VỚI TRẦN HOÀI THƯ - Trần Thụ Ân

06 Tháng Sáu 20249:06 CH(Xem: 536)



Với Trần Hoài Thư

 

Ngày 27 tháng 5, khi được một người bạn gửi tin nhắn: “Sáng Nay Nhà Văn Trần Hoài Thư Cất Cánh Theo Con Chim Yến Bay Về Trời”, tôi thật bàng hoàng xúc động chỉ trả lời được hai tiếng “Oh no!”

Trước đó khoảng ba tuần, tôi có biên ít chữ thăm vợ chồng anh và hỏi sao lâu quá không thấy anh đăng bài vở gì trên blog của anh thì được anh trả lời vỏn vẹn có mấy chữ: “Nhà tôi qua đời 27/4” và tôi cũng đã hồi âm “Oh no!” cùng ít lời chia buồn. Chắc là khi anh trả lời cho tôi, nỗi buồn cách xa vĩnh viễn với chị Yến lại dâng trào, tôi thật có lỗi với anh.

Và thật là “Oh no!” vì chỉ đúng một tháng mà anh Thư đã ra đi theo vợ anh mất rồi!

 

Trần Hoài Thư, một văn sĩ, một thi sĩ đã nổi tiếng từ trong nước ra đến hải ngoại có nhiều hoạt động trên văn đàn và được tặng danh hiệu “NGƯỜI NGỒI KHÂU DI SẢN VĂN CHƯƠNG”.

TH Thư

 

Lúc nào cũng vậy, khi nghĩ tới anh Thư là hình ảnh một ông già miệt mài lái xe từ nhà ở Plainfield, New Jersey đến thư viện đại học Cornell ở Ithaca, New York, đoạn đường 220 dậm, để ghi chép, thu thập tài liệu, sách vở cũ của Văn Chương Miền Nam trước năm 1975  mang về, in thành sách và gửi biếu cho chính tác giả và những ai cần. Phải có một tấm lòng thiết tha với chữ nghĩa, văn chương mới có thể làm được việc này liên tục  23 năm như vậy, bắt đầu từ tháng 10 năm 2000 với Thư Quán Bản Thảo số 1 đến Giai Phẩm Thư Quán Bản Thảo 12-2023, “Hạt vàng đã mất” sưu tập những bài tùy bút, tạp ghi, nhận định của Nhà Văn Mai Thảo. Đúng là anh đã sống giống như tên thật của anh: Trần Quí Sách.

 

Niềm cảm phục thứ hai của tôi với anh là sự thương yêu của anh dành cho chị Yến, đặc biệt được biểu hiện qua sự vui mừng của anh khi anh đến chăm nom cho chị vào mỗi cuối tuần ở nhà thương, mối tình trẻ mãi không già.  Dưới đây là bài thơ và tấm ảnh anh Thư đã gửi cho bạn bè:

 

Tới lui

Con đường tới trước khi chưa tới

Con đường lui sau đã qua rồi

Chưa tới có nghĩa là sẽ tới

Đã qua thì đã tới rồi xa!

Thượng đế chỉ cho người bước tới

Có bao giờ quay lại để bước lui?

Bước tới để da mồi tóc trắng

Còn bước lui thì trẻ mãi không già

Và bởi gì không thể bước lui

Nên tôi mượn xe tình em đẩy tạm

Sau tập trái tim trẻ mãi không già!

TH Thư 1

Tôi cũng gửi trả lời anh vài câu:

 

Coi chừng quay lui là mất tất cả 

Vì đâu ai ngăn cản được tuổi già 

Rất mừng anh còn một trái tim thật khỏe 

Và mối tình trẻ mãi không già 

 

Và còn không biết bao nhiêu là thơ văn mà anh viết cho chị Yến đăng rải rác trên blog của anh:   https://tranhoaithu42.com/

 

Khoảng tháng Giêng năm 2019, tôi có liên lạc anh Thư để xin mua quyển “Cào lá ngoài sân đêm”, quyển sách đăng thơ Đinh Cường với rất nhiều tranh của ông, nhưng sách đã hết. Không ngờ anh Thư đề nghị sẽ sắp xếp để in một quyển cho tôi nhưng tôi đâu dám để anh bỏ công sức, thời giờ làm một việc như vậy nên đã từ chối. Thật cảm động với tấm lòng của anh.

 

Ngoài việc in ấn những tác phẩm thơ văn cũ của anh và các tác giả khác  thỉnh thoảng anh cũng có in vài tập thơ văn mới. Về văn có “Cảm tạ văn chương” (2020), về thơ có “Xa xứ” (2010), “Vịn vào lục bát” (2017) , “Khi nhớ về Bà-Gi” (2018) mà tôi luôn được anh gửi tặng. Đặc biệt ở quyển “Vịn vào lục bát” anh đã ưu ái đề tặng:

 

TH Thư 2

 

 

Tôi đã biên email cám ơn anh đồng thời ghi lại cảm nhận của mình qua một bài lục bát:

 

Người khâu Di Sản từ xa

Gửi sang ta một món quà văn chương

“Vịn Vào Lục Bát” dễ thương

Những bài thơ ngắn thẳng đường bay đi

Về lại Thời Chiến gian nguy

Ghé ngang Khu Sáu bạn bè hỏi han

Thời xưa hiện rõ từng trang

Đọc lên tiếng vọng ngập tràn hôm nay

TTA

 

Đâu ngờ bài thơ cũng được anh đăng trong Thư Quán Bản Thảo số 76, chủ đề: Giới Thiệu Tập Thơ VỊN VÀO LỤC BÁT Của Trần Hoài Thư.

 

Ngày 5 tháng 7 năm 2021 tôi có gửi anh bài thơ “Có chắc là đêm rồi sẽ khuya?”:

 

Có chắc là đêm rồi sẽ khuya?

Ngày đứng yên giữa ngọ quên chiều

Thời gian đôi lúc như dừng bước

Để những mặt đường im tiếng kêu

 

Có chắc mây đen rồi sẽ mưa?

Gió mang hơi nóng đến thay mùa

Trời cao đôi lúc nơi hò hẹn

Để nắng buông màn một góc trưa

 

Có chắc dòng sông ra đại dương?

Qua bao ghềnh thác lỡ quên đường

Ghé thăm đồng ruộng chờ lúa chín

Để rạch đong đầy nỗi vấn vương

 

Có chắc bỏ đi rồi sẽ xa?

Bao nhiêu hình ảnh khó phai nhòa

Người trong tâm khảm luôn còn đó

Để khối ân tình mãi với ta

TTA

 

Chỉ khoảng ít giờ sau tôi nhận được bài thơ đối lại của anh:

 

Có chắc là đêm rồi sẽ khuya?

Khi phòng ta cửa đóng quanh năm
Kim giờ kim phút không xê dịch
Từ dạo người đi, ngày như đêm 

Có chắc mây đen rồi sẽ mưa?

 Sẽ mưa hay là đồi động kinh
Mặt trời sợ quá chui mây ẩn
Khói napalm như màn mây đen

Có chắc dòng sông ra đại dương?

 Đại dương nào, chỉ một nghĩa trang

 Khi sông giáp biển nơi đầu cửa

 Là nước mắt sông lờ lợ ngập tràn

 

Có chắc bỏ đi rồi sẽ xa?

Trời ơi, tôi không muốn chia ly

Nếu thương tôi, cho tôi quên lảng

Đừng bắt tôi chụp bóng chụp hình

THT

 

Ta bắt gặp ý thơ của anh vẫn còn phảng phất hình ảnh của chiến tranh mà anh đã trải nghiệm qua những lần đi tác chiến.

 

Năm 2014, tôi đã gom góp thơ của mình, in ra rồi nhờ tiệm Office Depot đóng thành tập và có gửi tặng anh Thư một quyển. Đâu ngờ trong đó có một đoạn trong bài thơ “Một ngày, một đời” đã mang anh về thời chinh chiến và anh đã ghi lại trong blog của anh:

 

AUGUST 7, 2014 BY TRANHOAITHU


rớt xuống lòng ta những mặt người...

Tôi mới nhận được tập thơ từ một thân hữu. Trần Thụ Ân.  Không thấy tên nhà xuất bản. Không thấy bạt, tựa. Không thấy tiểu sử. Không hình ảnh chân dung. Chỉ là những tờ giấy khoan lỗ, kết dính lại bằng những khoanh, như ta vẫn thường thấy ở những binding về hồ sơ…. Rõ ràng, người bạn mới quen, đã tận dụng computer để tạo nên một món quà văn chương dã chiến.

Vậy mà, tôi trân trọng để bên giường. Vậy mà, đêm đọc bài thơ, mà sáng thức giấc cứ bềnh bồng ý thơ Trần Thụ Ân. Để phải đến computer mà ghi vội.

Một ngày, một đời

buổi sáng mang hồn thơ lên núi
tới cổng chùa sóng sánh tràn ra
ngồi kiết già đọc kinh Bát Nhã
thơ chìm vào kinh mất cả ta

buổi trưa thiền hành nghe chim hót:
công án ngàn đời gửi nhân gian
bước chưa qua khỏi lời ai oán
đành thở dài thêm tiếng gió khàn

buổi chiều theo lá rơi xuống núi
bỏ ưu phiền ở lại cùng cây
mây bay thanh thản đưa tay vẫy
mặt trời chìm sâu đóng cửa ngày

buổi tối nở đầy sao trong mắt
quê quán đời xưa lóng lánh soi
nhón gót giữa trời đưa tay vói
rớt xuống lòng ta những mặt người

(Trần Thụ Ân)

 Thành thật mà nói, ba đoạn đầu tiên, tôi  nghĩ chúng là những đoạn thơ hay. Cái hay không phải bắt nguồn từ cảm nhận, nhưng từ những ý từ lạ, từ thi tứ đẹp, từ một thi tài biết vận công chữ nghĩa. “Rằng hay thì thật là hay/ Nhưng hay không phải  ngất ngây thế này…”:

Vâng ngất ngây như khi đọc đoạn cuối:

buổi tối nở đầy sao trong mắt
quê quán đời xưa lóng lánh soi
nhón gót giữa trời đưa tay vói
rớt xuống lòng ta những mặt người

Tôi thấy lại tôi qua từng ý, từng lời. Tôi thây những đêm trời sao, khi làm người lính núi:  đêm trên cao, sao như càng thấp lại, và trăm, ngàn, vạn vì sao hiển hiện. Có sao mờ. có sao sáng. Có sao băng, cho một người đồng đội vừa ngả xuống. Có sao ràn rụa, như màu lệ long lanh, có sao hun hút cô đơn, như người đầu non, cuối bãi, làm lính thú nhớ nhà… Và thêm nữa. Những vì sao nở khi một trái sáng, bắn lên từ dưới dất, hay một trái hỏa châu được thả xuống từ chiếc C123 để soi chiến trường nguy ngập. Trái sáng thì tắt nhanh, còn hỏa châu thì vùng ánh sáng òa vở, chói lòa, và từ từ tất dần. Nhưng cả hai, đều giúp cho những người lính đang bị vây khổn,  thấy  được hiện trường, và thấy cả những mặt người…

 Những mặt người ấy là ai?  là đồng đội của tôi. Là “Hảo, Chắn, Nai, Tài Xóc dĩa/ Là Sơn, Y Đao, Nay Lak, Ông Tướng, Bình Lò Heo, Nay Lat. Là Bầy diều hâu bỏ núi khóc òa…”

Bây giờ tôi mới hiểu sức truyền cảm của thơ quả là mạnh mẽ đến dường nào.

 (Link: https://tranhoaithu42.com/2014/08/07/rot-xuong-long-ta-nhung-mat-nguoi/)

Tôi cũng đã email anh với đôi dòng cảm tạ như sau:

 

Thưa anh Thư,

 Buổi trưa ăn cơm trong hãng có được ít phút lang thang trên mạng, đọc được phê bình của anh về bài “một ngày, một đời” thấy thật vui và cảm ơn anh rất nhiều.

Cùng lúc cũng đồng cảm với anh về những mất mát của những chiến hữu của anh, không gì thấm thiết hơn, buồn bã hơn.

 

Thưa anh,

Sẵn đây tôi cũng xin được ngỏ lời tri ân anh và tất cả những người lính đã chiến đấu cho nền tự do của Việt Nam Cộng Hòa.

Cá nhân tôi, may mắn được đi học ở Nhật từ 1970 đến 1980 không phải ra trận, gần gũi với cái chết như các anh.

 

Thưa anh Thư,

Thêm một điều, khi nghĩ về anh, trong đầu tôi lúc nào cũng có hình ảnh một người lái xe trong đêm, trên một đoạn đường dài, từ nhà đến thư viện  Cornell để thâu thập sách vở, văn chương miền Nam mà in lại và quảng bá cho người Việt trên toàn thế giới. Phải rất có lòng với chữ nghiã mới làm được điều này. Xin được hoan hô anh về công việc vô vụ lợi này.

 

Kính chúc vợ chồng anh nhiều sức khoẻ, mọi điều lành.

 

Thân kính,

Trần Thụ Ân

 

 

Thời chinh chiến với những đợt hành quân, những kỷ niệm cùng đồng đội... vẫn bàng bạc trong  thơ văn Trần Hoài Thư dù đã mấy mươi năm qua đi cho nên khi tôi được mời gửi bài cho Thư Quán Bản Thảo số 100 (9/2022), tôi đã gửi bài thơ “Lại chạm khoảng xa rồi” nói về những người bạn lính của tôi mà đoạn cuối viết cho thằng bạn thân vừa tử trận:

...

Riêng thằng Hưng đã xuôi tay

Trên quan tài xám nụ mai héo rồi

Nằm trong đất lạnh hỡi ơi

Có nghe kèn trỗi một hồi quốc ca?

Được tin tao bỗng khóc òa

Năm lon bia đắng không xoa dịu lòng

Tao ngồi chữi đổng hư không

Mầy nằm ngủ mãi giữa lòng Việt Nam

 

Hôm nay qua những dòng chữ này cũng xin từ giả anh Trần Hoài Thư, một người vừa nằm xuống và ngủ mãi giữa lòng người Việt Nam.

Cũng xin gửi anh bức tranh “Farewell” tôi vừa vẽ cho anh.

TH Thư 3

 

Trần Thụ Ân

(6/6/2024)



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc