NHỮNG THÁNG NHỮNG NGÀY ĐÃ QUA - Vũ Đăng Khuê

15 Tháng Tư 20237:54 CH(Xem: 494)

Những tháng những ngày…đã qua

Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
-------------------

Câu hát trong bài hát “Nương Chiều” mà thầy Lê Hồng Quang, trưởng nhóm thanh nhạc Cali tặng tôi và tặng mọi người vẫn văng vẳng bên tai trong Ngày Ghi Ơn Quốc Tổ vừa qua như đẩy tôi trở lại thế giới của tôi, đời sống riêng tôi, những  hình bóng của Nhóm Thanh Nhạc, những ca sĩ quen thuộc của cộng đồng di động trước màn hình đem cả dĩ vãng hiện về hiện thực. Ngồi ở nhà, nhưng cứ ngỡ như đang có mặt tại hội trường Sangyo Plaza(Tokyo), vì những tâm tình, những bài hát không dứt trải dài trong suốt mấy tiếng sau một thời gian khá dài tôi cách xa “ánh đèn sân khấu” và cũng ngăn sông cách trở với bạn ta vì dịch bệnh.

Những lo âu, phấn khởi cùng những mừng vui trong suốt thời gian từ lúc chuẩn bị cho đến lúc ra quân đã thật sự trôi qua, nhưng tôi tin rằng sẽ còn mãi trong tất cả. Bồi hồi nhớ lại từng khuôn mặt thân quen, tôi xuống bút ghi lại một vài cảm tưởng để  nhớ ông Tuấn và nhớ mọi người. Những chi tiết về Ngày Giỗ Tổ này đã được Huy Nguyễn ghi lại chi tiết trong bài viết ngay sau ngày “Ghi Ơn Quốc Tổ”. Có lẽ ông đã đọc. Tôi không nhắc lại.

Vượt qua những trở ngại, lấn cấn tưởng chừng không thể khi nghe tin ông Nguyễn Mỹ Tuấn đã ra đi ngày 13/3, nhưng vẫn trách ông Trời sao bắt ông đi quá sớm. Phải chi, giá mà ông còn trụ lại thêm một thời gian nữa thì “đỡ” cho tụi tôi quá. Bao nhiêu kế hoạch ông đề ra đã phải dứt ngang, tôi và mọi người vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng.

Cầm lòng không đậu, tôi đã tự nhủ phải thay thế ông,nhất định tiếp tục làm 1 phần chuyện dang dở mà ông để lại. Nhưng phải làm sao, làm thế nào lại là cả một vấn đề. Được tin có nhóm Thanh Nhạc Lê Hồng Quang có mặt tại Nhật Bản trong dịp hoa đào nở rộ, qua sự giới thiệu của Sơ Lang, tôi đã quyết định nhập cuộc và bàn với anh em Hiệp Hội, phải làm một việc gì đó trong dịp này.

Sau bao lần bàn qua hội lại, Với những hướng dẫn ông để lại, chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần (bắt đầu từ ngày 25/3). Anh em trong Hiệp Hội đã quyết định tổ chúc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với chủ đề “Mẹ Gọi Ta Về”vào ngày 9 tháng 4, theo đúng như chương trình mà ông đã soạn ra trước đó cả nửa năm.

Khổ tâm nhất là Hội Trường. Tìm đâu ra được một hội trường có đầy đủ “chất lượng” cho một buổi trình diễn? Tôi nhớ dạo văn nghệ, văn gừng năm xưa, chuyện hội trường là chuyện ưu tiên hàng đầu mà mình phải lo liệu trước ít nhất là 6 tháng. Sau bao lần lục lọi thì cậu Văn của Hiệp Hội đã tìm ra một Hội trường trình diễn rất ư là “chất” chỉ nằm cách nhà ga Keihin Kamata 3 phút đi bộ. Đẹp, đầy đủ mọi thiết bị âm thanh, ánh sáng. Xin có lời khen ngợi đến Văn và anh em đã tất bật lo chuyện này.

Xong phần hội trường, chủ đề, còn phần nội dung? Nhìn lại thực lực văn nghệ của xứ Phù Tang mà thấy lo thấy lắng. Bây giờ người Việt ở Nhật rất đông, nhân tài thì có khắp nơi khắp chốn, nhưng vỏn vẹn chỉ 2 tuần, làm sao mà chuẩn bị kịp, nhất là lại trùng vào Mùa Lễ Phục Sinh. Nghĩ thấy mà thèm, nhớ lại vào những lúc tôi còn cắp sách đi học năm 1972, 1973, 1974 trong các chương trình văn nghệ “Hát Trong Mùa Lá Bay với Thanh Lan, Phạm Duy”, “Cứu Trợ Nạn Lụt”, “Cứu Trợ Cô Nhi”..,và lúc bước vào cuộc sống ly hương suốt cả thập niên 80, 90 “đồng hành” với ban nhạc Sống Giang với cả  chục chương trình “Ghi Ơn Quốc Tổ” ngược xuôi Nam-Bắc. Nhân tài đâu mà nhiều thế.

Mượn chủ lực của nhóm Thanh Nhạc của thầy Lê Hồng Quang gồm 8 người đến từ Hoa Kỳ là chính và một chương trình rất phong phú được tuyển chọn từ những bài hát trong Trường Ca Mẹ Việt Nam - Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy, những bài hát của đời bố mẹ tôi, đời tôi,đời tôi, đời ông Tuấn và ngay cả đời nay cũng đều biết. Mỗi lần nghe là cứ thấy lặng người. Nó có gì tha thiết và da diết với những tâm hồn xa xứ.Tôi biết trưởng nhóm nhạc là thầy Lê Hồng Quang này cả 4, 5 năm trước, tôi mong và thầy Quang cũng mong gặp lại nhau. Cuối cùng tôi và nhóm đã hội ngộ. Không vui sao được.

Tôi bắt đầu réo gọi. 

Tôi gọi cho Thùy Linh, một cô gái trẻ từng đã cùng tôi đứng cùng sân khấu làm MC 5 năm về trước. Tôi réo chú Huy Nguyễn, một chú em ở Osaka đã từng cùng tôi góp mặt trong suốt mấy chục năm trời các chương trình văn nghệ từ bé đến lớn. Tôi kêu Trung Hiếu điều động chuyện xung quanh.Tôi huy động dàn ca sĩ trong nhà là mẹ cháu Tuyết Hương, Tuyết Phụng và Tuyết Nhung, rủ thêm Trần Quế Quang, Đỗ Duy Kha, 2 tay đàn rất vững.Có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Tôi la tôi hét, tôi điều động.

Với những phương tiện hiện đại, tôi chát, tôi chít, tôi viber, line, signal liên tục, nhắc nhở điều này, điều nọ. Chú Huy và những anh em tôi được tôi “chiếu cố” than trời như bọng: “Anh em dư sức qua cầu, anh đừng lo quá, hại cho sức khỏe”. Anh em biết tôi cũng “thân tàn ma dại” nên đã khuyên tôi như thế. Nhưng tôi vẫn còn khá bất an, vì tôi đã tạm xa cái không khí tưng bừng của những mùa văn nghệ cũng đã gần 25 năm. Không lo sao được.

Gần đến ngày cuối thì được thông báo sẽ có sự góp mặt của 2 nhân vật trẻ hát và đàn rất hay.Vậy là c/t văn nghệ năm nay sẽ là sự kết hợp của cả 3 thế hệ: thế hệ của tôi, của chú Huy, chú Hiếu và thế hệ của các cháu tính theo mốc thời gian đến Nhật.

Xong phần hội trường, nhân sự tham gia, chỉ còn phần tập dượt. Việt Nam ta thường nghe câu: “Hát hay không bằng hay hát”, nhưng tôi còn tham thêm một chút: “Hát hay vẫn hay hơn”. Tôi dặn dò:

“Phải “Giác ngộ” ngay từ đầu đây là buổi văn nghệ chỉ vỏn vẹn 2 tuần. Mọi người đều tự tập dượt trong tinh thần hồn ai nấy giữ”. Mail qua mail lại khiến hộp thơ tràn ngập, vẫn không đủ, rồi điện thoại viễn liên tới tấp để điều chỉnh, để sửa đổi. Chương trình thay đổi như chong chóng, Hết thêm, rồi bớt và...

Sự luyện tập, chuẩn bị đưa đến ngày trình diễn. Những chiếc phông được giăng lên, âm thanh được điều chỉnh, bàn ghế xếp “chỉnh chu”.

Trước giờ trình diễn, MC Thùy Linh, hồi hộp:

-        Chú ơi, con run quá. Con cố học thuộc những gì chú đã giao.

-        Cháu cứ bình tĩnh, trao đổi với Huy là dư sức tung hứng.

Ban tiếp tân, ban trang trí làm việc thật nhịp nhàng. Hội trường tổ chức sáng hẳn. ban văn nghệ với giờ tập dượt không bằng thời gian tàn một điếu thuốc đang chuẩn bị một buổi ra quân đầy khí thế. Lầu 5 của hội trường, tràn ngập những tà áo dài xanh, đỏ, tím, vàng của nhóm nhạc, của những cô, những bà thướt tha dập dìu trước mắt.

-        “Âm thanh, văn nghệ, dâng hương tế tổ, bô lão đã sẵn sàng? Ta bắt đầu khai mạc, đúng 1 giờ 30.”

Đúng giờ đã định, đèn hội trường từ từ mờ ảo, tiếng trống thôi thúc và lời nhạc hào hùng cất lên. MC Thùy Linh nói về “Ý Nghĩa Ngày Giỗ Tổ”,

Rồi đến lời chào của ban tổ chức, quan khách Nhật Bản. nghi thức dâng hương, phần tưởng niệm “ông Nguyễn Mỹ Tuấn, Hội Phó Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật”  được cử hành trong không khí trang nghiêm đầy cảm động.

“Ngày 13 tháng 3 năm 2023, lúc 10,30 tối. Ông Nguyễn Mỹ Tuấn, Phó Hội Trưởng Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật đã ra đi sau gần 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư bất trị.

 

Sinh thời, ông là một người Việt Nam với lòng yêu nước thuần khiết, đã đóng góp gần như cả cuộc đời cho việc xây dựng một đất nước, xã hội Việt Nam sao cho tốt đẹp hơn. Ông là nguồn cảm hứng để những thế hệ nối tiếp của Hiệp Hội bước tiếp con đường xây dựng cộng đồng người Việt tại Nhật ngày càng lành mạnh.

 

Sự ra đi của ông là một mất mát lớn lao không chỉ đối với gia đình, bạn bè mà đối với anh chị em Hiệp Hội. Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi cơn bàng hoàng. Những di sản mà ông để lại chắc chắn sẽ là nguồn động lực lớn để Hiệp Hội tiếp tục hoàn thành những ước vọng, dự định đã cùng nhau đề ra. Hôm nay, chúng tôi những người có mặt ở đây lắng lòng tưởng nhớ đến ông. Mong ông mãi mãi yên nghỉ.”

 

Chị Nguyễn Thị Hương, phu nhân anh Tuấn cùng với Huy, con trai anh Tuấn trong nước mắt ràn rụa,đã ngỏ lời cảm tạ đến cộng đồng đã ân cần chia sẻ nỗi mất mát quá to lớn này.

Tiếp nối là 30 phút tiệc trà thân mật thì chương trình văn nghệ đã diễn ra theo thứ tự:

-            Hẹn ước từ cõi hư vô (Phan mạnh Quỳnh) Tuyết Hương

-            Như vẫn còn đây (Phúc Trường) Tuyết Phụng – Tuyết Nhung

Chương trình của Nhóm Thanh Nhạc Lê Hồng Quang

 Mẹ Việt Nam & Mẹ Đón Cha Về (Phạm Duy)

Về Đây Nghe Em (Trần Quang Lộc)

Nương Chiều (Phạm Duy)

 Quê Nhà (Trần Tiến) Anh Đức và guitar list Nguyễn Gia Lễ.

Nhóm thanh nhạc

-            Nhớ Người Ra Đi (Phạm Duy)

-            Quê Nghèo (Phạm Duy)

-            Bà Mẹ Quê (Phạm Duy)

-            Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi (Phạm Duy)

-            Lối về đất mẹ (Duy Khánh) Huệ Lê

-            Cám ơn Tình Yêu (Huy Tuấn) Tuyết Phụng – Tuyết Nhung – Tuyết Hương

-            Tình Hoài Hương (Phạm Duy)

-            Chung khúc Việt Nam Việt Nam

Bản nhạc cuối cùng vừa kết thúc thì không khí hội trường như muốn vỡ tung vì tất cả đều muốn thời gian ngừng lại, những chào hỏi cuối cùng được chuyền khắp:
- Xong rồi ông đi đâu?
- Bao giờ mày về? Trời ơi bao giờ mới gặp lại đây?

Mọi người tụ tập nhóm năm nhóm ba.
- Đừng về nghe ông, đợi tôi ở dưới.
- Đợi ở đâu?
- Nghe nói Ban Tổ Chức có tăng 2 ở hội trường gần đây.
- Ông có đi không? Xin lỗi, nhà xa quá, ngày mai phải đưa bả đi bệnh viện. -
- Uổng quá!

--------------

Nhưng dù sao đi nữa cuộc vui chơi cũng phải có đoạn kết khi Thế Huy phát biểu:

BTC chúng tôi, xin cám ơn các anh chị đã cho chúng tôi một cơ hội để chúng tôi gặp gỡ, làm việc lại với nhau. Chúng tôi đã ôm ấp bao ưu tư lo lắng, nhưng bây giờ, giờ phút này đây, chúng tôi có thể tuyên bố: “Ngày Giỗ Tổ 2023 năm nay của chúng ta đã thành công mỹ mãn”Xin hãy bắt tay nhau và hứa với nhau rằng. Sẽ gặp lại nhau trong những lần sinh hoạt tới.

Tôi ghi lại cảm tưởng của một bạn trẻ thuộc thế hệ thứ 3, ngắn gọn nhưng “toàn cảnh”:

“Hôm qua mọi người vất vả quá rồi, chương trình chu đáo và thành công quá, khách khứa đông nghẹt, không khác chi mấy kì giỗ tổ trước đại dịch. Hi vọng các năm tới mình trở lại guồng hoạt động như thế này.”

Xong việc, mọi người lần lượt ra về. Chúng tôi chia tay nhau trong không khí ấm cúng của một mái gia đình, của cái tình đồng hương bàng bạc qua ánh mắt, nụ cười. Điều khiến tôi cảm động và cảm thấy rõ ràng nhất là tình cảm nồng ấm mà tất cả đã dành cho nhau.

Trong mịt mùng của đời sống, trong cái thể xác “thân tàn ma dại” của tôi, bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau đây? Riêng tôi thì luôn luôn nhủ lòng sẽ mãi giữ trái tim nồng cháy để chờ ngày tái ngộ, để cùng bạn ta mang lời ca tiếng nhạc, mang ân tình đậm đà vun xới cho cái tình đồng hương vừa tìm thấy lại.

Xin cảm ơn những tiếng hát, những câu “chuyện nở như gạo rang, chuyện dai như giẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách” với anh em lâu ngày gặp lại. Cám ơn nhóm nhạc Lê Hồng Quang, nhóm trẻ mà lần đầu tiên tôi được cùng làm việc, những cậu em chí tình, khi tôi “hô” một tiếng là “đáp” ngay….đã cho tôi được hưởng những phút giây ngập tràn hạnh phúc, đã cho tôi cơ hội cùng tham gia một chương trình rất dài với đầy đủ tình quê hương.

* * *

Đêm đó, được “mẹ cháu” dìu về nhà, với đầy cảm xúc, bồi hồi, tôi thiếp ngay đi trong giấc ngủ và mơ thấy hình như mình đang ở đâu đó trên quê hương, đang bước vào một khu vườn rộng rộn rã tiếng mời chào của các cô các cậu còn rất trẻ trông hao hao giống như ai đó đã từng gặp lúc ban chiều.

Tôi mượn tựa đề một bài hát “Cám Ơn Tình Yêu” của Tuyết Nhung-Tuyết Phụng để chân thành cám ơn quí bà con cô bác dù bận rộn trong mùa Phục Sinh, nhưng vẫn cố gắng thu xếp tham dự và một câu trong bài hát “Lời hẹn ước từ hư vô” mà mẹ cháu đã mở đầu chương trình văn nghệ để chấm dứt phần báo cáo này:

“Mình yêu nhau có trời đất biết”.

Đó là

Một tình yêu rất thiêng liêng, yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống.
Một mối tình tha thiết với quê cha đất tổ, vì

-  “quê hương tôi có con sông Đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn, lúa thơm cho đủ hai mùa…..”

-  “Tình yêu đây là khí giới, tình thương đem vào muôn nơi”

là những câu hát mà nhóm Thanh Nhạc đã đồng ca trong phần bế mạc.

Xin ngừng bút và cám ơn tất cả đã chịu khó đọc đến dòng chữ cuối cùng. . Ông Tuấn nhớ đọc luôn.

Vũ Đăng Khuê
(Tháng 4/2023)

nhóm lehquang nhóm thanh nhạc Lê Hồng Quang

ca sĩ lhq
3 tiếng hát "cây nhà lá vườn"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc