KỲ LÂN - Nguyễn Nam Trân dịch

24 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 79274)


KỲ LÂN

 (Kirin, 1910)[1]


Nguyên tác: Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965)

Dịch: Nguyễn Nam Trân

 

nanjing_confucious-content


Nhạc Thiều đã dứt khôn trông phụng,
Sử Lỗ biên rồi khó thấy lân!


 (Nguyễn Đình Chiểu)

 


Dẫn Nhập Của Người Dịch:


Truyện ngắn dưới đây đăng trên tạp chí Shinshichô tháng 12 năm 1910, một tháng ngay sau Xâm Mình (Shisei). Tanizaki lúc đó mới 24 tuổi. Ông đã đi thẳng vào làng văn nhờ hai tác phẩm này với sự chúc phước của các đại sư đương thời như Mori Ôgai, Ueda Bin và Nagai Kafuu.


Kỳ lân là một linh thú của thần thoại Trung Quốc, hai lần xuất hiện trong đời Khổng Tử: một lần trước khi ông sinh ra như điềm báo hiệu ông sẽ trở thành vị tố vương (vua không ngai), lần thứ hai 70 năm sau, như một con thú lạ bị người ta giết, nhân đó Khổng Tử đoán đời mình đã đến hồi chung cuộc. Nói chung, kỳ lân tượng trưng cho nhân cách phi thường của Khổng Tử.


Tanizaki và các nhà văn Nhật Bản (Mori Ogai, Nakajima Atsushi, Inoue Yasushi…) đã tìm nguồn cảm hứng hương xa trong cổ điển Trung Quốc qua hình ảnh những trang tuyệt thế như Ngư Huyền Cơ, Bao Tự, Đát Kỷ, Dương Quí Phi, Hạ Cơ…Cùng lúc, một số nhà văn Tây Phương (Gustave Flaubert, Oscar Wilde, Pierre Louys…) đặt bối cảnh các tác phẩm của họ mãi tận Jerusalem, Carthage, Alexandria…, ca tụng sắc đẹp Salammbô, Salomé và nữ hoàng Sheba. Thế nhưng, theo J.Pigeot và J.J.Tshudin, hai dịch giả Pháp và cũng là hai nhà chuyên môn về Tanizaki thì nguồn gốc của tác phẩm Kỳ Lân lạ lùng đến không ngờ. Bởi lẽ truyện này dù lồng khung trong bối cảnh Trung Quốc nhưng thực ra đã bắt nguồn trực tiếp từ hai tiểu phẩm của Anatole France nhan đề Thais (1889) và Balthasar (1886), trong đó nhà văn Pháp tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa những hiền nhân và ác nữ, cũng giống như cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử, bậc sư phó đạo đức lễ nghĩa của muôn đời, và nàng Nam Tử, tượng trưng cho sự quyến rũ của sắc dục và tâm địa ác độc. 

 


Vào Truyện

 
Phượng này, phượng này!
Sao để đức ngươi suy vi!
Chuyện chưa đến may còn đuổi kịp,
Chuyện đã qua rồi can ích chi!
Thôi ngưng đi, ngưng đi!
Những kẻ nay ra làm việc nước,
Rước vào nguy hiểm có khi
[2]

 


Năm 493 trước Tây Lịch[3]. Sách vở của Tả Khâu Minh, Mạnh Kha và Tư Mã Thiên đều chép rằng vào dịp đầu xuân, khi Định Công nước Lỗ cử hành lễ tế Giao lần thứ mười ba, Khổng tử với vài người học trò theo hầu hai bên xe, từ giã quê hương Lỗ quốc[4] , lên đường truyền bá đạo học của mình.


Bên bờ sông Tứ, cỏ thơm mọc xanh xanh. Dù trên các đỉnh Phòng Sơn, Ni Khâu, Ngũ Lĩnh[5], tuyết đã tan nhưng ngọn gió bấc, thổi hung hãn như vó ngựa Hồ, hãy còn đem đến cùng với cát sa mạc những đợt lạnh cuối cùng của một mùa đông khốc liệt. Tử Lộ hăng hái dẫn đầu đoàn người, chiếc áo hồ cừu màu tím của chàng phấp phới trong gió. Nhan Uyên ánh mắt nghiêm trang trầm tư và Tăng Sâm với phong thái thực thà đôn hậu, chân dận trong hài cỏ nối bước theo sau. Phàn Trì, gã đánh xe trung thành, vừa cầm cương điều khiển cỗ xe thắng bốn ngựa, đôi khi đưa mắt nhìn trộm khuôn mặt già nua của phu tử đang ngồi trên xe, mắt ứa lệ cảm thương cho cái số kiếp long đong của thầy mình.


Một ngày nọ, cả đoàn đã đến biên giới nước Lỗ, ai nấy đều quay lại phía cố hương lòng những ngậm ngùi, thế nhưng bóng núi Qui Sơn đã che lấp con đường vừa mới đi qua nên họ nào có thấy chi. Lúc đó, Khổng Tử mới lấy đàn cầm ra khảy, và hát bằng một giọng buồn thổn thức:


Những muốn nhìn về nước Lỗ,
Qui Sơn khuất nẻo quê rồi.
Trên tay không rìu không búa,
Đành cho cây núi che thôi.


Thế rồi cứ như thế mà đi mãi về hướng bắc suốt ba ngày liền. Đến một giải đồng bằng êm ả, họ nghe có tiếng ai ca hát thật thanh thoát. Đó là tiếng hát của một ông lão mặc áo khoác da hươu, thắt lưng giây gai, đang đi nhặt gié lúa sót trên bờ ruộng. Khổng Tử mới gọi Tử Lộ đến hỏi:


-Này Do, nghe tiếng hát này ngươi thấy nó ra sao?


-Thưa tôn sư, tiếng hát ấy không có giai điệu bi thương như khúc hát của thầy. Nó tựa cánh chim tự do bay giữa từng trời, không gì bó buộc.


-Đúng như thế. Ông lão chính là Lâm Loại[6], một môn đệ của Lão Tử ngày xưa. Tuy sống phải đến trăm tuổi rồi nhưng mỗi khi xuân về thì lại ra đồng, bao nhiêu năm rồi vẫn cứ mót lúa và ca hát. Trò nào muốn đến gặp để hỏi thăm thì cứ việc.


Nghe thầy nói thế, một đệ tử là Tử Cống bèn chạy đến giữa cánh đồng, đón chào ông lão và lên tiếng hỏi :


-Tiên sinh vừa mót lúa vừa cất tiếng hát vui tươi như thế, hẳn trong lòng không vướng một điều gì hối hận?


Thế nhưng ông lão chẳng thèm quay đầu lại, cứ chú tâm nhặt gié lúa sót, vừa bước đi, không lúc nào ngưng tiếng hát. Tử Cống vẫn không bỏ cuộc, chạy theo hỏi chuyện. Lúc đó, ông lão mới tạm ngừng hát và sau khi đưa mắt ngắm Tử Cống suốt một lượt, mới nói:


-Theo ông thì ta có điều gì để phải hối hận ?


-Tiên sinh lúc trẻ không làm gì nên chuyện, lúc lớn lên không chịu tranh đua với đời, về già vợ con không có để an ủi tuổi già, nay cái chết đến gần kề, có vui sướng gì mà vừa đi mót lúa và ca hát vui vẻ như thế?


Nghe xong, ông lão cất tiếng cười ha hả:


-Niềm vui của ta thiên hạ nếu ai muốn đều có được, nhưng ngược lại, nó đã khiến cho họ đau khổ. Lúc trẻ không nên chuyện, lớn lên không tranh đua, già không vợ con, cái chết sắp đến bên mình à, chính vì được như thế nên ta mới cảm thấy vui đấy chứ!


Tử Cống lại hỏi tiếp:


-Đã là người ai cũng cầu được sống lâu, lo sợ trước cái chết, cớ sao tiên sinh có thể vui sướng trong sự chết chóc?


-Sinh với tử cũng như đi tới nơi rồi lại quày về. Chết ở chỗ này là sinh ra ở chỗ khác. Phải biết rằng bám víu vào sự sống là một điều lầm lẫn. Chuyện bây giờ chết đi hay xưa kia sinh ra, liệu có khác gì nhau!


Ông lão trả lời như thế rồi cứ thế tiếp tục ca hát. Tử Cống không hiểu ý nghĩa lời nói của ông ta nhưng cũng quay về bẩm lại với thầy.


Khổng Tử mới bảo:


-Đó là một lão nhân mà chúng ta có thể trao đổi ý kiến được. Tuy nhiên, ông ta vẫn chưa tìm ra lẽ đạo hay chưa đạt đến cốt lõi của vấn đề!


Thế rồi cả đoàn lại đi hết ngày này sang ngày nọ theo con đường lữ hành dài dằng dặc. Họ vượt qua sông Ky. Khăn bịt đầu bằn vải đen của phu tử đã nhuốm bụi đường mà áo hồ cừu của người cũng đã bạc màu vì mưa gió. 


Khi họ vào đô thành nước Vệ[7], dân chúng ngoài đường phố chỉ trỏ vào đoàn xe và nói với nhau:


-Đấy là bậc thánh nhân người nước Lỗ tên gọi Khổng Khâu. Nghe nói ông ta đến đây để truyền lại những lời giáo huấn cao đẹp và phương pháp thi hành thiện chính cho hai kẻ cai trị bạo ngược là chúa công và phu nhân của chúng ta.


Mặt mũi của dân chúng trông gầy còm hốc hác, ai nấy đều mệt mỏi vì đói khát. Nhà cửa của họ tối tăm, từng bức vách vọng ra tiếng than van sầu muộn. Những cây hoa đẹp nhất nước đã phải nhổ đi dời vào trồng trong cung cho vui mắt phu nhân. Những con lợn béo nhất nước cũng phải đem đi tiến để miệng phu nhân xơi cho bổ khỏe. Nắng xuân tươi thắm như trêu ngươi chiếu lên những đường phố ảm đạm màu tro xám.Hơn thế nữa, trên cái gò cao nằm ngay giữa kinh thành, cung điện nguy nga tựa hồ thêu bằng năm sắc cầu vồng, giống như con mãnh thú no nê máu huyết, đang chong mắt nhìn xuống phố xá điêu tàn hiện ra như đống hài cốt. Âm hưởng của những quả chuông ngân từ trong cung sâu chẳng khác nào tiếng rống của mãnh thú, đang âm vang khắp bốn bề vương quốc.


Khổng Tử lại hỏi Tử Lộ :


-Này Do, khi nghe tiếng chuông kia ngươi thấy thế nào?


-Thưa tiếng chuông đó khác với cung bậc e dè như lời giải bày với trời cao trong tiếng đàn của thầy, cũng không được tự do tự tại, phó mặc cho tự nhiên như tiếng ca của Lâm Loại. Nó chỉ ca tụng những sự hoan lạc đi ngược với đạo trời, quả thật là thứ âm thanh đáng kinh sợ.


Khổng Tử bèn giải thích:


-Ngươi nói chí lý. Cái chuông đó tên gọi Lâm Chung tức chuông rừng, ngày xưa Vệ Tương Công[8] đã vắt kiệt tài sản và mồ hôi nước mắt của dân chúng để đúc ra. Khi chuông đó gióng lên thì tiếng kêu thê thiết của nó từ ngự uyển vang vọng ra những rừng cây. Vì chất chứa biết bao lời nguyền rủa và nước mắt của đám cùng dân, nạn nhân của chế độ hà khắc, nên nó mới vang ra những âm thanh khủng khiếp như vậy.


Linh Công[9] bước ra bao lơn Linh Đài, nhìn giang sơn đang nằm trải dài trước mắt. Ông đã cho đặt trên đài những tấm bình phong bằng đá vân mẫu và những chiếc trường kỷ cẩn đầy mã não. Bên cạnh là phu nhân Nam Tử trong tấm áo dài xanh với những vạt áo sắc cầu vồng buông lơi như đang phủ lên người một áng mây. Cả hai cùng nâng chén quỳnh sực nức hương thơm để mời nhau và nhìn xuống cảnh núi rừng đồng ruộng đang đắm mình trong lớp sương xuân.


-Trong khi cả trời lẫn đất đang trôi trong một dòng suối chan hòa ánh sáng diễm lệ như thế này, cớ sao nơi nhà dân chúng, ta không nhìn thấy một cành hoa đẹp, không nghe một tiếng chim hót véo von, nghĩa là thế nào?


Vừa nói, Linh Công vừa chau mày lấy làm quái lạ. Đang đứng hầu bên cạnh, viên hoạn quan Ung Cừ[10] mới tâu rằng:


-Thưa, nhân vì người trong nước quá đỗi cảm kích lòng nhân đức của đại vương và mến mộ dung nghi quốc mẫu nên hễ có hoa đẹp đều dâng lên để tô điểm tường giậu trong vườn ngự. Do đó chim chóc cả nước, không sót một con, vì bị hương hoa của ngự viên quyến rũ, đều tụ tập chung quanh nơi ấy rồi ạ!


Viên hoạn quan vừa dứt lời thì bỗng nghe tiếng chuông xe của Khổng Tử đang đi qua dưới Linh Đài kêu rộn ràng, phá tan cảnh tịch mịch thê lương của đường phố. Tướng quân Vương Tôn Giá[11] cũng đang tháp tùng Linh Công, mở to mắt nhìn ra dáng kinh ngạc :


-Kẻ đang rong xe dưới đường kia là ai vậy nhỉ? Ông ta có cái trán của vua Nghiêu, cặp mắt của vua Thuấn, cổ chẳng khác Cao Dao, vai sánh được Tử Sản. Từ lưng trở xuống phía dưới, so với vua Vũ[12], chắc chỉ kém mỗi ba tấc.


Nghe nói, phu nhân Nam Tử vừa trỏ tay chỉ đoàn xe và người, quay lại hỏi họ Vương :


-Nhưng sao mặt gã đàn ông đó lại rầu rĩ quá thể! Này tướng quân, khanh là người hiểu rộng biết nhiều, hãy nói cho ta hay hắn từ đâu đến vậy? 


Vương Tôn Giá giải thích :


-Thần khi trẻ đi lại các nước thì nghiệm thấy rằng ngoài Lão Đam[13], viên sử quan tùng sự ở triều đình nhà Chu, chưa ai có tướng mạo khôi vĩ như con người này. Đấy ắt là thánh nhân họ Khổng nước Lỗ vì không thực hiện được hoài bảo chính trị ở quê hương nên ra nước ngoài truyền bá đạo học của mình. Khi ông ta sinh ra, nghe nói ở nước Lỗ kỳ lân xuất hiện, từ trời cao vọng xuống tiếng nhạc khoan thai và có cả tiên nữ giáng trần. Môi ông ta như môi trâu, bàn tay như tay hổ, lưng như lưng rùa, thân dài chín thước tám tấc, nghi biểu chẳng khác Văn Vương. Người vừa đi qua là ông ta chứ chẳng ai khác.


Linh Công uống cạn chén rượu đang cầm trên tay, hỏi :


-Thánh nhân Khổng Tử dạy điều chi cho người ta vậy?


Vương tướng quân thưa thêm :


-Người được gọi là thánh nhân trong tay nắm được tất cả đầu mối của mọi tri thức. Thế nhưng trường hợp Khổng Tử, ông chỉ chú trọng việc đi đến các nước truyền bá cho bậc quân vương đường lối chính trị để tề gia, phú quốc, bình thiên hạ.


-Ta tìm sắc đẹp khắp nơi trên đời, nay đã gặp Nam Tử. Lại thu thập tài sản châu báu trong thiên hạ xây cho được cung điện như thế này. Ta chỉ còn muốn dựng nghiệp bá để có quyền uy xứng đáng với tầm cỡ của phi tử và cung điện. Vậy ta muốn các ngươi làm cách nào vời cho được vị thánh nhân đó đến đây truyền cho ta cái thuật bình thiên hạ.


Vừa nói, Linh Công vừa đưa mắt qua phía bên kia bàn, nhìn đôi môi của phu nhân Nam Tử. Lý do là bình sinh những điều gì diễn tả được nỗi lòng của ông ta đều không phải do chính ông ta nghĩ ra mà thường là những lời nói phát ra từ bờ môi của nàng.


-Thần thiếp cũng mong một lần được giáp mặt con người mà đời cho là phi phàm đó. Nếu gã đàn ông có khuôn mặt rầu rĩ kia quả là thánh nhân thì chắc hắn sẽ có nhiều điều ngỏ với thiếp lắm.


Phu nhân ngước mắt lên như người đang mơ mộng và lặng ngắm về phía xa xôi nơi đoàn xe vừa mất dạng.


Chợt khi đoàn người ngựa của Khổng Tử vừa đến trước Bắc Cung thì có một viên quan dáng dấp khôi ngô, đi theo là đám tùy tùng đông đảo, ra roi đánh một chiếc xe thắng bốn con ngựa nòi Khúc Sản[14] mà chiếc ghế bên phía hữu vẫn còn để trống, vừa đến nơi. Viên quan xuống xe, ân cần và cung kính vái chào:


-Kẻ hèn tên là Trọng Thúc Ngữ[15], vâng mệnh chúa công tôi đến đây để đón rước tiên sinh. Việc tiên sinh lần này lên đường truyền bá đạo học của ngài, tứ phương chư quốc không đâu là không biết. Hành trình xa xôi như thế chắc giờ đây mái xe xanh màu phỉ thúy của tiên sinh đã bạc cùng sương gió mà tiếng trục bánh cũng không còn êm ái bên tai nữa. Nguyện xin tiên sinh hãy đổi qua chiếc xe mới này và hạ cố đến cung điện của chúa công tôi để truyền cho người cái đạo an dân, trị nước của các bậc tiên vương. Để tiên sinh tẩy trần đã có nước nóng sôi sục và trong vắt như thủy tinh của ôn tuyền phía nam Tây Bồ, để tiên sinh đỡ khô cổ đã có các thức hoa quả cam, chanh, quất thơm tho ngọt ngào trong vườn thượng uyển, để đầu lưỡi tiên sinh nếm được những vị ngon và bụng tiên sinh no đến thỏa thuê lăn ngay ra ngủ thì đã có lợn, gấu, báo, bò, dê được vỗ cho béo sẵn trong chuồng trại của hoàng cung. Xin tiên sinh dừng bánh xe ghé lại tệ quốc, dù một, hai, ba tháng hay một năm, mười năm cũng được, để xua hết sự ngu tối mù mịt, cho chúng tôi được sáng mắt sáng lòng.


 

Khổng Tử bèn trả lời:


-Cái mà ta mong mỏi không phải là cung điện tráng lệ của bậc vương giả mà là lòng thành kính muốn học đạo tam vương[16] của người ấy thôi. Việc đó thì nước có vạn cỗ xe nhưng nếu vua như Kiệt,Trụ thì vẫn chưa gọi là xứng đáng, còn cho dù đất chỉ rộng trăm dặm mà muốn thực hành chính trị của Nghiêu Thuấn thì không thể nói là chỗ chật hẹp được. Nếu Linh Công muốn trừ những mối họa trong thiên hạ và có chí mưu đồ hạnh phúc cho bách tính thì ta xin ở lại đất này cho đến lúc nhắm mắt vùi xương. 


Thế rồi, chẳng bao lâu sau, Khổng Tử và đám đệ tử được đưa vào bên sâu trong cung điện. Những đôi hài sơn đen của họ khua vang trên nền đá mài sạch bóng không gợn hạt bụi. Họ đi qua một cơ xưởng, nơi tiếng thoi cữi kêu tanh tách và có những nàng nữ quan vừa dệt gấm vừa cùng cao giọng hát[17]:


Bàn tay mềm mại chúng em,
Hối hả may áo kịp đem cho người.


Từ dưới bóng những cành đào trong rừng đang độ ra hoa trắng như bông, có tiếng nghé ngọ lười lĩnh của những con bò đang được thả nuôi trong trại.


Vệ Linh Công nghe theo lời khuyên can của Trọng Thúc Ngữ, trước tiên ra lệnh cho phu nhân Nam Tử và đám cung tần lui ra, tẩy sạch môi miệng cho hết hương vị hoan lạc của rượu ngon, sửa soạn áo xống chỉnh tề tiếp kiến Khổng Tử ở một gian phòng trong cung điện. Linh Công đem thuật phú quốc, cường binh[18] và đạo bá vương ra hỏi Khổng Tử. 


 

Thế nhưng đứng trước những câu hỏi liên quan đến việc đấu tranh làm tổn hai nhân mạng và tàn phá đất nước người khác, vị thánh nhân nhất nhất không trả lời. Ngoài ra, người cũng không dạy điều gì nhằm vắt kiệt sức lực hay chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Như thế, người không bàn về chính tri, kinh tế hay kỹ nghệ mà chỉ trang nghiêm luận thuyết về đạo đức, coi nó là điều quan trọng nhất[19]. Người phân biệt rõ ràng giữa bá đạo nghĩa là đường lối đem sức mạnh bắt mọi nước phải phục tùng và vương đạo tức dùng nhân nghĩa để giáo hóa.


-Nếu chúa công muốn thi hành vương đạo, trước tiên cần phải khắc phục mọi dục vọng cá nhân cái đã! 


Lời răn dạy của vị thánh nhân là như thế.


Kể từ ngày hôm đó, cái làm xiêu lòng Linh Công không phải là lời nói của phu nhân Nam Tử nữa mà là giáo huấn của vị thánh nhân. Buổi sáng ra nơi miếu đường thì nhà vua hỏi Khổng Tử về đạo trị nước đúng đắn, buổi chiều đến Linh Đài học Khổng Tử về cách vận hành của thiên văn theo thời tiết bốn mùa[20]. Ban đêm ông không hề ghé qua phòng khuê của phu nhân. Tiếng thoi đưa dệt gấm trong cơ xưởng im bặt, nó được thay bằng tiếng trương bật của dây cung, tiếng vó ngựa và tiếng tiêu thiều của đám quan nhân trẻ tuổi đang trau giồi lục nghệ[21].


Một hôm, nhà vua dậy sớm, một mình leo lên Linh Đài, đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh đất nước, thấy khắp núi rừng đồng nội vang tiếng chim hót líu lo, chốn chốn nhà dân muôn hoa đua nở rực rỡ, lũ nông phu bước chân ra đồng, bận rộn canh tác mà vẫn không quên ca hát ngợi khen công đức của mình. Từ trong khóe mắt của Linh Công, những giọt nước mắt nóng trào ra vì cảm động.


Lúc đó, bất ngờ nghe tiếng ai vọng đến bên tai :


-Vì đâu chúa công lại khóc như thế này?


Một làn hương ngọt ngào mê mẩn tâm hồn phả vào mũi Linh Công. Đó là mùi thơm của những cánh đinh hương mà phu nhân thường ngậm trong miệng hòa lẫn với mùi các hương liệu và dầu hoa tường vi đến từ Tây Vực mà nàng vẫn ủ trong áo xống. Ma lực của làn hương toát ra từ thân thể người đẹp mà lâu nay ông bỏ quên giống như những cái móng tay nhọn hoắc tàn nhẫn cấu vào trái tim giờ đây trong sáng như ngọc của ông làm nó đau nhói.


-Ta xin nàng đừng đăm đăm nhìn vào mắt ta bằng cái nhìn mê hoặc. Chớ trói buộc lấy thân ta bằng đôi cánh tay mềm mại diễm kiều. Vị thánh nhân đã dạy cho ta cách chiến thắng cái ác rồi nhưng ta chưa học được từ nơi người phương pháp đối phó với sự quyến rũ của mỹ nhân. 


Linh Công nói xong, gạt phắt bàn tay người đẹp và ngoảnh mặt nhìn chỗ khác.


-Ôi chao, cái tên Khổng Khâu kia không biết tự lúc nào đã giật lấy chúa công khỏi vòng tay của thần thiếp. Đó cũng là điều dễ hiểu vì từ xưa thiếp chưa hề yêu chúa công. Nhưng ngược lại, chúa công thì không có tài phép gì để mà không yêu thiếp.


Khi nói như thế, đôi môi của Nam Tử run lên như có một cơn giận mãnh liệt đang bùng cháy. Phu nhân trước khi về làm dâu ở Vệ đã âm thầm dan díu với một chàng công tử nước Tống tên gọi Tống Triều[22]. Lý do làm phu nhân nổi giận, không phải vì tình yêu của chồng trở nên phai nhạt mà vì cảm thấy sức mạnh điều khiển trái tim đàn ông của mình đã yếu kém đi.


-Không phải ta không còn yêu ái khanh. Thế nhưng kể từ hôm nay, ta sẽ yêu khanh với tình yêu của người chồng đối với vợ mình. Cho đến gần đây, ta đã yêu khanh như một tên nô lệ phụng sự chủ nhân, giáo đồ tôn sùng thánh mẫu. Ta không làm gì khác hơn là dâng cả nước, cả dân, cả của cải, cả sinh mạng mình để mua lấy sự hài lòng của khanh. Ngày nay, nhờ vị thánh nhân dạy bảo, ta đã biết rằng hãy còn có những điều cao thượng đáng làm hơn những chuyện đó. Trong bao nhiêu lâu, cái đẹp nhục thể của khanh đối với ta là sức mạnh không gì vượt nỗi. Nhưng giờ đây tiếng nói âm vang từ con tim của thánh nhân mới là cái đem đến cho ta sức mạnh còn cao xa hơn sức mạnh nhục thể của khanh nữa.


Theo đà cái lời phát biểu đầy quyết tâm và can đảm này, đầu của Linh Công dường như ngẩng cao hơn, vai của ông vươn hẳn lên, mắt ông dám nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy phẫn nộ của phu nhân.


-Chúa công nhất định không phải là kẻ đủ cương quyết để có thể ăn nói chống báng thần thiếp. Đâu. Ngài đáng thương thật! Ở đời, không ai đáng thương cho bằng người thiếu ý chí. Tuy nhiên, thiếp có thể cướp lại chúa công từ bàn tay của Khổng Khâu ngay từ bây giờ. Miệng lưỡi chúa công thốt ra được những lời lẽ cao đẹp thực đấy nhưng khi nhìn thiếp, cớ sao mắt ngài lại lộ vẻ si mê đến thế? Thiếp có đủ phù phép để chiếm đoạt linh hồn đàn ông và sẽ ra tay đưa cái gã đàn ông gọi là thánh nhân Khổng Khâu đó vào tròng cho chúa công xem.


Phu nhân nhếch môi cười ngạo nghễ, mắt liếc xéo Linh Công rồi áo xiêm sột soạt, xẳng xớm quay xuống Linh Đài. Kể từ ngày đó, con tim vừa mới tìm được sự bình tĩnh của Linh Công đã bắt đầu cảm thấy sự xâu xé giữa hai thế lực xung khắc.


-Chư quân tử bốn phương khi đến Vệ, ai nấy đều tìm đủ mọi cách van xin để được thiếp tiếp kiến một lần. Vị thánh nhân kia là người trọng lễ, cớ sao không thấy bóng dáng ông ta đâu cả vậy? 


Khi được viên hoạn quan Ung Cừ truyền chỉ của phu nhân, vị thánh nhân khiêm tốn kia không thể cưỡng lời[23].


Khổng Tử cùng một đoàn đệ tử đến hầu ở cung điện nàng Nam Tử, họ quay sang hướng bắc khấu đầu một cách trọng thể. Từ phía trong bức màn gấm của chiếc bệ nhìn về phía nam, chỉ thấy hé lộ đôi hài thêu[24] của phu nhân. Khi nàng khẽ cúi đầu trả lễ đoàn người, tiếng châu ngọc cài trên mái tóc, tiếng chuỗi hạt đeo cổ và vòng xuyến trên cườm tay chạm vào nhau nghe như tiếng nhạc.[25]


-Mọi người khi đến nước Vệ này, ai được nhìn mặt thiếp cũng đều ngạc nhiên tấm tắc : ‘Trán của phu nhân giống như Đát Kỷ, mắt của phu nhân là mắt Bao Tự”. Nếu tiên sinh quả thực là bậc thánh nhân thì xin chỉ dạy cho thiếp biết, tự thời tam hoàng ngũ đế xa xưa đến nay, trên mặt đất này, có người nào dung mạo xinh đẹp hơn thiếp chăng?


Nói xong, phu nhân mới vén tấm màn để lộ một nụ cười tươi tắn rồi cho gọi cả bọn đến gần. Nàng đội mũ miện phượng hoàng, cài thoa hoàng kim, giắt lược đồi mồi, áo khoác màu cầu vồng óng ánh như vẩy cá, khuôn mặt vui vẻ rạng rỡ như lấp lánh muôn tia sáng mặt trời. 


-Thần chỉ tìm hiểu về những người đạo cao đức trọng chứ còn về những người có khuôn mặt đẹp thì thần không biết gì cả.


Nghe Khổng Tử trả lời như thế, Nam Tử lại hỏi tiếp :


-Thiếp đang thu thập những đồ lạ lùng, quí hiếm trên cõi đời này. Trong kho tàng của thiếp có cả vàng Đại Khúc lẫn ngọc Thùy Cức[26]. Trong vườn của thiếp còn có rùa Lũ Cú, hạc Côn Luân[27]. Thế nhưng thiếp chưa từng thấy kỳ lân, giống linh vật xuất hiện mỗi khi có bậc thánh nhân ra đời. Thiếp cũng chưa được nhìn bảy cái lỗ trên trái tim [28] mà một người đại hiền ắt phải có. Nếu tiên sinh thực sự là thánh nhân thì có thể nào cho thiếp được xem chỗ ấy hay không?


Đến đây, Khổng Tử bèn đổi sắc mặt, nghiêm nghị đáp :


-Thần không biết gì về những vật quí hiếm, lạ lùng. Sở học của thần là điều mà đàn ông đàn bà nhà quê nhà mùa ai cũng học được, và đó cũng là những điều không biết là không được.

Phu nhân nghe xong, hạ giọng :


-Đàn ông hễ nhìn mặt thiếp, nghe tiếng thiếp nói thì dẫu mày đang chau cũng thư giản, mặt có tối sầm cũng sáng sủa ra. Cớ sao mỗi tiên sinh lúc nào cũng vẫn giữ vẻ buồn bã ủ dột? Thiếp thấy khuôn mặt nào buồn đều khó coi cả. Khi còn ở nước Tống, thiếp có biết một gã trai trẻ tên gọi Tống Triều. Anh chàng này không có vầng trán cao sang như tiên sinh nhưng thay vào đó, đôi mắt anh ta trong sáng đẹp đẽ như trời xuân. Còn như Ung Cừ, hoạn quan hầu hạ bên mình thiếp đây, tuy hắn ta không có cái giọng oai nghiêm của tiên sinh nhưng tiếng nói của hắn lại thanh tao như tiếng chim xuân. Nếu tiên sinh thực sự là bậc thánh nhân thì phải có khuôn mặt xinh đẹp phù hợp với một tâm hồn phong phú chứ. Bây giờ, thiếp xin vì tiên sinh mà xóa đám mây u ẩn và gạt đi những điều phiền não đang ám ảnh tiên sinh. 


Thế rồi quay lại đám cận vệ tả hữu, phu nhân bảo họ đem đến một cái hộp.


-Thiếp có nhiều loại hương thơm. Khi trong lòng phiền muộn, chỉ cần ngửi làn hương này sẽ cảm thấy như bước vào trong một thế giới huyền ảo tuyệt vời.


Theo lời nàng ra lệnh, bảy thị nữ đầu đội kim quan, lưng thắt thắt lưng liên hoa, nâng bảy lò hương, đến đặt chung quanh chỗ vị thánh nhân ngồi.


Lúc đó, phu nhân bèn mở hộp hương ra, lần lượt lấy từng loại hương một ném vào trong các lò hương. Bảy làn khói đậm lặng lẽ vươn lên khỏi bức màn gấm. Những làn khói vàng và tím lẫn vào khói trắng của gỗ bạch đàn như quyện lại với nhau biết bao nhiêu giấc mộng dị thường đã mấy trăm năm chìm dưới đáy Nam Hải. Hương thơm của mười hai loại uất kim hương[29] ngưng đọng tất cả tinh anh của loài cỏ thơm đã được nuôi dưỡng bằng những đợt sương xuân. Có cả thứ long diên hương cô lại từ nước dãi ứa từ miệng rồng trấn giữ đầm sâu ở Đại Thạch Khẩu[30] cũng như trầm hương chế ra từ nhựa của rễ cây quí hiếm chỉ có ở đất Giao Châu. Chúng nó có sức lôi cuốn lòng người, đưa họ vào một thế giới mộng tưởng xa xôi, ngọt ngào. Dù vậy, nó chỉ làm cho khuôn mặt của bậc thánh nhân đăm chiêu như đang ẩn giữa lớp mây mù.


Phu nhân vẫn tươi cười bảo:


-Này, khuôn mặt của tiên sinh đã bắt đầu sáng sủa hơn một chút rồi đấy. Thiếp có rất nhiều thứ rượu ngon, chén quí. Nếu hương thơm đã đem đến cho cõi lòng cay đắng của tiên sinh phần nào sự ngọt ngào thì vài giọt rượu sẽ làm cho thân thể tôn nghiêm cứng nhắc của tiên sinh được thư giản khoan khoái.


Nghe nàng ra lệnh, bảy thị nữ đầu đội mũ ngân quan, thắt lưng bồ đào lại cung kính đem đủ loại rượu quí và chén quí đặt lên bàn.


Phu nhân rót từng thứ rượu vào những cái chén, mời mọi người một lượt. Những giọt rượu này có ma lực giúp người ta đâm ra khinh miệt mọi thứ đạo đức để chỉ chuyên chú vào những gì tượng trưng cho sắc đẹp. Có thứ rượu rót trong chén ngọc quỳnh, trong suốt đến nổi có thể nhìn thấy xuyên qua đó những tia sáng màu xanh, không hương vị trần gian nào sánh kịp. Nó giống như một thứ nước cam lồ đem đến cho người uống niềm hoan lạc trên thượng giới. Lại có thứ chén màu lam ngọc, mỏng như tờ giấy, có thể tự nó hâm được rượu cho nóng. Khi rót rượu lạnh vào, chỉ cần đợi một chốc thôi, nó sẽ phát nhiệt sôi lên và thiêu đốt được mối sầu trong gan ruột con người. Còn loại chén gọi là hà ngư đầu có hình thù đầu con tôm sống ở vùng Nam Hải đang nổi giận nên chùm râu đỏ đâm ra vài tấc. Chén được cẩn bằng những hạt vàng và ngọc, trông tựa như bọt sóng. Thế nhưng chừng ấy thứ chỉ làm cho vị thánh nhân chau mày ủ ê thêm mà thôi. 


Nụ cười của phu nhân lại càng thêm tươi :


-Kìa, khuôn mặt của tiên sinh tỏa sáng hơn hồi nãy rồi đấy! Thiếp có rất nhiều thứ thịt chim và muông thú. Người đã được khói hương xóa sạch những phiền não trong hồn và được sức mạnh của rượu làm cho khớp xương thớ thịt thư giản, cần phải nếm những món ăn đậm đà đầu lưỡi nữa chứ.


Phu nhân vừa dứt lời đã có bảy thị tì đội mão trân châu, thắt lưng thái canh[31] đến đặt trên bàn đủ các loại thịt chim và thú lạ. Nàng tiếp tục mời cả đoàn dùng hết món này đến món khác. Nào là bào thai huyền báo, nào phượng non Đan Huyệt[32], có cả thịt rồng khô núi Côn Luân lẫn bàn chân con tượng. Chỉ cần cho vào miệng một miếng thịt ngon ngọt như thế này, người ta lúc đó sẽ không đếm xỉa, phân biệt thiện ác gì nữa. Thế nhưng khuôn mặt của vị thánh nhân vẫn đượm buồn.


Lần thứ ba, phu nhân lại cất tiếng cười dòn :


-Ôi chao, gương mặt tiên sinh giờ đây càng thêm tươi tắn và tôn quí. Người nào sau khi ngửi được làn hương huyền diệu, nhấm nháp vị cay ngây ngất của rượu ngon, ăn được miệng thịt bổ béo ấy rồi thì có thể bước vào một thế giới thần tiên huyền ảo vừa vừa dữ dội vừa kích thích vừa đã mắt mà kẻ phàm tục hằng mong được thấy để thoát khỏi những lo âu và sầu muộn của thế gian này. Bây giờ thiếp xin được phép trình bày truớc mắt tiên sinh cái thế giới ấy.


Nói xong, quay lại một hoạn quan hầu cận, nàng đưa ngón tay trỏ vào bức màn gấm xếp nếp và buông dài đang phủ kín một góc tường, truyền lệnh cho tả hữu kéo nó giạt ra hai bên.


Bên kia bức màn là những bậc thang dẫn xuống khu vườn trước mặt. Dưới bậc thang và trên mặt đất trãi lớp cỏ xanh thơm mới nhú mầm, ánh sáng của một ngày xuân ấm áp chiếu dọi lên một nhóm người, không biết là bao nhiêu, tay chân bị trói và nằm chồng chất lên nhau. Người thì ngẫng mặt lên trời, người quị gối dưới đất, kẻ trông như đang chồm lên, kẻ khác lại như thể muốn đấu đá. Từ trong đám người đủ hình đủ dạng này văng vẳng những âm thanh lạ lùng như tiếng khóc than, lúc thì kêu gào, lúc thì rên rĩ, nghe thật khủng khiếp. Có người thì thân thể nhuộm đỏ chót trông giống một đóa mẫu đơn đang nở rực rỡ, có người thì run rẫy xác xơ như con bồ câu bị thương. Bọn họ là đám tội nhân đang chịu những cực hình, phần vì lý do là pháp luật của nước này vốn rất nghiêm khắc, phần để làm trò quí phi xem chơi cho thích mắt. Không có lấy một người được mảnh vải che thân, không một ai da thịt lành lặn. Trong bọn họ, có một gã đàn ông chỉ vì không ngớt lời phê phán sự độc ác của phu nhân nên mặt mày đã bị cột bào lạc[33] hủy hoại, lỗ tai bị xiên và cổ phải mang gông nặng. Lại có cả người con gái đẹp chỉ vì cái tội muốn được Linh Công yêu thương, đã chuốc lấy lòng ghen tương của phu nhân đến nỗi bị xẻo mũi, cắt gân chân và xiềng bằng xích sắt. Trước quang cảnh này, Nam Tử thần hồn như bay bỗng, nó làm cho khuôn mặt nàng có cái đẹp của nhà thơ và vẻ trầm tư của triết gia.


-Đôi khi thiếp vẫn tháp tùng xe chúa công ngự đi qua những đường phố trong thành. Nếu chúa công nổi hứng, tình tứ nhìn cô gái nào trong đám người qua lại thì thiếp sẽ ra lệnh vây bắt ngay và cho cô ta chịu cái số phận như thế này. Giờ đây thiếp cũng muốn tiên sinh đi cùng xe với Chúa Công và thiếp dạo chơi trong thành. Sau khi đã thấy cảnh tượng thiếp trừng trị lũ tội đồ kia rồi, chắc hẳn tiên sinh không có ý làm phật lòng thiếp chứ ạ? 


Trong câu nói đó của phu nhân, có tiềm ẩn một ước muốn áp chế và hủy hoại mạnh mẽ. Ánh mắt vẫn dịu dàng trong khi miệng lại thốt ra những lời đanh ác, chuyện đó xưa nay đối với phu nhân vẫn là điều bình thường.


Một ngày xuân nọ vào năm 493 trước Tây Lịch, trên đất Thương Khư[34] nằm giữa hai con sông Hoàng Hà và Ky Thủy, có hai cỗ xe thắng bốn ngựa dạo trên đường phố thành đô nước Vệ. Trên chiếc xe đầu tiên, dưới bóng tàn lọng do hai nữ quan cầm che hai bên, theo hầu chung quanh là đám đình thần và cung nhân, vua Linh Công nước Vệ, bên cạnh có thái giám Ung Cừ và phu nhân Nam Tử, người đàn bà có cái tâm địa của Đát Kỷ và Bao Tự, đang ngồi. Trên chiếc xe thứ hai[35] với một đoàn đệ tử đi đằng trước đằng sau là thánh nhân Khổng Tử, kẻ xuất thân xứ Tưu[36] quê mùa, lòng mang nặng hoài bảo chính trị vua Nghiêu vua Thuấn.


-Thôi rồi, nhìn đây đủ thấy là cái đức thánh nhân của ông ta không làm gì được trước sự bạo ngược của quí phi. Từ giờ trở đi, có lẽ những lời bà ta phán ra sẽ trở thành pháp luật của nước Vệ mà thôi. 


-Ông thánh nhân tướng mạo rầu rĩ thật. Còn bà ta trông mới ngạo nghễ làm sao! Nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy gương mặt phu nhân lại đẹp như hôm nay.


Đám thường dân tụ tập trong ngõ, mắt nhìn theo đoàn xe đi ngang qua, miệng bàn tán với nhau như vậy.


Tối hôm đó, phu nhân Nam Tử trang điểm đặc biệt lộng lẫy, nằm trên nệm gấm, chờ đợi đến tận khuya. Hình như ai đang gõ nhẹ cửa rồi có tiếng hài rón rén bước vào.


-Ôi chao, rốt cuộc chúa công đã trở lại với thần thiếp đấy à? Từ rày về sau và cho đến mãi mãi, thiếp sẽ không cho chúa công ra khỏi vòng tay của thiếp nữa đâu nhé!


Phu nhân mở rộng hai cánh tay, vươn ra nâng lấy tay áo dài của Linh Công. Đôi tay mềm mại, như bốc lửa vì men rượu, biến thành một sợi giây ràng buộc khó gỡ quanh thân thể Linh Công.


-Ta thù ghét khanh. Khanh đúng là ác nữ. Khanh là con quỷ sống đã hủy hoại đời ta. Thế nhưng ta không sao có thể rứt bỏ được ái khanh.


Giữa khi Linh Công run rẩy nói, đôi mắt của phu nhân lấp lánh một niềm tự hào quái ác.


Sáng ngày hôm sau, thầy trò Khổng Tử một đoàn lại lên đường trực chỉ đất Tào để tiếp tục truyền bá đạo học[37].


Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã. 


“Ta chưa từng thấy có ai yêu đạo đức bằng yêu sắc dục”. Đó là câu nói cuối cùng của vị thánh nhân khi người giã từ nước Vệ. Lời ấy được chép trong Luận Ngữ, trước tác quí giá của người và vẫn còn lưu truyền mãi đến bây giờ.

 

(Dịch xong tại Tokyo tối 25/06/2008)



[1] Văn Bản:

-Tanizaki Jun.ichirô, 1981,Kirin, trong Toàn Tập Tanizaki Jun.ichirô, quyển thứ 1, trang 75-90, Chuô Kôron, Tôkyô xuất bản, tái bản lần thứ nhất năm 1992. Nguyên tác Nhật ngữ.

-Pigeot, Jacqueline & Tschudin, Jean-Jacques, 1986, Kirin, dịch sang Pháp văn từ Kirin, đăng trong Tanizaki Oeuvres, Tome I, trang 13-26 (dịch), trang 1606-1618 ( bình chú), Gallimard xuất bản, 1997. Bản tham chiếu.

[2] Nguyên văn: Phượng hề, phượng hề. Hà đức chi suy. Vãng giả bất khả gián. Lai giả do khả truy. Dĩ nhi, dĩ nhi. Kim chi tùng chính giả, một nhi.(Luận Ngữ). Tương truyền là bài hát của Tiếp Dư tức Sở Cuồng, một ẩn sĩ giả điên, với ngụ ý phê bình Khổng Tử (người cao cả như con chim phượng) khi họ gặp nhau khoảng năm 489 trước Tây Lịch, nhưng như thế lại là sau chuyến đi sang nước Vệ của Không Tử, bối cảnh của truyện ngắn này.

[3] Theo J.Pigeot và Tschudin, Khổng Tử đã từ Lỗ đến Vệ lần đầu tiên năm 497TCN tức là sớm hơn thời điểm trong truyện những 4 năm. Hai người cho rằng Tanizaki hoặc không coi trọng sự chính xác lịch sử cho lắm hoặc đã sai lầm vì vô ý.

[4] Tương truyền vì mắc mưu ngoại bang đem tặng nữ nhạc nên Lỗ Định Công mãi vui chơi, chỉ làm lễ tế trời qua quít khiến cho Khổng Tử chán nãn, bỏ quan mà đi.

[5] Tên sông, núi đều là địa danh nằm gần Khúc Phụ trong tỉnh Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử.

[6] Một đạo gia, truyện có chép trong sách Liệt Tử.

[7] Một trong sáu nước lớn đời Xuân Thu, nay thuộc vùng Hồ Bắc, Hồ Nam, xưa là đất phong của Khang Thúc, em trai Vũ Vương nhà Chu.

[8] Vệ Tương Công là bố của Linh Công. Tuy con một người thiếp, Linh Công được cha chọn làm vua thay vào chỗ của trưởng nam.

[9] Vua chư hầu, trị vì từ năm 534 đến 493 TCN. Nàng Nam Tử, vợ ông ta, xuất thân quí tộc nước Tống, nổi tiếng là con người phong hóa đồi bại, can dự nhiều đến triều chính và các việc phế lập sau khi Linh Công chết.

[10] Nhân vật có thực, từng được nhắc đến trong Sử Ký của Tư Mã Thiên.

[11] Danh tướng nước Vệ, đã cầm quân kháng cự và thắng quân Tần năm 502 TCN. Không Tử có nhắc đến ông hai lần trong Luận Ngữ.

[12] Nghiêu, Thuấn, Vũ tức ba đế vương trong thần thoại, tượng trưng cho đạo đức và đại nghiệp. Cao Dao là quan hình pháp cứng rắn và liêm khiết của vua Thuấn, còn Tử Sản, người cùng thời, được Khổng Tử đặc biệt kính trọng. Tử Sản làm tể tướng nước Trịnh, có tài cải cách chính trị và ngoại giao, còn đặt ra bộ luật thành văn đầu tiên của Trung Quốc.

[13] Một tên hiệu của Lão Tử, tương truyền trước kia có làm việc ở văn khố nhà Chu trong thành Lạc Dương.

[14] Tức giống ngựa quí sinh sản ở đất Khúc, lúc đó thuộc về Tần, nằm ở phía bắc Hoàng Hà.

[15] Nhân vật có thực, cố vấn cho Linh Công về nghi lễ. Được Khổng Tử khen ngợi như Vương Tôn Giá trong Luận Ngữ để giải thích cho học trò rằng nhờ có tôi hiền nên một ông vua bạo ngược như Vệ Linh Công có thể sống còn.

[16] Ám chỉ các vua hiền thời cổ. Đồng nghĩa với từ “tam hoàng ngũ đế” , ba vua năm đế, nghĩa là thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc.

[17] Đây là một bài hát mà Tanizaki mượn từ Vệ Phong trong Kinh Thi. “Tham tham nữ thủ, Dĩ thường khả phùng” đại ý trách người chồng bắt người vợ mới cưới về phải làm việc quần quật mà không để ý tới công khó.

[18] Chữ dùng trong Chiến Quốc Sách, phần nói về nước Tần, cũng là kế sách mà chính phủ Nhật thời Meiji hô hào.

[19] Luận Ngữ thuật lại là Khổng Tử chỉ tập trung thuyết về nhân và lễ.

[20] Chứng minh ảnh hưởng của thiên văn học và lịch số đến việc trị nước. Kinh Thư và Chu Lễ là những tác phẩm cơ bản của đạo Nho đều có đề cập đến vai trò quan trọng của thiên văn. 

[21] Sáu ngành học cần thiết cho bậc sĩ trở lên gồm lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, đặt ra từ đời nhà Chu.

[22] Theo Luận Ngữ và Sử Ký, Tống Triều là một người rất đẹp trai, vai anh em (ruột hay cùng cha khác mẹ) với Nam Tử cho nên còn có thể xem đây là một mối tình loạn luân nữa. Ông ta từng đến Vệ chơi năm 496 và có thể đã có mặt lúc Khổng Tử ở đó.

[23] Việc Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử có chép lại trong Luận Ngữ. Cuộc viếng thăm này đã gây ra một sự bất mãn nơi một số đồ đệ.

[24] Chắc cảnh khoe chân này là để dành cho Tanizaki, người nổi tiếng có khuynh hướng yêu thích bàn chân (foot-fetischism).

[25] Để diễn tả cực ý của sự xa hoa, kể từ những dòng này, Tanizaki sẽ dùng nhiêu từ tu sức bằng Hán văn hiểm hóc. Ví dụ hoyô (bộ dao) khi nói đến đồ trang sức trên tóc hay yôraku (dao lạc) để chỉ đồ trang sức trên cổ và trên tay. Dịch giả buộc lòng phải dịch thoát.

[26] Những vùng đất có tính truyền thuyết. Đại Khúc nổi tiếng vì vàng và kiếm có chất lượng tốt. Thùy Cức là một địa danh trong đất Tần, nơi sản xuất ngọc thạch. Có lẽ Tanizaki đã xuất điển từ các tác phẩm như Tả Truyện hoặc các sách Xuân Thu khác.

[27] Lũ Cú không rõ ở đâu nhưng được biết như nơi nổi tiếng vì rùa. Riêng Côn Luân, còn đọc là Côn Lôn, là rặng núi có tính thần bí nằm ở Tân Cương, ngăn đồng bằng Tarim với Tây Tạng.

[28] Ám chỉ trái tim quí hiếm có bảy lỗ của Tỉ Can, một người hiền, chú của vua Trụ, đã bị ông vua bạo ngược này sai mổ tim để làm thuốc cho ái cơ Đát Kỷ.

[29] Có chép trong Lương thư, được xem như một loại hương thơm dùng để chế rượu lễ. Có nơi dịch là mùi thơm bột nghệ (safran des Indes) hay hương hoa vành khăn (tulipe). Thường xuất hiện trong thơ Đường (Lư gia thiếu phụ uất kim hương vv…)

[30] Một địa danh ở tỉnh Sơn Tây, Hoa Bắc, xưa là nơi buôn bán giao thương với Mông Cổ.

[31] Các dịch giả người Pháp dịch là hoa tilleul (hoa cây đoạn)

[32] Tên một ngọn núi miền Đông Bắc Trung Quốc, nơi xuất phát Đan Thủy, dòng sông đổ ra biển Bột Hải (Liêu Đông).

[33] Hình phạt dã man của vua Trụ nhà Ân cho bôi dầu cho trơn cột đồng nung trên lò than và bắt người ta đi qua.

[34] Nền cũ cố cung nhà Ân (Thương), nay thuộc An Dương (Hồ Nam).

[35] Sử Ký Tư Mã Thiên có chép lại điều khuất nhục này. Chỗ còn lại trên xe thứ nhất đã dành cho một viên hoạn quan thay vì Khổng Tử, người được xem như bậc sư phó của nhà vua.

[36] Tên quê quán Khổng Tử trong tỉnh Sơn Đông, cách sông Tứ 60 lý về hướng đông nam, nơi cha ông từng trấn nhậm.

[37] Tào là một tiểu quốc nằm giữa Vệ và Tống, ở Sơn Đông. Thật ra, theo Sử Ký, Khổng Tử còn trở lại đất Vệ sau đó hai lần, lần đầu vào năm 494 TCN để gặp lại Linh Công nhưng vẫn không được dùng, và lần thứ hai vào năm 489 TCN để cố vấn cho người kế vị Linh Công.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc