hai người này sớm muộn gì cũng sẽ về đây. Ngươi hãy giúp ta trùng tu lại miếu cũ để ta có thể qua đó, vì quốc gia làm phúc bảo hộ bách tính.



Từ chắp tay hướng về Cát Phục Khanh xin thỉnh giáo làm quan thế nào cho tốt. Cát Phục Khanh nói:


-Không có gì khó khăn cả, chỉ cần nhớ trong lòng bốn chữ. Chỉ có liêm khiết thì mới có thể kiềm chế được mình, chỉ có nhân ái mới có thể gần dân chúng. Giữ được liêm khiết thì có thể tu dưỡng tâm thần, giữ được nhân ái thì có thể làm cho bách tính dễ dàng thuận thảo. Bách tính thuận thảo, giáo hóa được thi hành, tự nhiên mọi chuyện đều tốt đẹp.



Nói xong lên ngựa ra đi, phút chốc đoàn người đã mất hút. Từ Kiến Diễn thật vô cùng ngạc nhiên, nhưng tiếp tục đi tới làng thôn đàng trước, quả nhiên thấy có một tòa miếu cổ sửng sững trên đỉnh núi. Hỏi thăm các bô lão trong làng thì nghe trả lời:


-Đó là miếu của Đô Hạt tướng công vốn bị bỏ phế từ nhiều năm nay. Nhưng những lúc gần đây đã thấy có bóng người ngựa ra vào. Bọn chúng tôi đang tính chuyện trùng tu lại tòa miếu nhưng hiện vẫn chưa quyết định.



Từ nghe xong trong bụng rất vui bèn kể lại với họ chuyện gặp Cát Phục Khanh, khuyên họ hãy nên trùng tu lại miếu, đồng thời rút một phần bổng lộc của mình để trợ giúp thêm ngân quỹ, lại sai một viên huyện lại trông coi công việc tu bổ. Chẳng bao lâu công việc tái thiết hoàn thành, quả nhiên nguy nga tráng lệ. Và chính sảnh đường có một pho tượng Cát Phục Khanh. Hai bên sảnh đông tây có tượng Triệu Đắc Phu và Khương Ngạn Ích. Từ lại sai người đến tận Phù Châu xin thái thú cho một văn bản kể lại công đức Cát Phục Khanh. Kể từ đó tuy danh tòa miếu này chấn động thiên hạ. Về sau, Từ Kiến Diễn hết nhiệm kỳ, quay trở về quê, đến nhà Cát Phục Khanh hỏi thăm hai người con của Phục Khanh và Nguyên Lễ và Nguyên Tín và kể lại cho hai người biết chuyện mình gặp cha họ. Cát Nguyên Lễ ngạc nhiên nói:


-Anh em chúng tôi cách đây mấy năm nằm mộng thấy có hai người đến nói “nhờ ơn lệnh tôn đại nhân giúp đỡ, chúng tôi đã được bổ nhiệm Lưỡng xuyên đô hạt viện phán quan, ngày mai sẽ lên đường, vì vậy đến đây cáo biệt. Lúc gần đây lại có người từ Thường Châu đến nói chuyện gia đình Triệu Đắc Phu, Khương Ngạn Ích cũng nằm mơ thấy chuyện như vậy, chúng tôi đều không hiểu. Hôm nay nghe ngài nói mới biết rằng vong phụ nay đã trở thành thần.

 

 

Lê Mạnh Hùng dịch

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc