Cây của mẹ
Nguyên tác Okaasan no ki của Okawa Essei
Chỉ mới trước đây ít lâu thôi, ở một nơi nọ, có một bà mẹ. Bà có bảy người con trai.
Vào năm 1937, cuộc chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc bùng nổ và kéo dài mãi không chấm dứt, hơn nữa còn mở rộng thành một cuộc đại chiến, giữa Nhật Bản với cả thế giới. Các con của mẹ trưởng thành, rồi bắt đầu là từ người con cả Ichiro cứ lần lượt bị bắt gia nhập quân ngũ, nào lục quân, rồi hải quân.
Lúc ấy mẹ đã nghĩ gì nhỉ.
Cứ mỗi lần các con của mẹ bị bắt lính, mẹ lại trồng một cây ngô đồng con, từng cây một, nơi khoảng đất trống sau nhà, và đặt tên cho chúng là Thằng Cả Ichiro, Thằng Hai Jiro, Thằng Ba Saburo. Mỗi buổi sáng mẹ loay hoay nào tưới nước cho cây, nào dựng cọc nương cho cây đứng vững, rồi mẹ nói chuyện với chúng:
-Mẹ chào Ichiro.
-Mẹ chào Jiro.
-Saburo, Con đi đánh trận có giỏi không? Chớ có bông đùa mà phải nghiêm chỉnh lo lập chiến công hiển hách để phung sự tổ quốc nghe chưa.
Con trai út còn ở nhà thấy thế thì cười bảo “Mẹ làm như chúng con còn trẻ con nhỉ”. Con trai út còn nói đã trồng cây thì thay vì trồng loại cây toàn ra lá, sao mẹ không trồng loại cây ra quả có phải hơn không.
Thế nhưng mẹ vẫn bảo rằng mẹ thích làm như thế hơn, và ra sức chăm bón những cây ngô đồng trồng cho những người con trai của mẹ. Có lần không biết có ai nghịch ngợm vặt lá cây Jiro, mẹ thấy thế thì lo lắng nói:
-Jiro, con bị đau đâu hả. Chóng khỏi đi nhé. Ngoài mặt trận nước không sạch đâu, nhớ là không được uống nước sống sít đấy.
Lại có những ngày mùa đông, thấy những cành cây trơ trụi đang run rẩy trong gió bấc thổi vù vù, mẹ liền khích lệ :
-Này, các con hãy gắng ra sức giữ vững tinh thần, giữ cho đừng bị cảm lạnh nhé.
Ba năm, rồi bốn năm trôi qua.
Những cây ngô đồng của các con trai mẹ nay có thêm Thằng Tư Shiro, Thằng Năm Goro. Các cây tuần tự lớn dần, mỗi cây cao hơn nhau một khúc, và đều to lớn cứng cáp ra. Trong những năm tháng ấy, dù trời nắng hay trời mưa, mỗi buổi sáng mẹ đều ngẩng nhìn từng cây một và cất tiếng thăm hỏi xem tất cả có được bình an vô sự không, có bị thương hay không.
Thế rồi, một ngày nọ, cây ngô đồng ấy thì vẫn không có gì thay đổi cả, nhưng có một viên chức hành chánh tìm đến tận nhà, trao mảnh giấy báo tin người anh cả Ichi ro đang ở bên lục địa Trung Hoa đã “Tử trận quang vinh”.
Mẹ bất ngờ quá, lồng ngực như muốn nghẹn, xong vẫn gắng gượng, cúi rạp xuống hai bàn tay đặt trên nền nhà thi lễ:
-Xin cảm ơn quý ông đã bỏ công đến báo tin cho biết. Gia đình cũng mừng là cháu nó đã làm được việc có ích cho đất nước.
Chẳng bao lâu, tro hài cốt của Ichiro đựng trong chiếc hộp gỗ mộc trắng và gói trong mảnh vải trắng được đưa về nhà. Lúc ấy, trước mặt mọi người, mẹ đã không để rơi một giọt nước mắt.
Thế nhưng khi tang lễ xong xuôi, thân bằng quyến thuộc và xóm giềng ra về cả rồi, mẹ đã vụt chạy ra sân sau nhà. Mẹ dựa người vào cây của Ichiro, áp má vào thân cây thô cứng, mà nức nở than khóc:
-Ichiro, Ichiro, khổ thân cho con tôi. Con bị trúng đạn đau lắm nhỉ. Con đâu có muốn chết phải không?
Không chỉ có thế thôi, mà từ ngày Ichiro bị tử trận những lời mẹ nói với những cây ngô đồng cũng hoàn toàn khác với trước đó.
Trước đây mẹ thường căn dặn các con đừng có nhởn nhơ bông đùa mà phải nghiêm chỉnh lo lập chiến công hiển hách để phụng sự tổ quốc. Thế mà bây giờ thì mẹ lại dặn rằng:
-Các con Jiro, Saburo, Shiro đứa nào cũng vậy, không được chết như anh Ichiro nghe chưa. Không lập được công trạng gì cũng chẳng sao, không được đội trưởng khen cũng mặc, các con hãy sống sót mà trở về đây cho mẹ.
Thế rồi, không biết có ai đấy, chắc là nghe đồn đãi mà biết được, đã tìm đến gặp mẹ, thì thầm vào tai mẹ, dặn dò rằng:
-Bà mà nói thế sẽ bị coi như tội đồ phản quốc, bất hợp tác với chính phủ đấy. Miệng thế gian cay nghiệt lắm, bà hãy cẩn thận.
Người ta còn nói đến điềm gở này nữa:
-Cây ngô đồng cứ đến mùa đông thì rụng lá, không tốt đâu. Ai cũng bảo là sẽ thành cây mọc ở mộ địa, bà nên nhổ hết đi.
Tuy thế mẹ vẫn một mực ra sức chăm bón cẩn thận những cây ngô đồng của những người con trai của mẹ. Có hôm mẹ ôm thật chặt bức ảnh của Ichiro vào lòng mà nói, như thể nói chuyện với người còn sống:
-Bây giờ mẹ mới dám nói chứ, có thật là con chết để giúp ích cho đất nước mà mẹ vui ư. Mẹ sinh con, ra sức nuôi cho con khôn lớn, đâu phải là để cho con chết vì trận mạc.
Có khi mẹ nhìn đăm đăm về phía trời xa, nơi có chiến địa, mà gọi thật não nùng:
-Các con ơi, làm cho những ông bố của các gia đình phải chết và chiếm cứ phố phường làng mạc của nước người ta, thì phỏng có gì hay? Hãy chấm dứt chiến tranh mà giảng hòa đi thì hơn.
Mẹ chỉ là một bà mẹ bình thường ở thôn quê, mẹ không biết một tí gì về những điều cao siêu. Mẹ cũng không biết rằng đó là một cuộc chiến mà cuối cùng là Nhật Bản sẽ bị bại trận.
Chỉ có điều là vì Ichiro bị tử trận, nên mẹ thấy thương quá, và mẹ lo cho những đứa con khác, nên mẹ mới cầu mong như vậy.
Từ đó, hễ có người nào ở gần nhà mà bị bắt lính là mẹ lại cầu nguyện cho họ được vô sự trở về. Hễ có tro cốt của ai được đưa về, thì mẹ khóc than cùng gia đình họ. Mẹ lại nghĩ đến lúc Jiro, Saburo, Shiro được trở về mạnh khỏe, thì bèn ra sức cày bừa, trồng thật nhiều các thứ nào khoai, nào kê, nào đỗ.
Thế nhưng chiến tranh đã chẳng chấm dứt, mà còn ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Chẳng biết từ bao giờ, trên sân sau nhà đã có 7 cây ngô đồng mọc thành hàng thật cao, cao vút. Còn trái lại thì lưng mẹ cứ ngày một còng mãi xuống.
Cuộc chiến đã kéo dài đến 8 năm.
Các thành phố như Tokyo, Osaka bị thiêu rụi, thật nhiều người chết, Hiroshima và Nagasaki thì bị thả bom nguyên tử nổ chói lòa khiến người ta chết vô số kể. Thế rồi, vào một ngày hè oi bức, nhằm vào lúc ở miền quê đang làm lễ vu lan theo âm lịch, thì Nhật Bản đã thua trận.
Mẹ ngồi trước bàn thờ, trong ngôi nhà trống trải, vừa lần tràng hạt vừa nói:
-Thế là cuối cùng khắp cả nước Nhật đều bất hạnh. Bây giờ mẹ không còn có thể cầu xin tất cả các con được trở về nữa. Nhưng cầu Trời Phật cho con tôi có đứa trở về được, dù chỉ một đứa thôi.
Trên bàn thờ Phật của mẹ có cắm hoa cúng mùa vu lan màu vàng màu tím, và trên bức tường bên cạnh bàn thờ là ảnh của bẩy người con trai đã ngả màu ố vàng.
Jiro đã tử trận khi quân đội Nhật bị tiêu diệt hoàn toàn trên một hòn đảo ở phía Nam.
Saburi đã chìm xuống biển sâu cùng với chiến hạm
Shiro đã tử trận tại Guadalcanal, Goro bị mất tích trong rừng rậm của Miến Điện.
Rokuro đã đi Okinawa rồi tử trận ở đó, Shichiro lái máy bay trong đội đặc công cảm tử, chở theo bom, rồi cứ thế lao vào tàu địch.
Chẳng có một người con trai nào của mẹ được bình yên vô sự trở về.
Tuy vậy, mẹ vẫn ngày ngày cầu nguyện “một đứa cũng được, chỉ một đứa thôi cũng được, xin cho con tôi trở về “và mẹ đợi chờ.
Chẳng bao lâu trời cũng đã sang thu. Lá cây ngô đồng sau vườn bắt đầu lác đác rụng. Mẹ liền nhặt từng chiếc lá lên mà nói lẩm bẩm rằng:
-Chiếc lá to bản này là lá Jiro. Chiếc lá dầy dặn này là lá Saburo. Chiếc lá thon dài và nhọn này là lá Shiro. Lá này là Goro, cái thằng lanh lẹn háo thắng không đời nào mà đạn trúng nó được. Đây là Rokuro là đứa hiền lành nhất trong mấy anh em, còn chiếc lá nhỏ bé này là lá Shichiro.
Thế rồi mẹ thở một hơi thật dài, ngửng nhìn lên ngọn cây mà nói:
-Không phải là lỗi tại các con đâu. Mà là vì những ông cha bà mẹ trên khắp nước Nhật này đã bạc nhược yếu hèn. Nếu tất cả cùng nhau một mực nói rằng “chúng tôi không cho con trai chúng tôi đi lính đâu, chúng tôi không thích chiến tranh”, thì đã không ra nông nỗi này.
Mùa thu qua, rồi đến mùa đông lạnh lẽo của năm thua trận.
Khi những binh sĩ còn sống sót lác đác trở về, mẹ bồn chồn không sao kiên nhẫn chờ được, mỗi lần có chuyến xe lửa tới là mẹ chạy ra bên đường rầy xem thử. Ban đêm hễ gió thổi làm cánh cửa kêu lạch cạch là mẹ vùng dậy, xem thử đó có phải là Shiro hay Goro.
Nhưng một năm trôi qua rồi vẫn chẳng có một ai trở về. Không biết từ khi nào mắt mẹ đã mờ đi, má đã hóp lại, lưng đã cong gẫy gập hẳn xuống.
Rồi cứ thế mà trời lại sang thu, khi lá ngô đồng bắt đầu lác đác rơi, mẹ lại nhặt lá và lẩm bẩm:
-Chiếc lá to bản này là lá Jiro. Chiếc lá dầy dặn này là lá Saburo. Chiếc lá thon dài, và nhọn này là lá Shiro. Lá này là Goro cái thằng lanh lẹn háo thắng không đời nào mà đạn trúng nó được.. Đây là Rokuro là đứa hiền lành nhất trong mấy anh em, còn chiếc lá nhỏ bé này là lá Shichiro.
Cứ thế rồi có một ngày, không phải là có bưu thiếp gửi tới, mà là có một người lính quần áo rách bươm, chiếc chân phải kéo lê, từ trên xe lửa bước xuống. Người lính cứ bước được vài bước thì lại phải dừng lại nghỉ, cứ thế đi về phía nhà của mẹ.
Mãi một lúc sau người lính mới tới trước nhà, ngước mặt nhìn có vẻ như nhớ lại kỷ niệm xưa, rồi anh ta gọi:
-Mẹ ơi, xin mẹ đừng ngạc nhiên. Con là Goro còn sống trở về đây ạ.-
Quả không phải là chuyện trong mơ, mà thực sự đó là Goro bị cho là đã mất tích trong rừng rậm Miến Điện.
Thế nhưng không biết tại sao, trong nhà vắng lặng im lìm không có tiếng trả lời. Goro lấy làm lạ, ra sân sau xem thử, thì thấy mẹ đang ôm chiếc lá rụng mà mẹ đã nhặt lên, và đang tựa người vào thân cây Goro.
-Mẹ ơi, mẹ!
Mặc cho Goro lay gọi, đôi mắt mẹ không bao giờ còn mở ra nữa.
Ít lâu sau, để tưởng nhớ mẹ, Goro đã trồng một cây hồ đào con cho hạt ngọt bùi. Nào tưới nước, nào bón phân.
Thế rồi hơn hai mươi năm trôi qua.
Giờ đây, những cây ngô đồng già nua đã được đốn đi, còn cây hồ đào thì cao lớn xum xuê, hàng năm cho thật nhiều quả cho hạt thật bùi. Bấy giờ các con của Goro bảo nhau “Cây hồ đào của bà đã ra quả. Ta hái nào, hái nào“ và rồi chúng hái ăn.
Bấy giờ, vẫn như mọi khi Goro lại kể cho các con nghe những kỷ niệm về mẹ, hay xoa đầu các con mà rằng:
-Ta không muốn phải trồng những cây ngô đồng cho các con như bà đã trồng.