Nhũ Mẫu
(Maha Pajapati)
Ấn
độ có những con sông dài bắt nguồn từ những dẫy núi tuyết trùng trùng điệp điệp
ở thật xa. Từ thượng nguồn, giòng sông đi
qua những con thác đổ, lặng lờ trôi theo những con suối nhỏ lạnh giá, rồi cuồn
cuộn chảy qua những khe núi và thung lũng, giòng nước chảy xiết càng ngày càng
trở nên thẫm mầu với những mảnh vụn cát đá cuốn theo, cho đến khi nó đổ vào những
đồng bằng ở dưới. Ở nơi đồng bằng mênh mông con sông cũng bắt đầu mở
rộng, giòng nước lạnh giá trở nên ấm áp dần, bồi lên mặt đất những phù sa cát đá
mầu mỡ. Giòng sông luân lưu đổi mới không
ngừng giữa những tầu thuyền đi lại tấp nập trên mặt nước.
Mẹ
của Phật, Hoàng hậu Maya, đã mất sớm ngay khi vừa sanh hạ ra ngài. Như những giòng
trường giang, bà cùng người em gái là Gotami đã từ quê hương núi tuyết trên cao
đi xuống đồng bằng phía dưới để về sống với vị quốc vương của thành Ca Tỳ La Vệ,
một thành phố xinh tươi với những tòa nhà quét vôi mầu trắng giữa những cây lá
xanh mầu. Họ được quý trọng và nuông chiều hết mực; hàng ngày họ mặc áo gấm lụa
lượt là, đeo những đồ trang sức quý giá, đi dạo trong vườn ngự uyển ngắm những con công xòe cánh rực rỡ bên bờ ao
sen.
Maya
lâm bồn trong một ngày đặc biệt đầy những hiện tượng lạ nhiệm mầu và rồi qua đời
mấy ngày sau đó. Gotami ôm lấy đứa bé giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người,
rồi khóc cho người chị quá cố trong tang
lễ của hoàng hậu. Sau đó Gotami đã hạ sanh con trai riêng của bà, nhưng giao
con cho người vú nuôi, còn bà tự tay nuôi nắng săn sóc cho người cháu ruột, con
của Maya. Bà và nhà vua hồi hộp chờ đợi
cho qua những ngày tháng bất trắc đầu tiên của đứa trẻ mới chào đời – nhưng cả
hai bé đều mạnh khỏe, không có vấn đề. Đến
ngày lễ đặt tên, bà ôm trên tay đứa cháu ruột, con trai của Maya và nghe nhà
vua thì thầm bên tai mấy lần “Siddartha”
(Tất Đạt Đa), có nghĩa là “toàn thịnh”, và con trai của Gotami được gọi là
“Nanda”.
Với
tình thương hết mực của một người mẹ, Gotami đã tự tay chăm chút từng miếng ăn
thức uống, cho đến những áo quần, trang sức cho hai đứa bé từ những bước đầu chập
chững. Hai đứa trẻ lớn lên cùng với
nhau. Khi cả hai được ba tuổi, Gotami hạ sanh một con gái đặt tên là
Sundari-nanda. Sundari lúc nào cũng quấn quit bên mẹ, trong khi hai đứa bé trai
càng ngày càng xa dần, vì phải bận rộn trong việc học hành, cả về văn lẫn võ, để
trở thành người lãnh đạo tài ba sau này. Lớn lên một chút, họ bắt đầu săn sóc đến
bề ngoài, vẽ những vết sâm nhỏ mầu đen gần
mắt, tô môi đỏ, bôi dầu thơm gỗ đàn hương lên người. Đến tuổi thanh niên, họ để râu, vấn khăn
quanh đầu, lịch lãm trong những bộ trang phục sang trọng thêu chỉ vàng.
Họ trở thành những vị hoàng tử trẻ có cung điện riêng biệt với nhiều cung tần mỹ nữ. Khi Tất Đạt Đa được hai mươi chin tuổi, chàng kết hôn với Yasodhara, một nàng công chúa nổi tiếng đẹp tuyệt trần.
Suốt
trong những năm tháng ấy, Gotami đã biết đứa cháu trai của bà có điều gì không
an ổn trong tâm. Tính tình ít nói, trầm
mặc, chàng như lúc nào cũng ở một thế giới sâu kín nào đó, ít khi nào tận hưởng
hoàn toàn những thú vui trước mắt. Và rồi
bất ngờ một đêm, Tất Đạt Đa đã lặng lẽ biến mất khỏi cung điện, gởi trả về theo
người xa nặc mớ tóc dài mới cắt và những quần áo sang trọng. Tất Đạt Đa ra đi dứt
bỏ hết những luyến ái ràng buộc, ngay khi Yasodhara vừa hạ sanh đứa con trai đặt
tên là Rahula (La Hầu La). Gotami đã khóc
hết nước mắt, tưởng chừng như không bao giờ gặp lại đứa cháu ruột, đứa con nuôi
thân yêu.
Bẩy
năm sau, Tất Đạt Đa trở về thành Ca Tỳ
La Vệ, một con người mới hoàn toàn. Tất Đạt Đa của ngày xưa không còn nữa, bây
giờ đã trở thành một bậc Giác Ngộ, được gọi là Đức Phật, Đức Thế Tôn. Vua Tịnh Phạn và Gotami cho làm lễ tiếp đón ngài trọng thể, tuy nhiên,
một số vị trưởng thượng trong bộ tộc Thích Ca vốn kiêu mạn tỏ vẻ không khâm phục. Đức Phật quy phục họ bằng cách thị hiện thần
thông, phân thân làm nước và lửa, rồi cho mưa từ trên bầu trời trong sáng rơi
xuống chỉ tưới ướt một số người . Yasodhara cho người ra cúng dường Đức Phật, nhưng không đi đón, đợi Đức
Phật đích thân về đến cung điện mới bước ra cung nghinh ngài. Tất cả mọi người đều hoan hỉ nghe Đức Phật
thuyết về những chân lý đã tỏ ngộ, và dốc lòng quy y ngay theo ngài.
Rồi Đức Phật ra đi, mang theo Nanda và người em họ là Ananda đi cùng. Rahula, lúc đó đã bẩy tuổi, quyến luyến đi theo cha và ở lại với ngài. Gotami lại khóc hết nước mắt, bà thấy tuổi già đang đến và cảm thấy cô đơn hơn bao giờ. Chẳng bao lâu sau, vua Tịnh Phạn cũng băng hà, để lại bà và Sundari-Nanda hoàn toàn lẻ loi. Cũng từ đó, Gotami càng ngày càng lãnh vai trò chỉ đạo hơn, nhất là đối với những phụ nữ yếu đuối tìm đến bà. Do đó, bà bắt đầu được gọi là Maha Pajapati, có nghĩa là “thủ lãnh của một đám đông”.
Mùa
thu đến, thời tiết bắt đầu mát dần, mặt đất cũng khô đi sau những ngày mưa dầm
dề của mùa hạ. Đức Phật một lần nữa lại trở về Ca Tỳ La Vệ để tìm cách ngăn ngừa
chiến tranh giữa hai bộ tộc Koliya và Thích Ca. Pajapati, lúc đó đã phát tâm muốn xuất gia, bèn yêu cầu được diện kiến Đức
Phật. Khi ngài đưa tay ra đỡ lấy bà, người
mẹ, người dì đã nuôi dưỡng ngài từ thuở ấu thơ, bà ngỏ lời cầu xin:
“Bạch Thế Tôn”, bà nói, đôi giòng lệ tuôn rơi, “xin ngài chấp nhận cho tôi đi theo, cho hàng phụ nữ được gia nhập Tăng đoàn, sống trong khuôn khổ của Giáo Pháp.”
Ngài
nhìn bà lòng đầy thương cảm, nhưng dường như có một khoảng cách xa xôi giữa hai
người. Ngài đã vượt qua mọi nỗi cô đơn của
một con người, nhưng biết rằng con đường ngài đi theo đó là một cuộc hành trình
cô đơn, đầy cam go thử thách – và khi đạt được cứu cánh rồi vẫn không phải là
chấm dứt, mà còn tiếp tục mãi mãi. Tuy ngài là một bậc giác ngộ, đã thành Phật
nhưng vẫn là một con người, vẫn ở trong những điều kiện duyên hợp và tương đối
của đời sống. “Phật Pháp không lìa thế gian giác” - giác ngộ không phải là một
bảo vật quý giá để thụ đắc và nắm giữ, mà là một cái gì sinh động nơi tâm, phải
được thâm nhập, khai phá, và luân chuyển với thực tại trước mắt. Đức Phật nhận biết rõ hơn ai hết về tánh Không, tánh bình đẳng và không phân biệt nơi vạn pháp.
Nhưng với trí tuệ thấu suốt, ngài cũng nhìn thấy sự phức tạp trong môi trường sống
của con người, với những liên hệ nhân quả
chằng chịt, và ảnh hưởng của những thói
quen tập quán trong xã hội. Tuy tánh Phật
không khác, nhưng con người sinh ra với
tính khí chất khác nhau, nên được xếp đặt những vai trò khác nhau. Người nam mạnh
mẽ, cương cường, nên đảm nhiệm việc gây dựng sự nghiệp, xông pha tranh đấu ngoài
trường đời. Người nữ vốn yếu mềm hơn về
thể chất lẫn tinh thần, nên ở nhà lo việc tề gia nội trợ, nuôi dưỡng gia đình. Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ còn nặng nhiều thành
kiến và giai cấp. Một phụ nữ bỏ nhà ra đi sống đời lang thang sẽ bị nhìn với
con mắt đầy nghi kỵ và thiếu thiện cảm. Trách nhiệm tinh thần đặt nặng lên vai ngài cho những sự thay đổi có tính
cách cách mạng trong xã hội.
Vả lại, bà là nhũ mẫu, lại
già rồi, bỏ nhà ra đi thật không thích hợp chút nào, không những thế còn phải đối
đầu với biết bao nhiêu gian khổ nữa.
Ngài từ tốn nói: “Pajapati, xin người bỏ ý định đó đi. Điều đó không thể nào được đâu.”
Nhưng bà vẫn tiếp tục. “Bạch Thế Tôn, ngài có biết là bây giờ chúng tôi hoàn toàn bơ vơ, không còn gì để nương tựa, không còn gì để luyến tiếc nữa không? Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều vô thường, giả tạm, có đó rồi mất đó. Giáo pháp ngài tuyên giảng là con đường giải thoát mở ra cho mọi người. Xin chấp nhận cho chúng tôi được xuất gia theo ngài tu tập, sống cuộc đời thanh tịnh trong khuôn khổ tăng đoàn,.”
“Thôi đi, người đừng nói nữa” , Ngài lại nói. “Phụ nữ phải ở lại nhà. Thế giới này sẽ ra làm sao nếu phụ nữ không ở nhà lo tề gia nội trợ?”
Bà
lại năn nỉ xin mấy lần nữa, nhưng Ngài vẫn từ chối. Rồi ngài ra đi về thành
Vesali cùng với tăng đoàn, và bà bị bỏ lại đàng sau.
Cùng
lúc đó, những phụ nữ càng ngày càng tìm đến Pajapati, có khi từng đoàn một, để
xin được giúp đỡ và hỗ trợ, vì giờ đây họ trống trải một mình, chẳng còn chồng
hay con trai - đó là không kể đám cung tần mỹ nữ trong cung ngày xưa giờ đây đã
trở thành mất phương hướng. Tất Đạt Đa
trở về đã đem theo đi một số lớn những người con trai, những người chồng trong
bộ tộc Thích Ca gia nhập vào tăng đoàn, khiến đám phụ nữ trở thành cô quả, sống
cuộc đời như góa bụa. Rồi chiến tranh xẩy
ra giữa bộ tộc Kolyans và Thích Ca, làm chết thêm nhiều người nam trong vùng. Các góa phụ tìm đến Pajapati có đến 500 người,
tất cả đều cô đơn không còn ai, chỉ còn biết nương vào nhau mà sống.
Pajapati
đã có nhiều công đức tích luỹ từ nhiều quốc độ Phật trong thời quá khứ. Khi là người đứng đầu một đội ngũ nô lệ gánh
nước, bà đã săn sóc cho năm vị Bích Chi Phật. Trong một kiếp khác, bà đã cúng
dường 500 vị Phật Bích Chi. Chủng tử xa
xưa đó đã khiến bà lãnh hội được ngay những lời giảng của Đức Phật. Xuất gia không phải chỉ là một ước muốn thay
đổi hoàn cảnh, mà là một chí nguyện thiết tha muốn được giải thoát khỏi vô minh
phiền não, luân hồi sinh tử. Bà là người có nhiều năng lực- có sự nhất tâm, toàn
ý, với một nguồn ý chí mạnh mẽ vô tận. Pajapati ngồi xuống dưới đất cạo bỏ mái
tóc của mình, rồi choàng lên người những mảnh vải mầu vàng. Yasodhara, giờ đây
không có chồng, cũng chẳng còn con, cũng làm theo, tiếp đó là Sundari-nanda, và
một số cung phi mỹ nữ, cùng 500 người đàn bà khác đều làm như vậy. Rồi họ bắt đầu
lên đường đi về hướng thành Visali.
Những làng mạc lúc ấy như những ấp chiến lược với hàng rào bao bọc chung quanh để ngăn chận những con thú dữ như hổ, voi rừng đến xâm nhập, ngay cả những kẻ xấu. Đoàn người nữ đông đảo này đi qua nhiều làng mạc khác nhau, đôi khi nghỉ lại nơi những nhà khách, gây sự chú ý ở các địa phương, đi đến đâu dân chúng ồn ào tụ tập lại đến thăm hỏi họ. Họ băng qua những con sông lạch, vòng qua những hồ nước, lội qua những cánh đồng đầy nước bùn lầy. Họ ngủ dưới những cây khuynh diệp và cây butô, hay dưới những bụi tre trúc, và đôi khi, họ phải lội xuống suối để giặt quần áo, gặp những con cá sấu, con tê giác đang bơi trên sông. Ngày qua ngày, họ lê từng bước chân mệt mỏi vượt qua cuộc hành trình 150 dặm, nếm mùi gian khổ chưa từng có với những mệnh phụ, những công nương cao quý sống một cuộc đời nhung lụa êm ấm từ trước tới nay.
Khi họ đến Visali, đám người đàn bà đứng trước cổng tịnh xá, Pajapati đứng phía trước, thân hình tiều tụy, quần áo rách nát lấm lem, đôi chân đất sưng vù chẩy máu với những vết trầy sướt. Cánh cổng đóng chặt, đám người nữ tủi thân, than khóc sầu thảm. Mọi người trong thành bắt đầu chú ý, đến tụ tập chung quanh. Nghe tiếng ồn ào, Đại đức Ananda bước ra hỏi thăm:
“Lệnh Bà Pajapati, tại sao người lại đến đây khóc than như vậy?”
“Ananda, vì Đức Thế Tôn không cho phụ nữ chúng tôi được gia nhập tăng đoàn! Xin hãy giúp chúng tôi, nói dùm với Đức Thế Tôn chấp nhận chúng tôi đi!”
Nhìn Pajapati khóc lóc thảm thiết, Ananda động lòng thương xót, vào gặp Phật năn nỉ xin ba lần, cố tìm cách thuyết phục ngài chấp nhận cho họ được xuất gia, nhưng Đức Phật vẫn nhất mực từ chối. Cuối cùng, Ananda hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, người nữ có khả năng giác ngộ, thành tựu đạo quả không, nếu họ cũng từ bỏ đời sống thế tục mà xuất gia sống khép mình trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà ngài đã đề ra?
Phật trả lời rằng người nữ có khả năng làm được.
Ananda nghe vậy cảm thấy khích lệ, bèn bồi thêm:
- Bạch Thế Tôn, theo như ngài
nói người nữ có khả năng tu tập để thành tựu đạo quả, như vậy thì Lệnh bà
Pajapati cũng có thể làm được điều đó. Vả lại, bà đã có công nuôi dưỡng ngài từ
nhỏ bằng chính sữa của mình, đã chăm lo cho ngài với biết bao nhiêu ân tình.
Nay bà đã từ bỏ tất cả, không kể tuổi già sức yếu chịu bao gian khổ để đến đây, lẽ nào ngài nỡ lòng nào từ chối ? Nếu Thế Tôn
chấp nhận bà thì đó cũng là một đại hạnh cho nữ giới được có cơ hội xuất gia
theo tăng đoàn, sống trong khuôn khổ giáo pháp và giới luật mà Đức Như Lai đã
tuyên dương.
Với
những lời nói tâm lý đó, Ananda đã thuyết phục được Đức Phật. Ngài đành phải chấp
nhận cho Mahapajapati và phái đoàn phụ nữ được xuất gia, với điều kiện phải tuân
theo Tám Giới Chánh, trong đó tỳ kheo ni phải hoàn toàn chịu phục tùng và ở vị
trí thấp hơn tỳ kheo, dù đó là người nhỏ hơn rất nhiều.
Giới luật của tăng đoàn khởi đầu chỉ có bốn giới, dần dần qua những lỗi lầm các đệ tử đã phạm, Đức Phật tăng lên càng ngày càng nhiều. Khi chấp nhận Mahajapati, ngài còn đặt thêm 84 điều luật nghiêm ngặt riêng cho các tỳ kheo ni, ngoài 277 giới luật có sẵn. Đức Phật có bất công đối với nữ giới hay không? Làm sao chúng ta, với tầm nhìn hạn hẹp, có thể phán đoán được hành vi của một vị Phật, một bậc giác ngộ đã vượt khỏi những phân biệt đối đãi thường tình? Có điều chắc chắn là, tầm nhìn của ngài không phải chỉ hạn hẹp với những gì trước mắt, mà bao trùm một tương lai dài rộng, cho đến nhiều thế kỷ về sau. Theo tiên đoán của ngài, giáo pháp của Đức Thích Ca sẽ bị diệt vong sớm 500 năm, nếu nữ giới được xuất gia và sống trong khuôn khổ tăng đoàn. Thiên cơ như thế nào, có lẽ chỉ có Đức Phật mới biết được. Ngài đã cố tìm cách ngăn chận không để cho điều ấy có thể xẩy ra – tuy nhiên, khi không còn có thể từ chối được Mahapajapati, ngài chỉ còn cách cứu vãn bằng những hàng rào cản của giới luật.
Tất cả những giới luật Đức Phật đặt ra đó không làm suy suyển Mahapajapati. Từ nhiều kiếp trước bà đã có cơ duyên gặp gỡ những vị Phật và đã phát nguyện một ngày nào đó cũng sẽ trở thành một vị A La Hán. Nay nhân duyên đã đến, tâm nguyện xưa càng kiên cố hơn bao giờ hết, không gì có thể làm cản trở được. Bà nói lớn: “Được rồi! Tôi sẽ chấp nhận và giữ gìn những giới luật này như đang đeo một vòng hoa sen quý trên đầu vậy!”
Thế là từ đó, bộ mặt của các đường
phố trong vùng thay đổi với hình bóng những tỳ kheo ni trong chiếc áo vàng, đầu
cạo trọc, ngày ngày đi khất thực quanh các làng mạc. Họ chia ra từng cặp, có khi từng nhóm, ở
trong những mái nhà tranh vách đất. Một
số ít còn ở một mình trong rừng, ngủ dưới các tàng cây như phái nam. Họ chấp nhận
sống cuộc đời kham khổ, tuân thủ theo những giới luật nghiêm khắc do Đức Phật đặt
ra.
Ngày xưa, Gotami đã bế ẵm, ân cần nuôi nấng, dạy dỗ Tất Đạt Đa, ngày nay, bà học lại từ ngài những chân lý cao siêu giải thoát. Phật dạy:
“Này Gotami, nếu pháp môn nào đưa đến khát vọng mong cầu, ngã mạn, ưa thích chốn phồn hoa náo nhiệt, không làm cho an vui, không gợi lên niềm tôn kính, không làm cho tinh tấn và có trí tuệ đạo hạnh, pháp môn ấy không phải là Chánh Pháp, không phải là Giới Luật của Như Lai.
Còn bất luận pháp môn nào không đưa đến khát vọng mong cầu, không ngã mạn, làm cho an vui, ưa thích nơi yên tĩnh thanh tịnh, gợi lên niềm tôn kính, làm cho tinh tấn và có trí tuệ đạo hạnh, thì đó đúng là Chánh Pháp, là Giới Luật của Như Lai. “
Gotami tận dụng mọi cơ hội để tu học với Đức Phật, nhất tâm tọa thiền, chẳng bao lâu chứng được đạo quả A La Hán. Các mệnh phụ dòng Thích Ca cùng xuất gia với bà cũng đều được đắc quả như vậy. Nhưng trong hàng nữ đệ tử của Phật, bà được liệt vào hàng “Cao Hạ Đệ Nhất” với khả năng vượt trội, đạt được sự chứng ngộ sâu xa nhất. Bà trình lên Đức Phật: “Nay tôi ở trong không lặng hoàn toàn” – sự không lặng của trạng thái Niết Bàn tịch tịnh trong thiền định. Nhìn lại đoạn đường đã trải qua từ vô số kiếp, bà nói kệ như sau:
Từ bao kiếp nay
Tôi đã lang thang
Là vợ, là mẹ, là con,
Là cha, là anh, là ông nội, ông ngoại
Trong vô minh, không biết, không hiểu
Nay được gặp Thế Tôn
Tất cả đều đoạn diệt
Thân này là thân cuối cùng
Sanh tử sẽ không còn trở lại!
Vài
năm sau đó bà thỉnh cầu Đức Phật cho điều chỉnh lại giới luật để được bình đẳng
hơn giữa nam và nữ tỳ kheo, nhưng ngài đã
cương quyết từ chối.
Pajapati
sống đến 120 tuổi. Một ngày nọ, thấy trong người yếu mệt, biết duyên trần đã
dứt, bà xin Đức Phật cho bà được nhập diệt. Lúc đó mặt đất rung chuyển dữ dội, trời mưa như trút nước - mưa như nước mắt khóc thương của những người ở
lại. Đức Phật đến, chứng minh cho bà được
nhập Niết Bàn.
Lúc
ấy, những hiện tượng lạ xẩy ra – Gotami tự phân ra thành nhiều thân, hòa vào
trong hư không, bay bồng bềnh, lướt trên
ngọn cây, tỏa năng lượng đầy sức nóng. Rồi bà nằm xuống, vượt qua các tầng thiền
sâu kín trong tiến trình nhập diệt, như một vị Phật.
Hoa
trời lả tả rơi, các ngọn núi đều chuyển động, và trong ngày tang lễ, mặt trời, trăng và sao đồng xuất hiện một lúc. Sau lễ trà tỳ, xá lợi của bà để lại nhiều vô
số, được Ananda gom lại đem giao cho Đức Phật.
Ngài nói: “Pajapati là một thân đại thụ trong cây của Ni Đoàn.”
Ngọc Bảo